Về nguồn

01/12/20142:35 CH(Xem: 7795)
Về nguồn

VỀ NGUỒN
Toại Khanh

Từ trước tuổi hai mươi, tôi đã có dịp đọc về Thập Lực của chư Phật, trong đó có nói về khả năng thấu đáo những sai biệt (nānā) trong tâm thức muôn loài mà vị Phật nào cũng phải có. Nói thiệt, hồi ấy tôi hiểu chữ sai biệt đó theo cách tưởng tượng hơn là thấm thía. Cứ hiểu đại khái trong muôn loài chúng sinh có kẻ tu nhiều, người tu ít hay nhanh chậm, nóng nguội khác nhau. Thế thôi.

Rồi theo thời gian, có thêm chút tuổi đời, tôi nhớ lại trang kinh xưa với những suy diễn thiệt lạ lùng. Những khi nghe đài xem báo hay tận mắt chứng kiến bao thứ thiên hạ sự, thì lòng không dưng nghe như có ai đang đọc lại cho nghe những lời kinh ngày cũ. Vẫn còn đấy thôi, luôn nằm ở đó, không mất đi đâu. Đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều hơn, chỉ để thấy bên cõi nhân gian bao giờ cũng còn đó ánh mắt nồng nàn sâu thẳm của một pho Phật tượng rêu phong. Câu chuyện nhỏ tôi viết ra đây thực ra đã được nói đến mơ hồ trong một bài viết trước, nhưng ở mỗi tâm cảnh, cách nói có thể dẫn về một phương trời khác. Tôi đang ở trên đường mà viết bài này, nên trí nhớ lại tha hồ dạt xô về những nơi chốn chưa thuộc về mình... Miễn là qua đó, tôi lại có dịp nghĩ nhiều về hai chữ Sai Biệt trong trang kinh đã xem ngày cũ, và bỗng dưng tôi muốn gọi những dòng chữ này là một cuộc về nguồn để ghé lại những bến bờ sai biệt của nhân sinh.

Một dân tộc Trung Hoa rối rắm về chính trị và chằng chịt về lịch sử đã tạo nên một thứ văn hóa mới nhìn qua đã thấy choáng ngợp: Cầu kỳchi tiết trong mọi lãnh vực thi văn, thêu thùa, gốm sứ, điêu khắc, kiến trúc. May mà đám Hồng Vệ Binh trong thời Cách Mạng Văn Hóa đã tàn phá một phần lớn, nay sang Tàu ngó sơ những thứ còn sót lại hoặc mới vừa phục chế, mà ta còn thấy kinh hồn. Nói chi nếu mọi thứ đều còn nguyên vẹn cả. Chẳng hiểu sao, tôi cứ trộm cho đó là những kết tinh phải có từ một thứ, tạm gọi là tâm thức Hoa Hạ, với những nét tiêu biểuđa cảm nhưng tàn nhẫn, nhút nhát nhưng trí trá, ham chơi nhưng sáng tạo, tài hoa. Một con người có đủ những cái nết đó thì coi như khó tin nổi; từ đó, cái máu Tàu xem chừng cũng đa đoan khó lường lắm thay!

Nhìn sang mấy xứ Hồi giáo, người ta lại thấy ra một kiểu dáng văn hóa khác: Cũng cầu kỳ tỉ mỉ, nhưng luôn gói gọn trong một vài khuôn mẫu rất căn bản và nghiêm túc. Thánh đường Hồi giáo thì gần như chỉ có một kiểu củ hành, củ tỏi gì đó và luôn cao vọi, âm u, kín khuất. Tôi ngờ rằng những thứ đó đều đã đi ra từ một tâm thức thuần tín, kiệm ước và kỷ luật đến tàn bạo của tín ngưỡng Hồi giáo.

Tôi lại nhớ về những người Châu Phi ở Lục Địa Đen, nơi sở hữu phần lớn những thứ khoáng sản quý hiếm bậc nhất hành tinh. Vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt đó đã sinh ra những phận người như moi lên từ những quặng mỏ. Đen đúa, câm nín, dại khờ, chịu đựng và chờ bị người ta lợi dụng. Người Phi Châu cả đời vẫn chưa kịp có thời gian để nghĩ về mình. Khung trời sinh quán của họ đã buộc họ phải thế. Họ sinh ra cho người khác, như những khoáng sản trong lòng đất quê hương họ – cũng chỉ thuộc về những người đày đọa họ.

Chưa hết đâu, những người Nam Mỹ hay Bắc Âu dường như cũng đều có riêng những nét đặc thù độc đáo – mà có lẽ, đều hình thành từ những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở mỗi miền đất. Và xa xôi một chút, tôi theo kinh Phật mà ngờ rằng chính tâm tình rồi thì hạnh nghiệp của từng nhóm người đã cùng đưa họ về lại với nhau như ở một điểm hẹn. Tôi thực lòng rất muốn nói rằng, chỉ riêng cái tâm thức của mỗi cá nhân cũng đủ là động lực then chốt của mọi sai biệt...

Rồi thì người Việt ta nữa chứ. Tôi cũng là người Việt nên dĩ nhiên rất ngại phải nói về người mình. Tán không khéo, đồng bào rủa cho mà chết. Chỉ có thể lén đứng ngoài lũy tre làng để ghi chép vụng trộm đôi điều vô tội vạ thì may ra yên thân. Người xứ mình chủ yếu sống nhờ đồng lúa và sông rạch, đại khái tâm thức cứ như luôn ẩm ướt để từ đó nhạc thì buồn, thơ thì sầu và người mình hình như thường ngại đụng đến cái gì cần tới sự cứng rắn, kỷ luật.  Một nền đất quá nhiều phù sa thì rất kỵ những công trình đồ sộ, bởi rõ ràng nó không đủ cứng.

Mùa đông này có người quen rủ sang chơi nhà anh ở một nơi mà tôi rất muốn gọi là miền đất lạnh. Tôi nhận lời lên đường, chẳng phải do ham vui, mà chỉ vì ngán nỗi quẩn chân, sợ ngồi lâu quá một nơi rồi suy tư rêu mốc. Đang là mùa đông nên hình như ở đâu cũng lạnh. Sau cả chục giờ bay mệt muốn tàn phế, tôi xuống một phi trường xa lạ để hiểu rằng mình chỉ từ bỏ cái lạnh phương này để tìm về cái giá băng chốn khác mà thôi. Một chút hối hận cho cái gật đầu không toan tính. Tôi nhìn quanh những dãy phố lặng im trong chiều tối, những bóng người rảo bước, những hàng cây trơ trụi không tiếng động. Nhìn rồi lại nhìn, tôi chợt nghĩ ra một chuyện không thể nhịn cười. Tôi kể với anh Phật tử cái suy nghĩ đó. Nhịp sống xứ này sao mà lặng lẽ, nặng nề quá. Nó thích hợp cho những mẫu người lầm lì vô cảm, những thứ sản phẩm âm thầm như chăn đệm, vớ bông, áo ấm,... những thứ mới nhìn qua đã như nghe được một sự thinh lặng đến buồn ngủ. Có lẽ đó là lý do khiến người ta có dịp nghĩ nhiều về thời gian và người ta đã tìm mọi cách để lắng nghe, tính đếm từng bước chân của nó để làm nên những chiếc đồng hồ nổi tiếng thế giới. Đến tận lúc này, tôi càng có dịp để tin mình đã nghĩ đúng, rằng mấy món tâm tình-hoàn cảnh-nếp sống đã nuôi dưỡng lẫn nhau. Và từ đó, nếu chiều nay có ai hỏi tôi về chuyện tu hành, tôi sẽ một mực thưa rằng tu hành là chuẩn bị một môi trường sống, và môi trường đó của mình ngày mai hoàn toàn tương thích với đời sống nội tâm của mình hôm nay. Cuộc tu hành từ đó là sự chuẩn bị cho những hành trình, những nơi chốn tồn tại. Cho đến bao giờ KHÔNG CÒN CHỖ ĐI nữa thì thôi. Ngày ấy cuộc chơi đã khép lại và vòng tròn luân hồi đã mở ra. Nguồn cao khi ấy đã cạn nước, con thác đã thôi luân lạc và người ta sẽ gọi những viên sỏi giữa lòng suối khô kia là Xá-lợi!

 

 

TOẠI KHANH
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/10/2020(Xem: 4836)
17/02/2015(Xem: 9906)
23/02/2017(Xem: 6345)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.