HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ! Mới hôm nào mà Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tiễn chân tôi ra sân bay đi Hà Nội để giảng cho trường Cao cấp Phật học tại chùa Quán Sứ, mà bây giờ đã gần đến ngày giỗ đầu của Hòa Thượng.
Những ba năm, mỗi trang lịch sử dần dần đi vào dĩ vãng, nhưng lại vướng đọng trong lòng tôi nỗi ngậm ngùi, tiếc thương; tiếc thương về một bóng hình, một bóng hình in đậm vào tâm hồn tôi và chắc chắn cũng khắc sâu vào tâm hồn của Tăng Ni và Phật Tử; cho dù trước giờ phúc giã biệt thân tứ đại trở về cõi an nhiên tự tại, Hòa thượng đã không để lại một lời.
Tôi nhớ rõ và thật sự súc động cái sáng sớm mồng 3 tháng 3 năm Giáp Tý ấy, lúc tôi đang ở tại chùa Quán Sứ, bỗng nhận được tin Hòa thượng đã vĩnh viễn ra đi và xa tất cả chúng ta.
Từ đó đến giờ vẫn trong hình ảnh "Nhạn quá trường gian, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chí ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm". Nhưng thật ra, bóng nhạn vẫn chập chờn với dòng sông và dòng sông đang gợn sóng theo bóng nhạn. Cảnh sắc sắc không không hàng ngày vẫn vơi đầy nhớ kẻ trồng cây.
Tuần qua, tôi lại nhận được thư của anh em ở các Phật học viện và Pháp tử của Hòa thượng ngỏ ý cùng nhau ghi lại một số tâm tình về Hòa thượng và đề nghị tôi viết cho lời Mở đầu để gọi là chút truy niệm ngày giỗ đầu của người đã khuất.
Thấy tinh thần của anh em, tôi hết sức mừng. Đây là điều đáng duy trì và phát huy. Tục ngữ ta có câu "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay "Uống nước nhớ nguồn". Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó cũng là quy luật đạo đức và đó cũng là hạnh nguyện lớn của hành giả trên bước đường tu đạo.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một trong muôn ngàn cách biểu lộ lòng biết ơn đối với những vị dày công đóng góp cho Đạo pháp, cho Dân tộc và ngay cả cho mỗi chúng ta. Ta thường nghe "Ngôn ngữ đạo đoạn". Lời sẽ hạn chế đạo, hình thức lắm khi cũng làm giảm thiểu ý nghĩa. Cảm quan ta, ngôn từ ta, sẽ lúng túng, vụng về trước tác phẩm của vạn vật, trước những công đức "hành vô hành hành". Nhưng có điều tôi cũng đồng ý với anh em "bất ngôn, thùy tri kỳ chi". Vì thế, càng viết càng thấm, càng thấm càng cảm, càng cảm càng thương, mối giao cảm sẽ tỏa ngời ánh sáng, tương quan liên hệ mật thiết như nước với nguồn, nguồn với nước, kẻ ăn trái người trồng cây có thể tiếp cận nhau, gặp gỡ nhau trông không gian đích thực của dòng sinh diệt, diệt sinh vẫn chung về một nẻo.
Có điều đáng làm tôi lo lắng, lễ giỗ đầu của Hòa thượng cũng đã gần kề, liệu chúng ta có thực hiện được như ý nguyện? Dù sao những cánh chim nơi mọi phương trời vẫn nhớ về tổ ấm, ta đã, đang và sẽ mãi mãi không quên một bóng hình đáng kính, đáng thương. Nhớ và tưởng niệm Hòa thượng trong niềm chân thành, với nén hương, với bình hoa đơn giản của nhà Thiền dâng cúng Hòa thượng. Ta mong ước như Hòa thượng từng ước mong "Sinh sinh dự Phật vi quyến thuộc, xứ xứ Bồ-đề kết thiện duyên".
Ngàn xưa và ngàn sau trăng vẫn sáng, có đâu "Trăng lặng về non không trở lại", đường về xứ Phật vẫn tỏa ngát mùi sen. Xuất phát từ ý thức này nơi cõi Lạc Bang, Hòa thượng cũng nở nụ cười hoan hỷ chúng minh lòng thành của tất cả chúng ta.
Huế, rằm tháng Giêng, Đinh Mão
Pháp lữ: Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
Cẩn niệm
(II)
Giờ đây, trước Giác Linh trang nghiêm của Cố Đại lão Hòa thượng, tất cả Tăng Ni Phật tử chúng ta đang còn mang nặng trong tâm tư nỗi niềm bùi ngùi xúc động, thương tiếc và tưởng nhớ một vị Cao Tăng, một bậc Thầy đạo hạnh cao thâm, chí nguyện kiên trì, trọn đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với cố Giác linh Hòa thượng, chúng ta tất cả những người đã gần gũi, những người đã thọ ân Pháp hóa, không ai không khắc cốt ghi tâm những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu vui tươi, những cái nhìn từ mẫn, những câu nói hiền hòa đậm đà đạo lý. Nên một khi nghe Hòa thượng viên tịch, tất cả Tăng, Ni và Phật tử nơi nơi không ai cầm được giọt lệ, như thấy mình đã mất một bóng cây đại thọ che mát, như thấy mình thiếu khát những giọt nước cam lồ, như thầy mình không còn nơi nương tựa. Sự xúc động, sự nghẹn ngào đã dâng trào khắp tất cả mọi hàng Tăng Ni, Phật tử.
Ở trong chùa, ở giữa đường, ở ngoài chợ, sau khi Hòa thượng viên tịch, tất cả đều nghĩ đến công hạnh lớn lao, chí nguyện cao cả của Hòa thượng đã ban bố cho hàng Tăng Ni, Phật tử. Nên đối trước công hạnh lớn lao đó, dầu có nói mấy cũng không cùng, dầu có tả mấy cũng không hết, nên chúng ta lắng lòng suy tư, lắng lòng nhớ tưởng, chúng ta mới thấy rõ được những nét cao siêu, những nét thâm huyền, những nét đạo hạnh nơi Hòa thượng. Hòa thượng luôn luôn phát nguyện rằng:
"Một lòng kính lạy Phật-đà
Đời đời con nguyện ở nhà Như Lai,
Con hằng mặc áo Như Lai,
Con ngồi pháp toạ Như Lai muôn đời".
Đó là một lời nguyện thâm sâu phát xuất từ kinh Pháp Hoa, với ý nghĩa nhà Như Lai là tâm Đại từ bi. Áo Như Lai là Nhất thiết pháp không. Đại từ bi là đại bi, nhu hòa nhẫn nhục là đại hùng, nhất thiết pháp không là đại trí. Hòa thượng đã lấy câu trong kinh Pháp Hoa làm chí nguyện cao cả của mình, suốt đời tuân theo, suốt đời hành đạo. Nhờ đó mà trải qua bao nhiêu việc làm của Hòa thượng đều mang một sắc thái đậm đà đạo lý, mang một sắc thái tự lợi lợi tha, ích đời lợi đạo.
Dù tuổi đời đã bảy mươi sáu, nhưng Hòa thượng vẫn mỗi buổi sáng dậy thật sớm: hai giờ rưỡi, uống nước, tắm rửa rồi đi vào chùa lễ Phật 108 lạy trên một giờ đồng hồ, rồi lại tiếp tục trì chú thêm một giờ đồng hồ nữa. Sự tu niệm chuyên cần đó không phải chỉ một ngày, hai ngày, mà luôn luôn hàng cả hai ba chục năm, không phải ở chùa mình mà bất cứ ở chùa nào, sáng nào cũng làm y như thế, không phải ở trong nước mà trong khi đi ra nước ngoài dự Đại hội, làm những việc Phật sự, Hòa thượng vẫn giữ công hạnh đó. Qua các công hạnh đó để thấy rõ rằng chí nguyện Hòa thượng sâu xa biết chừng nào. Nếu ngược lại, một chí nguyện mỏng manh hời hợt, thì làm sao thực hiện được một đạo hạnh thâm sâu lâu dài như thế. Một điều ấy cũng đủ cho tất cả hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta đời đời ghi nhớ, tất cả hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta đời đời noi gương Hòa thượng và kính lạy bao nhiêu lạy cũng không vừa. Huống chi Hòa thượng không phải chỉ nghĩ riêng việc lợi mình giải thoát, còn nghĩ tới việc hoằng đạo lợi sinh, dìu dắt Tăng Ni trên đường Chánh pháp. Hòa thượng từng tổ chức bao nhiêu Phật học đường: Linh Quang, Báo Quốc (Huế), Phổ Đà (Đà Nẵng), Hải Đức (Nha Trang), Già Lam (Sài Gòn), đào tạo những lớp Tăng Ni nhỏ, đào tạo những lớp Tăng Ni lớn. Hòa thượng đã đeo đuổi công hạnh đào tạo Tăng Ni của mình suốt bao chục năm trường không biết mỏi mệt.
Nhờ đức tính từ hòa, hoan hỷ, bao dung, ngồi với Hòa thượng thì Hòa thượng trở thành Hòa thượng, đối với thanh niên thì Hòa thượng trở thành thanh niên, đối với Tăng trẻ Hòa thượng trở thành người trẻ, đối với em bé Hòa thượng cũng nói chuyện vui vẻ như một em bé. Do vậy mà bao nhiêu năm Hòa thượng sống với Chúng Tăng không phải toàn là những người tu đạo lâu ngày, mà những người mới nhập đạo có, những người đi sâu trên con đường tu niệm có, những người mới phát tâm có, tính tình mỗi người mỗi nết, đức hạnh mỗi người mỗi cách, thế mà Hòa thượng bao dung được tất cả dưới sự nâng niu giáo dục của mình, không từ bỏ một ai. Người có khả năng, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng; người khả năng kém, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng kém, không để cho ai trở thành người vô dụng. Đó là một công đức lớn lao, một chí nguyện cao cả, một tấm gương sáng để hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta soi sáng noi theo muôn đời không hết.
Trong khi tổ chức giáo dục Tăng Ni, Hòa thựong đã có những cái nhìn xa thấy rộng, không phải chỉ gò bó trong một cách cổ xưa, mà nâng đỡ Tăng Ni, giáo dục Tăng Ni có những kiến thức, những đức hạnh thích hợp với hoàn cảnh, với thời thế để phụng đạo lợi đời. Hòa thượng đã từng khai mở đường lối đưa Tăng Ni đi thi để có những Văn bằng Tiểu học, Trung học, rồi bằng Đại học, đủ phương tiện để tuyên dương Chánh pháp. Không phải chỉ lo mặt tinh thần, Hòa thượng còn lo mặt vật chất cho Tăng Ni, đi đâu cũng mở những cơ sở kinh tế tự túc để cho Tăng Ni vừa làm vừa học, vừa nuôi sống thể chất, vừa nuôi sống tinh thần, để cho một người vừa có đủ cả hạnh, cả bi, cả thể, không thiếu mặt nào.
Hòa thượng cũng đã góp chung với tất cả đồng bào, thương yêu Tổ quốc, làm những điều mình có thể làm được, trải qua bao thời đại, cho nên khi nghe tin Hòa thượng viên tịch, không những chỉ những hàng Tăng Ni, mà Phật tử trong đạo cũng bùi ngùi xúc động. Cố lắng lòng ôn lại những ánh mắt từ hòa, những cử chỉ êm đềm và những tâm tư rộng rãi, quảng đại, chúng ta mới nhớ hết được những công đức cao dày, những công hạnh sâu xa của Hòa thượng, và cố noi theo công hạnh của Hòa thượng để thực hành bước lên con đường sáng suốt lợi mình, lợi đạo, lợi đời, chúng ta mới có thể báo đáp được công đức của Hòa thượng một phần nào.
Hôm nay trước linh đài trang nghiêm, hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta vô cùng thành kính để tưởng niệm công đức Hòa thượng, làm lễ ngày chung nhất, chúng ta cầu mong Hòa thượng Cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta Bà, để dìu dắt chúng ta bước thêm những bước dài trên con đường đạo.
Lời cảm niệm của Hòa thượng Thích Thiện Siêu
trong lễ chung thất Hòa thượng Thích Trí Thủ
20-4 năm Giáp Tý (25-5-1984).
(III)
Hôm nay, vừa đúng hai năm sau ngày Hòa thượng an nhiên quy tịch. Hai năm hàng Tăng Ni, Phật tử chúng tôi phải trải qua những ngày tháng trống vắng một bậc Cao Tăng, một vị thầy đạo hạnh tôn kính, có dáng mạo đoan nghiêm, đạo phong thanh thoát, thái độ ân cần thân mật, hoan hỷ, bao dung, có nụ cười ấm mát tươi vui, biết quý người có học, có đức nhưng không khinh chê người kém cõi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không phân biệt việc lớn việc nhỏ, miễn thấy có lợi cho đạo cho người, ứng hợp với lòng từ bi thì không hề từ chối. Không ưa sống cuộc sống riêng lẻ cô tịch mà ưa sống hòa mình vào đời sống của đại chúng để dìu dắt họ, sống giữa Chúng Tăng đông đảo, cùng ăn với họ, thậm chí có khi đi tắm biển, đánh ping-pong với họ, nhưng không vì vậy mà làm mất vẻ uy nghi, phai mờ đạo hạnh, bỏ lơi thời khóa biểu tu trì, vun bồi đạo nghiệp.
Đã sẵn mang hoài bão thừa Như Lai sứ, nên hễ gặp Phật sự gì đòi hỏi, Hòa thượng đều sẵn sàng vui vẻ gánh vác, không luận chức vụ gì. Khi làm Trú trì, khi Giáo sư, Giảng sư, Thư ký, Hội trưởng. Khi Viện trưởng [1], khi Chủ tịch [2], nhưng không hề có sự mâu thuẫn giữa chức vụ này với chức vụ kia, vì trước sau trong tâm tư Hòa thượng cũng chỉ đeo đuổi một mục đích chí nguyện hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh, thương yêu Tổ quốc đồng bào với tinh thần vô ngã vị tha, với hạnh Phổ Hiền, thượng cầu hạ hóa, với đức tính tịnh mà không trầm, động mà không loạn, ở trên người mà không thấy nặng, ở dưới người mà không thể khinh, Hòa thượng đã hiến trọn đời mình cho Đạo pháp, cho Dân tộc, cho nhân loại, cả trong nước lẫn nước ngoài theo lời thệ nguyện mà Hòa thượng đã nêu cao từ trước:
"Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Phổ Hiền hạnh cả nguyện đừng sai.
Biến thân cát bụi thần thông hiện,
Chữa bệnh trầm kha khắp mọi loài."
Kính bạch Giác linh Hòa thượng,
Hôm nay, trước Bảo tháp uy nghi, Giác linh tịch mặc, chúng tôi đồng tâm kính thành tưởng niệm, ngưỡng mong Giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.
Lời cảm niệm trong ngày Đại tường 1-3-1986.
Chú thích:
[1] Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN trước năm 1975.
[2] Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN sau năm 1980.
(IV)
Hòa thượng họ Nguyễn húy Văn Kính, Pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ, sinh ngày 19 tháng 09 năm Kỷ Dậu (1909) tại Trung Kiên, Quảng Trị. Mười bảy tuổi xuất gia, hai mươi tuổi thọ Cụ túc giới, tự pháp đời thứ 43 phái thiền Lâm Tế.
Với chí nguyện thượng cầu hạ hóa, Hòa thượng là một trong những vị đi đầu trong các cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Mở nhiều Phật học viện, trùng tu nhiều Phạm vũ, khai sơn Quảng Hương Già Lam. Mở nhiều Đại giới đàn và phiên dịch giảng giải kinh, luật luận. Hòa thượng không ngừng tiếp dẫn hậu lai cho Tăng tín đồ được nhờ ơn Pháp vũ, xuất thế tinh chuyên đã vậy. Nào quên nhập thế độ sanh, dẫu tuổi già chẳng ngại dấn thân, hạnh Phổ Hiền lợi đời lợi đạo, biết sự thế lắm phen khe khắt. Tâm hồn luôn hoan hỷ bao dung, mãn cơ duyên chuyển thân tứ đại trả về đây. Song thọ Ta-la chúng sinh đồng truy niệm.
Như thị chân như thị huyễn.
Như thị công đức trang nghiêm.
(Hòa thượng viên tịch ngày mồng 2 tháng 3 năm Giáp Tý (1984). Tháp bia hoàn thành ngày 19- 9 năm Ất Sửu -1985).
Thất chúng đệ tử phụng lập
Kính ghi: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU.