Mang ƠnGiữ GiớiSám Hối

07/04/20214:15 CH(Xem: 3574)
Mang Ơn – Giữ Giới – Sám Hối

MANG ƠNGIỮ GIỚISÁM HỐI
Như Từ Viên

 

ra duong mia dich
Ảnh minh họa

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Thưa bạn,

Sáng nay tôi đi bộ. Trời lạnh, khoảng trên dưới -10 độ C. Mấy hôm nay tuyết ngưng rơi, nhưng đường đi chưa được khô ráo. Đường thật vắng lặng, trước mặt và xa xa chỉ có hai hàng cây còn đọng tuyết. Tôi thấy từ xa có một người đang đi lại phía tôi. Tới gần, tôi nhận ra đó là một người bạn ở xóm khác đi tới. Bạn đeo khẩu trang, và tôi cũng đeo khẩu trang; tuy vậy, hai người vẫn nhận ra nhau. Tôi dừng lại cách bạn ấy 2m, nhưng bạn ấy cứ tiến tới và nắm tay tôi. Bạn nói: “Khỏe không? Ở trong nhà lâu quá, buồn quá!” Tôi giật mình, vì đứng gần nhau như thế là trái luật (phải đứng cách xa nhau 2m, và người không cùng địa chỉ thì không được vào nhà); nhưng tôi rất xúc động! Chúng tôi đều hỏi nhau: Cái nạn đại dịch này bao giờ mới hết đây?

Thỉnh thoảng tôi mới đi chợ. Tôi thấy mọi người từ nhân viên tới khách hàng đều đeo khẩu trang, và mọi người đều muốn né tránh nhau, đứng xa nhau; ít muốn hỏi thăm nhau, ít muốn nói chuyện với nhau. Tôi đi ra ngoài đường, thấy người người đều đeo khẩu trang, kể cả những người lái xe và người ngồi trong xe cũng vậy. Về nhà, các con tôi đem đồ đến cho tôi, cũng đeo khẩu trang, bỏ gói đồ trong cửa, hỏi thăm một hai câu là đi. Rồi tôi bật TV để coi, thì thấy trên màn hình, mọi người cũng đeo khẩu trang; nhà thương người chết nhiều, không đủ chỗ để xác, người ta phải làm phòng dã chiến tạm để xác người mới chết! Sao lạ vậy? Đây là thế giới loài người chúng ta sao? Nhìn thấy những cảnh này, tôi lặng người đi, lòng đau se thắt, thấm thía đến tận cùng!

Cầu nguyện cho nạn đại dịch sớm chấm dứt ở khắp mọi nơi trên thế giới này.

Cầu nguyện cho mọi người, mọi loài trên thế gian được sống  bình an, thong dong, tự tại.

Trên thế giới loài người, chúng ta vẫn luôn có những tương quan tương duyên với nhau, không thể tách lìa nhau được. Chuyện buồn, chuyện vui, cùng chia cùng hưởng. Cái cảnh đại dịch này nó hoành hành thế giới loài người khốn khổ khủng khiếp, nó làm xáo trộn đời sống của con người, từ người lớn đến con nít; thật là thê thảm buồn đau!

Trời lạnh, buổi sáng tôi thường ngồi trong cửa sổ nhìn ra hàng cây trước mặt. Không gian thật tĩnh lặng. Tôi suy nghĩ miên man, thời gian trôi đi, mọi sự mọi vật đều thay đổi, đều di chuyển; lòng người cũng thay đổi; tóm lại, tất cả đều vô thường. Phật dạy: Sắc (có hình tướng) là vô thường; Tâm (không hình tướng) cũng là vô thường.

Phật là đấng cao cả, trí tuệ, từ bi. Phật dùng tâm từ dạy những giáo lí nhiệm mầu cho chúng sinh từ các cõi trời cho đến cõi người.

Trong kinh Đại Bi, đức Phật đã dạy trời Đại Phạm Thiên Vương:

“Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Có thật ngài đã nghĩ rằng: Ta là Đại Phạm Thiên Vương; ta là người trí; ta hơn tất cả; tất cả không ai bằng ta. Ta là vị chúa tể đại tự tại trong ba ngàn đại thiên thế giới; ta tạo tác ra chúng sinh; ta hóa hiện ra chúng sinh; ta tạo tác ra thế giới; ta hóa hiện ra thế giới. Có thật ngài đã nghĩ như thế chăng?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa: “Dạ thưa đúng, bạch đức Thế Tôn, con đã nghĩ như thế.”

Đức Phật hỏi tiếp: “Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Còn ngài thì đã do ai tạo tác ra? Do ai hóa hiện ra?”

Nghe Phật hỏi như vậy, trời Đại Phạm Thiên Vương chỉ đứng im lặng. Thấy thế, đức Phật lại hỏi tiếp: “Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Đến thời kì hỏa tai phát động, ba ngàn đại thiên thế giới này sẽ bị lửa mạnh đốt cháy, thiêu rụi; ý ngài thế nào, có phải đó là do ngài làm ra, do ngài hóa ra hay không?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa: “Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!”……

…… “Chúng sinh tạo nghiệp giết hại cùng nhiều nghiệp xấu khác, thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch đức Thế Tôn!” ……

…… “Chúng sinh bị vô minh che phủ, kết chặt với ái dục, để rồi phải di chuyển mãi trong năm ngả đường, lúc sinh lúc tử, khi thành khi hoại, đi chỗ này đến chỗ kia, không biết đâu là đầu, đâu là cuối; cứ thế mà trôi lăn, mà chịu tơ rối cột trói mãi trong thế gian, không mong cầu ra khỏi; thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương, ý ngài thế nào, đó có phải là do ngài làm ra, do ngài hóa ra, do ngài gia trì hay không?”

“Dạ không phải vậy, bạch dức Thế Tôn!”

Đức Phật hỏi tiếp: “Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Thế thì do nguyên nhân nào mà ngài nghĩ rằng: Các chúng sinh đây là do ta tạo ra, do ta biến hóa, do ta gia trì; thế giới hiện có đây là do ta tạo ra, do ta biến hóa, do ta gia trì?”

Trời Đại Phạm Thiên Vương thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Con do không có trí tuệ, tâm tà kiến điên đảo chưa đoạn trừ, chưa được nghe và tin nhận chánh pháp do đức Thế Tôn giảng dạy, cho nên đã có những ý nghĩlời nói điên cuồng như thế. Bạch đức Thế Tôn! Bây giờ đây, xin cho con được hỏi lại đức Thế Tôn về nghĩa lí ấy: Thế giới hiện nay có đây là do ai tạo ra, do ai biến hóa ra? Tất cả chúng sinh do ai tạo ra, do ai biến hóa ra, do ai gia trì, do sức gì sinh ra?”

Đức Phật dạy: “Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Thế giới này do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra; tất cả chúng sinh là do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra, do sức nghiệp sinh ra. Vì sao thế? Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sinh, do sinh mà có lão tử và lo buồn đau khổ chồng chất thành khối lớn lao như thế. Thưa ngài Đại Phạm Thiên Vương! Nếu vô minh diệt thì hành cho đến lão tử cũng diệt, và khối lo buồn đau khổ chồng chất kia cũng không còn. Sự việc đó không do ai tạo ra, không do ai bảo ai tạo ra, không do ai an bài, chỉ có nghiệp và pháp! Nghiệp và pháp hòa hợp làm nhân duyên có ra chúng sinh. Nếu ai xa lìa được sự hòa hợp của nghiệp và pháp thì sẽ vĩnh viễn không còn lưu chuyển trong sinh tử.” …… (Kinh Đại Bi, cư sĩ Hạnh Cơ dịch)

Thế nhưng Phật cũng lại dạy cho chúng ta những điều rất bình thường trong đời sống mà mình không thể ngờ được. Tôi rất xúc động khi đọc những lời Ngài dạy cho chúng ta, như:

“Làm ơn và nhớ ơn.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn)

“Mang ơn thì trả nhiều hơn thọ.” (Kinh ĐBNB)

Hai câu này nó luôn hiện trong tâm trí tôi, không thể nào không bộc lộ với bạn cho được.

 

***

 

Bạn! Bạn hay tôi cũng vậy. Có những lúc đứng trước bàn Phật chiêm ngưỡng Phật, hay ngồi yên lặng suy tư, mình thử suy nghĩ, trong suốt cuộc đời mình, điều gì làm cho mình nhớ lâu và điều gì làm cho mình mang ơn mãi mãi? Trước hết tôi nghĩ, người mà tôi nhớ lâu và mang ơn mãi mãi, chính là đức Thế Tôn! Mình ngồi nghĩ lại, trong cuộc đời mình, từ nhiều năm qua, biết bao nhiêu cái khó khăn, gian nan, khốn khổ, nó ập tới mình, đau khổ triền miên, nhiều lắm…! Bây giờ ngồi nghĩ lại mình cũng giật mình, làm sao mà mình đã có thể vượt qua được hết! Những lúc khó khăn đó tôi chỉ nhớ Phật, cầu Phật gia hộ che chở, và nhờ cái lực của Phật mà tôi mới có thể vượt qua được. Còn bạn thì sao, khi gặp chuyện khó khăn?

Phật dạy cho vua Ba Tư Nặc: “Thưa  Đại vương! với tư cách của một vị quốc vương, Đại vương nên thương dân như thương con ruột của mình; mà không nên lấy uy quyền quốc vương để áp chế nhân dân. Sinh mạng của mọi người đều bình đẳng, không ai có thể viện lí do gì để cho rằng sinh mạng mình là đáng tôn, đáng quí hơn sinh mạng người khác…… Đời ngườivô thường, đầy khổ não. Nên biết rằng hạnh phúc không phải đi ra bên ngoài để tìm kiếm, hãy để tâm an trú nơi vắng lặng, không chạy theo những dụ hoặc của trần cảnh, đó là đời sốngtự chủ, và đó mới là cảnh giới của chân lí…… Tất cả mọi người trên thế gian chỉ bám theo những dục lạc trước mắt, chỉ đuổi theo tài, sắc để thỏa mãn dục vọng, còn đối với chuyện sau khi chết mình sẽ đi về đâu thì họ không hề để tâm suy tư……

“Đại vương! Như Lai cần nhấn mạnh điều này: Ngài không nên nghĩ rằng, học đạo tu thiện là bắt buộc phải đi xuất gia. Trên đường tu học chân chánh không có sự phân biệt giữa người xuất gia và kẻ tại gia. Có người vào ở ẩn nơi núi cao rừng sâu để học đạo mà vẫn bị đọa lạc; có người tu hành ngay nơi gia đình mình mà vẫn có được công đức. Cho nên không nhất thiết phải là người như thế nào mới tu hành học đạo; người làm vua, trong khi làm vua vẫn có thể tu hành.”

“…… Hiện giờ trẫm được bái kiến đức Thế Tôn, được lắng nghe pháp ngữ, cảm thương cho cái quá khứ ngu si cuồng vọng của mình, giờ đây như vừa tỉnh mộng. Ở thế gian thì trẫm là vua một nước, nhưng trong tâm thì chứa đầy bực bội, phiền muộn……

“Ngài đích thật là một đức Phật cao cả! Trẫm nghe lời chỉ dạy của Ngài mà thấy như người lữ hành trong đêm tối mà gặp được ánh sáng. Lòng trẫm vui mừng không biết dùng lời gì để diễn tả được. Trẫm vô cùng ân hận vì đã đến bái kiến Ngài quá trễ……” (Tuyển Tập 1, Hạnh Cơ)

Pháp ngữ của đức Phật, mỗi câu mỗi lời đều khiến cho vua Ba Tư Nặc thành khẩn tín phục. Nhà vua xin qui y Tam Bảo; và từ đó nhà vua trở thành một vị đệ tử đắc lực, một vị hộ pháp thành tín của đức Phật.

Thưa bạn, đó là những lời Phật dạy cho trời Đại Phạm Thiên Vương và cho vua Ba Tư Nặc; và đó cũng chính là những lời để dạy cho chúng ta ngày hôm nay sau cả ba ngàn năm. Cái ơn này lớn lắm! Mình mang ơn Phật từ đời này và mãi mãi cho đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp.

Kế đến là chúng ta mang ơn ai đây? Đó là tôn giả A Nan. Nói đến thiện duyên của tôn giả A Nan thì thật là kì diệu! Trong số các vị vương tử thì Phật hi vọng nhất là có được A Nan đi xuất gia. Lần đầu tiên trông thấy A Nan, Phật đã nghĩ ngay rằng, nếu A Nan đi xuất gia thì về sau có thể làm cho Phật Pháp hưng thịnh và truyền mãi đến ngàn sau.

Quả vậy, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, vì chúng ta mà lúc sắp nhập niết bàn, đã dùng tay phải của Ngài cầm lấy bàn tay tôn giả A Nan, phó chúc cho kho tàng Pháp Bảo vô thượng bồ đề mà Ngài đã tích tập từ vô số kiếp:

“Này A Nan! Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong  đời vị laiphó chúc cho thầy kho tàng Pháp Bảo vô thượngNhư Lai đã tích tập từ vô số kiếp, khiến cho họ được nghe, vì sao vậy? Nếu họ không được nghe Chánh Pháp này thì đó là sự mất mát lớn lao. Vì vậy cho nên hôm nay Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai kia mà đem kho tàng Pháp Bảo phó chúc cho thầy. Nếu họ được nghe thì vô cùng lợi lạc……

“Lại nữa, này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo vô thượng bồ-đềNhư Lai đã tích tập trong vô số kiếp, có thể sẽ bị ẩn mất do ba nhân duyên sau đây: một là không có lòng tin, hai là không có sự thực hành quyết định, ba là không sám hối. Vì vậy cho nên, này A Nan! Quí thầy hãy hộ trì kho tàng Chánh Pháp, phải vững chắc trong lòng tin sâu sắc, sự thực hành quyết địnhtâm chân thành sám hối; phải làm ba việc: mong cầu giải thoát, siêng năng và không buông lung.” (Kinh Đại Bi, HC dịch)

Tôn giả kế thừa Phật nghiệp cũng là việc tự nhiên, như hoa nở vào mùa xuân; và đó cũng là điều mong mỏi trước đây của đức Thế Tôn.

Như vậy, Phật giáo đương thời, dưới sự ủng hộ của vua A Xà Thế, vẫn phát triển đều đặn. Đến khi trưởng lão Đại Ca Diếp nhập diệt thì những vị đệ tử lớn thường thân cận bên Phật thuở trước, bây giờ chỉ còn một mình tôn giả A Nan. Thưa bạn, bài kệ sau đây của tôn giả mà tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm:

“Nếu người sống trăm tuổi

Không hiểu pháp sinh diệt

Chi bằng sống một ngày

hiểu rõ pháp ấy

Tôn giả đã đem cả một kho báu Chánh Phápđức Thế Tôn đã phó chúc cho tôn giả để truyền cho khắp chúng sinh trên thế gian.

Những lúc ngồi yên lặng suy nghĩ cái hiện tại của cuộc đời, tôi nản vô cùng. Nhưng mỗi sáng sớm tụng chú Lăng Nghiêm, bài tựa của tôn giả A Nan, tôi tụng đến câu “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, Như nhất chúng sinh vị thành Phật, Chung bất ư thử thủ nê hoàn.”, thì tôi rất quí kính tôn giả. Cái lực của tôn giả đã làm tan biến sự chán nản trong tôi.

Đó là một cái ơn rất lớn của tôn giảPhật tử chúng ta ghi nhớ mãi mãi.

Về An Cư, ở quê hương thứ hai này, quí Thầy vẫn giữ truyền thống kiết hạ an cư. Mùa an cư năm nay, vì cái đại dịch Covid-19 nên phải tạm ngưng. Trong tâm tôi vẫn luôn nhớ về những mùa an cư trước mà tôi được theo. Chương trình tu học mà quí Thầy dạy cho Phật tử thì rất nhiều, nhưng tôi rất thích buổi công phu khuya, nên suốt thời gian an cư tôi không bỏ buổi nào. 4giờ30 sáng Đại Chúng bắt đầu vân tập trước chánh điện, quí Thầy, quí Ni Sư, quí Phật tử, tất cả gần một trăm người, mà hết sức tĩnh lặng, trang nghiêm. 5 giờ hô canh, rồi ngồi thiền, tới 5g30 thì vào thời công phu khuya.

Thỉnh thoảng tôi cũng dự nghe thuyết pháp buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ, và ngồi thiền tới 10 giờ thì ra về.

Những hình ảnh này luôn ở trong tâm tôi; và đây cũng là cái ơn lớn lao của Chư Tăng mà tôi luôn ghi nhớ.

Về Thầy Tổ, trước hết mình mang ơn thầy Bổn Sư của mình đã dìu dắt mình vào Đạo; kế đó là mình mang ơn quí thầy giáo thọ đã dạy giáo lí cho mình từ những bước đầu. Tôi được học giáo lí một thời gian với hòa thượng Thích Thiện Hoa, còn gọi ngài là thầy Đốc Giáo. Ngài rất từ bi, hoan hỉ, nhưng cũng rất nghiêm với học trò. Kỉ niệm thì nhiều, nhưng một câu ngài đã dạy làm tôi nhớ mãi: “Phàm  làm việc gì thì trước phải nghĩ tới hậu quả của nó.” Câu này tôi đã học thuộc lòng, và đã áp dụng nó trong nhiều trường hợp khó khăn của cuộc đời tôi. Tôi cám ơn hòa thượng rất nhiều; và ơn này tôi cũng ghi nhớ mãi mãi.

Ông Bà Cha Mẹ thì mình mang ơn đành rồi. Trong gia đình thì người chồng cũng mang ơn vợ, và người vợ cũng mang ơn chồng. Con cái thì phải mang ơn cha mẹ, nhưng ở đây tôi cũng rất mang ơn các con tôi; ngay cả các cháu tôi, tôi cũng mang ơn.

Trong một bữa cơm gia đình, mọi người nói về học kinh nghiệm ở đời, thì “người 70 phải học người 71”; lúc đó tôi liền nói cái ý kiến của tôi: “70 tôi đang phải học đứa 10 tuổi đây.” Có một cô sững sờ hỏi tôi: “Sao vậy?” Tôi chỉ ngay đám cháu tôi năm, sáu đứa, từ 6, 7 tuổi đến 11, 12 tuổi; cứ gặp nhau là các cháu cười vui, tíu tít, ríu rít, trên miệng luôn luôn có chữ “sorry, thank you, nice, good, wonderful…”. Tôi thấy các cháu dùng những chữ này thật là tự nhiên, thật là hồn nhiên, dễ mến, dễ thương. Cái cảnh này vui và đẹp làm sao! Phải chi tôi cũng được hồn nhiên như các cháu! Và tôi đã học các cháu để dùng những chữ này khi tiếp xúc với những người bản xứ hàng xóm của mình. Tôi cám ơn các cháu rất nhiều.

Có những lúc ngồi yên lặng, suy nghĩ về cuộc đời, thì thấy sự sống của mình, nào cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, thuốc men…, mình hình dung ra người thợ cày, thợ cấy, người trồng bông, dệt vải; mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, không khí, cây cối, sông hồ; khi đi bác sĩ, tôi ngồi nhìn ngắm ông bác sĩ, tôi suy nghĩ, ông này từ lúc còn là học sinh, chắc là học hành chăm chỉ và cũng do cha mẹ chăm lo dữ lắm thì ngày nay mới có ông ta để giúp cho mọi người; dược sĩ, kĩ sư, y tá, thư kí v.v…, cũng vậy.

Có những người mình mang ơn mà chưa trả được, hoặc không bao giờ có thể trả được. Cho dù người kia không nhớ, nhưng mình vẫn không quên; thì làm sao đây? Một cách gián tiếp, hoặc giúp người khác, hoặc làm từ thiện, hoặc cố gắng tu tập, cầu nguyện, hồi hướng công đức về người đó và chúng sinh. Tóm lại, mình mang ơn chúng sinh nhiều lắm, trùng trùng điệp điệp… Mang ơn ai thì mãi mãi chớ nên quên.

 

***

 

Về giữ giới, Phật dạy cho chúng ta ba sự qui ynăm giới pháp.

Qui y Phật là một lòng tin Phật; không tin theo tà ma ác quỉ. Qui y Pháp là một lòng tin vào giáo pháp của Phật; không tin theo những điều mê tín dị đoan của ngoại đạo tà giáo. Qui y Tăng là một lòng tin theo đoàn thể Tăng già, những bậc tu hành phạm hạnh, chân chính, giữ gìn giới luật của Phật; không tin theo những bè đảng xấu ác.

Giới thứ nhất, không sát sinh: Mình không được giết tất cả các loài hữu tình, từ người tới vật. Không được ăn thịt các loài chúng sinh; và cũng không được cắt thái, nấu nướng thịt cá và mua những thứ này cho người khác ăn.

Giới thứ hai, không trộm cắp: Không được không cho mà lấy. Mình không được ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp những tài vật lớn nhỏ của người khác; không dối trá, lừa đảo, phỉnh gạt để lấy tài vật của người khác.

Giới thứ ba, không tà dâm: Không được tà dâm với người không phải là chồng hay vợ mình, để bảo vệ hạnh phúcdanh dự cho mình, cho gia đình mình, và cho người trong xã hội.

Giới thứ tư, không nói dối: Không nói lời dối trá, không nói có thành không hay không thành có, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt, không nói lời dua nịnh, không nói lời độc ác, không chê bai hủy báng.

Giới thứ năm, không uống rượu: Khi uống rượu say sưa thì không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái; lúc đó, không những đã phạm giới uống rượu, mà còn có thể phạm luôn bốn giới trên.

Trong kinh Ưu Bà Tắc, Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia hành trì thêm bốn tâm tăng thượng: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, thì được dự vào dòng (Dự-lưu – Tu-đà-hoàn).

Chúng ta phát tâm theo Phật thì chúng ta phải đi con đường Phật đã chỉ, giống như muốn đi đến một thành phố nào, một nước nào, một nơi xa xôi nào, trên không dưới biển cũng vậy, thì chúng ta phải có bản đồ mới đi được tới đích.

Giới luật của Phật dạy thật tròn đầy, không khiếm khuyết. Ai trong chúng ta cũng muốn giữ giới đúng như lời Phật dạy, nhưng chúng ta phải có tự chủ, đừng để bị lôi kéo. Trong sinh hoạt hàng ngày, sáu căn rất dễ bị sáu trần cám dỗ.

Nếu chúng ta ai ai cũng phụng hành giới luật của Phật dạy thì gia đình, xã hội, thế giới sẽ được bình an, hạnh phúc.

 

***

 

Về sám hối, trong kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dạy: “Này thiện nam tử! Trong đời có hai hạng người thật là hi hữu như hoa Ưu-đàm: một là người không phạm tội ác, hai là người có tội mà biết hối cải.” Trong chúng ta có ai dám nghĩ là mình không bao giờ có lỗi?

Cứ mỗi tháng, vào ngày 14, 30, là mình lên chùa sám hối, lạy Hồng Danh. Trước chánh điện, trong lúc lạy Phật, mình xin sám hối Phật về những gì mà mình đã làm sai với lời Phật dạy; và nguyện không bao giờ tái phạm. Còn những ai làm cho mình buồn, mình khổ thì mình nguyện buông bỏ, nguyện hỉ xả. Mỗi lần sám hối xong, khi ra về, nhìn các bạn đạo, tôi thấy ai cũng hoan hỉ, vui vẻ.

Bạn, trong những lúc ngồi yên lặng, tôi suy nghĩ miên man, trong suốt cuộc đời mình, chắc mình có thể có rất nhiều lỗi: lỗi với Ông Bà Cha Mẹ, lỗi với Thầy Tổ, lỗi với bà con, bạn bè, hàng xóm. Trong gia đình thì lỗi với chồng, với vợ, với con, với cháu. Lỗi gì? Mình tự suy nghĩ, tự suy xét thì mình sẽ tự biết. Cho dù không ai thấy, không ai biết, nhưng lương tâm mình nó phải biết. Từ ý nghĩ, cử chỉ, lời nói, việc làm, cho dù mình vô tình hay cố ý, đều có thể dễ có lỗi. Khi làm việc gì, mình biết là mình làm lỗi, hay mình nói lỗi, mình phải trực tiếp nhận lỗi và xin lỗi. Cho dù người đó có nhỏ hơn mình, mình vẫn xin lỗi như thường. Việc không ai biết thì mình phải đến trước bàn thờ Phật, thành tâm xin sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm.

Cuộc đời thật ngắn ngủi, mình nên cẩn thận, kẻo dễ gây nghiệp. Mà đã gây nghiệp thì phải trả; luật nhân quả không có sai.

 

***

 

Bạn, những chữ mang ơn, giữ giới sám hối, nó cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ trong cuộc đời, mình là người Phật tử mà mình không biết mang ơn, không biết giữ giới và không biết sám hối, thì quá uổng và thiệt thòi cho chính mình vô cùng! Xin lỗi, cám ơn, sám hối thì lòng thấy nhẹ nhõm, an vui.

Đạo Phậtđạo từ bi, trí tuệ, tư duy, nhẫn nhục, kiên nhẫn, và cũng rất dũng mãnh, rất cao quí, bất tư nghì!

Bạn và tôi, mỗi người tự cho mình được có một lời ước nguyện, chỉ được ước một lời thôi: Bạn ước nguyện được về cõi Phật; còn tôi thì ước nguyện trên thế gian này, mọi người đều giữ giới không sát sinh, không ăn thịt các loài chúng sinh. Ăn chay.

Thưa bạn, bài này tôi viết là để tự nhắc nhở mình; tôi cũng xin tặng các bạn. Nếu bạn phát tâm hoan hỉ đọc, thì đó là nhân duyên quí báu, mà đó cũng là cái ơn bất khả tư nghì mà bạn dành cho tôi. Tôi xin cám ơn bạn vô lượng.

 

Cung kính lạy Chư Phật thường trụ.

Cung kính lạy đức Thế Tôn Như Lai Đại Bi.

Cung kính lạy tôn giả A Nan Đà Khải Giáo.

 

Đệ tử Như Từ Viên

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/10/2020(Xem: 4836)
17/02/2015(Xem: 9908)
23/02/2017(Xem: 6345)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.