Chương Mười Ba Dáng Vẻ Thời Gian

13/01/201112:00 SA(Xem: 5559)
Chương Mười Ba Dáng Vẻ Thời Gian

T U B Ụ I
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006

CHƯƠNG MƯỜI BA

Dáng Vẻ Thời Gian 

 

 

 

Người đứng ngoài nhìn vào, đó là một khu rừng nhỏ. Nét xa xăm và cô tịch của dáng rừng tạo nên do những cành cổ mộc mọc rải rác trên đá và trãi dài trên những lối đi. Nhìn rừng cây, người ta dễ liên tưởng đến một ông tiên trên núi đi lạc về đồng bằng. Mỗi gốc cây là một dáng xưa cổ tùng hoang dã. Mỗi phiến đá như còn in dấu vết rêu phong sương tuyết của rừng sâu.

Hoa kiểng là một thú chơi tao nhã, giàu tính nghệ thuật. Thế giới trùng điệp của núi rừng thiên nhiên bạt ngàn được chắt lọc kỹ càng, mang về tô điểm cho khung cảnh nhỏ riêng tư. Núi đồi, khe suối, sông hồ hùng vĩ được thu nhỏ lại thành một thế giới tượng trưng trong một giới hạn nào đó gọi là giả sơn, hay là non bộ. Một hòn giả sơn có thể lớn như khu vườn hay bé bằng nắm tay. 

Tâm An đã cho thợ xây mô phỏng theo bức vẽ về một ngọn giả sơn đã được dựng lên từ cả nghìn năm trước. Đó là hòn núi giả lớn nhất trong lịch sử cây cảnh Việt Nam tên "Vạn tuế Sơn" của Lý Thái Tông được chế tác năm Mậu Thìn, 1028. Theo sử sách ghi lại, ngọn giả sơn ấy có kích thước cao hàng chục, dài hàng trăm thước.

Theo Tâm An thì trong chòm họ hàng cây cảnh phương Đông, Trung Hoa là xứ có lịch sử chơi hoa kiểng sớm nhất. Tiếng Tàu gọi cây kiểng là "bồn tài" có nghĩa là cây trồng trong khay, trong chậu. Nguồn gốc xa xưa của "bồn tài" là đầu óc giàu tưởng tượng và bàn tay trồng tỉa khéo léo của giới cây kiểng. Họ đã uốn nắn, cắt xén, tạo hình cây trồng trong chậu thành hình con rồng lượn, con rắn cuốn, con voi nằm, con ngựa phi, con hạc chầu, con công múa. Đến khi khuynh hướng tự nhiên có chỗ dựa tri thức của Đạo họctinh thần thoát tục của Thiền tông thì khuynh hướng tạo hình của cây kiểng cũng chuyển hướng. Thiền hướng con người trở về với thế giới nhỏ trong cái tâm an lạc của chính mình. Nhà tạo hình cây kiểng cũng muốn mô phỏng những cây đại thụ có cành lá rườm rà tỏa chiết cả một vùng thu nhỏ lại như thu nhỏ một vầng trăng trong đáy mắt.

Kiểng Tàu theo chân các thiền sư Trung Hoa du nhập vào xứ Phù Tang trong thời đại Kamakura, cuối thế kỷ 12 nhưng mãi đến năm thế kỷ sau thì nghệ thuật cây cảnh mới trở thành một phần văn hóa của xứ nầy. Cùng một khái niệm "bồn tài" của Tàu, nghệ thuật trồng cây kiểng trong chậu thành "bon sai" của Nhật. Thiền đạo kết hợp với tinh thần võ sĩ đạo của Nhật, nghệ thuật bon-sai của Nhật không nhìn cây cảnh qua hoa lá mà nhìn mỗi chậu kiểng như là một tác phẩm nghệ thuật mang tính trầm tư và giải thoát đầy thiền vị. Nhà nghệ sĩ bon-sai cũng như nhà điêu khắc hay hội họa, họ tái tạo thiên nhiên, diễn đạt chí hướng, tâm tư và tình cảm của mình bằng chất liệu cây thật. Thiền sư Gukaido của Nhật nhận xét rằng, nghệ sĩ bon-sai mới nhập môn thì nhìn cây lá bằng Mắt. Lên một cấp cao hơn nữa thì nhìn bằng khuynh hướng của Ý Thức và "thấm" hơn thì nhìn bằng Tâm và cao hơn hết là nhìn bằng Đạo.

Cây kiểng Trung Hoa thường đi với đá hay tượng, tháp, chùa chiền trang trí kèm với cây. Cây kiểng Trung Hoa là ảnh để ngắm, từ ngoàì nhìn vào. Nhưng bon-sai là sự thể hiện của cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bon-sai tạo ra một thế giới tĩnh lặng cổ sơ, một sự trang trọng của rừng già không vướng bận. Mỗi cây bon-sai đúng nghĩa tự nó có một linh hồn, không cần phải dựa vào tượng đài hay điển tích để định nghĩa cho mình. Dù xuất hiện dưới dáng mọc thẳng hiên ngang, dáng nghiêng theo chiều gió, dáng cheo leo bên sườn non, dáng liễu rũ mai gầy, dáng trơ vơ băng tuyết, dáng cô độc kiêu xa... thì triết lý bon-sai vẫn bàng bạc phẩm cách trung chính của người quân tử trong Nho Giáo và trong tinh thần Võ Sĩ Đạo. Cây kiểng bao giờ cũng ở thế tĩnh lặng giữa đời, không bao giờ chồm về phía trước hay cành vươn ra như muốn ôm choàng lấy người xem.

Khi nghệ thuật cây kiểng phát triển về miền Hoa Nam, nắng ấm và sự xuề xòa cởi mở của thiên nhiêncon người miền Nam góp phần vào nghệ thuật tạo hình cây cảnh. Nếu cây cảnh miền Hoa Bắc diễn tả hết vẻ đẹp chấm phá của mây khói và sương tuyết thì cây cảnh miền Hoa Nam diễn tả sức sống vừa gần gũi với khái niệm đời thường; nhưng cũng đầy vẻ cổ kính và trang đài của tạo vật.

Nghệ thuật cây cảnh miền Hoa Nam du nhập vào Việt Nam rất sớm. Giới nghệ nhân cây cảnh xứ Việt không thoát ly dòng lịch sửthực tại của giang sơn đất nước mình. Như được un đúc từ tâmchống đỡ truyền đời sự xâm thực của những nguồn văn hóa ngoại lai và sự xâm lăng của những thế lực phương xa tràn tới, cây kiểng Việt Nam vô hình chung mang dáng vẻ chống đỡ nhiều hơn là chấm phá và thoát ly. Những khuynh hướng tạo hình cây cảnh phổ biến và được ưa chuộng là "Lấy nạng chống trời" (Độc trụ kình thiên), Ba cây chụm lại thành hòn núi cao, Hòn vọng phu, Thác đổ, Bố con lên đường (Phụ tử đăng trình)...

Mãn Nguyệt Am – nhà nhỏ đầy trăng – là tên mà Tâm An tự đặt cho cái nhà nhỏ ở góc vườn cây cảnh phía Đông vừa mới hoàn thành. Nghe tên, Phạm Xảo cười ngất và hỏi:

- Gặp đêm ba mươi không trăng sao thì gọi là gì?

Tâm An cười theo, thêm vào:

- Ơ! Thì gọi là U Minh Cốc!

Phạm Xảo vỗ tay khoái trá:

- Ba mươi trời tối: U Minh Cốc

Giữa tháng trăng đầy: Mãn Nguyệt Am.

Đến lượt Tâm An nắm tay Phạm Xảo cười hề hề nhưng không dấu được nỗi xúc động tình cờ:

- Hai câu, hai ý, hai tên đối nhau chan chát. Hay quá là hay huynh tướng công ạ. Cái nhà như lòng người: Vui buồn, sáng tối, gần xa, ấm lạnh... đều xuất phát ra từ một cõi chung.

Cái tên Mãn Nguyệt Am dành cho ngôi nhà không phải phát xuất từ ngẫu hứng mà từ hiện thực.

Với sở trường kinh doanh nghệ thuật cây cảnh dày dạn, Tâm An đã sưu tầm được những loại cây kiểng quý hiếm cùng lúc với việc dựng nhà chỉ trong vòng một tháng. Cái nhà thật ra chỉ là những khung thủy tinh màu hay trong suốt được sản xuất và đóng khung tại Phường Đúc. Tâm An nắm vững được kỹ thuật chế tạo và pha màu thủy tinh của ngành đúc kim loại và nghề gốm quanh vùng Thành Lồi, Phường Đúc nên có khả năng hoàn toàn chủ động sản xuất những tấm thủy tinh có độ dày và màu sắc theo ý muốn.

Chủ ý của Tâm An là dựng một thiền thất theo kiểu "vô môn quan", nhà mà chẳng có nhà; cửa mà không có cửa. Tường và mái của thiền thất là những mảnh thủy tinh có màu sắc chìm lẫn trong cây cỏ. Có chỗ trong suốt để nhìn ra cây cảnh thiên nhiên rủ bóng quanh nhà. Bước vào thiền thất, khách thoạt nhìn sẽ không có cảm giác là mình đang bước vào nội thất mà thấy mình đang bước vào một thế giới nhỏ. Những chậu kiểng được thiết trí theo lối phát triển tự nhiên. Có chậu xếp sâu bên trong, có chậu rủ lá bên ngoài. Những cây cổ mộc lâu năm, do những nghệ nhân kỳ lão trực tiếp tự tay uốn tỉa tài tình theo đủ mọi khuynh hướng cây cảnh. Những hàng cây lớn bé được xếp đặt một cách khéo léo và tự nhiên mang hình tượng rất gần với khu rừng đại lão. Cây kiểng tạo ra một thế giới cổ kínhMột thế giới nhỏ nhắn về kích thước nhưng trãi dài, mở rộng trong tầm nhìn và sâu lắng trong cảm xúc. Cây Kỳ Nam Cổ Mộc chiếm một vị trí đặc biệt nơi thiền thất. Giữa rừng cây kiểng đàn em và con cháu, cây cổ mộc vừa có dáng uy nghi của người thống lãnh, vừa có dáng hiền hòa trầm mặc của một ẩn sĩ đã gác hết chuyện đời vào kho cố sự.

Đêm nguyên tiêu, trăng đẹp như muốn mở cửa trút hết ánh sáng xuống tràn mặt đất. Bốn người trong ngôi nhà có thể nghe được cả tiếng thở của người kia nhưng khó thấy nét mặt của nhau. Cây kiểng lọc trăng thành một rừng hoa với điểm sáng chen bóng lá che khuất mặt người. Thầy Tiều nhận xét:

- Trăng đẹp quá và kiến trúc ngôi nhà khéo quá. Nhưng để làm gì với ngôi nhà này?

Hơi chững lại trước câu hỏi gần như vô tâm của thầy Tiều, Tâm An cố giải thích nhưng không tin lời nói mình sẽ có một tác dụng nào khá hơn:

- Thì nhà thiền là để tu thiền chứ để làm gì nữa đâu, thưa thầy.

Chẳng nhìn quanh ngôi nhà mới, mắt thầy Tiều hướng về một cõi riêng từ trong dòng suy tưởng của thầy:

- Nhốt trăng trong lồng kiếng cũng như nuôi chim trong lồng son; có bóng, có ảnh, nhưng không có hồn. Trăng thật đó mà không phải là trăng. Chim thật đó mà không phải là là chim. Trăng là trăng của muôn phương. Chim là chim của bầu trời tự do. Thiền là hơi thở giao hòa với vũ trụ; thiền là cái tâm nầy hoà quyện với đất trời... Tâm An dựng cái nhà cây kiểng nầy giỏi lắm, đẹp lắm. Nếu chỉ vì nhà đẹp mà vào đây ngồi thiền thì sẽ mất mạng không chừng...

Tâm An tròn mắt hỏi dồn:

- Thầy! Thưa thầy, thầy vừa nói ... vào đây ngồi thiền thì sẽ mất mạng không chừng có nghĩa là... sao?

Thầy Tiều lại cười, tiếng cười đôn hậu làm Tâm An hơi yên lòng. Thầy nói với giọng đùa vui:

- Hì! Hì! Nhà đẹp thế nầy mà rủ nhau vào đây ngồi xếp bàn, nhắm mắt thì sẽ chẳng thấy gì; ngồi trong nhà đẹp mà chẳng thấy thì có khác gì ngồi ngoài đường. Nếu mở mắt để nhìn ngắm khu rừng cổ mộc hùng vĩ xinh đẹp nầy và bị thu hút vì vẻ đẹp nhân tạo của nó thì lại nương theo cái giả để tìm cái thật. Thiền là một cuộc hành trình gian nan đi tìm cái thật: Cái thật của chính mình mà giới sính chữ gọi là "bản lai diện mục" và cái thật trong chính mình mà hàng sính đạo gọi là "minh tâm kiến tánh". Ngõ vào thiền không phải trụ ở nhà thiền mà có muôn vạn nẻo. Cửa thiền đúng nghĩa là chiếc thuyền làm bằng cái tâm không rỗng lặng. Buồm là sự chuyên tâm thiền định. Gió là năng lực tu tiến riêng của mỗi con người. Thuyền đi nhanh hay chậm, có về bến được hay không còn tùy vào cả ba sức mạnh tổng hợp là thuyền, buồm và gió. Thuyền có nhẹ nhàng lướt sóng hay bị sóng ngầm nước xoáy cuốn hút giữa chừng, buồm có giương lên đón gió và gió có thổi hay không... Tâm An quý hữu à, nhà nầy đẹp lắm, nhưng chỉ là bến đợi nghỉ chân thôi. Nó không phải là thuyền, không phải buồm mà cũng chẳng phải là gió.

- Thầy ví von hay lắm, nhưng thầy chưa nói rõ vì sao lại có thể bị "mất mạng" trong ngôi nhà nầy?

- Mất mạng không phải là vấn đề chết sốngMất mạng đối với một hành giả cửa thiền là ngồi trên thuyền đang trôi mà tự cho rằng mình đã tới bến. Nếu lại được trú trong ngôi nhà đẹp đẽ này nữa thì rất dễ bị khung cảnh rừng cây kiểng cổ mộc trang trí quanh đây tạo ra một cảm giác núi rừng kỳ tú ảo tưởng. Một thiền giả học thiền mà cứ ngỡ mình đắc đạo sẽ thuyết giảng những điều đang tìm bằng cái giọng chí tôn của hàng giác ngộ. Ngộ lắm! Quý hữu ạ. Cũng thế, sự mất mạng đối với một người hành thiền là mang ảo tưởng mình đã đạt được chân thiền chỉ bằng khối kiến thức về thiền đã học trong sách vở. Nếu người đó cũng được ngồi trong ngôi nhà đẹp đẽ nầy nữa để tu thiền thì sẽ lạc vì thiền sẽ trở thành ly rượu thánh. Rượu thánh làm say men cứu rỗi. Thiền giả chưa có công phu thiền định thường say đắm trong cơn men cứu rỗi của chính mình. Từ đó, ngồi trong nhà thiền để tìm đường giải thoát chẳng khác gì con chim tìm bầu trời cao rộng trong chiếc lồng son. Như thế, thay vì tìm về, tìm lại… thì người ấy càng ngày càng đi xa mất hút. Đi xa mất hút cõi về của chính mình cũng là một hình thức ly thân… mất mạng.

Tâm An hỏi lại:

- Không lẽ thầy bảo phải đứng đường, đứng chợ để tu thiền mới dễ tìm được nẻo thiền sao?

Thầy Tiều lắc đầu:

- Tâm thiền thì mọi việc đều thiền. Khi cần thì vào chùa, khi có việc thì ra đứng đường đứng chợ, khi đói thì ăn, khi khát thì uống, khi mệt thì nằm ngủ... đều có khả năng thiền định, chẳng khác gì nhau khi tâm không thay đổi.

- Vậy thì thưa thầy, thầy đang làm gì đây?

Thầy Tiều trả lời gọn lỏn mà cũng đầy xác quyết:

- Thiền!

- Nhưng thầy đang nói chuyện mà?

- Thì nói chuyện bằng tâm thiền.

- Nhưng chính thầy vẫn thường nói là thầy chẳng biết thiền là gì cả, chẳng quan tâm về thiền mà chỉ có định tâm thôi?

Thầy Tiều chẳng buồn để ý câu hỏi hay trả lời mà lại hát vu vơ một mình. Tâm An đưa cả hai tay lên khỏi đầu ra dáng thất vọng:

- Thầy ơi! Đang nói chuyện nửa chừng thầy lại bỏ lững để hát vu vơ. Có lý nào đó cũng là thiền nữa sao?

- Chánh thiền!

- Thầy đang tỉnh hay mơ?

- Tỉnh!

- Thiền?

- Thiền!

- Sao việc gì thầy cũng vừa cho là thiền và lại vừa phủ nhận tính thiền của nó dễ dàng vậy?

- Tâm An nghĩ thiền thì nó là thiền; nghĩ nó không phải là thiền thì nó không phải là thiền. Thiền không phải là tên gọi. Thiền là một trạng thái được sống thật, sống tận cùng với nguồn suối bao la của chân tâm; sống mở tung mọi cánh cửa cao viễn của trí tuệ và đập vỡ mọi khái niệm thông thường để tự giải thoát sự trói buộc của cảm giác

Không nói, không hỏi gì thêm, Tâm An ra trước ngõ xoay xoay tảng đá có ghi hàng chữ "Mãn Nguyệt Am" và đẩy mạnh xuống chân đồi. Tiếng đá chạm vào đá lục cục như một câu kinh thật không lời.

 

***

 

Ngôi nhà thiền của Tâm An có cái tên rất gợi hình đã theo biển đá lăn xuống đồi. Cái nhà tự đặt tên cho nó theo cái "dụng" tùy lúc. Giữa mùa trăng, ngôi nhà thủy tinh là nơi đẹp nhất để đón trăng nên được gọi là Nhà Trăng. Mỗi tháng đôi lần, ngôi nhà được chọn làm nơi tập thiền và nói chuyện thiền thì gọi là Nhà Tràng. Và thường khi căn nhà là chỗ lý tưởng để uống trà nên lại được gọi là Nhà Trà.

Khi ngôi nhà thành Nhà Trăng thì chỉ có bốn người là Trí Hải, Thầy Tiều, Phạm Xảo và Tâm An tới viếng. Người ít nói nhất trong nhóm Nhà Trăng là Trí Hải. Tâm An đi từ thắc mắc đến ngạc nhiên khi điểm lại ngày tháng qua. Ngôi nhà lập trên dinh cơ của Trí Hải mà chủ nhân chưa hề hỏi han đến. Trí Hải có mặt giữa mọi người nhưng chưa bao giờ góp ý khen chê. Đợi mãi đến một ngày, Tâm An mới lên tiếng:

- Thưa hoàng thân, Nhà Trăng dựng trên mảnh vườn phía đông đẹp nhất của tôn Huynh, nhưng chưa hề được nghe ý kiến nào của Huynh cả. Vậy là thế nào?

Trí Hải nhìn sâu vào mắt Tâm An và trả lời nhỏ nhẻ:

- Ngôi nhà đẹp thì đã có thầy Tiều khen. Vườn cây quý thì đã có Phạm Xảo khen. Tôi không thấy đẹp nên không khen, đơn giản thế thôi.

Tâm An hỏi một cách kiên nhẫn:

- Ngay cả cây kỳ nam cổ mộc tuổi cả nghìn năm mà Huynh vẫn không thấy đẹp hay sao?

- Không.

- Tại sao?

Trí Hải trở nên đăm chiêu trước tiếng hỏi "tại sao"vừa chân thật, vừa xót xa của Tâm An. Trí Hải nhìn về phía một chân trời quá khứ, hỏi lại mà chẳng hỏi ai. Hỏi như hỏi bâng quơ một mầu trăng ký ức:

- Vì sao? Vì hơn ba mươi năm trước, cùng trên chỗ đất nầy, những chậu kiểng đẹp nhất một thời cũng đã được đặt lên thành núi thành đồi như hôm nay. Tâm An à, ngày đó, tôi còn trẻ lắm. Với uy quyền đang lên của một ông Hoàng phò hoàng tử Cảnh, vị hoàng đế tương lai vừa ở Pháp mới về, tôi nghĩ là thế giới chung quanh cũng phải phủ phục dưới chân mình. Thay vì đi tìm tạo vật thì tôi lại bắt tạo vật tới tìm mình. Thay vì mình phải sống cho đời thì tôi muốn đời phải sống cho mình...

Không nghe lời nói tiếp, Tâm An giục:

- Bằng cách nào?

- Bằng mọi cách. Thuở ấy, tôi muốn đuổi thời gian ra khỏi đời mình bằng cách truyền lệnh cho tất cả gia nhân và hộ binh trong nội phủ không được để cho một lá vàng rơi xuống đất; phải che khuất bình minh và hoàng hôn sau rừng cây hay sau những bức tường cao ngút mắt. Tôi không cho phép đêm tối và ngày qua tự do đi về bằng ánh đèn hay bóng mát. Tôi đã vây màn đọc sách suốt mười năm để tìm những tư tưởng cao xa của người đời hợp với khẩu vị riêng mình và giải thích cho những vấn nạn do mình đề ra. Tôi đã xây dựng mình thành nhân vật trung tâm và muốn tất cả đều phải quay theo bánh xe đặt định của mình. Nhưng thực tế khách quan đã bỏ tôi lại đằng sau để quay ngược lại. Những núi sách tôi đã đọc, những tư tưởng Đông Tây có con đường riêng của nó. Khi nhận ra điều nầy thì đời đã muộn. Cả ức triệu trang sách không giúp tôi hiểu được mình bằng tiếng gáy của con gà trong đêm khuya. Tiếng lao xao nghìn năm của bách gia chư tử không làm tôi sáng hơn bằng vài ba câu nói đơn sơ và nụ cười cùng sự im lặng của sư Trúc Lâm.

Tâm An nôn nóng:

- Tại vì sao?

- Lại vì sao! Vì không có ai ngoài chính mình phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình để tìm ý nghĩa của đời sống và tìm lại chính mình cả huynh đệ ạ.

- Sư Trúc Lâm đã thắng yên cương cho hoàng thân lên ngựa, ra roi đi tìm nghĩa sống chăng?

- Không, sư chẳng làm gì cả ngoài đôi lời giải thích lối đi.

- Đơn giản đến thế sao?

- Đơn giản như một cơn sấm sét xảy ra trong nháy mắt đập vỡ tan tành những lâu đài thành quách tưởng như sừng sững kiên cố muôn năm.

- Lâu đài thành quách... ý đại huynh muốn nói là...

- Là những ý niệm cũ kỹ ẩn tàng trong những khái niệm lâu đời.

Tâm An cố nói lớn hơn một chút:

- Huynh ơi, mình đi xa quá, lạc rồi.

Trí Hải nhắc:

- Không, chúng ta đang trên đường mà.

- Thế mà huynh vẫn chưa trả lời là tại sao huynh không thấy cây kỳ nam cổ mộc và vườn cây kiểng nầy là đẹp.

- Vì tôi nhìn từ bên trong nên muốn đem nhà lên núi hay tự mình rời nhà lên núi chứ không muốn mang núi về nhà. Khi rời nhà lên núi, tôi chỉ là tôi đơn độc và nhỏ bé đang đối diện với vô cùng nên tôi rung động vì tìm được cái đẹp thật. Ngược lại, khi tôi dời núi về nhà là đang dùng trí tưởng tượng để đánh lừa chính mình một cách có ý thức. Tạo dựng những hòn núi giả và những cây kiểng uốn éo, cắt tỉa đủ hình thù làm cổ mộc nuôi trong chậu kiểng là dùng tưởng tượng để đánh lừa. Lừa người nhìn hòn núi thật qua hòn núi giả. Cho nên, cái đẹp chân thật nhìn từ bên trong đã mất đi và chỉ còn lại cái đẹp dáng vẻ bên ngoài.

Tâm An đứng vụt dậy, ngữa mặt lên trời cười khan, cười vuốt mắt, cười sằng sặc trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Giọng lạc đi trong tiếng nấc, Tâm An nói như gào lên:

- Chấp, chấp! Phá chấp, phá chấp! Chấp từ trong ra ngoài; chấp từ dưới lên trên; chấp nhất, chấp nhị, chấp tam... chấp ức triệu hằng hà sa số! Thế mà cứ mở miệng ra là "tâm không, phá chấp"! Có thể nào con người lại tự đánh lừa mình tài giỏi đến thế sao. Thưa thầy, thưa chư đại huynh, tôi biết tin ai, biết bám víu vào ai cho phần đời còn lại của mình đây? Thầy dạy phá chấp, sao thầy không coi cái nhà vườn nhỏ bé nầy cũng chỉ là một hạt cát dưới chân thầy. Thầy sợ cái đẹp của nó mê hoặc lòng người. Cái hình tướng bọt bèo của thế gian nầy vẫn còn quan trọng đối với thầy đến thế sao? A! Lại nữa... thưa Hoàng thân tôn huynh, huynh đã mất công vô ích để chẻ cái đẹp bên trong, bên ngoài rạch ròi như chẻ sợi tóc làm tư. Huynh đã nghe được tiếng gáy của con gà trong đêm vắng; huynh đã bừng tỉnh ngộ trong ánh phong quang của nhà sư Trúc Lâm. Huynh tự đánh lừa mình. Sao huynh không đem núi vào tâm huynh, đem hồn huynh lên núi mà phải sợ hãi cái giả, cái chân đã chất lớp thành định kiến trong tâm hồn huynh. Huynh vẫn ngày lại ngày ngồi trên chiếc chiếu của pháp quan để chắt lọc những vẻ đẹp thiên thần hay quỷ sứ mà tự nó không có. Có cái đẹp nào lại chẳng về không, có cái hình hài nào mà không giả hợp? Sao huynh không coi cái thế giới quanh huynh chỉ là đám mây chó (vân cẩu) của duyên hợp, duyên tan?! Cuối cùng, người ta gào nhau tấn công cái "phá chấp" mơ hồ, để đào móng xây dựng cái thành lũy "phá chấp" có tường có khóa.

Trước khi Tâm An kịp kéo sợi dây buộc những khung thủy tinh lại với nhau kết thành ngôi nhà để phá hủy một công trình đầy mồ hôi và thao tác của chính mình, Phạm Xảo đã dang tay níu lại. Tâm An ôm mặt chạy xuống đồi, Phạm Xảo chạy theo sau. Tiếng chân dẫm lá làm xao động cả ánh trăng rằm vằng vặc...

Sáng hôm sau, không hẹn mà cả bốn người lại có mặt thật sớm nơi khu nhà vườn thủy tinh. Nắng chưa lên mà ráng trời phương Đông đã chuyển từ tím sang hồng. 

Tâm An, trong bộ áo quần nâu bạc màu, tay cắp chiếc nón lá rộng vành và cái tay nải mầu lam trên vai đến cúi mình thi lễ trước thầy Tiều, Phạm Xảo và Trí Hải. Với giọng nói nhỏ nhẹ đầy xúc động, Tâm An nói lời cảm tạ và xin phép ra đi:

- Thưa thầy và hai huynh, lần nầy là lần thứ hai và chắc cũng là lần cuối của đời mình, tôi biết mình không có duyên tu học nên đành phải ra khỏi cổng chùa. Cho dù ngôi chùa có thầy và có hai huynh không có cổng, không có nhà nhưng đối với tôi đấy vẫn là ngôi chùa thâm nghiêm nhất. Ngôi chùa không xây bằng sắt đồng, vôi gạch mà xây bằng chất keo của những tấm lòng. Tấm lòng của những chính nhân trong một xã hội đầy dẫy những “ngụy chính nhân” giả làm chân quân tử! Lý do tôi rời thầy và chư huynh thật là đơn giản: Tôi không thấy được đốm sáng nào ở cuối con đường tu học để tìm phương giải thoát. Ngày lại ngày, chúng ta phải đổ mồ hôi để đổi lấy miếng ăn. Thầy thì tạm trú trong một ngôi nhà lâu ngày bỏ hoang. Hai huynh thì sống qua ngày trong một lâu đài cũ kỹ lâu năm đang đến hồi đổ nát...

Phạm Xảo ngắt lời:

- Như vậy là Tâm An ra đi vì không chịu nổi cái nghèo?

Tâm An lắc đầu hỏi lại:

- Cái nghèo nào?

- ?!

- Tôi chưa rõ ý huynh muốn nói đến cái nghèo vật chất hay tinh thần?

Phạm Xảo trả lời:

- Hình như Tâm An đã nói rõ là cái nghèo vật chất.

- Không huynh ạ. Chính tôi đã tình nguyện tìm đến cái nghèo vật chất. Tôi đã giao lại một sự nghiệp giàu sang không vào hàng bậc nhất thì cũng bậc nhì của xã hội nầy cho vợ con tôi để đến đây cuốc đất trồng khoai lo miếng ăn với quý vị. Cũng như ngay phút nầy nếu cần, đem bán đi cây kỳ nam cổ mộc không thôi chúng ta cũng đủ để thành hàng đại phú.

- Thế sao Tâm An vừa nói trong cảnh nghèo nàn của thầy Tiều ở chùa rách; cảnh hoàng thân ở trong dinh cơ đổ nát làm cho Tâm An không thấy được đốm sáng cuối đường?

Tâm An xua tay:

- Nếu nghĩ vậy là chư huynh đã hiểu lầm ý tôi rồi. Thời còn trẻ tuổi, lý do tôi đã bỏ chùa ra đi sau mấy năm ở chùa vì chùa quá giàu và quý thầy trong chùa có quá nhiều tiếng tămquyền thế. Ngôi chùa Từ Tâm nơi tôi tu học dạo đó được giới quan viên triều đình và hàng tín đồ giàu có thường xuyên lui tới. Tiền bạc, vật chất dâng cúng tại chùa ngày lại ngày rần rần, rộ rộ ra vào không ngớt. Vị thầy trụ trì dường như không có cả thì giờ riêng tư cho mình. Khách thập phương bên trong chưa kịp cáo lui, khách ngoài đã tới. Thầy tôi vốn là một vị danh tăng, một nhà Phật học uyên bác của đất Thần Kinh. Nhưng quyền lực và tiền bạc đã làm thầy thay đổi. Giới quan chức triều đình đã đặt thế quyền lên vai thầy. Giới kinh tế giàu có đã đặt tiền bạc vào tay thầy. Thầy trở thành một trung tâm quyền lực. Một tiếng nói, một lời gởi gắm của thầy với Quan thượng thư, với ngài tổng đốc có thể làm mất chức hay tạo địa vị cho bao nhiêu quan quân lớn nhỏ đến nhờ vả cầu xin thầy. Sẵn tiền bạc, ngoài việc phong tăng, thay chùa, lập đền, xây miếu vô tội vạ, thầy còn tài trợ cho cả những họat động dân gian chẳng liên quan gì đến đạo pháp. Tôi là đệ tử hầu cận của thầy. Tôi có mặt thường xuyên bên thầy để thấy rõ rằng, địa vị thế quyền của thầy càng tăng thì đức độ, đạo hạnh của thầy càng xuống. Ánh mắt từ ái của thầy càng ngày càng đanh lại. Âm hưởng tiếng cầu kinh thanh thoát của thầy mỗi ngày một luyến láy ngân nga hơn, nhưng lại máy móc và vô hồn hơn. Lời thuyết pháp của thầy ngày một hùng hồn dõng dạc, được quần chúng tham dự ngày một đông với bao lời ca ngợi nhiệt thành, nhưng linh hồn đạo vị trong lời nói pháp của thầy ngày một nhạt. Khối người quyền thế càng tôn xưng thầy là thánh tăng, thì những đệ tử thầm lặng trân quý thầy như tôi lại càng thấy tính chất phàm tăng của thầy dần dần hiện rõ... Cho đến một đêm khi thầy đang ngủ, tôi quỳ khóc dưới chân thầy suốt nửa đêm về sáng, rồi đảnh lễ thầy và lẳng lặng bỏ chùa Từ Tâm ra đi. Có lẽ đối với thầy ngày đó, sự vắng mặt của tôi bên cạnh thầy cũng không đáng quan tâm hơn một con dơi nương náu trong chùa rời tổ bỏ đi...

Nhìn nét buồn hiếm hoi trên khuôn mặt thường khi hoan hỷ của Tâm An, Phạm Xảo hỏi một cách ái ngại:

- Vậy thì lý do chính trong quyết định bỏ thầy và anh em mà đi lần nầy là gì?

Giọng Tâm An trả lời như một ngọn sóng trào, như một lời oán trách:

- Vì ích kỷ.

Phạm Xảo ngạc nhiên hỏi dồn:

- Ai ích kỷ? Tâm An có thể nói rõ hơn được không?

- Tất cả. Tất cả đều ích kỷ nhưng lại dấu sự ích kỷ của mình bằng đủ hình tướng mà cách đơn giản nhất là dấu sau mặt nạ vị tha

- Vẫn chưa rõ ràng gì cả.

- Mọi cái tâm còn chấp sự tốt xấu, hay dở, hơn thua, cao thấp... là còn phân biệt ta với người. Trong đó, cái ta bao giờ cũng hay hơn, có lý hơn, cao thượng hơn, đạo đức hơn, nhân nghĩa hơn... Cái ta lớn đến thế thì làm sao mà xả bỏ cho được. Người ta nói đến tâm không, nói đến vô ngã, nói đến đừng dính mắc. Nhưng cái đầu buông, cái miệng buông, cái tay buông, cái chân buông còn cái tâm thì vẫn khư khư dính chặt bằng cách nầy hay cách khác.

Thầy Tiều và Trí Hải vẫn im lặng ngồi nghe, chẳng có dấu hiệu đồng tình hay phản đối. Chỉ có Phạm Xảo là vẫn lên tiếng với Tâm An:

- Như thế có nghĩa là Tâm An bỏ đi vì thầy Tiều và anh em ở đây còn vị kỷ, không biết đánh giá đầy đủ ngôi nhà thủy tinh và khu vườn kiểng mà Tâm An đã bỏ công sức xây dựng phải không?

- Như thế nhưng lại không hẳn thế vì tôi coi nhà kiếng, vườn cổ mộc và những gì có trong tay cũng chỉ là một phần sinh hoạt nhỏ trong đời sống. Tôi bỏ lại sự nghiệp giàu sang không một chút lưu luyến, nhưng cái tâm tôi vẫn chưa bỏ nên vẫn còn nhắc lại nó với chút tự hào trong những ngày thiếu thốn mọi bề. Tôi đến đây là chỉ mong được giũ sạch những lớp bụi đó đi. Tôi đã nguyện rằng, tôi không tu để thành tiên thành Phật mà để thành người. Một người bình thường tìm hạnh phúc trong cuộc đời thường. Tôi quyết đi cho đến lúc nào tôi coi những bữa cơm rau muối là bữa ăn tự nhiên của mình. Tôi và bát cơm là một. Tôi ngon với cơm và cơm ngon với tôi. Cho đến khi nào bưng bát cơm trên tay, cơm đưa vào miệng, cơm chạy vào bụng tôi để nuôi sống thân thể tôi và tôi được sống nhờ cơm để cảm thụ được hết cái ngon của cơm. Không liên tưởng đến một bữa ăn nào khác, không so sánh bất cứ bữa ăn đâu với bữa ăn nầy. Những ngày qua tôi cứ ngỡ là đã quên được rồi. Khi cần miếng ăn, tôi cuốc đất tự nhiên như thở, như cười. Khi cần tiền xây nhà thiền, tôi mua bán cây kiểng để lấy tiền. Khi đủ tiền rồi tôi chấm dứt không một chút ham muốn hay dây dưa thêm bớt. Đến đây, có thầy, có nhị vị tôn huynh, tôi nghĩ tâm mình đã tìm được con đường an định.

Tâm An ngừng lại như cố nuốt hết những xót xa đang trào lên, dâng lên. Phạm Xảo mở thêm ý:

- Nhưng rồi sự an định đó bay mất vì thầy Tiều và hoàng thân Trí Hải không phải là những nhân vật mà Tâm An kỳ vọng phải không?

- Vâng, tôi rất buồn khổ và thất vọng để nói lên điều nầy. Thầy Tiều chẳng phải một cao tăng như tin đồntrước mắt tôi, thầy cũng chỉ là một người thường, cũng cảm nhận và chấp trước như bao nhiêu người khác. Và hoàng thân Trí Hải cũng chỉ là một nhân vật bình thường như mọi người chứ không phải là bậc tài cao học rộng như tôi từng nghe danh và ngưỡng mộ.

Phạm Xảo lắc đầu:

- Khó thật! Làm sao tìm được tiên thánh giữa đời trần. Tôi có cảm tưởng như Tâm An mãi mê đi tìm một tin đồn hơn là muốn tìm một nhân vật bằng xương bằng thịt.

- Huynh à, thường có lửa mới có khói. Có người, có chuyện thật mới có tin đồn. Như ngày trước cây kỳ nam cổ mộc cũng chỉ là một tin đồn có vẻ như huyền thoại, nhưng thực tế là hôm nay tôi đã tìm ra được nó.

- Con người vốn sinh ra đã không giống nhau. Cái hiểu, cái cảm của mỗi người lại khác xa nhau nhiều hơn. Như cây kỳ nam cổ mộc đối với Tâm An và giới chuyên môn săn tìm cây cảnh quả là quý hiếm thật, nhưng dưới mắt tôi và đối với nhiều người khác, nó cũng chỉ là một cây bạch tùng già nua, còm cõi, thương tật, sống sót lây lất đâu đó qua bao ngày tháng trên núi đá vôi hoang dã, chẳng có giá trị gì hơn một cây tràm, cây chổi.

Tâm An thất vọng ngồi phệt xuống đất, tròn xoe mắt hỏi lại:

- Có thể như thế sao huynh? Có thể con người thui chột đến độ không nhìn thấy báu vật thiêng liêng như cây kỳ nam cổ mộc đang hiển hiệntrước mắt người ta sao?

- Con đom đóm nó sáng về đêm, con bướm vàng nó sáng ban ngày; mèo là bạn của người nhưng là hung thần của chuột. Chẳng ai dại dột để bận lòng hỏi vì sao như thế...

Nắng lên tràn nội cỏ. Dứt lời đã lâu mà vẫn chưa nghe thầy Tiều hay Trí Hải lên tiếng, Tâm An quay về phía thầy Tiều, ngõ ý:

- Xin bái biệt thầy. Xin thầy cho tôi một lời khuyên trước lúc chúng ta chia tay.

Thầy Tiều cười, nụ cười dễ dãibình dị. Với phong thái thân ái và khoan hòa, thầy đặt tay lên vai Tâm An và nói:

- Thời gian không giới hạn nên chấm dứt cũng có nghĩa là bắt đầu và đưa cũng là đón. Nếu quý hữu đến tìm một người thường đi tu thì có tôi ở đây. Nhưng nếu quý hữu đi tìm một thiền sư hay một cao tăng nào đó qua lời đồn đãi thì chẳng có ai đây cả. Quý hữu vừa ngõ ý cần một lời khuyên thì tôi xin chia lời tôi khuyên chính bản thân mình: Dù trong hoàn cảnh nào, hay trên cương vị nào cũng phải làm một người ngay thẳng.

Tâm An quay về phía Trí Hải, nhưng chỉ thấy bóng vị hoàng thân và Phạm Xảo đang lững thững xuống đồi. Bóng họ trãi dài dưới ánh nắng mai đang lên như hai bàn tay vẫy chào mà không bao giờ nắm được.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.