KHI THIỀN NI CHIYONO CHỨNG NGỘ
Anh dịch: Anne Dutton
Việt dịch: Nguyên GIác
(Dịch theo bản Anh dịch “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, từ các trang 173-179 của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan” - ấn bản 2008 của nxb Hackett Publishing Company. Thiền ni Mugai Nyodai (?-1298), thường được gọi theo thế danh là Chiyono, là một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên nhận ấn khả tâm truyền từ một dòng Thiền; trường hợp của bà là nhận ấn khả từ Thiền sư Trung Hoa Wu-hsueh Tsu-yuan sang Nhật hoằng pháp. Thiền ni Chiyono sau đó trở thành một bậc thầy dạy Thiền nổi tiếng, lập ra nhiều trung tâm dạy Thiền tại Kyoto, trong đó có Chùa Keiai-ji, nơi được xem là Thiền viện hàng đầu cho các Thiền ni trong thời trung cổ Nhật Bản. Chuyện kể dưới đây cho thấy bà sinh từ giai cấp quý tộc, nhưng đã vào một chùa Thiền làm việc cực nhọc, nhiều phần hệt như Lục Tổ Huệ Năng. Chuyện về Thiền ni được kể qua nhiều thế kỷ, và xuất hiện trong nhiều ấn phẩm Phật học, kể cả các lời dạy về công án. Chuyện kể cho thấy đây là tổng hợp từ nhiều mẩu chuyện trước đó về Thiền ni Chiyono.)
.
Trong ngôi làng Hiromi ở huyện Mugi, có ba vị ni sư xây lên một Thiền tự, và tận lực tu học Phật pháp. Cùng với một số vị ni khác từ nhiều nơi khác tới, và trong một số sự kiện, cùng với nhiều đệ tử cư sĩ, họ xây dựng được một cộng đồng tu hành theo Thiền Tông.
Lúc đó có một thiếu nữ khoảng 24 hay 25 tuổi đã nhiều năm vào tự viện này làm những việc nặng nhọc. Tên cô là Chiyono. Người ta kể rằng cô là con gái của một gia đình quý tộc. Khi khát vọng giải thoát tràn ngập trong lòng cô, tức khắc cô rời nhà ba mẹ và vào tự viện này, nhận công việc công quả nặng nhọc, kể cả chẻ củi và xách nước.
Chiyono quan sát các ni sư thực tập Thiền. Cô nghe và trân trọng tất cả những lời dạy và đối thoại của các ni sư. Cô thường nhìn ngắm các ni sư xuyên qua các kẽ hở từ các tấm màn treo nơi lối vào cửa, và rồi trở về phòng cô, bắt chước bằng cách ngồi nhìn vào vách – nhưng chưa thấy ích lợi nào.
Một hôm, Chiyono tới hỏi một ni sư trẻ. Cô nài nỉ, “Xin làm ơn dạy cho cốt tủy của pháp tọa thiền.”
Ni sư trả lời cô, “Pháp hành của ngươi chỉ đơn giản là phục vụ các ni sư trong tự viện này ở mức có thể, mà đừng nghĩ ngợi gì về khó nhọc hay mở lời than van. Đó là pháp tọa thiền của ngươi.”
Choyono tự suy nghĩ, “Thiệt là đau đớn! Mình bước vào thế giới này như một người thấp kém và bất tài, sống trong đau đớn và khổ não. Nếu mình tiếp tục thế này, mình cũng sẽ đau khổ trong kiếp sau vậy. Thời gian sẽ trôi qua, nhưng khi nào sẽ có cơ duyên cho mình đạt được giải thoát? Hành động xấu nào đã dẫn tới nghiệp quả này vậy?” Nỗi đau đớn của cô là vô cùng tận.
Đêm về, ẩn dưới ánh trăng mờ, cô tới gần thiền đường và nhìn vào trong. Cô quan sát thấy nhiều người ngồi thiền, cả các ni sư và người đời thường, cả nam và nữ cư sĩ, cả già và trẻ. Rời bỏ hoàn toàn những quan tâm chuyện đời, họ ngồi miên mật tọa thiền. Hình ảnh thực sự là trang nghiêm.
Chiyono suy nghĩ, trong khi nước mắt tự nhiên ràn rụa, “Ngay cả các cô gái trẻ cũng biết dị biệt giữa chơn và vọng trong việc tu theo nội quy tự viện để xả bỏ chuyện đời. Họ có khát vọng vĩ đại là muốn xả bỏ thế giới si mê này. Tự khép mình tu tập gian nan hơn, họ ngồi suốt đêm trong tịch lặng nhất tâm mà không ngủ gục. Làm sao mình có thể thiếu những quyết tâm như thế để làm như họ? Nơi đây là những cư sĩ tự vui với chính họ ngày và đêm, không vướng bận gì về các thứ, và rồi họ ngồi trên các tấm đệm đó, rời bỏ tất cả các niệm về thế giới, không bao giờ ngả đầu lên gối. Thân của họ gầy yếu, tinh thần của họ cạn kiệt, nhưng họ không bận tâm rằng sinh mạng của họ đã gặp nguy hiểm. Họ có tâm nguyện rất mực thâm sâu. Họ xứng đáng được gọi là đệ tử của Đức Phật.”
Bấy giờ, có một Thiền ni già trong tự viện rất mực từ bi. Một hôm, Chiyono tới gặp Thiền ni già và nói, “Con có khát vọng tu pháp tọa Thiền, nhưng con sinh ra đã bất hạnh. Con không biết đọc hay viết. Con cũng không thông minh. Nếu con có mang tâm nguyện [giải thoát], có thể nào con thành tựu Phật pháp cho dù con không có kỹ năng nào?”
Thiền ni già trả lời Chiyono, “Tuyệt vời đó, con ơi! Thực sự, có cái gì nơi đó đâu mà thành tựu? Trong Phật pháp, không hề phân biệt gì giữa một người nam và một người nữ, giữa một cư sĩ đời thường và một tu sĩ. Cũng thế, không hề có dị biệt nào giữa quý tộc và thường dân, giữa già và trẻ. Chỉ có thế này thôi – mỗi người phải giữ chặt lấy đại nguyện và bước theo đường Bồ Tát Hạnh. Không có con đường nào cao hơn đường này.
“Con đừng có lý thuyết hóa về lời dạy hay về giáo pháp của chư Phật và của các Thiền sư. Theo kinh điển, mục tiêu là thành tựu cõi Phật nơi chính con. Giáo pháp dạy rằng tọa thiền nghĩa là ‘tìm Phật trong chính tâm của con.’ Theo lời cổ đức, lời dạy trong kinh điển y hệt ngón tay chỉ vào mặt trăng. Lời của các tổ chỉ là chìa khóa để mở cổng. Nếu con nhìn trực tiếp vào mặt trăng, sẽ không cần tới ngón tay nữa. Nếu cửa đã mở xong, chìa khóa sẽ không cần nữa. Một tu sĩ quen thuộc với mười triệu bản kinh thực sự không xài tới một chữ nào trong tọa thiền. Kiến thức rộng và học nhiều chỉ là chướng ngại cho việc vào cửa pháp; chúng dẫn tới việc triết lý hóa và chữ thôi. Nếu con biết được tâm của con, lời dạy nào trong kinh mà con cần nữa chớ? Trong việc vào Đạo, chúng ta phải dựa riêng toàn thân của chúng ta thôi.
“Thêm nữa, những người muốn tu tập tọa thiền hãy khởi đại bi tâm với ước nguyện cứu tất cả chúng sinh. Đừng tìm giác ngộ cho riêng mình. Hãy tới một nơi vắng lặng, ngồi theo tư thế hoa sen, đặt bàn tay này trên bàn tay kia. Thân không nghiêng về phía nào, hai tai thẳng với hai vai. Mở mắt he hé, chú ý vào đầu mũi. Đặt lưỡi thoải mái nơi hàm miệng trên. Buông xả hết toàn bộ thân tâm và toàn bộ những gì trong đời ngươi. Nhìn từ bên trong, sẽ thấy chính ngươi không có tâm nào hết. Hãy quên tất cả những gì liên hệ của ngươi với mọi người, mọi chuyện khác. Nhìn từ bên ngoài, sẽ thấy không có tâm nào ở bất kỳ đâu để được tìm ra. Khi bất chợt có niệm nào khởi lên, hãy để niệm đó trôi đi. Chớ đi theo các niệm. Đó là kỹ thuật cốt yếu của tọa thiền. Hãy tin lời dạy này, và làm theo như thế, cứ y như thế chờ đợi.” Vị ni sư từ bi giải thích chi tiết như thế.
Chiyono đón nhận lời dạy với tín tâm, và hạnh phúc quỳ lạy vị Thiền ni. “Khi con mới bắt đầu tọa thiền, nhiều thứ con đã thấy và đã nghe trong quá khứ cứ hiện trở lại trong tâm con. Khi con tìm cách ngăn chận, chúng cứ tăng thêm. Lời Sư Bà mới dạy mà con vừa nghe, cho con hiểu rằng khi niệm khởi bất chợt trong tâm, con nên để chúng tự tịch lặng. Con không nên làm nỗ lực nào để ngăn cản các niệm.”
Vị Ni sư già đáp, “Đúng vậy. Nếu không, thì chỉ y như dùng máu để rửa vết máu. Lời dạy cổ đức là, ‘Đốn ngộ là thuốc chữa trị các chứng bệnh bất tận của chúng ta.’”
Chiyono nói, “Nếu con tiếp tục tu theo lời dạy này, kết quả thiện lành chắc chắn sẽ tới. Chắc chắn rằng con sẽ thấy tánh Phật rõ ràng và sẽ chân thực thành tựu quả Phật trong một khoảnh khắc.”
Vị Ni sư trả lời bằng giọng mạnh mẽ, “Con bây giờ đã hiểu rằng tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành. Thế giới sinh và tử (sinh diệt), và Niết Bàn (vô sinh diệt) thực ra y hệt như một giấc mơ.”
Chiyono nói, “Con đã nghe rằng Đức Phật phóng quang từ tướng lông trắng giữa hai chân mày, chiếu sáng khắp mười phương. Nhìn ngắm vào chúng y hệt như nhìn vào lòng bàn tay của ni sư. Con có thể tự chỉ vào thân thấp hèn của con và nói rằng con có Phật tánh hay là con tự ảo tưởng về chính mình?”
Vị Ni sư trả lời, “Hãy nghe kỹ nhé. Các Thiền sư cổ thời đã nói rằng tất cả mọi người đều đã hoàn hảo y hệt như quý Thầy. Mỗi người đều đã hoàn hảo; không hề cách biệt dù là một sợi lông mày chia cắt ai ra khỏi toàn thiện này. Tất cả chúng sinh đều đã có đầy đủ trí tuệ và giới đức của Đức Phật. Nhưng vì người ta bị tràn ngập bởi vọng niệm và dính mắc, họ không thể hiển lộ [các phẩm tính đó] ra.”
Chiyono hỏi, “Những vọng niệm này là gì?”
Ni sư trả lời, “Sự kiện là, khi con chạy theo các niệm khởi lên trong tâm là đã che lấp Phật tánh của con. Đó là lý do vì sao chúng ta nói về ‘vọng niệm.’ Y hệt như mình lấy vàng và dùng vàng làm nón hay đôi giày, gọi cái con che đầu là ‘nón’ và gọi cái con mang nơi chân là ‘giày’. Cho dù con dùng tên gọi khác nào cho sản phẩm, vàng vẫn là vàng. Cái con mang trên đầu không phải là cao quý. Cái con mang dưới chân không phải là thấp hèn. Khi dùng ẩn dụ này cho Phật pháp, vàng là biểu tượng cho Đức Phật --- tức là, nhận ra bản tánh cốt tủy của con. Những ai bị sai lạc về bản tánh cốt tủy này của họ, thì chúng ta gọi là chúng sanh. Khi chúng ta gọi ai đó là một Đức Phật, bản tánh cốt tủy đó của họ không tăng thêm. Khi chúng ta gọi ai đó là chúng sanh, bản tánh cốt tủy của họ không suy giảm. Phật hay chúng sanh --- chỉ vì vọng niệm, người ta chọn điểm nhìn rằng có hai thứ khác nhau. Nếu con không rơi vào vọng niệm, sẽ không có Phật và cũng không có chúng sanh. Chỉ có duy một bản tánh, y hệt như thế chỉ có một thế giới hoàn hảo, mặc dù chúng ta nói là thế giới của mười phương.”
“Đức Phật một lần nói, “Khi con xa lìa tất cả sở duyên [dính mắc], thì con sẽ thấy Đức Phật.’ Ngài cũng nói, ‘Con phải buông bỏ ngay cả pháp.’ Cái gì gọi là pháp như thế? Nếu con thực sự muốn biết tự tánh của con, con phải tự hướng mình về tận cội nguồn vọng niệm và nhìn thấu tận đáy nguồn. Khi con nghe một âm thanh, đừng hướng tâm về cái đang được con nghe, mà thay vào đó, hãy chú tâm vào tận nguồn chính cái [năng lực] nghe của con. Nếu con thực tập cách này với tất cả mọi thứ, con chắc chắn sẽ hiển lộ minh bạch tự tánh chân thực của con.”
Chiyono hỏi, “Cái gi là tâm thấu suốt cội nguồn các pháp?”
Vị Ni sư trả lời, “Câu con vừa hỏi ta --- đó là một điển hình về cách suy nghĩ của con. Hãy quan sát về nơi khi niệm đó chưa khởi dậy. Hãy tận lực tự sách tấn chính con. Đừng dính theo cho dù một chút mảy may của niệm ---đó là cái chúng ta gọi là thấu suốt cội nguồn.”
Chiyono nói, “Có nghĩa là, bất kể mình đang làm cái gì, khi chúng ta làm mọi việc trong đời sống hàng ngày, chúng ta không nên chạy theo vật, nhưng hãy tự quay ngược về quan sát tận nguồn tâm niệm của mình, và liên tục cố gắng nhìn cho thấu suốt?”
Vị Ni sư nói, “Đúng vậy. Đó gọi là tọa thiền.”
Chiyono nói, “Những lời con vừa được dạy mang cho con hạnh phúc lớn vô cùng. Con không thể nào ngồi tọa thiền ngày và đêm được, vì con cứ luôn luôn phải lượm củi và xách nước về, và nhiệm vụ công quả của con nhiều lắm. Nhưng như con vừa được nghe dạy, không có gì bất khả để thành tựu trong 12 giờ đó (ghi chú: 1 giờ thời xưa là 2 giờ bây giờ). Quan sát tận nguồn tâm niệm của con, cả về phía phải và về phía trái (thiện/ác), tùy theo thời gian và tùy theo hoàn cảnh, làm sao con xao nhãng bổn phận của con được? Với cách thực tập như thế, con có thể làm như thế trong mọi việc trong ngày. Khi con thức dậy là thực tập, và khi đêm về ngủ là thực tập, trở ngại nào có thể có nữa?” Cô Chiyono vui mừng bước đi.
Vị Ni sư già gọi tên cô trong khi cô bước đi. Chiyono đáp, và quay trở lại. Vị Ni sư nói, “Khát vọng tu tập của con rõ ràng là rất sâu và không dời đổi.”
Chiyono trả lời, “Khi nói về tu tập, con chưa bao giờ quan tâm về chuyện tổn thương hay mất mạng. Con chưa bao giờ tự nêu câu hỏi như thế. Nếu như Sư Bà nói, con không được để một khoảnh khắc nào chệch ra khỏi pháp thực tập đó. Tất cả mọi hành động đều là một hình thức của thực tập pháp. Làm sao con xao nhãng được?”
Vị Ni sư già nói, “Như vừa rồi, khi ta gọi ra tiếng ‘Chiyono,’ tại sao con dính vào âm thanh [cách nói] của giọng ta nói? Con hãy nên chỉ lắng nghe và trở về trực tiếp tận nguồn tâm niệm. Đừng bao giờ quên: sinh tử là chuyện lớn. Tất cả mọi thứ trôi qua nhanh vô cùng. Đừng chờ đợi --- với từng hơi thở vào, với từng hơi thở ra, trong mọi thời hãy dựa vào pháp tu tập của con. Khi có chuyện gì tới với con, con chớ nắm giữ đau đớn hay dính vào nó, ngay cho dù con có thể sau đó sẽ ân hận. Hãy kiên tâm tu mãi pháp này.”
Sau khi thọ nhận bài học này, Chiyono thở dài và im lặng. Cô chưa đi quá xa, trước khi vị Ni sư một lần nữa gọi tên cô. Chiyono quay đầu lại một chút, nhưng không còn để tâm dính mắc vào giọng của Ni sư, cô quay trở về trực tiếp tận nguồn tâm niệm của cô. Với cách này, cô tiếp tục tu tâp như thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Có ngày, cô về nhà và quên ăn. Đôi khi, cô đi lấy nước và quên múc nước vào thùng. Đôi khi cô đi lượm củi và quên rằng cô đã vào trong một thung lũng dốc. Đôi khi cô đi trọn ngày mà không ăn hay nói gì, và đi cả đêm mà không ngả lưng nằm xuống. Mặc dù cô có mắt, cô không thấy; và cho dù cô có tai, cô không nghe. Cử động của cô y hệt như một người gỗ. Các vị ni trong chùa bắt đầu nói về cô, nói rằng cô sắp đạt ngộ.
Vị Ni sư già nghe chuyện như thế, liền lặng lẽ tới nhìn từ bên ngoài phòng ngủ của cô Chiyono. Phía sau tấm màn tre, cô Chiyono, với tóc búi cao trên đầu, ngồi nhìn vào vách. Trông cô như đã quen với việc ngồi thiền, ngó hệt như một vị tọa thiền lâu năm. Cô ngồi trong khi mở ra thế giới của sự thật lớn, trong đó tất cả hư vọng đã bị xả bỏ. Hướng tâm tự nhìn vào mình, cô Chiyono thực hành việc quan trọng nhất trong hoàn cảnh khi đó, quan sát tâm không dừng nghỉ. Thân của cô là thân của một phụ nữ chân thực hiển lộ sức mạnh của một bậc chân tu. Ngay cả trong thời xa xưa, một người như thế rất là hiếm hoi. Những ai thiếu vắng sức tu khẩn cấp như thế nên tự thấy xấu hổ.
Vị Ni sư hỏi cô Chiyono, “Nơi nào con đang hướng mặt như thế?” Chiyono quay nhìn về vị Ni sư, rồi quay trở lại, ngồi nhìn vào vách y hệt như một cội cây. Vị Ni sư hỏi cô Chiyono tiếp, “Cái gì? Cái gì?” Lần này, cô Chiyono không quay đầu lại. Như thế, cô đã [vào định sâu] không thấy chính cô nữa trong việc tọa thiền.
Trong tháng thứ 8 âm lịch năm kế tiếp, vào buổi tối ngày rằm, mặt trăng tròn chiếu sáng. Nhân dịp bầu trời đêm không mây, cô Chiyono đi ra giếng xách nước. Trong khi như thế, đáy thùng nước của cô đột nhiên thủng, và ảnh của mặt trăng phản chiếu biến mất theo nước. Khi thấy như thế, cô đột nhiên đạt ngộ hoàn toàn. Mang thùng theo, cô trở về chùa.
Trước đó [trước khi đạt ngộ], cô đã tới gặp vị Ni sư già, người dạy cô Thiền, và nói, “Bệnh của con là hết chữa, và con sẽ chết trong đêm. Con muốn cạo đầu và chết trong hình thức này. Con được cho phép như thế không?” Vị Ni sư già đã cạo trọc cho cô Chiyono.
Thêm nữa, vị Ni sư già trước đó từng nghe Thiền sư Wu-hsueh nói, “Cô Chiyono tuy có vị trí thấp trong chùa, nhưng cá tính cô không bình thường đâu. Tâm nguyện của cô rất sâu – vượt xa hơn những người khác.” Vị Ni sư nghĩ rằng Thầy Wu-hsueh nghĩ đúng.
Khi về gặp vị Ni sư già, cô Chiyono đứng chắp tay và nói, “Ni trưởng đã dạy con với tâm từ bi và rất mực tử tế. Nhờ đó, trong canh ba của đêm, mặt trăng tự tánh đã chói sáng một ngàn cửa pháp.” Khi cô nói xong, cô quỳ lạy ba lạy trước vị Ni sư già, và rồi đứng kính cẩn.
Vị Ni sư già nói, “Con đã đạt được cái chết lớn, thực sự cái chết đó nó làm chúng ta sống sinh động. Từ bây giờ trở đi, con sẽ theo học Thầy Wu-hsueh --- con phải đi tìm gặp Thiền sư đó.”
Sau đó, Chiyono được gọi là Ni trưởng Nyodai. Khi người ta tới hỏi pháp, Thiền ni này luôn luôn trả lời, “Đức Phật người có khuôn mặt là mặt trăng.” Thiền ni Chiyono đã gặp Thiền sư Wu-hsueh và đã nhận ấn khả truyền tâm, trở thành người nối pháp Thầy này. Pháp danh của Thiền ni là Mujaku Nyodai. Thiền ni là người tài trợ cho ngôi chùa Rokuon-ji tại thị trấn Kitayama ở kinh đô Kyoto, trong tinh Yamashiro, nơi bây giờ được gọi là Kinkakujoi.
Bài thơ của Thiền ni Chiyono khi bừng ngộ là:
Với này và kia, tôi đã tận lực
Và rồi đáy thùng bể văng ra
Khi nước chảy tuôn trào
Mặt trăng không nơi để trụ.