- Lời Mở Đầu
- 1. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Nam Truyền
- 2. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Bắc Truyền
- 3. Vấn Đề Ăn Chay Được Ghi Chép Trong Kinh Điển Phật Giáo Bắc Truyền
- 4. Quan Điểm Chung Của Phật Giáo Về Việc Ăn Thịt
- 5. Không Giết Hại Giới Luật Đầu Tiên Của Phật Giáo
- 6. Ăn Chay Có Phạm Tội Sát Sinh Không & Cỏ Cây Có Linh Hồn Không
- 7. Ăn Chay Vì Lòng Từ Bi
- 8. Vấn Đề Ăn Chay Ở Nhật Bản
- 9. Vấn Đề Ăn Chay Tại Tây Tạng
- 10. Việc Ăn Chay Tại Các Quốc Gia Tây Phương
- 11. Y Vào Ý Nghĩa, Không Y Vào Văn Tự Chữ Viết
- 12. Chuyển Đổi Chế Độ Từ Ăn Mặn Qua Ăn Chay
- 13. Thay Lời Bạt - Nhìn Lại 44 Năm Chuyển Đổi Chế Độ Ăn Uống
- 14. Phụ Lục 1: Buổi Thuyết Trình Về Vấn Đề Ăn Chay
- 15. Phụ Lục 2: Hỏi ĐápVề Ăn Chay
- Về Tác Giả
QUA LĂNG KÍNH PHẬT GIÁO
Tâm Diệu
Nhà xuất bản: Ananda Viet Foundation 2024
CHƯƠNG 2
QUAN ĐIỂM VỀ ĂN CHAY
CỦA PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN
Phật giáo Bắc truyền hay Phật giáo Bắc tông, hay còn gọi là Phật giáo Phát triển, là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ một trong ba trường phái truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới phân loại theo địa lý. Theo đó, Phật giáo Bắc truyền dùng để chỉ truyền thống Phật giáo chủ yếu được truyền bá từ Ấn Độ qua Trung Á, phổ biến rộng rãi tại các quốc gia và vùng địa lý chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc, Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam.
Thuật ngữ Phật Giáo Đại Thừa được dùng trước đây xem như là đồng nghĩa với Phật giáo Bắc truyền hay Bắc Tông nay không còn được sử dụng, ít nhất là trong sách này.
Khi bàn về chế độ đề ăn chay trong Phật giáo Bắc truyền, có lẽ phải xác định trước rằng ăn chay không phải là nét đặc thù hay là sản phẩm riêng của Phật Giáo Bắc truyền nói chung và của Phật giáo Trung Hoa nói riêng, nhất là không phải có từ thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng, tức Liên Trì Đại sư (1535–1615) một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng đời nhà Minh, bởi vì ăn chay đã có mặt trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế và được phát triển mạnh mẽ vào thời đại Asoka, vị Hoàng Đế Ấn Độ trị vì từ năm 274 đến năm 232 trước Công nguyên, tức thế kỷ thứ ba trước Tây lịch.
Trong thời gian này và cho đến giữa thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, Phật Giáo Bắc truyền vẫn chưa được thiết lập.
Trong suốt thời gian trị vì vương quốc Ấn Độ, Ashoka đã trở nên một đại quân vương Phật tử, lấy những tinh hoa của Phật giáo và những lời giảng dạy của Đức Phật làm thành chính sách trị nước của ông. Mọi nơi, Ngài ra lệnh xây các bia đá "pillars of life" ghi lại giới luật của Phật. Trên các bia này, Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến lòng từ bi và tính cách bất khả xâm phạm của đời sống, cả con người lẫn súc vật. Ngài đã đối xử với tất cả muôn loài chúng sinh bằng lòng từ bi không phân biệt. Ngài cho xây cất không chỉ những bệnh viện để săn sóc cho người đau ốm mà còn xây bệnh viện săn sóc cho thú vật. Trong một bia đá có khắc những hàng chữ sau: "Không nên lấy sự sống nuôi sự sống. Cho đến rơm rạ, nếu còn côn trùng trong ấy, cũng không nên đốt".
Không những Ngài ăn chay trường mà còn cổ võ mọi người ăn chay như Ngài. Trong Chỉ dụ số 1 khắc trên đá (tức sắc lệnh bây giờ), Ngài ngăn cấm tất cả mọi hành động giết thú vật để tế lễ thần linh. Một sắc lệnh khác, Ngài ngăn cấm mọi hành động có thể làm đau đớn đến thú vật. Tất cả việc săn bắn trên bộ, trên không và dưới nước bị tuyệt đối ngăn cấm.
Về trường hợp Phật Giáo Trung Hoa, đạo Phật được truyền qua xứ này từ thế kỷ thứ nhất, lẽ dĩ nhiên việc ăn chay cũng được mang theo và thăng trầm theo sự thăng trầm của Phật Giáo.
Thuyết ăn chay, “một việc làm tự nhiên và hợp lý của giới luật về phạm hạnh chống lại việc tước đoạt sự sống” là một chế độ ăn uống mà không có thịt động vật. Trong thuật ngữ hiện đại, chúng ta có thể sử dụng từ “thuần chay” để mô tả cách ăn uống nghiêm ngặt của Phật giáo Đại Thừa. Thuật ngữ “thuần chay” đề cập đến những người không ăn bất kỳ một động vật nào, cũng như những sản phẩm từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật bao gồm sữa, pho mát, mật ong hoặc sử dụng lông thú, thuộc da, da v.v… Đức Phật khuyên dạy bậc Bồ Tát thanh tịnh cần tuân thủ điều này:
"Những vị Tỳ khưu nào không mặc dùng các thứ tơ bông, hàng lụa Đông-phương, cùng dùng các ủng da, giày dép da, áo da, áo lông thú, sữa, pho-mát, sữa đặc tinh của miền đó, thì những vị Tỳ-khưu ấy thật sự được giải thoát ở đời; trả xong nợ trước, họ sẽ không trở lại Tam-giới nữa."
Thuật ngữ ahimsa - không gây hại chúng sanh - trong Đạo Phật hiện được chấp nhận bởi những người ăn thuần chay. Không gây hại chúng sanh là nói đến lòng Từ Bi, cư xử không thô bạo với động vật và tất cả chúng sanh hữu tình. Việc thực hành ‘không gây hại chúng sanh’ (ahimsa) không những giữ gìn người Phật tử đi đúng đường, mà còn khiến cho “cuộc sống tốt đẹp hơn và sức khỏe tốt hơn”.
Trong những thời kỳ mạnh mẽ nhất phải nói tới triều đại nhà Lương (502-549 A.D.), vua Lương đã cấm tất cả các thức ăn thịt cá tại các buổi tiệc trong hoàng cung và yêu cầu dân chúng ăn chay. Ngài cũng ngăn cấm việc giết thú vật để tế lễ thần linh của Đạo giáo (Taoism) và cũng cấm không cho dùng thú vật như tắc kè, rắn, nai, hổ, cọp, v..v.. ngâm rượu làm thuốc.
Đến triều đại nhà Đường việc ăn chay còn mạnh hơn nữa, chỉ riêng thủ đô Tràng An, kinh đô của Trung Hoa thời bấy giờ có khoảng hai triệu dân mà có ít nhất là phân nửa dân số ăn chay.
Từ sau triều đại nhà Đường, Phật giáo suy thoái và việc ăn chay cũng ảnh hưởng theo mãi cho đến triều đại nhà Minh, Phật giáo Trung Hoa mới được phục hưng lại và Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) là người cổ võ mạnh mẽ nhất, không những cho việc ăn chay mà còn phóng sinh nữa.
Như vậy rõ ràng một chế độ ăn uống không thịt đã có từ thời kỳ ban đầu của đạo Phật và không phải là nét đặc thù hay là sản phẩm riêng của Phật Giáo Bắc truyền (Phật giáo Đại Thừa), nhất là Phật Giáo Trung Hoa.
Thật ra ăn chay là một phần của việc thực hành giáo pháp, thực hành giới luật cấm sát sinh và thực hành hạnh từ bi, một trong những tinh lý thiết yếu và quan trọng của cả hai trường phái Bắc Truyền và Nam Truyền. Có thể nói, đây là điểm gặp gỡ chung của cả hai trường phái. Đối với những người ăn chay, dù theo bất cứ trường phái tu tập nào, ăn chay là một phương thức tu tập hằng ngày, gieo trồng hạt giống từ bi và phát triển tâm từ bi đến với muôn loài chúng sinh từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ. Một số người Phật giáo quá khiêm nhường khi cho rằng họ “ăn chay cũng giống như bò ăn cỏ, ăn chay chẳng phải là tu”. Họ nói vậy thôi, thực sự với người Phật giáo, thức ăn chay, mặc dù chỉ là rau, đậu, quả, củ (xét về phương diện vật chất), nhưng chính là thực phẩm (xét về phương diện tinh thần) nhắc nhở hằng ngày nuôi dưỡng tâm Từ bi và tâm Từ bi lại chính là mảnh đất mầu mỡ giúp cho Trí tuệ nẩy mầm và phát triển.
Mỗi sáng sớm tại các tu viện Phật Giáo Nam Truyền và một số tu viện Phật Giáo Bắc Truyền đều có đọc tụng Kinh Từ Bi, một bài kinh ngắn thuộc kinh hệ Pali và sau đó, có nơi lấy nội dung bài kinh làm đề mục tham thiền.
Có đôi chút mâu thuẫn giữa việc tụng kinh và quán chiếu kinh Từ Bi và việc ăn thịt chúng sinh dù là tam tịnh thịt!
Có những quan điểm khác nhau giải thích sự kiện mâu thuẫn kể trên. Ngài Philip Kapleau, một Thiền Sư nổi tiếng người Hoa Kỳ đã trình bầy trong quyển sách Cherish All Life rằng Ngài tin tưởng Đức Phật không thể nào cho phép hàng tăng lữ ăn thịt. Thiền Sư cho rằng sở dĩ có việc cho phép ăn thịt trong kinh hệ Pali là kết quả của việc hiệu chỉnh kinh tạng trong các thời kỳ kết tập kinh điển do những vị sư hay do những hệ phái bảo vệ quan điểm của hệ phái mình hay cho chính cá nhân mình.
Tuy nhiên, các học giả Phật Giáo không tìm thấy kinh Jivaka Sutta, Majjhima Nikaya 55, bản tiếng Hoa trong tạng kinh Madhyama Agama, Majjhima Nikaya của Phật Giáo Trung Hoa và tỏ ý nghi ngờ Phật Giáo Trung Hoa đã cố ý bỏ sót kinh này. Điều này cũng được Hòa Thượng Thích Minh Châu nói đến trong quyển The Chinese Madhyma Agama And Pali Majjhima Nikaya: A Comparative Study.
Cũng cần mở ngoặc nơi đây, do văn hóa và phong tục tập quán, người Trung Hoa không mấy mặn mà với tư tưởng kinh điển Thượng tọa bộ (Phật giáo Nam Truyền). Họ ưa thích tư tưởng Đại chúng bộ tức Phật giáo Bắc truyền hơn vì tư tưởng này có những điểm tương đồng với tư tưởng Lão Trang, nên có thể các nhà dịch kinh đã không chuyển ngữ bản kinh Pali ‘kinh Jivaka’ qua chữ Hán.
Một điều khác, các tu viện đã phát triển đất đai để các tu sĩ trồng trọt lương thực cho họ, ít nhiều đảm bảo sự chay tịnh tự nhiên mà không phải lúc nào cũng có thể có được từ việc khất thực hóa duyên. Điều này khiến cho tu sĩ có thể tuân thủ theo cách chay tịnh nghiêm ngặt. Đây là mục tiêu của Phật G iáo Bắc truyền nhằm giúp tất cả chúng sanh đạt được Giác Ngộ. Vì thế, nhờ có các truyền thống của Phật Giáo Bắc truyền mới nên các cách ăn chay nghiêm ngặt hơn xuất hiện, và cuối cùng trở thành văn hóa của những Phật tử tại gia hiện đại. Kinh Phạm Võng có viết:
Một người Phật tử không được ăn thịt bất kỳ chúng sanh hữu tình nào. Nếu ăn thịt chúng, là người ấy đã cắt đứt lòng Đại Bi, cũng như hạt giống Bồ Đề trong mình.
Vì thế, chúng ta thấy rằng việc ăn chay được tuân theo trong cả hai truyền thống chính Phật giáo (Nam Truyền và Bắc Truyền), tuy rằng có đôi chút khác biệt trong việc thực hiện điều này.
***
Tưởng cũng nên biết qua về những lời của Đức Phật được ghi chép vào kinh tạng.
Sau khi thiết lập tăng đoàn (sangha), Đức Phật có ban hành những giới luật (vinaya) để sự sinh hoạt của tăng đoàn có tổ chức quy củ. Phần còn lại của những lời Ngài dạy qua hình thức pháp thoại và vấn đáp được gọi là pháp hay kinh (dharma, dhamma).
Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Ngài, gồm năm trăm vị A-la-hán, nhóm họp tại thành Vương Xá (Ràjagaha) để trùng tuyên lại những lời dạy của Ngài. Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất này không có một giới luật nào được đưa thêm vào và không có một giới luật nào Đức Phật đặt ra cần sửa đổi. Cũng tại kỳ kết tập này, kinh điển được phân chia ra thành hai phần riêng biệt là Luật của Giáo hội (vinaya) và Pháp thoại của đức Phật (sutta), và mỗi phần được giao cho một vị trưởng lão cùng các môn đồ ghi nhớ. Kinh luật như vậy được truyền miệng từ thầy đến trò.
Một trăm năm sau, vào năm 383 trước Công nguyên, kỳ kết tập thứ nhì được tổ chức tại Phệ Xá Li (Vesali), gồm bẩy trăm vị Thượng tọa, để kiết tập lại kinh điển và thảo luận về vấn đề "Thập Sự Phi Pháp" hay là mười điểm canh tân giới luật. Một số thầy tỳ kheo không đồng ý thay đổi, một số khác cho rằng thay đổi những giới luật nhỏ là cần thiết. Cuối cùng một nhóm đã rời khỏi hội nghị ra thành lập Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).
Từ đây giáo đoàn đạo Phật chia thành hai bộ phái là Thượng Tọa Bộ (Theravàda) và Đại Chúng Bộ. Trên đại thể, Thượng Tọa Bộ là phái tuân thủ truyền thống, có khuynh hướng bảo thủ, còn Đại Chúng Bộ là phái đổi mới, có khuynh hướng cấp tiến.
Mãi tới thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên tức vào thời A Dục Vương (Ashoka), kỳ kết tập thứ ba mới được triệu tập để thảo luận về những quan điểm khác biệt của những vị tỳ kheo thuộc các bộ phái khác nhau. Vào cuối kỳ hội nghị, ngài Moggaliputta Tissa chủ tọa hội nghị đã đúc kết cuốn Katha vatthu bác bỏ những lý thuyết và quan điểm sai lầm hoặc không đúng của một vài bộ phái. Kỳ này tam tạng kinh điển được chính thức viết bằng tiếng Pali dựa theo ngôn ngữ Magadhi mà Đức Phật nói.
Đại Chúng Bộ đã phát triển vào khoảng đầu Công nguyên, và chuyển mình thành tông phái Đại Chúng và phát triển mạnh trong thế kỷ thứ hai, thời đại vua Kaniska.
Như vậy, sau một trăm năm Phật Niết bàn, giáo đoàn nguyên thủy chia thành hai bộ Thượng Tọa và Đại Chúng; đến khoảng hai trăm năm sau Phật Niết bàn thì từ trong Đại Chúng Bộ lại chia thành tám phái; rồi đến khoảng từ ba trăm đến bốn trăm năm sau Phật Niết bàn, từ trong Thượng Tọa Bộ lại phát sinh ra mười phái, tổng cộng có 18 phái, và hợp cả hai bộ chính lại thành 20 bộ phái.
Như thế, sau khi Đức Phật nhập diệt, ba hội đồng kết tập kinh điển đã được tổ chức trong vòng nhiều trăm năm để thiết lập tạng kinh. Nhà nghiên cứu Phật học Edward Conze trong quyển sách Ba Mươi Năm Nghiên Cứu Phật giáo đã lưu ý chúng ta rằng Đức Phật không nói bằng tiếng Pali mà bằng ngôn ngữ Magadhi và ông nói rằng, giống như Jesus, có thể đã thất lạc hết tư liệu nguyên thủy. Trong kỳ hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba có ít nhất mười tám hệ phái khác nhau và mỗi hệ phái đều có riêng tư liệu và đều cho rằng hệ phái mình có thẩm quyền.
Trở lại những điều khoản mà Đức Phật cho phép ăn ba thứ thịt, các học giả Phật giáo cho biết họ không tìm thấy trong bộ kinh cổ nhất The Mahasanghika Vinaya [7] mà chỉ tìm thấy trong kinh Jivaka Sutta, Majjhima Nikaya 55. Đây cũng là một nghi vấn của nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo.