- Lời Mở
- Bạt
- Vài Cảm Nghĩ
- Chương Một Nẻo Về Chân Tâm
- Chương Hai Về Đất
- Chương Ba Cõi Người Ta
- Chương Bốn Bụi Giữa Đời
- Chương Năm Nhập Cuộc
- Chương Sáu Một Cuộc Cờ
- Chương Bảy Chốn Dại Khôn
- Chương Tám Cỏ Và Hoa
- Chương Chín Rỗng Lặng
- Chương Mười Tiếng Vỗ Một Bàn Tay
- Chương Mười Một Bốn Người Bạn Đồng Hành
- Chương Mười Hai Quán Trọ Thân Tâm
- Chương Mười Ba Dáng Vẻ Thời Gian
- Chương Mười Bốn Cầm Chầu
- Chương Mười Lăm Hát Đồ Khay
- Chương Mười Sáu Nợ Ân Tình
- Chương Mười Bảy Đời Cung Nữ
- Chương Mười Tám Lửa Tình
- Chương Mười Chín Bụi Tình
- Chương Hai Mươi Chuyển Hóa
- Chương Hai Mươi Mốt Lạc
- Chương Hai Mươi Hai Miền An Trú
- Chương Hai Mươi Ba Hành Giả
- Chương Hai Mươi Bốn Đạo Giữa Đời
- Chương Hai Mươi Lăm Bến Đợi
- Chương Hai Mươi Sáu Bờ Bên Kia
- Chương Hai Mươi Bảy Duyên Tu
- Chương Hai Mươi Tám Tu Giữa Bụi Trần
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006
Vài cảm nghĩ viết vội về truyện dài
TU BỤI
của
Trần Kiêm Đoàn
Tôi có duyên được đọc truyện dài Tu Bụi của Trần Kiêm Đoàn ở dạng bản thảo chờ in. Từ khi “download file” được cuốn truyện do cô Đặng Lệ Khánh chuyển qua hệ thống điện thư vi tính, tôi miệt mài đọc cho hết cuốn truyện. Nói chung là một truyện dài thú vị từ đầu tới cuối. Truyện kể về một thời điểm cụ thể (đời vua Gia Long và Minh Mạng) về những con người cụ thể; tuy hư cấu nhưng lại gắn với những nhân vật có thật nên trở thành như thật (giống như Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung vậy.)
Truyện viết theo lối viết chương hồi phù hợp với bối cảnh lịch sử giống như Hoàng Lê Nhất Thống Chí , hay loại truyện tàu Tam Quốc Chí, Thủy Hử, truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ở đây có một điều khác xa với truyện chương hồi nói trên là mỗi chương có một tiêu đề ngắn gọn hầu hết là những vấn đề liên quan đến Tu, đến Thiền và những cõi miền triết lý đạo Phật. Có 28 chương thì có 28 tiêu đề dẫn người đọc dần dần đến một chương cốt yếu của truyện dài: “Tu giữa bụi trần” hay nói một cách gẫy gọn hơn, theo ý tác giả, là Tu Bụi.
Mặc dầu tiêu đề của mỗi chương là các vấn đề liên quan đến Đạo Phật nhưng nội dung của truyện lại rất hấp dẫn với các tình tiết có khi nhẹ nhàng, có khi đầy “kịch tính” qua sự chuyển biến bất ngờ mà người đọc không thể đoán ra được kết cục như lối viết truyện trinh thám. Như trong hai chương Nhập Cuộc và Một Cuộc Cờ. Sự xuất hiện rồi biến mất; rồi xuất hiện lại của nhân vật Hàn Kỳ Vương thật là sự phiêu du thú vị đầy tưởng tượng và suy tưởng. Rồi trong chương 26, Bờ Bên Kia, với trận đấu sinh tử giữa Phạm Xảo và Trần Minh là một tuyệt xảo của lối dẫn truyện tài tình và đưa diễn biến câu chuyện đến đỉnh điểm, rồi kết thúc bằng cái chết của Phạm xảo rất nhân văn. Những diễn tiến tình huống “kịch” như thế lại diễn ra không kịch một tí nào như các chương Nợ Ân Tình, Lửa Tình. Sự xuất hiện của Ba Gấm trong đời của Trí Hải qua một tình huống lạ lùng đã được dẫn dắt với một bút pháp đầy chất thơ.
Sự xuất hiện của các vị sư Trúc Lâm từ đầu câu chuyện; và sự xuất hiện của Thầy Tiều giữa truyện, rồi đi suốt câu chuyện đã ghi ấn tượng vừa sâu, vừa đậm về đạo lý và triết lý. Ở những thời điểm khó khăn của Trí Hải, tư tưởng hóa giải của đạo Phật đã giúp giải quyết các gút thắt trong đời sống cũng như giúp cởi trói dần dần cho Trí Hải thoát ra khỏi cái áo đời chật chội đầy dính mắc và chấp trước. Trí Hải, vô hình chung, tiến dần đến với tự tánh chân như bằng cái tâm rỗng lặng. Từ đó, nhận ra Tánh không để trở lại đời thường hành Đạo. Diễn tiến tâm lý nhân vật tiệm tiến theo thời gian và sự việc rất tự nhiên như nó vốn có
Cuối câu chuyện, độc giả chứng kiến 3 cái chết:
Cái chết đầy chất thơ bi tráng của Phạm Xảo vừa như một lời sám hối muộn màng, vừa là việc đi trọn con đường của một vị tướng vào sinh ra tử nguyện lấy cái chết để nuôi dưỡng cái tâm của một cuộc sống mới.
Những cái chết xót xa đầy lý tưởng “vì nghĩa quên mình” của Ba Gấm và Thầy Tiều là biểu tượng làm dấu nhấn cho việc Tu Bụi giữa đời, đem cái Tâm Giác Ngộ để xả kỷ hành thiện theo lối hành trì bố thí Ba La mật mới cao cả làm sao.
Độc giả còn bắt gặp những đoạn văn nghiên cứu sâu sắc đậm chất tri kiến bác học mới lạ viết về nghệ thuật cờ tướng, về trà đạo, về cây kiểng đượm mùi thiền, về thư pháp như một dòng chảy tài hoa, về nghệ thuật hát bội và cầm chầu như nỗi đam mê đầy cảm tính nghệ thuật, về đời sống cung nữ và học nô bi hài trong nội cung triều Nguyễn, về những lễ nghi triều đình đã bị phôi pha quên lãng với thời gian. Tác giả mượn lời của các nhà sư để viết ra những lý giải đầy tính thuyết phục về Triết lý đạo Phật, những kiến giải minh triết về Thiền tập, phá chấp và tánh Không.
Nói chung, truyện dài Tu Bụi có nhiều điều hấp dẫn cả về cốt truyện, về nhân vật và triết lý Phật giáo. Tất cả hòa quyện nhau nhuần nhuyễn dưới ngòi bút chín tới của Trần Kiêm Đoàn.
Lê Duy Đoàn
Việt Nam, tháng 6 năm 2006