- Lời Mở
- Bạt
- Vài Cảm Nghĩ
- Chương Một Nẻo Về Chân Tâm
- Chương Hai Về Đất
- Chương Ba Cõi Người Ta
- Chương Bốn Bụi Giữa Đời
- Chương Năm Nhập Cuộc
- Chương Sáu Một Cuộc Cờ
- Chương Bảy Chốn Dại Khôn
- Chương Tám Cỏ Và Hoa
- Chương Chín Rỗng Lặng
- Chương Mười Tiếng Vỗ Một Bàn Tay
- Chương Mười Một Bốn Người Bạn Đồng Hành
- Chương Mười Hai Quán Trọ Thân Tâm
- Chương Mười Ba Dáng Vẻ Thời Gian
- Chương Mười Bốn Cầm Chầu
- Chương Mười Lăm Hát Đồ Khay
- Chương Mười Sáu Nợ Ân Tình
- Chương Mười Bảy Đời Cung Nữ
- Chương Mười Tám Lửa Tình
- Chương Mười Chín Bụi Tình
- Chương Hai Mươi Chuyển Hóa
- Chương Hai Mươi Mốt Lạc
- Chương Hai Mươi Hai Miền An Trú
- Chương Hai Mươi Ba Hành Giả
- Chương Hai Mươi Bốn Đạo Giữa Đời
- Chương Hai Mươi Lăm Bến Đợi
- Chương Hai Mươi Sáu Bờ Bên Kia
- Chương Hai Mươi Bảy Duyên Tu
- Chương Hai Mươi Tám Tu Giữa Bụi Trần
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006
CHƯƠNG BA
Cõi Người Ta
Trời chưa sáng hẳn, trên lối vào Thái ấp đã sáng rỡ đèn đuốc của toán thân binh bộ Lễ chuẩn bị võng lọng đến rước hoàng thân Trí Hải vào cung. Sáng hôm nay là ngày trọng đại, ngày “chuyển cữu” để tiễn đưa linh cữu của vua Gia Long đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Thiên Thọ Lăng. Nơi đây được gọi là “Huyền cung”, vương cung của thiên tử sau khi chết. “Thiên tử cung” là cách nói trang trọng đầy tính lễ nghi về việc đưa đám nhà vua mà mọi bước tiến hành đều nhất nhất theo đúng các chi tiết ghi trong sách Hội điển và Thọ Mai Gia Lễ.
Trí Hải khoác bộ áo quần lễ tang, bước lên võng đợi sẵn trước cửa tư dinh. Vốn đã quen với Lễ nghi đưa rước rườm rà nhưng Trí Hải vẫn có cảm giác là lạ khi nhìn màu sắc đen trắng u buồn nhuộm màu sáng mờ, lu lắt trong ánh đèn lồng và sương sớm. Không nghe tiếng nói cười mà chỉ nghe tiếng thở phì phò và giọng nói rỉ tai thì thào của nhóm khiêng kiệu. Từ ngày vua “băng”, từ triều đình đến dân chúng trong cả nước cấm không được tổ chức hát xướng, hội hè vui chơi hay làm lễ cưới hỏi và không được mặc quần áo màu đỏ, màu vàng chói lọi, sặc sỡ. Các quan chức từ trong triều đến ngoài quận, phục sức màu xanh, màu trắng, màu đen. Tất cả đều tránh phục sức hay trang trí bằng những màu vui tươi, nhất là màu đỏ và màu vàng. Cũng thế, chiếc võng thường lệ trải nệm nhiễu điều, trên có mui che bằng giấy bọc gấm xanh hay lam, hai bên hông che hai rèm đỏ điểm hoa văn màu vàng kim nay được đổi lại hai màu đen trắng. Hai chiếc đèn lồng đi trước, đến cái võng do hai người khiêng và hai người phụ công đi kèm để đổi vai. Hai bên tả hữu có hai người cầm hai cái lọng xanh. Cặp lọng linh động che mưa che nắng có gía trị trang trí hơn là thực tế. Đi theo võng lọng là một người hầu tay phải ôm cái tráp khảm, tay trái xách cái điếu ống khảm. Người lính sau cùng mang đôi chấu võng. Đoàn lính đưa rước võng gồm 10 người nầy làm việc nhịp nhàng quanh năm. Những động tác lập đi, lập lại nhuần nhuyễn đến độ họ không cần hở miệng nói với nhau một lời nào, sợ làm kinh động đường quan; nhưng từ khi rước đến khi thân chủ rời khỏi võng, sự phối hợp nhịp nhàng biến mười người thành một khối.
Càng gần đại cung đình, nơi đặt quan tài của vua, các đám rước võng lớn nhỏ xuất hiện càng nhiều. Người ngoài, chỉ nhìn đám rước võng cũng biết được vị chủ nhân trên võng là quan lớn hay quan nhỏ.
Trí Hải chưa kịp xuống võng, quan tham tri bộ lễ đã đích thân đến rước vào nhà đám vì phái đoàn người Pháp tham dự tang lễ vua đã có mặt, cần có người biết tiếng Pháp để giao dịch và tiếp rước cho đúng lễ nghi.
Sự hiện diện của người Pháp bên cạnh Nguyễn Vương trong cuộc chiến đấu chống Tây Sơn vừa là một thế lực, một chỗ dựa mà cũng vừa là mối đe dọa chỉ mới hiện ra còn xa vời nhưng đã dấy lên ở cuối chân trời. Sau cuộc Cách Mạng 1789, nước Pháp có những vấn đề nội bộ cấp thiết cần phải đương đầu. Thế lực viễn chinh bằng quân sự còn ở trong giai đoạn phôi thai, nhưng thế lực thăm dò, tiền trạm và giao lưu đã năng nỗ lên đường và thẩm nhập Việt Nam từ Đàng Ngoài cho đến Đàng Trong. Gần 20 năm trị vì, vua Gia Long đã cầm chân người Pháp bằng cung cách ngoại giao mềm dẻo như một cử chỉ thiện chí hàm ý đền ân đáp nghĩa. Triều đình Huế dưới thời vua Gia Long mở cửa, nhưng chỉ là mở hé, cho các hoạt động buôn bán, truyền đạo và ngoại giao của người Pháp trên đất nước Việt Nam.
Trí Hải có một vị trí đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử và xã hội rất tế nhị và phức tạp vào buổi đầu xây dựng triều Nguyễn ở kinh đô Huế.
Hơn hoàng tử Cảnh 10 tuổi, lại là người cùng huyết thống, Trí Hải được theo chân vị đông cung thái tử tương lai nầy như một người chú, một người bạn, một người chăn giữ, một người hầu cận. Năm 1784, khi giám mục Bá Đa Lộc được sự ủy quyền của Nguyễn Ánh mang hoàng tử Cảnh sang Pháp, Trí Hải cùng đi theo. Khác với Nguyễn Phúc Cảnh được uốn nắn, đầu tư và giáo dục trong khuôn mẫu của nền học vấn tăng lữ Âu Châu để sau nầy về làm vua, Trí Hải được học ngôn ngữ và văn hóa Pháp để làm người. Hoàng tử Cảnh, một cậu bé 5 tuổi ngây thơ và hiền từ ngoan ngoãn. Trí Hải, một người trai trẻ ở tuổi dậy thì nhìn thế giới qua những hành lang lộng gió trên boong tàu và qua những khung cửa của lâu đài đóng kín.
Hơn ba năm ở lại Pháp, vai trò ban đầu của Trí Hải đối với hoàng tử Cảnh hoàn toàn bị đảo ngược. Thay vì là người gần gũi để chăm lo cho Cảnh, Trí Hải đã trở thành vật vướng chân trước sự xếp đặt của những người giám hộ muốn giáo dục một ông vua tương lai của nước Nam theo một mô thức nào đó không đi ngược quyền lợi của Đại Pháp. Bởi vậy, mỗi ngày người ta khéo léo tách rời hoàng tử Cảnh và Trí Hải càng lúc càng xa.
Tại Paris, trong khi Cảnh được dạy dỗ trong những học viện quý tộc thì Trí Hải được gởi vào các trường học chung chung của giới con em bình dân lao động. Sau giờ học, Cảnh phải đọc sách khai tâm được tuyển chọn cẩn thận thì Trí Hải tha hồ đọc sách báo gì tùy thích. Cảnh được chăm lo từng đường đi nước bước thì Trí Hải được chạy nhảy theo đám con nhà bình dân tận các hang cùng ngỏ hẽm. Trong những lần theo phái đoàn chờ chực để vào yết kiến vua Louis XVI và ra mắt hoàng hậu Marie Antoinette ở điện Versaille, hoàng tử Cảnh được chuẩn bị cẩn thận từ bộ mặt nghiêm trọng đến mũ áo nhiều lớp nhiếu tầng cho xứng mặt ông vua con An Nam, Trí Hải được đi theo như một bóng mờ không ai để ý. Hình ảnh nguy nga, lộng lẫy của cung điện Versaille và lối sinh họat vương giả, quý tộc của giới vua chúa ở khung cảnh vàng son đầy quyền lực nầy hiện ra như một thế giới hoàn toàn khác lạ với đời sống bình dân thợ thuyền lao động trong những khu nhà ổ chuột, trong những con hẽm còn đầy bóng tối của kinh đô nước Pháp nầy.
Cuộc sống cung đình Pháp thời tiền Cánh Mạng 1789 bao quanh bởi ba lớp thành trì được xây dựng bằng những chất liệu của thế quyền và thần quyền đầy tính huyền thọai từ thời trung cổ và viễn chinh : Hoàng tộc, quý tộc và tăng lữ. Nghe những câu nói đầy từ ngữ cao sang và những ẩn dụ bóng bẩy trong lối nói xưng tụng của giới quý tộc như chuyện thần tiên thời cổ, Trí Hải cảm thấy đời sống nơi đây giông giống những trái mít đã ruỗng cùi ở quê nhà. Lớp vỏ vàng óng thơm tho bên ngoài giúp che đậy tạm bợ những lớp xơ và múi không còn sức sống tinh túy tỏa chiết và níu kéo từ bên trong, chỉ đong đưa chờ ngày rụng xuống.
Những dấu hiệu phản kháng, những tiếng gào kêu đòi cuộc sống, những sự bức xúc tập thể sôi sục bên ngoài có vẻ như không thẩm thấu qua được những lớp thành trì kiên cố xây bằng chất liệu quyền uy, kiêu hãnh và mặc nhiên của thế lực cầm quyền.
Từ một cậu bé lớn lên trong giai đoạn lịch sử chuyển mình chấm dứt cảnh Nam Bắc phân tranh bằng sự đương đầu quyết liệt giữa hai thế lực Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Trí Hải được thụ nhận và trưởng thành thêm với luồng gió mới của Âu Châu.
Trước mắt người Pháp, Trí Hải là một mẫu người đầy thu hút và thú vị trong cung cách giao thiệp. Với bản chất trầm mặc và sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa truyền thống Á Đông, Trí Hải được học hỏi thêm về văn chương, văn hóa Âu Tây. Đặc biệt về con người, Trí Hải được tiếp cận với giới trẻ, giới bình dân thợ thuyền lao động và luôn cả giới quý tộc, tăng lữ Pháp ngay trên đất nước của họ. Bởi vậy từ trong cách nói, lối suy nghĩ và điệu sống là cả một tổng hợp hài hòa giữa con người và hoàn cảnh xã hội un đúc nên.
Được gặp lại những người Pháp một thời quen biết trong phái đoàn đến tiễn biệt vua Gia Long, Trí Hải có dịp giới thiệu cho họ những gì tiêu biểu trong lễ nghi tang tế của hai nhánh văn hóa - văn hóa dân gian và văn hóa cung đình - trong cùng một dòng văn hóa Việt.
Một cung điện thu gọn bằng giấy nằm trên đoàn thuyền mấy chục chiếc che gần kín cả dòng sông. Từ văn khố bút mực của nhà vua đến thành trì, cung điện, đồ dùng hàng ngày từ lớn đến nhỏ đều được mô phỏng hoặc dùng nguyên gốc đều được xếp lên hơn ba chục chiếc thuyền. Thuyền rồng - Long Châu - mang quan tài của nhà vua (đại thắng dư) nổi bật nhất với màu đỏ và hoàng kim rực rỡ.
Các đình thần và quan chức nào được đi đưa đám vua thì tên họ phải được ghi rõ ràng trong danh sách của Bộ Lễ. Phủ Tôn Nhơn của Hoàng Tộc cũng phải lập một danh sách tương tự như thế cho các tôn tước.
Sau lễ An Huyền Cung, nghĩa là đã mai táng xong, là lễ hỏa thiêu tất cả đồ dùng hàng ngày của vua, kể cả hai chiếc thuyền rồng, một của vua dùng khi còn sống và một là thuyền rồng chở quan tài của vua.
Một năm sau ngày vua mất là lễ tiểu tường và năm tiếp theo là lễ đại tường, tức là lễ mãn tang.
Sau đám tang vua, Trí Hải về lại tư dinh. Chưa vào tới cửa ngõ, đã nghe ông già Phạm Xảo dùng chiếc đũa tre gõ nhịp trên thành chén sứ, hát nghêu ngao mấy câu thơ của ai nghe thật thân quen:
Công hầu bá đế trăm năm trắng,
Phú quý vinh hoa một giấc vàng.
Thấy Trí Hải, ông ta hỏi ngay:
- Hoàng thân, người ta chôn nhiều bạc vàng châu báu theo vua lắm phải không?
Trí Hải trả lời:
- Nhiều thứ lắm. Nhưng đó là lề thói xưa nay của hàng vua chúa, có gì đáng thắc mắc đâu.
Ông lão nhìn trống không và nói lời hờ hững:
- Rồi cũng tay trắng như nhau, cũng “thân như ánh chớp có rồi không" thôi!
Trí Hải xòe tay như cố tìm một cái gì xa xôi không hiện hình trong đó:
- Dù tránh hay tìm thì cái không vẫn nằm sẵn trước mắt!
Lão già thể hiện nỗi vui trong giọng nói:
- Phải rồi, cái không! Thầy tôi ngày trước cứ giảng đi giảng lại hoài cái Không và Vô Ngã. Thầy kể rằng, cái không là một báu vật vô giá phải tự mình tìm lấy và tìm thấy, kho tàng của cải không mua được. Ngày trước, Tần Thủy Hoàng cố đem cái Có tầm thường giữa cuộc đời để mua cái Không siêu tuyệt của hàng đại trí nên đâu đủ vốn liếng mà mua. Trần Nhân Tông đem cái Không giữa trần đời để mua cái Không trong chân tâm nên người đời nghĩ rằng ông ta mua được. Cho đến bạc đầu, tôi vẫn nhớ nằm lòng giọng Thầy giảng sách dưới trăng, rằng, cái Tâm Không mới chính là bản ngã siêu tuyệt của con người. Cái không là báu vật mang đến sự an lạc vĩnh hằng. Tần Thủy Hoàng có Vạn Lý Trường Thành, dùng bạo lực để xây dựng đại vương triều, cung vàng điện ngọc; nên cái tâm vắng bóng. Khi cái tâm vắng bóng thì cũng như kẻ nghèo cháy túi, sống còn chưa đủ, lấy gì để mua vật báu trên đời. Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng như bỏ đôi dép cũ nên cái tâm hiển lộ. Cái tâm là nguồn vốn duy nhất để ông mua được cái Tâm Không, làm chủ một vùng trời an lạc.
Trí Hải vui vẻ góp lời:
- Tôi chẳng biết nhiều về Đạo Phật, nhưng có tìm hiểu chút ít về Kinh Thánh của đạo Gia Tô cũng như chút ít về đạo Phật. Tôi có cảm tưởng như khi con người không có đáp số về một ẩn số lớn nhất của đời sống thì phải dựa vào niềm tin tôn giáo để lý giải và tìm chốn an trú cho mình.
Phạm Xảo thắc mắc:
- Cái ẩn số lớn nhất đó là gì?
- Là nguyên nhân hay nguồn gốc đầu tiên của sự sống và nơi an nghỉ sau cùng của kiếp người, của phần tâm linh không có sắc tướng - nếu tin rằng, mỗi người đều có “một cái gì đó” vẫn còn tiếp diễn sau sự chết - từ đâu mà có và đâu là chốn tận cùng vĩnh viễn của sự ra đi mà cũng là sự quay về.
- Thế cái ẩn số lớn nhất đó theo hoàng thân biết và nghĩ là gì?
- Tôi đang cố tìm, cố nghĩ nhưng vẫn tìm chưa tìm ra, nghĩ ra. Nếu bắt tôi nhắm mắt tin theo một đấng vô hình có quyền năng tuyệt đối tối cao hay một lực mầu nhiệm tuyệt đối nào đó thì tôi xin từ chối. Mặc dầu tôi tôn kính tên gọi của những đấng đó hay lực đó và tôn trọng đức tin riêng của mỗi người, nhưng tôi không có lý do để tin vào một ẩn số hay là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Tôi nghĩ tất cả cũng chỉ là một tên gọi khác của cái ẩn số lớn nhất chưa có đáp số rạch ròi như chúng ta đang nói đến mà thôi. Đạo Hồi gọi đó là đấng A-La, đạo Chúa gọi là Thượng Đế, đạo Phật không nhận có nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng mà tất cả là một chuỗi Duyên, Nghiệp trùng trùng từ vô thủy đến vô chung... Rất có thể họ đều đúng và phù hợp theo đức tin của họ. Một khi đã gọi là đức tin mà còn lâm vào vòng tranh cãi để làm “sáng” đức tin của mình và chối bỏ đức tin của người khác là một việc làm đầy vọng động. Tôi cũng cần một cái phao hay một nơi an trú cho tâm linh nhưng chưa có huynh ạ.
- Rồi sẽ ra sao nếu suốt đời tìm không có?
- Thà không có vẫn còn đỡ hơn là cố thuyết phục mình tin gượng ép vào điều mình chưa nắm vững. Ngụy tín và đức tin là hai mặt tối và sáng của con người. Thật là hạnh phúc nếu xây dựng được một niềm tin chân thực.
Ông lão rì rầm kể chuyện ngày xưa rồi tự hỏi người như tự hỏi mình:
- Như vậy, chết là chấm dứt cái Có và bắt đầu cái Không; là chấm dứt cái Ngã để đi vào Vô Ngã hay chỉ là một cuộc hành trình mới, mang cái tâm có - không, cái ngã thiện - ác đi vào cõi vô cùng hay đi sang một cuộc đời khác?
- Tôi không nghĩ cái Không trong đạo Phật mang ý nghĩa là “chẳng có” như có đối với không, giàu đối với nghèo, đói đối với no. “Không” ở đây là một trạng thái rỗng lặng hoàn toàn. Không có gì trước, chẳng có gì sau. Không có gì lớn hơn, chẳng có gì nhỏ hơn. Không có hai bề, chẳng có hai phía, không phân hai trạng thái khác nhau nên chẳng thể nào diễn tả, lý luận, so sánh được. Ngày xưa, mỗi buổi sớm, khi còn nằm ngủ muộn, tôi thường nghe mẹ tôi xướng lên trước khi cầu kinh, rằng: “Phật, chúng sanh: Tánh thường rỗng lặng. Đạo cảm thông: Không thể nghĩ bàn.” Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Nếu mà không thể nghĩ bàn thì làm sao mà hiểu được?” Mẹ tôi giải thích thật đơn giản: “Thời nhỏ, Phật ở trong cung vua học hết sách vở, những điều tầm thường và cao xa tới đâu ngài cũng biết. Nhưng mãi đến khi ra ngoài cửa thành, tự mình tiếp xúc mới thấy được cảnh sinh, già, bệnh, chết đau khổ là dường nào. Chính tự mình thấy được, gần được, nghe được mới cảm thông; có cảm thông mới hiểu được. Còn nằm ngủ nướng để nghĩ và bàn suông như con trai của mẹ thì không bao giờ hiểu được…”
Phạm Xảo vò đầu:
- Khó thật! Ngày xưa tôi chỉ huy hàng vạn quân sĩ. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi chưa hiểu một người nào cả. Nhớ thầy tôi từng dặn: “Để hiểu được một người thì phải rủ bỏ hết tất cả những lớp vỏ, đập vỡ sạch sành sanh mọi ý nghĩ có trước và có sau về người đó, để thấy được người đó như chính họ là họ…” Cũng sắp hết một đời, tôi chưa hề thấy được một ai đúng với ý nghĩa “thấy được người đó như chính họ là họ.” Phải chăng ý niệm của cái chính anh là anh, cái chính tôi là tôi là cái tánh thật, tánh “y như vậy”, Tánh Không nơi mỗi con người?
Trí Hải không trả lời trực tiếp mà khuyên:
- Hãy sống đi huynh, đừng hỏi vì sao phải sống. Đã biết Tần Thủy Hoàng lấy cái Có mà mua cái Không nên không mua được vì cái Không nó nằm ngay trong ta chứ đâu ở bên ngoài mà mua. Nếu huynh và các bậc Thầy của huynh càng nói về cái không chừng nào, cái không càng mất dạng chừng đó vì cái Không chẳng phải là cái mặt trời hay mặt trăng cụ thể để diễn tả. “Không” là một trạng thái, một ý niệm để chiêm nghiệm và chứng nghiệm, không phải để nói, để vẽ hình hay tạc tượng. Cái Không, cái Vô Ngã trong đạo Phật có mặt ngay trong cuộc hiện sinh nầy chứ đâu phải đợi tới khi sống chết, luân hồi. Nếu tin rằng con người là một sinh vật có một dòng sống biến hiện không ngừng thì sống chết chỉ là sự thay áo trong dòng sống mà thôi. Sống và tự mình tìm mình trong vắng lặng đi Huynh à!
- Thế có nghĩa là muốn giữ mặt gương trong thì phải giữ đừng cho gương tiếp xúc với bụi? Gương và bụi cái nào trong hơn?
- Đều đục.
Ông lão nhìn người đối diện và băn khoăn hỏi rằng:
- Thế thì cái gì mới trong?
- Người xưa nói rằng, không gương mà cũng chẳng bụi mới thật là trong ngần tuyệt đối.
- Hoàng thân làm tôi nhớ câu chuyện được những người nhà chùa kể đi kể lại mòn nhẵn, thế nhưng lúc nào cũng như mới và đầy thú vị là chuyện Lục Tổ thiền tông. Hơn nghìn năm trước, Huệ Năng, người được sư Hoằng Nhẫn phong làm vị tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa, cũng vì thấy rõ sự trong ngần đó mà đạt đạo khi ông bày tỏ rằng:
Bồ đề vốn chẳng có cây
Gương trong tự sáng chẳng dây với đài
Cái không tuyệt đối xưa nay
Lấy đâu dính bụi trần ai xứ nào.
(Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu (nặc) trần ai)
Ông lão ngước nhìn trời, những tảng mây thời thơ ấu vụt bay ngang trên bầu trời mờ đục. Trí ông, lòng ông và có một khoảng trời riêng nào đó bên trong tạm gọi là “tâm”, mỗi ngày một dày đặc.
Thêm một niềm vui, một nỗi buồn, một sự tiếc thương, một ân tình níu kéo; biết thêm một người quen, một người bạn, mọt người thù... mỗi thứ như một lớp bụi mờ rất mỏng. Cái thân và tâm này còn sờ sờ ra đây, làm sao mà bắt chước hàng đại gốc, đại trí như ngài Huệ Năng xưa nói rằng không có thân, không có tâm nên lấy gì mà dính bụi được. Nhưng những lớp bụi mỏng như măng tơ đó cứ mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chồng chất lên mãi. Chúng nó không những làm mờ đục mà lấp đầy hết khoảng trời riêng bên trong. Làm sao ông rửa sạch nó, bào mỏng những lớp dày đóng thành chai đá hay đập vỡ nó đi.
Phạm Xảo đã có lần đem ý nghĩ nầy ra phân tích thì Trí Hải góp ý:
- Huynh ơi! Những đại đệ tử của ngài Thần Tú ở phương Bắc và ngài Huệ Năng ở phương Nam Trung Hoa tranh luận nhau suốt mấy trăm năm không phân thắng bại về chuyện phải phủi bụi, tu bụi hàng ngày để tâm trong sáng hay giữ cái tâm không thì bụi lấy gì để bám. Chuyện kể rằng:
Có hai đệ tử của hai phái Nam Bắc thiền tông ấy một hôm gặp nhau ở rừng Long Thọ. Hai bên cãi nhau suốt một ngày mà chưa phân thắng bại. Tối về, cả hai cùng tới xin tá túc tại căn nhà ông tiều phu duy nhất ở bìa rừng.
Cả hai đều đói lã người nhưng miệng vẫn không ngớt nói đến pháp môn tiệm ngộ (là ngộ từ từ) của phái Thần Tú phương Bắc và đốn ngộ (là ngộ tức thời) của phái Huệ Năng ở phương Nam. Ông tiều cũng là một bậc hành giả. Ông trao cho cả hai người, mỗi người một cái nồi đất đậy kín và bảo đó là thức ăn cần phải nấu chín mới ăn được.
Bếp ông “đốn ngộ” đun bằng củi đốn ngộ, tên ông tiều gọi loại củi thông rất dễ bắt lửa.
Bếp ông “tiệm ngộ” đun bằng củi bạch đàn cũng dễ bắt lửa chẳng kém gì củi thông.
Bị cơn đói thúc bách, hai ông bếp đều đun lửa tối đa cho đồ ăn mau chín, nhưng nấu hoài và chêm nước hoài mà vẫn cứ nghe tiếng “lọc cọc” của thức ăn chưa chín trong nồi. Đầu hôm, nửa đêm, tàn canh, rồi hừng sáng, thức ăn vẫn còn trơ trơ chưa chín. Cả hai ông “đốn” và ông “tiệm” đều “ngộ” ra cái mình nấu trong nồi không phải thức ăn gì cả mà là hai viên… đá hầm. Trong lúc cả hai ông vẫn thều thào cãi nhau và sắp xỉu vì đói tới nơi thì lão Tiều mang hai bát cháo măng thơm phức đi tới. Hai ông trố mắt nhìn vào cục đá “chưa chín” trong nồi của mình. Lão tiều khịt mũi kêu lên:
“Cả hai vị cứ mãi miết lo thổi lữa cho to, đun củi cho nhiều mà không biết mình đang phí công sức và thời gian để đi nấu cục đá.”
Hai ông khách trố mắt nhìn hau háu vào hai tô cháo vừa được bưng tới. Lão tiều phu chắp tay mời:
“Xin mời hai vị dùng cháo. Củi thông hay củi bạch đàn cũng đều đun lửa nấu chín được nồi cháo nầy, nhưng chẳng có loại củi nào nấu chín hai hòn đá tảng đó cả.”
Như có tiếng kêu phiền muộn từ trong lòng vọng ra, nhưng ông Lão quay quắt không biết cách nào để dìm nó xuống, gạt nó đi, xô đẩy nó ra khỏi đời mình. Ông nghe quá nhiều lới dạy, uống quá nhiều phương thuốc danh ngôn, cầu đảo quá nhiều đền miếu, nhưng cái lớp dày quái ác đó có vẻ như vẫn cứ dày thêm. Tất cả chỉ là sự xao động bên ngoài, không thấm qua được lớp vỏ dày đã thành rêu, thành nấm. Ông vuốt chòm râu bạc và thẫn thờ ném cái bình cũ xuống dòng nước đang chảy xiết dưới chân cầu bên cạnh nhà. Chiếc bình sứt vòi như còn vướng vất mộng đế vương, xoay vòng vòng chiếu loáng ánh trăng trước khi chìm khuất.