CUỘC HỌP CUỐI NĂM 2018 CỦA TRUNG TÂM PHIÊN DỊCH PHẬT HỌC ANH VIỆT –
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
Thích Đồng Trí
Trong thời đại giao lưu văn hóa toàn cầu, sự tương tác giữa các quốc gia, giữa Phật Giáo các nước khác nhau xảy ra thường xuyên hàng ngày. Hơn nữa bao nhiêu tinh hoa trên thế giới và kho tàng Tam Tạng Kinh Điển Phật pháp cũng đã được dịch và lưu trữ trong tạng Anh ngữ, bởi vì tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn lớn lao về việc hình thành Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh Việt (TTPDPHAV) để phiên dịch các nguồn tài liệu Phật Học phong phú : sách, báo chí, đặc san,… từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ, hỗ trợ cho Ban Phật Giáo Quốc Tế trong việc giao lưu, tiếp xúc giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) với các tổ chức, đoàn thể trên thế giới cũng như góp phần thực hiện những chức năng quan trọng của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (VNCPHVN) như : cung cấp tài liệu cho việc nghiên cứu, tài liệu tham khảo, bổ sung cho Giáo Trình giảng dạy cho các Trường Phật Học các cấp khác nhau trên toàn quốc, tổ chức Hội Thảo quốc gia và quốc tế, định hướng cho sự phát triển qua các giai đoạn khác nhau của GHPGVN,…. ngày 15.10.2018, tại trụ sở Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (VNCPHVN), Q.Phú Nhuận, TPHCM đã diễn ra lễ ra mắt nhân sự Phân Viện, Trung tâm và các Ban trực thuộc Viện nhằm củng cố cơ cấu tổ chức để hoàn thành tốt các hoạt động Phật sự của Viện trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022), trong đó có sự ra mắt của TTPDPHAV, gồm 45 thành viên.
Đến nay, Trung Tâm đã hoạt động được 2 tháng, để đánh giá tổng kết sinh hoạt của Trung Tâm trong năm 2018 và định hướng hoạt động trong năm 2019 sắp đến, vào lúc 10 giờ sáng ngày 14/12 /2018 tại cơ sở Chùa Giác Ngộ, Quận 10, TP.HCM đã diễn ra cuộc họp cuối năm 2018 của Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh Việt.
Quang lâm chứng minh và tham dự có sự hiện diện của TT Thích Nhật Từ, Phó Viện Trưởng VNCPHVN, đặc trách ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Phó Viện trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam TPHCM (HVPGVN), Phó Ban Phật Giáo Quốc Tế, người luôn đồng hành và hỗ trợ cho Trung Tâm trong suốt quá trình hình thành và hoạt động, Tỳ Kheo Thích Đồng Trí, Giám Đốc Trung Tâm, các vì Phó Giám Đốc cùng với Ban Điều Hành Trung Tâm và hơn 40 thành viên của Trung Tâm và Ban Dịch Thuật tài liệu cho Hội Thảo và Đại Lễ Vesak Quốc Tế sẽ diễn ra tại Hà Nam Việt Nam vào tháng 05/2019.
Ni Sư Tiến Sỹ Trí Liên Phó Giám Đốc TTPDPHAV thay mặt cho Ban Điều Hành Trung Tâm tổng kết hoạt động của các thành viên trung tâm trong năm 2018. Ni Sư đã nhấn mạnh về những thành tựu của Trung Tâm qua các mặt : Tất cả các thành viên đã chọn những sách liên quan trực tiếp đến các bộ môn đang giảng dạy tại các chương trình Giáo Dục Phật Giáo tại các Trường Phật Học của GHPGVN trong cả nước và những tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu Phật Giáo và định hướng sự phát triển cho Phật Giáo Việt Nam, hiện tại các thành viên đều đã có được những nguyên bản tiếng Anh để thực hiện công việc dịch thuật sang tiếng Việt hang ngày, các thành viên của TTPDPHAV đã tích cực tham gia và góp phần trong việc viết tham luận và dịch thuật các Tóm Tắt Tham Luận, các tin tức, sự kiện và tài liệu liên quan đến việc kết thành kỷ yếu Hội Thảo Khoa Học và Đại Lễ Vesak Quốc Tế 2019 do GHPGVN tổ chức tại Hà Nam, lớp Anh Văn Phật Pháp và luyện dịch đã mở và đang hoạt động tại Chùa Giác Ngộ vào các buổi sáng thứ 2, thứ 3 và thứ 5 trong tuần…
Tỳ Kheo Thích Đồng Trí, Giám Đốc TTPDPHAV, phát biểu về Phương Hướng Hoạt Động của Trung Tâm trong năm 2019. Trước hết, Thầy nhắc nhở các thành viên cần ý thức sâu sắc về ý nghĩa tầm quan trọng và ảnh hưởng lâu dài của văn hóa giáo dục, tác động, ảnh hưởng đến quần chúng, chuyển biến trong xã hội đến hàng trăm năm, hàng ngàn năm và lâu hơn nữa. Dịch Thuật Phật Học Anh Việt sẽ cung cấp nhiều tài liệu quý giá cho văn hóa giáo, giáo dục hoằng Pháp Định hướng cho sự phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần ưu tiên cho việc dịch thuật lên hàng đầu chứ không để những công việc khác trong cuộc sống chiếm hết hết thời gian, tâm tư và năng lượng chúng ta không còn chỗ cho việc dịch thuật. Mỗi thành viên cần nên kiên nhẫn làm việc dịch thuật đều đặn hàng ngày, hàng tuần và báo cáo tiến triển công việc vào trước ngày 15 mỗi thánG, tạo điều kiện Ban Điều Hành Trung Tâm có thể nắm bắt được tiến độ công việc và có những hướng dẫn chỉ đạo kịp thời để cho các vật phẩm sớm hình thành bảo đảm về số lượng và chất lượng. Chỉ tiêu cho Trung Tâm chúng ta là : đến mùa hè 2019 sẽ có ít nhất 15 dịch phẩm hoàn thành và đến cuộc họp cuối năm, vào tháng 12/2019, sẽ có ít nhất là 45 dịch phẩm hoàn thành. Nước Việt Nam chúng ta bằng cấp thì có nhiều rồi nhưng phát minh, sáng chế, công trình khoa học thì còn ít. Có biết bao nhiêu việc quan trọng chúng ta phải làm chứ không thể chờ đợi ai khác lâu hơn nữa : như là biên soạn lịch sử Phật giáo Việt Nam, dịch ra Anh Ngữ những tiểu sử về danh Tăng Việt Nam, những cống hiến của Phật giáo đối với văn hóa đất nước và con người Việt Nam bởi vì hiện tại nếu tìm kiếm xem trong Google hoặc trong các websites Phật giáo, các học giả nước ngoài rất khó tìm kiếm được những tài liệu về Phật giáo Việt Nam bằng tiếng Anh đó là một khoảng trống rất lớn trong khi Phật Giáo tồn tại và đồng hành hơn 2.000 năm cùng dân tộc Việt Nam. Chúng ta cũng chuẩn bị có tài liệu để bước thêm một bước nữa : tương lai sẽ có có cấp học cử nhân Phật Học, Thạc Sỹ và Tiến Sỹ Phạt Học bằng Anh ngữ tại các Học Viện Phật giáo Việt Nam sinh để viên du học quốc tế đến Việt Nam tham học và nghiên cứu. Chúng ta cần có nhiều tác phẩm hơn nữa bằng tiếng Anh, cần có nhiều học giả Việt Nam tham dự các hội thảo diễn đàn quốc tế và xuất hiện nhiều hơn nữa các bài viết của tác giả Việt Nam các đặc san, tạp chí nghiên cứu thế giới.
Chúng ta đã dịch xong 52 Tóm Tắt Tham Luận và những tài liệu, tin tức liên quan cho Hội Thảo Quốc Tế Tại Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2019 tổ chức tại Hà Nam, Việt Nam. Chúng ta cần phát huy và làm tốt hơn nữa trong việc dịch thuật các tóm tắt tham luận sắp được nhận, các bài tham luận đầy đủ, những lời chúc mừng, những bài phát biểu và những tin tức liên quan đến Đại Lễ Vesak Quốc Tế 2019.
Chúng ta hãy sớm hình thành các Ban Chuyên Môn để đọc các bản thảo dịch thuật và hiệu đính để giúp dịch giả hoàn thành dịch phẩm một cách chất lượng mỹ mãn nhất, được nhiều độc giả ưa thích.
Trung tâm chúng ta, song song với việc dịch thuật cần đẩy mạnh công tác đào tạo huấn luyện để tu nghiệp bồi dưỡng các thành viên, tạo một phong trào học tiếng Anh rộng khắp, trau dồi khả năng dịch thuật tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh Phật Pháp, để chúng ta ngày càng có nhiều thành viên hơn nữa phối hợp cùng hoàn thành nhiều dịch phẩm tầm vóc và giá trị lớn lao. Hiện tại các vị Giáo Sư Tiến Sĩ trong Trung Tâm chúng ta đã tổ chức được lớp đào tạo huấn luyện Anh Văn tại chùa Giác Ngộ vào 3 buổi sáng : thứ 2, thứ 3, thứ 5 trong tuần, bây giờ tầm vóc lớp học còn nhỏ nhưng mọi cái lớn đều bắt đầu từ cái nhỏ và có sức lan tỏa, thu hút lớn hơn sau này, đặc biệt là đối với giới trẻ, trí thức, sinh viên, học sinh và khiến Anh Ngữ trở thành ngôn ngữ phổ thông tại Việt Nam để Việt Nam chúng ta có ưu thế trong du học, hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế,…
Tiếp theo đó, TT Thích Nhật Từ, Phó Viện Trưởng Phó Viện Trưởng VNCPHVN - TPHCM, đặc trách ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Phó Viện trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam TPHCM (HVPGVN) Phó Ban Phật Giáo Quốc Tế Trung Ương Giáo Hội PGVN đã phát biểu nhắc lại về nhu cầu và quá trình hình thành nên TTPDPHAV. Thượng Tọa nhắc đến tấm gương làm việc dịch thuật hàng ngày của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Thích Minh Châu, Thích Minh Cảnh, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải và vị Trưởng Lão Hòa Thượng tại thế Thích Trí Quang, Hòa Thượng Thích Như Điển, ông Nguyễn Minh Tiến,…Làm việc đều đặn với tinh thần dâng hiến và say mê như vậy mới hoàn thành nhiều dịch phẩm. Việc đào tạo rất là quan trọng như các Trung Tâm Nghiên Cứu Phật học Hán truyền Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Phật Học Huệ Quang đã và đang làm cho nên Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh-Việt cần Tổ chức đào tạo bài bản hơn nữa.
Việc dịch thuật và giới thiệu lịch sử Phật giáo Việt Nam đến với các học giả, nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới, Thượng Tọa giới thiệu 3 cuốn sách nên chọn dịch : 1/ Lược Sử Phật giáo Việt Nam - Hòa Thượng Thích Minh Tuệ vốn là giáo án của trường Trung cấp Phật học thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM, 2/ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Thiền sư Nhất Hạnh và 3/ Lịch Sử Phật giáo Việt Nam của Giáo Sư Lê Mạnh Thát.
Về các tác phẩm học thuật, Thượng Tọa giới thiệu các cuốn từ điển như Từ Điển Phật Học Pali – Anh (The Pali Text Society's. Pali-English. Dictionary. EDITED BY. T. W. RHYS DAVIDS) và Từ Điển Bách Khoa Phật Học của Tích Lan, 8 tập, những tài liệu đó rất chuẩn và giá trị cần phải sớm có dịch phẩm tại Việt Nam.
Thượng Tọa tán thán Trung Tâm sớm dịch xong 52 bài Tóm Tắt Tham Luận và khuyến khích Trung Tâm tiếp tục dịch các bài tóm Tắt Tham Luận khác và các bài Tham Luận đầy đủ cũng như nhiều tài liệu khác, đặc biệt là tham gia điều hợp, làm MC tại các phiên thảo luận hội thảo quốc tế đại lễ hoạt Đảng Liên Hợp Quốc năm 2019 tại Hà Nam Việt Nam.
Sau đó cuộc họp mở ra cho phần thảo luận và đóng góp ý kiến của các thành viên. Các giáo sư Tiến sĩ Trương Quang Vinh, Trần Quang Minh đã trình bày về quyển sách Bách Khoa về Phật giáo (Encyclopedia of Buddhism, Robert E Buswell Editor in Chief) đang dịch được 2.000 trang và tiếp tục dịch để hoàn thành cũng như góp phần giảng dạy trong lớp đào tạo Anh văn và phiên dịch tại Chùa Giác Ngộ và dịch các tài liệu văn kiện Vesak 2019,… Là cư sĩ vốn bận rộn với nhiều công việc giảng dạy, sinh hoạt bên ngoài nhưng các thành viên trí thức cư sỹ vẫn tận dụng mọi thời gian, cố gắng hết sức mình đóng góp cho Phật Giáo và văn hóa Việt Nam thông qua việc dịch thuật những tác phẩm giá trị.
Đại đức Thạc Sỹ Thích Huệ Đạo thay mặt cho nhóm dịch thuật của Thầy Huệ Đạo, Cô Tiến Sỹ Lê Thị Kiều Vân và Thạc Sỹ Lê Tân Khanh, phụ trách dịch tác phẩm Phật Giáo và Khoa Học báo cáo công việc đang tiến triển. Các thành viên này rất bận rộn với các đề án nghiên cứu và giảng dạy nhưng sẽ cố gắng hoàn thành dịch phẩm trong năm mới 2019.
Sư cô Tiến Sĩ Huệ Hòa phát biểu, chia sẻ về công việc dịch thuật : dù bản thân Sư Cô rất bận rộn với việc giảng dạy Học Viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, biên soạn giáo án cho việc giảng dạy Anh Văn Phật Học tại các trường Trung Cấp, Cao Đẳng và Đại Học Phật giáo,… vẫn cố gắng hoàn thành dịch phẩm vào cuối năm năm 2019, Sư Cô phát tâm giảng dạy mỗi tuần một ngày cho cho việc đào tạo huấn luyện Anh Văn và dịch thuật của Trung Tâm và phát tâm dịch 1/2 tập trong 8 tập Bách Khoa Phật Học Toàn Thư do các học giả Tích Lan biên soạn.
Đại đức Thích Minh Hạnh, người thường xuyên làm việc dịch thuật hàng ngày và đã có nhiều dịch phẩm ấn hành, chia sẻ kinh nghiệm khi làm công việc này : cần phải kiên trì tinh tấn thường xuyên, như bản thân Đại Đức thức dậy từ 1 sáng để ngồi thiền và sau đó dịch thuật, Đại Đức đã học hỏi rất nhiều khi dịch và nghiên cứu từng câu, từng chữ, hãy tâm niệm đó là việc cho mình, cho việc tu tập công trình khoa học đóng góp của mình, chứ không phải việc của Trung Tâm hay ai khác, cũng như là tìm thấy và thưởng thức niềm hạnh phúc trong công việc của mình có như vậy thì mới dễ hình thành nên Dịch Phẩm.
Sư cô tiến sĩ Hiếu Huệ Hiếu chia sẻ việc chọn lựa 2 tác phẩm Về đạo đức học phật giáo và Văn Phạm Pali để dịch thuật. Sư Cô nêu lên khái quát những chương phần trong cuốn sách và những phần đã dịch được. Sư Cô nêu lên mối băn khoăn khi dịch thuật đến thuật ngữ “Hinayana” quan điểm của tác giả không thực sự phù hợp với cách nghĩ của nhiều độc giả Việt Nam, liên quan Tiểu thừa Đại thừa và xin ý kiến đóng góp.
Thầy Đống Trí cảm ơn các thành viên đã phát biểu, chia sẻ những kinh nghiệm và cảm nhận của mình trong công việc dịch thuật tài liệu Anh-Việt, Việt-Anh. Trả lời câu hỏi của sư Cô Diệu Hiếu, Thày lưu ý đối với hai khái niệm “Hinayana” và Theravada, khái niệm Theravada và Nam Truyền thông dụng hơn, “Hina” có nghĩa là nhỏ nhoi, thấp hèn. Trong thời đại ngày nay cũng nên bỏ khái niệm “Hina” đi. Chúng ta không thể phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa căn cứ vào màu áo, tông phái mà phải căn cứ vào tâm nguyện cao thấp khác nhau của mỗi người. Nói chung khi dịch thuật, chúng ta cần tôn trọng nguyên bản, ý kiến của tác giả nếu chúng ta có bất đồng quan điểm thì hãy cước chú (footnotes) và nêu lên quan điểm của mình những dẫn chứng thích hợp để độc giả tham khảo so sánh và lựa chọn lập trường quan điểm đúng đắn nhất.
Đại đức Thích Chúc Tín, Phó Giám Đốc Trung Tâm, nêu những nhận xét đúc kết qua cuộc họp, nhắc lại về những thành tựu của Trung tâm trong năm qua 2018 chưa nhiều bởi vì trung tâm mới được xác nhận thành lập qua 2 tháng nhưng với những tâm tư chia sẻ rõ ràng cụ thể của TT. Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng VNCPHVN, những sách tấn của TT. Thích Đồng Trí Giám Đốc Trung Tâm, những cam kết quyết tâm, tâm nguyện của các học giả nhà nghiên cứu thành viên của Trung tâm, năm mới 2019 Trung Tâm sẽ có nhiều thành tựu rực rỡ xứng đáng với kỳ vọng của chư tôn Đức và từng bước trưởng thành hơn để đóng góp cho sinh hoạt của Viện nghiên cứu vào Việt Nam (VNCPHVN) và Phật Giáo Việt Nam
Cuộc họp kết thúc trong niềm hoan hỷ với phần hồi hướng mà chụp hình lưu niệm. Sau đó các thành viên trong cuộc họp cùng nhau dự tiệc chay tại Chùa Giác Ngộ để bên nhau và tiếp tục chia sẻ công việc sinh hoạt và dịch thuật của mình trong niềm hiểu biết cảm thông và yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, thống nhất ý chí và hành động bước sang năm mới 2019, trung tâm sẽ có nhiều thành tựu viên mãn hơn.
Buổi chiều ngày 14/12/2018, phái đoàn của Trung Tâm đến viếng thăm VNCPHVN, đánh lễ Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, chư vị Tổ Sư và đi nhiễu xung quanh Tháp của Ngài. Trước Tôn Tượng Giác Linh Hòa thượng Minh Châu, vị học giả, nhà nghiên cứu tiền bối nổi tiếng, du học 13 năm (1952-1964) ở Tích Lan và Ấn Độ sau đó trở về quê hương đảm nhận vai trò Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh và là người sáng lập VNCPHVN, người dành hết tâm huyết, thời gian phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển Pali - Việt và hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Tất cả các thành viên đều dành sự tôn kính và bày tỏ tâm nguyện noi gương theo gương sáng của Ngài, tiếp tục công việc dịch thuật để hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam, cung cấp thêm nhiều tài liệu giá trị cho Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam các cấp, cho việc hoằng dương Chánh Pháp khắp nơi nơi và góp phần cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Như Thầy Đồng Trí chia sẻ với Phái đoàn tại Tháp của Ngài Thích Minh Châu : Ngài không còn đây nữa với chúng ta bằng xương bằng thịt nhưng tinh thần đó, từ dung ấy, những lời dạy quý báu đó của Ngài vẫn còn sống mãi trong trái tim, tâm khảm chúng ta. Hãy làm tốt nhất công việc dịch thuật của mình, đó chính là kế thừa chí nguyện của Ngài, là cách tốt nhất để bày tỏ long tri ân và báo đáp Ân Ngài trong muôn một.
Điểm đến cuối cùng của Phái Đoàn Trung Tâm trong ngày là Chùa Xá Lợi nơi đây Đoàn đã có duyên diện kiến Vị Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam Hương và lắng nghe lời tâm tình chia sẻ của Thượng Tọa với Phái đoàn : về các sinh hoạt của trung tâm, lớp Giáo Lý Phật Pháp, Ngoại ngữ và cũng như các cuộc Hội Thảo Khoa Học do Thượng Tọa đảm trách. Phái Đoàn cũng được Thượng Tọa giới thiệu về các cuộc hội thảo về hai vị Cư Sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam thời cận đại đó là : hội thảo về Cư Sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám tại Huế và về Cư Sỹ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tại Chùa Xá Lợi TPHCM vào tháng 04/2019. Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh Việt ra đời sau Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam cho nên phái đoàn học hỏi và được truyền cảm ứng rất nhiều từ chính nơi bản thân Thượng Tọa Thích Đồng Bổn về tha thiết trau dồi học hỏi nhiều năm ở Pháp và Hoa Kỳ, về việc dấn thân, tận tụy, say sưa trong công việc nghiên cứu, khám phá, biến soạn sách, tài liệu, tham dự và tổ chức nhiều Hội Thảo Khoa Học và có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý tôn giáo,…
Đến 6 giờ chiều, kết thúc ngày làm việc, các thành viên rời Chùa Giác Ngộ, trở về trủ xứ của mình. Tuy xa nhau, nhưng chúng ta vẫn mãi bên nhau trong sự đồng cảm, trong thống nhất tâm chí, hỗ thương cho nhau trong công việc nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác để cho năm 2019 là năm thăng hoa và thành tựu của Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh Việt. Các thành viên đang từng bước tạo nên một nền tảng vững chắc, hình thành nên nhiều dịch phẩm giá trị làm tài liệu tham khảo cho giáo dục và hoằng Pháp Phật Giáo, thêm nhiều hương sắc cho Văn Hóa Việt Nam cũng như giới thiệu Phật giáo, sinh hoạt của người dân Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế trong tâm niệm:
Ta gặp nhau trong niềm vui trọn vẹn
Ta sẻ chia trong công việc lâu dài
Bao tâm sức, xin ngày đêm dâng hiến
Để hoằng dương Chánh Pháp đức Như Lai.
Chùa Giác Ngộ, ngày 14/12/2018
Thích Đồng Trí