Giáo Sư Phạm Công Thiện Qua Đời, Thọ 71 Tuổi

16/03/201112:00 SA(Xem: 29919)
Giáo Sư Phạm Công Thiện Qua Đời, Thọ 71 Tuổi

Giáo Sư Phạm Công Thiện qua đời, thọ 71 tuổi


phamcongthien2HOUSTON, Texas (NV) -Nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Houston, Texas, thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch ngày 9 tháng 3, 2011 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.

Theo lời một thành viên gia đình nói với một thân hữu, ông Phạm Công Thiện dường như biết trước thời điểm “sẽ đi,” và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, ông dặn gia đình “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hỏa thiêu.”Chiều cùng ngày, vẫn theo lời gia đình, ông thấy “mệt dần, bắt đầu nhập định, và ra đi nhẹ nhàng.”Ông tên thật là Phạm Công Thiện, thời trẻ còn có bút hiệu Hoàng Thu Uyên cho các tác phẩm dịch, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo.

Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Đầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy vợ và sau đó làm giáo sư Triết học Tây phương của viện Đại Học Toulouse. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến ngày ông qua đời.

Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệTriết Học (1965), rồi đến Yên Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.

Tại hải ngoại ông đã xuất bản khoảng mười tác phẩm, hầu hết trong thập niên 1990, như Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất (1988), Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo (1998), v.v...Ông cũng đóng góp nhiều cho báo chí, chẳng hạn viết cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhật báo Người Việt.

Có thể nói, tác phẩm cuối cùng của ông là bài viết cho Giai Phẩm Xuân Người Việt 2011.Thượng Tọa Thích Viên Lý, viện chủ Chùa Điều Ngự, California, người từng nhiều năm cư ngụ cùng Phạm Công Thiện tại chùa Diệu Pháp, nói rằng cư sĩ Phạm Công Thiện đã “đóng góp rất lớn về mặt văn hóa đối với Việt Nam,” và luôn “mong Phật Giáo Việt Nam được xiển dương một cách đúng mức.”Từ khi còn rất trẻ cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam về các phương diện ngôn ngữ, thơ, văn và đặc biệt về tư tưởng triết học.

Đối với Phật Giáo ông cũng là người có công lớn với các công trình nghiên cứu Phật học, và đặc biệt, đã góp nhiều công sức xây dựng viện Đại Học Phật Giáo Việt Nam đầu tiên Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1966, trong đó có tập san Tư Tưởngcơ quan phát huy tư tưởng Phật Giáo quan trọng nhất của Việt Nam trong thời cận đại.

Phạm Công Thiện: ‘Đã đi mất hẳn đi rồi’

 Viên Linh Sinh hoạt văn hóa miền Nam, thu nhỏ vào lãnh vực Văn HọcTriết Học, và giới hạn từ 1963 trở đi, đã tưng bừng phát triển, như hải triều, như thác đổ, phá vỡ những oi nồng của một thời kỳ ung độc, đưa thế hệ hai mươi thuở đó và những thế hệ hai mươi khác của đất nước trở về với suối nguồn tư tưởng Đông Phương, là công lao chung của một nhóm thanh niên trí thức đã xuất gia: Nhóm Vạn Hạnh.

Chưa bao giờ sinh viên học sinh miền Nam, vốn khắc khoải trước các vận động mở cửa nhìn ra thế giới, ù tai và nhức óc với những kinh điển siêu hình phương Tây, lại thấy được chân trời lồng lộng sáng lòa, hiển thế, thân ái, ai ngờ lại ở ngay ngưỡng cửa của ngôi nhà dân tộc mình.

Hãy trở về Phương Đông, hãy vực dậy Hồn Việt.Hồi ấy, mạnh mẽ lên đường từ 65-66, Nhóm Trẻ Tuổi năm bảy người ấy xông xáo trong các tờ tạp chí văn hóa, nơi những nhà xuất bản tôn giáo, dưới mái các giảng đường cao đẳng, vui sống là làm việc, học và hành, tung ra bốn phương những hoa thơm cỏ lạ, những tác phẩm chan chứa tình yêu thương, yêu thương con người nhân loại, tràn đầy hy vọngtin tưởng. Họ không phải một người. Họ là một toán, một đoàn, một đội.

Thời ấy miền Nam đâu đâu cũng nói chuyện võ hiệp, như xa xưa nơi phương Bắc thời các tay tứ chiếng giang hồ tìm về Lương Sơn Bạc mưu chuyện đổi thay; họ tìm về Cao Đẳng Phật HọcVạn Hạnh dựng nền đắp móng. Không kể các bậc thầy đã xa như Đức Nhuận, Thanh Kiểm, Thanh Từ,... hay kế tiếp như Minh Châu, Nguyễn Đăng Thục, Tôn Thất Thiện, Trần Ngọc Ninh, Vũ Văn Mẫu,... Nhóm Trẻ là “Tây Độc” Phạm Công Thiện, “Đông Tà” Tuệ Sỹ, Chơn Hạnh “Trung Thần Thông,” Chơn Pháp “Bắc Cái,” Nghi Lâm sư muội Trí Hải, và “Chu Bá Thông” Bùi Giáng, võ công tuyệt đỉnh nhưng không chịu hẳn một môn phái nào.

Hôm qua, 8 tháng 3, 2011, Phạm Công Thiện đã ra đi.Nói đến Phạm Công Thiện là nói đến tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệTriết học,” cuốn sách các sinh viên thường có trong tay, xuất bản năm 1965. Cũng phải nói đến cuốn luận văn quan trọng của Thiện, phê bình sách của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung về Phật Giáo, và những cuốn khác như:“Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ sư Thiền tông” 1964, “Im lặng hố thẳm, Phương pháp suy tư về Việt và Tính, con đường của Triết lý Việt Nam” 1967, “Hố thẳm của tư tưởng, Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay” 1967; không kể truyện ngắn, hay những cuốn sách viết về Rilke, 1969, Miller, 1969,...

 

Tôi sẽ đi và sẽ đi mãi mãi … nhưng tôi vẫn tiếc thương trần gian điên dại này, vì nơi đây Tôi sống đủ ưu sầu!

Với những cuốn sách ấy, Thích Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã đóng góp công lao lớn trong sự xây dựng Phật Giáo Việt Nam.Để đưa tiễn nhà thơ triết gia, không gì bằng nhắc đến một câu thơ của Goethe mà tác giả “Hố Thẳm” hay nhắc: “Trên Tất Cả Các Đỉnh Cao, Là Bình Yên.” Mới năm kia, Phạm Công Thiện đã sửa lại hai chữ sau cùng, dùng để đặt nhan đề cho tập thơ cuối cùng của ông, do Hương Tích xuất bản: Trên Tất Cả Các Đỉnh Cao Là Lặng Im.”

Đã đi rồi đã đi chưa Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời. Đã đi mất hẳn đi rồi Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều. Chuyển hình trên đỉnh cô liêu. Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn. Đại huyền biến ngưỡng triêu tôn. Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao. Án nga nga nẵng bạch hào. Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.(Phạm Công Thiện, Đi, tr. 22, Trên tất cả...)

 


Vài nét về triết gia Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện (sinh 1 tháng 6, 1941) là một nhà thơ, nhà văn, triết gia, dịch giả, giáo sư và cư sĩ Phật Giáo người Việt Nam với pháp danh Nguyên Tánh. Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ.

 

Tôi sẽ đi và sẽ đi mãi mãi … nhưng tôi vẫn tiếc thương trần gian điên dại này, vì nơi đây Tôi sống đủ ưu sầu

Ông đến với văn chương từ rất sớm. Từ năm 13 tới 16 tuổi, ông là cộng tác viên của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1960, ông khởi sự viết cuốn "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" khi chưa được 19 tuổi. Thời kỳ này ông viết nhiều sách về Phật Giáo, dù ông theo đạo cơ đốc.

Năm 18 tuổi, giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Về sau ông còn là giáo sư của nhiều trường đại học khác nữa dù chưa bao giờ đi thi tú tài, cũng chưa học một trường đại học nào.

Năm 23 tuổi, ông cho ra đời cuốn sách Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền Tông, mà sau đó đã trở nên nổi tiếng. Đến năm 26 tuổi, ông đã có hàng chục cuốn sách triết học, tiểu luận và thơ. Ông cũng khởi xướng và tham gia tranh luận nhiều về đề tài Phật giáo trên các báo Sài Gòn.

Đầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc "khủng hoảng tinh thần". Tại đây ông quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966 - 1968, ông là Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông lấy vợ người Pháp và làm Giáo sư triết học Tây phương của viện đại học Toulouse.

Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư Phật Giáo viện College of Buddhist Studies.

Từ đó tới nay, ông ở Mỹ và tiếp tục viết sách - phần lớn là nghiên cứu về đạo Phật.

* Tác phẩm đã xuất bản

- Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964)
- Ý thức mới trong văn nghệtriết học (1965)
- Ngày sinh của rắn (1967)
- Trời tháng Tư (1966)
- Im lặng hố thẳm (1967)
- Hố thẳm của tư tưởng (1967)
- Mặt Trời không bao giờ có thực (1967)
- Bay đi những cơn Mưa Phùn (1970)
- Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)
- Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật Giáo (1994)
- Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng
- Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995)
- Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát
- Sáng rực khắp bốn phương Trời (1998)
- Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật Giáo (1998)
- Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng
- Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử
- Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?
- Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche.

* Dịch phẩm đã xuất bản

- Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
- Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
- Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
- Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
- Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)

 

Đốt Hương Kính Tiễn Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

Ấn tượng khó quên mà lần đầu tiên tôi gặp Thầy Phạm Công Thiện là Thầy đã khuyên tôi nên tinh tấn tu tập, thực hành lời Phật dạyniệm Phật.

Lần đó là vào giữa năm 1991, nửa năm sau khi tôi từ New York dời về Cali để sống, thành phố Monterey Park, Los Angeles. Trong đầu tôi, trước khi gặp Thầy, mường tượng ra một Phạm Công Thiện hiên ngang và nói thao thao bất tuyệt về triết học Tây Phương, về Trung Quán, về Bát Nhã, v.v... Nhưng không, tất cả những suy nghĩ viển vôngmộng tưởng đó đều bị sụp đổ tan tành khi tôi ngồi đối diện với Thầy Phạm Công Thiện trong một căn phòng nhỏ ở Chùa Diệu Pháp. Thầy Phạm Công Thiện, với dáng điệu từ tốn, khiêm cung, trầm lặng, chỉ nói những điều hết sức bình thường, chỉ khuyên những điều hết sức phổ thông mà người Phật tử nào cũng thường nghe quý Thầy khuyên bảo như thế.

Tuy nhiên, đối với tôi thì điều này lại là một sự kiện không bình thường, một ấn tượng sâu sắc khiến tôi khó quên. Duyên do là vì sự phản nghịch giữa hiện thực trước mắtý tưởng trong đầu mà từ lâu tôi đã cưu mang. Trong đầu óc tôi, Thầy Phạm Công Thiện là một triết gia, tư tưởng gia, đã từng một thời khuấy động không khí văn họctriết học tại Miền Nam trước năm 1975. Tôi đã từng đọc những cuốn như "Ý Thức Mới Trong Văn NghệTriết Học," "Hố Thẳm Tư Tưởng," "Im Lặng Hố Thẳm," "Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng," "Ngày Sinh Của Rắn," v.v… của Thầy từ hồi mới 15, 16 tuổi. Bây giờ trước mặt tôi là một Thầy Phạm Công Thiện đơn sơ, bình dị và trầm mặc chỉ khuyên tôi thường niệm Phật. Đối với tôi, lúc đó, là một chuyện lạ. Có vẻ như Thầy đã dùng cách đó để khai thị cho tôi điều gì. Phải chăng Thầy muốn nói rằng tất cả những triết thuyếtlý luận cuối cùng rồi cũng chỉ là hý luận, mà điều thực tiễn, lợi lạc nhất chính là điều phục tâm mình để thoát ra khỏi những vướng mắc của danh ngôn!

Những năm tháng sau đó, càng gần gũi với Thầy tôi càng hiểu rằng Phật Pháp mới chính là chất liệu sống chính yếu nhất của Thầy. Có lần, khi Thầy còn ở tại Chùa Diệu Pháp, tôi vào phòng thăm Thầy, tôi thấy Thầy nằm trên giường có vẻ mệt mỏi. Tôi hỏi Thầy có sao không. Thầy bảo Thầy mệt từ đêm hôm qua tới giờ. Rồi Thầy lại trấn an tôi rằng không sao đâu, đừng lo cho Thầy, Thầy đã và đang dùng thiền địnhthần chú để tự điều trị. Thầy thường xuyên trì chú. Nhiều lần Thầy đã dạy cho tôi mấy câu chú của Mật Tông. Thầy còn khuyên tôi hãy dạy cho đứa con gái của tôi câu chú "Án Ma Ni Bát Mê Hồng," để làm món quà quý giá nhất cho cả cuộc đời nó. Bây giờ cháu lớn lên, đi học xa, tôi mới thấy lời dạy của Thầy thật đúng.

Thầy Phạm Công Thiện là người có lòng với Phật Pháp nói chung và với những anh em lớp trẻ như chúng tôi nói riêng. Trong nhóm Chân Nguyên hồi đó, Thầy thường xuyên khuyến khích quý Thầy như Thầy Viên Lý, Minh Dung, Thông Niệm, Đồng Trí, và mấy anh em cư sĩ như Vân Nguyên, Vĩnh Hảo, Như Hùng, và tôi sáng tác, dịch thuật về Phật Pháp để góp phần vào việc truyền bá Chánh Pháp. Thầy chính là người mua sách tặng và khuyến khích tôi dịch cuốn "Đức Đạo Kinh," và "Những Mộng Đàm Về Phật Giáo Thiền Tông." Thầy còn mua tặng cho tôi cuốn "The Buddhist I Ching," bản dịch từ tác phẩm Kinh Dịch Phật Giáo của Tổ Ngẫu Ích Trí Húc, và khuyên tôi dịch, nhưng mãi đến hôm nay tôi cũng chưa dịch xong. Cuối năm 2009, khi đến Việt Báo thăm, Thầy còn nhắc tôi dịch cho xong cuốn sách đó.

Thời gian tôi còn ở trên Monterey Park trước năm 2000, và Thầy ở Chùa Diệu Pháp, Thầy thường đi bộ sang nhà tôi. Hai thầy trò xách ghế ra trước hiên nhà, ngồi uống trà, hút thuốc và trò chuyện. Thầy biết tôi nghèo rớt mồng tơi, nên mỗi khi rủ tôi đi ăn Thầy đều bảo tôi đừng lo, Thầy bao cho. Lần nọ, Thầy kêu tôi lái xe đưa Thầy lên tiệm sách Bodhi Tree ở Los Angeles để Thầy mua sách. Trên đường đi, Thầy kể tôi nghe rất nhiều chuyện vui và dạy rất nhiều điều về Phật Pháp. Cao hứng, Thầy nói rằng nếu trên đời này mà không có đàn bà thì Thầy thành Phật ngay tức khắc. Trong thâm tâm, tôi tin lời Thầy nói đó là thật. Bởi vì với một người có trí tuệ sâu thẳm như Thầy thì chuyện kiến đạo là điều có thể thực hiện dễ dàng, chỉ còn lại phần tu đạo, mà cái chướng duyên lớn nhất là ái dục. Tôi nhớ đâu đó, đức Phật đã nói đại ý rằng cũng may trên đời này chỉ có một thứ là ái dục, chứ nếu có 2 cái giống như thế thì Ngài cũng khó thành Phật. Lần đó, Thầy nói với tôi rằng nhờ Phật Pháp cứu mà Thầy còn sống tới hôm nay, nếu không thì Thầy đã tự tử chết từ lâu vì những khủng hoảng trong cuộc sống.

Mỗi lần nhắc đến vị Bổn Sư của Thầy là Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thầy đều bày tỏ sự kính ngưỡng sâu xa về Ngài. Thầy nhắc lại rằng mỗi khi có dịp về đảnh lễ Hòa Thượng Bổn Sư thì Thầy chỉ thấy nụ cười hiền từ trên khuôn mặt phúc hậu của Ngài, mà không hề nghe một lời khiển trách nào, dù Ngài biết Thầy "lêu lỏng bên ngoài.”

Có sống gần mới cảm nhận được sự thông thái phi thường của Thầy. Ngoài kiến thức uyên bác về triết lý và văn chương Tây Phương, mà đôi khi Thầy cho là không thể sánh kịp đối với Phật Pháp, Thầy không những là người có trí tuệ quán thông về Phật học mà còn là một hành giả chuyên cầntâm đắc. Thầy thông thạo tiếng Phạn, Tây Tạng cho nên, Thầy giảng nghĩa thật tinh tường nhiều thuật ngữ Phật học khó tìm được nơi tài liệu nào khác. Đặc biệt, Thầy rất tâm đắc giáo nghĩa Bát NhãTrung Quán. Chính Thầy là người khuyến khích nhà văn Vân Nguyên dịch lược mấy phẩm trong Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ, và cuốn Bách Luận của Ngài Đề Bà, rất tiếc chưa kịp xuất bản thì anh Vân Nguyên đã đi theo Phật hồi năm 2004.

Sáng Thứ Tư, ngày 09 tháng 3 năm 2011, 7 giờ rưỡi, điện thoại nhà reo. Trên đầu giây bên kia, giọng của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu:

- Tâm Huy ơi, nghe gì chưa, Thầy Phạm Công Thiện mất rồi!

- Sao linh quá vậy! Tôi thảng thốt kêu lên.

Hòa Thượng Nguyên Siêu không hiểu nên hỏi lại:

- Cái gì mà linh quá vậy?

- Thì mới tối hôm qua, tôi nằm mộng gặp Thầy Thiện cùng nhau dạo chơi và trò chuyện ở một cảnh chùa nào đó, mơ hồ không nhớ rõ. Thức giấc giữa đêm, lòng bồi hồi, cảm thấy như có điều gì bất thường đối với Thầy Thiện. Thì ra là Thầy đã ra đi…

Tôi nghĩ rằng Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, ngoài những vị cao tăng thị hiện, còn có được cái may mắn hiếm hoi là cùng một lúc có 3 vị Bồ Tát xuất hiện, đó là Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện, Thầy Nguyên Chứng Thích Tuệ Sĩ, và Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Cả 3 vị đều có trí tuệthân chứng Phật Pháp rất cao siêu, cũng như đã đóng góp lớn lao cho công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục, và hoằng pháp trong nhiều thập niên qua, đặc biệtxây dựng một Viện Đại Học Vạn Hạnh với hùng phong cao ngất như một thứ thành trì kiên cố bảo vệ nền văn hiến Việt giữa bối cảnh của đất nước đang ngửa nghiêng vì chiến tranh loạn lạcphá sản toàn diện.

Nói như nhà văn Phan Tấn Hải trong bài viết "Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Công Thiện," đăng trên Việt Báo online gần đây, rằng: "Nếu Tây Tạng có các hoá thân Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Rinpoche, vân vân... thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các hoá thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện..."

Bây giờ, Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã ra đi, còn lại 2 vị Tuệ Sỹ và Trí Siêu ở trong nước mà tuổi đời đã sắp bước qua cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy."

Mong rằng Thầy Phạm Công Thiện sẽ hóa sinh trở lại thế giới này và trong lòng Phật Giáo Việt Nam để tiếp tục con đường hoằng Pháp mà Thầy đã một đời hy hiến.

Trưa Chủ Nhật, 13 tháng 3 là ngày hỏa thiêu nhục thân Thầy Phạm Công Thiện tại Houston, Texas, con xin đốt nén tâm hương xông khắp mười phương pháp giới, cúi đầu kính tiễn biệt Thầy nhập Pháp Thân tịnh lạc.

 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

(Việt Báo)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.