Chương Mười Một Bốn Người Bạn Đồng Hành

13/01/201112:00 SA(Xem: 5635)
Chương Mười Một Bốn Người Bạn Đồng Hành

T U B Ụ I
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Bốn Người Bạn Đồng Hành 

 

Những trận mưa đầu mùa trút xuống. Cây cối rũ rượi, vật vã trong mưa to gió lớn. Sông núi, thiên nhiên, thành quách, lâu đài, nhà cửa, đường sá đẫm mình trong nước mưa. Cùng với tiếng kêu ếch nhái râm ran trong bóng đêm, sự chuyển mình răng rắc trong các tầng mái ngói của cái dinh cơ có đủ nhà lớn, nhà trung, nhà bé của dinh ông Hoàng đã có tuổi cần tu sửa cấp thời, làm mọi người ái ngại.

Từ khi người nông dân bỏ làng xóm ra đi, mấy trăm mẫu đất nhất đẳng điền của Thái Ấp rực rỡ mầu hoa, làm đẹp cho dân gian và đất trời nhưng chẳng thu được cho chủ nhân một món lợi nhỏ vật chất nào. Kho lẫm trống trơn, lâu đài chứa tòan sách vở bút nghiên, chủ nhân phải đổ mồ hôi lo lấy miếng ăn ngày lại ngày không một tiếng than van mà bên ngoài chẳng ai hay biết. Danh ông Hoàng thường đi đôi với quyền uy và phú quý với vô số của nổi của chìm. Kẻ hầu người hạ đã rủ nhau đi biệt từ lâu. Phú quý chỉ còn là danh tiếng hảo và những tòa nhà đã già nua mục rửa không đủ khả năng sửa sang ngày càng xuống cấp. Cho đến mùa mưa năm nay thì nước mưa đã bắt đầu tự do tuôn vào ngôi nhà chính sau khi liên tiếp làm tình làm tội mấy ngôi nhà phụ khắp các phía đông tây, tả hữu. Cứ mỗi lần hai người di chuyển từ một gian mưa dột đến một chỗ khô ráo hơn, Phạm Xảo như già thêm mấy tuổi vì ưu tư; trong khi Trí Hải cũng có chút trầm tư nhưng thoáng qua rất nhanh.

Ngôi nhà cũ cũng như tuổi giàTuổi thanh xuân thường nằm xuống chỉ vì một chứng bệnh hay một nguyên nhân, nhưng tuổi già nằm xuống thường là tổng hợp của bao nguyên nhân và nhiều chứng bệnh họp lại. Dinh ông Hoàng vốn được xây dựng theo kiểu trang hoàng. Kiến trúc không xây bằng gỗ quý, loại “thiết mộc” và vôi đá mà lại được dựng lên bằng loại gỗ trầm hương đẹp và thơm nhưng lại khá mong manh trước rìu búa của thời gian. Tuy chỉ mới quá tuổi heo may nhưng những mảnh nhà thi nhau sụt xuống và vữa ra. Mái và tường chỉ còn là tàn ô che nắngBữa ăn hàng ngày của ông Hoàng còn phải đổ mồ hôi mới kiếm ra. Nói chi đến việc tu sửa dinh cơ là điều không thể nào kham nổi.

Bản tính cùng thói quen bất chấp và không cần để ý đến vật chất, tiền bạc do hoàn cảnh ưu đãi tạo ra nơi ông Hoàng đã lấm tấm hơi cay. Cái vương giả, quý tộc phải có thế lực hay tiền tài vật chất làm bảo chứng. Nếu không, nó chỉ là một ngọn núi tự nó vô tri và trơ trụi. Dẫu cho tâm có bình thản và chí có vui cảnh an bần lạc đạo đến bao nhiêu đi nữa thì Trí Hải cũng phải dụi mắt nhìn thẳng vào thực trạng của ngôi nhà đang đổ nát mà chẳng có một đồng tu sửa. Im lặng là đồng tình với sự hủy diệt ngày lại ngày không thể nào tránh khỏi. Nhưng mở miệng để cầu xin hay kêu gọi giúp đỡ thì quả là điều ghê gớm mà giới ông Hoàng, bà Chúa không bao giờ làm nổi. Với giới hoàng thân quốc thích mà phải hạ mình cầu cạnh xin xỏ vật chất thì còn tệ hơn là bị tước bỏ danh vị hay bị lưu đày biệt xứ.

Sau bức tường thành cao chắn ngang tầm mắt vẫn nhận ánh sáng mặt trời mỗi ngày nằm chễm chệ trên đồi là tòa lâu đài dột nát. Kẻ bàng quang đứng bên ngoài vẫn không biết được những gì đang xảy ra bên trong. Mọi sự tiếp xúc với bên ngoài đều được Phạm Xảo xếp đặt tại trấn phong đình. Đây là ngôi nhà chắn gió mới xây về sau nằm sát bên ngoài cổng chính tương đối còn nguyên vẹn. Khách vãng lai muốn vào thăm dinh ông Hoàng đều bị khéo léo từ chối mà không nêu rõ lý do.

Với tinh thần võ tướng, thẳng băng và bộc trực một cách thực tế, Phạm Xảo lo lắng, quay quắt khi nhìn thấy dinh cơ ông Hoàng chỉ còn là một cái vỏ tiêu điều từ từ đổ xuống. Tinh thần có mạnh mẽ đến mức nào thì cũng khó mà chống đỡ sự tàn tạ của thế giới vật chất bằng hai bàn tay không. Phạm Xảo và Trí Hải như hai cực nóng lạnh của cuộc sống. Với phong thái quý tộc, trầm tĩnh, sâu kín có khi đến độ dửng dưng, Trí Hải như một cung điệu trầm, một cực lạnh bên cạnh bên cạnh một Phạm Xảo trung thành, xông xáo, nóng bỏng và xem dư luận như là một lọai thước đo của giá trị làm người. Phạm Xảo không thể nào chia sẻ được với cái lãng mạn truyền đời trong tinh thần kẻ sĩ là xem cái nghèo cũng là một đức hạnhĐức hạnh của những hàn sĩ cổ điển thường xem "tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng tợ thiên kim!"

Phạm Xảo không biết phải gọi tên hay diễn dịch như thế nào về cách sống thản nhiênthủ phận của Trí Hải. Không dám nói trắng ra vì lòng ngưỡng mộ Trí Hải bao năm qua vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức. Nhưng Phạm Xảo tự hỏi rằng, đâu là bản lĩnh của một ông Hoàng vẫn thường xuyên thao thức với giấc mơ mở nước giúp đời. Đâu là tài năng quyền biến thật sự của người hiền sĩ quý tộc trước hoàn cảnh đổi thay. Trí Hải vẫn chí thú canh tác để tự nuôi sống mình như một người lao động vô danh. Dáng vẻ hăm hở mỗi sáng vác cuốc ra vườn, những giọt mồ hôi lòng đòng trên trán và nụ cười tươi mới, vô tư sau mỗi đợt lao động của Trí Hải làm Phạm Xảo nhăn mặt.

Không giữ mãi nỗi khó chịu một mình, Phạm Xảo đem suy nghĩ của mình nói với Trí Hải:

- Hoàng thândự tính trở thành người cuốc cày trồng trọt chuyên nghiệp không?

Trí Hải trả lời đơn giản:

- Đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì thở, cần cái ăn cái sống thì phải làm việc chứ có gì quan trọng đâu mà phải dự tính lâu dài.

- Hoàng thândòng dõi hoàng tộc mà làm việc tay chân như một kẻ dân thường không sợ người ta chê cười hay sao?

- Ai chê cười vậy?

- Vua, quan và bá tánh đều cười.

- Tại sao chê cười?

- Vì người ta cho rằng, Hoàng thân là kẻ bất tài mới phải hạ mình làm việc tay chân như thế?

- Đã có khi nào tôi tự xưng mình là kẻ có tài đâu mà phải sợ bị chê là bất tài!

- Nhưng làm việc tay chân kiếm ăn là công việc của người tầm thường, có khi là hèn mọn.

- Nếu không phải là người hèn mọn thì là người gì?

- Là người cao quý.

- Tại sao người sống bằng sức lao động của chính mình thì lại thuộc vào hàng hèn mọn và kẻ sống bằng sức lao động của người khác thì lại cho là cao quý?

- Vì xã hội đã cho như thế.

- Xã hội là ai vậy?

- Là con người.

- Thì tôi cũng là con người và bây giờ nếu tôi nói ngược lại thì sao?

- Thì Hoàng thân nghiễm nhiên tự đặt mình vào thế chống lại xã hội chứ sao!

- Nếu cần chống lại xã hội để bảo vệ lẽ phải thì cũng nên chống phải không huynh?

Chống lại xã hội là một việc làm trời biển cũng như vác nạng chống trời, đấy là một việc làm đem muối bỏ biển sẽ không đến đâu cả.

- Không. Tôi nghĩ khác. Hễ có khởi thì có động, có đi thì có đến. Khi đủ sức thì chống "động" để cải tạo cái xã hội sai lầm ấy. Khi chưa đủ sức thì chống "tĩnh" để đừng đồng lõa với sự sai lầm của xã hội ấy. Biết sai mà vẫn làm vì sợ người vốn đã sai – chê sai – thì mới thật là sai.

Phạm Xảo bật cười, kéo Trì Hải về với thực tế:

- Hoàng thân à, đúng hay sai chưa gấp bằng việc cứu hỏa. Tòa dinh cơ nầy đang bị đốt cháy vì lửa nghèo đây. Làm thế nào để có tiền cứu nó mới là điều cần bàn lúc nầy.

- Vạn lý Trường thành, đền Đế thiên Đế thích, những tháp Chàm, đền miếu quanh ta xây dựng kiên cố thế kia, nhưng rồi cũng theo thời gian mà đổ nát. Tất cả đều biến dịch theo cái vòng thành, trụ, hoại, không... có gì đáng ngạc nhiên hay thắc mắc đâu.

Phạm Xảo lắc đầu:

- E rằng, Hoàng thân lại đi quá xa nữa rồi. Tôi không có gì cao xa mà chỉ muốn nói những điều trước mắt. Đó là khi dinh cơ nầy hoàn toàn đổ nát thì không những vong linh các đấng thánh hiền, tiên liệt của tôn tộc sẽ không có một chỗ an vị để thờ mà ngay chúng ta nay mai cũng không có một mái nhà để ở. Chuyện trước mắt là cuộc sống ngày lại ngày. Hoàng thân đừng theo cụ Khổng Tử ngày xưa bàn toàn chuyện trị nước, bình thiên hạ xa vời, trong khi bản thân cụ không tìm ra một vùng đất để nương thân, không một minh chủ biết dùng mình.

- Thà không có chỗ nương thân vẫn còn hơn là xuôi tay vội vàng nương thân vào nơi bất xứng.

- Con nhà tướng chúng tôi thì nương thân đâu cũng được miễn là đừng hao binh tổn tướng và cuối cùng thắng được giặc.

- Phải chăng vì thế mà một trận chiến thường không đẹp như một bài thơ?

- Nhưng một trận chiến thắng lẫy lừng và một bài thơ tuyệt tác đều là tác phẩm quý giá muôn đời của nhân loại.

- Như vậy là huynh đã đồng ý rằng hình thức thăng trầm, tan hợp, tốt xấu... có hay không tùy hoàn cảnhHình tướng không quan trọng bằng chân tướng phải không?

- Vâng, hoàng thân. Đúng vậy! Trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, chân tướng bây giờ là ngọn lửa nghèo đang bén gió bùng lên đó.

- Cám ơn huynh đã lo lắng. Vì rất quan tâm về ngọn lửa nghèo đang thiêu hủy dần tòa nhà đã quá cổ xưa nầy nên tôi không làm gì cả để cứu nó. Vì như huynh biết rõ, tôi chỉ cần ngỏ lời với các đại thần đầu triều mà tôi đã cất nhắc họ hay với các đại gia cự phú trong hoàng tộc thì tòa nhà nầy sẽ được dễ dàng xây lại mười phần to đẹp hơn xưa. Nhưng một tòa lâu đài mới dựng lên cũng sẽ có ngọn lửa giàu sang thiêu hủy dần theo cách ngược lại. Tôi im lặng để cố từng giờ, từng khắc dập tắt cả hai ngọn lửa... sẵn sàng thiêu hủy đời mình. Đó là ngọn lửa nghèo và ngọn lửa giàu sang!

Phạm Xảo lại gần, nắm bàn tay của Trí Hải, định nói một lời nào đó, nhưng tiếng cười của thầy Tiều và Tâm An từ ngoài cổng đi vào đã cắt đứt dòng đối thọai giữa hai người. Tâm An lên tiếng:

- Hì hì! Ối giời ơi! Chính vậy. Chính vậy!

- Chính vậy cái gì?

Phạm Xảo hỏi dồn. Tâm An giải thích:

- Đệ không đến nổi độn căn nên vừa nghe hai vị nói đến lửa giàu, lửa nghèo là hiểu liền. Đệ liên tưởng ngay đến khi dập tắt được cả hai ngọn lửa tham của giàu, ngọn lửa khổ của nghèo thì mới kiếm được củi để nhen được lửa từ bi trong bếp.

- Này Tâm An, sáng sớm muốn vận động cho giãn gân cốt hay sao mà chạy lòng vòng dữ vậy? Muốn nhen lửa nào thì cứ việc nhóm lửa đó chứ cần gì phải dập tắt, hý luận lung tung như vậy đã chứ.

Tâm An lắc đầu phản đối lời Phạm Xảo:

- Hề, đại huynh. Đừng đùa với lửa chớ! Lửa giàu lửa nghèo của huynh là lửa tâm; lửa bếp của đệ là lửa tướng. Nhóm lửa tướng mà chưa tắt lửa tâm là sẽ dẫn đến cảnh: "Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt. Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây... " cho mà coi. Hề hề!

Tâm An là người trẻ nhất trong nhóm và cũng là người thường mang lại nụ cười cho cả nhóm. Vốn đã từng quen với lối sống kinh doanh đầy tiểu xảo và sôi động đời thường, Tâm An vừa thực tế vừa mơ mộng. Cái thực tế chưa bị thui chột và cái mơ mộng chưa đến nỗi hoang tưởng làm cho người ta đứng vững giữa cõi người đáng yêu. Con người đáng yêu vì không phải quỷ mà cũng chẳng phải là thánh. Và cuộc sống cũng đáng yêu chỉ vì con người chưa hóa đá để xác định mình là ai và tự cho mình được lựa chọn giữa đường sang xứ quỷ và lối về đất thánh.

Vẫn với cái giọng dí dỏm và lối nói ví von gợi cảm, Tâm An nói tiếp:

- Thì chính thái tử Tất Đạt Đa dập tắt ngọn lửa giàu sang để trốn khỏi hoàng cung mới có tu sĩ Cồ Đàm. Và tu sĩ Cồ Đàm dập tắt ngọn lửa nghèo khi kiệt sức bên bờ sông Ni Liên Thuyền để nhận bát sữa của nàng Tu Xà Đa sau sáu năm khổ hạnh mới có đức Phật Thích Ca...

Phạm Xảo nhìn Tâm An và hỏi

- Còn Tâm An thì dập tắt được lửa gì?

- Kẻ tiểu sinh tài hèn sức mọn nầy cũng vừa dập tắt được hai ngọn lửa sinh tử cặp kè của trần gian ta đó. Hai ngọn lửa mà thiếu chúng thì chẳng những không tu hành gì được ráo trọi mà có khi hết sống nổi nữa là khác. Xin thưa, đó là lửa nấu nước trà và lửa... nấu cơm!

Những giọng cười vui mở lối ra đồng.

Căn nhà cổ của thầy Tiều và Tâm An đang trú ngụ không có đất trồng trọt. Trí Hải sẵn lòng mời thầy Tiều và Tâm An sang canh tác mấy sào đất vườn màu mỡ và kín đáo bên trong nội thành của phủ ông Hoàng.

Bốn người trở thành bạn hữu. Chính cuộc sống đơn giảnđạm bạc đưa họ đến gần nhau. Một tướng quân đã từng xông pha trận mạc như Phạm Xảo. Một ông hoàng thông thái từng sống ở phương Tây như Trí Hải. Một nhà tu đã từng tu tậpnúi rừng Tây Tạng như Thầy Tiều. Một chú tiểu tu không thành mà thành nhà đại phú giao thương từ Tàu đến Nhật như Tâm An. Họ cùng gặp nhau ở một điểm: Đem vô thường về với bình thường và đi tìm một cái chung từ những cái riêng của cá tính khác biệt.

Nhờ đất đai màu mỡ và nhu cầu ăn uống chẳng là bao nên việc canh tác chẳng chiếm nhiều thì giờ. Cả bốn người thường rủ nhau vào rừng đốn củi, đốt than, hái trà mọc hoang trên núi và theo thầy Tiều ngồi tĩnh tọa định tâm.

Khi tâm đã định, sự xôn xao của đời thường không có đất nẩy mầm, đâm nhánh. Ta cảm thấy ta gần gũi với ta hơn. Mình hiểu mình hơn và trở về làm bạn với chính mình. Cảm giác an bình tự tại có ngay nơi mình mà chẳng phải tìm kiếm đâu xa. Mình có mình là bạn của mình nên cái nhu cầu tranh đuaso sánh với một đối tượng ngoài mình không có lý do phát triển. Ta là người mà người cũng là ta. Bởi thế, nhóm bốn người tìm về nhau bằng tâm cảm. Nhiều lúc không ai nói với ai một lời nhưng họ cảm thấy gần nhau hơn. Cái tâm phẳng lặng cũng như mặt biển bao la không gợn sóng. Người ta thấy được cả con chuồn chuồn và đàn muỗi mắt vờn nhau trên biển cả. Người ta nghe được cả tiếng sóng gọi dã tràng lúc đêm khuya. Trong trạng thái an hòa, lòng người trải rộng đến vô biên, nên lặng lẽ gặp nhau một cách tự nhiên mà không cần tìm kiếm.

 

***

 

Ngồi yên im lặng hay tĩnh tọa định tâm đối với thầy Tiều và ba người bạn là một món ăn "bữa lỡ" tinh thần sau những giờ làm việc. Theo thầy Tiều thì trí óc cũng như bắp thịt, cần phải có sự nghỉ ngơi. Bắp thịt không vận động thì nghỉ, nhưng suy tưởng là cả một dòng tồn tục lưu truyền không dễ gì chận lại theo ý muốn. Điều khiển trí óc không đơn giản như điều khiển chân tay. Chân tay không thể tách rời thân thể để phiêu lưu ngoài tầm tay với, chân duỗi. Nhưng tư tưởng thì tha hồ phiêu du tận đến ngoài vũ trụ; có khi đến cả cõi phi thời gian vô tưởng xứ. Có những bàn tay phá thành đắp lũy, nhưng không ngăn được mảy may nỗi yêu ghét, giận hờn.

Hôm nay, cũng như những buổi chiều sau khi ngồi tĩnh tọa định tâm khác, câu chuyện lại xoay quanh những đề tài không định trước.

Tâm An mở đầu câu chuyện một cách dí dỏm:

- Thưa thiền sư và nhị vị thiền giả, tôi thường thắc mắc và tự hỏi rằng, nếu ví thử như tất cả mọi người đều ngồi thiền và đi tu diệt dục cả thì loài người sẽ biến khỏi thế giới ta bà nầy không quá 100 năm. Tuy lúc đó con người không có, nhưng chúng sanh vẫn còn. Không có bóng con người ai sẽ giúp chúng sanh tu hành giác ngộ?

Thầy Tiều cười hề hề dễ dãi:

- Này, Tâm An đang nói chuyện với ai đó? Ở đây làm gì có thiền sư hay thiền giả mà thưa với bẩm rôm rả thiệt tình thế.

- Thầy ơi! Ngày nào thầy cũng tọa thiền, thiền định thế kia mà còn không phải là thiền sư thì biết kiếm thiền sư ở đâu mà học đạo hở Thầy?

Cái cười càng rộng rãi hơn, thầy Tiều trả lời:

- Có tìm khắp cả ba ngàn thế giới cũng chẳng có thiền sư hay thiền giả nào cả. Người ta gọi thiền, nói thiền vì sợ mình không phải là thiền đó thôi.

- Đúng rồi! Đúng rồi thầy ạ. Ủa! Mà nếu vậy thì thiền là gì và thiền đang ở đâu?! Ai ngồi xếp bàn, im lặng, nhắm mắt hay lim dim thì cũng gọi là tọa thiền hay thiền định cả mà.

- Hì! Hì! Nếu người ta không gọi đó là thiền mà gọi đó là "phiền" hay "hiền" hay "ghiền"... chẳng hạn thì người ngồi có cảm thấy khác nhau gì không?

- Chắc cũng vậy thôi thầy ạ. Nhưng thiền thật sự là gì mới được chứ?

- Thiền hả? Ồ! Thiền chẳng là gì cả. Thiền là một giọt sương long lanh an tịnh trong lòng mỗi người. Nhìn đến nó và nghĩ đến nó thì nó còn mà nắm bắt thì nó sẽ tan.

- Dù nắm bắt nó bằng cái tên cũng không được hả thầy?

- Làm sao gọi tên một giọt sương? Giọt sương chiếu đám mây thành giọt trắng, chiếu ánh nắng thành giọt hồng; chiếu bầu trời thành giọt xanh, chiếu mênh mông thành giọt... giọt...

- Giọt gì hở thầy?

- Không biết nữa!

- Ô hay! Thầy mà cũng không biết nữa thì ai biết?

- Có lẽ... có lẽ bản thân giọt sương tự biết lấy.

- Hay thật! Hay thật! Một giọt sương tự biết lấy một giọt sương. Thầy ơi! Có phải vì vậy mà ông Lão Tử gọi nó là "Đạo khả đạo phi thường đạo..." phải không thầy?

- Trời đất, tâm linh cùng một trạng thái giao hòa tuyệt đối từ vô thủy đến vô chung. Vô thủy và vô chung không bao giờ có điểm khởi đầu và điểm kết thúc nên chỉ là Một. Trạng thái Một Cùng Tận Cùng Đích đó không thể phân, không thể giải; vừa có đủ hình tướng bao gồm cả càn khôn, vừa là không – cái không tự tại, vắng lặng chứ không phải cái không trống rỗng, vét sạch, nghèo nàn – không tuyệt đối. Nên gọi là gì cũng đúng mà có gọi là... gì gì đi nữa cũng không đúng cả. Lão Tử có gọi đó là Đạo, các vị hiền triết phương Đông gọi là Khí Hạo Nhiên, đức Phật gọi là Tánh Không ... thì tất cả đều là những khái niệm tương đối để chỉ cái thể tính tuyệt đối chỉ có thể thông đạt được qua trực nhận mà không thể nghĩ bàn...

- Ối thầy ơi là thầy! Tôi ngộp thở mất. Ngộp thở vì toàn cả những chuyện quá cao xa gì đâu. Tôi chỉ thích hình ảnh thiền là giọt sương của thầy thôi à.

- Đúng! Đúng! Quên hết thiền, quên hết những đỉnh núi danh từ cao xa nực nội đó đi. Rán giữ một giọt sương long lanh trong lòng đừng cho nó vỡ thì sẽ được an tịnh.

- Đừng đi xa nữa. Tâm An thử nghĩ đến một cái gì đó gần gũi nhất xem sao?

- Để làm gì, thưa thầy?

- Để biết rằng, mình vẫn chưa biết hết được điều gần nhất quanh mình thì vội đi xa làm gì cho dễ lạc đường.

- Cái gần nhất là thân thể, là cuộc sống của chính mình thì làm sao mà không biết được.

Thầy Tiều cười tủm tỉm, nhìn thẳng vào mắt Tâm An dò hỏi:

- Thế Tâm An có biết được cái gần nhất là tiếng ngáy của mình không?

- Ồ! Tất nhiên là biết tỏng đi chứ!

- Làm sao?

- Thì người khác biết mình ngủ ngáy tức là mình ngáy.

- Không, tôi muốn nói chính Tâm An kìa.

- Ơ! Biết mà không biết. Mình ngủ say mới ngáy. Mà khi ngủ say rồi thì làm sao nghe được hay biết được tiếng ngáy của mình như thế nào và mình ngủ có ngáy hay không nhỉ!

Thầy Tiều kết luận một cách đầy hài tính:

- Nếu nhà ngươi chịu thua vì không biết được tiếng ngáy của mình thì phải chịu phạt. Hình phạt hôm nay là phải đi hốt than bỏ và bao để kịp mang về nhà cả trời sắp tối.

Tâm An bóp trán suy nghĩ. Có những điều đơn giản như thế mà chẳng bao giờ mình để ý. Tiếng ngáy mình như thế nào; trí óc mình có tỉnh táo như người khác hay không; dáng vẻ của mình đáng yêu hay đáng ghét; điệu sống của mình đáng mến hay khó ưa. Suy nghĩ đến tình thương trời biển bao la trong tấm thân yếu gầy của mẹ; tưởng tượng đến ánh mắt hồng hoang của tình yêu; suy gẫm những chuyện đời gian truânhạnh phúc... Tâm An có cảm tưởng như mình là một cái kén chưa nở giữa biển đời dấy động triền miên. Gió chiều chừng như trở lạnh. Tâm An lặng lẽ đứng lên đi kiếm bao hốt than trong tiếng cười khúc khích đắc thắng của thầy Tiều.

Phạm Xảo đứng lên theo và cùng kiếm bao hốt than với Tâm An.

- Hề hề đại huynh! Chỉ nghe, chưa đặt quẻ mà cũng bị thua lây sao?

Tâm An nói đùa với Phạm Xảo khi thấy lão bằng hữu tốt bụng tình nguyện đến giúp một tay. Phạm Xảo cũng đùa vui tiếp lời:

- Thấy cảnh thiền sư bắt nạt thiền sinh, ta đây cũng động lòng nghĩa hiệp mà ra tay giúp kẻ sa cơ!

Tiếng cười của Phạm Xảo và Tâm An khuất dần sau những lùm cây. Trí Hải ngồi một mình với thầy Tiều, hỏi chuyện:

- Cuộc trò chuyện giữa thầy và Tâm An thật là thú vị. Tôi cũng có cơ duyên đọc nhiều sách thiền nhưng thú thật là tôi không thích thiền vì những nguyên tắc thực hành quá gò bó và những tảng lý thuyết quá cao xa; nhiều khi mơ hồ, mâu thuẫn ngỡ như là hoang tưởng. Thế nhưng kể từ khi gặp thầy, tôi có hơi quan tâm về thiền trở lại, nhưng chỉ sợ kiến thức của mình về thiền học chưa đủ căn cơ để có thể đến với thiền một cách đúng đắn.

- Quý hữu miễn chấp. Tôi chẳng quan tâm về thiền là gì cả.

- Ngày nào thầy cũng ngồi thiền cả mà sao thầy lại nói thế?

- Quả tôi có ngồi yên lặng định tâm mỗi ngày như hoàng hữu nói, nhưng đấy không phải là thiền. Bầu trời mênh mông trong mỗi người thì muôn màu muôn vẻ. Sự trầm tư an tịnh khi có khi không, nhưng động và tịnh là hai trạng thái song hành đã hiện hữu một lần với lịch sử của con người và sự sống. Thiền là một tên gọi trạng thái an tịnh đó mới xuất hiện từ mấy nghìn năm nay ở Ấn Độ và Trung Hoa rồi lan truyền đến các nơi khác. Thiền với những nguyên lý và phương cách đạt thiền giới hạn riêng của nó trong giới thiền gia. Có giới thì phải có hạn, tôi yêu tự do đầu tiên và cuối cùng trong chính mình và không muốn thuộc về giới hạn hay hình tướng nào cả.

Trí Hải tủm tỉm cười, nói với nhà sư:

- Thầy cũng không thuộc về chiếc áo nhà tu mà thầy đang khoác lên mình đó sao?

- Không, chiếc áo không làm nên tôi, nhưng tôi tự nguyện giới hạn những nguyên tắc và nhu cầu cuộc sống của bản thân mình theo những quy ước tương đối của mầu áo đó. Người ta thường ôm chiếc áo mà bỏ rơi con người vì họ đồng hóa chiếc áo với con người. Tôi thì mỗi giờ khắc đi qua tự điều chỉnhgiới hạn con người mình cho gần với chiếc áo. Nếu một ngày nào đó, tôi không đủ duyên đi theo với chiếc áo thì tôi phải khoác một chiếc áo khác, thế thôi!

- Lúc đó thì thầy làm sao mà tu được nữa?

- Tu và khoác áo tu là mượn thuyền để qua sông mê, về bến ngộ. Tôi đang chèo thuyền giữa bờ mê và bến ngộ trên dòng sông mê đang chảy siết. Không tiến phải lùi, không thể neo thuyền giữa dòng cuồng lưu đang chảy băng băng về phía trước.

- Ngồi trong lòng thuyền xao động giữa luồng sóng dữ, thầy dựa vào cột mốc nào để biết mình mỗi ngày một gần với bến ngộ, thưa thầy?

- Ngỡ như mông lung nhưng rõ ràng lắm quý hữu ạ. Bến ngộ là bến không. Bến không bắt đầu từ tâm không. Tâm không là tâm rỗng lặng. Mỗi ngày ngồi an tịnh, mà quý hữu muốn gọi là thiền hay một danh xưng nào đó tùy nghi cũng được, để xả những lớp bụi của ngày qua. Đấy là những lớp bụi của đời thường thế tục mà không ít thì nhiều ai cũng bị bám do sư tham giận, kiêu căng, si mê, lầm lạc... mà ra.

- Thầy là bậc tu hành mà cũng bị bụi đời thường bám vào mỗi ngày nữa sao?

- Lớp bụi trần thế không dày thì mỏng ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, không miễn nhiễm cho ai cả. Nó xuất hiện dưới vô vàn hình thái. Càng quan trọng lễ nghi, càng rườm rà hình thức, càng say mê lý thuyết thì lại càng có nguy cơ tiếp cận với lớp bụi dày hơn.

- Thế thầy có lo sợ đến một ngày nào đó thầy phải xa chiếc áo không?

Thầy Tiều cười hì hì một cách thảnh thơi:

- Tôi không lo sợ phải xa chiếc áo mà chỉ lo sợ rằng, lỡ một ngày hay một hoàn cảnh nào đó mình không còn xứng đáng khoác chiếc áo nữa mà vẫn được người đời ca ngợi. Và sợ nhất là chính mình không những không còn cơ hội để nhìn lại sự suy đồi của chính mình cho rõ mà còn cảm thấy tự hào, hãnh diện một cách vô minh như thể mình đang lên hàng thánh thiện.

Nhìn khuôn mặt vui vui với nụ cười chưa hết của thầy Tiều, Trí Hải nói nhẹ nhàng:

- Thầy chấp nhặt làm gì vào những danh từ cho phiền. Mọi tên gọi, kể cả thiền, chẳng khác gì là một mảnh gỗ mục cho con gián bám vào đó mà sống còn trong cơn lũ lụt.

- Thế nhưng người ta vẫn xem mảnh gỗ mục cứu lũ trước mắt là lâu đài kiên cố của sự sống đời đời.

- Đó không phải là bản chất mà chỉ là tiếng vọng.

Thầy Tiều gật gù:

- Tiếng vọng? Ý quý hữu muốn nói là tiếng vọng của một nguồn thiền đại ngộ nào chăng?

Trí Hải đưa tay vẽ một vòng tròn tưởng tượng trong tầm nhìn của thầy Tiều, rồi giải thích:

- Thiền -- nếu có thể tạm gọi những phút định tâm của thầy bằng một tên gọi như thế -- là tiếng nói của im lặng, là dáng vẻ không hình tướng. Ai hỏi làm chi tiếng của mây, màu của gió... Mây không có tiếng, gió không có màu, nhưng nó vẫn hiện diện quanh ta. Sự lặng im mà xoay chuyển của mây gió chính là tiếng vọng của đất trời, của thiên nhiên vũ trụ.

Thầy Tiều lại hỏi:

- Thế thì đâu là tiếng vọng của lòng ham muốn về một sự sống đời đời?

- Đó chính là tiếng vọng của một tâm trạng mang khát vọng bất tử, ước mơ một sự sống đời đời. Thiền là tiếng vọng của một sự khát khao muốn gặp được lối đi mà người ta thường gọi là "ngộ đạo." Ngộ đạo là gặp con đường tìm về giải thoát để ra khỏi vòng sinh tử, an trú đời đời trong an lạc.

Đặt câu hỏi như một lời giảng giải, thầy Tiều hỏi:

- Một khát vọng như thế có chính đáng khi thập lọai chúng sanh còn trong biển khổ hay không?

Trí Hải lắc đầu:

- Làm sao chúng ta biết được. Cây roi là vật chính đáng của người thợ cày, nhưng lại là vật không chính đáng đối với con trâu. Mọi người cứ gán cho nắm xôi là khát vọng chính đáng của thằng Bờm, nhưng lại có kẻ cho nụ cười mới chính là khát vọng của nó. Tất cả mọi người đều đúng mà cũng có thể chẳng ai đúng cả.

- Nguyên nhân vì sao cái sai và cái đúng không tách bạch rạch ròi mà dễ dàng trộn lẫn với nhau như thế?

- Vì tất cả chỉ là tiếng vọng. Tiếng vọng của gió không phải là gió; tiếng vọng của mưa không phải là mưa. Người ta nắm bắt tiếng vọng nên biên giới giữa sai và đúng, giữa giả và thật không dễ dàng phân định.

- Vậy thì làm sao để nắm bắt cho được cái bản thân thật sự của các đối tượng?

Thầy Tiều hỏi, Trí Hải lặng im một lát và trả lời ngập ngừng:

- Làm sao? Như thể một cuộc săn đuổi với cái bóng của chính mình và của vạn vật. Câu hỏi đơn giản nhưng câu trả lời không dễ dàng. Thầy nghĩ thế nào?

Thầy Tiều ngồi trên bãi cỏ, xếp bàn:

- Quý hữu đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong kho sách vở và bằng lý luận, tôi tìm ý nghĩa cuộc đời trong chính tôi và ngay giữa cuộc đời nầy bằng thực chứng.

- Như thế có nghĩa là tôi đang săn đuổi và thầy đang nắm bắt?

Không gật đầu, cũng chẳng lắc đầu, thầy Tiều lắng sâu trong trạng thái an tịnh.

Trí Hải vẫn băn khoăn về ý nghĩa của sự thực chứng mà thầy Tiều vừa nói. "Hình như là vậy!" Trí Hải suy nghĩ và tự trả lời cho mình. Kẻ tìm lại chính mình cũng như kẻ đi tìm rùa. Càng la hét ồn ào, con rùa càng rụt cổ co lại vào trong vỏ. Càng vội vàngnóng nảy tóm cho được con rùa thì chỉ tóm được cái vỏ. Cái kho tàng dấu kín trong ta không thể lấy bạc vàng mua được; không thể dùng sức mạnh chinh phục được; không thể dùng lý luận rủ rê được. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối với cái tâm an hòa, cái trí không Không ( không gợn một chút dơ, không thoáng một định kiến, không vọng tưởng gì cả...) mới giao hòa được với cái kho tàng vô giá đó. Giao hoà để chính mình là kho tàng chứ không phải là kẻ sở hữu kho tàng. Kho tàng là mình; mình là kho tàng nên không mất mà cũng chẳng được; không có Có mà cũng chẳng có Không.

Tiếng nói cười khi oang oang, khi ríu rít hồn nhiên của Phạm Xảo và Tâm An đánh động cái im lặng không biết đã kéo dài bao lâu giữa thầy Tiều và Trí Hải. Tâm An gõ gõ vào vách núi, lên tiếng:

- Hai sơn nhân ngủ gục, mau dậy đi về cả trời tối.

Thầy Tiều và Trí Hải cùng mở mắt to, nhìn nhau. Có nụ cười trong mắt. Thầy Tiều nói bất chợt:

- Thiền hả?!

Trí Hải trả lời theo:

- Ủa, thiền?!

Cả hai cùng cười. Tiếng cười như nắng.

Nhìn sâu vào đôi mắt trong veo, nửa ngây thơ trong sáng, nửa sương tuyết già nua của thầy Tiều, Trí Hải cảm nhận được chặng đường tâm linh qua nhiều trăn trở cũng như đầy hoan lạc của nhà sư. Trí Hải hỏi với ý nghĩ chân thành, không vướng víu sự khen chê:

- Xin hỏi thật là Thầy đã "ngộ" lần nào chưa?

Thầy Tiều cười thành tiếng:

- Mê muôn kiếp, ngộ nhất thời. Nhưng ngộ là gì và ngộ để làm gì mới được chứ?

Trí Hải có vẻ dè dặt:

- Theo sách vở mà tôi đã đọc thì "ngộ" là một trạng thái hoan lạc, một sự bùng vỡ như tái sinh. Người ngộ đạo thấy thật tướng của chính mình và vạn vật. Từ giây phút ngộ đạo tâm thức của họ đã mở cửa đi vào một thế giới mới. Hệ thống giá trị, lề thói sinh hoạtso sánh cũ biến mất. Người ngộ đạo san phẳng những chướng ngại trên đường để đi tới.

Thầy Tiều không biểu tỏ một phản ứng nhiệt tình nào khi được hỏi, trả lời với giọng đều đều, thản nhiên:

- Không, tôi không khác gì với mọi người cả. Đói thì ăn, khát thì uống, buồn ngủ thì nằm ngủ. Tôi sống giữa cuộc đời nầy, sống thì thở, chết thì xuôi tay nhắm mắt thôi, không đi đâu hết.

- Nhưng rồi tới một ngày nào đó thầy phải xa nó, phải giải thoát, phải thành Phật chứ.

- Giải thoátthành Phật ngay giữa thế gian nầy. Đức Phật nói pháp sau khi ngài đắc đạo, nhưng người đời nay lại đua nhau nói pháp trước khi tự bản thân mình thấy đạo. Họ sợ vô thường, sợ tái sinh nên níu nhau nói chuyện, cầu khấn lời giải thoát cho đỡ sợ.

- Vậy thì thầy có cầu giải thoát và sợ sinh tử vô thường không?

Thầy Tiều nói với giọng vui như bông đùa:

- Phải sợ nhiều hơn người thường, không dai sức chịu khổ lâu dài mới đi tu cho mau giải thoát chứ. Cọp ai mà không sợ, nhưng rồi cũng phải chọn một trong ba con đường: Một là làm nhà cho cao để tránh nó, hai là làm chuồng cho chắc để nhốt nó, ba là đối diện với nó để đương đầu với nó...

- Tu là chọn thái độ nào?

- Đương đầu với nó để khuất phục nó.

- Nếu lỡ mình thua nó và nó ăn thịt mình thì sao?

- Thì mất mạng chứ sao.

- Mạng một người đi tu và mạng một người dân thường mạng nào lớn hơn?

- Người nào to béo hơn thì mạng lớn hơn!

- Mạng lớn hơn thì Phật tánh có lớn hơn không?

Thầy Tiều đáp giọng tự nhiên như nói về một chân lý:

- Lớn hơn chứ!

Phạm Xảo chen vào:

- Mới tuần trước Thầy nói Phật tánh luôn luôn ngang nhau giữa tất cả mọi người mà!

Tâm An lên tiếng ngay:

Có lần thầy nói người càng to lớn đẫy đà thì Phật tánh càng nhỏ.

Thầy Tiều tỏ vẻ thống khoái lên tiếng thúc giục:

- Vậy thì trong quý hữu đây ai đã thấy được Phật tánh rồi?

Cả Tâm An và Phạm Xảo đều trả lời nhanh là "Chưa thấy!" Riêng Trí Hải thì không nói gì. Lát sau nói nhỏ như nói một mình:

- Kiến tánh thì thành Phật rồi chứ đâu còn đứng đây.

Vỗ hai tay vào nhau với vẻ đầy thích thú, thầy Tiều chỉ quanh:

- Đó! đó! Chưa thấy thì làm sao mà biết to hay nhỏ. Nên to nhỏ cũng như nhau thôi. Ánh sáng chưa đến là bóng tối. Làm gì có bóng tối cao hay bóng tối thấp. Làm gì có ánh sáng to hay ánh sáng nhỏ. Nhưng dù sáng và tối có cao thấp hay to nhỏ gì chăng nữa thì cũng chỉ có ánh sáng mới xua tan được bóng tối. Ai cũng nói đến Phật tánh, xác định là có Phật tánh trong mỗi chính mình, mà chưa ai thấy được Phật tánh cả. Vì sao, thưa quý hữu?

Vẫn là người năng nỗ nhất trong nhóm, Tâm An lên tiếng ngay:

- Vì không có Phật tánh hay Phật tánh là cái gì cao xa và vĩ đại quá nên chỉ có Phật hay những bậc thượng căn mới thấy được, mới tìm ra được mà thôi.

- Quý hữu đói bụng chưa?

Câu hỏi lạc đề và quá bình thường của thầy Tiều làm mọi ngườicảm tưởng như thầy cố đánh trống lãng để khỏi rơi vào thế bí. Không ai lên tiếng nhưng bước đi chậm lại giữa lúc chiều xuống và đêm sắp về đang lên tiếng giúp cho mọi người trả lời rằng, họ đang đói bụng cồn cào. Bước đi. Im lặng. Thầy Tiều lên tiếng như nói từ tiếng vọng xa xăm:

- Chúng ta có vẻ như đang hiểu khá rõ về mình trong lúc nầy. Hiểu cái bụng rỗng không, cái tâm lặng lẽ và cái ý muốn ăn. Nhìn được chính mình là nhìn được Phật tánh. Lắng lòng tìm đến với mình và biết mình đang đói bụng. Phật tánh không thấy được bằng mắt mà chỉ cảm nhận được bằng tâm. Cảm nhận trong phút nầy, sống với nó trong phút nầy, hòa quyện với nó và biến thành chính nó...

Tâm An kêu lên:

- A ha! Chúng ta đang thành Phật...! Đói chóng thành Phật hơn no sao, thưa thầy?

Như muốn kéo Tâm An về lại với thực tại, thầy Tiều nói át đi:

- Tâm An, coi chừng lại hỏng mất! Khi biết mình đang thành Phật là đã xa Phật nghìn trùng mất rồi.

- Phật trong ta mà xa ta nghìn trùng. Thầy nói nghe mâu thuẫn quá đi thôi! Hằng hà sa số người trong tứ chúng đang rán tu cho chóng thành Phật đều đang xa Phật nghìn trùng cả sao. Ba mươi ba vị tổ Thiền tông chưa có ai thành Phật?

- Phật không phải là bức tượng đồng hay tượng gỗ để chúng ta đeo bên mình hay đặt thờ trong nhà. Phật cũng không phải là những bài kinh đầy lời Phật nói mà ta thuộc nằm lòng và ngày lại ngày ngân nga đọc tụng. Phật cũng không phải là những ý niệm chủ quan mà ta thường nghĩ tới. Phật là cái Ta thánh thiện trong ta. Khi ta thánh thiện ta là Phật. Chỉ một khởi niệm rất nhỏ mang tính phân biệt Ta và Phật hay Phật và Ta đang tìm nhau dấy lên là Phật đã xa ta nghìn trùng.

Trí Hải lập lại:

- Thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi.

Thầy Tiều nhìn rất xa vào đốm sao hôm vừa mới mọc:

- Tâm linh làm gì có ấn chứng. Tôi đã trải qua nhiều nổi u ẩn, khổ đau cùng hoan lạc như tất cả mọi người. Nếu có khác chăng so với mọi người là tôi biết rõ mình và biết nỗi khổ đau cùng hoan lạc của mình trong vắng lặng. Khi niềm hoan lạc thắng khổ đau là khi tôi biết mình đang bước trên đường đạo.

Gió từ triền sông thổi lại không nhiều mà Trí Hải bỗng cảm thấy lạnh mình. Trí óc trôi lênh đênh vào thế giới của thầy Tiều, Trí Hải nghĩ đến những vị Bồ tát thành Phật nhưng lại không bỏ chúng sanh đằng sau để thong dong vào nước Phật riêng mình. Cưu mang những kiếp người lấm bụi. Thiền sư ngộ đạo thỏng tay vào chợ sống đời lây lất bên cạnh những con người sống bụi, ăn bụi, uống bụi, nghĩ bụi. Hạnh Bồ tát nguyện ở lại giữa trần gian gió bụi nầy sao mà tuyệt vời đến thế. Lời nguyện cưu mang cõi trần nầy để hóa giải khổ đau thành an lạc. Tu. Tu Bụi. Hạnh tu giữa cuộc đời của chí thánh và phàm nhân đâu có chấp trước chuyện ba ngàn thế giới mà chỉ cần lắng đọng ở tâm mình. Con người là sinh vật có sự sống nên bảo vệ sự sống là bảo vệ con người, đâu phải cần quanh co triết lý xa xôi.

Gió chiều rung tàn lá chìm dần trong bóng tối. Tiếng lạnh cả hư không.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.