一念多念分別事
Luật sư Long Khoan
Việt dịch: Quảng Minh
Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự
DẪN NHẬP
Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự (一念多念分別事 ) do Luật sư Long Khoan trước tác, và được thu lục trong Đại Chánh Tạng, Tập 83, No. 2677.
Trong thời gian Pháp Nhiên Thượng nhân còn tại thế, vì ngộ nhận về chân thật nghĩa của “Niệm Phật vãng sanh” mà giữa các môn hạ của ông đã nảy sanh một cuộc tranh luận về hành nghiệp vãng sanh, gọi là “nhất niệm đa niệm”, và sự tranh cãi vẫn tiếp tục ngay cả sau khi ông viên tịch.
Nhất niệm nghĩa (一念義 ), là lập trường thiên chấp về hành nghiệp vãng sanh được thành tựu chỉ bằng ‘nhất thanh xưng danh’ hay ‘nhất niệm tín tâm’, và phủ nhận ‘đa niệm xưng danh’. Hành nghiệp vãng sanh Tịnh độ nằm ở ‘nhất niệm tín tâm’, bởi vì ‘nhất niệm’ thành tựu nên không lấy việc xưng niệm làm trọng. Kinh nói, “Dù chỉ một niệm”, vì vậy một khi nhân vãng sanh đã được quyết định, sau đó không cần phải xưng niệm. Người muốn tích lũy số lượng danh hiệu sẽ trở thành người không tin vào bản nguyện của Phật, và từ đó có quan điểm nghi ngờ ‘đa niệm xưng danh’. Như vậy là nhấn mạnh công đức của ‘nhất niệm’, ca ngợi ‘nhất niệm’ mà coi thường ‘đa niệm’.
Đa niệm nghĩa (多念義 ), là quan điểm thiên chấp về hành nghiệp ‘lâm chung vãng sanh’ được thành tựu thông qua việc tích lũy ‘đa niệm xưng danh’ khi bình sanh, và phủ nhận ‘nhất niệm nghiệp thành’. Sự vãng sanh Tịnh độ không thể được quyết định cho đến lúc lâm chung. Vì vậy, hành giả phải ‘đa niệm xưng danh’ và tích lũy nó qua sự tu tập, vì trong kinh nói, “Nhẫn đến mười niệm”. Nếu nói ‘nhất niệm nghiệp thành’ là không khế hợp với bản nguyện của Phật, thì hành giả trọn đời phải tinh tấn nỗ lực xưng danh. Như vậy là tích lũy công đức của ‘đa niệm’, ưa thích ‘đa niệm’ mà coi thường ‘nhất niệm’.
Những thiên chấp tệ hại như vậy vẫn tiếp tục xuất hiện, khiến cho Long Khoan phải ưu tư, và ông đã viết bản văn này, dẫn dụng những câu văn trong kinh điển và chú sớ để minh chứng, chỉ ra rằng nhất niệm và đa niệm đều không thể thiên chấp.
Quan điểm của Giác Như Thượng nhân về ‘nhất niệm đa niệm’ trong Khẩu Truyền Sao như sau:
“Sự tin biết một niệm là đủ, nhưng vẫn cố gắng nhiều niệm. Một niệm hay nhiều niệm đều là văn ý của bản nguyện. Những giải thích cho cái gọi là ‘Trên trọn một đời, dưới đến một niệm’1 cũng là văn ý của bản nguyện. Tuy nhiên, ‘dưới đến một niệm’ là tin tưởng và nắm giữ Bản nguyện, là thời khắc ‘vãng sanh được quyết định’. ‘Trên trọn một đời’ là việc báo đáp ơn Phật, sau khi ‘tức khắc được vãng sanh’.”
Trong Giáo Hành Tín Chứng, Thân Loan Thánh nhân có giải thích về khái niệm ‘Tín nhất hành đa’:
“Nhớ nghĩ Di Đà bản nguyện Phật
Tự nhiên tức thời nhập Tất định
Chỉ phải thường xưng Như Lai hiệu
Để báo ơn hoằng thệ đại bi.”2
Nhất niệm nghĩa đa niệm nghĩa (一念義多念義 , nghĩa một niệm nghĩa nhiều niệm), cũng gọi Nhất niệm đa niệm, là dụng ngữ của Phật giáo Nhật bản.
‘Nhất niệm nghĩa’, chỉ cho một tiếng xưng danh đã đủ để làm nhân quyết định vãng sanh, bởi thế không cần nhiều niệm xưng danh. Còn ‘đa niệm nghĩa’ thì chỉ cho người đã phát tâm niệm Phật thì phải niệm liên tục cho đến lúc lâm chung không dứt, mới được vãng sanh Tịnh độ. Nhưng Tịnh độ Chân tông Nhật Bản lại giải thích khác: Nhất niệm là tín tâm, đa niệm là xưng danh, tức cho rằng nhân vãng sanh quyết định ở ‘nhất niệm tín tâm’, còn ‘đa niệm xưng danh’ sau đó thì là biểu hiện sự báo ân Đức Phật. Ngoài ra, còn có các quan điểm về vấn đề này như: (1) Ngài Hạnh Tây (幸西 ) đề xướng ‘Phật trí nhất niệm’, chủ trương Phật và phàm phu là cùng nhất thể, trong ‘nhất niệm tín tâm’ của phàm phu mà ứng hợp với ‘Phật trí nhất niệm’ thì chắc chắn cũng vãng sanh Tịnh độ. (2) Ngài Long Khoan thì chủ trương ‘đa niệm nghĩa’, cho rằng phải tích lũy nhiều công phu niệm Phật, niệm liên tục, không ngừng nghỉ, mới có thể vãng sanh.
Niên hiệu Kiến Trường năm thứ bảy (1255), Thân Loan Thánh nhân đã sao chép văn bản này và trao cho các đệ tử của mình. Sau này, để giải thích Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự, Thân Loan còn viết Nhất Niệm Đa Niệm Văn Ý (一念多
念文意 ) . Điều này cho thấy văn bản này được tôn vinh đến mức nào.
Long Khoan (隆寛 , Ryūkan, 1148–1227), còn được gọi là Giai Không Vô Ngã (皆空無我 , Kaikū Muga), là một nhà sư của Tịnh độ tông Nhật Bản, một đệ tử của Pháp Nhiên Thượng nhân, người sáng lập ra tông phái này. Năm 1205, ông được bổ nhiệm làm Luật sư của Tăng quan. Không rõ ông trở thành đệ tử của Pháp Nhiên khi nào, nhưng vào tháng 3 năm 1204, ông đã nhận được quyển Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập (選擇本願念佛集 ) từ Pháp Nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian này, địa vị tu sĩ Thiên Thai của ông đã được thể hiện rõ ràng, vì ông không ký vào bản Thất Cá Điều Khởi Thỉnh Văn (七箇条起請文 )3 được viết vào năm đầu tiên niên hiệu Nguyên Cửu (元久, Genkyū, 1204). Vì ông sống tại Trường Lạc Tự (長樂寺, Chōraku-ji) ở Kyoto, nên dòng phái mà ông được coi là Tổ sư sáng lập Trường Lạc phái của Tịnh độ tông. Long Khoan đầu tiên nghiên cứu giáo lý Thiên Thai tại Diên Lịch Tự (延暦寺, Enryaku-ji) trên núi Tỷ Duệ. Sau đó, ông bị thu hút bởi giáo lý Tịnh độ và trở thành đệ tử của Pháp Nhiên. Vào năm thứ 2 (1212) niên hiệu Kiến Lịch (建曆), khi Pháp Nhiên qua đời, vị môn hạ trưởng lão Pháp Liên Phòng Tín Không (法蓮房信空) lên kế thừa, muốn thống lãnh giáo đoàn, nên về mặt đối ngoại ông đã tạo sự luận tranh đối kháng với vị tổ của Trường Lạc Tự là Long Khoan. Chính vì vậy, giáo đoàn gặp Pháp Nạn Gia Lộc (嘉祿法難 ), miếu thờ của Pháp Nhiên bị phá hoại, Long Khoan thì bị lưu đày đến địa phương Lục Áo (陸奥 , Mutsu), nhưng kết quả việc này đã tạo sự khích lệ vô cùng to lớn cho sự phát triển Tịnh độ tông ở vùng Quan Đông (關東 , Kantō). Dòng phái của Long Khoan vốn chủ trương Đa Niệm Nghĩa (多念義 ) thì được nhóm Trí Khánh (智慶 ) thọ dung; riêng Hạnh Tây (幸西 ), người chủ trương Nhất Niệm Nghĩa (一念義 ), thì bị lưu đày đến Nhất Khi (壱岐 ), nhưng lại được nhóm Minh Tín (明信 ) ủng hộ.
Sau khi Pháp Nhiên mất, Long Khoan đã viết Hiển Tuyển Trạch (顕選擇 ) để phản bác lại Đàn Tuyển Trạch (彈選擇 ) của Định Chiếu (定照 , Jōshō), một nhà sư Thiên Thai của Diên Lịch Tự. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ của các nhà sư Diên Lịch Tự và sự đàn áp của Mạc phủ. Ông bị lưu đày đến Áo Châu(奥州, Ōshū) ở miền bắc Nhật Bản vào năm 1227, nhưng đã qua đời trên đường đi tại Phạn Sơn (飯山 , Iiyama) ở tỉnh Tương Mô (相模 , Sagami).
Các tác phẩm của Long Khoan gồm có: Di Đà Bản Nguyện Nghĩa (彌陀本願義 ), Cụ Tam Tâm Nghĩa (具三心義 ), Cực Lạc Tịnh Độ Nghĩa (極樂浄土義 ), Hiển Tuyển Trạch, Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự, Tự Lực Đa Niệm Sự (自力多念事 ).
San Francisco, ngày 9 tháng 11 năm 2024
Phật tử Quảng Minh kính ghi