- Lời Mở Đầu
- 1. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Nam Truyền
- 2. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Bắc Truyền
- 3. Vấn Đề Ăn Chay Được Ghi Chép Trong Kinh Điển Phật Giáo Bắc Truyền
- 4. Quan Điểm Chung Của Phật Giáo Về Việc Ăn Thịt
- 5. Không Giết Hại Giới Luật Đầu Tiên Của Phật Giáo
- 6. Ăn Chay Có Phạm Tội Sát Sinh Không & Cỏ Cây Có Linh Hồn Không
- 7. Ăn Chay Vì Lòng Từ Bi
- 8. Vấn Đề Ăn Chay Ở Nhật Bản
- 9. Vấn Đề Ăn Chay Tại Tây Tạng
- 10. Việc Ăn Chay Tại Các Quốc Gia Tây Phương
- 11. Y Vào Ý Nghĩa, Không Y Vào Văn Tự Chữ Viết
- 12. Chuyển Đổi Chế Độ Từ Ăn Mặn Qua Ăn Chay
- 13. Thay Lời Bạt - Nhìn Lại 44 Năm Chuyển Đổi Chế Độ Ăn Uống
- 14. Phụ Lục 1: Buổi Thuyết Trình Về Vấn Đề Ăn Chay
- 15. Phụ Lục 2: Hỏi ĐápVề Ăn Chay
- Về Tác Giả
QUA LĂNG KÍNH PHẬT GIÁO
Tâm Diệu
Nhà xuất bản: Ananda Viet Foundation 2024
CHƯƠNG 13
THAY LỜI BẠT
NHÌN LẠI 44 NĂM CHUYỂN ĐỔI
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Chúng tôi đã chuyển đổi chế độ ăn uống từ cách ăn truyền thống của ông bà tổ tiên, tức ăn thịt cá sang ăn thuần rau đậu củ quả được đúng 44 năm. Một thời gian tương đối đủ dài để có thể thẩm định kết quả của một quá trình thay đổi cơ thể con người từ vật chất đến tinh thần tức từ tâm đến thân.
Khi quyết định từ bỏ ăn thịt cá, khá nhiều người thân và bạn bè tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi. Ngay cả chị ruột của chúng tôi, khi chúng tôi về thăm quê nhà, chị ấy nói “cậu mợ ở bên đó, người ta ăn sơn hào hải vị, thịt cá ê hề, sao mà cậu mợ ăn uống tương chao kham khổ thế, liệu có đủ sức khỏe không?”
Có thể nói không sai, hầu hết mọi người, kể cả một số bác sĩ y khoa, dường như đều có quan niệm rằng thức ăn chay thiếu chất bổ dưỡng và việc ăn chay có thể gây ra nhiều bất tiện hơn so với việc ăn thịt và cá mà mọi người hiện nay ăn.
Quan niệm truyền thống văn hóa ẩm thực người Việt mình bị ảnh hưởng bởi văn hóa ẩm thực người Trung Hoa. Họ cho rằng thực phẩm như thịt có tính chất làm ấm cơ thể, rất quan trọng để tăng cường thể lực; Vì thế trong suy nghĩ của họ thức ăn được chế biến từ thịt tốt hơn và ngon hơn, có lợi cho cơ thể con người cùng với việc bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng mà họ nghĩ rằng rau đậu ngũ cốc không thể cung cấp đầy đủ.
***
Quá trình chính thức chuyển đổi chế độ ăn uống của chúng tôi bắt đầu từ một câu nói của nhà tôi “ăn chay luôn đi anh” sau khi chúng tôi hoàn tất tháng 7 ăn chay. Thế là chúng tôi ăn chay trường luôn từ đó, cách nay gần nửa thế kỷ. Một cuộc chuyển đổi chế độ dinh dưỡng mà chúng tôi cho rằng ngoạn mục, kỳ diệu, âm thầm lặng lẽ từ trong cơ thể ra ngoài, không khó khăn, không phản ứng, không xét lại. Cứ thế mà tiến tới.
Mãi một thời gian sau chúng tôi mới nghiệm ra rằng có lẽ do nhân duyên, nghiệp quả của chúng tôi tốt, chúng tôi có nhiều nét tương đồng, đồng cảm với muôn loài, yêu cỏ cây hoa lá, không nỡ giết hại, gây đau khổ cho các loài vật chỉ để bồi bổ cho cơ thể mình hoặc thoả mãn vị giác. Vì thế việc chuyển đổi chế độ dinh dưỡng từ thịt cá sang thuần rau đậu củ quả dễ dàng.
Cái kết của việc chuyển đổi, có lẽ không chỉ là an lạc nội tâm, mà còn là sức khoẻ thể chất được tốt đẹp. Cho đến nay, ở tuổi 82 chúng tôi không bị “ba cao một thấp”. Khoa học cho biết nhiều căn bệnh thời hiện đại như gout, tim mạch, mỡ máu… đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới việc tiêu thụ quá nhiều thịt. Mỗi năm chúng tôi chỉ phải đến phòng mạch bác sĩ gia đình ở Hoag Medical Center và phòng thí nghiệm Quest một lần để kiểm tra định kỳ sức khỏe toàn diện. Kết quả cho biết tất cả các chỉ số xét nghiệm máu đều ở trong trạng thái bình thường tức ở trong khoảng giới hạn y khoa cho phép. Như chỉ số máu tổng quát CBC, chỉ số bạch cầu WBC, LYM, NEUT, MONO, EOS và BASO; chỉ số hồng cầu RBC, RDW, HBG, HCT, MCV, MCH, MCHG…, chỉ số đường huyết A1C, hàm lượng cholesterol và triglyceride, chỉ số men gan AST và ALT…v..v..Điều này cho thấy kết quả tuyệt vời của một quá trình thay đổi chế độ dinh dưỡng.
Chưa hết, việc chuyển đổi chế độ ăn uống của chúng tôi từ đỏ sang xanh, tức từ thịt đỏ, sang các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật mà chúng tôi nghĩ rằng còn gián tiếp giúp cho bầu khí quyển bớt nóng lên, cho quả đất dừng thiên tai, cho cánh rừng xanh Amazon – lá phổi của hành tinh, nơi cung cấp khí oxy cho bầu khí quyển chung của Trái Đất bớt bị cháy, vì người ta muốn đốt rừng để nuôi bò xẻ thịt cung cấp cho những người ăn thịt.
Dẫu rằng chúng tôi chỉ như một cọng cỏ, một hạt cát nhỏ bé nhưng vẫn có thể tạo nên những ảnh hưởng nhất định nào đó đến thế giới này với mỗi suy nghĩ và hành động nhỏ bé nhất đó sẽ tựa như hiệu ứng cánh bướm - một cái đập cánh của con bướm cũng có thể gây ra những thay đổi nhỏ trong bầu khí quyển Trái Đất, và sẽ dẫn tới trì hoãn hay thúc đẩy sự hình thành của một cơn lốc xoáy ở khoảng cách xa tới hàng nghìn cây số.
Riêng về mặt tâm linh, vì nó liên quan đến sát sanh và nhân quả, sẽ rất khó để cố gắng chứng minh sự tồn tại của khái niệm nhân quả này, và nó thậm chí có thể nghe hơi xa vời. Tuy nhiên, xét về mặt đời sống này, những hậu quả tiêu cực của việc ăn thịt bao gồm xơ cứng động mạch, bệnh tim, huyết áp cao, bệnh não, đột quỵ, sỏi mật, xơ gan và ung thư. Trong tất cả các bệnh này, người ta đã xác định được mối liên hệ nhân quả giữa mỡ động vật và cholesterol. Do đó, trên thực tế, hậu quả của việc ăn thịt là ngay lập tức và rõ ràng.
Có lẽ nhờ giữ giới không sát sanh, không làm những việc tổn hại đến mạng sống của chúng sinh từ tư tưởng, lời nói đến hành động qua việc ăn chay, nên mọi việc trong đời sống hàng ngày của chúng tôi đều được hạnh thông, từ việc lớn đến việc nhỏ, mọi tai nạn đều được tránh khỏi, có khi nặng hóa thành nhẹ, và nhẹ biến thành không.
Nói một cách cụ thể không bóng bẩy hoa mỹ, việc chuyển đổi chế độ ăn uống từ thịt cá qua rau đậu củ qủa của chúng tôi là một quyết định vô cùng sáng suốt, đúng đắn. Chúng tôi đã lựa chọn một lối sống lành mạnh và bền vững, luôn giữ được thân tâm trong sạch và sự thanh tịnh này là nền tảng quan trọng trong việc tu dưỡng bản thân và tu học Phật Pháp của chúng tôi.