Lang thang một mình trên phố chiều ba mươi. Không làm gì, chỉ để ngắm nhìn. Cảm giác về thời gian lúc này thật đặc biệt. Nó không được tính bằng vòng quay của chiếc kim đồng hồ. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi con người dừng lại, ý thức sự tồn tại của mình trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Cảm giác về không gian cũng thế. Mọi vật dường như đang cựa quậy để chuyển mình… Nói theo kiểu một nhà thơ lãng mạn đầu thế kỷ 20: “Không gian như có dây tơ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tan…”.
Trời tối hẳn. Chợ hoa xuân trải dài theo công viên dọc bờ sông. Chợ sắp tàn. Hoa kém tươi. Hoa đẹp không còn mấy. Người mua không còn cái háo hức ban đầu. Người bán đã mệt mỏi và cả những lo âu, buồn bã, khắc khoải vì hoa còn nhiều mà chưa bán hết. Lều, bạt đang lục tục được dỡ ra.
Tôi len vào đoàn người xuôi ngược, đến tít đằng kia, về cuối chợ ghé qua gian hàng bán đào. Chỗ này có hơi xa khu trung tâm. Ánh điện đường bị tán cây rậm rạp che khuất. Cả mấy gian lều tạm bợ, âm u vì đèn không đủ sáng. Hoa đẹp đã hết. Chỉ còn lại những cành đào phai gầy guộc, hoa nhỏ, lác đác lộc non. Ấy vậy mà cũng có một số người tìm mua. Giá đào vài trăm ngàn một cành bây giờ chỉ còn vài chục ngàn. Họ là những người ít tiền chăng, hay chỉ muốn đem một chút hương vị mùa xuân đất Bắc vào nhà? Kẻ mua, người bán đang mặc cả. Cái giọng Bắc giàu âm sắc và bộ quần áo ka-ki xanh màu lá rừng. Tôi biết người bán ở ngoài kia. Trong lều, cũng cũng có vài ba người tranh thủ ăn cơm dưới ánh điện tù mù, giữa ngổn ngang những cành đào chưa mở dây còn nguyên trong báo. Chỉ còn vài giờ nữa là sang năm mới. Liệu những người bán hàng có phải đón giao thừa trong một quán trọ nào đấy hay bôn ba trên con đường thiên lý vời vợi cho kịp đoàn tụ với gia đình trong ba ngày xuân. Chao ôi! Cuộc mưu sinh của những người lao động tha phương nào có dễ !!
Quay lại, tôi tạt vào một cửa hàng bán lan. Khác với đầu kia, là cả một vùng sáng trưng và đầy màu sắc. Không có nhiều giống lan rừng ngoài nghinh xuân. Chủ yếu là lan lai tạo nở hoa đúng Tết. Đặc biệt là những giống ngoại nhập từ Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan… Nổi bật và bắt mắt vẫn là vẻ lộng lẫy, kiêu sa của những giò cattleya, xứng đáng được mệnh danh nữ hoàng của các loài lan. Cành và lá mảnh mai tưởng chừng không thể nào đỡ nổi hai, ba hoa lớn bằng bàn tay. Đủ màu. Trắng, vàng, đỏ, tím…. Cánh mượt như nhung, những vòng xoắn, những nếp gấp tinh vi. Những đường viền uốn lượn mềm mại. Màu sắc đối chọi như đập vào mắt người xem, kích thích sự ham muốn. Cũng có khi chỉ một tông màu nhưng phối rất nghệ thuật, đậm, nhạt khác nhau, đẹp mà thanh thoát. Tôi nhớ trong Nam có một thương hiệu bánh xèo có cái tên khá độc đáo: “Ăn là ghiền”. Cũng có thể nói thế với lan, “chơi là ghiền”. Đó là một thứ hoa “có chất gây nghiện”. Người chơi lan đã yêu thì cứ đắm đuối, chết mê, chết mệt. Rứt không ra, mấy tiền cũng hết. Vài trăm ngàn một giò, thậm chí cả triệu!!!… Chẳng sao. Khách của lan phần lớn là những người có tiền, chịu chơi. Nên chẳng sợ gian hàng bán lan ế ẩm.
Tôi mỏi mắt rảo qua mấy gian hàng tìm giống địa lan kiếm mà mình thích: đại kiều, tiểu kiều, mặc lan, bạch ngọc…. Cái giống lan sắc nhã, hương dịu, cốt cách thanh cao, chỉ thích hợp ở chốn thư hiên, thư phòng riêng cho những ai thích vẻ đẹp thâm trầm và đằm thắm. Phô ra giữa phố chợ bát nháo, ồn ào này e làm mất đi giá trị của nó như các cụ xưa thường nói: “Thức giả thị bảo, bất thức giả thị thảo” (Biết thì quý, không biết thì như cỏ).
Đông người nhất vẫn là những gian bán cúc. Bạt ngàn hoa. Là một trong tứ bình (mai, lan, cúc, trúc), nên thật gần gũi. Người ta chuộng cái màu hoa vàng rực, ánh kim hứa hẹn sự giàu có, sung túc trong mùa xuân mới. Giá cả lại phù hợp với túi tiền của phần lớn mọi người. Chỉ năm bảy chục ngàn là đã có một cặp hoa bề thế. Nhưng có một bí quyết để có thể mua hoa rẻ hơn nữa. Đó là biết chọn thời điểm: từ tám giờ tối ba mươi cho đến gần giao thừa. Chồng tôi bảo đấy là “đi mua hoa đàn áp”. Mà đàn áp thật. Hoa rớt giá từng giờ như chứng khoán đảo chiều lao dốc. Người bán bắt buộc phải bán. Bán đổ, bán tháo. Vớt vát được chút nào hay chút nấy, may ra có lời chút đỉnh, còn thì chỉ mong lấy lại được tiền cặp chậu. Nếu không, giao thừa đến, chẳng ai mua, hoa phải nhổ vứt đi, chậu phải tốn tiền thuê xe chở về. Người mua, mua được món hời, nét mặt cứ hớn hở… Chẳng trách được. Nhưng nhìn vẻ mặt phờ phạc, ánh mắt rưng rưng, rười rượi của người bán mà nao lòng. Công lao một năm vun trồng, chăm bón, bắt sâu, tỉa cành. Vốn liếng đổ tất cả vào đó… Rồi mười ngày ăn gió nằm sương giữa tiết trời đông lạnh lẽo. Người ta thì rộn ràng sắm sửa, vui Tết, trong khi “riêng mình nào biết có xuân là gì”. Niềm vui của người mua là nỗi buồn của người bán. Hạnh phúc, đôi lúc như một chiếc chăn hẹp. Kéo đầu này, lại hở đầu kia…
Thời gian trước còn khó khăn, tôi cũng mua hoa như thế. Nhưng dạo sau này thì không. Cho dù không nhiều tiền cũng nên mua hoa như giá trị vốn có của nó. Nỡ nào mua hoa theo lối bắt chẹt, chẳng khác gì bóc lột sức lao động của người bán hoa. Làm sao thanh thản để thưởng thức vẻ đẹp của hoa khi lòng áy náy không yên. Bởi vì, yêu cái đẹp phải gắn với cái thiện.
Ô kìa! Lạ chưa! Trên vỉa hè, bên kia đường, xuất hiện một người bán mai muộn. Tôi len vào đám đông. Cành mai tươi rói, đẹp rỡ ràng, thu hút sự chú ý khiến mọi người trầm trồ. Đó là loại mai vườn, không phải mai núi. Thân to bằng bắp chân, ngọn vút cao, bốn phía, tiền, hậu, tả, hữu cân đối. Lộc non phơ phất trên cành. Hoa dày, múp míp he hé mấy nụ đầu tiên. Một cội mai trung niên tràn trề sinh lực. Chao ôi! Để có một cây mai thế kia phải mất bao nhiêu thời gian và công sức. Nó không phải là một cành. Nó là một cây mai đang độ sung sức nhất bị phạt ngang. Đáng tiếc và thật đau lòng cho người trồng nó. Người bán mai không có cái vẻ nhanh nhẩu, chào mời như thường thấy. Ông ta đã ngoài 50. Mặt buồn buồn, tư lự. Tự nhiên tôi nghĩ đến bài thơ “Mại mai giả ca”1 (Bài ca người bán mai) đăng trên một tờ báo.
… Mai dữ ngã vi bằng Ân tình thậm tương ái… … Cam thảo mộc chi tình Vong cơ hàn khổ ải…Chỉ có người trồng cây, chăm cây, yêu cây mới thấu được tình người với đất đai, cây cỏ. Nhưng hoàn cảnh khốn khó đến nỗi “Phạt mai nhập thị mại” (Chặt mai vào chợ bán) quả thực đau lòng.
Giao thừa sắp đến. Ai nấy vội vã về nhà. Người bán mai vẫn đứng đó. Đôi tay gầy khư khư giữ lấy gốc mai đẹp rỡ ràng giữa đoàn người xuôi ngược đêm ba mươi. Mong sao ông ta gặp được một người yêu hoa hào phóng để sự hy sinh của cây mai không vô ích… Nhưng nhỡ không gặp!!… Đã muộn quá!!…
… Nhất xuân dĩ đáo hỉ / Vô mễ diệc vô mai.
Không gạo, không tiền khi Xuân về, Tết đến đã là quá khổ. Nhưng cả không mai nữa thì đau lòng biết mấy!!!
Mưa bụi bay bay giữa lưng chừng trời…■
————————————————————–
Ghi chú của BBT:
1. Tác giả nhắc tới bài thơ Mại mai giả ca của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba viết bằng Hán văn, được đăng trên trang thơ của Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 100 (trang 49), ra ngày 1-3-2010.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 144&145|