VỀ MIỀN ĐÔNG
Người Long Hồ
Người Long Hồ
Về Miền Đông Người Long Hồ Viết bài này để xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, hai ông Trần Văn Tiếng & Trần Văn Hương, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong khắp các vùng Miền Đông Nam Kỳ, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một bài biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên có thể không chính xác về địa danh hay niên đại.
Miền Đông Nam Kỳ là một vùng đồi núi thấp, chạy dài từ biên giới Cam Bốt đến biển Đông, bắt đầu từ Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Long Khánh qua vùng Bình Dương, Đồng Nai, cho đến Bà Rịa, Vũng Tàu, có các con sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé chảy qua. Miền Đông đất đỏ mang một nét đặc sắc riêng biệt, vì đây là vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, bên cạnh những dòng sông đỏ ngầu phù sa. Vùng đất đỏ bụi mù về mùa nắng, và lầy lội về mùa mưa. Lịch sử khai khẩn miền Đông đã gắn chặt với cuộc sống của những người đi mở đất phương Nam và con cháu của họ. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có bề dầy lịch sử trên dưới 300 năm, mang tính hào hùng của các bậc tiền nhân đi tìm sinh lộ cho con cháu. Cù lao Phố là một thị trấn sầm uất ngay từ cuối thế kỷ thứ 17, đầu thế kỷ thứ 18, vào thời mà cả vùng Nam Kỳ đa phần hãy còn là những mái tranh vách nứa, thì ở cù lao Phố đã phát triển với những phố sá, mái ngói tường vôi, với những con đường lót đá trắng, đá ong, hay đá xanh dọc theo bờ sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cù lao Phố bị tàn phá trong cuộc giao tranh đầu tiên giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Về Miền Đông - Người Long Hồ
.