KINH TIỂU BỘ TẬP VIII
Khuddhaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (V) Jàtaka
Chương XV
Phẩm Hai Mươi Bài Kệ
497- Chuyện bậc Hiền trí Màtanga (Tiền thân Màtanga)
Lão từ đâu đến, đắp y dơ.....
Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về vua Udena.
Vào thời ấy, Tôn giả Pindola Bhàradvàja phi hành từ Kỳ Viên qua không gian, thường đến tránh cơn nóng ban ngày trong vườn ngự uyển của vua Udena nước Kosambi. Chuyện kể rằng Tôn giả này trong một đời trước đã làm vua, và thọ hưởng một thời gian dài cảnh vinh quang phú quý trong chính vườn ngự uyển kia cùng đám hầu cận. Nay nhờ công đức thiện nghiệp ông đã tạo được, nên ông thường đến tọa Thiền tại đây, tránh cơn nóng ban ngày và hưởng được cực lạc do chứng đắc Thánh quả.
Một hôm ông vào chỗ đó ngồi dưới một cây Sala đang trổ hoa sung mãn, thì vua Udena đi vào vườn với một đoàn tùy tùng đông đảo. Suốt bảy ngày trước vua uống rượu say nên muốn vào ngự viên giải trí. Vua nằm trên vương sàng trong cánh tay của một nàng cung nữ và được dỗ dành cho chóng ngủ thiếp đi. Sau đó đám nữ nhạc ngồi ca hát quanh vua đặt nhạc khí xuống, vừa đi quanh quẩn trong vườn ngự uyển vừa nhặt hoa trái. Dần dần họ thấy vị Trưởng lão ấy nên bước lên, đảnh lễ vị ấy và ngồi xuống. Vị Trưởng lão ngồi tại chỗ đó thuyết pháp cho họ nghe. Nàng cung nữ kia đổi cánh tay để thức vua dậy, vua hỏi:
- Bầy tiện tỳ kia đi đâu cả rồi?
Nàng đáp:
- Chúng đang ngồi vòng quanh một nhà tu khổ hạnh.
Vua nổi cơn thịnh nộ, đi đến gặp vị Trưởng lão và mạ lỵ phỉ báng:
- Đi ngay, ta muốn kẻ kia phải bị bầy kiến xé xác ra!
Thế là trong cơn thịnh nộ, vua truyền đem một thúng kiến đỏ đến rải tung trên thân thể vị Trưởng lão. Song vị này đã bay lên không gian, và thuyết giáo cho vua xong, trở về Kỳ Viên hạ xuống trước cổng Hương phòng. Đức Như Lai hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Tôn giả ấy kể lại sự việc trên. Ngài bảo:
- Này Bhàradvàja, đây không phải là lần đầu tiên vua Udena nổi sân hận và lăng mạ một kẻ tu hành, mà trước kia cũng đã như thế.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta lên ngôi tại Ba La Nại; bậc Đại sĩ sinh làm con trai của một người Chiên đà la (Candàla: hạ đẳng tiện dân) ở ngoại thành, họ đặt tên ngài là chú voi Màtanga. Sau đó ngài thông đạt trí tuệ, danh tiếng lan truyền khắp nơi là bậc Hiền trí Màtanga.
Lúc bấy giờ có một nàng tên Dittha- Mangalikà (Người thấy các Điềm lành), con gái của một vị thương nhân thành Ba La Nại, cứ một hoặc hai tháng một lần, thường vào ngự viên vui đùa cùng đám bạn đồng hành đông đảo.
Một ngày kia, bậc Đại sĩ đi vào thành, liền gặp Dittha-Mangalikà, ngài bước sang một bên và đứng im phăng phắc. Từ sau búc màn, Dittha trông thấy ngài và hỏi:
- Ai đó?
- Thưa cô nương, một kẻ Chiên đà la.
- Hừ, nàng đáp,- ta đã thấy nhằm một vật mang điềm xui xẻo.
Rồi nàng rửa mắt bằng nước hoa và quay đi. Đám người đi với nàng la lớn:
- Này tên bần cùng hèn hạ kia, mày đã làm chúng ta mất phần cơm rượu miễn phí hôm nay.
Trong cơn giận dữ, họ lấy tay chân đấm đá bậc Hiền trí Màtanga, khiến cho ngài bất tỉnh rồi bỏ đi. Sau một lát ngài hồi tỉnh và nghĩ thầm: "Đám người đi theo Dittha-Mangalika đã vô cớ đánh đập ta, một kẻ vô tội. Ta quyết sẽ không nhúc nhích cho đến khi ta chiếm được nàng, chẳng chịu đi trước một chút nào cả".
Với quyềt định này, ngài bước đi đến trước cửa nhà cha nàng. Khi đám gia nhân hỏi tại sao ngài nằm đó, ngài đáp:
- Ta chỉ muốn được nàng Dittha-Mangalikà mà thôi.
Một ngày trôi qua, rồi hai, ba, tư, năm, sáu, quyết định của chư Phật thường thường không sao lay chuyển được; vì thế vào ngày thứ bẩy họ phải đem cô gái ra trao cho ngài. Sau đó nàng bảo:
- Nào đứng lên chàng ơi, ta cùng đi về nhà chàng đi!
Song ngài đáp:
- Cô nương ôi, ta vừa bị bọn người nhà nàng đánh đập nên thân, nay ta yếu lắm, nàng hãy cõng ta trên lưng và mang đi.
Nàng làm theo lời ấy ngay trước mặt mọi người dân trong thành và nàng cứ tiến dần từ thành đô đi đến vùng tiện dân Chiên đà la cư trú.
Ở đó trong vài ngày, bậc Đại Sĩ giữ nàng lại mà không chút nào xâm phạm các luật lệ của giai cấp. Rồi ngài suy nghĩ: "Chỉ bằng cách từ bỏ thế tục, chứ không còn cách nào khác, ta mới có thể cho cô nương này thấy cảnh vinh hiển tột bậc và cho nàng hưởng những lễ vật cao sang nhất". Vì thế ngài bảo nàng:
- Này nương tử, nếu ta không vào rừng kiếm ăn thì chúng ta không thể sống được. Vậy ta muốn vào rừng, nàng hãy đợi cho đến khi ta về; song đừng có lo âu gì cả.
Ngài ra lệnh cho gia nhân không được sao nhãng đối với nàng, rồi đi vào rừng, sống cuộc đời người tu hành, rất nhiệt tâm tinh tấn; vì vậy trong bẩy ngày, ngài tu tập và thành tựu Tám thiền chứng và Năm thắng trí. Sau đó ngài suy nghĩ: "Nay ta đã có thể bảo vệ Dittha-Mangalikà được rồi".
Nhờ thần thông lực, ngài trở về và hạ xuống cổng làng Chiên đà la, từ đó đi vào nhà Dittha Mangalikà. Khi nghe tin ngài trở về, nàng bước ra và òa lên khóc bảo:
- Tại sao chàng bỏ thiếp và đi tu khổ hạnh?
Ngài đáp:
- Này nương tử, đừng lo gì cả. Nay ta có thể làm cho nàng vinh quang hơn trước kia nữa! Vậy nàng có chịu nói lên giữa mọi người đúng lời này: Phu quân ta không phải là Màtanga, mà là một đấng Đại Phạm thiên chăng?
- Thưa phu quân được, thiếp xin nói điều ấy.
- Tốt lành thay, khi dân chúng hỏi: Chồng nàng đâu? Nàng trả lời: Chàng đã đi lên Phạm Thiên giới. Nếu họ lại hỏi: Thế khi nào chàng về? Nàng phải đáp: Trong bảy ngày nữa, chàng sẽ về, xuyên qua mặt trăng tròn đầy của đêm rằm.
Cùng với những lời này, ngài đi vào vùng Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ, Dittha Mangalikà nói những điều nàng đã được căn dặn khắp nơi ở Ba la nại giữa quần chúng đông đảo. Dân chúng tin ngay lời ấy , bảo nhau:
- Ngài là đấng Đại Phạm thiên, nên đã không đến thăm viếng Dittha, nhưng mọi việc sẽ như vầy như vầy.
Vào đêm trăng rằm, trong lúc vầng trăng đang di chuyển nửa vời, Bồ Tát hóa thành một vị Phạm thiên ở giữa luồng ánh sáng tràn ngập vương quốc Kàsi và kinh thành Ba la nại đến mười hai dặm, băng ngang qua mặt trăng và giáng trần. Ngài đi vòng quanh kinh thành Ba la nại ba lần, được dân chúng đông đảo tỏ lòng sùng bái bằng các vòng hoa thơm và hương liệu khác rồi quay mặt về hướng ngôi làng Chiên đà la.
Những người ngưỡng mộ Phạm Thiên tụ tập cùng nhau đi về phía làng Chiên đà la ấy. Họ bao phủ căn nhà của Dittha Mangalikà bằng màu vải trắng tinh, lau sàn nhà bằng bốn loại hương thơm, rải hoa khắp nơi, đốt trầm hương, trương một tấm vải làm mái che, đặt một bảo tọa rực rỡ, thắp đèn dầu thơm, rắc lớp cát mịn như phiến bạc rồi treo đèn kết hoa và cờ xí rợp trời.
Trước gian nhà được trang hoàng lộng lẫy thế kia, bậc Đại Sĩ bước vào và ngồi một lát trên bảo tọa. Lúc ấy Dittha-Mangalìka đang có kinh kỳ. Ngài lấy ngón tay trỏ rờ vào rốn nàng và nàng thụ thai. Sau đó bậc Đại Sĩ bảo nàng:
- Này hiền thê, nàng đã thụ thai, nàng sẽ sinh ra một con trai, nàng và con trai nàng sẽ được phú quý tột bậc, nước rửa chân nàng sẽ được vua chúa dùng làm lễ quán đảnh (lễ rảy nước thánh phong vương) cõi Diêm Phù Đề (Ấn Độ), nước nàng tắm sẽ là thứ tiên dược trường sinh bất tử, người nào rảy nước đó lên đầu sẽ thoát khỏi mọi thứ bệnh tật và không gặp điềm xui xẻo, những kẻ nào được đặt đầu dưới chân nàng và kính lễ nàng, sẽ dâng lên một ngàn đồng tiền vàng. Những kẻ nào được đứng gần đủ để có thể nghe nàng nói và kính lễ nàng sẽ dâng lên một trăm đồng; kẻ nào được đứng để trông thấy nàng và kính lễ nàng sẽ dâng một đồng rupee. Vậy nàng hãy tỉnh giác giữ mình cẩn thận!
Cùng với lời khuyến giáo này, trước mặt một đám đông, ngài đứng dậy và lại đi vào mặt trăng.
Những người sùng bái Phạm thiên tụ tập nhau lại và đứng đó suốt đêm, sáng hôm sau họ mời nàng lên chiếc kiệu bằng vàng và đội lên đầu nàng , rước nàng vào kinh đô. Một đám đông dân chúng chạy đến phía nàng kêu lớn:
-Kìa! Hoàng hậu của đấng Phạm thiên!
Rồi cúng bái nàng với các hoa thơm và nhiều thứ nữa, những kẻ nào được phép đặt đầu dưới chân nàng và kính lễ đều dâng lên một túi tiền một ngàn đồng, người nào đứng gần nàng và kính lễ thì dâng một trăm, người nào đứng đủ nhìn thấy được nàng và kính lễ thì dâng một rupee. Cứ vậy họ tiến dần khắp thành Ba la nại, rộng mười hai dặm và thu được tổng số một trăm tám chục triệu đồng.
Sau khi đi xung quanh thành như vậy, họ rước nàng vào nội thành, dựng lên một ngôi đình lớn vây màn chung quanh, mời nàng yên nghỉ tại đó giữa cảnh huy hoàng vinh quang như thế. Tới ngôi đình, họ bắt đầu xây bảy cổng vào thật lớn và dựng một cung điện bảy tầng, họ đã tạo được nhiều công đức mới dành phần họ vậy.
Cũng trong ngôi đình ấy Dittha-Mangalikà sinh hạ con trai. Vào ngày đặt tên hài nhi, các Bà la môn tụ họp nhau và đặt tên nó là Mandavya Kumàra hay Vương tử của Ngôi Đình, vì nó được sinh ra tại đó. Độ mười tháng, lâu đài kia đã được xây xong, từ đó nàng vào ở trong lâu đài vô cùng vinh hiển và Vương tử Mandavya lớn lên giữa cảnh huy hoàng tột bực.
Khi hài nhi được bẩy tuổi, những bậc thầy danh tiếng nhất khắp toàn cõi Diêm phù đề (Ấn Độ) tụ tập lại và dạy cậu ba tập Vệ Đà. Từ mười sáu tuổi cậu trai đã cúng dường thực phẩm cho các Bà la môn, và mười sáu ngàn Ba la môn được cúng dường liên tục ; tại cổng thành thứ tư có dàn binh bố trận, các vật cúng dường được phân phát cho các vị Bà la môn.
Bấy giờ vào một ngày Đại hội, dân chúng chuẩn bị một số lớn cháo gạo, rồi mười sáu ngàn Bà la môn ngồi tại cổng thành thứ tư có dàn binh bố trận kia, và dùng món cháo ấy cùng với món bơ tươi màu vàng óng ánh, nước đường pha mật ong đặc, và chính vị vương tử trang điểm ngọc châu sáng rực rỡ mang đôi hài vàng dưới chân, cầm chiếc gậy vàng ròng trong tay, vừa đi quanh vừa chỉ dẫn:
- Này bơ đây, mật ong đây.
Vào lúc ấy bậc hiền trí Màtanga đang ngồi trong thảo am ở vùng Tuyết Sơn, và hướng tầm tứ vào việc xem xét những gì xảy ra cho con trai của nàng Dittha-Mangalikà. Khi nhận thấy cậu con trai đang đi lạc tà đạo, ngài suy nghĩ: "Hôm nay ta sẽ đi giáo hóa cho cậu bé kia và dạy cho nó biết cúng dường như thế nào để lễ vật bố thí ấy sẽ mang lại kết quả lớn".
Ngài liền bay qua không gian đến hồ Anotatta, rửa mặt mũi và súc miệng rồi khi đứng tại địa phận Manosila (thuộc vùng Tuyết Sơn) ngài khoác đôi tấm y vàng vào quấn thắt lưng quanh người, rồi đắp phấn tảo y (áo may bằng giẻ rách) ra ngoài, cầm bình bát đất, phi hành qua không gian đến cổng thứ tư ấy, nơi đó ngài hạ xuống ngay cạnh Bố thí đường, và đứng một bên. Đang lúc Mandavya nhìn quanh quẩn, chợt thấy ngài liền kêu to:
- Lão từ đâu đến, hỡi kẻ khổ hạnh kia, lão là kẻ hạ liệt bị bỏ rơi vô thừa nhận, một thứ yêu quỷ chứ không phải là người đó chăng?
Rồi cậu ngâm vần kệ đầu:
1- Lão từ đâu đến đắp y dơ,
Người ngợm tồi tàn tựa quỷ ma,
Giẻ rách làm y quàng trước ngực,
Lão là ai? Chẳng xứng phần quà!
Bậc Đại Sĩ lắng nghe, rồi với lòng từ mẫn, ngài đáp lời cậu qua vần kệ thứ hai:
2- Vương tử! Thức ăn đã sẵn bày,
Mọi người ăn uống hưởng no say:
Bọn ta, ngài biết thường sinh sống
Bằng thứ tìm ra bởi gặp may.
Xin đứng lên cho người hạ tiện
Hưởng phần thọ thực chút gì đây.
Tiếp theo Mandavya ngâm vần kệ thứ ba:
3- Phần các La môn hưởng phước ân,
Này đây thực phẩm chính tay dâng
Thí tài cúng với lòng thành kính.
Thôi cút! Ai đưa lão cán chân?
Chẳng có phần cho người hạ tiện,
Kẻ hèn kia hãy bước đi luôn!
Vì nghe thế bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ:
4- Mọi nơi cao thấp họ gieo trồng,
Mong gặt quả trên đám ruộng đồng:
Chánh đạo này
đây, xin bố thí,
Sau ngài xứng đáng hưởng phần công.
Sau đó Mandavya đáp kệ:
5- Ta biết đất ta muốn cấy trồng,
Những vùng xứng đáng hạt đâm bông,
La môn quý tộc, thông kinh thánh:
Là đất lành phong phú ruộng
đồng.
Rồi bậc Đại Sĩ lại ngâm hai vần kệ:
6- Ngạo mạn giống dòng quá tự kiêu,
Tham sân si, uống rượu say nhiều,
Người tâm chứa đủ sai lầm ấy,
Là đất hoang cằn để hạt gieo.
7- Ngạo mạn giống dòng quá tự kiêu,
Tham sân si, uống rượu say nhiều,
Người tâm chứa đủ sai lầm ấy,
Là đất hoang cằn để hạt gieo.
Bậc Đại Sĩ cứ ngâm đi ngâm lại những lời kệ ấy mãi, song cậu trai nổi giận và kêu lớn:
- Lão này nói quàng xiêng quá nhiều rồi; những người gác cổng đi dâu cả mà không tống cổ lão ra?
Rồi cậu ngâm kệ:
8- Này Bran-da! Hỡi U-paj-jhà!
Ta bảo, đâu rồi Up-ti-ya,
Trừng phạt lão này, cho lão chết,
Tên hèn hạ, tống cổ ngay ra.
Bọn gia nhân nghe tiếng cậu gọi, liền chạy đến ngay kính lễ cậu rồi hỏi:
- Tâu Chúa công, chúng tiểu nô phải làm gì đây?
- Thế các người không thấy tên hạ liệt tồi tàn này sao?
- Tâu Vương tử không, chúng tiểu nô không biết lão đã tới đây lúc nào cả, chắc chắn lão là tên lừa bịp xảo trá rồi !
- Nào, vậy sao các người còn đứng đó?
- Tâu Chúa công, vậy chúng tiểu nô phải làm gì đây?
- Sao ư? Phải vả vào mồm lão! Bẻ hàm lão ra, lấy roi gậy đánh cho nát lưng, trừng phạt lão đi, tóm lấy cả tên khốn kiếp này, quăng lão xuống, tống lão ra khỏi đây ngay!
Song trước khi bọn chúng đến gần ngài, bậc Đại Sĩ đã bay lên không, vừa đứng vững ở đó vừa ngâm kệ:
9- Phỉ báng Hiền nhân! Lợi ích bằng
Với khi nuốt ngọn lửa đang hồng,
Hay là sắt cứng, đưa răng cắn,
Đào núi, mà dùng móng vuốt không?
Sau khi thốt những lời này xong, bậc Đại Sĩ vụt lên cao trong khi cậu trai và đám Bà la môn ngơ ngác nhìn theo.
*
Bậc Đạo Sư ngâm kệ để giải thích việc này:
10- Nói vậy, Màtanga trí nhân,
Bậc phò chánh đạo, lý thuần chân,
Rồi ngài bay bổng trên không khí
Trước mắt nhìn theo của đám đông.
*
Ngài quay mặt về hướng Đông, hạ xuống một đường phố với ý định làm cho dấu chân ngài được nhìn thấy, nên ngài khất thực gần Đông môn. Lúc ấy, sau khi đã nhận được một số thực phẩm đủ loại, ngài ngồi xuống một sảnh đường và bắt đầu ăn.
Song các thần linh trong kinh thành chợt đến, thấy rằng vua này đã nói năng như vậy làm phiền nhiễu vị Hiền nhân của các vị, là điều không thể dung thứ được, nên vị thần cao niên nhất trong bọn chụp lấy cổ Mandavya và vặn tréo, các quỷ kia lại chụp lấy cổ các Bà la môn ấy và vặn luôn. Song vì thương cảm Bồ Tát, các vị ấy không giết Mandavya, các vị bảo:
- Đó là con trai của ngài.
Và các vị chỉ hành hạ cậu ta thôi. Đầu của Mandavya bị vặn tréo ra đằng sau vai, tay chân cậu cứng đờ, mắt trợn trừng như thể chết rồi, cậu nằm rũ liệt tại đó. Các Bà la môn kia quay cuồng vật vã, mồm chảy nước miếng tràn ra. Dân chúng đến báo tin cho bà Dittha-Mangalikà:
- Tâu lệnh bà, có chuyện chẳng lành xẩy ra cho vương tử!
Bà vội chạy đến thấy cậu trai liền kêu lớn:
- Ôi sao lại thế này?
Rồi bà ngâm kệ:
11- Vặn tréo đầu con khỏi bả vai,
Kìa sao con duỗi cánh tay dài,
Bơ vơ mắt trắng dường như chết,
Kẻ hại con mình đó chính ai?
Khi ấy những người đứng ngoài xem liền ngâm kệ nói cho bà biết chuyện kia.
12- Ẩn sĩ đây khoác áo dơ,
Tồi tàn người ngợm tợ yêu ma,
Y bằng giẻ rách quàng ngang ngực,
Chính kẻ hành hung quý tử bà.
Nghe vậy bà suy nghĩ. "Chắc chắn đó là bậc Hiền nhân Màtanga, không ai khác có thần lực như vậy. Song một người thủy chung và đầy thiện ý đối với mọi loài, chẳng bao giờ lại bỏ đi để cho những kẻ này phải chịu sự hành hạ thế kia. Nay không biết ngài đã đi hướng nào?" Bà hỏi câu này qua vần kệ sau:
13- Về hướng đi nào, bậc Trí nhân?
Trả lời ta, hỡi các vương tôn!
Chúng ta đi chuộc cho lầm lỗi,
Để giúp con ta
được tỉnh hồn.
Các chàng trai kia đáp lời bà theo cách này:
14- Bậc Hiền vụt hiện giữa không gian,
Như thể vầng trăng giữa tối rằm,
Đẹp mặt thay, ngài sùng Chánh
đạo!
Phương Đông theo hướng ấy lên
đàng.
Khi họ đáp như thế bà liền bảo:
- Ta quyết sẽ đi tìm phu quân ta.
Rồi bà ra lệnh đem theo bà nhiều bình vàng và chén vàng, rồi được một đám tỳ nữ vây quanh, bà ra đi, tìm thấy nơi có dấu chân của ngài đã in xuống đất, bà cứ theo dấu chân này cho đến khi bà gặp ngài đang ngồi trên một chỗ kia và ăn cơm. Đi đến gần ngài, bà đảnh lễ rồi đứng im. Khi thấy bà, ngài đặt miếng cơm vào bát. Dittha-Mangalikà rót nước lên tay ngài từ chiếc bình vàng, ngài lập tức rửa tay và súc miệng. Sau đó bà hỏi:
- Ai đã làm việc tàn ác này cho con trai của thiếp?
Và bà ngâm kệ:
15- Vặn tréo đầu con khỏi bả vai,
Kìa sao con duỗi cánh tay dài,
Bơ vơ mắt trắng dường như chết,
Kẻ hại con mình đó chính ai?
Các vần kệ sau đây là lời đối đáp xen kẽ nhau giữa hai vị:
Bậc trí:
16- Quỷ linh đủ đại lực uy thần
Đẹp mắt theo hầu các trí nhân,
Chúng thấy con nàng sân, ác ý,
Nên hành xử nó chính vì nàng.
Bà hoàng:
17- Chính các thần linh tạo việc trên,
Hiền nhân đừng phẫn nộ thân hèn,
Xin ngài từ mẫn vì con thiếp,
Quy ngưỡng từ nay dưới gót sen.
Bậc trí:
18- Tâm ta, hãy biết, chẳng tiềm tàng,
Từ trước đến giờ, ý hận sân,
Con trẻ không thông ba Thánh điển,
Vì đầy vọng tưởng , ngập kiêu căng.
Bà hoàng:
19- Con người có thế, hỡi hiền nhân,
Bỗng chốc trí khôn hóa tối tăm,
Tha lỗi thiếp này, thưa Trí giả,
Bậc hiền không để khởi hờn căm.
Bậc Đại Si được bà xoa dịu bằng lời lẽ như vậy, liền đáp:
- Được, ta sẽ cho nàng thứ tiên dược trường sinh bất tử để đuổi bọn quỷ ma ấy đi xa.
Rồi ngài ngâm kệ:
20- Chút của thừa này, hãy lấy mang,
Cho Man-da khốn khổ phần ăn,
Con nàng sẽ mạnh mau bình phục,
Bọn quỷ tha mồi, được thoát thân.
Khi bà nghe những lời này của bậc Đại Sĩ liền đưa chiếc bình bát vàng ra và nói:
- Xin phu quân hãy cho thiếp thuốc tiên bất tử ấy.
Bậc Đại Sĩ đổ vào đó một ít cháo còn lại và bảo:
- Hãy đổ một nửa cháo này vào mồm con nàng, còn lại thì trộn với nước rồi đổ vào mồm các Bà la môn kia, chúng sẽ được bình phục cả.
Rồi ngài đứng lên đi về phía vùng Tuyết Sơn.
Bà mang bình ấy trên đầu và kêu:
- Ta đã được thuốc tiên bất tử rồi!
Khi đến nhà, trước hết bà đổ một ít vào miệng con trai bà.
Quỷ thần liền chạy trốn, vua đứng dậy, phủi bụi bặm rồi hỏi:
- Cái gì đây mẹ?
- Con đã biết rõ những việc con làm rồi, nay hãy nhìn tình cảnh khốn khổ của đám người khất thực nhà ta kia kìa!
Khi cậu nhìn thấy bọn ấy, lòng cậu đầy ân hận. Rồi mẹ cậu bảo:
- Này Mandavya yêu quý, con thực là kẻ ngu si không biết bố thí cách nào để của bố thí ấy mang lại kết quả tốt. Bọn này không xứng đáng với lòng hào phóng của con đâu, chỉ những vị nào như bậc Hiền nhân Mantaga là xứng đáng thôi. Từ nay về sau đừng đem cái gì cho những ác nhân như bọn này, mà chỉ nên bố thí cúng dường những người đức hạnh.
Rồi bà ngâm kệ:
21- Man-da, tiểu trí thật ngu đần,
Chẳng biết lúc nào đáng bố ân:
Con cúng dường bao người trọng tội,
Lũ người vô độ, bọn tà nhân!
22- Xiêm áo bằng da mớ tóc xù,
Miệng như giếng cũ, có tràn bờ,
Hãy nhìn giẻ rách bầy kia mặc!
Các thứ này không cứu lũ ngu!
23- Hễ khi tham dục với cuồng sân,
Được tống ra ngoài các thế nhân,
Bố thí hiền nhân thanh tịnh ấy,
Quả nhiều cho việc đã làm
ăn.
- Vậy từ nay về sau con đừng bố thí cho hạng người ác như thế này, mà chỉ nên bố thí cúng dường những kẻ nào ở trên đời này đạt Tám Thiền chứng, là những nhà tu khổ hạnh, các Sa môn, Bà la môn chân chính đã chứng Năm Thắng trí, các vị Độc Giác Phật. Này con, để mẹ đưa loại thuốc tiên bất tử này cho bọn gia nhân của ta đây và làm chúng bình phục.
Nói vậy xong, bà lấy miếng cháo thừa ấy đổ vào một bình nước và rẩy lên miệng mười sáu ngàn Bà la môn kia. Mọi người đều đứng dậy và phủi hết bụi bặm.
Sau đó, vì các Bà la môn này đã phải nếm thức ăn thừa của một kẻ Chiên đà la, nên bị các Bà la môn khác tống xuất ra khỏi giai cấp ấy. Đầy ô nhục, bọn họ rời thành Bà la nại và đi về vương quốc Mejjha, tại đây họ ở chung với vua xứ đó. Còn Mandavya vẫn ở chốn cũ.
Vào thời đó có một Bà la môn tên là Jàtimanta, là một kẻ tu hành, ở gần kinh thành Vettavati trên bờ sông có cùng tên ấy, ông là kẻ rất kiêu mạn về dòng dõi của mình. Bậc Đại Sĩ liền đến đó, quyết đập tan lòng kiêu mạn của người kia, ngài dựng am trú ngụ gần đó, sống ở phía thượng nguồn con sông.
Một hôm sau khi xỉa răng xong, ngài thả cái tăm xuống dòng nước; cố ý để cho nó vướng vào búi tóc của Jàtimanta, vì vậy, trong khi kẻ ấy đang tắm trong dòng nước sông, cái tăm ấy vướng vào búi tóc ông.
- Đồ súc sinh!
Ông nói, trong khi thấy cái tăm:
- Nó từ đâu đến đây với cái đồ phá hoại này. Ta phải tìm xem.
Ông liền đi ngược dòng, khi thấy bậc Đại Sĩ liền hỏi:
- Ông thuộc giai cấp nào?
- Ta là một Chiên đà la.
- Có phải ông đã thả cây tăm xuống sông chăng?
- Chính phải?
- Đồ súc sinh, quân tồi tàn hạ đẳng! Đồ mắc dịch, không được ở đây! Mà phải đi xuống chỗ hạ lưu kia.
Song khi ngài xuống ở vùng hạ lưu, cái tăm ngài thả trôi ngược dòng nước, vẫn vướng vào tóc Jàtimanta. Ông mắng:
- Quân đáng nguyền rủa! Nếu ngươi ở đây trong bảy ngày nữa , đầu ngươi sẽ tan thành bảy mảnh.
Bậc Đại Sĩ suy nghĩ:" Nếu ta buông mình theo cơn thịnh nộ với gã này, thì ta không giữ được công đức, song ta sẽ tìm cách phá tan lòng kiêu mạn của gã".
Vào ngày thứ bảy, ngài ngăn cản mặt trời mọc, cả trần gian đều tối tăm nên dân chúng kéo đến vị tu khổ hạnh Jàtimanta và hỏi:
- Thưa Tôn giả, có phải chính ngài ngăn cản mặt trời mọc chăng?
Gã đáp:
- Việc đó không phải do ta làm, mà có một lão Chiên đà la sống gần bờ sông, chắc lão ấy làm đấy.
Sau đó dân chúng đến gặp bậc Đại Sĩ và hỏi lại:
- Thưa Tôn giả, có phải chính Tôn giả ngăn cản mặt trời mọc chăng?
Ngài đáp:
- Này các hiền hữu, chính phải!
- Tại sao thế? Họ hỏi.
- Vị tu khổ hạnh được các hiền hữu quý mến đã phỉ báng ta, một người vô tội, vậy khi nào vị đó đến quỳ dưới chân ta để xin thương xót, thì ta mới để cho mặt trời mọc lên.
Dân chúng đi kéo lê kẻ ấy rồi thả ông xuống trước chân bậc Đại Sĩ và cố sức vỗ về ngài vừa nói:
- Thưa Tôn giả, xin cho mặt trời mọc.
Song ngài đáp:
- Ta không thể để mặt trời mọc được vì nếu ta làm như thế, đầu kẻ này sẽ vỡ thành bảy mảnh.
Họ hỏi:
- Thưa Tôn giả, vậy chúng tôi phải làm gì?
- Hãy đem cho ta một cục đất!
Họ đem lại một cục đất.
- Nào, hãy đặt cục đất lên đầu kẻ khổ hạnh này, rồi kéo gã xuống nước.
Sau khi sắp đặt mọi việc này xong, ngài để cho mặt trời mọc lên. Vừa khi mặt trời được di chuyển tự do, cục đất nứt thành bảy mảnh, còn kẻ tu khổ hạnh nhảy tùm xuống nước.
Sau khi đã hàng phục gã như vậy, bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Mười sáu ngàn Bà la môn kia hiện ở đâu?" Ngài nhận ra bọn ấy đang ở với vua Mejjha, và cũng quyết định đi hàng phục họ, nên dùng thần lực, ngài hạ xuống vùng ngoại thành, cầm bình bát trong tay, đi khất thực. Khi các Bà la môn thấy được ngài, họ bảo nhau:
- Chỉ để lão ở đây 2 ngày thôi là lão sẽ làm ta mất nơi nương tựa!
Bọn ấy vội vàng chạy đến yết kiến vua và kêu to:
- Tâu đại vương, có một lão khoác lác đại bịp đến đây, xin hãy bỏ tù lão!
Vua rất sẵn sàng. Còn bậc Đại Sĩ với bát thức ăn đủ loại đang ngồi ăn bên bức thành trên một chiếc ghế dài. Tại đó trong khi ngài đang bận ăn uống, đám thị vệ của vua tìm đến, lấy kiếm đánh ngài rồi giết đi. Sau khi mạng chung, ngài tái sanh lên cõi Phạm Thiên.
Chuyện kể rằng, trong kiếp này Bồ tát là một " người luyện thú mongoose" (một giống chồn ở Ấn Độ) và ngài phải chịu chết vì công việc hạ tiện này. Các vị thần nổi giận liền trút xuống toàn vương quốc Mejjha một trận lửa tro nóng rực quét sạch nước ấy ra khỏi các nước kia.
Vì thế có lời lưu truyền:
24. Người ta kể chuyện cả non sông
Của xứ Mejjha phải diệt vong,
Nước kia bị xóa tan bờ cõi
Vì giết Mà-tan, bậc lẫy lừng.
*
Khi bậc Đạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này. Ngài bảo:
- Đây không phải là lần đầu tiên vua Udena phỉ báng các vị tu khổ hạnh, mà xưa kia cũng thế.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, vua Udena là Mandavya và Ta chính là bậc Hiền trí Màtanga.
-ooOoo-
498. Chuyện Đôi Bạn Citta-Sambhùta (Tiền thân Citta-Sambhùta)
Chóng chầy thiện nghiệp đều mang quả.....
Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về hai người bạn đồng tu của Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) sống rất hòa hợp với nhau.
Chuyện kể rằng đôi bạn này vô cùng thân thiết, đã phân chia mọi thứ cùng nhau hết sức công bình; ngay cả khi khất thực, hai vị cũng cùng đi ra và cùng trở về với nhau, hai vị không hề chịu rời nhau.
Trong Chánh pháp đường, Tăng chúng đang ngồi tán thán tình bằng hữu ấy thì bậc Đạo Sư bước vào, hỏi các vị đang bàn luận chuyện gì khi ngồi tại đó. Tăng chúng trình với Ngài... Ngài đáp:
Này các Tỳ kheo, tình bạn này chỉ trong một đời sống chẳng có gì kỳ lạ cả, vì các bậc trí nhân ngày xưa đã giữ được tình bằng hữu vững bền suốt qua cả ba bốn đời sống.
Nói vậy xong, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, trong quốc độ Avanti, tại kinh thành Ujjeni, có vị đại vương trị vì mệnh danh là vua Avanti. Thuở ấy một làng Candàla (Chiên đà la: vô loại, hạ đẳng) ở ngoại thành Ujjeni là nơi bậc Đại Sĩ ra đời. Một người khác sinh làm con trai của bà dì Ngài. Một cậu bé tên là Citta, cậu kia tên là Sambhùta.
Khi hai cậu bé lớn lên và đã học được nghề quét bằng chổi trong dòng họ Chiên đà la rồi, liền nghĩ rằng hai cậu sẽ đi trình diễn nghề này tại cổng thành. Vì thế một cậu biểu diễn tại Bắc môn, một cậu tại Đông môn. Bấy giờ trong kinh thành này có hai phụ nữ giỏi nghề xem tướng, một cô là con gái một thương nhân, và cô kia là con một tế sư. Hai cô gái ấy đi vui chơi trong công viên, sau khi bảo gia nhân đem theo thực phẩm đủ loại cứng, loại mềm, vòng hoa hương liệu, thì ngẫu nhiên một cô đi ra cổng Bắc, và một cô ra cổng phía Đông. Khi thấy hai thanh niên Chiên đà la đang biểu diễn tay nghề, hai cô hỏi:
- Chúng là ai đây?
Rồi hai cô được cho biết đó là hai kẻ Chiên đà la. Hai cô bảo:
- Thấy điềm này xui xẻo lắm.
Và sau khi rửa mắt bằng nước hương thơm, cả hai đều đi về. Sau đó, đám dân chúng la lớn:
- Này bọn hạ đẳng tồi tàn kia, chúng bay đã làm chúng ta mất phần cơm rượu đáng lẽ được hưởng miễn phí đấy!
Chúng đánh đập hai anh em cùng họ ấy một trận nhừ tử, làm cả hai đau đớn ê chề. Khi hai người tỉnh dậy liền đi tìm nhau và kể cho nhau nghe tai họa đã đến cho mình, rồi lại kêu gào và cố nghĩ cách xem phải làm gì đây. Cả hai suy nghĩ: "Tất cả việc khốn nạn này đã giáng xuống chúng ta chỉ vì dòng giống ta sinh ra. Ta sẽ chẳng bao giời làm kẻ Chiên đà la nữa, mà ta phải dấu tung tích dòng họ để rồi đi tới Takkasilà, giả dạng các nam tử Bà la môn và học tập tại đó".
Sau khi quyết dịnh như vậy, cả hai đến chỗ đó, theo đòi học tập với một giáo sư danh tiếng lẫy lừng. Thiên hạ đồn vang khắp cõi Diêm phù đề (Ấn độ) rằng có hai nam tử Chiên đà la đang làm thư sinh và giấu diếm tung tích gia tộc mình. Bậc Trí nhân Citta học tập thành công, song chàng Sambhùta thì không được như thế.
Một ngày kia có người dân làng mời vị giáo sư ấy với ý định cúng dường thực phẩm cho các Bà la môn. Bấy giờ do ngẫu nhiên mưa suốt đêm ấy làm ngập lụt mọi hang hốc trên đường đi. Sáng sớm hôm sau, vị thầy giáo gọi Trí giả Citta vào và bảo:
- Này con , hôm nay thầy không đi được, vậy con đi cùng các nam tử kia, rồi làm lễ chúc phước lành và khi con ăn thực phẩm của mình xong, hãy mang về những món để dành cho thầy.
Do đó, ngài đem các thanh niên Bà la môn khác cùng lên đường. Trong khi các thanh niên tắm rửa và súc miệng, dân chúng dọn món cháo gạo đã chuẩn bị sẵn sàng để mời khách quý và bảo:
- Để cho nó nguội đi.
Trước khi cháo nguội, đám thanh niên đã đến ngồi xuống. Dân chúng dâng nước cúng dường, rồi đặt các bát cháo trước mặt họ. Trí óc Sambhùta có hơi trì độn, nên tưởng cháo đã nguội, liền múc một hớp bỏ vào miệng, song nó làm chàng nóng bỏng như cục sắt nóng đỏ. Trong lúc đau đớn, chàng quên mất vai trò của mình, liền liếc qua bậc Hiền trí Citta và nói bằng ngôn ngữ của dân Chiên đà la:
- Cháo nóng quá phải chăng?
Chàng kia quên mất bản thân mình, nên đáp lại theo ngôn ngữ của họ:
- Nhổ ra , nhổ ra mau!
Nghe thế, đám thanh niên nhìn nhau bảo:
- Loại ngôn ngữ gì thế này?
Lúc ấy bậc Trí giả Citta nói lời chúc lành cho tất cả.
Khi các chàng trai kia về nhà, họ tụ tập thành tụm năm túm ba và ngồi bàn luận về những từ ngữ đã được dùng kia. Khi nhận ra đó là ngôn ngữ của bọn Chiên đà la, họ kêu to:
- Quân hạ đẳng tồi tàn kia! Chúng bay đã lừa dối cả bọn ta lâu nay, cứ giả dạng làm Bà la môn!
Rồi họ đánh đập hai vị ấy. Có một người tốt bụng xua đuổi họ ra và nói:
- Đi ngay! Vết nhục nằm trong huyết thống kia. Phải đi ngay! Đến đâu đó mà làm ẩn sĩ khổ hạnh!
Rồi các thanh niên Bà la môn trình với thầy giáo rằng, đấy là hai kẻ Chiên đà la giả dạng.
Hai chàng đi vào rừng sống đời sống khổ hạnh tại đó, sau một thời gian chết đi, tái sanh làm hai chú Nai con bên bờ sông Nerañjarà (Ni liên thuyền). Từ lúc sinh ra, chúng luôn luôn ở bên nhau. Một ngày kia, sau khi chúng ăn xong, một người thợ săn chợt thấy chúng dưới một gốc cây đang ngồi nhai lại, âu yếm vuốt ve nhau rất hạnh phúc, đầu sát đầu, mõm kề mõm, sừng bên sừng. Gã liền phóng lao tới, giết trọn luôn cả hai bằng nhát lao ấy.
Sau đó chúng tái sanh làm con của chim Ưng biển trên bờ Nerbudda (Niết bút). Cũng tại đó, chúng lớn lên sau khi ăn xong lại ôm ấp đầu sát đầu, mỏ kề mỏ. Một kẻ bẫy chim trông thấy, bắt cả hai và giết đi.
Sau đó bậc Trí giả tái sanh tại Kosambi, làm con vị tế sư, còn bậc Trí Sambhùta tái sanh làm vương tử của vua Uttarapañcala. Ngay từ ngày được đặt tên, hai hài nhi ấy đã có khả năng nhớ lại các đời trước của mình. Song Sambhùta không thể nào nhớ hết tất cả mà không bị gián đoạn, và cậu chỉ nhớ đời thứ tư hoặc đời Chiên đà la thôi, còn Citta lại nhớ đủ cả bốn đời theo thứ tự.
Khi Citta được 16 tuổi, chàng xuất gia làm ẩn sĩ khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, tu tập làm phát khởi thắng trí do thiền định và an trú trong hỷ lạc Thiền định. Còn bậc trí giả Sambhùta, sau khi phụ vương băng hà, liền được phong chiếc lọng trắng trên đầu vào ngày phong vương kia, giữa quần thần đông đảo, ngài làm một bài ca tức vị, rồi rung cảm ngâm lên hai đoạn.
Khi quần thần nghe xong, đám cung phi và nhạc công đều ca hát, bảo nhau:
- Đây là khúc đăng quang của đức Chúa thượng chúng ta!
Và dần dà với thời gian, dân chúng đều ca khúc hát ấy vì đó là Thánh đạo ca được vua yêu thích. Bậc Trí giả Citta đang an trú ở vùng Tuyết Sơn, tự hỏi không biết hiền đệ Sambhùta của ngài đã được giương chiếc lọng che ấy chưa. Khi nhận thấy việc đã xong, ngài suy nghĩ:" Ta chẳng bao giờ đủ sức giáo hóa một vị Tân vương còn trẻ, song khi nào em ta già rồi, ta sẽ đến thăm và khuyên nhủ em ta đi làm ẩn sĩ khổ hạnh".
Suốt năm mươi năm ngài không hề đi thăm viếng, và trong thời gian ấy, vua có đông con cái lên dần. Về sau nhờ thần lực của ngài, Trí giả Citta phi hành đến vườn ngự uyển đáp xuống, ngồi trên bảo tọa nghi lễ như một bức tượng bằng vàng.
Vừa lúc ấy, một chàng trai kiếm củi, vừa làm việc vừa hát khúc đạo ca ấy. Bậc Trí giả Citta gọi chàng trai lại gần, chàng tiến đến đảnh lễ cung kính rồi đứng chờ. Trí giả Citta bảo chàng:
- Từ sáng đến giờ, cậu chỉ hát mãi khúc đạo ca ấy, thế cậu không biết khúc nào nữa chăng?
- Thưa Tôn giả, có chứ, con biết nhiều khúc ca lắm, song đây là những lời ca được đức vua yêu chuộng, vì thế con không hát khúc nào khác.
- Thế không có ai biết hát một điệp khúc đáp lại khúc ca của đức vua chăng?
- Thưa Tôn giả, con biết hát nếu con được dạy khúc ca ấy.
- Thế thì được, hễ khi nào đức vua hát hai khúc trên, thì cậu hát khúc này làm khúc thứ ba đấy.
Rồi ngài ngâm một khúc và bảo:
- Bây giờ cậu hãy đi hát khúc này trước đức vua, ngài sẽ hài lòng và quý trọng cậu lắm.
Chàng trai vội vàng chạy về tìm mẹ, bảo mẹ mặc cho chàng y phục thật tề chỉnh rồi đến cửa cung vua, nhờ người tâu lên rằng có một chàng trai xin được yết kiến để hát một khúc ca đáp lời đức vua. Vua bảo:
- Cho nó vào.
Khi chàng trai tiến lên, đảnh lễ ngài xong, vua phán:
- Chúng tâu rằng cậu muốn hát một khúc đáp lời trẫm có phải chăng?
Chàng trai đáp:
- Tâu Chúa thượng, đúng vậy, xin ngài triệu tập quần thần để cùng nghe.
Ngay khi triều đình tụ họp xong, chàng tâu:
- Tâu Chúa thượng, xin Chúa thượng ca khúc hát của ngài trước, rồi thần sẽ xin hát lời đối lại.
Vua liền ngâm đôi vần kệ:
1- Chóng chầy thiện nghiệp đều mang trái,
Không nghiệp gì không có quả sinh,
Chẳng có việc lành nào uổng phí:
Sam-bhù, ta thấy, lớn lên thành
Hùng cường, vĩ đại và như thế
Công đức ngài
đem đến quả lành
2- Chóng chầy thiện nghiệp đều mang trái,
Không nghiệp gì không có quả mang,
Chẳng có việc lành nào uổng phí:
Cit-ta ai biết, có vinh quang
Giống như phần trẫm, tâm hiền hữu
Có được an vui lợi lạc chăng?
Khúc đạo ca trên vua chấm dứt, chàng trai liền đáp vần thứ ba:
3-Thiện nghiệp chóng chầy đều đạt quả
Nghiệp nào mà chẳng quả lai sinh,
Không gì vô ích tâu Hoàng thượng,
Xin ngắm Cit-ta tại cổng thành,
Chẳng khác quân vương, tâm vị ấy
Đã đem hỷ lạc đến cho mình.
Nghe lời này vua lại ngâm vần kệ thứ tư:
4- Vậy có phải chăng chính Cit-ta,
Hay chàng nghe được chuyện ngày xưa
Từ ngài, hay một người nào khác?
Ôi ngọt ngào thay khúc Thánh ca!
Ta chẳng sợ gì, ta sẽ thưởng
Ngôi làng hay tặng vật làm quà.
Tiếp theo chàng trai ngâm vần kệ thứ năm:
5- Hạ thần nào có phải Cit-ta,
Song chuyện ấy thần được biết qua,
Chính một hiền nhân vừa dạy bảo:
"Đi ngâm lời hát đối dâng vua,
Rồi chàng sẽ được ngài ban thưởng,
Tay của ngài ân nghĩa đậm đà".
Nghe lời này, vua suy nghĩ: "Chắc hẳn đó là hiền huynh Citta của ta rồi, ta muốn đi tìm ngài ngay". Thế là vua ra lệnh cho quần thần qua hai vần kệ sau:
6- Các vương xa hãy thắng yên cương,
Chạm trổ tinh vi, đẹp tuyệt trần,
Đem buộc cân đai vào bảo tượng,
Điểm trang vòng cổ sáng huy hoàng.
7- Quần thần hãy đánh trống liên hoan,
Bảo thổi tù và ốc dậy vang,
Chuẩn bị vương xa nhanh bậc nhất
Bởi vì trẫm muốn sớm lên đàng
Hôm nay tìm thảo am cô tịch,
Yết kiến hiền nhân trước tọa sàng.
Vua nói vậy xong, liền ngự lên vương xa lộng lẫy và vội vàng đến ngay cổng ngự viên. Tại đó ngài dừng xa giá và đến gần Hiền giả Citta, đảnh lễ rất cung kính rồi ngồi xuống một bên, lòng tràn ngập hân hoan, ngài ngâm vần kệ thứ tám:
8- Thật quý thay là Thánh khúc xưa,
Trẫm từng ca hát thật say sưa,
Trong khi dân chúng đông dồn dập,
Quần tụ chung quanh chật cả nhà;
Nay đến đây xin chào Thánh giả,
Hân hoan, hạnh phúc ngập tâm ta.
Từ lúc tái ngộ Hiền giả Citta, vua hoan hỷ ra lệnh làm mọi sự cần thiết và truyền chuẩn bị bảo tọa dành cho vị hiền huynh, rồi ngài ngâm vần kệ thứ chín:
9- Tọa sàng, nước mát rửa bàn chân,
Đúng pháp là
đem lễ cúng dâng,
Thực phẩm dành cho nhiều khách quý,
Xin hiền huynh nhận, trẫm ân cần.
Sau lời mời ngọt ngào này, vua ngâm vần kệ khác để tặng bạn hiền một nửa giang san của mình:
10- Bảo làm cho nhộn nhịp tưng bừng,
Nơi chốn hiền huynh sẽ trú thân,
Truyền đem nữ tỳ theo phục vụ,
Ôi, ta muốn tỏ với hiền nhân
Lòng ta yêu quý ngài tha thiết,
Xin hãy cùng ta ngự trị dân.
Khi nghe những lời này, bậc Trí giả Citta thuyết giáo cho vua qua sáu vần kệ:
11- Hỡi Đại vương, nhìn quả ác hành,
Thấy bao lợi lạc thiện hành sinh,
Ta mong điều ngự thân tu tập,
Con, của không lôi cuốn trí mình.
12- Trăm năm tròn cuộc sống người
đời,
Năm tháng theo nhau kế tiếp trôi,
Khi đến hạn kỳ, người héo úa,
Tựa hồ lau sậy nát tan thôi.
13- Thế nghĩa gì hoan lạc, ái ân,
Nghĩa gì săn đuổi cảnh giàu sang?
Nhiều con, nghĩa lý gì? Nên biết,
Hỡi Đại vương, ta thoát buộc ràng.
14- Ta biết, vì đây chính thật chân,
Ta không qua khỏi tử ma thần,
Nghĩa gì vàng bạc và ân ái,
Khi bạn đến thời phải mạng vong?
15- Giòng giống hạ đẳng bước hai chân,
Hạ liệt Chiên đà nhất thế nhân,
Khi nghiệp chín làm phần thưởng quý,
Hai ta cùng có một tiền thân:
16- Tại A-van, bạn trẻ Chiên đà,
Là cặp Nai vàng bến nước xưa,
Đôi chú chim Ưng bờ Niết bút,
Giờ đây giáo sĩ, đó làm vua.
Sau khi đã nói rõ các tiền thân hạ liệt của mình trong quá khứ như vậy, tại đây trong đời hiện tại này, ngài tuyên thuyết tính Vô thường của mọi pháp hữu hình và ngâm bốn vần kệ làm phát khởi tinh tấn lực.
17- Đời người ngắn ngủi chết cùng
đường,
Già cả không nơi chốn náu nương,
Này hỡi Pañcala, thực hiện,
Những gì ta khuyến nhủ quân vương:
Tránh xa tất cả hành vi ác,
Đưa đẩy vào
đau khổ đoạn trường.
18- Đời người ngắn ngủi, chết sau cùng,
Già cả không nơi chốn trú thân;
Này hỡi Pañcala, thực hiện
Những gì ta khuyến nhủ quân vương:
Tránh xa tất cả hành vi ác
Đưa đẩy vào trong hạ ngục tầng.
19- Nhân thế ngắn sao, chết cuối cùng,
Người già không chốn để nương thân,
Pañcala hỡi, xin thành tựu
Những việc ta khuyên nhủ Đại vương:
Xin hãy xa lìa bao vọng nghiệp,
Nhiễm ô toàn ác dục tham sân..
20- Đời người ngắn ngủi, chết vong thân,
Bệnh, lão làm suy thế lực dần,
Ta chẳng làm sao ra thoát được;
Pañcala thực hiện lời răn:
Tránh xa tất cả hành không thiện
Đưa đẩy vào trong ngục hạ tầng.
Vua rất hoan hỷ khi nghe bậc Đại Sĩ khuyến giáo, liền đáp lời qua ba vần kệ:
21- Lời kia, Tôn giả, quá toàn chân,
Ngài dạy lời như bậc Thánh nhân,
Song dục tham ta đều khó bỏ,
Với người như trẫm, chúng vô cùng.
22- Như voi chìm xuống vũng bùn nhơ,
Không thể bò lên, dẫu thấy bờ,
Trẫm cũng lún sâu bùn dục lạc,
Nên không theo nổi Đạo Thầy tu!
23- Như mẹ như cha dạy bảo con,
Thành người sống hạnh phúc, hiền lương,
Dạy ta hạnh phúc làm sao đạt,
Xin chỉ cho ta bước đúng đường.
Sau đó bậc Đại Sĩ bảo nhà vua:
24- Ngài không thể bỏ, hỡi Quân vương,
Các dục tham đây cũng thế thường:
Vậy chớ bắt dân nhiều thuế nặng,
Trị sao dân chúng thấy công bằng
25- Gửi sứ thần đi khắp bốn phương,
Mời người khổ hạnh, Bà la môn,
Cúng dường thực phẩm, nhà an nghỉ,
Xiêm áo và luôn mọi thứ cần.
26- Đem thức ăn uống để đãi
đằng
Bà la môn, Thánh giả, Hiền nhân,
Tâm đầy thành tín, ai ban phát,
Và trị dân tài đức hết lòng,
Người ấy sẽ đi lên thượng giới,
Lỗi lầm không có, lúc vong thân.
27- Song nếu vây quanh bởi má hồng,
Dục tham, ngài thấy, quá say nồng,
Trong tâm hãy nhớ vần thi kệ,
Và hát hò lên giữa đám đông.
28- "Dưới trời không mái để che thân,
Bầy chó xưa cùng nó ngủ lăn,
Mẹ nó cho ăn lúc bước vội,
Mà nay làm một vị vương quân.
Đó là lời khuyến giáo của bậc Đại Sĩ. Rồi ngài lại bảo:
- Ta đã khuyên nhủ Đại vương rồi. Bây giờ Đại vương có muốn làm người tu khổ hạnh hay không là tùy ý Đại vương, song ta sẽ tiếp tục theo đúng nghiệp quả của chính ta làm.
Sau đó ngài bay vụt lên không, phủi bụi bặm trên đôi chân ngài, giã từ vua trong dáng điệu khinh thường, rồi đi về vùng Tuyết Sơn.
Còn phần vua trông thấy cảnh này, lòng vô cùng xúc động, liền giao quốc độ cho thái tử, triệu tập quân sĩ thẳng hướng tiến về vùng Tuyết Sơn. Khi bậc Đại Sĩ nghe vua đến, liền bước ra cùng đám hiền nhân đồ đệ của ngài đón tiếp vua, và truyền giới cho vua sống đời Phạm Hạnh rồi dạy vua phương tiện làm phát khởi Thiền định. Vua tu tập chứng đắc Thắng trí do Thiền định, vì vậy cả hai vị đều cùng được sinh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỳ kheo, các bậc trí nhân ngày xưa giữ vững tình bằng hữu lâu dài qua ba bốn đời sống.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Ànanda là trí giả Sambhùta và Ta chính là Trí giả Citta.
-ooOoo-
499- Chuyện Đại Vương Sivi (Tiền thân Sivi)
Nếu thí tài gì thuộc thế nhân....
Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về lễ vật cúng dường tối thượng.
Trường hợp này đã được kể đầy đủ trong Chương VIII ở số 424. Tiền thân Savìra. Song tại đây vào ngày thứ bẩy, vua dâng đủ tất cả vật cúng dường và thỉnh cầu lời tùy hỷ; tuy nhiên, bậc Đạo Sư ra đi mà không tán thán công đức của vua. Sau buổi điểm tâm, vua đi đến tịnh xá và hỏi:
- Bạch Thế Tôn, vì cớ gì Thế Tôn không đáp lời tùy hỷ hôm ấy?
Bậc Đạo Sư nói:
- Thưa Đại vương, hội chúng kia không thanh tịnh.
Ngài lại tiếp tục thuyết Pháp, ngâm vần kệ bắt đầu bằng câu:" Người hạ tiện sẽ không lên Thiên giới (Pháp cú 177)".
Vua đầy hoan hỷ bày tỏ lòng tôn kính đối với đức Như Lai bằng cách dâng chiếc thượng y của xứ Sivi trị giá một ngàn đồng tiền; sau đó vua trở về thành.
Ngày hôm sau trong Chánh pháp đường, Tăng chúng nói về chuyện ấy:
- Này các Hiền giả, vua Kosala đã cúng dường lễ vật tối thượng, và chưa hài lòng với việc ấy, nên sau khi đấng Thập Lực thuyết giáo cho vua ấy, vua liền dâng chiếc y của xứ Sivi trị giá cả một ngàn đồng tiền vàng! Quả thật vua không hề thỏa mãn với việc cúng dường!
Bậc Đạo Sư bước vào, và hỏi các vị đang bàn việc gì khi ngồi đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, bố thí ngoại tài quả thật là điều có thể thỏa đáng được, song các bậc trí nhân ngày xưa đã bố thí cho đến khi khắp cả Diêm phù đề đều vang danh lừng lẫy, mỗi ngày bố thí cả sáu trăm ngàn đồng tiền, vẫn chưa thỏa mãn với việc bố thí ngoại tài, và nhớ lại câu phương ngôn: "Hãy đem cho cái gì ta yêu quý nhất và từ tâm sẽ sinh khởi", cho nên các vị ấy đã móc đôi mắt mình ra tặng những kẻ nào đòi xin chúng.
Cùng với những lời này; Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi đại đế Sivi cai trị tại kinh thành Aritthapura trong quốc độ Sivi. Bậc Đại Sĩ sinh ra làm vương tử. Triều thần đặt tên ngài là Vương tử Sivi. Khi ngài lớn lên, ngài đi đến Takkasikà học tập tại đó, xong trở về chứng tỏ tài năng kiến thức của ngài trước vua cha nên được phong làm phó vương.
Lúc phụ vương băng hà, ngài lên ngôi vua và từ bỏ các ác đạo, ngài hành trì Thập vương pháp và trị dân rất chân chánh. Ngài truyền xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa kinh thành và ngay cửa cung của ngài. Ngài bố thí rất hào phóng mỗi ngày sáu trăm ngàn đồng tiền vào các ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, ngài chẳng hề quên thăm viếng các bố thí đường để xem xét bố thí được thực hành ra sao.
Vào một ngày trăng tròn kia , chiếc lọng hoàng gia đã được giương lên từ sáng sớm và ngài ngự trên ngai vàng suy ngẫm về các thí vật ngài đã ban phát. Ngài tự nghĩ: "Trong tất cả các tài vật bên ngoài, chẳng có món gì ta không đem cho hết, song cách bố thí này chưa làm ta hài lòng. Ta muốn bố thí vật gì thuộc về bản thân ta. Được rồi hôm nay ta đến bố thí đường phát nguyện rằng nếu có người nào không xin một vật gì đó ngoài thân ta, lại nói rõ tên một phần thân thể ta, nếu người ấy muốn nói đến chính quả tim ta, ta sẽ quyết lấy dao xẻ phăng lồng ngực ta và chẳng khác nào ta nhổ lên một cộng sen từ hồ nước phẳng lặng, ta sẽ móc lấy quả tim ta đang chảy máu từng cục đem cho người ấy.
Nếu người ấy muốn xin thịt ta, ta sẽ xẻ thịt ra từ thân thể và cho nó, như thế ta dùng cái dao mà khắc chạm tấm thân này. Người đó cứ nói đến máu của ta, ta sẽ lấy máu ta nhỏ từng giọt vào miệng người đó, hoặc đổ đầy một chén rồi đem cho, hoặc nữa, giả sử có ai bảo: "Hạ thần không làm nổi việc nhà, xin hãy đến làm gia nô tại nhà hạ thần", ta nhận mình là nô lệ và ta sẽ làm hết các việc nô dịch. Hoặc giả có ai đó xin đôi mắt ta, ta sẽ móc mắt ra cho nó như người ta lấy lõi của cây dừa nước". Ngài nghĩ thầm như vậy:
Nếu thí tài gì thuộc thế nhân,
Dẫu là đôi mắt, chẳng hề ban,
Giờ đây ta sẽ đem ban bố,
Lòng chẳng hãi kinh, thật vững vàng.
Thế rồi ngài tắm mình với mười sáu bình nước hoa thơm và trang sức cực kỳ lộng lẫy và sau một buổi cơm đầy cao lương mỹ vị, ngài ngự lên một con voi được tô điểm cân đai rất rực rỡ đưa ngài đến đại bố thí đường.
Khi Sakka ( Đế Thích) Thiên chủ nhận thấy quyết tâm của ngài liền suy nghĩ: "Vua Sivi đã cương quyết đem đôi mắt ngài bố thí cho kẻ nào ngẫu nhiên đến xin ngài. Thế ngài có đủ hùng lực để thực hiện việc đó hay chăng?
Thiên chủ quyết định đi thử thách ngài, nên giả dạng một Bà la môn già mù mắt, Thiên chủ đứng trên một chỗ cao, khi đức vua bước vào bố thí đường, Thiên chủ đưa tay ra, kêu lớn:
- Vạn tuế Đại vương!
Lúc ấy vua lái vương tượng về phía Thiên chủ, phán bảo:
- Này Bà la môn ông nói gì vậy?
Thiên chủ đáp:
- Tâu Đại vương, trên cõi thế gian này không nơi nào không vang dậy phương danh về từ tâm hào phóng bố thí của Đại Vương. Nay lão đã mù lòa, còn Đại vương có đủ hai mắt.
Rồi Thiên chủ ngâm vần kệ đầu để xin một con mắt;
1- Chẳng có mắt, nên chính lão già,
Đến xin con mắt, tự phương xa,
Lão cầu Chúa thượng ban con mắt
Một mắt cùng nhau mỗi chúng ta.
Khi bậc Đại Sĩ nghe lời này, ngài suy nghĩ:" Chính đó là chuyện mà ta suy nghĩ ở hậu cung trước khi ta đến đây kia! Ồ cơ duyên đến mới tuyệt diệu làm sao chứ! Tâm nguyện của ta hôm nay sẽ được thành tựu, ta sẽ bố thí một tài vật mà chưa một người thế tục nào từng ban phát", và ngài ngâm vần kệ thứ hai:
2- Ai đã dạy ông bước
đến đây,
Để xin một mắt , lão ăn mày?
Đây phần thân thể người cao trọng,
Chúng bảo xa lìa khó lắm thay!
Các vần kệ sau là do hai vị ngâm để đối đáp với nhau:
Lão Bà la môn:
3- Su-ja Phu tướng, chính nơi đây,
Người gọi Ma-gha cũng hiệu này,
Ngài dạy lão về đây yết kiến,
Van nài cho được một mắt ngay.
4- Thí tài tối trọng đại, mong cầu
Chúa thượng ban già một bảo châu,
Xin chớ chối từ già một mắt,
Thí tài tối trọng, đứng hàng
đầu,
Như lời thế tục thường hay nói:
"Thật khó cho người dứt bỏ sao!"
Vua Sivi:
5- Ước nguyện làm ông đến tận đây
Trong lòng ông khởi ước như vầy,
Cầu mong nguyện ước kia thành tựu,
Đạo sĩ, cầm đôi mắt trẫm này!
6- Ông chỉ xin ta một mắt thôi,
Nhìn xem! Ta bố thí tròn đôi!
Hãy đi với nhãn quang hoàn hảo
Trước mắt nhìn theo của mọi người,
Vậy ước nguyện ông mong thực hiện
Giờ đây hẳn đã
đạt thành rồi!
Đức vua đã nói nhiều như thế. Song nghĩ rằng nếu ngài tự móc mắt của mình ra mà tặng ngay tại đó, vào lúc ấy, thì không thích hợp, nên ngài đem vị Ba la môn cùng vào nội cung với ngài, và khi ngự lên ngai vàng, ngài truyền lệnh triệu một vị phẫu thuật sư tên là Sivaka vào chầu. Rồi ngài phán:
- Khanh hãy lấy mắt trẫm ra.
Lúc bấy giờ cả kinh thành vang dậy nguồn tin rằng đức vua muốn cắt đôi mắt ngài ra để bố thí cho một lão Bà la môn. Sau đó vị đại tướng quân cùng với các viên quan khác và mọi người thân thuộc của vua, từ trong kinh thành lẫn hậu cung đều tề tựu cùng nhau và ngâm ba vần kệ để xin vua từ bỏ ý định trên:
7- Xin đừng cho mắt, tấu Minh quân!
Chúa thượng ôi, đừng bỏ chúng thần!
Bố thí san hồ, tiền, bảo ngọc,
Và nhiều vật khác quý vô ngần.
8- Cho bầy tuấn mã đủ yên cương,
Bảo kéo đoàn xa giá xuống
đường,
Chúa thượng truyền xua đoàn bảo tượng
Cân đai tuyệt mỹ rặt toàn vàng.
9- Các vật này xin Chúa thượng ban,
Chúng thần mong hộ chúa bình an,
Toàn dân trung tín cùng xa pháp,
Tề tựu quanh vương vị xếp hàng.
Vua lập tức đáp lời, ngâm ba vần kệ:
10- Tâm kẻ muốn ban bố, phát nguyền,
Về sau lại thấy chẳng trung kiên,
Cổ mình tự đặt vào thòng lọng
Che dấu nằm sâu dưới đất liền.
11- Tâm nào đã thệ nguyện thi ân,
Sau lại thấy lòng chẳng thuỷ chung,
Thật lỗi lầm hơn là tội ác,
Phải đày đọa ngục Dạ ma cung.
12- Đừng cho gì nếu chẳng ai xin,
Cũng chớ cho ai thứ chẳng thèm,
Vậy vật này đây hành khất muốn
Cầu xin, trẫm bố thí ngay liền.
Lúc ấy triều thần vừa hỏi:
- Vậy Chúa thượng ước nguyện điều gì khi bố thí cặp mắt của Chúa thượng?
Họ vừa ngâm vần kệ:
13- Thọ mạng, sắc, quyền lực, lạc hoan,
Đâu là phần thưởng, tấu Minh quân?
Lực nào thúc dục Ngài hành động,
Chúa thượng Sivi của quốc dân,
Sao lợi gì cho đời kế vậy,
Ngài đành bỏ cặp mắt mình vàng?
Vua đáp hội chúng qua vần kệ:
14- Như vậy, trong khi muốn cúng dường,
Đích ta chẳng nhắm đạt vinh quang,
Nhiều con, nhiều của, nhiều vương quốc,
Để nắm quyền cai trị thế gian.
Đây chính là con đường Thánh thiện,
Từ xưa của các bậc Hiền nhân;
Tâm ta nồng nhiệt hằng mong ước
Đem mọi thí tài để phát ban.
Trước lời lẽ của bậc Đại sĩ, quần thần không đáp được nữa, vì thế bậc Đại sĩ ngâm kệ bảo Sivaka, vị phẫu thuật sư:
15- Bạn hiền, chí thiết, Sivaka,
Xin hãy làm theo lệnh của ta,
Bạn có đầy tài năng kỹ xảo,
Xin đem liền cặp mắt ta ra,
Vì đây là chính
điều tâm nguyện,
Và tặng vào tay khất sĩ già.
Song Sivaka đáp:
- Tâu Chúa thượng , xin Chúa thượng suy nghĩ lại. Đem cho cặp mắt không phải là chuyện tầm thường đâu!
- Này Sivaka, trẫm đã suy xét kỹ rồi. Xin đừng trì hoãn hay nói chuyện gì nhiều trước mặt trẫm nữa.
Lúc ấy Sivaka suy nghĩ: "Một phẫu thuật sư như ta lại lấy lưỡi dao đâm thủng cặp mắt một bậc quân vương thật chẳng hợp lý tí nào". Vì vậy vị ấy giã một ít cây thuốc, chà xát một đóa sen xanh với thứ bột ấy rồi xoa khắp lên mắt phải của vua; con mắt liền đảo lộn tròng, hết sức đau đớn.
- Tâu Đại vương, xin ngài hãy suy nghĩ kỹ, hạ thần có thể làm cho mắt bình phục được ngay.
- Này hiền hữu, cứ làm tiếp đi, xin đừng trì hoãn nữa.
Vị ấy lại xát thứ bột kia vào mắt và xoa bóp cho thuốc thấm: con mắt bật ra khỏi lỗ, nỗi đau đớn lại càng khốc liệt hơn trước nữa.
- Tâu Đại vương, xin ngài hãy suy nghĩ lại, ha thần vẫn có khả năng phục hồi con mắt ngài như cũ.
- Khanh hãy làm việc nhanh lên!
Lần thứ ba, vị phẫu thuật sư xoa một thứ bột mạnh hơn nữa và xát vào; nhờ công hiệu của thuốc này, con mắt đảo lộn và lăn ra ngoài lỗ mắt, dính lủng lẳng ở đầu sợi dây gân.
- Tâu Đại vương, xin ngài hãy suy nghĩ lần nữa, nay hạ thần vẫn có thể phục hồi con mắt lại như trước.
- Thôi nhanh lên.
Nỗi đau đớn đến tột độ, máu chảy từng giọt, hoàng bào của vua vấy toàn máu đỏ. Đám cung tần cùng triều thần quỳ xuống kêu van:
- Tâu Chúa thượng, xin đừng hy sinh đôi mắt của Chúa thượng.
Cả đám người kêu gào thắm thiết. Vua cố chịu đựng đau đớn và bảo:
- Này hiền hữu, hãy nhanh lên.
- Xin vâng, tâu Chúa thượng.
Phẫu thuật sư đáp, tay trái cầm lấy tròng mắt, tay phải cầm dao cắt đứt sợi gân và đặt con mắt vào bậc Đại Sĩ.
Ngài nhìn con mắt phải ấy bằng mắt trái vừa cố chịu đau vừa phán:
- Này Bà la môn hãy đến đây.
Khi vị Bà la môn đến gần, ngài nói tiếp:
- Nhãn quang Chánh giác còn thân thiết hơn nhãn quang này cả trăm lần, à không, cả ngàn lần kia. Đấy, các người đã hiểu lý do trẫm hành động như vậy.
Rồi ngài trao mắt cho vị Bà la môn, lão liền đưa tay ra đón lấy mắt đặt ngay vào chỗ mắt mình. Nhờ thần lực của vị ấy, con mắt dính chặt vào đó chẳng khác nào đóa sen xanh nở ra.
Khi bậc Đại Sĩ dùng mắt trái nhìn thấy con mắt kia trên mặt của vị Bà la môn, ngài kêu lớn:
- Ôi tốt lành thay là việc bố thí con mắt này của ta.
Rồi nỗi hân hoan sinh khởi trong tâm ngài làm rung động toàn thân ngay giây phút ấy, ngài lại bố thí luôn con mắt kia. Đế Thích Thiên chủ cũng đặt con mắt này vào lỗ mắt của mình và từ cung vua, Thiên chủ ra đi, sau đó rời kinh thành trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người nhìn theo, rồi trở về Thiên giới.
Để giải thích việc này, bậc Đại Sĩ ngâm một vần kệ rưỡi:
16- Si vi chúa tể giục Si va
Hoàn tất tâm nguyện của đức vua,
Trao tặng Bà la môn tài thí vật,
Y sư lấy cặp mắt ngài ra,
Bà la môn có liền đôi mắt,
Chúa thượng giờ đây phải tối lòa.
*
Chẳng bao lâu, đôi mắt vua bắt đầu mọc lại, trong lúc chúng xuất hiện từ từ, và trước khi lên đến đỉnh cao của hai lỗ mắt, một cục thịt lớn dần bên trong lỗ như thể trái cầu bằng lông thú, tựa hồ đôi mắt trên hình đứa trẻ nhồi bông, song nỗi đau đớn đã chấm dứt. Bậc Đại Sĩ an nghỉ trong cung thất ít ngày.
Sau đó ngài suy nghĩ:" Một kẻ mù lòa còn dính líu gì đến việc trị nước nữa. Ta muốn giao quốc độ cho các triều thần, rồi vào ngự viên thành kẻ khổ hạnh, sống đời thanh tịnh".
Ngài liền triệu tập quần thần, nói cho hội chúng nghe những việc ngài dự định làm. Ngài phán:
- Một người sẽ ở bên ta để rửa mặt, chăm sóc ta làm những gì cần thiết và phải buộc một sợi dây để dắt ta đi về nơi ẩn dật.
Sau đó ngài truyền gọi viên quan lái xe của ngài đến và ra lệnh cho người ấy chuẩn bị vương xa. Song triều thần không muốn ngài ra đi bằng xe ngựa, họ đưa ngài lên đường trong chiếc kiệu bằng vàng và đặt ngài xuống bên cạnh bờ hồ, đứng vây quanh ngài, canh phòng cẩn thận xong lại ra về. Còn vua ngồi trong kiệu suy nghĩ đến việc bố thí của mình.
Lúc ấy chiếc ngai của Sakka (Đế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Thiên chủ xem xét và nhận thấy lý do kia: "Ta sẽ ban thưởng vua một điều ước", ngài suy nghĩ, "và làm đôi mắt của vua bình phục trở lại".
Vì thế Thiên chủ đến chỗ ấy. Khi không còn cách xa bậc Đại Sĩ mấy, Thiên chủ cất bước đi đi lại lại quanh đó.
*
Để giải thích việc này, bậc Đạo Sư ngâm các vần kệ sau:
17- Vài ngày qua cặp mắt vừa lành,
Bình phục dần nên lại hiện hình,
Đại đế Sivi nuôi quốc độ
Triệu quan điều ngự của riêng mình;
18- "Ngự quan, chuẩn bị chiếc vương xa,
Rồi đến đây trình báo với ta,
Ta muốn vào khu rừng, thượng uyển,
Đầy hồ sen súng mọc chen hoa".
19- Quan đặt vua vào chiếc kiệu hoa,
Và đây, dừng kiệu ở bên bờ,
Su-ja Phu tướng, ngài Thiên chủ,
Xuất hiện, chính là Đại Sakka.
- Ai đó?
Bậc Đại Sĩ kêu lên khi ngài nghe tiếng bước chân kia. Đế Thích Thiên chủ liền ngâm vần kệ:
20- Chính ta là Thượng đế Sakka,
Ta đến đây tham kiến nhà vua,
Hãy chọn hồng ân, này Thánh chúa,
Điều gì ngài ước, nói cùng ta.
Vua đáp lời qua vần kệ khác:
21-Sinh lực, kho vô tận, bảo châu,
Ta đều bỏ lại hết đằng sau,
Thiên hoàng, ta chẳng mong gì nữa
Trừ chết, vì ta có mắt đâu!
Sau đó Thiên chủ hỏi:
- Này Đại vương Sivi, ngài cầu mong cái chết vì ngài muốn chết hay vì ngài mù lòa?
- Tâu Thiên chủ, vìỉ ta mù lòa.
- Này Đại vương, tài vật bố thí tự nó không phải là hoàn toàn đầy đủ ý nghĩa, mà nó phải được bố thí với một cái nhìn hướng về đời sau. Tuy thế, vẫn còn có duyen cớ liên quan đến cuộc đời hiện tại này. Trước đây, người kia xin ngài chỉ một mắt, ngài lại cho cả hai, vậy ngài hãy phát nguyện nói lời Chân thật về việc đó.
Rồi Thiên chủ ngâm kệ:
22- Chúa tể của loài lưỡng túc nhân,
Hãy nguyền nói đúng lẽ toàn chân,
Nếu ngài tuyên bố lời chân thật,
Đôi mắt ngài nay sẽ phục hoàn.
Nghe lời này, bậc Đại sĩ đáp:
- Tâu Thiên chủ, nếu ngài muốn ban cho trẫm con mắt thì xin đừng cố tìm phương tiện gì khác nữa, mà hãy làm cho mắt trẫm phục hồi như là kết quả hạnh bố thí của trẫm thôi.
Thiên chủ bảo:
- Này Đại Vương, dù ta được chúng gọi là Đế Thích, Chúa tể chư Thiên, ta cũng không thể đem con mắt cho ai được cả; tuy thế, nhờ thiện quả từ hạnh bố thí của Đại vương, chứ chẳng phải do việc gì khác, mà mắt của Đại vương sẽ được phục hồi đó thôi.
Tiếp theo, vua ngâm kệ xác nhận việc bố thí của mình đã được thực hiện tốt đẹp chân chánh:
23- Loài nào bất kể, muốn cầu ân,
Hễ có ai nài nỉ lại gần,
Ai đến bất kỳ, xin bố thí,
Lòng ta cũng thấy thật thương thân:
Nếu lời Đại nguyện này chân thật,
Cầu mắt ta nay sẽ hiện dần.
Ngay khi ngài vừa thốt những lời này, một con mắt của ngài xuất hiện ra trong lỗ mắt. Sau đó ngài ngâm đôi vần kệ để xin phục hồi con mắt kia:
24-Một đạo sĩ kia đến viếng ta,
Chỉ cần xin một mắt thôi mà,
Ta đà đem trọn đôi con mắt,
Bố thí La môn khất sĩ già.
25- Hoan hỉ càng nhiều, lạc thọ tăng,
Chính hành động ấy đã ban phần,
Nếu lời Nguyện ước này Chân thật,
Mong được mắt kia cũng phục hoàn.
Lập tức con mắt thứ hai xuất hiện, song đôi mắt này không phải là tự nhiên hay của thần linh nào. Con mắt do Đế Thích Thiên chủ giả dạng Ba la môn ban cho, không thể là con mắt tự nhiên mà có được, ta phải hiểu như vậy; còn về phương diện khác, thì một con mắt thần linh không thể hóa hiện ra bất cứ sinh vật nào đã bị thương tật. Nhưng thật sự cặp mắt này được gọi là Nhãn quang Toàn chân và Tối thắng.
Vào lúc chúng xuất hiện, toàn thể triều thần tề tựu lại nhờ thần lực của Đế Thích Thiên chủ; và Đế Thích Thiên chủ đứng giữa hội chúng, cảm hứng ngâm đôi vần kệ tán thán đức vua:
26- Đại đế Sivi bảo dưỡng dân!
Bài ca thánh thiện của Minh quân
Cho ngài được hưởng phần ân huệ
Vô giá này, đây cặp mắt thần.
27- Xuyên qua tường, núi, đá, đồng bằng,
Bất cứ vật gì đứng cản ngăn,
Đôi mắt ngài đây đều thấy suốt
Khoảng chừng trăm dặm ở mười phương.
Khi ngâm kệ xong, ngài vụt đứng trên không trước hội chúng này cùng với lời khuyến giáo bậc Đại Sĩ phải tỉnh giác tu tập, rồi Thiên chủ trở về Thiên giới.
Còn bậc Đại Sĩ được đám tùy tùng vây quanh, ngự xa giá về kinh thành trong cảnh uy nghi trọng thể và ngài bước vào cung điện mệnh danh Candaka hay Khổng tước Nhãn (Con mắt chim công)
Nguồn tin đức vua đã được phục hồi cặp mắt vang dậy khắp vương quốc Sivi. Toàn dân tập họp lại để yết kiến ngài cùng với các cống vật trong tay. Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Giờ đây hội chúng này đã tụ họp đông đủ, ta sẽ tán thán việc bố thí vừa rồi đã làm". Ngài truyền lệnh dựng lên một ngôi đình ngay cổng thành, nơi đó ngài ngự trên môt vương toạ với chiếc lọng trắng hoàng gia che trên đầu ngài, triệu tập các hội đoàn, dân chúng, quân sĩ lại; rồi ngài phán:
- Này dân chúng Sivi, nay các người đã nhìn thấy cặp thiên nhãn này thì đừng có bao giờ ăn thứ gì mà không đem bố thí đi một ít!
Rồi ngài ngâm bốn vần kệ tuyên thuyết Pháp lành:
28. Nếu mình được gợi ý thi ân,
Nào ai có từ chối được chăng,
Dù đó là phần cao quý nhất,
Của mình, bảo vật giá vô ngần
29- Dân chúng Sivi hội họp đoàn,
Đến đây, nhìn cặp mắt trời ban!
Xuyên qua tường đá , đồi, thung lũng
Bất cứ vật gì đứng cản ngăn
Đôi mắt ta đều trông thấy suốt
Một trăm dặm trải khắp mười phương
30- Từ bỏ thân mình giữa thế nhân
Là điều cao quý nhất trên trần,
Ta đem bố thí mắt phàm tục,
Nên được trời cho cặp mắt thần.
31- Dân chúng này xem, hãy phát ban,
Nhường phần cho kẻ khác khi ăn,
Nếu làm việc ấy đầy tâm thiện,
Người sẽ sinh thiên chẳng lỗi lầm.
Đức vua thuyết Pháp qua bốn vần kệ này, và về sau cứ mỗi nửa tháng, vào ngày Trai giới, và mỗi ngày rằm ngài lại thuyết Pháp qua các vần kệ trên liên tục trước đám dân chúng đông đảo quây quần. Nghe lời ấy, dân chúng bố thí và làm nhiều thiện sự, cho nên đã đi lên gia nhập hội chúng cõi trời thật đông đúc.
*
Sau khi bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoại này Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỳ kheo, các bậc trí nhân ngày xưa không thỏa mãn việc bố thí ngoại tài, nên đã bố thí cho bất cứ người nào ngẫu nhiên đến xin chính cả đôi mắt của mình lấy từ đầu ra nữa.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
-Vào thời ấy Ànanda là phẫu thuật sư Sivaka, Anuruddha (A-na-luật-đà) là Thiên chủ Đế Thích, hội chúng của đức Phật là toàn dân và Ta chính là vua Sivi.
-ooOoo-
500. Chuyện Thần Nữ Cát Tường (Tiền thân Sirimanda)
Chuyện Thần nữ Cát Tường này sẽ được kể đầy đủ trong chuyện Đường Hầm Lớn (Mahà-Ummagga) số 546.
-ooOoo-
501. Chuyện Lộc Vương Rohanta (Tiền thân Rohanta Miga)
Hãi kinh thần chết hỡi Citta.....
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm ( Veluvana) về Tôn giả Ànanda (A-nan) đã hy sinh tính mạng mình.
Sự hy sinh này được miêu tả trong chương XXI, số 553. Tiền thân Culla-Hansa, tập V. Chuyện Điều phục con voi Dhanapàla (Tài hộ). Sau khi Tôn giả đã hy sinh tính mạng mình vì bậc Đạo Sư, Tăng chúng bàn tán việc ấy trong Chánh pháp đường.
- Này Hiền giả, Tôn giả Ànanda, sau khi đạt tri kiến đầy đủ về con đường tu tập Giáo pháp, đã hy sinh tính mạng mình vì đấng Thập lực (Dasabala: danh hiệu của đức Phật).
Bậc Đạo Sư bước vào, hỏi Tăng chúng nói chuyện gì trong khi ngồi tại đó. Tăng chúng trình bày với Ngài. Ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên vị ấy hy sinh tánh mạng vì Ta, mà trước kia cũng đã làm như vậy.
Rồi Ngài kể cho hội chúng nghe một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Ba la nại, chánh hậu của vua tên là Khemà (Thái Hòa). Thời ấy Bồ Tát được sinh làm con Hươu ở vùng Tuyết Sơn có màu da vàng óng ả tuyệt đẹp, và em trai của Ngài là Citta Miga hay Hươu sao, và em gái ngài là Sutanà cũng có màu da như thế. Bấy giờ bậc Đại Sĩ có tên Rohanta làm chúa tể đàn hươu lớn. Vượt băng ngang qua hai rặng núi, vào đến rặng thứ ba, ngài sống ở bên hồ Rohanta và được cả bầy hươu nai tám mươi ngàn con vây quanh hầu hạ. Thời ấy ngài phải phụng dưỡng song thân ngài già cả mù lòa.
Bấy giờ một người thợ săn ở trong một làng săn gần Ba la nại đến vùng Tuyết Sơn và chợt thấy bậc Đại Sĩ. Lão trở về làng mình và vào lúc lâm chung, lão dặn con trai:
- Này con, ở một nơi nọ trong vùng đất cha săn bắn, có một con hươu màu vàng ròng, nếu bao giờ đức vua chợt phán hỏi thì con hãy xin phép tâu trình với ngài về chuyện đó.
Một ngày kia hoàng hậu Khemà, trong một giấc mộng về sáng, nằm mơ thấy cảnh như vầy: Một con hươu màu vàng ròng ngồi trên một chiếc kim đôn thuyết pháp cho hoàng hậu nghe bằng giọng nói ngọt ngào như mật, chẳng khác gì tiếng chuông ngân vang. Song trước khi bài giảng chấm dứt, con hươu đứng lên và chạy mất, bà giật mình tỉnh dậy và kêu to:
- Bắt lấy con hươu!
Đám nữ tỳ nghe tiếng bà kêu, bật cười ròn rã:
- Đây là cung thất đóng kín mọi cửa lớn lẫn cửa sổ, ngay cả một mảy gió cũng không lọt vào được, giữa lúc này mà lệnh bà gọi lớn bảo bắt con hươu kia!
Đến khi ấy bà mới biết đó chỉ là giấc mộng. Song bà tự nhủ: "Nếu ta bảo đó là giấc mộng thì đức vua sẽ không để ý. Nhưng nếu ta bảo đó là nỗi ước ao của một thai phụ thì ngài sẽ quan tâm lo lắng ngay. Vậy ta quyết phải nghe cho được lời thuyết Pháp của chính con hươu màu hoàng kim ấy!"
Sau đó bà liền nằm xuống giả vờ ngã bệnh. Vua bước vào:
- Này ái khanh có việc gì thế? Ngài hỏi.
- Ôi tâu Chúa thượng, đó chỉ là nỗi ao ước tự nhiên của thần thiếp.
- Thế ái khanh muốn điều gì?
- Thần thiếp ước ao được nghe lời thuyết Pháp của một con hươu màu hoàng kim chân chánh.
- Kìa ái khanh, điều ái khanh ao ước không hề có: chẳng bao giờ có con vật nào là loài hươu hoàng kim cả.
Bà đáp:
- Nếu thần thiếp không được như ý, thần thiếp sẽ phải chết ngay lập tức.
Bà liền quay lưng lại về phía vua và nằm im. Vua bảo:
- Nếu có một con vật như thế trên đời này thì nó sẽ được bắt về ngay.
Sau đó vua hỏi các triều thần và các Bà la môn như trong chuyện Tiền thân "Khổng tước" (số 129, tập I) để xem thử có loài vật nào là hươu hoàng kim chăng. Khi được biết là hiện có, ngài triệu tập các thợ săn vào và hỏi:
- Trong các người, ai đã từng thấy hoặc nghe nói về một con vật như thế chăng?
Con trai của lão thợ săn mà ta đã nói trên đây liền kể lại câu chuyện gã nghe được. Vua phán:
- Này ngươi, khi nào ngươi đem về cho trẫm con hươu kia thì trẫm sẽ ban thưởng ngươi rất trọng hậu, vậy ngươi hãy đi tìm kiếm nó và đem về đây.
Ngài bảo đưa tiền lộ phí cho gã và bảo gã lui ra. Người thợ săn tâu:
- Xin Chúa thượng đừng lo, nếu như tiểu thần không đem được con hươu ấy về thì tiểu thần cũng đem được bộ da nó về, nếu không đem được da thì cũng đem được lông nó về đây.
Sau đó người ấy trở lại nhà, đưa số tiền vua ban cho gia đình mình rồi ra đi vào rừng và trông thấy Lộc vương. Gã suy nghĩ: "Ta phải đặt bẫy ở đâu để bắt hươu đây?" Gã thấy ngay cơ hội tốt ở chỗ hươu nai uống nước. Gã kết một sợi dây bằng da thật chặt và đặt sợi dây vào một cái sào ở nơi mà bậc Đại Sĩ thường xuống để uống nước.
Hôm sau bậc Đại Sĩ cùng với tám mươi ngàn con hươu trong lúc tìm kiếm thức ăn, đi đến đó để uống nước tại bến sông thường lệ. Ngài vừa đặt chân xuống liền bị kẹt ngay vào dây thòng lọng. Ngài suy nghĩ: "Nếu ta rống lên tiếng kêu bị nạn thì cả đàn hươu sẽ kinh hoàng chạy trốn mà không được ăn uống gì cả". Vì thế, mặc dầu ngài bị siết chặt ở đầu cây sào, ngài vẫn đứng giả vờ uống nước, như thể đang còn được tự do.
Khi tám mươu ngàn con hươu đã uống xong và bấy giờ chúng đã bước ra khỏi nước, ngài liền lắc mạnh cái thòng lọng ấy ba lần cố làm nó đứt ra. Lần đầu ngài làm rách da, lần thứ hai nó đâm sâu vào thịt và lần thứ ba làm giãn gân ra, vì thế cái thòng lọng siết tới tận xương tủy. Sau đó vẫn không thể nào phá đứt thòng lọng, ngài rống lên kêu bị nạn: cả bầy hươu kinh hoàng chạy thoát thân thành ba đàn lớn.
Citta Miga không tìm được bậc Đại Sĩ trong ba đàn ấy liền suy nghĩ: "Mối hiểm họa này vừa xảy ra cho bọn ta đã gieo xuống đại huynh của ta". Khi quay về, chú hươu em thấy ngài đã bị mắc bẫy thật chặt. Bậc Đại Sĩ chợt thấy em mình, liền kêu lên:
- Này hiền đệ, đừng đứng đây nữa, ở đây nguy hiểm lắm.
Rồi ngài ngâm kệ, thúc giục em chạy trốn:
1- Hãi kinh thần chết, hỡi Citta,
Cả đám hươu kia chạy thoát xa
Hiền đệ hãy
đi, vì bọn chúng
Cùng em sẽ sống, chớ chần chờ.
Ba vần kệ sau do anh em đối đáp nhau:
Citta:
2- Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng lìa anh tại nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rohanta:
3- Chẳng ai bảo dưỡng lại mù lòa,
Phải chết song thân, mẹ lẫn cha,
Em hãy về ngay cùng phụ mẫu,
Hỡi em đừng nấn ná gần ta.
Citta:
4- Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng rời anh ở nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rồi Citta đứng vững làm chỗ dựa cho Bồ Tát ở bên phải và cố làm vui vẻ để ngài phấn khởi tinh thần.
Còn Sutanà, là bé Hươu còn non tơ, cứ chạy quanh quẩn giữa bầy hươu, song không tìm thấy hai anh đâu cả, cô bé Hươu non suy nghĩ: "Chắc tai họa đã xẩy ra cho hai anh của ta rồi". Bé Hươu quay lại, đến chỗ hai anh và khi bậc Đại Sĩ thấy em gái tới, liền ngâm vần kệ thứ năm:
5- Hươu nhút nhát, mau chạy trốn xa,
Bạo tàn thòng lọng siết chân ta,
Hãy đi theo chúng đừng lưu luyến,
Em phải sống cùng với mẹ cha.
Ba vần kệ sau lại được hai anh em đối đáp như trên:
Sutanà:
6- Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Chẳng rời anh ở nơi này nữa,
Em sẵn sàng từ bỏ tấm thân.
Rohanta:
7- Chẳng ai bảo dưỡng lại mù lòa,
Phải chết song thân, mẹ lẫn cha,
Em hãy về ngay cùng phụ mẫu,
Hỡi em đừng nấn ná gần ta
Sutanà:
8- Em chẳng đi đâu, hỡi Lỗ hân,
Tim em đã kéo bước em gần,
Em liều mất mạng, song không thể
Bỏ mặc anh sa bẫy buộc chân.
Như vậy nàng Hươu non cũng không chịu nghe lời ngài, nên cứ đứng bên cạnh ngài mà an ủi vỗ về.
Bấy giờ người thợ săn thấy bầy hươu đã chạy trốn mất và nghe tiếng kêu của con vật mắc cạn:" Ắt hản là Hươu chúa đã bị lọt bẫy rồi!". Gã nói xong, nai nịt dây đai thật kỹ và chạy vội đi.
Bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ thứ chín, ngài vừa thấy gã đến:
9- Thợ săn hung dữ, dáo trong tay
Nhìn gã, kìa đang bước đến đây!
Rồi với mũi tên hay ngọn giáo,
Chúng mình, gã giết nội, ngày nay!
Citta không chạy trốn, dù chú hươu này cũng trông thấy gã thợ săn. Còn bé Sutanà không đủ mạnh dạn để đứng yên, cứ vẫn chạy loanh quanh vì sợ chết. Rồi nàng Hươu bé bỏng kia suy nghĩ: "Ta sẽ chạy thoát đi đâu nếu ta bỏ mặc các anh của ta?" Thế là cô nàng quay lại, dành chịu hy sinh tánh mạng, mặc cho tử thần ghi dấu trên đôi mày và đứng yên phía bên trái anh mình.
*
Bậc Đạo Sư ngâm vần kệ thứ mười để giải thích việc này:
10- Hươu non mềm yếu quá kinh hoàng,
Sợ hãi chạy quanh cố kiếm đường,
Rồi có hành vi đầy quyết liệt:
Vì nàng đành chịu phận
đau thương.
*
Khi người thợ săn đến nơi, gã thấy cả ba sinh vật này đứng bên nhau. Một ý tưởng từ mẫn thương xót nổi lên trong lòng, vì gã đoán chúng là anh em cùng một mẹ. Gã suy nghĩ: "Chỉ một mình Hươu chúa đàn bị mắc bẫy, còn hai Hươu kia thì bị ràng buộc bởi những mối liên hệ thương yêu tôn trọng mà thôi. Thế chúng có họ hàng gì với Hươu chúa chăng?" Gã hỏi câu ấy như vầy:
11- Đôi lộc dù không bị buộc chân,
Là ai, chầu chực cạnh tù nhân,
Không đành bỏ mặc chàng Hươu chúa,
Và chạy trốn đi để thoát thân?
Bồ tát liền đáp:
12- Em gái, em trai ấy thật là,
Cùng chung một mẹ đã sinh ra,
Không đành phận
được riêng mình sống,
Bỏ mặc ta trơ trọi đấy mà.
Những lời này lại làm cho tim gã mềm dịu xúc cảm tột độ. Lộc vương đệ Citta nhận thấy lòng gã thợ săn đã trở thành thân ái nhu hòa, liền nói:
- Này Hiền hữu thợ săn, hiền hữu đừng tưởng rằng đây là một con hươu tầm thường chứ không có gì khác, ngài đây chính là Lộc vương của tám mươi ngàn con hươu. Ngài đã sống đời đạo hạnh, có từ tâm đối với muôn loài và trí tuệ cao minh, ngài đã phụng dưỡng song thân nay đã già cả mù lòa. Nếu hiền hữu giết một bậc chân chánh như vậy, tức là giết chết song thân ta, em gái ta và ta nữa, luôn năm mạng tất cả. Còn nếu hiền hữu tha mạng ngài, là hiền hữu đem cuộc sống lại cho cả năm mạng ta đó.
Rồi Hươu này ngâm kệ:
13- Chẳng ai chăm sóc lại mù lòa,
Đành phải chết luôn cả mẹ cha,
Thiện hữu hãy tha năm mạng ấy,
Và xin thiện hữu thả anh ta.
Khi người thợ săn nghe lời thuyết giáo đầy hiếu thảo này, lòng gã vô cùng hoan hỷ, gã đáp:
- Xin Chúa công đừng sợ.
Rồi gã ngâm kệ tiếp đáp lời:
14- Thôi được, này xem ta thả ra,
Chúa Hươu hiếu dưỡng mẹ cùng cha,
Khi nhìn con bảo toàn thân mạng,
Cha mẹ vui mừng sẽ múa ca.
Trong khi nói thế, gã suy nghĩ: "Nay ta còn thiết gì đến đức vua cùng các danh vọng ngài ban cho nữa? Nếu ta làm hại Hươu chúa này, thì hoặc là mặt đất sẽ há miệng ra nuốt chửng ta, hoặc là Thiên lôi sẽ giáng xuống đánh tan xác ta. Vậy ta quyết thả Hươu này thôi". Vì thế gã đến gần bậc Đại Sĩ, hạ cây sào xuống và cắt sợi dây da. Sau đó gã ôm lấy Hươu chúa vào lòng, đặt Hươu xuống gần mặt nước, nhẹ nhàng êm ái tháo gỡ nút dây thòng lọng ra khỏi chân Hươu, nối các đầu dây gân lại với nhau, làm kín vết thương trên da thịt cùng các mép da bị sây sát, lấy nước rửa sạch máu, rồi cứ thoa bóp Hươu khắp mình mẩy một cách đầy thương xót.
Nhờ uy lực của lòng thân ái kia cùng với công hạnh viên mãn của bậc Đại sĩ, nên toàn thân ngài bình phục như trước, đủ gân cổ, da, thịt, lông tơ và da non bao phủ cẳng chân, nên không ai đoán biết được chỗ nào Hươu đã bị trọng thương cả. Bậc Đại Sĩ đứng tại đó và tràn ngập hạnh phúc trong lòng, Citta nhìn ngài vô cùng hoan hỷ nên ngỏ lời cảm tạ người thợ săn qua vần kệ này:
15- Chú thợ, cầu mong phước lộc tràn,
Ước ao hạnh phúc cả thân bằng,
Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm
Đại lộc vương nay được thoát nàn.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Phải chăng vì tự ý mà người thợ săn đánh bẫy ta, hay do lệnh của một ai khác?". Và ngài hỏi nguyên nhân bắt hươu này. Người thợ săn đáp:
- Tâu Chúa công, kẻ hèn này không có liên can gì đến Chúa công cả, chính vương hậu Khemà của đức vua ước mong nghe ngài thuyết giảng Chánh pháp, cho nên kẻ hèn này đã đánh bẫy ngài theo lệnh vua truyền.
- Hiền hữu, bạn đã dám cả gan thả ta ra ư? Mau lên, đưa ta vào yết kiến đức vua, rồi ta sẽ thuyết giáo trước mặt hoàng hậu.
- Quả thật, tâu Chúa công, các vua chúa thường ác độc lắm. Làm sao ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Kẻ hèn này chẳng màng thứ công danh gì mà đức vua có thể ban cho mình đâu; vậy ngài hãy ra đi nơi nào như ý.
Nhưng bậc Đại Sĩ lại suy nghĩ rằng gã thả ngài ra là một việc qúa liều lĩnh, nên ngài phải tìm cơ hội cho gã đạt vinh quang danh vọng đã được vua hứa hẹn trước ấy. Vì thế ngài bảo:
- Này hiền hữu, hãy lấy tay xát mạnh vào lưng ta.
Gã làm y lời, bàn tay gã liền dính dầy lông tơ vàng óng.
- Tâu Chúa công, kẻ hèn này sẽ làm gì với đám lông tơ này đây?
- Này hiền hữu, hãy đem chúng về trình lên đức vua cùng hoàng hậu, tâu các ngài rằng đây là đám lông tơ của Hoàng kim Lộc vương kia, rồi hãy thay mặt ta thuyết giáo cho hai vị ấy nghe các lời kệ mà ta sắp ngâm đây. Khi hoàng hậu nghe lời hiền hữu như thế là cũng đủ làm thỏa mãn niềm khát khao của hoàng hậu rồi.
- Tâu Lộc vương, xin ngài hãy thuyết Pháp.
Người thợ săn nói và Hươu chúa dạy cho gã mười vần kệ về đời sống Thánh hạnh, trình bày Ngũ giới đức và bảo gã ra đi với lời dặn dò khuyên nhủ gã phải tỉnh giác hộ phòng.
Người thợ săn cư xử với bậc Đại Sĩ như cách người ta đồn đãi tôn trọng một bậc thầy vậy. Gã đi diễu quanh ngài ba lần hướng về phía hữu, đảnh lễ bốn lần rất cung kính và gói ghém đám lông tơ vàng ấy trong ngọn lá sen rồi ra đi.
Ba anh em chúa Hươu tiễn đưa gã đi một đoạn đường . Sau khi ăn uống xong, ba vị liền trở về với cha mẹ.
Song thân vội hỏi ngài:
- Này con yêu Rohanta, cha mẹ đã nghe con bị bắt, làm sao con trở về được tự do đây?
Hai vị hỏi qua vần kệ:
16- Làm thế nào con được tự do,
Khi đời con suýt dứt đường tơ?
Sao người săn nọ cho con thoát,
Chiếc bẫy giăng kia đã phỉnh lừa?
Bồ tát ngâm ba vần kệ đáp lời:
17- Citta đã giải thoát cho con
Bằng những lời rung động tâm hồn,
Mê mẩn đôi tai, xuyên thấu dạ,
Lời đưa trong sáng thật du dương.
18- Suta đã giải thoát cho con,
Bằng những lời rung động tâm hồn,
Mê mẩn đôi tai, xuyên thấu dạ,
Lời đưa trong sáng thật du dương.
19- Chú thợ kia đã giải thoát con,
Khi nghe lời nói thật mê hồn,
Thấm sâu tâm trí, xuyên vào dạ,
Lời lẽ thanh tao dịu ngọt tuôn.
Song thân của ngài bày tỏ lòng cảm ơn bằng một vần kệ:
20- Ta chúc người, gia quyến, vợ con,
Cầu mong các vị phước duyên tròn,
Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm
Nay chúa Lỗ hân được thoát nàn.
Bấy giờ người thợ săn ra khỏi rừng đi về yết kiến vua, gã đảnh lễ ngài và đứng chầu một bên. Khi vua trông thấy gã liền bảo:
21- Lạp hộ, mau lên , nói trẫm hay,
Nhà ngươi có phải muốn thưa vầy
"Tâu hoàng thượng, tấm da hươu chúa,
Nay tiểu thần dâng ngự lãm ngay".
Hoặc giả da hươu ngươi chẳng có
Để dâng, vì cớ sự gì
đây?
Thợ săn:
22- Chúa Hươu đã
đến tận tay rồi
Vào bẫy nằm sâu kín của tôi.
Bị bắt liền, song đôi lộc khác
Thong dong chầu chực một bên ngài.
23- Xót thương, thần rợn cả làn da
Từ mẫn lạ thường mới khởi ra:
"Nếu giết Hươu này (thần nghĩ ngợi),
Đời thần ắt cũng hóa ra ma!"
Nhà vua:
24- Lạp hộ, bầy hươu ấy thế nào,
Phong tư, cốt cách chúng ra sao,
Màu lông, đặc tính gì trong chúng
Xứng đáng lời kia tán tụng cao?
Vua cứ hỏi đi hỏi lại câu này mãi như thể một người tràn đầy kinh ngạc. Gã thợ săn đáp lời qua vần kệ:
25- Đôi sừng như bạc, dáng cao sang,
Với bộ lông da sáng rỡ ràng,
Chân đỏ, mắt ngời sao chói lọi,
Toàn thân tuyệt mỹ giữa trần gian.
Trong lúc ngâm kệ, gã vừa đem đặt vào lòng bàn tay vua một nắm lông tơ vàng ánh của bậc Đại Sĩ và qua một vần kệ khác, gã trình bày sơ lược đặc tính của các Hươu này:
26- Phong tư, cốt cách chúng như vầy,
Tâu Chúa công, là đám lộc này,
Chúng vẫn tìm mồi nuôi phụ mẫu,
Thần không đem được chúng về đây.
Qua những lời này, gã miêu tả các đức tính của bậc Đại Sĩ, của chú Hươu em Citta và cô bé Hươu non Sutanà, rồi nói thêm điều này:
- Tâu Đại vương, Hươu chúa cho tiểu thần một nắm lông, lại bảo thần thay thế địa vị ngài mà thuyết Pháp trước Hoàng hậu qua mười vần kệ về đời sống theo Thánh hạnh.
Trong lúc gã thợ săn vừa ngồi trên bảo tọa bằng vàng, gã thuyết Pháp lành qua mu+o+fi vần kệ này:
(Theo bản kinh Miến Điện, vua đặt gã thợ săn lên chiếc vương tọa được chạm cẩn với bảy loại châu báu; còn chính vua cùng hoàng hậu ngồi trên một bảo tọa thấp hơn, đặt ở một bên, rồi cung kính đảnh lễ, thỉnh cầu gã thuyết giảng. Người thợ săn thuyết giảng pháp lành như vầy:)
27- Tâu Hoàng thượng, đối với song thân,
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường.
28- Với đàn thê tử, tấu quân vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường
29- Đại vương với thân hữu quần thần
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường.
30- Trong bước lãng du, hoặc chiến trường,
Thực hành đường lối sống thuần lương,
Vì nhờ sống cuộc đời chân chánh,
Thiên giới sẽ về, tấu Đại vương
31- Trong làng, thị trấn, tấu quân vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường.
32- Mọi miền quốc độ, tấu Quân vương
Xin thực hành đường lối chánh chân,
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường
33- Với các Sa môn, Bà la môn,
Thực hành đường lối sống hiền nhơn,
Vì nhờ sống cuộc đời chân chánh
Thiên giới sẽ về , tấu Đại vương!
34- Với loài cầm thú, tấu Quân Vương,
Xin thực hành đường lối chánh chân
Nhờ vậy sống theo đời đức hạnh,
Đại vương sẽ đến cõi Thiên
đường.
35- Xin thực hành chân chánh Đại vương
Từ đây nguồn hạnh phúc tuôn tràn,
Nhờ đi theo cuộc đời chân chánh
Chúa thượng sẽ lên cõi ngọc đường
36- Hộ phòng tỉnh giác, tấu Quân vương
Tiến bước trên đường lối thiện lương,
Thiên chủ, chư Thiên cùng giáo sĩ,
Từ lâu đã đạt cõi Thiên đường.
37- Ngàn xưa đây chính các phương ngôn,
Đi đúng theo đường lối trí nhân,
Thiên nữ được tràn
đầy hạnh phúc,
Tự mình thăng tiến cõi Thiên
đường.
Người thợ săn đã thuyết Pháp như trên, theo cách bậc Đại Sĩ đã giảng bày cho gã với tài năng của một bậc Giác Ngộ, chẳng khác nào người đem từ bầu trời xuống trần thế cả giải Thiên hà kia. Hội chúng gồm đủ ngàn giọng nói đồng reo hò tán thán. Lòng khát khao của Hoàng hậu đã được thỏa mãn lúc bà nghe lời thuyết Pháp ấy.
Vua đầy hoan hỷ liền ngâm các vần kệ này, khi ngài ban thưởng người thợ săn đại vinh hoa phú quý:
38- Nạm ngọc vòng tai, trẫm muốn ban,
Tặng khanh cùng với sáu cân vàng,
Xinh tươi, bảo tọa như hoa tấm
Với nệm nằm chen cả bốn hàng.
39- Hai vợ cùng giai cấp xứng đôi,
Trâu bò thường đúng một trăm rồi
Trẫm nguyền sẽ trị dân công chính
Mãi mãi, ân nhân của trẫm ôi!
40- Cho vay, cày ruộng hoặc kinh doanh,
Hễ đó là nghề nghiệp của khanh,
Trẫm thấy khanh không làm việc ác,
Song nhờ đó cấp dưỡng gia đình.
Khi nghe vua nói những lời này, người ấy đáp:
- Tiểu thần không có nhà cửa hay gia đình gì nữa, xin Chúa thượng cho phép tiểu thần được làm ẩn sĩ khổ hạnh.
Sau khi được vua chấp thuận, người ấy đem mọi vật vua ban thưởng trọng hậu ấy về cho vợ con, gia đình, xong rồi lại ra đi lên vùng Tuyết Sơn, nơi đây người ấy sống theo đời khổ hạnh, tu tập tám Thiền chứng và được sinh lên cõi Phạm Thiên.
Còn vua vẫn tuân hành lời giáo huấn của bậc Đại Sĩ, nên về sau lên cộng trú với hội chúng chư Thiên dục giới. Lời giáo huấn ấy tồn tại cả ngàn năm sau nữa.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư bảo:
- Như vậy, này các Tỳ kheo, xưa kia cũng như bây giờ, Ànanda hy sinh tính mạng vì Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ Channa (Xa nặc) là người thợ săn, Sàriputta ( Xá Lợi Phất) là vua, một Tỳ kheo ni là hoàng hậu Khemà, hai người trong hoàng tộc là mẹ cha của chúa Hươu, Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) là Sutanà, Ànanda la Citta, dòng họ Sàkya ( Thích Ca) này là đàn hươu tám mươi ngàn con, và Ta chính là Lộc vương Rohanta.
-ooOoo-
502. Chuyện Chúa Thiên Nga (Tiền thân Hamsa)
Kìa đám hằng nga cất cánh bay....
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm, về việc Tôn giả Ànanda hy sinh tính mạng.
Lúc ấy Tăng chúng đang bàn luận trong Chánh pháp đường về các đức tính của Tôn giả này thì bậc Đạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì tại đó. Rồi ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda từ bỏ tánh mạng vì ta, mà xưa kia cũng đã làm như thế.
Và Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ có một vị vua ngự trị tại thành Ba la nại mệnh danh là Bahuputtaka hay là Thân phụ của nhiều Vương tử và chánh cung hoàng hậu của ngài là Khemà (Thái Hòa).
Thuở ấy, bậc Đại Sĩ sống trên đỉnh núi Cittakuta, ngài là chúa tể của chín mươi ngàn Thiên nga, sau khi được sinh làm chim Thiên nga với màun lông vàng ánh.
Thuở ấy như đã thuật trước đây, chánh hậu nằm mộng và tâu vua rằng bà đã mang nỗi khát khao của một thai phụ muốn nghe một chim Kim nga thuyết Pháp. Khi vua hỏi xem có loài vật nào như chim Kim nga chăng, và ngài được báo tin là hiện có loài ấy trên núi Cittakùta. Sau đó ngài bảo xây cái hồ đặt tên là Khemà, lại truyền lệnh trồng đủ loại ngũ cốc làm thực phẩm, hằng ngày rao truyền khắp tứ phương ban bố lệnh bảo vệ hồ ấy, rồi phái một thợ săn đến bắt Thiên nga.
Người này được phái đi cách nào, người ấy canh chừng chim muông ra sao, tin tức được tâu trình vua khi bầy Thiên nga được xuất hiện như thế nào, cái bẫy được giăng theo kiểu gì và bậc Đại Sĩ bị mắc vào bẫy, rồi Đại tướng Thiên nga Sumukha (Sư mục kha) không thấy Ngài trong ba đàn chim kia, liền trở về tìm ngài ra sao, tất cả chi tiết này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Mahàhamsa (Đại Thiên nga) số 534, tập VI, trong đó Chúa Thiên nga có tên Dhatarattha.
Bấy giờ ngay lúc bậc Đại Sĩ bị bắt vào thòng lọng và cây sáo, dù cho ngài đang treo lủng lẳng trong chiếc thòng lọng ở đầu cây sào, ngài cũng cố vươn cổ ra nhìn theo hướng bầy chim đã bay trốn mất và chợt thấy tướng Sumukha quay trở lại, ngài suy nghĩ: "Khi chim tướng đến đây, ta sẽ thử lòng chim tướng ấy xem sao". Vì thế khi chim kia đến, bậc Đại Sĩ ngâm ba vần kệ:
1- Kìa đám hồng nga cất cánh bay,
Cả bầy hốt hoảng hãi kinh đầy,
Đi ngay, Sư mục lông vàng óng,
Khanh muốn gì chăng ở chốn này.
2- Họ hàng ta đã bỏ rơi ta!
Bọn chúng đều cao chạy vút xa,
Đào tẩu ngay, không hề nghĩ lại,
Sao khanh đơn độc ở đây mà?
3- Thiên nga cao thượng hãy bay về,
Tù tội, thân không có bạn bè,
Lúc được tự do, Sư mục hỡi,
Bay đi! Đừng bỏ dịp may kề.
Nghe vậy, Tướng quân Sumukkha đáp lời lúc đang đậu trên vũng bùn:
4- Không, thần sẽ chẳng bỏ Nga vương,
Khi đến gần tai họa thảm thương,
Song ở lại đây, thần đã quyết
Bên ngài, dù sống chết không màng.
Như thế Sumukkha đã cất giọng sư tử hống và chúa chim Dhataratha đáp kệ này:
5- Những lời khanh nói thật anh hùng,
Đại tướng ôi, cao cả tấm lòng!
Vì muốn thử lòng hiền hữu đó,
Trẫm đà bảo bạn hãy phi thân!
Trong lúc hai vị đang trò chuyện với nhau như vậy, người thợ săn vừa tới nơi, cầm gậy trong tay, gã chạy như bay hết tốc lực. Sumukkha khuyến khích chúa chim Dhatarattha cho phấn khởi tinh thần, rồi bay ra đón người thợ săn, kính cẩn đề cao đức hạnh của chim chúa đàn. Lập tức tâm hồn người thợ săn trở nên nhu hòa. Sumukkha nhận thấy ngay điều này, liền quay lại, đứng cạnh chúa Thiên nga để khích lệ ngài phấn khởi tinh thần. Còn người thợ săn tiến đến gần chim chúa và ngâm vần kệ thứ sáu:
6- Bọn chúng đều co cẳng vút bay,
Bầy chim tung cánh giữa trời mây,
Thiên nga vương giả, sao chim chẳng
Trông thấy từ xa chiếc bẫy này?
Bậc Đại Sĩ đáp lại:
7- Khi đời sắp sửa phút lâm chung,
Giờ tử thần đang tiến lại gần,
Dù bạn đứng kề bên chiếc bẫy,
Cũng không thấy bẫy đặt, dây giăng!
Người thợ săn hài lòng với lời nhận xét của chim chúa, liền ngâm thêm ba vần kệ hỏi Sumukha:
8- Kìa đám hằng nga cất cánh bay,
Cả bầy hốt hoảng hãi kinh thay,
Còn Thiên nga có sắc vàng óng,
Bị bỏ rơi, còn nán đợi đây.
9- Cả đám hồng nga đã uống
ăn,
Rồi bay về hết, chẳng quan tâm,
Qua không gian chúng lao vùn vụt,
Và bỏ mặc chim chỉ một thân!
10- Có gì quan hệ với chim này,
Khi cả đàn ruồng rẫy vụt bay,
Dù được tự do, chim ở lại,
Một mình kết bạn với kẻ tù đây?
Sumukha đáp lời:
11- Chim chúa là đây, bạn chí tình,
Thiết thân như chính cuộc đời mình,
Bỏ ngài ư?- Chẳng bao giờ có,
Dù lúc tử thần gọi đích danh!
Nghe thế, người thợ săn vô cùng hoan hỷ và nghĩ thầm: "Ví thử ta làm hại các sinh vật đức hạnh như thế này, chắc chắn mặt đất sẽ há miệng ra và nuốt chửng ta đi mất. Ta còn thiết gì đến ân thưởng vua ban nữa? Ta quyết thả chúng ra thôi".
Rồi gã ngâm kệ:
12- Thấy rằng vì trọng nghĩa thân bằng,
Chim sẵn sàng từ bỏ tấm thân,
Ta thả chúa chim đồng mệnh ấy
Để cùng nhau khắp chốn
đằng vân.
Vừa nói lời này xong, gã kéo Nga vương Dhataratha xuống khỏi cây sào, nới lỏng dây thòng lọng ra và đem Thiên nga tới bờ hồ, rửa sạch máu trên thân chim với lòng đầy xót thương, rồi thoa bóp các bắp thịt cùng gân cốt bị trặc khớp lại cho đúng chỗ. Nhờ tâm từ ái của người thợ săn cùng uy lực các Công hạnh Viên mãn của bậc Đại Sĩ (Thập hạnh Ba la mật), nên lập tức chân ngài lành mạnh như trước, chẳng còn một dấu vết nào chứng tỏ ngài đã bị mắc bẫy cả. Tướng quân Sumukha chiêm ngưỡng bậc Đại Sĩ với lòng hân hoan và cảm tạ qua những lời này:
13- Lạp hộ, cùng thân hữu, họ hàng,
Cầu mong các vị phước ân tràn,
Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm
Chúa chim giờ đây thoát buộc ràng.
Khi người thợ săn nghe lời này, gã nói:
- Này hiền hữu, Ngài có thể bay đi rồi đấy.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ bảo gã:
- Thưa Hiền giả, thế ngài đã bắt ta theo ý riêng của ngài hay do lệnh một người khác?
Gã liền kể cho ngài nghe mọi sự. Chim chúa tự hỏi nên trở về núi Cittakuta chăng hay đi vào kinh thành kia. Ngài suy nghĩ: "Nếu ta vào thành, thì người thợ săn sẽ được vua ban thưởng, nỗi khao khát của hoàng hậu sẽ được thỏa mãn, tình bằng hữu của Sumukha sẽ được mọi người biết rõ, rồi cũng nhờ công đức trí tuệ của ta, ta sẽ được vua ban thưởng hồ Khemà như một đặc ân. Vậy ta vào thành thì hơn".
Quyết định xong ngài nói:
- Này thợ săn, bạn hãy mang chúng ta lên đòn gánh của bạn đưa vào yết kiến đức vua, và nếu ngài muốn, ngài sẽ thả ta ra.
-Này chúa chim ơi, tính vua chúa bạo tàn lắm, vậy các ngài cứ lên đường các ngài cho yên thân!
- Sao thế? Ta đã làm mềm lòng một thợ săn như Hiền giả, mà ta lại không chiếm được ân sủng của vua chúa kia ư? Cứ để việc ấy cho ta lo liệu, này bạn hữu, phần của ông bạn là mang chúng ta đến yết kiến đức vua.
Người ấy đành tuân lời.
Khi vua nhìn thấy đôi thiên nga, ngài rất đẹp ý. Ngài đặt đôi chim lên một cành đậu bằng vàng, bảo đem mật ong và hạt mễ cốc rang chín cùng nước đường lên mời đôi chim; sau đó ngài đưa đôi tay lên thỉnh cầu đôi chim thuyết Pháp. Nga vương thấy vua tha thiết nghe Pháp như thế, nên trước tiên ngài nói với vua bằng những lời lẽ nhu hòa êm ái.
Sau đây là các vần kệ trình bày câu chuyện giữa vua và Thiên nga chúa:
Thiên nga:
14- Đại vương, ngọc thể có khang an,
Quý quốc giờ đây có hưởng tràn
Hạnh phúc, giàu sang cùng thịnh vượng,
Và ngài trị nước thật công bằng!
Đức vua
15- Thiên nga, đây trẫm được khang an,
Và bổn quốc đây được vẹn toàn
Hạnh phúc, giàu sang cùng thịnh vượng,
Với nền cai trị thật công bằng.
Thiên nga:
16- Triều đình ngài chẳng phạm sai lầm,
Và đám quốc thù vẫn biệt tăm,
Bọn chúng chẳng bao giờ xuất hiện,
Khác nào bóng tối hướng Nam chăng?
Đức vua:
17- Triều thần trẫm chẳng thấy sai lầm,
Và đám quốc thù vẫn bặt tăm,
Bọn chúng chẳng bao giờ xuất hiện,
Khác nào bóng tối ở phương Nam!
Thiên nga:
18- Phải chăng chánh hậu cũng chung dòng,
Lời lẽ ôn nhu, biết phục tòng,
Diễm lệ, nhiều con, danh tiếng tốt,
Vâng chiều mọi Thánh ý chờ mong?
Đức vua
19- Thưa vâng, chánh hậu cũng chung dòng,
Lời lẽ ôn nhu, biết phục tòng,
Diễm lệ, nhiều con, danh tiếng tốt,
Vâng chiều mọi ý trẫm hằng mong!
Thiên nga:
20- Đại đế nuôi dân! Ngài có
đông
Hoàng nam được dưỡng dục oai phong,
Thông minh ứng đối, người nhu thuận,
Bất cứ việc gì cũng gắng công?
Đức vua:
21- Nga vương, trẫm có đủ hoàng nam,
Nổi tiếng một trăm lẻ một chàng,
Dạy bảo chúng làm tròn phận sự,
Chúng không bỏ dở các lời vàng.
Nghe điều này bậc Đại Sĩ khuyến giáo hội chúng qua năm vần kệ:
22- Kẻ hoãn trì cho quá muộn màng
Thiện hành mà chẳng gắng công làm,
Dù nhiều đức tính, dòng cao quý,
Cũng vẫn chìm sâu xuống dưới dòng.
23- Người kia tri kiến cứ tàn dần
Tổn hại lớn lao, nó lãnh phần
Như kẻ quáng gà vì bóng tối,
Khi nhìn mọi vật hóa phồng căng,
Gấp đôi tầm cỡ thường nơi chúng,
Vì có nhãn quang chẳng vẹn toàn.
24. Ai nhìn hư vọng thấy toàn chân,
Chẳng đạt chút nào trí tuệ thông,
Như thể trên đường đèo lởm chởm,
Bầy hươu nai vẫn té nhào lăn.
25. Nếu người nào dũng cảm can cường,
Đức hạnh mến yêu, giữ đúng đường,
Dù chỉ là người dòng hạ liệt,
Cũng bừng lên tựa lửa đêm trường.
26. Cứ dùng ngay ví dụ trên này
Chân lý hiền nhân, hãy giải bày,
Dưỡng dục hoàng nam thành bậc trí,
Như mầm non gặp lúc mưa đầy.
Bậc Đại sĩ đã thuyết giáo như vậy cho vua suốt đêm ròng. Lòng khao khát của hoàng hậu đã được thỏa mãn. Trước buổi bình minh, ngài an trú vào Thập vương pháp và khuyên nhủ vua tinh cần cảnh giác, sau đó, ngài cùng tướng quân Sumukha bay ra khỏi khung cửa sổ hướng Bắc về miền núi Cittakùta.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo sư bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, trước kia người này cũng đã hy sinh tính mạng vì Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Channa (Xa-nặc) là người thợ săn, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vua, một Tỷ-kheo-ni là hoàng hậu Khemà, bộ tộc Thích-ca (Sàkya) là đàn thiên nga, Ànanda là Sumukha và Ta chính là Thiên nga vương.
-ooOoo-
503. Chuyện anh vũ Sattigumba (Tiền thân Sattigumba)
Vua xứ Pãn-ca với đạo quân..,
Câu chuyện này bậc Đạo sư kể trong lúc trú tại Lộc-uyển Maddakucchi về Devadatta (Đề-bà-đạt-đa).
Khi Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá lớn và một mảnh đâm vào chân của đức Thế Tôn khiến chân ngài rất nhức nhối, nhiều nhóm Tăng chúng họp lại đến viếng đức Như Lai. Bấy giờ, lúc đức Thế Tôn thấy quần chúng tụ họp đầy đủ, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, nơi đây đông đảo lắm. Dân chúng sẽ tụ tập nhiều nữa. Vị nào hãy dùng cái cáng khiêng ta đến Maddakucchi.
Các Tỷ-kheo liền làm theo đúng như vậy. Còn Tôn giả Jìvaka chữa cho chân đức Như Lai bình phục. Khi ngồi trước bậc Đạo sư, Tăng chúng nói về chuyện này:
- Đề-bà-đạt-đa là một kẻ ác và toàn thể hội chúng của ông đều là bọn người ác, kẻ gây ác nghiệp thường thân cận với lũ ác nhân.
Bậc Đạo sư hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông nói chuyện gì vậy?
Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
- Đây không phải là lần đầu tiên, ác nhân Đề-bà-đạt-đa thân cận với bọn ác, mà xưa kia cũng vậy.
Sau đó Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, có một vị vua mệnh danh là Pancàla ngự trị trong kinh thành Uttarapancàla. Còn bậc Đại sĩ được sinh làm vương tử của Anh vũ vương trong khóm cây bông vải mọc trên cao nguyên giữa lòng một khu rừng rậm: nhà có tất cả hai anh em trai. Ngược chiều gió với vùng đồi núi này là một làng trộm cướp, có năm trăm tên cướp trú ngụ. Thuận chiều gió núi rừng lại là một vùng ẩn am với năm trăm vị hiền nhân.
Vào thời kỳ loài chim Anh vũ thay lông, một cơn lốc cuốn đi mất một chim Anh vũ và rớt vào làng trộm cướp kia, nằm giữa đống vũ khí của bọn cướp, và do chim rớt vào đó nên bọn chúng gọi nó là Sattigumba hay "Gươm giáo tua tủa". Còn con chim kia rơi vào am ẩn sĩ, giữa đám hoa mọc trên chỗ đất cát, vì lý do đó nó được đặt tên là Pupphaka hay Hoa điểu. Thế là chim Sattigumba lớn lên giữa bọn cướp, còn Pupphaka sống với các hiền nhân.
Một ngày kia, vua phục sức oai nghi sang trọng cầm đầu một đám tùy tùng đông đảo ngự trên vương xa lộng lẫy để đi săn hươu nai. Không xa kinh thành mấy, vua vào rừng cây xinh tươi tràn đầy hoa quả. Vua phán:
- Nếu kẻ nào để cho một con nai thoát đi do lỗi mình thì phải lãnh trách nhiệm ấy!
Sau đó vua xuống xa giá tìm nơi ẩn mình, đứng yên với cung trong tay, dưới túp lều dành cho ngài.
Bọn người xua dã thú, đập vào các bụi rậm để đuổi con mồi. Một con hươu liền vùng dậy tìm đường thoát thân, nó thấy một kẽ hở ở cạnh vua, liền chui lọt qua đó biến mất. Mọi người hỏi nhau:
- Ai đã để con hươu chạy thoát? Chính là đức vua rồi!
Nghe vậy cả bọn cười nhạo vua, và vì lòng tự kiêu ngài không chịu được trò đùa này:
- Nay ta phải bắt cho được con hươu!
Vua kêu lớn và nhảy lên xe.
- Nhanh lên!
Ngài bảo người quản xa và ngài vụt biến mất theo con hươu.
Vua đi nhanh quá khiến bọn kia không theo kịp ngài, chỉ có vua và viên quản xa, hai người này cứ tiến lên đến giữa trưa, song chẳng gặp hươu đâu cả. Sau đó vua trở lại và khi thấy cạnh làng bọn cướp có một thung lũng đẹp mắt, ngài đi xuống tắm rửa, uống nước rồi đi lên khỏi con suối.
Sau đó người quản xa lấy tấm thảm từ trong vương xa ra trải dưới bóng cây, vua nằm trên đó, người quản xa ngồi dưới chân vua xoa bóp: vua cứ thức ngủ chập chờn. Dân chúng trong làng bọn cướp và cả bọn cướp nữa, đều đã vào rừng để chầu vua, vì thế trong làng không còn ai ngoài Sattigumba và người đầu bếp tên là Patikolamba.
Vào lúc ấy, Sattigumba bước ra khỏi làng và khi thấy vua, nó liền suy nghĩ: "Giá ta giết chết người kia đang nằm ngủ và lấy hết đồ trang sức ấy nhỉ?". Vì thế nó trở lại gọi Patikolamba và kể cho gã nghe mọi sự việc.
Để giải thích việc này, bậc Đạo sư ngâm năm vần kệ:
1. Vua xứ Pãn-ca với đạo quân
Lên đường săn bắn lũ nai rừng,
Trong rừng sâu thẳm vua đi lạc,
Chẳng có một ai ở kế gần.
2. Kìa, ngài trông thấy ở trong rừng
Bọn cướp đã làm chốn ẩn thân,
Anh vũ, một chim đang tiến bước,
Tức thì lời ác nó kêu vang:
3. "Ngồi trên xe nọ, một nam trang,
Châu báu nhiều sao, lắm ngọc vàng,
Vương miện trên đầu vàng óng ánh
Chiếu hồng như thể ánh trời quang!
4. Ngự quan cùng chúa ngủ say sưa,
Nằm đó lúc trời nắng giữa trưa,
Ta hãy cướp ngay đồ báu vật,
Nhanh lên, cất dấu hết bây giờ!
5. Cảnh lặng yên như lúc nửa đêm,
Ngự quan cùng chúa ngủ nằm yên,
Bạc vàng châu báu, nào ta lấy,
Giết họ, rồi ta chất củi lên!".
Nghe nói vậy, người kia bước ra khỏi nhà, khi nhìn thấy đó chính là vua, gã kinh hãi và ngâm kệ này:
6. Này Sat-ti, có phát điên khùng?
Lời lẽ nào nghe mới nói chăng?
Vua chúa giống như vầng lửa cháy,
Vô cùng nguy hiểm, nếu ta gần.
Chim đáp lại qua kệ khác:
7. Ngu dại Pa-ti nói chuyện này
Và ông điên, chẳng phải ta
đây,
Mẹ ta trần trụi, sao khinh bỉ
Nghề nghiệp nhà ta sống thuở rày?
Bây giờ vua thức dậy, và khi nghe chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng người, nhận thấy nguy hiểm, ngài ngâm kệ sau để đánh thức người lái xe:
8. Dậy mau, hiền hữu quản xa này,
Vào cỗ xe, nào thắng ngựa ngay,
Chỗ khác, ta tìm nơi ẩn náu,
Vì ta chẳng thích chú chim đây.
Gã liền vùng dậy, thắng đôi ngựa vào xe, rồi ngâm kệ nữa:
9. Xa mã thắng rồi, tâu Đại vương!
Sẵn sàng đã buộc
đủ dây cương,
Đại vương, xin ngự vào xa giá,
Nơi khác, ta tìm để náu nương.
Vua vừa ngự vào trong xe thì đôi tuấn mã thuần chủng đã lao vút nhanh như gió. Khi chim Sattigumba thấy xe vua đi xa rồi, lòng dao động nôn nao, nó liền ngâm hai vần kệ:
10. Này đi đâu cả đám râu mày,
Họ vẫn thường lai vãng chốn đây?
Vua nước Pãn-cà vừa chạy mất,
Chúng không thấy nữa, hãy đi ngay!
11. Vua ấy thoát thân có được chăng?
Hãy cầm lao, dáo với tên, cung;
Kìa Pãn-ca chúa vừa bay mất,
Này, chớ cho vua ấy thoát thân!
Con chim nói huyên thiên như thế, đạp cánh xào xạc bay lui bay tới đầy vẻ bồn chồn. Trong lúc ấy, vua vừa thì giờ đến am ẩn sĩ của các hiền nhân. Vào lúc này, các vị ấy đã ra đi kiếm củ quả rừng, chỉ còn một mình chim Anh vũ Pupphaka ở trong am. Khi chim thấy vua, liền ra chào đón ngài và nói chuyện với ngài rất cung kính tao nhã.
Lúc ấy bậc Đạo sư ngâm bốn vần kệ:
12. Chim Anh vũ với mỏ tươi hồng
Cung cách ân cần đã nói năng:
"Vạn tuế Đại vương! Duyên hạnh ngộ
Đưa đường ngài ngự
đến đây chăng!
Vinh quang Đại đế đầy uy lực,
Chúa thượng cần gì phải giáng lâm?
13. Tin-dook, Pi-yal, các lá cây,
Cùng Ka-su quả ngọt ngào thay,
Dù còn ít ỏi, tâu Hoàng thượng,
Chọn thức tối ưu, đó sẵn bày.
14. Nước mát từ hang núi thật sâu
Ẩn mình bên dưới ngọn đồi cao,
Oai hùng Đại đế, tâu ngài ngự,
Ẩm thức tùy nghi thỏa khát khao.
15. Mọi người đang lượm trái trong rừng,
Các vị nơi này vẫn trú thân,
Xin Chúa đích thân cầm ngự thiện,
Tay thần chẳng có để cung dâng!"
Vua rất đẹp ý khi nghe lời nói tao nhã lịch thiệp này, liền đáp qua lời đôi vần kệ:
16. Chưa có chim nào ưu tú hơn,
Trên đời, Anh vũ quả thuần chơn,
Còn chim Anh vũ đằng kia ấy
Đã nói bao điều thật ác ngôn:
17. "Đừng để nhà vua chạy thoát thân,
Đến mau! Trói giết!" nó kêu vang,
Trẫm đi tìm
đến am tu sĩ
Và thấy nơi này chốn vạn an.
Khi được vua bảo như thế, Hoa Điểu Pupphaka ngâm đôi vần kệ:
18. Đại đế! Chúng thần chính đệ huynh,
Cùng chung một mẹ đã khai sinh,
Cưu mang đôi trẻ trên cây nọ,
Song chốn khác nhau đã trưởng thành.
19. Vì Sat-ti đến bọn cường gian,
Còn tiểu thần đi đến trí nhân,
Ác nọ, thiện đây, từ chỗ đó
Phát sinh lề thói chẳng cùng đàng.
Sau đó, Anh vũ giải thích đầy đủ chi tiết những sự khác nhau bằng cách ngâm vần kệ:
20. Đâm chém, xích xiềng, kế bất lương,
Những hành vi bịp bợm, tồi tàn,
Bao nhiêu bạo động và xung kích,
Chính đó là môn nó sở trường.
21. Còn đây tiết độ, tự điều thân,
Nhân ái, công bằng với chánh chân,
Lữ khách uống ăn cùng trú ẩn,
Quây quần thần lớn giữa hiền nhân.
Tiếp theo chim lại thuyết Pháp cho vua qua các vần kệ sau:
22. Đối với ác nhân hoặc thiện nhân
Mà người ta kính trọng tôn sùng,
Cho dù ác độc hay hiền đức,
Cũng khiến kẻ kia phải phục tùng.
23. Khi ta ngưỡng mộ bạn tâm đồng,
Như một người tri kỷ, bạn lòng,
Người ấy sẽ đồng hành, kế cận
Bên mình ta đến phút sau cùng.
24. Tình bạn kết giao thấm nhiễm dần,
Chuyện này ngài thấy quả là chân:
Cứ ngâm thuốc độc vào tên bắn,
Vỏ bọc cũng thành nhiễm độc luôn.
25. Người trí tránh bầu bạn ác nhân,
Vì e ô nhiễm chạm vào thân:
Cá ươn, cứ gói trong chùm cỏ,
Sẽ thấy cỏ kia cũng thối nồng,
Những kẻ kết giao phường trí độn
Chính mình cũng sẽ hóa ngu đần.
26. Lá kia đem gói gỗ trầm hương,
Ngọn là liền thơm ngát dịu dàng,
Cũng vậy, nhiều người thành có trí,
Khi ngồi chầu các bậc hiền nhân.
27. Nhờ ví dụ này bậc trí nhân
Phải am tường lợi lạc riêng phần:
Tránh xa bầu bạn phường gian ác,
Và sánh vai cùng bậc chánh chân,
Thiên giới đợi chờ người chánh hạnh.
Đọa vào ngục tối bọn tà gian.
Vua rất hoan hỷ với bài thuyết giảng này. Kế đó các bậc trí giả từ rừng trở về. Vua đảnh lễ các vị và nói:
- Cầu mong các Tôn giả tỏ lòng từ bi hạ cố đến an trú trong ngự viên của trẫm.
Và ngài đã thuyết phục được các vị nhận lời mời. Khi hồi cung vua liền ban bố lệnh thả hết mọi Anh vũ. Còn các bậc trí nhân vẫn đến yết kiến vua. Ngài tặng các vị khu vườn thượng uyển để trú ngụ và chăm nom các vị rất chu đáo trong thời gian ngài còn tại thế. Sau khi mạng chung ngài lên cộng trú với hội chúng chư Thiên, hoàng thái tử của ngài được quần thần giương chiếc lọng hoàng gia lên đầu làm lễ phong vương, và vị tân vương này cũng chăm sóc các hiền nhân và cứ thế cha truyền con nối suốt bảy đời vua đều bố thí cúng dường rất rộng rãi. Còn bậc Đại sĩ an trú trong rừng cho đến khi mạng chung liền đi theo nghiệp của mình.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo sư bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông thấy xưa kia Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) cũng thân cận bạn ác như bây giờ.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Đề-bà-đạt-đa là Sattigumba, đám tùy tùng của kẻ ấy là bọn cướp, Ànanda là vua, hội chúng của đức Phật là các trí giả, và Ta là Anh vũ Pupphaka.
-ooOoo-