LANG THANG… MỘT LINH HỒN
Trần Tuấn Mẫn
Thông thường, người ta cho rằng linh hồn là phần linh thiêng, không thuộc vào cơ cấu của cơ thể nhưng nó ẩn trong cơ thể, khi cơ thể chết đi, nó vẫn tồn tại và đi đến một nơi nào đó, địa ngục, thiên đàng, hay một cõi sống khác, có khi nó lang thang vất vưởng, gọi là hồn ma, bóng quế. Theo quan niệm này thì linh hồn tự ý thức về nó, về cả thân xác, tính chất, gồm tính tình, tư duy, thói quen và hoàn cảnh sống của cái thân xác ấy. Linh hồn cũng có thể nhập vào một thân xác mới ngay trong bào thai của một người mẹ. Tục cúng hiến vật dụng, đồ ăn cho người chết đã có từ xa xưa như ở các nước Trung Đông, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc… chứng tỏ niềm tin rằng linh hồn người chết vẫn tồn tại, nhập vào thân thể khác và có cuộc sống mới ở một cảnh giới khác. Nhiều nước ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… rất đông người cho rằng linh hồn người chết sẽ xuống địa ngục chờ sự xét xử của Diêm vương, sau đó mới được đầu thai làm một người mới ở trần gian.
Linh hồn, tiếng Hy Lạp là Psyche, nghĩa là sự sống, tinh thần, ý thức. Từ thời cổ đại Hy Lạp, Pythagoras đã nêu khái niệm về linh hồn, về sau Socrates và Plato đều khẳng định linh hồn là bất tử. Socrates bảo linh hồn là thể tính (essence), Plato giảng rằng linh hồn bao gồm lý trí (logos), tình cảm (thymos) và ái dục (eros). Aristotles thì định nghĩa linh hồn là hoạt tính của một cơ thể sống và cho rằng linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt của nó không còn nữa (xem De Anima, Về Linh hồn).
Nhìn chung, ngoại trừ một số triết gia tin rằng không có linh hồn hoặc linh hồn sẽ mất đi sau khi người ta chết. Hầu như các tất cả các tôn giáo đều cho rằng linh hồn là bất tử và chịu sự thưởng phạt, được cho lên thiên đàng hay xuống địa ngục tùy theo người ta có tin kính Thượng đế hoặc vị thần cai quản (như Diêm vương) hay không và tùy theo việc hành xử thiện hay ác khi người ta đang sống. Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo đều tin rằng linh hồn là bất tử và chịu sự thưởng phạt của Thượng đế. Ấn giáo thì tin rằng có linh hồn, được gọi là Tiểu ngã (Atman) ở mỗi người và mỗi người phải tu tập để hòa nhập vào Đại ngã của đấng Phạm thiên (Brahma). Tây-khắc giáo (đạo Sikh) quan niệm con người, loài vật, cây cỏ đều có linh hồn; linh hồn hay tự ngã (atman) của mỗi người là một thành phần của vũ trụ vĩnh hằng, của Thượng đế.
Cuối thề kỷ XX, khoa học Lượng tử (Quantum Science) phát triển mạnh, hai Giáo sư nổi tiếng Stuart Hameroff và Hans Peter Duer cho rằng trong não bộ con người có một cơ cấu siêu nhỏ, gọi là siêu vi quản hay vi ống, khi người ta chết đi, cơ cấu này ngưng hoạt động, nhưng những thông tin mà nó chứa đựng tản ra trong vũ trụ, tồn tại như một dạng của linh hồn.
Quan niệm của Phật giáo về linh hồn:
Phật giáo quan niệm rằng sau khi một người chết đi, “một thứ gì đó” của người ấy có thể được gọi là thân trung ấm hay càn-thát-bà (gandharva, gandhabba) hay tự ngã (atman) hay thức, a-lại-da hay linh hồn sẽ nương gá vào một thân xác mới tượng hình trong bào thai của một người mẹ và sẽ trở thành một con người mới (ở đây thay vì bảo là người mẹ, có thể là một sinh vật không phải người). Đôi khi được gọi là linh hồn nhưng linh hồn ở đây không mang ý nghĩa của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì theo giáo lý duyên khởi, vô thường, vô ngã, Phật giáo không bao giờ chủ trương cái phần phi vật chất này, hay linh hồn, là thường hằng, bất diệt. Ngũ uẩn tạo nên toàn bộ con người gồm sắc (vật chât), thọ (sự cảm nhận), tưởng (sự suy tưởng), hành (sự hành tác), thức (ý thức), tức là một cách nói con người là gồm thể xác và linh hồn, tức là thể xác và linh hồn do nhân duyên mà có thì cũng do nhân duyên mà diệt.
Theo Phật giáo, linh hồn là cái biết, tính biết, nhận thức, tư duy, cảm nhận,… gọi chung là thức. Trong kinh Đại Duyên Phương Tiện của Trường A-Hàm, Đức Phật dạy Tôn giả A-nan về vô ngã, Ngài cũng dạy rằng thức (tạm gọi là linh hồn) cần phải kèm với danh sắc (cơ thể vật lý) và danh sắc cần phải gồm có thức để tạo nên một con người. Người bình dân gọi đó là phần hồn và phần xác. Có hồn, có xác mới tạo thành con người. Trong kinh Đại Duyên Phương Tiện của Trường A-Hàm, sau khi giảng cho Tôn giả A-nan về nhân duyên, vô ngã, Đức Phật giảng tiếp về sự kết hợp thức trong danh sắc; danh (tức là thức) và sắc (tức là thân thể) để tạo nên một con người:
“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì có danh sắc không?” Tôn giả A-nan đáp: “Không”.- “Nếu thức nhập thai mẹ rồi không được sinh ra, thế thì có danh sắc không?” - Đáp: “Không”. - “Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?” - Đáp: “Không”. - “Này A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?” - Đáp: “Không”.
Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 400 năm, Kinh Đại thừa Lăng-già (Lankavatara Sutra), rồi Duy Thức Luận ( Vijnaptimatravada) của ngài Thế Thân (Vasubandhu, thế kỷ IV Tây lịch) xuất hiện, nêu ra tám thức tức 8 cái biết gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ý thức và A-lại-da (Alaya). A-lại-da gồm các chủng tử (Bija, hạt mầm) do sáu thức kia được thâu nhận do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, mạt-na (manas); mạt-na là thức thứ bảy, xem sáu thức ấy là một cái ngã, cái tôi (atman). Mặt khác, A-lại-da lại tác động vào bảy thức kia, tạo thành nhận thức toàn bộ của mỗi người.Vậy A-lại-da là nhân tố độc nhất đi đầu thai, đồng nghĩa với càn-thát-bà, thân trung ấm, thức, linh hồn như đã nói trên. Nội dung của A-lại-da hay các chủng tử của nó ở mỗi con người không giống nhau vì hoàn cảnh sinh hoạt, cách ứng xử, tư duy, tình cảm của mỗi người nên tùy theo nghiệp quả của mỗi người mà sự tái sinh của họ khác nhau về giống loài, đất nước lãnh thổ, tính tình, tư duy, trình độ văn hóa v.v…
Cũng cần nhớ rẳng A-lại-da chỉ là một giả thuyết của ngài Thế Thân để giải thích mọi sự bằng cái biết, nó không có thực, nó giả tạm như thân thể và “linh hồn” của mỗi người vậy. Trong toàn bộ kinh điển Pali của Phật giáo Nguyên thủy không có chỗ nào Đức Phật nói về A-lại-da cả. Tôi từng biết khá đông học giả, giảng sư… đã xem A-lại-da như một thực thể, đem nó ra để làm bằng chứng, cốt lõi của giáo lý Phật giáo và nhiều sự việc trên đời.
Lang thang… một linh hồn:
Hãy cứ gọi A-lạ-da hay Thức hay Càn-thác-bà (Gandharva)… là linh hồn cũng không sao. Mỗi người trong chúng ta đều có một linh hồn, yếu tố duy nhất chứng minh rằng chúng ta đang sống, thân thể chúng ta chưa bị hủy hoại. Bản chất của linh hồn ấy càng ngày càng gia tăng hay sa sút về nội dung và chất lượng do những gì mà nó chất chứa trong đời sống hiện tại, trong khi thân thể chúng ta thì dần dần suy thoái, cho đến một lúc linh hồn rời cơ thể để gá nương vào một thân thể mới. Bấy giờ cái thân thể và linh hồn mới đang sống ấy là ta nhưng cũng không phải ta, vì đây là cái thân mới, mang linh hồn cũ nhưng đã khác đi do nghiệp quả của ta đời trước đó và nhiều đời trước đó. Như thế, cũng có thể nói chúng ta không chết, chỉ thay đổi hình thức sống mà thôi. Đây cũng thuộc ý nghĩa của luân hồi, tái sinh vậy.
Ta là một linh hồn lang thang qua vô số đời sống, nghiêng ngả khóc cười, yêu thương, thù hận, ham muốn không ngừng, nổi bật và mạnh mẽ nhất là sự ham muốn, ái dục do ảo tưởng về cái gọi là tôi, của tôi. Loanh quanh, lẩn quẩn, lang thang mãi trong vòng luân hồi là thân phận con người. Buồn thay!
Nỗi buồn ấy chỉ là vô bổ, phải cố làm cho nó tiêu tan. Không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai, chỉ quán sát pháp hiện tại mà nỗ lực, tinh tấn tu tập cho đến khi đạt được Toàn Trí, thoát khỏi luân hồi, chấm dứt sự lang thang vô định của linh hồn. Đó là ý nghĩa của những gì Đức Phật đã dạy.
- Từ khóa :
- Lang Thang
- ,
- linh hồn