8- Sinh Viên Và Học Sinh Đứng Dậy, Nguyễn Lang

22/12/201212:00 SA(Xem: 5651)
8- Sinh Viên Và Học Sinh Đứng Dậy, Nguyễn Lang

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP BA (3/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘTTẬP HAI ● TẬP BA

Chương Sáu – KIM CƯƠNG BẤT HOẠI
Hoa sen trong biển lửa

08
SINH VIÊN VÀ HỌC SINH ĐỨNG DẠY
Nguyễn Lang

Sáng ngày 21.08.1963, sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, tổng thống Ngô Đình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được thiết lập trên toàn lãnh thổ vì Cộng quân đã xâm nhập các châu thành và vùng phụ cận thủ đô Sài Gòn. Ông cũng cho các vị bộ trưởng hay về việc đánh chiếm các chùa và bắt giữ "bọn tăng ni làm loạn".

 Bộ trưởng bộ Ngoại giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường mình và gửi thư từ chức bộ trưởng bộ Ngoại giao. Rồi ông bôn ba đi tìm các vị khoa trưởng và các giáo sư đại học đồng nghiệp cũ của ông, vận động thành lập Phong Trào Trí Thức Chống Độc Tài. Hành động quả cảm của ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho phong trào sinh viên và học sinh bùng cháy trong toàn quốc. Sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ bãi khóa ngay trong buổi chiều 21.08.1963. Giáo sư Lê Sĩ Ngạc của Trung Tâm đứng lên tán đồng lập trường của sinh viên và lên án chính sách tàn bạo của chính quyền. 

Chiều ngày 22.08.1963 khoa trưởng Y khoa Sài Gòn là bác sĩ Phạm Biểu Tâm gửi đơn từ chức; Ông bị bắt giam và ngày hôm sau 23.08.1963, nghe tin ông bị bắt, tất cả sinh viên Y khoa kéo nhau đến trường. Họ bàn tính kế hoạch chia thành từng nhóm đi thuyết phục các vị khoa trưởng và giáo sư các khoa từ chức. Đồng thời họ bàn kế hoạch vận động thành lập một Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa. Chiều hôm ấy Ủy ban này được thành lập, do sinh viên Tô Lai Chánh đứng làm chủ tịch. Ủy Ban gồm có mười tám sinh viên. Đại diện cho Dược khoa có cô Lê Thị Hạnh, Y khoa: Đường Thiện Đồng; Văn khoa: Lâm Tường Vũ; Kiến trúc: Nguyễn Hữu Đống; Công chánh: Nguyễn Thanh; Sư phạm: Nguyễn Văn Vinh; Luật khoa: Tô Lai Chánh.

Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa phát động phong trào bãi khóa: sinh viên các trường Y khoa, Luật khoa, Dược khoa, Mỹ thuật v.v…theo gót sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ lần lượt bãi khóa. Trong thời gian vài tuần lễ, phong trào bãi khóa lan tới tất cả các cấp trung học ở toàn quốc. 

Sáng ngày 24.08.1963 trên ba ngàn sinh viên và học sinh tụ tập tại trường Luật khoa Sài Gòn để đón tiếp giáo sư Vũ Văn Mẫu. Họ vây quanh ông Mẫu, hoan hô ông vang dội. Đồng thời Ủy Ban Chỉ Đạo tung ra một bản tuyên ngôn mà họ đã biểu quyết ngày hôm qua, 23.08.1963, yêu cầu chính quyền: 

1.Thực sự tôn trọngbảo vệ tự do tín ngưõng.

2.Trả tự do cho tăng nitín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện bị giam giữ.

3.Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo.

4.Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.

Bản tuyên ngôn kết thúc bằng những câu sau đây: "Sinh viên và học sinh Việt nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc".

Dưới bản tuyên ngôn, danh từ Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa được đổi thành Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Và Học Sinh.

 Chỉ trong vòng ba hôm sau ngày đánh úp các chùa, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động thủ đô Sài Gòn. Ngày 25.08.1963 ba trăm sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này đã được tổ chức một cách tài tình bởi vì trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi tại thủ đô đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn. Từng toán nhỏ sinh viên và học sinh đã do nhiều ngả đường đi tới: vào khoảng mười giờ sáng đột nhiên biểu ngữ được tung ra trước chợ Bến Thành và cuộc biểu tình thành hình. Các trung đội Cảnh Sát Chiến Đấu gần đó được tin liền kéo tới đàn áp. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương[1][33]. Một số sinh viên trốn thoát được. Một số bị thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ. Tử thi Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền đô thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước. 

Sau cuộc biểu tình ngày 25.08.1963, sinh viên và học sinh đã trở thành đối tượng khủng bốđàn áp của chính quyền. Các phân khoa đại học và các trường trung học lớn tại Sài Gòn đều được giây thép gai và những hàng rào cảnh sát canh gác. Để đáp lại biện pháp này, sinh viên và học sinh tổ chức bãi khóa. Họ còn vận động với các giới giáo sư của họ gửi thư từ chức.

Ngày 07.09.1963, học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương Võ Trường Toản tổ chức mít tinh bãi khóa ngay tại sân trường của họ. Họ không vào lớp mà kê bàn để đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của chế độ. Biểu ngữ được họ viết lên trên các bức tường hoặc trên những tấm bia lớn mà họ giăng lên khắp nơi.

Học sinh các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản định tổ chức biểu tình diễn hành, nhưng vừa ra khỏi cổng trường họ bị cảnh sát đàn áp. Cuộc xung đột tại cổng trường tới một giờ trưa mới được chấm dứt và khoảng ba trăm học sinh của hai trường bị bắt giữ. Trương Kỹ Thuật Cao Thắng, trưòng Mỹ Thuật Gia Định và các trường trung học Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn liên tiếp đứng dậy. Trường Chu Văn An là một trưòng nam sinh, nổi tiếngtranh đấu ác liệt nhất với cảnh sát[2][34]. Ta cũng nên nhớ là trong ba trường đi tiên phong cho phong trào bãi khóa và tranh đấu của học sinh có tới hai trường nữ trung học: đó là Trưng Vương và Gia Long.

Số học sinh các trường trung học tại sài Gòn bị bắt giữ lên tới hai ngàn. Tại các tỉnh, học sinh các trường công lập và tư thục cũng đứng lên tranh đấu tương tự.

Trong lúc đó, trên đài phát thanh Sài Gòn, chính quyền kêu gọi phụ huynh học sinh kiểm soát con cái mình đừng cho chúng "mắc mưu Cộng Sản". Ông Phan Văn Tạo, tổng giám đốc Thông tin mở cuộc họp báo đưa hai thiếu nhi khoảng 15-16 tuổi ra để hai em này tự nhận là Cộng Sản xúi dục đồng bạn đi biểu tình. Cuộc họp báo này không chinh phục được ai bởi vì trong thâm tâm các bậc phụ huynh đều biết vì lý do gì mà con cái mình tham dự vào cuộc tranh đấu.

Dưới sự đàn áp của bạo quyền, đất nước mang một bộ mặt rách nát, tả tơi. Vấn đề không còn là vấn đề thành bại của cuộc tranh đấu Phật giáo. Vấn đềvấn đề sinh mệnh và thể diện của cả một dân tộc. Một bầu không khí u uất nặng trĩu đè nặng lên cả trên đất nước. Không những dân chúng mà cả đến quân đội và nhiều thành phần trong lực lượng chính quyền và cảnh sát cũng thấy áp lực nặng nề và u uất đó.

 

[Trích Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập III]


Dưới đây là một số hình ảnh biểu tình (ảnh: Corbis và báo Life):

phatgiao63-23
Sinh viên Sài Gòn biểu tình tại khuôn viên trường Đại Học Dược Khoa
phatgiao63-2b
phatgiao63-1
phatgiao63-26
các sinh viên học sinh và tăng sinh đang giương cao biểu ngữ song ngữ của kháng nghị nổi tiếng tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. (Hình ảnh của Bettmann © / Corbis)



[1][33] Sau ngày cách mạng thành công, người ta tìm ra được ngôi mộ của Quách Thị Trang tại nghĩa địa Gò Vấp.

[2][34] Cảnh Sát Chiến Đấu đã phá cổng và leo tường, thâm nhập vào trường Chu Văn An để đàn áp học sinh. Học sinh bắc loa kêu gọi cảnh sát và quân đội ủng hộ cuộc tranh đấu của họ. Sau khi cảnh sát thâm nhập được vào trường, học sinh bắt đầu kháng cự lại. Họ liệng bàn ghế từ trên lầu xuống làm hàng chục cảnh sát viên bị thương. Họ cầm cự được trong nhiều giờ trước khi bị chế ngự. Chỉ có độ 100 học sinh leo tường sau trốn sang được khu cư xá đại học, còn tất cả đều bị bắt.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47030)
31/05/2012(Xem: 10748)
16/10/2014(Xem: 25772)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.