Khóa Thiền Vipassana

01/04/20185:33 SA(Xem: 12177)
Khóa Thiền Vipassana

KHÓA THIỀN VIPASSANA
Diệu Liên Lý Thu Linh

 

ngoi thien
Ảnh minh họa

Đối với một người theo truyền thống ‘thiền Tám phút’[1] mỗi ngày thì ý nghĩ đi dự một khóa thiền Vipassana 10 ngày là một điều chỉ lởn vởn trong tiềm thức, là tiếng gọi mơ hồ thúc giục, nhưng luôn bị đè ép xuống tận cùng trong sâu thẳm với bao lý do ‘xác đáng’ như không có phương tiện di chuyển; bận rộn thế này làm gì có thể bỏ cả 10 ngày mà đi tu thiềnthời gian ngồi thiền lâu quá ảnh hưởng đến sức khỏe thì khốn, vân vân và vân vân.

 Nhưng tháng tư này, chị tôi muốn đi dự khóa thiền đó. Từng là người hay hô hào cho mọi người trong gia đình hành thiền, mà giờ thối thác thì cũng kỳ. Vả lại tôi tự nghĩ là chị tôi có lẽ kinh nghiệm thiền tập chắc còn kém mình, mà chị còn dám đi ‘thử nghiệm’, thì mình không lẽ chối từ. Thế là tôi ghi danh, vì sĩ diện, vì tò mò, vì muốn thử sức…   Tất cả mọi lý do trừ đi là để quan sát thân tâm mình.

   Dầu gì đi nữa thì từ lúc ghi danh cho đến ngày lên đường cũng là một khoảng thời gian không bình lặng trong tâm hồn tôi. Thú thật, chỉ đọc bản nội quy, xem thời khóa biểu, thì một kẻ yếu bóng vía như tôi cũng bị ám ảnh đêm ngày. 

    10 ngày giữ im lặng.

    Không được dùng bữa chiều.

    Mỗi ngày ngồi hành thiền từ 8 – 11 tiếng (!!!). 

Tôi nghĩ phải là những người có ý chí sắt đá hoặc bạt mạng mới dám ghi tên dự khóa thiền này (dĩ nhiên, trừ những vị đã có thâm niên thiền tập).

 Tôi chỉ là kẻ đã phóng lao thì phải theo lao.

   Phòng ghi danh hôm nay rộn rịp bao thiền sinh cũ, mới lục tục đến ‘trình diện’, nhận phòng và để được giới thiệu đôi ‘tục lệ’ trước khi nhập gia. 

   Ngày 0: Chúng tôi được đón tiếp khá nồng hậu. Mỗi người được ở một phòng riêng, dầu diện tích khá khiêm tốn, nhưng đầy đủ tiện nghi, với nhà vệ sinh, phòng tắm riêng. Còn được phép nói chuyện cho đến tám giờ tối nay, nên ai cũng tranh thủ hỏi han nhau. Nhất là các thiền sinh mới, gặp thiền sinh cũ là hỏi kinh nghiệm vì sợ rằng mình không qua nổi 10 ngày ‘tập huấn’ này. Dĩ nhiên trong số đó có tôi. Lòng đầy âu lo, tôi kéo valise về phòng, có cảm giác như một sinh viên mới nhập trường, mà tương lai là 10 ngày dài trước mặt.

   Ngày 1: 4 giờ sáng, kẻng đánh thức vang rền. Tôi lăn trở trên chiếc giường chật hẹp, muốn kệ nó cho rồi, nếu không nghĩ tới gánh nặng của việc mình đang thụ hưởng ‘của đàn na tín thí’.  Căn phòng này, đèn nước, những bữa ăn, những giây phút được yên tĩnh ngồi thiền, những bài pháp thoạithời gian của hai vị thiền sư phụ giáo, thời gian, công sức của các vị thiền sinh tình nguyện giúp đỡ, phục vụ chúng tôi…  Tất cả đều là từ những đóng góp của các nhà hảo tâm, các thiền sinh cũ. Tôi nghĩ ngài Goenka thật là tâm lý. Nếu như chúng tôi phải đóng tiền khi đến đây thì tâm lý của người bỏ tiền mua dịch vụ sẽ không khỏi khởi lên trong những tâm hồn còn đầy tính toán này. Nhưng không tất cả đều miễn phí, thì làm sao dám không làm đúng theo những điều mình đã cam kết trong nội quy.

 Ngày 2: Những giờ phút ‘trăng mật’ qua đi nhanh chóng. Buổi sáng đầu tiên, sau một giờ thiền còn được tự do trở về phòng tự thiền hay nghỉ ngơi. Nhưng ngay buổi chiều đó là gần hai tiếng rưỡi phải có mặt trong thiền đường, với khoảng năm phút nghỉ giải lao giữa buổi. Và dĩ nhiên bắt đầu từ hôm nay, là sáng cũng như chiều cũng như tối, đều phải có mặt trong thiền đường, hành thiền, nghe pháp thoại, tổng cộng ít nhất là hơn tám tiếng. 

   Ôi, chỉ ngồi để thở mà sao cả người tôi nặng như đeo đá. Chỉ có một điều lạ là ngồi thiền ở nhà dù chỉ 10 phút thì tôi đã hôn mê hết phân nửa thời gianvậy mà ngồi trong thiền đường tối âm u này thì tôi thấy mình tỉnh thức làm sao. Không lẽ chỉ nhìn những tấm lưng thẳng như những bức tượng phía trước mặt khiến mí mắt tôi sợ đến nỗi không dám cụp xuống.

 Ngày 3: Ai đó bảo tôi, nếu qua được ba ngày, thì sẽ trụ được đến 10 ngày. Tôi nhớ hôm qua, tôi đưa mắt nhìn chị tôi thầm hỏi, ‘Chịu nổi không? Muốn về không?’. Tôi chỉ mong chị lên tiếng than phiền để tôi có lý do mà khăn gói ra về. Khó quá. Khổ quá. Tôi nhủ thầm. Đau chân, đau hông, đau mông, đau đầu… Bao nhiêu thứ đau. Rồi lại còn đói nữa chứ.  Ba buổi chiều nay với chỉ ly nước gừng, một trái táo, một trái cam, hình như mỗi tối, bụng tôi đều cồn cào lên tiếng. Tối tôi còn chiêm bao cả thức ăn. Ôi, tôi chỉ mong tìm được một lý do chánh đáng nào đó để ra về… Nhưng chị tôi mím môi, lắc đầu, mặt đầy cương quyết. Thiệt là thất vọng.

   Ngày 4: Ngày của Vipassana. Nghĩa là trong ngày này phải có ít nhất 3 lần.  Mỗi lần một tiếng ngồi với quyết tâm, không được thay đổi vị thế. Tôi nhắm mắt, và nghiến răng. Những cơn đau như bùng vỡ khắp châu thân. Chân của tôi hay là mớ bùi nhùi vô cảm? Vai tôi có phải đang gánh hàng nghìn tảng đá?  60 phút của thiên thu bất tận? Không lẽ nào thời gian đã ngừng trôi chảy?

   Ngày 5: Mỗi ngày hình như cuộc chiến của tôi càng thêm căng. Mỗi ngày tôi thấy hình như mình không thể vượt qua. Tôi đã tự xếp mình vào thành phần ‘bất hảo’, không dám so sánh với những thân hình dường như bất động trước mặt. (Bất hảo vì tôi hiểu những lần tôi trở mình thì trong thiền đường vắng lặng -im ắng đến độ dường như người ta còn nghe được hơi thở của nhau- làm lao xao tiếng động của chân tay rã rời, có thể làm động đến tâm của người bên cạnh). Tôi quay vào soi chính mình thôi. Hôm qua trong một tiếng thiền tập, tôi đã 15 lần chuyển mình đổi chân, hôm nay chỉ còn 8, 9 lần. Nhận ra như thế tôi thấy phấn khởi lên đôi chút, nhưng buổi tối nghe pháp thoại mới biết tôi đã sai, người ta không nên so sánh dầu với chính bản thân mình!

   Ngày 6: Cứ như cái máy đã được lập trình. Mỗi nửa giờ là chân tôi lại căng cứng. Hỏi tất cả chân, tay, đầu, mình, chúng đều than đau. Còn bao lâu nữa thì tiếng của ngài Goenka vang lên như tiếng kẻng báo giờ, như hiệu lệnh giải thoát? Còn bao lâu nửa thì tới đích? Vận động viên còn có cái đích để nhắm tới. 5 phút cuối. Nửa cây số cuối cùng. Tất cả đều là những tín hiệu để tăng thêm sức mạnh cho người trong cuộc đua. Nhưng thiền sinh thì không có cái đích, không được ngóng trông, chờ đợi. Cứ ngồi và buông xảBuông xảBuông xả.

 Ngày 7: Thôi bây giờ không còn nghĩ đến bỏ cuộc nửa, nhưng lại thay bằng tâm lý ngóng trông. Hôm nay còn bốn ngày, mai còn ba ngày, còn hai...  Gắng lên. Gắng lên. Tôi tự nhủ mình. Chấp nhậnChấp nhận. Tôi tự dỗ mình. Chấp nhận cái đau như một vô thườngChấp nhận để nghe nó rã ra nơi thân. Rồi lại đau. Rồi lại qua, mặc cho mấy cái dây thần kinh cột sống, L5, L6 gì đó của căn bệnh thần kinh tọa cũ, lại run lên bần bật như những sợi dây đàn dưới bàn tay nhấn nhá của người nghệ sĩ. Rồi cái đau như dồn kéo lại thành cục. Nặng nề. Trì kéo. Chấp nhậnChấp nhậnBuông xảBuông xả

   Ngày 8: Hôm nay hình như phép mầu đã xảy ra. Sáng nay sao sung sức vậy? Nhẹ nhõm quá. Không đau. Không bắt gặp mình chờ đợi tiếng ‘sư tử’ trở mình đánh thức thiền sinh bắng tiếng rống trầm ấm của mình. Có lẻ vì chỉ còn hai ngày nữa. Hai ngày nữa là tôi đã làm được điều tưởng chừng không bao giờ làm nổi: tôi đã trụ được 10 ngày của khóa thiền Vipassana.

   Buổi sáng tôi về phòng sớm. Đi thong thả từng bước. Đếm hơi thở trong từng bước chân. Trời xám nhưng không lạnh. Gió nhẹ. Mùi thức ăn từ nhà bếp thoảng trong không gian. Đến ngồi bên ghế đá. Mặt hồ nhỏ trước mặt lặng im, không dợn sóng. (Có phải Walden Pond của H.D.Thoreau?) Tiếng những chú chim gõ mỏ: cộp, cộp, cộp. Chiều, chiều, chiều, nghe vang vọng trong sự tĩnh lặng. Dưới chân tôi, một chú sâu đang co mình, ủ ấm. Một buổi sáng hạnh phúc tuyệt vời mà lâu quá rồi, tôi dường như không nhớ có một thứ hạnh phúc như thế. 

   Ngày 9: Hôm qua là ngày của thiên đàng.  Hôm nay lại rơi xuống địa ngục. Lại một giờ của thiên thu bất tận. Cũng giống như cuộc đời với những thăng trầm. Hôm qua thiền dễ dàng.  Hôm nay lại như rơi trở lại trạng thái của những ngày đầu. Không biết lúc nào thì tiếng thiền sư vang lên để chấm dứt buổi tọa thiền, cũng như không biết lúc nào thì tiếng gọi của tử thần nhắc đến tên ta. Hãy bình thản. Hãy nhắm mắt chờ đợi.

   Tối nay qua pháp thoại mới biết những điều tôi đã cho là nghịch lý, hay không cần thiết cho khóa tu như là sự im lặng thánh thiện, không ăn buổi chiều, không phải đóng tiền cho khóa tu, vân vân, là những điều thực tập mà ngài Goenka muốn chúng tôi trải nghiệm theo hạnh xả ly/xuất gia. Có thể nói giống như chúng tôi được tập tu trong 10 ngày này vậy. Giá mà được giải thích trước như thế, có lẽ tôi đã trân quý hơn những giờ phút giữ im lặng.  Tôi đã bớt háu ăn.  Tôi đã tinh tấn hơn …  Ôi, thôi đã muộn mất rồi!

   Ngày 10: Tâm chộn rộn. Thân chộn rộn. Chung quanh ai cũng chộn rộn chuẩn bị cho ngày cuối của khóa tu. Ai cũng hớn hở, vui vẻ vì đã vượt lên bao khó khăn, thử thách của bản thân để không bỏ cuộc. Mọi người đã được trò chuyện. 10 ngày im lặng.  Bao tâm tư dồn nén dường như được khơi mạch tuôn trào… Bây giờ thì chúng tôi đã được công nhận là những thiền sinh cũ, và với tư cách là người thiền sinh cũ, chúng tôi được ‘cúng dường’ để phần nào đền đáp lại những gì mình đã hưởng thụ từ những người đi trước. Mong là những người đi sau chúng tôi cũng được hưởng những tiện nghi mà chúng tôi đã được hưởng trong 10 ngày ở tại trung tâm thiền Vipassana của ngài Goenka.

Thay Lời Kết:

 Khóa tu của chúng tôi đã viên mãn. 10 ngày ở thiền viện Vipassana này sẽ là những ngày khó quên trong cuộc đời của mỗi người có mặt ở đây. Dầu chúng tôi có tiếp tục với truyền thống tu này hay không, chúng tôi vẫn nợ nhiều tấm lòng một lời cảm ơn…

 Trước hết là ngài Goenka, người trong suốt 20 năm qua, đã không mỏi mệt thành lập các trung tâm thiền; tổ chức những khóa học thiền như thế này ở nhiều nơi trên khắp thế giớiẤn Độ, Canada, Mễ Tây Cơ, Mỹ, … và mới đây nhất là ở Việt Nam. Dầu không được hân hạnh gặp ngài, nhưng sau 10 ngày, tiếng nói ồm ồm -mà lúc đầu làm tôi phát hoảng- của ngài khi hướng dẫn chúng tôi từng bước tọa thiền, khi xướng tụng các bài kinh đã trở nên quen thuộc một cách lạ lùng.

 Xin cảm ơn hai vị thiền sư phụ giáo, những người luôn có mặt bên chúng tôi những lúc hành thiền, chăm chú lắng nghe, giải thích nhiều thắc mắc của chúng tôi, cũng như kiên nhẫn chờ đợi không mỏi mệt sự trễ nãi dường như đã thành thông lệ của nhiều thiền sinh ở mọi buổi hành thiền chung. 

 Ngày đầu tiên, trong buổi sinh hoạt giới thiệu về trung tâm thiền cũng như nhân sự, cô gái trẻ, T.A, là người quản lý bên nữ, nói: “Chúng tôi có mặt 24/24 để giúp đỡ các dì, các chị em…”  Tôi đã mỉm cười hoài nghi. Nhưng những ngày sau đó, cô gái trẻ nhưng rất chững chạc, bản lĩnh đó đã là chỗ chúng tôi tìm đến với bất cứ lý do gì. 4 giờ sáng, T.A là người đi suốt dọc hành lang các phòng bên nữ để đánh kẻng kêu chúng tôi dậy. Mỗi giờ vào thiền đường, chính là T.A đi kiểm từng chiếc gối thiền còn trống, tất bật đi kêu gọi các thiền sinh đến trễ cho đến khi tất cả đã yên vị trên gối thiền, cô mới ngồi xuống gối của mình. Trưa khi mọi người tranh thủ ngủ nghỉ, cũng là T.A ngồi ở cửa thiền đường, sắp xếp để chúng tôi được vào gặp thiền sư vấn đáp. Phòng ở không ổn.  Toilet trục trặc.  Cần suất ăn đặc biệt buổi chiều.  Cần gặp thiền sư… Tất cả đều được T.A chu đáo giải quyết, nhanh chóng, trầm tĩnh. Xin cảm ơn T.A về những sự giúp đỡ này. 

 Và còn bao nhiêu người vô danh khác nữa. Những người lặng lẽ trong bếp chuẩn bị bửa ăn cho chúng tôi mỗi sáng, trưa, chiều. Những người dọn dẹp phòng ốc, người ghi danh, người in ấn… Và cuối cùng là xin cảm ơn chị tôi, về một lởi ‘rủ rê’ thiện lành.

 Xin cảm ơn tất cả. 

4/2011

[1] 8 Minute Meditation: Quiet Your Mind, Change your Life (8 Phút Thiền: An TâmChuyển Hóa Đời Bạn), Davich Victor.

 



[1]

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.