Bàng Hoàng Khi Nghe Chuyện Xá Lợi Giả

28/02/20234:29 SA(Xem: 5403)
Bàng Hoàng Khi Nghe Chuyện Xá Lợi Giả

BÀNG HOÀNG KHI NGHE CHUYỆN XÁ LỢI GIẢ
Thích Trung Hữu

xa loiGần đây, tôi nghe một số người thuật lại rằng khi Tăng Ni hay Phật tử qua đời khi mang đi hỏa táng,  tại một số lò thiêu nhân viên có hỏi là muốn thiêu có xá-lợi hay không, và muốn bao nhiêu, xá-lợi kiểu nào họ đều có hết.

Dù chưa biết thực hư việc này thế nào nhưng khi nghe như vậy, tôi rất đỗi bàng hoàng. Một nỗi buồn không diễn tả được xâm chiếm tâm hồn, cảm thấy người tu mình sao mà bị coi thườngxúc phạm quá. Bởi như vậy có khác gì họ nói rằng người tu giả dối, sính hư danh?

Chuyện xá-lợi phổ biến tràn lan tôi đã nghe lâu rồi. Và tôi cũng cho rằng trong đó phần lớn không phải là xá-lợi thật. Nhưng chuyện một số người làm ở lò thiêu cung ứng luôn dịch vụ xá-lợi thì sự suy thoái đã đi quá xa. Trước hết là suy thoái về đạo đức của những người sản xuất và cung cấp xá-lợi ở lò thiêu. Vì đồng tiền mà họ có thể làm giả ngay cả những điều thuộc lĩnh vực thiêng liêng tưởng chừng như bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên không thể trách họ được, vì họ là dân làm ăn mà, cái nào có tiền, có lợi, có lời thì họ làm thôi. Nếu có trách là trách chính những người mong cầu có xá-lợi mà bất chấp tất cả. Có cầu thì mới có cung. Nếu ta không có nhu cầu về xá-lợi thì họ cung cấp cho ai? Chính vì chúng ta muốn có xá-lợi để chứng tỏ mình hay thầy của mình là bậc chân tu, tu chứng nên người ta mới có dịch vụ cung cấp xá-lợi để đánh vào cái tâm lý tham cầu không chân thật đó.

Xá-lợi của Đức Phật và một số Thánh tăng A-la-hán lưu lại sau khi trà tỳ là có thật. Tuy nhiên không phải vị Thánh tăng nào cũng lưu xá-lợi. Nếu vị Thánh tăng nào cũng có xá-lợi thì lẽ ra Ấn Độ phải sở hữu rất nhiều xá-lợi, vì thời Đức Phật, những người chứng quả A-la-hán rất nhiều, tối thiểu là 1.250 vị Thánh tăng thân cận Đức Phật. Nhưng chúng ta thấy rằng ở Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Delhi hiện nay chỉ có vài viên xá-lợi được cho là của Đức Phật. Họ giữ gìn những viên xá-lợi ấy như là quốc bảo, không để lọt ra ngoài. Thế nhưng bên ngoài Ấn Độ thì ta thấy xá-lợi xuất hiện tràn lan. Thánh tăng A-la-hán ở đâu mà nhiều vậy?

Trước giờ cũng có một số giải thích về xá-lợi, nhưng thật sự mà nói thì không ai có thể biết một cách rõ ràng xá-lợi là gì cũng như nó được hình thành như thế nào? Người ta nói một cách chung chung rằng xá-lợi là kết tinh của giới định tuệ, là phần tro cốt còn lại sau khi hỏa táng hay nói một cách trừu tượng rằng những người chân tu hoặc những người tu chứng quả thì có xá-lợi. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu người cũng tu hành được như vậy nhưng vẫn không có xá-lợi.

Trong Phật phápvô lượng pháp môn tu, và cách thức thực hành thì cũng vô cùng đa dạng. Vậy phương pháp nào hay cách thực hành nào sẽ cho ra xá-lợi? Do giới chăng? Do định chăng? Do tuệ chăng? Do sám hối, do tu từ tâm, do hành thiện, do khổ hạnh, hay do cái gì khác nữa? Rõ ràng không ai có thể biết được điều này. Vậy căn cứ vào xá-lợi để quyết định người đó tu hành như thế nào thì có chính xác không?

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quan trọng vấn đề xá-lợi và coi xá-lợi như là biểu hiện thành quả của sự tu hành. Điều quan trọng không phải là có xá-lợi hay không mà là chúng ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho xã hội, giúp ích gì cho người khác. Người ta có thể lừa gạt được người khác một hai sự kiện nhưng không thể lừa gạt cả đời. Mình là người như thế nào mọi người xung quanh đều biết cả. Nếu những kẻ cả đời làm ác như Hitler hay Pol Pot mà có xá-lợi thì chắc cũng không ai tin rằng họ là bậc thánh. Cho nên thay vì mong cầu để lại xá-lợi nhục thân, tốt hơn ta nên để lại xá-lợi pháp thân, tức là những giá trị về mặt tinh thần, cho cuộc đời vậy.

Bài kệ trong kinh Kim cang, “Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai”, phải chăng là một lời nhắc nhở về hiện tượng xá-lợi giả tràn lan hiện nay.

Thích Trung Hữu

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/01/2024(Xem: 3533)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.