Một cuộc vấn đời

27/08/20196:07 CH(Xem: 9023)
Một cuộc vấn đời

MỘT CUỘC VẤN ĐỜI

Bài và ảnh: Diễm Tuyết

MOT-CUOC-VAN-DOI-1Chùa không có tên. Chùa nằm gần trên đỉnh núi. Gọi là cốc thì đúng hơn. Sở dĩ gọi là chùa vì ở đó có một… ông sư. Đứng ở đầu cầu Bóng hoặc đâu đó trên cầu Trần Phú, chỉ thấy một mảng tôn trắng nhỏ. Nếu có một ống kính zoom kha khá thì có thể nhìn thấy nơi đó ngày ngày có một ông sư đi ra đi vào. Chị tôi kể, để viết truyện ngắn Huyền Thoại Núi, chị đã lui tới chân núi sau lưng Tháp Bà này không biết bao nhiêu lần, và hầu như ngày nào cũng đứng ở cầu Trần Phú zoom máy hình lên để nhìn thấy bóng sư thấp thoáng sáng chiều lao tác…. Chị nói lên đó một lần nhưng không nói chuyện được vì sư ngồi thiền.

Tôi thắc mắc, tôi tò mò, tôi ngưỡng mộ. Giữa cuộc sống vật chất này mà có một vị sư không ngó đến facebook, không cần wifi và trèo lên nơi thâm sơn cùng cốc để tu hành, không biết là trốn tâm hay trốn tình. Đạo nghiệp ắt phải vững mạnh lắm mới có thể sống một mình tu tập như thế. Đủ nhân duyên, tôi cũng quyết một lần trèo lên chiêm bái, hơn nữa, sau bao nhiêu ngày chồn chân cũng muốn làm một cuộc du sơn.

Chúng tôi đến chùa Hải Ấn lúc hai giờ mười lăm. Những con chó trong chùa chạy ra sủa ầm ĩ. Một chú chó choai choai chạy quá trớn nên đã rơi phịch từ trên thềm cao tầng một khoảng 4 thước xuống đất. Lết lết, khóc la và sủa ầm ĩ như thể gãy chân hay sao đó làm chúng tôi cũng đau lòng không ít. Không biết do nhân gì duyên gì mà khi mình đến chùa lại có một chúng sinh đau đớn như thế. Vòng ra sau lưng chùa Hải Ấn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình leo khoảng 500 bậc đá.

MOT-CUOC-VAN-DOI-3
Hai tảng đá to chừa một lối đi hẹp
làm thành lối vào cốc

Đường đi vòng vo cheo leo, không dễ dàng như bậc thang trong nhà, khởi hành 3 giờ mà dường như mất gần cả tiếng đồng hồ mới tới nơi, vì cứ vài bậc là phải nghỉ. Một cái giỏ đựng máy ảnh và một chai nước trong túi áo thôi mà thấy nặng quá chừng. Vài mươi bậc đầu tiên, chưa quen, tim đã đập thình thịch như nghe được âm thanh. Có lúc mệt tưởng chừng muốn xỉu, chỉ muốn lăn ra đất mà nằm nghỉ, nhưng không có chỗ nào bằng phẳng để nằm. Trên đầu ánh nắng chiều thấp thoáng nhưng cũng khá nóng vì có lúc được cây cao che có lúc thì không có bóng mát.

Cuối cùng thì bốn người chúng tôi cũng lên được đến nơi – đến cái cốc đó. Hai tảng đá to chừa một lối đi hẹp làm thành lối vào cốc. Đập vào mắt tôi là mấy dòng chữ viết tay, không đẹp nhưng rõ ràng: “Vui lòng đi nhẹ, nói khẽ, không vứt rác ra rừng.” Thế là một người trong chúng tôi đưa ngón tay lên môi và suỵt ra hiệu cho nhau không nói chuyện rôm rả như lúc leo núi nữa. Ba người kia kéo nhau ra phía trước tìm chỗ nghỉ mệt, còn tôi ngồi bệt ngay trước thềm cốc, một khoảnh xi măng ít ỏi. Sức lực đã cạn kiệt đến mức tôi chỉ muốn nằm lăn ra đâu đó.

Phía trước sân là một chiếc bàn gỗ tạp, bên trên đậy khăn tấm khăn màu vàng lèn chặt xuống cái khay một cách kỹ lưỡng. Mới đầu tôi còn dè dặt chỉ nhìn mà ngại ngùng không dám đụng, lát sau không thấy ai, tôi tò mò giở tấm khăn lên, hóa ra là những chiếc ly sạch sẽ úp trên đó. Tứ bề yên ắng, chỉ có tiếng đôi chim gì đó gọi qua đáp lại. Tại hai bậc tam cấp ở hai nơi, đặt hai đôi giày và dép, ngay ngắn và sạch sẽ không thể sạch hơn. Một kệ sắt trên đó là bình bát và một cái tô to úp lại, một con dao, vài cái muỗng, vài đôi đũa…

Chủ nhà đâu? Trong gian phòng gỗ chừng 4 mét vuông, 3 mặt là cửa sổ, có một cái giường nhỏ đang buông mùng. Chủ nhà, y vàng, ngồi bất động nhắm mắt thiền trong đó. Ống kính máy hình của tôi nãy giờ chỉa khắp nơi, bấm lia lịa, giờ vội vàng hạ xuống, xấu hổ. Sự thinh lặng, quá đỗi thinh lặng của chủ nhà đã làm tôi giật mình. Nghĩa là từ lúc chúng tôi leo núi, chúng tôi nói gì, cười nói vang vọng núi rừng, chủ nhà đã nghe thấy hết, nhưng người vẫn ngồi im mắt nhắm có lẽ là mấy tiếng đồng hồ trước đó. Chúng tôi đã làm kinh động một thiền giả.

Từ lúc phát hiện ra sư đang ngồi thiền, tôi rón rén bước chân mà vẫn thấy mình gây nên tiếng động thật ồn ào. Tôi trèo lên thềm gỗ, đó là những miếng ván ghép, thô sơ, không vẹc ni, bên hông căn phòng. Chân bước trên thềm gỗ, tôi lại có cảm giác mình lại làm kinh động thiền giả, nhưng thôi, tôi quá mệt, tôi cũng cần một chỗ dựa lưng và có thể ngắm cảnh được. Tôi dựa lưng vào vách gỗ nhìn xuống biển, ngắm thành phố Nha Trang với hai chiếc cầu, nhìn thấy ngọn Tháp Bà nhỏ bé xa xôi. Tôi ngồi chờ đợi, chờ sức khỏe hồi phục lại, và tôi cũng… thiền, vì không biết làm gì hơn.

Tôi nghe tiếng mình thở, một bạn đạo bày cho tôi cách thiền đơn giản là “thấy hơi thở,” tôi nhìn xa xăm, lắng nghe hơi thở dần nhẹ nhàng của mình mà trước đó do mệt tôi thở còn hơn… con bò rống. Chợt nhớ ra tôi và sư chỉ cách nhau khoảng một mét với một bức vách gỗ, tôi không dám thở mạnh, nhưng cũng không sao, tiếng gió tiếng chim tiếng lá xào xạc ồn ã hơn tiếng thở của tôi. Thỉnh thoảng bị muỗi cắn tôi cũng không dám gãi mạnh.

Chung quanh cốc có vài cây hoa, một con ong to bay tới, nó tiến thẳng về phía tôi. Trong tôi chợt có ý nghĩ, có khi mình đang làm kinh động một thiền giả nên con ong này biết đâu là long thần hộ pháp đến đuổi mình đi. Tôi không thể bật người dậy và chạy trốn khỏi con ong, vì như vậy sẽ càng gây nên những âm thanh hỗn độn, con ong có cánh và bay vù vù, còn tôi đang mệt muốn chết, chạy đâu cho thoát. Tôi ngồi yên và tự nhủ, mình là một cục đất vô hại. Miệng lẩm bẩm, xin chư thiên làm chứng, con hỏng có ý đồ gì phá phách vị thiền giả ngồi trong kia. Con ong đã đổi hướng. Tôi vẫn tiếp tục ngồi đó, lắng nghe tiếng rừng, tiếng núi, tôi nhớ lại và cảm nhận bài kinh Tiếng Động Rừng Sâu.

Cuối cùng thì sư cũng đứng dậy. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy được một khuôn mặt rạng ngời của một người vừa xả thiền. Một khuôn mặt toát lên vẻ an nhiên, từ hòa, và thân thiện. Chào hỏi, đảnh lễ. Tôi hỏi một câu thừa, “Sư ở đây một mình?”

Sư đáp, “Vâng, chỉ một mình.”

“Một mình có buồn không sư?” lại một câu hỏi thừa.

“Tu mà buồn gì,” sư cười.

MOT-CUOC-VAN-DOI-9Nhìn thấy tôi giỏ xách, ống kính, sư hỏi tôi có phải nhà văn nhà báo. Tôi nói tôi chỉ là người đi chơi và nhân tiện ghi lại cảnh đẹp. Sư hỏi tôi có phải ở Sài Gòn, tôi đáp tôi là người ở Nha Trang, một bà nội trợ quanh quẩn trong nhà. Tôi hỏi sư ở đây lâu chưa. Sư đáp gần một năm, trước đó sư ở chùa Hội Phước. Vậy là chủ khách biết nhau chút đỉnh. Tôi chuyển đề tài theo ý mình muốn. Và sau đây là cuộc “vấn đời,” không phải vấn đạo.

“Đời tu có vui không Sư?”

“Vui chứ, không vui sao tu được.”

“Tu để làm gì vậy Sư?”

“Tu hả, để làm lợi mình lợi người.”

Câu trả lời này nghe hơi sách vở. Tôi chất vấn, “Sư ở một mình trên này thì lợi gì cho người. Và nếu vẫn còn nghĩ đến cái lợi thì phải chăng vẫn còn tham lam cái chi đó.”

“Không, tu là để bỏ bớt những ham muốn, những tham đắm.”

Quả thật, nhìn cuộc sống của sư, tôi thấy sư đã bỏ bớt và đơn giản đến mức độ không thể đơn giản hơn. Cốc của sư, mà thật ra là một cái chòi đúng hơn, không có kéo dây điện nên đừng nói gì đến wifi, tất nhiên ở đó có thể kết nối 3G. Tôi hỏi sư có điện thoại di động không, sư nói trước đây có điện thoại, laptop, đủ hết, mà bỏ hết rồi. Tôi nói tôi đã từng làm “thủ thư” cho một trang web PG mười hai năm, sư nêu tên được ngay vài trang web có tiếng. Sư không phải là người lạc hậu không biết những hiện đại trần gian.

Trước cốc là hai thùng nước inox to, to cho cả hai đại gia đình xài đủ, tôi không biết sư mua nước như thế nào và trữ nước làm chi mà nhiều thế. Hỏi ra mới biết là nước đó là dự trữ hứng từ nước mưa qua máng xối. Điện sư xài là một hệ thống năng lượng trên mái, buổi sáng hứng nắng mặt trời, buổi tối phát ra điện. Không có bếp núc chi cả. Mỗi ngày sư xuống núi khất thực.

Tôi hỏi, “Sư đi khất thực có xa không, sư đi từ lúc nào?”

“Xuống dưới làng, gần gần thôi.”

“Ngày nào cũng có đồ ăn hết hở Sư, có khi nào không ai cho gì bị đói không? Người ta đặt bát cho Sư những gì?”

“Không khi nào bị đói, tệ lắm thì có hai ổ bánh mì không. Khi thì xôi, khi thì bánh.”

“Sư lên lại trên này rồi mới ăn hay kiếm chỗ nào dưới đó để ăn? Có bao giờ người ta bỏ tiền không.”

“Mang về trên này rồi mới ăn. Người ta có bỏ tiền vào nhưng sư không lấy. Sư nói với người ta là sư không nhận tiền.”

“Quanh đây nhiều người theo đạo Phật không Sư? những người đặt bát, họ có phải là Phật tử không Sư? khi Sư nhận cúng dường của họ, Sư sẽ nói gì? Trên đường đi khất thực sư có tụng kinh không, hay chỉ im lặng đi?”

“Ở đây theo đạo Phật cũng nhiều. Có vài người quen thường xuyên đặt bát. Sư chỉ yên lặng đi bát thôi, không có tụng đọc kinh gì. Ai cho gì thì sư chúc phúc cho họ.”

“Có bài kinh chúc phúc nào không sư?” (Hỏi câu này, tôi mong là sư sẽ xổ tiếng Pali nghe cho sướng tai).

Nhưng sư trả lời, “Sư chỉ cầu chúc cho họ được an vui.”

Vậy đó, con đường núi tôi leo lên mấy lần muốn xỉu mà mỗi ngày cứ 9 giờ sư xuống núi khất thực rồi leo ngược lên lại. Và chỉ một bữa trưa thôi, người ta cho gì ăn nấy. Sư không ăn sáng cũng không ăn chiều.

“Một ngày của sư bắt đầu lúc mấy giờ? Sư làm gì cho hết ngày? Không thấy chuông mõ bàn thờ, sư có tụng kinh không?”

“Sáng sư đặt đồng hồ 4 giờ, nhưng nếu 1 giờ sáng mà thức giấc thì sư thức luôn. Một ngày sư hành thiền 3 lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ. Buổi sáng sư cũng đọc kinh khoảng nửa tiếng, để không quên lời Phật dạy.”

“Sư đọc kinh gì?”

“Sư đọc kinh Nguyên Thủy.”

“Là năm bộ Nikaya?”

Mắt sư chợt sáng lên khi nghe câu hỏi của tôi, biết tôi có chút “mùi tương chao,” sư nói, “Sư đọc Trung Bộ Kinh, chị biết Trung Bộ Kinh không?”

“Dạ không biết lắm nhưng con biết Trung Bộ có 152 bài!”

Cả hai đều cười. Thật vậy, tôi nói tôi chỉ là muỗng canh. Ở trong tô canh nhưng không biết vị ngọt của canh.

Lần đầu tiên tôi thấy trước mặt một người học kinh, sống theo kinh. Tôi xin phép được chụp vài tấm hình cốc của sư, nhưng tôi cũng ngại ngùng bước vô căn phòng có cái mùng buông sẵn như vậy, tôi chỉ đứng ngoài đưa ống kính một vài góc phòng nơi có những chồng kinh sách. Đối diện chỗ ngồi thiền của sư, trên cao, phía trên cửa sổ, là một dòng chữ viết tay: “Phải làm xong lời Phật.” Ôi một đại-đại-nguyện! Làm đến bao giờ, hết kiếp này rồi kiếp khác, biết bao nhiêu kiếp mới làm xong lời Phật?

“Ở đây thanh tịnh quá, không có chịu tác động gì nhiều, mỗi lần ngồi thiền sư nghĩ gì? “

“Bất cứ ý nghĩ gì hiện đến.”

“Vậy là sư cứ ngồi và nghĩ chuyện này chuyện kia?”

“Khi ngồi thiền, nhiều ý nghĩ xuất hiện lắm, chẳng hạn như khi mình đi xuống dưới kia, gặp cái gì không như ý, khi về ngồi thiền, nó lại xuất hiện trở lại, và có những điều đã lâu lắc nó cũng đôi khi xuất hiện lại trong lúc ngồi thiền. Cứ kệ nó, rồi mình hướng tâm theo ý mình, giữ cho nó không lăng xăng nữa.”

“Rồi sau đó sư được gì ngoài chuyện mỏi lưng tê chưn?”

“Sau khi thiền xong thì sẽ thấy an vui hoan hỉ lắm.”

Tôi tin sư nói thật bởi khi nãy tôi đã tận mắt nhìn thấy khuôn mặt an nhiên của sư sau khi xả thiền, mặc dù chúng tôi đã ồn ào náo động cả một khu núi rừng. Qua câu chuyện tôi được biết sư gốc ở Huế, xuất phát của sư là Bắc phái, nhưng sau này, sư chọn cuộc sống đạo đúng nghĩa tỳ kheo thời Đức Phật còn tại thế. Sư cũng từng đi tu thiền bên Miến Điện. Thật hoan hỉ khi thấy trong thời pháp nhược ma cường này, có người tu và hành như thế. Và cũng may mắn cho tôi khi được gặp một vị như thế trong đời này. Tôi dè dặt xin được chụp sư một tấm hình, sư không từ chối. Sư còn chỉ một chiếc thang dài bắc phía sau một tảng đá, sư để sẵn dành cho những ai thích lên núi chụp hình có thể trèo lên đó để tầm nhìn xuống dưới biển dưới phố được rộng xa hơn. Hình như sư quá quen với những tục khách văn nhân, nhiếp ảnh…

Trước khi chia tay, tôi lấy phong bì ra xin được cúng dường, nhưng sư từ chối. “Trên này đâu có chỗ xài tiền.” Biết sao được, hành lý nhẹ nhất tôi mang theo lên được tới đây là “tiền.” Tôi thật sự không tin rằng tiền không có chỗ xài, lỡ bệnh thì cũng mua được thuốc uống. Tôi hỏi ở một mình trên này lỡ bệnh thì sao, sư nói, bệnh rồi cũng qua. Sư chỉ nói tới đó. Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ, với sư thì bệnh mà “qua khỏi” hay “qua đời” chắc cũng nhẹ tênh như nhau.

Tôi nói, “Vậy thôi nếu Tết con leo lên được con sẽ mang bánh tét.”

Sư cười, “Bánh tét cũng phải buổi sáng chứ mang lên buổi chiều là mang về đó.”

Ôi giới không ăn chiều, một sợi dây vô hình nhưng buộc chặt.

Câu chuyện cũng có lúc đề cập đến những vị tôn túc học giả ở Khánh Hòa. Nhắc đến HT Đổng Minh với bộ Luật, sư hỏi tôi bộ luật đó có còn trên mạng không. Tôi đáp chỉ google là ra. Sư nói thời sư còn là sadi bị cấm đọc, sư hỏi tôi có đọc chưa và theo tôi Phật tử có nên đọc không. Tôi cười đáp là tôi đã đọc hết chỉ vì hồi đó nghe nói cấm Phật tử đọc. Sư cũng đồng tình với tôi là nên để Phật tử biết luật để bảo vệ cho người tu, tôi nghe mà cũng thấy như mình đang bị “nhắc nhở.”

Sư tặng tôi một cuốn sách sư biên soạn. Sư nói chưa tặng sách cho ai lên đây bao giờ. Sư dặn, nếu đọc thấy có gì xin chị góp ý giùm. Tôi ôm cuốn sách. “Cảm ơn Sư nhưng con làm gì đủ trình độ.”

Chúng tôi xuống núi. Hành trình đi xuống nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn rất mệt.

Vẫn mong một lần lên núi trở lại nhưng tôi biết khó vô cùng, khi ngồi viết những dòng này, đã qua hai ngày rồi mà hai bắp chân tôi vẫn còn rất đau.
Diễm  Tuyết
Trích từ Tập san Tinh Tấn Magazin số 3

MOT-CUOC-VAN-DOI-3MOT-CUOC-VAN-DOI-4MOT-CUOC-VAN-DOI-5MOT-CUOC-VAN-DOI-6MOT-CUOC-VAN-DOI-7MOT-CUOC-VAN-DOI-8

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/03/2015(Xem: 12536)
12/08/2023(Xem: 1245)
12/12/2011(Xem: 32835)
09/10/2020(Xem: 7922)
14/09/2015(Xem: 5991)
31/12/2016(Xem: 9023)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.