Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở

02/02/20212:48 CH(Xem: 3310)
Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
TÍCH LAN - ĐẠO TÌNH MUÔN THUỞ
Thích Như Điển
Viên Giác Tùng Thư xuất bản 2020
Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
LỜI GIỚI THIỆU
CỦA VIÊN GIÁC TÙNG THƯ NHÂN LẦN TÁI BẢN NĂM 2020



Khi nhìn vào bản đồ Tích Lan (Sri Lanka), có lẽ ai cũng phải công nhận rằng đất nước này xinh đẹp như một viên ngọc bích tuyệt hảo, nổi bật giữa vùng nước xanh của Ấn Độ Dương. Thật đúng vậy, Tích Lan chính là một viên ngọc bích toàn vẹn.

Nhắc đến lịch sử Phật Giáo chúng ta thường nghĩ ngay đến Ấn Độ, vì đó là chiếc nôi, là quê hương của Đức Phật. Nơi đây còn ghi dấu rõ ràng bao nhiêu Thánh tích, bao nhiêu đền đài cổ, theo từng bước chân hoằng truyền Chánh pháp của đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni.

Thế nhưng trong tiến trình lịch sử khắc nghiệt, chính Tích Lan là đất nước đã có công lớn trong việc gìn giữ và khôi phục đạo Phật sau thảm họa suy vong từ nhiều thế kỷ trong quá khứ bởi những thế lực thế quyền và giáo quyền tại Ấn Độ.

Phật giáo Tích Lan khởi thủy từ thời Vua A-dục (Asoka), người đã thống trị hầu như toàn cõi Ấn Độ vào những năm 268-232 trước Tây lịch. Chính vị hoàng tử Mahinda con vua A-dục là người đầu tiên đã mang ánh sáng Phật pháp đến Tích Lan. Khi vua cha lên ngôi, thái tử mới vừa 11 tuổi. Năm 20 tuổi, Mahinda xuất gia với ngài Moggaliputtatissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu). Đại đức Mahinda được đề cử hướng dẫn một phái đoàn sang truyền bá Phật giáo tại Tích Lan. Đó là khoảng năm 247 trước Tây lịch, dưới triều vua Devanampiyatissa (247-207 trước T.L) của Tích Lan. Giáo đoàn của ngài Mahinda được nhà vua đón tiếp trọng thể. Đại đức Mahinda đã thành công rực rỡ trong sứ mạng truyền bá Chánh pháp và hoằng hóa độ sanh cho đến ngày Ngài viên tịch vào năm 192 trước Tây lịch.

Sau này, khi Phật giáo đã suy đồi tại Ấn Độ thì chính nhờ những tăng sĩ tinh thông giáo lý Phật-đà đã từ Tích Lan quay trở lại truyền bá nguồn giáo lý vi diệu tại chính quê hương xưa kia của Phật giáoẤn Độ.

Ngay cả cây bồ-đề hiện nay tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ cũng là hậu duệ của một nhánh cây được chiết từ cây bồ-đề ở Tích Lan. Thuở xưa, khi công chúa con vua A-dục là Tỳ-kheo-ni Sanghamitta (Tăng-già-mật-đa) sang Tích Lan thành lập Ni đoàn Phật giáo, bà đã mang nhánh bồ-đề đến trồng ở Anuradhapura. Sau đó, khi cây bồ-đề tại nơi Đức Phật chiến thắng ma quân thành Chánh đẳng Chánh giác đã bị chặt phá đi, một nhánh từ cây bồ-đề ở Tích Lan đã được mang trở về trồng lại nơi ấy.

Đất nước Tích Lan cũng là quê hương đã khai sinh lá cờ Phật Giáo năm màu, một biểu tượng thiêng liêng của Phật Giáo được thế giới công nhận. Lá cờ năm màu được Tích Lan thiết kế và treo lên tại các chùa ở xứ này trong ngày lễ Phật Đản bắt đầu từ năm 1885. Vào năm 1950, Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhist) đã chọn lá cờ này với một ít đề xuất chỉnh sửa để trở thành lá cờ Phật Giáo Thế Giới như ngày nay.

Trong suốt nhiều thập niên qua cũng đã có rất nhiều bậc Tôn Đức Tăng Ni từ Việt Nam được Giáo Hội cử đến Tích Lan tu học hay tham dự các cuộc Hội nghị. Trong đó có cả những bậc Tăng tài như Hòa Thượng Minh Châu.

Từ mối liên hệ thân thiết giữa Phật giáo Việt NamTích Lan, cộng thêm mối quan hệ đạo tình với Bhante Seelawansa, vị tăng người Tích Lan đang giảng dạy tại đại học ở Cộng hòa Áo, nên vào năm 1994, tác giả sách này là Hòa thượng Thích Như Điển đã từ Đức đến viếng thăm Tích Lan. Sau đó, tác giả có thuật lại chuyến đi này trong tác phẩm “Giữa Chốn Cung Vàng” do Viên Giác xuất bản năm 1994.

Rồi đúng mười bảy năm sau, năm 2011, có một sự kiện mới đặc biệt hơn. Vô cùng đặc biệt! Đó là dịp Hội Đồng Tăng-già và Chính phủ Tích Lan đề nghị trao Giải thưởng Danh Dự cho hai vị Hòa thượng tại châu Âu có công truyền bá ánh sáng Phật pháp sang Âu Mỹ. Hai vị ấy chính là Hòa thượng Thích Minh Tâm (Pháp) và Hòa thượng Thích Như Điển (Đức). Đây là một vinh dự lớn không những cho nhị vị Hòa Thượng, cho Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu mà còn cho cả Phật Giáo Việt Nam của chúng ta.

Giải thưởng Danh Dự này là giải thưởng cao quý nhất về những công hạnh đóng góp tích cực trong việc hoằng truyền chánh pháp, thường được trao cho các bậc Tôn Túc Tích Lan. Đây là lần đầu tiên Giải Thưởng Danh Dự này được trao cho hai vị tăng sĩ Phật Giáo ngoại quốc.

Buổi lễ diễn ra thật long trọng vào ngày 8 tháng 7 năm 2011 dưới sự chứng minh của vị Đại Trưởng Lão Tăng thống Tích Lan và chư vị Trưởng lão cao niên trong Hội Đồng Tăng-già Phật giáo cũng như các vị lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Trực tiếp có các ông Thủ Tướng, Phó Thủ Tuớng, các Bộ Trưởng đã tổ chức tiếp đón trọng thể nhị vị Hòa Thượng, vinh danh các Ngài là Sứ Giả Hoằng Pháp và phủ phục đảnh lễ trước nhị vị Hòa Thượng cũng như chư Tôn Đức có mặt trong buổi lễ. Buổi lễ được diễn ra như một quốc lễ. Thủ Tướng Tích Lan đã dâng lên nhị vị Hòa Thượng hai chiếc quạt, theo truyền thống xứ sở này là biểu tượng cho sự tôn kính cao quý nhất đối với các vị Sứ giả Như Lai.

Tiếc rằng một sự kiện quan trọng như thế nhưng đến nay chỉ được phổ biến khá hạn hẹp trên Báo Viên Giác (số 183, tháng 10/2011). Do vậy, Viên Giác Tùng Thư quyết định gộp chung một số bài viết về sự kiện này cùng với tác phẩm Giữa Chốn Cung Vàng đã in trước đây của Hòa Thượng Thích Như Điển thành một tác phẩm để giúp quý độc giả có thêm một tài liệu đầy đủ hơn về sự kiện đặc biệt này.

Như vậy, những nội dung này đều đã được xuất bản trước đây, nay được rà soát chỉnh sửa và tái bản với hình thức một tác phẩm mới có nội dung phong phú hơn, kèm theo nhiều hình ảnh giá trị và được đặt tên là “Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở”.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả gần xa.

Đức quốc, tháng 12 năm 2020
VIÊN GIÁC TÙNG THƯ

  • Lời giới thiệu
  • PHẦN I. GIỮA CHỐN CUNG VÀNG - XỨ PHẬT NHIỆM MẦU
  • TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH
  • GIỮA CHỐN CUNG VÀNG
  • PHẬT TẠI SƠN LÂM
  • CHẶNG ĐƯỜNG CUỐI
  • PHẦN II. ĐẠO TÌNH MUÔN THUỞ
  • Một chuyến hành hương
  • Chiêm bái hai bảo vật quốc gia của đất nước Sri Lanka
  • Hành hươngchiêm bái các thánh tích tại Sri Lanka
  • Đôi dòng cảm niệm về chuyến hành hương Tích Lan
  • Theo thầy thăm xứ Phật
  • Hành hương Tích Lan

pdf_download_2
Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở (PDF)
Tải file MP3 sách này (dung lượng lớn)


.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.