Đức Đạt Lai Lạt ma - Ảnh: VOA News
Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết khi được 90 tuổi, ngài sẽ quyết định chuyện kế vị theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng hay không.“Khi tôi chừng 90 tuổi, tôi sẽ tham khảo với các Lạt Ma khác theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, dân chúng Tây Tạng và những giới quan tâm khác theo Phật Giáo Tây Tạng, và duyệt xét lại để xem rằng cơ chế Đạt Lai Lạt Ma có nên còn tồn tại hay không,” ngài nói.
“Và trên căn bản đó chúng ta sẽ quyết định,” nhà lãnh đạo tinh thần năm nay 76 tuổi, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, cho hay.
“Ngoài việc tìm kiếm người tái sinh, qua những phương thức được công nhận từ trước đến nay, sẽ không sự công nhận nào khác cho bất cứ ai vì mục tiêu chính trị từ bất cứ nơi nào, kể cả những người trong chính quyền Trung Quốc,” Đạt Lai Lạt Ma nói thêm.
Theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, các nhà sư sẽ đi kiếm một đứa bé trai có các dấu hiệu là hậu thân của Đạt Lai Lạt Ma qua đời.
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng cho hay ngài quyết định đưa ra “rõ ràng các hướng dẫn để nhận ra Đạt Lai Lạt Ma đời sau” trong khi ngài vẫn còn “mạnh khỏe về thể chất và tinh thần” để “không có sự nghi ngờ hoặc giả trá”.
“Người sẽ tái sinh có toàn quyền quyết định về cách thức và những dấu hiệu nào để nhận ra sự tái sinh này,” ngài nói.
Cơ chế Đạt Lai Lạt Ma đã có từ năm 1642 đến nay, theo văn phòng Đạt Lai Lạt Ma.
Cựu thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong, ông Samdong Rinpoche, cho hay lời tuyên bố của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích mọi thắc mắc về tiến trình tái sinh.
Nhiều người tiên đoán là Trung Quốc sẽ tự ý phong nhậm người kế vị, tạo ra tình trạng có hai Đạt Lai Lạt Ma, một được Bắc Kinh công nhận và một được phía lưu vong chọn hay với sự chấp thuận của Đạt Lai Lạt Ma hiện hữu.
Điều này từng xảy ra năm 1995 khi Trung Quốc bác bỏ chọn lựa của Đạt Lai Lạt Ma về Ban Thiền Lạt Ma tái sinh, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Phật Giáo Tây Tạng, và chọn một người khác. Đứa trẻ được Đạt Lai Lạt Ma chọn, có tên Gedhun Choekyi Nyima, sau đó đã bị chính quyền Bắc Kinh đưa đi mất tích cùng với gia đình.
Ban Thiền Lạt Ma Bắc Kinh, Gyaincain Norbu, năm nay 21 tuổi, được đưa
vào Hội Đồng Cố Vấn Nhà Nước Trung Quốc, thường xuyên hoan nghênh sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng và mới đây tuyên bố với giới truyền thông rằng người dân Tây Tạng được hưởng hoàn toàn tự do tôn giáo. (V.Giang / Người Việt)