Chiêm Bái Phật Hoàng Bảo Tháp - Quang Hồng

16/02/201212:00 SA(Xem: 65825)
Chiêm Bái Phật Hoàng Bảo Tháp - Quang Hồng

CHIÊM BÁI PHẬT HOÀNG BẢO THÁP
Quang Hồng

Ngày 23 tháng giêng hằng năm là ngày “kỵ” tổ đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - đại thiền sư Huyền Quang. Vị sư là đệ tử đời thứ ba của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

Xưa nay, phật tử và dân du lịch vãn cảnh vẫn đến Yên Tử, lên chùa Đồng hành lễ. Nhưng ít ai biết còn có một di tích khác, về độ cao thì thấp hơn đỉnh núi có chùa Đồng và nằm ở sườn tây của dãy Yên Tử (Quảng Ninh). Khoảng 3 năm trở lại đây, những người theo học Phật pháp tìm đến đây nhiều hơn để được quỳ lạy trước Phật hoàng Bảo tháp bằng đá xanh cao 7 tầng giữa đại ngàn nguyên sinh và được chiêm bái di tích đã có 700 năm tuổi.

thapco-1
Tháp cổ 7 tầng bằng đá xanh đã 700 năm tuổi.

Khi nói tây Yên Tử, nhiều người không để ý đến chữ “tây” nên thường vẫn lầm tưởng là “Yên Tử” với chùa Hoa Yên, chùa Đồng giờ đã có cáp treo lên tận nơi, nên cũng ít người biết thế nào là “đường tùng”. Tây Yên Tử đơn giản là sườn tây của dãy Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viên tịch và tổ đời thứ hai của Trúc Lâm thiền phái đã dựng tháp đá xanh 7 tầng. Chỉ cách Hà Nội gần 100km, tới ngã ba Đông Triều, rẽ vào Bình Khê rồi thêm 10km vào làng Phù Ninh, đến bến đò Hồ Thiên hay còn gọi là hồ Bình Khê.

Gia đình chị San làm nghề lái đò ở đây đã nhiều năm, nhận trông xe máy cho cả đoàn rồi đưa chúng tôi vượt hồ để leo núi. Nước hồ xanh ngắt vô cùng tuyệt đẹp khi những quả đồi nổi lên thành những hòn đảo soi bóng làn nước phẳng lặng xanh ngắt bởi đáy mọc đầy tóc tiên, rong đuôi chó. Đi men theo đường mòn ven suối, gặp một ngôi miếu nhỏ. Từ đoạn này, đường liên tục dốc, càng lên cao càng dốc, có chỗ gần như dựng đứng và trơn trượt.

Rừng không còn cây nào to, cùng lắm cũng chỉ nửa vòng tay ôm. Nhưng trúc thì mọc bạt ngàn. Hơi ẩm lạnh của những ngày đầu xuân phủ một lớp sương mỏng trên mũ, trên áo của những tay “du lịch bụi” như chúng tôi. Balô nặng trĩu vì phải mang gạo và đồ ăn cho 2 ngày. Vừa leo núi vừa ngẫm nghĩ về hơn 700 năm trước, vị vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng tìm lên núi cao, khoác áo cà sa để tu hành. Chợt nghĩ, triều đại rồi cũng có lúc bị diệt vong, nhưng thiền phái Trúc Lâm thì tồn tại qua hết triều đại này đến triều đại khác.

thapco-2
Du khách chụp ảnh cùng nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông trên nền chùa cổ.

Chùa Hồ Thiên hiện ra giữa đại ngàn tây Yên Tử, có một bàn thờ Phật và 6 bức tượng. Nhà khách thì rộng, lát gạch đỏ, có đủ chăn chiếu cho khách nghỉ đêm. Giờ lên đến chùa thường là cuối buổi chiều, sắp đến giờ làm lễ. Buổi lễ chiều thứ bảy lại có thêm gần hai chục học sinh THCS là dân địa phương lên nghe sư thầy giảng về Phật pháp và được cùng làm lễ trong “chùa”. Ngôi chùa bằng tôn ở vị trí cao gần 1.000 mét so với mặt nước biển. Chùa Hồ Thiên giờ đây chỉ còn là vậy. Những dấu tích còn lại gần như nguyên vẹn chỉ còn lại tòa tháp bằng đá xanh cao 7 tầng đang lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tòa tháp được tổ đời thứ hai, thiền sư Pháp Loa cho dựng sau khi Trần Nhân Tông viên tịch năm 1308. Tòa tháp vẫn sừng sững giữa đại ngàn cho dù đã bị đào bới săn tìm báu vật và bức tượng đá đen do Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc cũng thất lạc. “Chứng nhân” còn lại ở đây từ thời Trần Nhân Tông đang tu hành đó chính là cây vải và cây đại. Cách đây vài năm, lâm tặc còn về đây chặt nguyên cả cành đường kính tới 60cm của cây vải này.

Một tháp gạch khác cũng còn, nhưng trong tình trạng bị mất đỉnh với bức tượng bị cụt đầu đã được thay bằng đầu bằng ximăng và thêm 2 tòa sen vốn là chân của 2 tòa tháp khác cũng được gắn lại bằng ximăng. Những tảng đá được người xưa đục đẽo tinh tế và vận chuyển chắc chắnvô cùng khó mới lên đến được tận đây. Có thời gian, những khối đá đó bị vứt chỏng chơ, được nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông gắn lại bằng ximăng. Rồi nhà sư này bê từng viên gạch, từng cân ximăng xây lại vài công trình nhỏ cho du khách có chỗ nghỉ chân.

Theo chân nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông ra vị trí nơi trước kia là chùa Hồ Thiên của 700 năm trước, một vị trí mà bất cứ nhà phong thủy nào cũng phải thốt lên là thật đẹp. Nằm lưng chừng núi, trên một bãi đất bằng phẳng giữa hai sườn núi chạy về 2 phía, phía trước mặt xa xa là cả một quần thể núi non và Hồ Thiên phía dưới chân núi. 700 năm sau, chỉ còn lại những chân cột đá hoa sen mà nhìn về kích thước và ngẫm lại quãng đường leo núi thì thật khâm phục tại sao người xưa có thể đưa được lên đây.

Chiều sương Yên Tử hôm ấy, bữa cơm chay với mùi hương của lá cỏ nếp không hiểu sao lại rất nhiều ở đó, rồi tối ấy được sư thầy nói chuyện về Phật pháp, về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khi ngả lưng chợp mắt vẫn nghe thấy tiếng mõ tụng kinh thoảng xa.

(Lao động)

Bài viết liên quam đến chủ đề:
KHÁM PHÁ KHO BÁU BỊ BỎ QUÊN CỦA DANH SƠN YÊN TỬ: Kỳ vĩ, bí ẩn ở sườn Tây


Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 7055)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…