Thân Loan Thánh nhân
DI ĐÀ NHƯ LAI DANH HIỆU ĐỨC
彌陀如來名號德
Việt dịch: Quảng Minh
DẪN NHẬP
Di Đà Như Lai Danh Hiệu Đức (彌陀如來名號德 ) được viết bởi Đại sư Thân Loan và được đưa vào tập thứ hai của Chân Tông Thánh Giáo Toàn Thư (真宗聖教全書 ). Sơn Điền Văn Chiêu (山田文昭 , Fumiaki Yamada,1877-1933), học giả Lịch sử Phật giáo, giáo sư Đại học Đại Cốc, phát hiện cuốn sách này tại chùa Chánh Hành ở thành phố Tùng Bản (Matsumoto), tỉnh Trường Dã (Nagano), Nhật Bản, vào năm Đại Chánh (Taisho) thứ 7 (1918), cách nay hơn 100 năm.
Tác phẩm này được viết bởi Thân Loan Thánh nhân khi ông 88 tuổi, hai năm trước khi vãng sanh ở tuổi 90. Có lẽ Đại sư cũng thường viết văn này và gửi cho các đệ tử của mình ở khắp mọi nơi, và ngay cả ở tuổi 88, già mà vững chãi, vung bút viết thẳng. Nó gợi nhớ đến một ông già đã 88 tuổi, vẫn miệt mài truyền bá tâm đại bi của Đức Phật A Di Đà và chia sẻ pháp lạc với những pháp hữu ít biết chữ ở nông thôn, trên tinh thần sáng suốt mà dặn đi dặn lại khẩn niệm danh hiệu A Di Đà Phật.
Người ta tin rằng một bản sao không đầy đủ của cuốn sách này được lưu giữ tại chùa Chánh Hành ở Nagano, và một bản sao thay thế đã được truyền lại cho chùa Thượng Cung ở Aichi. Bởi vì cuốn sách này cực kỳ hiếm và không có bản thảo nào khác nên nó chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì vậy, có một số bất đồng về việc liệu bản sao của chùa Thượng Cung có thực sự là “Di Đà Như Lai Danh Hiệu Đức” hay không.
Mười hai quang được tìm thấy trong Chánh Tín kệ: “Vô Lượng, Vô Biên Quang tỏa khắp Vô ngại, Vô Đối Quang, Viêm Vương Thanh Tịnh, Hoan Hỷ, Trí Tuệ Quang
Bất Đoạn, Nan Tư, Vô Xưng Quang Siêu Nhật Nguyệt Quang chiếu cõi bụi.”
Và văn bản này có thể được hiểu như lời bình luận của Thân Loan Thánh nhân về quang minh thứ ba trong số mười hai quang: “Vô Ngại Quang”.
Cuốn sách này giải thích ngắn gọn ý nghĩa của mười hai loại quang minh của Đức Phật A Di Đà, rồi quy kết thành tôn hiệu mười chữ: “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai”, hay tôn hiệu tám chữ: “Nam mô Bất Khả Tư Nghị Quang Phật”.
Trong Chánh Tín Kệ, câu 62 là “Quy mạng Vô Ngại Quang Như Lai”. Câu này đối ứng và quan hệ với câu 1: “Quy mạng Vô Lượng Thọ Như Lai”. Vô Lượng Thọ được hiểu là sự sống vĩnh hằng, không có hạn lượng, và Vô Ngại Quang nghĩa là quang minh cứu độ không gì ngăn cản được.
Trong thế giới của chúng ta, nơi nào có ánh sáng, nơi đó có bóng tối. Nếu ánh sáng phát ra từ một nguồn bị chặn bởi một vật gì đó, thì một cái bóng sẽ xuất hiện. Nhưng quang minh của Đức Phật A Di Đà, quang minh của Vô Lượng Thọ [Vô Ngại Quang], là quang minh lan tỏa vô tận khắp mười phương mà không bị bất kỳ chướng ngại nào, xuyên thấu vạn vật, vượt qua mọi ánh sáng và bóng tối. Theo Thân Loan Thánh nhân, quang minh “vô ngại” này chiếu sáng bình đẳng trên mọi hữu tình, từ những người có chút niềm tin cho đến những người tu hành miên mật; và quang minh “vô ngại” này soi sáng vô minh, mê hoặc của chúng sanh, đồng thời hướng dẫn chúng sanh đi đến chân thật.
Trong mười hai quang minh, Vô Ngại Quang Phật là căn bản. Tất cả chúng sanh trong mười phương, ngay cả chúng sanh đầy phiền não ác nghiệp, đều không thể chướng ngại, đều được độ thoát, cho nên gọi là Vô Ngại Quang Phật. Vì vậy biết rằng, Vô Ngại Quang là một quang minh bao hàm tất cả quang minh. Do đó, Bồ tát Thế Thân phát biểu: “Quy mạng Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai”. Hòa thượng Đàm Loan xưng tụng: “Nam mô Bất Khả Tư Nghị Quang Phật”.
Cuốn sách này là một tác phẩm ngắn, tựa đề được các thế hệ sau thêm vào. Thật không may, có một số chỗ trong văn bản bị thiếu nên không thể xem xét toàn bộ.
Danh hiệu của Mười Hai Quang Phật xuất phát từ Kinh Vô Lượng Thọ, và được ca ngợi chi tiết trong Tán A Di Đà Phật Kệ của Đại sư Đàm Loan và Vãng Sanh Lễ Tán Kệ của Đại sư Thiện Đạo. Nó cũng được đề cập trong Tam Thiếp Hòa Tán và Giáo Hành Tín Chứng do Đại sư Thân Loan trứ tác.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã ca ngợi uy lực quang minh của Đức Phật A Di Đà: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có uy thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng thể sánh bằng.”
Trong Kinh Đại A Di Đà, Đức Phật cũng hết lời tán thán: “Đức Phật A Di Đà là vua trong các Đức Phật, nên quang minh cũng cực tôn trong các quang minh.”1
Quang minh của Đức Phật A Di Đà không gì so sánh được, vì vậy mà Đức Phật đã ca ngợi: “Vô Đối Quang Phật”. Quang minh của Đức Phật A Di Đà nằm ở uy thần lực cứu độ tất cả chúng sanh trong mười phương. Chỉ có Đức Phật A Di Đà mới có thể cứu độ tất cả chúng sanh trong mười phương, còn tất cả chư Phật trong mười phương thì không thể.
Quán Kinh nói: “Mỗi một quang minh chiếu khắp mười phương thế giới, nhiếp lấy chẳng bỏ chúng sanh niệm Phật.”
Đại sư Thiện Đạo cũng nói: “Quang minh của Phật chiếu khắp, chỉ nhiếp lấy người niệm Phật.”2
Quán Niệm Pháp Môn nói: “Chỉ có chúng sinh chuyên niệm A Di Đà Phật, tâm quang của Đức Phật thường chiếu soi người ấy, nhiếp hộ không bỏ; hoàn toàn chẳng chiếu nhiếp những người hành tạp nghiệp khác.”3
(Xem tiếp bản PDF)