Sa La Hoa Đạo

13/10/201312:00 SA(Xem: 14254)
Sa La Hoa Đạo

SA LA HOA ĐẠO
Lâm Hạnh Nhiên

sala-hoa-daoCách đây vài năm, có người nêu giả thiết cho rằng cây sa-la đã được người Việt ở vùng Tây Ninh biết đến từ lâu và được gọi là cây tha-la; bằng cớ là có bài thơ “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh nói đến xóm Tha La là một nơi “có trái ngọt cây lành im bóng lá” Giả thiết đó đưa đến kết luận có một giao thoa giữa Ấn giáo, Phật giáoThiên chúa giáo ở một vùng thuộc văn hóa Khmer. Gần đây có người khác giải thích tên tha-la là do người Việt đọc trại chữ “ Schla” trong ngôn ngữ Khmer có nghĩa là “trạm, trại, nhà lồng, nhà mát”. Vì xóm Tha-la giống như cái trại định cư nằm ven sông Vàm Cỏ chảy qua Tây Ninh. Chưa rõ th-la có phải là tên dân gian để gọi cây sa-la hay không, nhưng trong kinh điển Phật giáo đã được dịch ra tiếng Việt, người ta chỉ thấy nói tới cây sa-la hay ta-la, chứ chưa thấy gọi tên này là cây tha-la.

Sa-la hay ta-la là một loại cây được văn học Phật giáo nói tới nhiều, nhưng tên này được mọi Phật tử biết đến vì nó được nhắc đi nhắc lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc kinh Trường Bộ . Thuật lại những ngày tháng cuối đời của Đức Phật Thích Ca. Theo đó, trong mùa an cư cuối cùng. Thế Tôn bị một cơn bệnh trầm trọng. Ngài giữ tâm chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng không ta thán. Rồi ngài nghĩ, “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận, không từ biệt chúng Tỳ-kheo, vậy ta hãy tinh tấn thuyết phục cơn bệnh này để duy trì bệnh căn”. Sau đó, Ngài cùng chúng Tỳ-kheo đi lần về Kusinara (Câu-thi-la). Trên đường Ngài cho triệu tập thêm các Tỳ-kheo đến Vesali cùng đi. Đến gần Kusinara, Ngài nhận lời thọ thực do người thợ rèn tên là Thuần-đà dâng lên. Sau khi thọ thực bệnh Ngài trở nặng. Ngài nói với Tôn giả A-nan: “…hôm nay, khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinara, trong rừng Sala của dòng họ Malla, giữa hai cây sa-la song song, Như Lai sẽ diệt độ” Khi dến nơi đã chọn.Ngài bảo Tôn giả A-nan trải chỗ nằm đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sa-la, rồi Ngài nằm xuống theo dáng nằm của con sư tử, nghiêng người về phía hông bên phải. Lúc bấy giờm hai cây sa-la bỗng trổ bông trái mùa khắp thân và cành. Những đóa hoa sa-la, cùng với hoa mạn-đà –la từ hư không rơi xuống rơi vãi trên thân Ngài như để cúng dường. Sau khi cho phép mọi người thưa thỉnh giữa những người còn nghi ngờ, trả lời về cách thức xử sự đối với nhục thân của Như Lai, và dặn dò chúng Tỳ-kheo phải tinh tấn, không được phóng dật, Ngài vào định rồi từ từ diệt độ.

Do bản kinh này, về sau, mỗi lần nghe nhắc tới bốn chữ “ sa-la song thọ” là người Phật tử nghĩ đến cảnh tượng lúc Đức Phật nhập Niết Bàn.

Cây sa-la còn được nhắc đến trong kinh Tương Ưng Bộ. Thiên Có kệ , chương Tương ưng Tỳ-kheo-ni, có đoạn nói về Tỳ-kheo-ni Uppalavanna ở Savatthi. Vào buổi sáng sớm, vị Ni này đắp y đứng dưới một gốc cây sa-la đang trổ đầy hoa. Ác-ma bỗng hiện đến tìm cách khiêu khích để vị Ni này từ bỏ thiền định bằng cách đọc bài kệ: “Cô Ni kia ơi, đến với câu sa-la đầy hoa, lại đứng một mình dưới gốc, chẳng ai đẹp bằng cô, cô gái điên rồ kia, không sợ đám vô lại à?”. Suy nghĩ một lát, vị Ni biết đó là ác-ma quấy rối, liền trả lời bằng một bài kệ, ngụ ý dù có cả ngàn kẻ vô lại như kẻ đã khiêu khích mình đến quấy rối thì cũng không làm cho vị Ni ấy sợ hãi, vị Ni ấy đã làm chủ được tâm mình đã có đủ thần túc nhờ tu tập và đã được giải thoát khỏi mọi trói buộc.

Trong Tiểu kinh pháp hành thuộc kinh Trung Bộ có nói để giải thích cho những pháp hành hiện tại an ổn, vui thích có thể đem đến quả báo đau khổ trong tương lai. Đức Thế Tôn dùng thí dụ về một hạt giống dây leo rơi dưới gốc cây sa-la nhờ hội đủ nhân duyên đã nẩy mầm rồi phát triển thành một cây leo rậm rạp che kín cây sa-la khiến cành lá cua cây sa-la bị bóp nghẹt.

Việc được nhắc đến nhiều lần trong kinh điển Phật giáo chứng tỏ cây sa-la rất quen thuộc với người Ấn ngay thời kỳ cổ. Thật vậy, cây sa-la, có tên khoa học là Shorea robusta, là một loại cây thường mọc thành từng cụm; khi có mặt, chúng tạo nên thành phần chủ yếu của một khu rừng, có diện phân bố rộng ở Bengal, Nepal và cao nguyên Deccan. Giống cây này phát triển mạnh nơi đất có nhiều mùn pha cát và ẩm ướt; chậm lớn, nhưng sau một trăm năm trong những điều kiện thuận lợi, cây có thể cao tới 35 m, thân có chu vi hơn 2m. Thân thẳng hình trụ. Tán lá có khuynh hướng phân tuyến vươn cao lên ở cây con và xòe rộng ra ở cây già. Vỏ cây con trơn nhẵn, có ít nếp nhăn dài sâu dọc thân, dày từ 2 tới 5 phân có màu nâu sậm. Cây sa-la có lá quanh năm, nhưng ở nời khô hạn, cây trải qua thời kỳ thay lá ngắn ngủi từ tháng Hai đến tháng Tư. Lá non xuất hiện trong tháng Tư, những chiếc lá dài rộng có hình quả trứng, thớ lá nhám và dai, khi phát triển đầy đủ thì mặt trên sáng bóng. Hoa sa-la xuất hiện đầu mùa Hè, có màu trắng hồng rất thơm , hương tỏa xa thanh thoát, mọc ngay trên thân cây suốt từ gốc lên; chùm hoa dài ra liên tục, có thể dài ra 2, 3m. Kết cấu cả chùm hoa giống con rắn thần (naga). Mỗi bông hoa trông như đầu và miệng rắn phùng mang che phần nhụy ở giữa. Sa-la kết trái trong mùa hè. Trái sa-la chín lại có mùi hôi và khi chín nẫu thì hạt sa-la mới đủ già để nẩy mầm.

Gỗ cây sa-la nặng, chắc, khó cưa xẻ và đóng đinh hầu như có thể dùng được trong tất cả những công trình cần tới sự bền chắc và sự đàn hồi. Thân sa-la cũng cung cấp một loại nhựa có hương thơm được làm thành nhang để thắp trong buổi lễ hoặc dùng để xãm trét thuyền bè bằng gỗ. Hạt sa-la được ép lấy dầu thắp đèn và đôi khi được kẻ xấu giả làm sửa trâu lên men. Bã dầu sa-la là một loại thức ăn gia súcgiá trị. Khi có nạn đói, người nghèo Ấn Độ đã từng xay trái sa-la trộn với bột mì ăn để cho khỏi chết đói.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, cây sa-la đã được đem trồng ở nước ta. Trước hết cây được trồng ở các tự viện Phật giáo. Sau đó, giới chơi cây cảnh cũng biết đến với tên gọi là cây đầu lân, cây ngọc kỳ lân, hay cây hàm rồng.

Có lẽ chúng ta cũng nên phân biệt cây sa-la với cây vô ưu mà khá nhiều học giả cho rằng Đức Phật đản sanh cũng ở dưới cội cây sa-la. Kinh điển cho biết Đức Phật nhập diệt giữa hai cây sa-la và đản sanh dưới gốc cây vô ưu. Cây vô ưu có tên Ấn Độ là asoka,tiếng Anh có khi dịch là sorrowless tree, là một loại cây nhỏ, chậm lớn, cao từ 5 tới 20m, cành phân nhánh nhiều tạo thành tán gần như tròn. Lá có dạng ngọn giáo, cuống lá tròn, ngọn lá hơi tù hoặc nhọn, màu lục sậm, mặt trên bóng. Hoa vô ưu nở quanh năm, nhưng rực rở nhất từ tháng Hai tới tháng Tư, có hương thơm dìu dịu lan xa, màu đỏ cam, vàng cam rồi chuyển thành đỏ đậm. Tại Ấn Độ, cây thường mọc ở trung tâm phía Đông dãy Himalaya và ở vài khu vực phía Tây vịnh Bengal. Cây vô ưu vẫn được xem là cây thiêng trong suốt lịch sử người Ấn. Một trong những yếu tố mỹ thuật Ấn Độ là phù điêu trên cổng những ngôi đền Ấn giáo thể hiện một nữ Dạ-xoa tựa người vào thân cây còn tay thì với lên cành vô ưu. Phụ nữ Ấn Độ rất tôn kính cây vô ưu. Trong nền y dược Ấn Độ, cây vô ưu là một vị thuốc duy trì nữ tính, Về mặt tâm linh, vô ưu được cho là cây bảo vệ sự trong sạch của phụ nữ.

Với người Phật tử, cây vô ưu tượng trưng cho niềm vui ngày Đức Phật đản sinh, còn cây sa-la biểu tượng cho sự nhớ tiếc vô hạn thời Đức Phật còn tại thế, và nhắc nhở người con Phật luôn tinh tấn không được phóng dật.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 112 | LÂM HẠNH NHIÊN

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/06/2014(Xem: 8122)
08/10/2022(Xem: 2849)
04/03/2024(Xem: 45745)
01/12/2014(Xem: 10570)
08/01/2015(Xem: 10420)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.