Hội chợ hè với nhà thơ tăng sĩ

11/08/201710:18 SA(Xem: 10937)
Hội chợ hè với nhà thơ tăng sĩ

HỘI CHỢ HÈ VỚI NHÀ THƠ TĂNG SĨ

Nguyên Giác

Thay Thich Nhuan Tam
Thầy Thích Nhuận Tâm đang viết thư pháp

Một nhà thơ, một nhà thư pháp, một người thiết lập riêng một trường phái chơi đá cảnh, một người hoạt động từ thiện giúp người nghèo nơi vùng hẻo lánh, một nhà giáo dục mở trường dạy ngoại ngữ miễn phí… và là một nhà sư.

Hoạt động nào cũng gian nan, cực nhọc và thơ mộng. Tuy nhiên, nhà sư Thích Nhuận Tâm đã đóng tất cả những vai trò đó một cách xuất sắc.

Bạn muốn nhìn thấy nét vẽ của nhà thư pháp trụ trì Chùa Lá Gò Vấp? Trong ba ngày cuối tuần lễ này (từ Thứ Sáu 11/8/2017 tới Chủ Nhật 13/8/2017), Thầy Thích Nhuận Tâm sẽ trải giấy mực tại gian hàng 22 trong Hội Chợ Hè 2017 do Giám Sát Viên Andrew Đỗ tổ chức ở Mile Square Park, thành phố Fountain Valley.

Thực ra, thư pháp là một phương tiện, một cơ duyên Thầy khám phá ra trong khi điều hành ngôi trường ngoại ngữ miễn phí ở Chùa Lá Gò Vấp, Sài Gòn. Gắn bó với Thầy từ những ngày mới lớn, và đi suốt dòng đời của Thầy vẫn là những dòng thơ Thích Nhuận Tâm. Thơ là ngôn ngữ tự nhiên, như dường bộc phát nơi Thầy. Làm thơ nhanh, và làm thơ hay là chuyện khó và dị nhiên cũng là một niềm hạnh phúc lớn. Trong một lần ghé thăm Califonria hồi tháng 6/2017, Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng  Thầy là học trò của nhà thơ Bùi Giáng.

Một đoạn 4 dòng trong bài thơ nhan đề “Tri Ân”  của Thầy Thích Nhuận Tâm là:

Sáng nay Ta đã đi rồi

Ta đi mang cả buồn vui theo cùng

Cúi hồn cảm tạ muôn trùng

Phút giây tương ngộ cảm rung rung hồn…

Bài thơ đó được làm rất nhanh, để cảm ơn một nhóm bạn trẻ chuyên làm từ thiện trong một số hội bất vụ lợi tại Nam California – khi họ suy tính về việc giúp cho ngôi trường ngoại ngữ miễn phí ở Chùa Lá Gò Vấp đứng vững.

Còn những vẻ đẹp ngoài thơ nữa… Thí dụ, vẻ đẹp của đá.  Một nhan sắc của đá. Thử hỏi: có khi nào bạn đã nhìn thấy những vẻ đẹp say đắm của đá? Những viên đá nơi góc núi, nơi ven suối… Thầy Thích Nhuận Tâm nổi tiếng trong lĩnh vực rất ít người bước vào để khám phá này.

Trên trang Cây Cảnh Thăng Long,  bản tin nhan đề “Đại đức Thích Nhuận Tâm và vẻ đẹp của đá” viết:

“...Không chỉ là người dốc tâm dốc sức vào trong các chương trình từ thiện xã hội, Đại đức còn hướng lòng mình vào những vật tưởng chừng vô tri. Thầy dành những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong những chuyến đi từ thiện tại các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa để lên núi, vào rừng tìm những hòn đá thiên nhiên nằm ở nơi khuất lấp, vắng vẻ, như trên triền một ngọn núi cheo leo, hay dưới lòng suối trong cánh rừng u tịch…

 Những tảng đá này mới nhìn qua, người bình thường chỉ nhận thấy là những viên đá xù xì, thô kệch. Nhưng là người mang tâm Phật pháp, Thầy nhìn ra những nét độc đáo được thiên nhiên khắc gọt trên từng viên đá. Chính nhờ vậy, mà trong suốt 8 năm qua Thầy đã tự tay mình tìm và tạo ra một bộ sưu tập đá cảnh thiên nhiên gồm hơn 200 tác phẩm với đủ loại kích cỡ khác nhau như: Thích Ca thành đạo, Trái tim Bồ Tát, Đạt Ma Sư Tổ, Suối nguồn…”(ngưng trích)

Thầy Thích Nhuận Tâm cũng là một người khởi động phong trào làm thơ và đọc thơ. Kỳ lạ, đó là những việc mà Hội Nhà Văn VN không làm nổi…

Thầy và một nhóm bạn thi sĩ tổ chức lễ hội "Thơ ơi, cùng chảy nhé" tại Thiền Viện Vạn Hạnh trong tháng 2—2009 vào dịp rằm tháng giêng Tết Kỷ Sửu.

Bản tin "Thơ ơi, cùng chảy nhé" trên trang nhà của NXB Kim Đồng viết:

“…Có mặt trong buổi sáng khai mạc, trong khuôn viên Thiền viện, tôi thấy có khá nhiều đồng nghiệp là những nhà văn, nhà báo quen biết. Các nhà báo đến để tác nghiệp. Các nhà văn, nhà thơ tìm đến dĩ nhiên cũng không phải để tập... thiền, mà là để xem "nàng thơ" tung tăng cùng lá hoa, tre trúc, cùng gốm, sơn mài, tranh thủy mặc, lá bàng khô, đá kiểng, thư pháp...trong một không gian vừa thiên nhiên, vừa được sắp đặt một cách tinh tế. Họ đến để đọc thơ, nghe thơ, để bày tỏ sự tôn vinh vẻ đẹp bất tử của "nàng thơ" giữa ngổn ngang thế sựmuôn vàn nỗi âu lo tương cà mắm muối đời thường... Họ đến chủ yếu còn để râm ran những câu chuyện đầu xuân cùng bạn bè trong không khí lễ hội, khi mai vẫn nở tưng bừng trong màu nắng mật ong sóng sánh và chú Trâu Kỷ Sửu vừa mới đủng đỉnh "chào sân".

Nét độc đáo của cuộc triển lãm này trước hết là ở khởi nguồn của nó. Đây là cuộc triển lãm hoàn toàn tự nguyện và miễn phí. Bá tánh, ai yêu thi ca, xin cứ tự nhiên ghé lại "sân chơi". Người "đứng mũi chịu sào" trong cuộc triển lãmĐại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá, một người yêu thơ, say thơ rất mực. Cùng chung tay góp sức với ông là một nhóm các họa sĩ Lê Triều Điển, Lê Kiệt, nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa... Khoảng hơn chục người cả thảy.”(ngưng trích)

Cũng nên ghi lại rằng, một tuyển tập nhiều nhà thơ phát hành trong lễ hội đó, trong đó, bài “Trăng Thơ” của Thầy Thích Nhuận Tâm có đoạn khởi đầu là:

Từ hồng hoang đến bao giờ

Trăng cùng ta sáng đôi bờ ngược xuôi

Dù cuối đất hay cùng trời

Nơi đâu trăng cũng rạng ngời tâm không…

Khi tường thuật, bản tin trên VnExpress gọi một cách thơ mộng là “đưa thi ca về với công chúng”…  

Điểm nổi bậtgian nan nhất của Thầy Thích Nhuận Tâm là dạy ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên học sinh nghèo.

Khi ghé thăm Quận Cam tháng 6/2017, Thầy kể rằng bản thân Thầy từng là sinh viên Miền Trung vào Sài Gòn du học, từng nằm bụi, nằm bờ, nhịn đói... nên khi có miếng đất trống ở Gò Vấp, được bạn cho vay tiền dựng chùa liền dựng thành ngôi chùa -- lúc đó là hoang vu, chung quanh là giang hồ, tội phạm -- để mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên cần học.

Bản tin "Thầy Nhuận Tâm Thăm Cali, Kể Về Chùa Lá Dạy Ngoại Ngữ" trên Thư Viện Hoa Sen ngày 13/6/2017 ghi lời Thầy kể rằng lúc đầu thầy khởi tâm dạy tiếng Anh miễn phí, vì muốn đất nước phát triển, giới trẻ cần học tiếng Anh. Từ vài chục sinh viên ghi danh đầu tiên, sau 3 tháng, sinh viên ghi danh nhiều hơn. Vậy là, trong năm đầu tiên, có 500 em sinh viên học khóa 3 tháng. Năm thứ nhì có 2,000 em học. Và bây giờ, Chùa Lá đã có các lớp dạy nhiều ngoại ngữ -- Anh, Pháp, Nhật, Đức, Hàn… -- và trung bình mỗi năm có 30,000 em sinh viên ghi danh theo học.

Các khóa học chia ra 3 tháng, xoay vần theo thời khóa biểu từ sáng cho đến tới. Thầy Nhuận Tâm nói, không thiếu giáo viên, vì thầy cô tình nguyện dạy rất nhiều. Giáo viên ngoại quốc tình nguyện không lãnh lương, nhưng trong khóa 3 tháng, Chùa Lá phải nuôi 15 giáo viên ngoại kiều chi phí ăn 3 bữa và tiền nhà. Còn giáo viên người Việt, Chùa Lá trả lương tượng trưng từ 1 triệu tới 1.5 triệu/người/tháng. Nghĩa là, Thầy phải tìm bảo trợ, và phải vẽ thư pháp để gây quỹ duy trì các lớp ngoại ngữ.

Thầy Thích Nhuận Tâm nói, Thầy tuyệt nhiên không thuyết giảng  gì về Phật giáo, và Thầy cũng dặn dò các giáo viên là không nói gì về giáo lý nhà Phật. Lý do, dạy miễn phí để giúp các em thuần tuý là bất vụ lợi. Tuy nhiên, Thầy Thích Nhuận Tâm nói rằng Thầy dạy sinh viên đaọ lý dân tộc: kính trên, nhường dưới, lễ phép với thầy cô, và Thầy tổ chức những buổi từ thiện  hàng tháng ở vùng sâu, vùng xa để sinh viên thấy cảnh nghèo đất nước mới siêng học, và mới ý thức về vai trò trí thức trẻ phải chuyển đổi đất nước.

Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng có một em sinh viên phát nguyện là khi lãnh khoản lương đầu tiên là sẽ đem tới cúng cho Chùa Lá. Vậy rồi, em sinh viên đó, sau khi cầm khoản lương đầu, chạy xe liền về chùa, nửa chừng xe  hết xăng, đậu giữa đường... cô không dám lấy tiền đó ra mua xăng, mới điện thoại gọi bạn tới để mượn tiền đổ xăng, rồi tới chùa cúng khoản tiền lương đầu tiên.

Báo Tuổi Trẻ trong ấn bản ngày 19/1/2011 có bản tin nhan đề “Nhà sư của sinh viên nghèo” ghi nhận về những ngày gần Tết ở Chùa Lá, trích:

“Những ngày giáp tết, ngôi chùa Lá bé nhỏ nằm trong một con hẻm sâu ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) xếp đầy những bức tranh thư pháp. Nhà sư Thích Nhuận Tâm tất bật, đêm miệt mài viết thư pháp, ngày đi kêu gọi các nhà hảo tâm mua tranh.

Bên bút mực, nhiều sinh viên quây quần cạnh nhà sư để phụ viết những câu đối xuân. Tất cả số tiền bán tranh gom góp được sẽ biến thành tấm vé xe về quê ăn tết cho những sinh viên nghèo....

Từ lâu, ngôi chùa Lá đã trở thành điểm đến của nhiều sinh viên nghèo. Đến đây, dù quê quán ở đâu, thuộc tôn giáo nào, mọi sinh viên đều được chào đón bằng nụ cười từ tâm của nhà sư. Thương các em sinh viên nghèo không đủ chi tiêu ăn mặc, nói gì đến việc học ngoại ngữ, thế là lớp học ngoại ngữ miễn phí đã ra đời hơn một năm nay.

“Có hơn 300 sinh viên học sinh đến học, chia thành chín lớp học đủ các thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa. Thầy cô dạy các em rất tâm huyết và các em cũng học chăm chỉ” - thầy Tâm kể.

Những ngày đầu thành lập lớp khó khăn, nhà sư phải đi kêu gọi từng thầy cô giỏi đến chùa dạy học. Chính sự hết lòng của thầy Tâm đã thuyết phục hoàn toàn nhiều người...

“Khi lớp tiếng Anh học thì lớp tiếng Nhật nấu cơm hay ngược lại, vừa được học miễn phí lại được ăn cơm trò chuyện với mọi người, vui lắm” - Duy Phúc (sinh viên Trường ĐH Bách khoa) vừa làm cơm vừa kể…”(ngưng trích)

Nếu bạn đang cư ngụ ở Nam California, xin mời bạn tới dự Hội Chợ Hè 2017 trong 3 ngày Thứ Sáu 11/8 lúc 12pm đến 10pm, thứ Bảy 12/8 lúc 10am đến 10pm và Chủ Nhật 13/8 lúc 10am đến 9pm, tại Mile Square Park, 16801 Euclid St, Fountain Valley CA 92708.

Thầy Thích Nhuận Tâm cho biết rằng nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa giúp Thầy có gian hàng số 22 trong Hội Chợ Hè. Nơi đây, bạn có thể nói chuyện thi ca với Thầy, hay nhìn thấy các bản thư pháp và đá cảnh. Bạn cũng có thể bàn với Thầy về giáo dục ngoại ngữ cho sinh viên học sinh tại Sài Gòn.

Để kết, xin dẫn mấy câu trong bài "Chào Nguyên Xuân" của Bùi Giáng để mời bạn vào vườn thơ:

Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân...

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.