Giảng Giải Kinh Xa Lìa Sắc Dục

09/12/201012:00 SA(Xem: 47253)
Giảng Giải Kinh Xa Lìa Sắc Dục

GIẢNG GIẢI KINH XA LÌA SẮC DỤC
HT. Thích Nhất Hạnh

Phiên tả: Chân Giác Lưu

1

Có một thầy trẻ đến đặt một câu hỏi với Đức Thế Tôn liên quan tới vấn đề ái dục và đã được Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi đó bằng tám bài kệ. Vị xuất gia trẻ này tên là Tissametteyya, dịch ra tiếng Hán là Đế Tu Di Lặc. Thầy Tissametteyya từng là đệ tử của một đạo sĩ Bà La Môn, nhưng sau khi gặp Đức Thế Tôn thì cả thầy lẫn trò đều quy ytrở thành đệ tử của Bụt. Sau đây là câu chuyện được kể lại trong Kinh Bộ (Sutta ni pata) phẩm thứ Năm, gọi là phẩm Bỉ Ngạn (Para yana vagga):

Vị đạoBà La Môn tên là Bhavari, ông đã gần 120 tuổi, rất am tường các kinh Vệ Đà và nắm vững tất cả các nghi lễ, giáo thuyết, phù chú của truyền thống Vệ Đà. Ông cũng có khá nhiều đệ tử. Hôm đó, đạo sĩ Bhavari đi hành đạo tại một thành phố ở miền Nam. Ông giảng rất hay, cuốn hút được đông đảo người nghe. Vì vậy dân chúng đã cúng dường cho ông rất nhiều tiền bạc và tặng phẩm. Được cúng dường nhiều, đạo sĩ Bhavari nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi lễ chẩn tế lớn để phân phát tất cả những phẩm vật cúng dường cho người nghèo.

Trong buổi lễ, đạo sĩ Bhavari đã thuyết pháphành lễ theo truyền thống Vệ Đà. Khi buổi lễ chấm dứt. tất cả những phẩm vật cúng dường trong bao nhiêu ngày qua đều được đem đi phân phát hết. Buổi lễ hoàn mãn, đạo sĩ Bhavari ngồi trong thất thở một cách bình yên và rất lấy làm hoan hỷ. Lúc ấy có một vị đạo sĩ khác từ phương xa tới thăm, thân đầy cát bụi. Ông được tiếp đón, cho tắm gội và mời uống nước. Sau đó ông ta xin đạo sĩ Bhavari 500 đồng:
- Tôi nghe nói đạo sĩ vừa tổ chức một trai đàn chẩn tế rất lớn. Chắc là đạo sĩ có nhiều tiền lắm, vậy xin ông cho tôi 500 đồng. Tôi rất cần số tiền đó.
Đạo sĩ Bhavari nói:
- Hiện giờ tôi không còn một xu nào cả. Tất cả tiền bạc và phẩm vật cúng dường tôi đã sử dụng trong hội vô già (1) và đã cúng dường hết, bây giờ tôi không còn một đồng nào.
Ông đạo sĩ kia rất giận nói:
- Ông là người xấu! Tôi sẽ đọc một câu thần chú làm cho cái đầu của ông vỡ ra làm bảy miếng cho đáng đời cái sự keo kiệt của ông. Ông đã cúng dường cho rất nhiều người nhưng đến phiên tôi thì ông không cho một xu nào hết.

Nói xong ông ta đọc lên một câu thần chú và bỏ đi. Đạo sĩ Bhavari trước đây vốn rất tin vào phù chúnghi lễ, nên ăn không ngon, ngủ không yên, đừng ngồi đều bất an, ngồi thiền cũng không được. Ông nghĩ phù chú của vị đạo sĩ kia có thể có kết quả và cái đầu của mình mai mốt có thể sẽ vỡ ra làm bảy miếng. Ông không có phương pháp gì để đối trị lại với sự sợ hãi đó. Ông bất an trong vòng mấy ngày. Những giới cấm và những nghi lễ của truyền thống Vệ Đà rất nhiều. Chính vì mình tin vào phù phép nên khi người khác làm phù phép đối với mình thì mình cũng sợ. Hôm ấy, trong đêm khuya có một vị thiên giả hiện ra nói với đạo sĩ Bhavari:
- Đạo sĩ, tại sao ngài đau khổ như vậy? Người đạo sĩ kia chắc chắn không biết gì nhiều về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu đâu. Đôi khi ông ta chỉ dọa ngài thôi, tại sao ngài phải mất ăn mất ngủ vì chuyện đó?
Đạo sĩ Bhavari nói:
- Có thể ông ta biết cách trả thù. Ông ta đã đọc một câu chú với chủ ý là làm vỡ cái đầu của tôi vì vậy nên tôi rất lo sợ.
Vị thiên giả nói:
- Có một người có thể giúp được ngài, người ấy có thể cắt nghĩa cho ngài thế nào là cái đầu và thế nào là việc làm cho cái đầu vỡ ra làm bảy miếng. Người ấy đang ở trong rừng tre gần thành Vương Xá. Đó là một vị thái tử con vua, từng xuất gia tu học và đã thành đạo. Nếu ngài tới tham vấn thì vị đó sẽ cắt nghĩa cho ngài, lúc đó ngài sẽ hết sợ.
Sau khi được vị thiên giả khai thị, đạo sĩ Bhavari rất hạnh phúc. Ông gọi các đệ tử của mình cùng đi theo làm một chuyến du hành lên miền Bắc gặp đạo sĩ Gotama, người đã tu khổ hạnh sáu năm, đã đắc đạo và đang hoằng hóa tại thành Vương Xá.

Đi theo đạo sĩ Bhavari có tất cả 16 vị đệ tử, tất cả đều còn rất trẻ, trong đó có cả Tissametteyya. Thầy trò hy vọng gặp được Gotama Sakya. Họ trèo non, vượt suối, qua bao ngày đường mới tới được Rừng Tre ở thành Vương Xá. Họ thấy Đức Thế Tôn đang ngồi, xung quanh có các thầy, rất im lặng. Câu mà họ thao thức muốn hỏi nhất là: chuyện đọc một câu thần chú cho người ta vỡ đầu có thật hay không và mình nên đối xử với nỗi sợ hãi đó như thế nào? Đức Thế Tôn đã trả lời:
- Cái đầu tượng trưng cho khối si mê, một khối si mê rất lớn gọi là vô minh. Làm cho cái cái khối si mê đó vỡ ra không phải là dễ, phải có đủ năm loại năng lượng mới có thể làm cho cái đầu ấy vỡ ra và khi cái đầu vỡ ra thì mình sẽ có hạnh phúc. Năm loại năng lượng ấy là: Tín, tấn, niệm, định và tuệ. Nếu các vị không tu tập, không chế tác được năm loại năng lượng đó thì không thể nào làm vỡ cái đầu của chính mình được chứ đừng nói là làm vỡ cái đầu của một người khác.
Câu trả lời làm người ta ngạc nhiên. Cái đầu là gì? Cái đầu là khối si mê của chính bạn. Và vũ khí sử dụng để làm vỡ khối si mê ấy là năm lực: Tín, tấn, niệm, định và tuệ. Ta phải tu tập như thế nào để có đủ năng lượng mới có thể làm vỡ cái đầu. Nếu cái đầu si mê còn đó thì ta vẫn còn lo sợ, bồn chồn.

Sau khi câu hỏi được giải đáp, đạo sĩ Bhavari rất hạnh phúc. Mười sáu đệ tử của ông, người nào cũng có cơ hội được hỏi Đức Thế Tôn vài câu. Họ đều là những vị giáo thọ trẻ và rất hạnh phúc được gặp một vị đạo sư lớn như Bụt.
Thầy Tissametteyya cũng là một vị giáo thọ rất trẻ. Thầy đã có cơ hội được hỏi Đức Thế Tôn hai lần. Câu hỏi đầu tiên của thầy liên quan tới vấn đề ái dục. Câu hỏi này đã được Đức Thế Tôn trả lời rất cụ thể. Kinh này, tất cả những người xuất gia trẻ đều nên học thuộc lòng.

Bài kệ 1

Dâm dục trước nữ hình 婬欲著女形
Đại đạo giải si căn 大道解癡根
Nguyện thọ tôn sở giới 願受尊所戒
Đắc giáo hành viễn ác 得教行遠惡

Vướng mắc vào sắc dục là căn nguyên của bao si mê, lỗi lầm; những cái này ngăn, không cho mình tiếp tục đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang. Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con để chúng con có thể hành trì và lìa xa được mọi hệ lụy gây nên do sắc dục.

Dâm dục trước nữ hình: Chữ nữ ở đây phải được hiểu là đối tượng của sự mê đắm. Đối tượng đó, đối với người nam là người nữ, đối với người nữ là người nam, đối với người đồng tính là hoặc người nam, hoặc người nữ. Đối tượng ở đây có thể là đồng tính hay khác tính.
Đại đạo giải si căn: Vướng vào đối tượng đó là không còn cơ hội để đi tới. Đại đạocon đường lớn. Si căn là gốc rễ của sự si mê. Vướng mắc vào ái dục là gốc rễ của bao nhiêu lỗi lầm, những cái ngăn không cho mình đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang.
Nguyện thọ tôn sở giới: Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con.
Đắc giáo hành viễn ác: Chúng con xin được tiếp nhận những lời giáo giới để có thể thực tậpxa lìa được những hệ lụy do ái dục gây ra. Chữ ác trong văn mạch này được dịch là hệ lụy.

Một người tu khi bị vướng vào vòng ái dục thì không còn làm ăn gì được nữa, học không vào mà tu cũng không xong. Đối với người trẻ đây là một vấn đề lớn, cho nên thầy Tissametteyya đã đại diện cho tất cả các thầy và các sư cô trẻ để hỏi Bụt câu hỏi đó. Xin Ngài chỉ dạy cho chúng con cách thức tu tập để đừng bị vướng mắc vào năng lượng tình dục. Không phải chỉ vướng mắc vào người khác phái mà có thể vướng mắc vào người cùng phái. Câu hỏi rất rõ ràng và văn rất mới:


Bài kệ 2


Ý trước dâm nữ hình 意著婬女形
Vong tôn sở giáo lệnh 亡尊所教令
Vong chánh trí thụy ngọa 亡正致睡臥
Thị hành thất thứ đệ 是行失次第

Khi tâm ý đã bị ám ảnh bởi hình bóng một đối tượng ái dục rồi thì chúng con thường quên mất lời truyền dạy của Đức Thế Tôn. Chúng con đánh mất con đường chánh mà chúng con muốn đi, ngay cả những lúc còn ngủ nghỉ. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.

Khi tâm ý đã bị ám ảnh bởi hình bóng một đối tượng ái dục (tức có nội kết êm ái) thì chúng con thường quên mất những lời truyền dạy của Đức Thế Tôn: Đức Thế Tôn dạy rất hay, nhưng một khi vướng vào rồi thì con chỉ nghĩ tới đối tượng đó mà quên đi lời truyền dạy của Ngài.

Chúng con đánh mất con đường chính mà chúng con muốn đi, ngay trong lúc còn ngủ nghỉ: Khi ngủ, nghỉ mình không nghĩ tới chánh pháp, tới những lời dạy của Đức Thế Tôn, mà cứ tơ tưởng tới hình bóng đối tượng của ái dục. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.
Chúng ta so sánh bản dịch từ chữ Hán này với bản dịch từ tiếng Pali.

Ý trước dâm nữ hình
Vong tôn sở giáo lệnh

Khi vướng vào hình bóng của ái dục thì mình quên đi những giáo lệnh của Đức Thế Tôn. Văn ở đây rất xưa, văn của đầu thế kỷ thứ ba. Chúng ta biết bốn bộ Kinh A Hàm chỉ bắt đầu được dịch từ thế kỷ thứ tư, thứ năm. Vong là quên mất, tôn là Đức Thế Tôn, sở giáo là những lời dạy dỗ. Vong tôn sở giáo là quên mất những lời dặn dò mà Đức Thế Tôn đã dạy.

Vong chánh trí thụy ngọa: Quên luôn những điều chánh ngay cả những lúc chúng con ngủ nghỉ, trong giấc mơ những đối tượng của ái dục cũng hiện ra.
Thị hành thất thứ đệ: đệ là thứ tự của sự hành trì. Trong khi hành trì mình quên mất trước có gì, sau có gì, quên mất thứ tự niệm-định-tuệ, giới-định-tuệ. Đây là câu hỏi của một người xuất gia trẻ có kinh nghiệm, thấy rằng khi bị vướng vào ái dục thì mình đánh mất rất nhiều. Câu hỏi này rất thực dụng và sau đây, từ bài kệ thứ ba là câu trả lời của Đức Thế Tôn:

Bài kệ 3

Bổn độc hành cầu đế 本獨行求諦
Hậu phản trước sắc loạn 後反著色亂
Bôn xa vong chánh đạo 犇車亡正道
Bất tồn xả chánh tà 不存捨正邪

Người xuất gia là người đi một mình với cái tâm ban đầu, là khám phá cho ra được Chân Đế, nhưng sau đó một thời gian có thể đi ngược lại với lý tưởng của mình một khi bị vướng vào ái dục. Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.

Mình có một cái tâm ban đầu rất đẹp, rất hùng tráng. Nhưng tâm ban đầu có thể bị sói mòn. Ta có thể đi lạc đường nếu ta để hình ảnh của ái dục len vào.
Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.
Khi có các bạn đồng tu tới nói: Này, sao mà anh bê bối vậy? Mình không nghe: Tôi có làm gì sai đâu? Tôi đâu có vướng mắc? Tôi mà vướng mắc hả? Đương sự không bao giờ chấp nhận là mình có vướng mắc, đương sự ương ngạnh.

Bổn độc hành cầu đế: Bổn là lúc ban đầu, là gốc rễ. Thuở ban đầu mình đi một mình (độc hành). Đi xuất gia là phải sống một mình như trong Kinh Người Biết Sống Một Mình. Độc hành là đi một mình. Cầu là tìm cầu, đế là sự thật. Người tu là người đi một mình để tìm sự thật, tìm chân lý. Đi một mình có nghĩa là tâm không vướng bận vào ai.

Hậu phản trước sắc loạn: Nhưng sau đó một khi đã vướng vào ái dục thì mình phản lại lý tưởng ban đầu của mình. Sắc loạn là ái dục gây ra những lộn xộn, những khó khăn hệ lụy. Trước là vướng vào, phản là đi ngược lại con đường mình đi.

Cái tâm ban đầu của ta rất đẹp, ta rất thiết tha với con đường giải thoát. Nhưng khi đã vướng vào ái dục rồi thì ta không chịu đi đường thẳng, ta đi lệch sang một bên rồi rơi tõm luôn xuống hố. Các bạn tu có muốn kéo mình cũng không chịu lên. Khi đại chúng nhắc nhở, mình cảm thấy khó chịu nên mình đã bỏ chúng mà đi giống như chiếc xe trâu không còn đi trên con đường thẳng nữa.

Bất tồn xả chánh tà: Không còn biết phân biệt cái nào là đúng, cái nào là sai. Đại chúng nhắc nhở cho nhưng mình cứng đầu nhất định không nghe. Mình nói: Tôi biết tôi đang làm gì, anh chị đừng có xen vào. Trong trường hợp dị tính cũng thế mà trong trường hợp đồng tính cũng thế. Một sư chú với một sư chú, một sư cô với một sư cô, hay một sư chú với một sư cô cũng giống như nhau. Một khi đã vướng mắc rồi thì mình trở nên ngoan cố, nhất định không nghe lời chỉ giáo của sư anh, sư chị hay sư em. Mình có cảm tuởng những người kia dòm ngó và nói ra nói vào nhiều quá khiến cho mình bực nên mình rủ nhau đi ra ngoài ở riêng, như một chiếc xe trâu đánh mất con đường chánh, không giữ được hướng đi và không còn phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai.

Đức Thế Tôn trả lời như vậy chắc hẳn vì Ngài cũng đã có một số kinh nghiệm về những đệ tử của Ngài. Những vị ấy cứng đầu quá! Khi đã vướng mắc sâu rồi thì họ cũng không nghe lời mình nữa, dù mình là thầy hay là sư anh, sư chị của họ.

Bài kệ 4

Tọa trị kiến tôn kính 坐值見尊敬
Thất hành vong thiện danh 失行亡善名
Kiến thị đế kế học 見是諦計學
Sở dâm viễn xả ly 所婬遠捨離

Ngày xưa vị ầy đã từng được tôn kínhgiá trị đạo đức của mình, nhưng bây giờ vị ấy đã đánh mất cái tốt đẹp đó. Thấy được sự thật này, ta phải quyết tâm tu tập, quyết tâm xa lìa con đường ái dục.

Ngày xưa người ta rất thương mến, tôn kính mình tại vì mình tu tập nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Tâm ban đầu của mình rất đẹp. Từ thầy cho đến sư anh, sư chị, sư em, và cả các vị cư sĩ, người nào cũng yêu mến, kính nể mình tại vì tâm ban đầu của mình quá đẹp, sự hành trì của mình quá hay. Bây giờ tại sao mình không còn cái đó nữa? Tại vì mình bị vướng!

Đức Thế Tôn dạy: Các con hãy nghĩ tới trường hợp của sư chú ấy, của thầy ấy, của sư cô ấy! Lúc ban đầu vị ấy thực tập đàng hoàng, được chúng thương, mọi người nể. Nhưng từ ngày bị vướng vào thì không còn ai thương, ai nể nữa vì vị ấy cứng đầu quá, nói không chịu nghe. Người đó đã đánh mất cái rất quí giá mà ngày xưa mình có. Thấy như vậy thì mình đừng đi theo vết xe của người ấy, mình đừng bắt chước người ấy.

Tọa trị kiến tôn kính: Trị là giá trị, ngày xưa mình hưởng được sự tôn kính, thương yêu của người khác. Tọa là cư trú, là có mặt, là có một giá trị nào đó.
Thất hành vong thiện danh: Nhưng bây giờ điều thiện lành ấy đã mất đi rồi
Kiến thị đế kế học: Thấy được sự thật đó thì phải tìm cách tu họchành trì.
Sở dâm viễn xả ly: Viễn là xa lìa, tìm cách lìa bỏ con đường vướng mắc vào ái dục.

Bài kệ 5

Thả tư sắc thiện ác 且思色善惡
Dĩ phạm đương hà trí 已犯當何致
Văn tuệ sở tự giới 聞慧所自戒
Thống tàm khước tự tư 痛慚却自思

Ta hãy nên quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục, phải thấy được một khi đã vướng vào sắc thì ta sẽ đi về đâu. Phải lắng nghe những lời dạy tuệ giác liên hệ tới vấn đề này để mà đề cao cảnh giác. Phải thực tập chánh tư duy để thấy được những thống khổ và những hổ thẹnsắc dục có thể đem lại cho ta.

Thả tư sắc thiện ác: Chúng ta phải suy nghĩ, phải quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục. Sắc là sắc dục, thiện ác là cái lợi và cái hại của sắc dục.
Dĩ phạm đương hà trí: Phải thấy trước được rằng một khi bị vướng mắc thì mình sẽ đi về đâu? Mình đã chứng kiến có người ngày xưa sống với tăng thân rất hạnh phúc, được đại chúng thương yêu. Bây giờ vị ấy vướng vào ái dục mà đánh mất tăng thân, bơ vơ một mình. Thấy như vậy mình không muốn bị trở thành nạn nhân của ái dục giống như người kia nữa. Đây là vấn đề quán tưởng. Mình có muốn giống thầy ấy, sư cô ấy hay không, đang đi một mình trong cuộc đời cô đơn và khốn khổ? Rất muốn trở về lại với tăng thân nhưng hổ thẹn không dám về. Sư chú, sư cô ấy đã đi mất rồi, bây giờ mỗi khi nghĩ tới những tháng ngày bình an, êm ấm khi còn được sống trong tăng thân khi xưa thì vị ấy chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc. Mình phải đặt mình vào địa vị của người ấy để thấy, vướng vào sắc dục sẽ đưa mình tới đâu thì tự nhiên mình sẽ dừng lại.
Văn tuệ sở tu giới: Phải lắng nghe những giáo giới, những lời khuyên bảo trong hướng đi của trí tuệ để mình tự răn mình: Mình không muốn làm như sư cô ấy, như sư chú ấy. Mình không muốn đánh mất tăng thân. Mình không muốn đi đơn côi, lẻ loi một mình ngoài đời.
Thống tàm khước tự tư: Phải thực tập chánh tư duy. Tự tư là tự mình thực tập chánh tư duy, tự mình quán chiếu, suy nghĩ để thấy được niềm đau và sự hổ thẹn mà cái ấy đưa tới. Thống là niềm đau, tàm là nỗi hổ thẹn.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại năm bài kệ để lời kinh thấm sâu vào trong tàng thức:

1. Vướng mắc vào sắc dục là căn nguyên của bao si mê, lỗi lầm, những cái này ngăn, không cho mình tiếp tục đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang. Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con để chúng con có thể hành trì và lìa xa được mọi hệ lụy gây nên do sắc dục.
2. Khi tâm ý đã bị ám ảnh bởi hình bóng một đối tượng ái dục thì chúng con thường quên mất lời truyền dạy của Đức Thế Tôn. Chúng con đánh mất con đường chánh mà chúng con muốn đi, ngay cả những lúc còn ngủ nghỉ. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.
3. Người xuất gia là người đi một mình với cái tâm ban đầu, là khám phá được cho ra Chân Đế, nhưng sau đó một thời gian có thể đi ngược lại với lý tưởng của mình một khi bị vướng vào ái dục. Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.
4. Ngày xưa vị ầy đã từng được tôn kínhgiá trị đạo đức của mình, nhưng bây giờ vị ấy đã đánh mất cái tốt đẹp đó. Thấy được sự thật này, ta phải quyết tâm tu tập, quyết tâm xa lìa con đường ái dục.
5. Ta hãy nên quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục, phải thấy được một khi đã vướng vào sắc thì ta sẽ đi về đâu. Phải lắng nghe những lời dạy tuệ giác liên hệ tới vấn đề này để mà đề cao cảnh giác. Phải thực tập chánh tư duy để thấy được những thống khổ và những hổ thẹnsắc dục có thể đem lại cho ta
.


Chúng ta nên tham cứu so sánh Kinh này với Kinh của bản tiếng Pali. Đây là một trong những Kinh Đức Thế Tôn dạy trong những năm đầu sau khi giác ngộ. Kinh rất thuần chất và Đức Thế Tôn đang dạy cho Đức Bụt tương lai của chúng ta, Đức Di Lặc. Đức Di Lặc là ai? Đức Bụt tương lai chính là mình, là các sư cô, các sư chú trẻ. Mình phải tiếp nhận lời dạy này trực tiếp từ Đức Thế Tôn. Đức Bụt của thế kỷ chúng ta là Đức Bụt của thương yêu, mà thương yêu không phải là ái dục. Thương yêuái dục là hai cái khác nhau. Trong Năm giới mới mình đọc rất rõ: Tình yêu không phải là sắc dục.
Những vị cư sĩ có mặt hôm nay trong pháp hội đừng nghĩ rằng kinh này Đức Thế Tôn chỉ dạy riêng cho người xuất gia. Đức Thế Tôn đang dạy cho quí vị đó!

 

2

 

Di Lặc Nạn Kinh (Phần 2)
(Kinh Xa Lìa Sắc Dục)

 


Chữ H tượng trưng cho hạnh phúc. Hơi thở Hhơi thở hạnh phúc, nó có thể thấm vào cơ thể mình như một hơi ấm. Giống như chúng ta đang đi ngoài trời giá lạnh, khi bước vào căn phòng của mình thì cảm thấy rất ấm áp. Hơi ấm trong căn phòng từ từ thấm vào cơ thể mình. Cũng như vậy, hơi thở hạnh phúc cũng giống hơi ấm. Thở vào, chúng ta để cho hạnh phúc thấm vào trong cơ thể của mình, chúng ta thầm nói: "Hạnh phúc đang thấm vào cơ thể con". Hạnh phúc có thể đi vào được hay không là do mình có mở cơ thể ra được hay không. Nhiều khi tập khí muốn chạy, muốn vươn tới, muốn đạt được một cái gì, như một bao nylon bao cơ thể chúng ta lại, không cho hạnh phúc thấm vào được giống như nước chảy lá môn, không một giọt nước nào thấm được.

Ai cũng có ít nhiều trong mình sự bất an, sự không dừng lại được. Đó chính là năng lượng đẩy mình đi tới, nó không cho phép mình dừng lại. Mình đang hướng tới, đang chạy theo một cái gì thì chính cái đó ngăn cản không cho hạnh phúc thấm vào trong người của mình. Do đó, muốn hạnh phúc đi vào cơ thể mình trong khi thở vào, thở ra, thì mình phải có khả năng dừng lại và nhận diện những gì đang diễn ra trong tâm. Dừng lại thì tự nhiên cơ thể mình mở ra và hạnh phúc từ từ đi vào trong được. Lúc đó mới có thể gọi là an trú, an trú tức là ở yên. Bí quyết của sự thành công nằm ở chỗ mình có thể dừng lại được hay không. Dừng lại được thì có an, có an thì mới tiếp xúc được với hạnh phúc. Mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra mình để cho hạnh phúc thấm vào:

Thở vào hạnh phúc đang thấm vào cơ thể của con.
Thở ra hạnh phúc đang thấm vào tâm hồn con.


Đó là hơi thở Hhơi thở hạnh phúc. Bây giờ chúng ta sang hơi thở thứ hai, hơi thở dừng lại và chúng ta gọi đó là hơi thở S (stop)

Thở vào: Con đã dừng lại
Thở ra: Con không đuổi theo gì nữa hết


Khi thở vào mình dừng lại thật sự, khi thở ra mình cũng dừng lại thật sự. Mình không đeo đuổi gì nữa cho dù cái đó là niết bàn, giác ngộ hay là thiên quốc. Khi thở vào, thở ra và dừng lại, ngưng sự theo đuổi, tìm cầu thì hơi thở S giúp mở thân tâm của mình ra và đến khi mình thực tập hơi thở H thì hạnh phúc sẽ đi vào. Thực tập hơi thở S thành công thì hơi thở H sẽ thành công.

Nếu mình có cảm tưởng không an trú được; mình ngồi không yên, đi không vững, ở với chúng không yên ổn, mình cứ nghĩ còn một tháng nữa mình đi chỗ khác thì đó chính là lúc mình cần phải thực tập dừng lại. Có thể chỗ này và thời điểm này, là chỗ tốt nhất và là thời điểm tốt nhất của mình. Chính ở chỗ này và chính trong thời điểm này mình có điều kiện nhiều nhất để có hạnh phúc. Nhưng vì năng luợng của thói quen cứ thúc đẩy mình, khiến mình không an trú được. Mình không nhận diện được rằng: Chính trong lúc này, chính ở nơi này mình có nhiều điều kiện hạnh phúc nhất.

Hơi thở S giúp mình dừng lại. Mình phải tự hỏi, mình đi kiếm cái gì? Tại sao mình phải đi kiếm? Khi dừng lại được, mình thấy những điều mình đi kiếm có ngay trong thân tâm và có ngay trong hoàn cảnh của mình. Thấy như vậy đã là tuệ giác rồi.

Tại Làng Mai chúng ta có học phương pháp chỉ tức là dừng lại. Khi thở vào và đưa tâm trở về với thân, thân tâm hợp nhất thì mình nhận diện ra rằng mình có quá nhiều cái quý giá, có quá nhiều điều kiện để hạnh phúc. Ví dụ như mặt trăng trên bầu trời, có nhiều khi mặt trăng đi theo để soi lối cho mình mà mình không biết. Khi mình sinh ra mặt trăng đã có sẵn đó cho mình. Chỉ cần nhìn lên là mình thấy mặt trăng. Mặt trăng là một món quà rất quý giá cho loài người. Từ thuở còn ấu thơ cho đến khi mình lớn tuổi, mặt trăng luôn luôn đi theo mình. Giả dụ nếu khôngmặt trăng thì ban đêm sẽ buồn lắm. Không những các thi sĩ buồn mà những người khác cũng buồn. Mặt trăng là một tặng phẩm của cuộc đời dành tặng cho mình. Thấy được như vậy là có tuệ giác. Tuệ giác giúp mình dừng lại, thôi không kiếm tìm.

Ở xóm Thượng tôi có ba mặt trăng. Thầy Pháp Độ trồng cho tôi một mặt trăng thật tròn bên cạnh chậu trúc. Mỗi buổi chiều tôi thắp vầng trăng nhỏ của tôi lên nếu vầng trăng trên bầu trời bị che lấp. Buổi sớm, khi tôi và thị giả ngồi uống trà hay ăn sáng thì thấy gió đưa phất phơ cành trúc la đà bên trăng. Đó là mặt trăng thứ hai. Tôi còn một mặt trăng thứ ba, nhỏ hơn một chút, đó là một cây đèn thu năng lượng mặt trời để bên cửa sổ. Ban ngày nó tiếp nhận ánh sáng mặt trời, ban đêm tôi mở lên và có ánh trăng. Ánh sáng mặt trăng cũng do mặt trời truyền tới. Mặt trăng nhỏ xíu của tôi bên cửa sổ, ban ngày cũng tiếp nhận ánh sáng mặt trời, ban đêm nó cháy lên soi sáng căn phòng của tôi. Tôi thức dậy bất cứ lúc nào cũng thấy có ánh trăng soi. Nhà thơ Mai Thảo từng viết:

Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng
Chế lấy đừng vay mượn đất trời
Để mai nhật nguyệt còn xa vắng
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.

Mặt trăng trong phòng của tôi nhỏ xíu, mỗi khi thức dậy ban đêm tôi đều thấy có ánh trăng soi. Trăng nhân tạo nhưng lấy ánh sáng từ mặt trời, rất vui. Hình như niềm vui luôn có đầy khắp mọi nơi. Nhìn ra ngoài trời, nếu mình không thấy trăng thì thấy sao, nếu không thấy sao thì thấy mây, không thấy mây thì thấy sương mù, không thấy sương mù thì thấy cây... Luôn luôn có cái gì đó cho mình biết rằng những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt.

Khi trở về với giây phút hiện tại, mình nhận diện ra rằng mình có quá nhiều điều kiện để hạnh phúc: Hai chân mình còn đi được; hai mắt mình còn sang; hai lá phổi mình còn thở được, mình có thầy đang sống với mình, mình có anh chị em sống với mình, mỗi ngày mình được ngồi thiền, được thực tập... Những điều kiện hạnh phúc đã có quá nhiều, không biết mình còn muốn đi tìm gì nữa đây? Mình cứ bồn chồn đi tới mà bỏ hết tất cả những cái quý giá đẹp đẽ phía sau. Cái mình đi tìm có ngay ở đây, nó có sờ sờ ra đó, còn tìm kiếm chi nữa!

Trở về với hơi thở S mình nhận ra rằng, cái mình đi tìm vốn có sẵn đó. Thấy được như thế tự nhiên mình dừng lại và khi dừng lại được thì hơi thở hạnh phúc đi vào được trong cơ thể mình, mình thẩm thấu được hạnh phúc.

Mình phải để cho hạnh phúc thấm vào cơ thể để nó nuôi dưỡngtrị liệu cho mình. Có thể mình đang có một vài đau nhức trong thân và trong tâm cần được trị liệu. Nhưng đi tìm sự trị liệu ở đâu? Sự trị liệu có ngay khi mình dừng lại được. Dừng lại được thì thân tâm mình có khả năng thẩm thấu, và những yếu tố hạnh phúc sẽ đi vào trong để nuôi dưỡngtrị liệu thân tâm. Mình đi tìm sự trị liệu? Trị liệu có ngay đó, chỉ tại mình không cho phépđi vào mà thôi. Những tập khí rong ruổi tìm cầu của mình đã trở thành một tấm nylon bao xung quanh ngăn cản hạnh phúc được thẩm thấu.

Hơi thở Hhơi thở trị liệunuôi dưỡng. Nhưng nếu khônghơi thở S để dừng lại thì mình không trở thành thẩm thấu. Sự mầu nhiệm, sự huyền diệu, cái phép lạ của tương tức là cái mình có thể tiếp xúc mỗi ngày.

Hôm nay ở xóm Thượng sư chú Pháp Biểu hô canh ngồi thiền, sư chú Pháp Linh hướng dẫn địa xúc bằng tiếng Anh, sư chú Pháp Thệ hướng dẫn địa xúc bằng tiếng Pháp. Ba người làm rất hay. Trong buổi địa xúc sáng nay mình thực tập tiếp xúc với tổ tiên tâm linhtổ tiên huyết thống. Tiếp xúc với con cháu tâm linh và con cháu huyết thống. Thực tập địa xúc mình có thể tiếp cận được với sự thật vô ngã. Mình là sự tiếp nối của tổ tiên tâm linhtổ tiên huyết thống:

“Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát và các vị tổ sư qua các thời đại, trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã truyền trao cho con những hạt giống bình an, trí tuệ, tình thươnghạnh phúc. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh, trí tuệtừ bi viên mãn, nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệtừ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linhtổ tiên huyết thống của con, vì chính trong con cũng có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệtừ bi. Và cũng vì con biết con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con, trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệtừ bi đáng cho con kính ngưỡng nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn và trồi sụp không ngừng trên con đường tu đạo. Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ, cộng hạnh và khiếm khuyết của các vị, cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ, tài năng và khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linhtổ tiên huyết thống của con, cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con, con không có một cái ta riêng biệt; tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang diễn biến mầu nhiệm."

Khi thở vào mình ý thức các tổ tiên đang có trong mình thì mình thoát được cái cảm giác cô độc, lẻ loi, rằng mình là một cái ngã tách rời.

Thở vào, con mời Bụt thở vào với con.
Thở ra, con mời Bụt ngồi với con.
Bụt đang thở nhẹ.
Bụt đang ngồi chơi.

Mình thấy rõ ràng Bụt trong mình đang thở và đang ngồi. Mình cũng thở và ngồi với Bụt; hai là một, một là hai. Bụt là Bụt, mình là mình; nhưng Bụt cũng là mình, mình cũng là Bụt. Đó gọi là bất nhị (không phải hai).

Thở được một hơi và dừng lại được, mình thấy Bụt đang thở nhẹ và mỉm cười. Mình cũng đang thở nhẹ và mỉm cười. Lúc đó hơi thở thứ hai của mình thành công. Bụt thở rất hay, Bụt chỉ thở một hơi là dừng lại được liền và Ngài trở nên thẩm thấu, những mầu nhiệm của vũ trụ thấm vào trong người của Ngài. Trong mình có Ngài; Ngài đang thở nhẹ, Ngài đang mỉm cười; mình cũng đang thở nhẹ, đang mỉm cười. Thở được vậy mình trở nên thẩm thấuhạnh phúc đi vào được trong người mình.

Bụt đang thở nhẹ
Bụt đang ngồi chơi
Con đang thở nhẹ
Con đang ngồi chơi
Hạnh phúc đi vào trong Bụt
Hạnh phúc đi vào trong con

Mình cũng có thể thực tập cho cha:Thở vào, con thấy cha trong con, con là sự tiếp nối của cha.

Rất dễ và rất khoa học! Cha thở với con đi, hai cha con cùng thở. Đó là sự huyền diệu của tương tức. Mình với cha tương tức, mình với cha không phải là hai. Chỉ cần một hơi thở vào độ ba bốn giây là mình có thể tiếp xúc được với cái mầu nhiệm tương tức đó. Nếu mình thấy khỏe, mình trở nên thẩm thấu thì hạnh phúc đi vào trong mình và nếu hạnh phúc đi vào trong mình được thì hạnh phúc cũng đi vào trong cha. Cha trong mình có hạnh phúc, mình thở cho mình và mình thở cho cha. Cũng như lúc nãy mình thở cho mình và cho Bụt, bây giờ mình thở cho mình và cho cha. Chuyện này không khó, ai cũng có thể làm được.

Bây giờ mình thở cho mẹ:
Thở vào, con mời mẹ thở vào với con

Mẹ không ở ngoài, mẹ ở trong mình, mình là sự tiếp nối của mẹ. Hai lá phổi này mình cho là của mình, nhưng thật ra nó cũng là của mẹ. Tấm thân này mình tưởng là của mình nhưng nó chính là do mẹ trao cho, nó được hình thành từ một phần thân thể của mẹ. Khi mình thở vào thì mẹ cũng thở vào, hai mẹ con cùng thở. Lúc đó mình tiếp xúc với cái mầu nhiệm của tương tức. Chuyện này rất đơn giản! Khi thở như vậy mình có tuệ giác tương tức, mình dừng lại và trở nên thẩm thấu. Vì vậy hơi thở Hhiệu lực liền:

Hơi thở của hạnh phúc đang thấm vào trong con
Hơi thở của hạnh phúc đang thấm vào trong mẹ

Mình với mẹ là một, mình thở có hạnh phúc thì mẹ trong mình cũng hạnh phúc, do đó mình là đứa con hiếu thảo nhất vì đã làm cho mẹ hạnh phúc.

Quí vị phải thành công, hơi thở H là hơi thở hạnh phúc. Nếu muốn thành công hơi thở H thì phải thành công hơi thở S, tức là hơi thở dừng lại. Người ta thường nói tới thiền minh sát (vipaśyanā meditation) mà ít người nói tới thiền chỉ tức samatha meditation. Kỳ thực thiền chỉ rất hay, nó giúp mình dừng lại, sự dừng lại và nhìn sâu sẽ cho mình có được tuệ giác tương tức, có được tuệ giác tương tức thì mình dừng lại được dễ dàng, không còn muốn chạy nữa. Chỉ khi nào dừng lại được thì mới có hạnh phúc. Trở về với giây phút hiện tại, mình nhận diện được những cái mà lâu nay mình đi tìm, nó vốn đã có sẵn đó. Đó chính là tuệ giác. Còn nếu mình chưa biết an trú, nghĩa là mình chưa dừng lại được, mà chưa dừng lại được thì đi đâu cũng vậy thôi, cũng không an trú được, cũng không cảm thấy yên thân.

Đứng núi này mình nhìn sang núi nọ. Sống trong thời gian này mình mong ngóng về một thời gian khác để mình có thể là mình. Nhưng kỳ thực mình có thể là mình ngay trong giờ phút hiện tại nếu mình biết thực tập dừng lại. Muốn dừng lại thì phải có một chút tuệ giác, tụê giác do sự dừng lại mà có và nó giúp cho sự dừng lại đó lớn lên. Chỉ (samatha) và quán (vipaśyanā) tuy là hai nhưng cũng là một. Chỉ là dừng lại, quán là nhìn sâu để có tuệ giác. Ban đầu nhờ chỉ mình dừng lại và mình có được một ít cái thấy - tuệ giác, rồi chính cái thấy - tuệ giác đó giúp mình thật sự dừng lại và chỉ khi nào thật sự dừng lại thì mình mới có hạnh phúc. Dừng lại, không tìm kiếm nữa mới có an trú, do đó mới có hạnh phúc.
Một vị mâu ni là một vị đã dừng lại, không còn tìm kiếm gì nữa, vì vậy cho nên vị đó có hạnh phúc.

Bài kệ 6

Thường hành dữ tuệ hợp 常行與慧合
Ninh độc mạc loạn câu 寧獨莫亂俱
Trước sắc sinh tà loạn 著色生邪亂
Vô thế vong dũng mãnh 無勢亡勇猛

Cái hành của ta phải đi theo với cái thấy của ta. Phải học phép độc cư, đừng bao giờ để xảy ra sự chung đụng trái phép. Vướng vào sắc dục sẽ sinh tà loạn, khiến kẻ hành giả đánh mất đi tất cả cái năng lượng dũng mãnh của chính mình.

Thường hành dữ tuệ hợp: Hành là sự thực tập. Tuệ là cái hiểu, cái thấy. Một bên là cái biết và một bên là cái làm, một bên là lý thuyết và một bên là thực tập, hai cái đi đôi với nhau. Vương Dương Minh – một nhà triết gia Trung Quốc có chủ trương “tri hành hợp nhất” tức cái biết và cái làm phải đi đôi với nhau. Là một người thực tập thì cái biết và cái làm của ta phải đi đôi với nhau; sự thực tậptuệ giác phải nương nhau; cái hành phải đi theo với cái thấy. Đừng để rơi vào tình trạng lý thuyết xuông.

Ninh độc mạc loạn câu: Phải học phép độc cư, đừng bao giờ để xảy ra sự chung đụng trái phép. Câu là chung đụng, loạn là trái phép. Chữ nghĩa ở đây rất ngắn gọn. Người xuất gia phải học cách sống độc cư, đừng có những chung đụng không đúng phép.

Trước sắc sanh tà loạn: Vướng vào sắc dục sẽ sinh ra tà loạn. Trước là dính, là kẹt vào, sắc là sắc dục. Dính vào sắc dục thì sẽ sinh ra tà loạn, có những rắc rối, những hệ lụysai lầm. Tà có nghĩa là nghiêng, trái lại với chánh là thẳng.

Vô thế vong dũng mãnh: Tà dục làm cho mình mất đi năng lượng cần thiết để có được niềm vui và hạnh phúc hầu có thể hoàn thành sứ mạng, lý tưởng của mình. Khi vướng vào sắc dục thì mình mất hết nguồn năng lượng quý báu đó. Sự dũng mãnh của mình cứ ngày một tàn lụy. Tà dục tàn phá thân tâm của mình khiến nó trở nên bệ rạc. Đứng về phương diện y khoa, thì tà dục đưa mình tới chỗ bệnh, chỗ chết rất mau.

Bài kệ 7

Lậu giới hoài khủng bố 漏戒懷恐怖
Thọ đoản vi bỉ phụ 受短為彼負
Dĩ trước nhập la võng 已著入羅網
Tiện khi xuất gian thanh 便欺出奸聲

Kẻ phạm giới luôn luôn mang theo trong lòng sự sợ hãi. Giây phút giao hoan ngắn ngủi nhưng cái sợ hãi này phải mang lấy lâu dài. Đã trót vướng vào cái lưới rồi, mình phải liên tiếp nói lên những lời gian dối không thật.

Lậu giới hoài khủng bố: Kẻ phạm giới tà dâm luôn luôn mang trong mình sự sợ hãi.

Thọ đoản vi bỉ phụ: Thọ là cảm thọ của giây phút chung đụng xác thịt. Giây phút giao hoan tuy ngắn ngủi nhưng mình phải mang lấy sự sợ hãi lâu dài. Phụ là gánh nặng. Phải vác gánh nặng ấy trên vai mà đi, khiêng nó mà đi, có thể phải mang gánh nặng ấy suốt đời, lầm lỡ một giây mà ân hận suốt đời.

Dĩ trước nhập la võng: Đã trót vướng vào trong lưới rồi

Tiện khi xuất gian thanh: thì phải tiếp tục nói ra những lời gian dối, không thật. Khi là không thật, gian là gian dối, thanh là lời.

Con vi khuẩn HIV chỉ cần một, hai giây là đi vào trong người mình. Ở châu Phi hay ở những châu khác người chết vì bệnh AISD rất đông, cả triệu người. Kinh này Đức Thế Tôn không chỉ nói cho riêng người xuất gia mà Ngài nói cho tất cả chúng ta.
Trong cuốn Sám Pháp Địa Xúc” có nói:

Kính bạch Đức Thế Tôn, trong quá khứ con đã không biết xử lý năng lượng tình dục của con cho nên con đã tạo ra nhiều lầm lỡ. Con biết con người đã là một loài động vật thì năng lượng tình dục có mặt trong con là một điều tự nhiên. Nhưng tại vì trong quá khứ con chưa biết sống, chưa biết thực tập cho nên con đã để hạt giống tình dục được tưới tẩm quá nhiều cho đến nỗi có lúc con đã lao đao và đánh mất hết sự bình an vì sự phát hiện của năng lượng tình dục:

Mình chưa biết cách thực tập nên đã coi phim, xem hình, lên internet để cho những hình ảnh kích động đi vào tưới tẩm và làm cho năng lượng tình dục phát hiện:

Con đã đọc những sách báo, coi những phim ảnh có những hình ảnh khêu gợi và kích thích dục tình. Con biết trên thị trường người ta làm giàu bắng cách bán dâm rất nhiều, không phải chỉ bằng thân xác mà còn bằng âm thanh, hình ảnh và dụng cụ. Hình ảnh khêu gợi dục tình đâu đâu cũng có, trên sách báo, trên màn ảnh vô tuyến, nơi rạp chiếu bóng, nơi các hình quảng cáo, trong những cuốn băng và các dĩa hình, trong mạng lưới internet. Tuổi trẻ bây giờ đang là nạn nhân của thị trường đó. Hạt giống tình dục được tưới tẩm hàng ngày nhiều lần và những thanh niên thiếu nữ từ mười ba tuổi trở đi đã sa vào lưới cám dỗ của dục tình, đã vượt quá mức báo động. Con biết đây là một thảm họa cho người trẻ tuổi, biết dục tình mà không biết thương yêu.

Những thiếu niên, thiếu nữ này, khi lớn lên sẽ không có cơ hội thấy được thế nào là tình yêu đích thực tại vì họ chỉ biết tình dục. Sự thực tập thủ dâm đưa tới những kết quả tương tự, làm khô cạn nguồn suối thân tâm mà không cho con người cơ hội biết thế nào là thương yêu đích thực.
Bạch Đức Thế Tôn, con đã được dạy về thân tâm nhất như và con biết rằng những gì xảy ra cho thân mình cũng xảy ra cho tâm mình. Con sẽ không để cho những hạt giống tình dục được tưới tẩm và không để bị lôi kéo vào thói quen của sự thủ dâm. Con nguyện từ nay trở đi không đọc sách báo, không xem phim ảnh kích động dâm tính, không nghe và không nói những câu chuyện về dâm dục, không sử dụng điện thoại và máy vi tính để tiềp xúc với những âm thanhhình ảnh kích động dâm tính.

Con cũng nguyện góp sức để vận động thắp sáng ý thức về tai nạn của sự kích động dâm tính để có thể tạo ra môi trường sinh sống lành mạnh cho các giới trong xã hội, nhất là cho các giới trẻ.

Vì không biết phép thực tập bảo hộ thân tâm, không tạo được môi trường văn hóaxã hội lành mạnh, chúng con đã phạm giới tà dâm, đã hiếp đáp, đã lạm dụng trẻ em và lạm dụng ngay con cháu của chúng con trong vấn đề tình dục, đã gây đổ vỡ và khổ đau kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn và chư vị Bồ Tát mở lòng thương và hộ niệm cho chúng con để chúng con có đủ sức chuyển hóa được những trạng huống đen tối của xã hội hiện tại gây nên bởi năng lượng tà dục. Chúng con ý thức rằng, nếu chúng con không thực tập chánh niệm vững vàng trong lĩnh vực tiếp thọ xúc thực thì hạt giống tình dục trong chúng con sẽ bị tưới tẩm hàng ngày và mỗi khi hạt giống ấy được tưới tẩm và năng lựơng tình dục phát khởi thì thân và tâm của chúng con không còn được an ổn, chúng con sẽ bị năng lượng ấy thúc đẩy đi tìm sự thỏa mãn tà dục. Tai họa SIDA đang làm tiêu hao hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Bất cứ ai trong chúng con, nếu không thực tập chánh niệm, cũng có thể rơi vào hiểm họa ấy ngay trong chốc lát.

Lưỡi hái của thần chết SIDA làm rơi rụng hàng trăm ngàn sinh mạng con người trong từng giờ, còn khốc hại hơn những trái bom nguyên tử. Thế giới của chúng con đang bị ngọn lửa của tà dục làm cho bốc cháy. Cúi xin Đức Thế Tôn và Đức Bồ Tát Quan Âm xót thương rải xuống trên hành tinh chúng con giọt nước thanh lương của tình thương lớn.
Con biết tình yêu không phải là tình dục. Hành động dâm dục luôn đem lại khổ đau cho con và cho kẻ khác
Đức Bụt sắp tới của chúng ta là một Bụt Phật rất trẻ tên là Metteyya (Đức Di Lặc). Đức Bụt đó là ai? Đó là một người trẻ biết thực tập thương yêu, thương yêu ở đây là từ, bi, hỷ và xả. Tình yêu ở đây không có nghĩa là tình dục. Trong giới thứ ba của Năm Giới tân tu cũng nói rất rõ: “Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác”. Chúng ta phải thực tập giới này thật đàng hoàng để bảo vệ hạnh phúc của chính mình và của kẻ khác.

Bài kệ 8

Kiến phạm nhân duyên ác 見犯因緣惡
Mạc thủ thân tự phụ 莫取身自負
Kiên hành độc lai khứ 堅行獨來去
Thủ minh mạc tạp si 取明莫習癡

Thấy được những hệ lụy gây nên do sự phạm giới, ta phải giữ mình và đừng bao giờ tự phụ là mình đã giỏi. Phải kiên trì trên con đường sống độc cư của mình, khi đi cũng như khi về. Phải hướng về nẻo sáng mà đi, đừng bị tập khí si mê lôi.

Kiến phạm nhân duyên ác: Kiến là thầy, ác là sự sai lầm. Đã thấy được sự sai lầm, những đau khổ, hệ lụy khi phạm giới rồi.
Mạc thủ thân tự phụ: Mạc là đừng. Phải biết giữ mình và đừng bao giờ tự phụ. Chớ có khinh thường, đừng nghĩ rằng mình đã giỏi, tại vì trong cơ thể mình có những đợt sóng ngầm, khi gặp hoàn cảnh thuận lợi thì những đợt sóng ngầm ấy sẽ chồm lên và dìm chết mình.

Thân là đại dương sâu
Có những đợt sóng ngầm
Có những loài thủy quái
Có những trận cuồn phong.
Thuyền ta đi trong chánh niệm
Xin nguyện nắm vững tay chèo
Để không bị đắm chìm vào trong biển xúc mênh mông.
Dùng hơi thở nhiệm mầu, tôi hộ trì thân căn.
(Thơ Sư Ông Làng Mai)

Thân của mình giống như một đại dương sâu, trong đo có những đợt sóng ngầm cho nên mình phải cẩn thận. Mình phải giữ gìn cho người kia và giữ gìn cho mình. Em phải giữ gìn cho anh, anh phải giữ gìn cho chị, chị phải giữ gìn cho em. Cả hai người đều phải giữ gìn. Người kia, mình nghĩ sẽ không bao giờ làm những chuyện như vậy. Mình tin người kia, mình nghĩ không sao đâu. Nhưng thật ra, trong người kia cũng có đại dương và những đợt sóng ngầm. Tốt hơn hết là mình theo uy nghi, giới luật; đừng tự phụ là mình giỏi để vượt qua uy nghi, giới luật, vượt qua những nguyên tắc như nguyên tắc đệ nhị thân. Phải nắm cho vững sự hành trì uy nghi, đừng nói là mình đã giỏi rồi, mình không cần uy nghi nữa.

Kiên hành độc lai khứ: Phải kiên trì trong đời sống độc cư của mình, tức nếp sống của người xuất gia. Kiên là vững vàng, hành là đi. Kiên hành là đi cho vững vàng. Lai là phía trước (tương lai); khứ là phía sau (quá khứ). Nhưng ở đây ta phải hiểu và dịch là khi đi cũng như khi về. Dịch cả câu là: Phải kiên trì, vững vàng trên con đường độc cư của mình, khi đi cũng như khi về.

Thủ minh mạc tạp si: Hướng về nẻo sáng mà đi, đừng để bị tập khí si mê lôi kéo. Thủ minh là hướng về nẻo sáng. Mạc tạp si là đừng để si mê lôi kéo. Trong con người của chúng ta luôn luôn bị thói quen của si mê kéo đi. Mình phải biết chống lại tập khí đó, phải hướng về phía ánh sáng mà đi.

(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 28.1.2010 tại thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới, Làng Mai, trong khóa An Cư Kiết Đông 2009-2010.)

3

Kinh Xa Lìa Sắc Dục (phần cuối)

(Di Lặc Nạn Kinh)

Bài kệ 9:

Viễn khả độc tự xử 遠可獨自處
Đế kiến vi thượng hành 諦見為上行
Hữu hành mạc tự kiêu 有行莫自憍
Vô ỷ nê hoàn thứ 無倚泥洹次

Sống một mình trên con đường hướng thượng tìm cầu chân lý. Ta đã có con đường rồi nhưng ta không nên tự kiêu. Tuy chưa thực chứng được Niết Bàn, nhưng ta đã ở sát ngay bên cạnh Niết Bàn rồi.

 

Viễn khả độc tự xử: Sống một mình, ta có thể đi xa được trên con đường kiếm tìm chân lý.

Đế kiến vi thượng hành: Đế là sự thật, là chân đế. Thượng hànhđi lên con đường hướng thượng.

Hữu hành mạc tự kiêu: Mình có sự hành trì rồi nhưng đừng tự cho rằng như thế là mình đã giỏi.

Vô ỷ nê hoàn thứ: Nê hoàn được dịch từ chữ Nirvana, thứ là sát bên cạnh. Tuy ta chưa hoàn toàn chứng nhập được Niết Bàn nhưng Niết Bàn ở ngay sát bên cạnh ta, chỉ cần một bước nữa là đi vào được.

Bài kệ 10:

Viễn kế niệm trường hành 遠計念長行
Bất dục sắc bất sắc 不欲色不色
Thiện thuyết đắc độ thống 善說得度痛
Tất thế dâm tự thực 悉世婬自食

Nên phát khởi tâm nguyện vượt cao đi xa, không dừng lại ở cõi sắc và cõi vô sắc. Theo lời Đức Thiện Thệ chỉ dạy, ta quyết tâm vượt ra ngoài cõi khổ, được như thế thì bao nhiêu sắc dục của cuộc đời cũng sẽ không làm gì được ta.

Viễn kế niệm trường hành: Phải phát khởi tâm nguyện vượt cao đi xa. Trường là xa, hành là đi. Kế là phải suy tư. Tâm của mình phải suy tư tới chuyện vượt cao đi xa.

Bất dục sắc bất sắc: Không bị kẹt vào cõi sắc và cõi vô sắc. Dục giới thì nặng nề, sắc giới thì nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn hệ lụy cho nên ta phải vượt qua cõi dục và vượt thoát cả cõi sắc.

Thiện thuyết đắc độ thống: Theo lời Đức Thiện Thệ chỉ dạy ta quyết tâm vượt ra ngoài cõi khổ. Thiện là Đức Thế Tôn, Thiện Thệ là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu. Thống là cõi khổ. Hành theo lời dạy dỗ của Đức Thiện Thệ, mình sẽ vượt qua được cõi khổ.

Tất thế dâm tự thực: Như thế thì những ham muốn của cuộc đời tự đổ ngã, nó không làm gì mình được.

Đứng trên phương diện hình thức thì giống như Đức Thế Tôn dạy kinh này cho người xuất gia trẻ, nhưng trong nội dung Ngài dạy cho tất cả mọi người, người xuất gia cũng như người tại gia, người lớn tuổi cũng như người trẻ tuổi. Kinh này rất quan trọng.

Thầy Di Lặc là một người trẻ, thấy vấn đề ái dục là một vấn đề quan trọng cho người tu, không phải chỉ cho người tu xuất gia mà cho cả người tu tại gia nên thầy đã tới thưa hỏi với Đức Thế Tôn không ngại ngùng. Thầy có đức tin nơi Đức Thế TônĐức Thế Tôn cũng đã thẳng thắng chỉ dạy một cách rất chi tiết.

Thầy Metteyya là ai? Thầy Metteyya là mình. Metteyya có nghĩa là thương yêu, Đức Bụt của thế kỷ chúng ta là Đức Bụt của thương yêu. Định nghĩa của chữ thương yêu trong đạo Bụt rất rõ, đó là từ, đó là tình bạn. Chữ Metteyya dính với chữ metta hay maitri. Maitri (tình thương) từ chữ mitra mà ra, mitra là tình bạn. Tình thương ở đây là tình bạn. Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng nói: Tình bạn thì lâu dài, khoẻ mạnh còn tình yêu kia là lửa rơm mà thôi.

 



Khi thực tập mình chế tác tình bạn, tình anh chị em. Tình bạn, tình anh chị em đem lại rất nhiều hạnh phúc và không gây đổ vỡ. Là người trẻ, mình biết sự thực tập của mình là để chế tác ra tình anh chị em, có tình anh chị em thì cuộc đời bớt khổ rất nhiều. Không có gì quý hơn tình anh chị em. Tình anh chị em được làm bằng bốn chất liệu: từ, bi, hỷ và xả. Đó là sự thực tập của đức Bụt tương lai, của những người trẻ. Hồi còn là một thầy trẻ, tôi có một ước muốn rất sâu sắc, đó là làm thế nào để có thể xây dựng lên được một đoàn thể trong đó có tình thương. Trong đoàn thể ấy mọi người coi nhau như anh chị em một nhà.

Năm 1954 tôi đã có cơ hội để làm việc đó. Hồi ấy, đất nước bị chia hai, một nửa là Cộng Sản, một nửa là Tư Bản chống cộng. Sự phân chia đất nước và tình trạng chính trị bấy giờ gây nên rất nhiều hoang mang cho giới trẻ trong nước. Giới xuất gia trẻ lúc ấy cũng rất hoang mang, không biết mình sẽ làm gì? Trước sự hoang mang rất lớn của những người xuất gia trẻ. Các thầy trong Phật học viện không đủ sức để trấn an, nên lúc đó tôi đứng ra để chăm sóc họ. Tôi đã đề nghị thay đổi chương trình học và tu trong Phật học viện chùa Ấn Quang, mở một con đường mới để người học tăng có thể tu học và có đủ khả năng đối phó với tình trạng mới của đất nước, của dân tộc.

Tôi đã có cơ hội gần gũi với các thầy, các sư cô trẻ. Tôi đã giúp họ xây dựng tình anh chị em. Lớp ấy bây giờ đã thành hòa thượng, thành sư bà hết rồi, như hòa thượng Minh Cảnh và một học giả biên tập Huệ Quang Đại Tự Điển cũng thuộc về thế hệ đó. Trong thời gian ấy tôi đã đem hết sức mình để xây dựng đoàn thể của những người xuất gia trẻ và tôi đã có rất nhiều hạnh phúc.

Tôi nhớ đó là lần đầu tiên các sư cô, sư chú được hát những bài hát mới theo tân nhạc. Chính tôi đã dạy họ những bài hát ấy. Có một lần tôi đang dạy họ bài “Đêm đã đến rồi Ngài hãy chọn đường đi, đường từ bi” thì Hòa Thượng Đôn Hậu ở ngoài vào, Hòa Thượng đứng lại nhìn, hơi bất ngờ khi lần đầu tiên thấy các sư cô sư chú hát. Bây giờ mình thấy các sư cô, sư chú hát là chuyện thường nhưng hồi đó hát tân nhạc là chuyện rất lạ. Cũng như chuyện các thầy, các sư cô thời ấy đi xe đạp là một chuyện mới. Tôi là một trong sáu vị xuất sĩ đầu tiên ở Việt Nam đi xe đạp, rất tân thời.

Tình huynh đệ rất lâu bền. Trong những năm lưu vong ở nước ngoài, lâu lâu trong đêm tôi vẫn nằm mơ thấy mình trở về thăm anh em. Tôi đi vào cư xá chùa Ấn Quang hay các học viện khác như chùa Hải Đức. Tôi gặp các sư chú và hỏi: “Các anh em mạnh giỏi không? Lâu nay có gì vui không?” Cho đền gần đây tôi cũng còn có những giấc mơ như vậy. Tình anh chị em rất lâu bền. Cách đây độ chừng bốn năm tháng, một hôm tôi nằm mơ thấy mình thức dậy trong một trung tâm nào đó và không khí trong chùa sao mà vui quá. Tôi hỏi:

- Cái gì mà vui quá vậy con?

Một thầy nói:

- Bạch Thầy, mấy anh chị em vừa mới đi xa về. Chúng con đang nấu một nồi cơm lớn để đãi.

Chỉ có từng đó thôi mà tại sao vui quá trời! Nấu một nồi cơm để ăn chung với mấy anh chị em đi xa về thì có gì đâu? Vậy mà vui hết cả chùa. Tôi dậy đi ra ngoài thăm mấy luống rau, luống hoa mà lòng vui phơi phới. Giấc mơ đó chỉ chừng ba bốn phút, nhưng nó làm tôi vui ngày này sang ngày khác, vui cả tuần.

Tâm thức của mình chứa đựng những kỷ niệm, những hạnh phúc và lâu lâu nó tặng cho mình một giấc mơ rất quý. Tôi biết những thành tựu hay những công tác mình làm được không có gì quan trọng nhưng tình anh chị em là cái đẹp nhất, là cái quan trọng nhất. Trong chuyến về Việt Nam đầu tiên tôi đã nói: Trong chuyến về này tôi không có thông điệp nào ngoài câu “không có gì quý hơn tình huynh đệ”. Hồ chủ tịch nói: “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng theo tôi thì “không có gì quí hơn tình huynh đệ”. Nếu không có tình huynh đệ thì làm gì có tình bạn hữu chung với nhau để có độc lập tự do?

Cách đây độ vài tuần tôi có một giấc mơ khác cũng tương tự như vậy: Tôi đang ở trong một phòng dưới lầu, đang loay hoay với bình trà và hai chén trà thì tự nhiên phát hiện ra, có hai huynh đệ trên lầu hình như cũng thức dậy rồi. Tôi nghĩ bây giờ mình đem lên cho họ một bình trà thì chắc là họ vui lắm. Và tôi đem lên. Giấc mơ chỉ có chừng đó thôi. Tôi không biết bối cảnh trong giấc mơ ở đâu, hình như là ở Làng Mai. Giấc mơ rất đơn sơhạnh phúc thì rất sâu sắc. Thức dậy tôi thấy lạ, giấc mơ như vậy rất bổ dưỡng và tôi vui ngày này sang ngày khác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: Tình bạn thì bền vữnglâu dài.

Tu là chế tác loại tình thương đó. Sự thật, tu là học thương, mình có cơ hội để thương và để được thương. Đó là tình thương lành mạnh của tình anh chị em, nó nuôi dưỡng mình và đem lại hạnh phúc cho mình. Tu không có nghĩa là không thương nữa, tu là phải thương nhiều hơn nhưng thương theo nghĩa như vậy. Đó là sự thực tập mà thầy Metteyya đã học được từ Đức Thế Tôn. Mình cùng phe với thầy Metteyya, mình cũng học và thực tập như vậy. Mình thương nhau, sống với nhau, mình không tách rời khỏi tăng thân tại vì mình có tình anh chị em. Hạnh phúc của Bát Nhã cũng vậy, tuy tu viện Bát Nhã bị đánh tan tành nhưng có một cái không gì lay chuyển được, đó là tình anh chị em. Còn tình anh chị em là còn tất cả. Mình có thể thấy rất rõ, tình yêu không phải là tình dục. Tình yêu và tình dục là hai cái rất khác nhau. Mình không cần tình dụcvẫn có thể có tình yêu. Thầy trò thương yêu nhau như vậy, anh chị em thương yêu nhau như vậy, mình giữ giới luật, uy nghi cho vững chãi và mình nuôi dưỡng tình anh chị em. Càng thực tập giới luật, uy nghi vững chãi chừng nào thì tình anh chị em càng bền vững chừng đó.

Có những người trẻ có khó khăn, tới phát lộ với tôi, xin tôi chỉ dẫn thì tôi luôn luôn nói như vậy: Mình lỡ vướng, lỡ đau khổ, sợ hãi thì đó là cơ hội để mình học hỏi. Mình phải nương vào thầy, nương vào các sư anh, sư chị lớn để thoát khỏi tình trạng đó. Kinh dạy rất rõ, mình đã thấy có một vài trường hợp bị vướng vào ái dục rồi đánh mất tăng thân, xa lìa tăng thân. Mình không muốn chuyện đó, đánh mất tăng thân, đánh mất đời sống lý tưởng của mình thì mình còn gì nữa? Mình không muốn đi theo vết xe đổ của người đó. Nếu có lầm lỡ thì mình phải lên phát lộ với Thầy hoặc với sư anh, sư chị lớn để được chỉ dẫn. Khi có người phát lộ với tôi như vậy thì tôi thường dạy rằng: Con đã từng đau khổ vì chuyện đó, con đã từng hối hận thì con phải để năm bảy ngày để quán chiếu, để coi thử, qua đau khổ đó con đã học được gì? Nếu con thấy chuyện đó đem lại sự sợ hãi, sự đau buồn, sự bất an cho con thì sau khi quán chiếu con viết xuống, con thực tập sám pháp địa xúc một thời gian, con phát lộbáo cáo lại với thầy thì tự nhiên tâm con sẽ tịnh hóa và con sẽ lấy lại sự an lạchạnh phúcngày xưa con có.

Trong Kinh này dạy rất đầy đủ: Ngày xưa mình đã có sự an lạc, có hạnh phúc, có sự yêu thương tôn kính. Nhưng tại vì mình vướng vào ái dục cho nên mình đã đánh mất tất cả. Khi thấy được trường hợp nơi vài người thì mình phải tự nhắc nhở là mình sẽ không đi vào con đường đó.

Thứ năm, 24 Tháng 6 2010 18:31 Phiên tả: Chân Giác Lưu

HẾT

(Nguồn: Làng Mai)

Tạo bài viết
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.
Chỉ vài ngày nữa, là Ngày Bầu Cử của Hoa Kỳ. Cử tri Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 11/2024 sẽ bầu phiếu để chọn lên một tân Tổng Thống, từ hai ứng cử viên của hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ với hai chính sách dị biệt nhau. Lựa chọn này có thể sẽ định hình những chuyển biến tương lai cho cả thế giới khi cách nhìn của hai ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã lộ rõ trái nghịch nhau hoàn toàn về cuộc chiến ở Ukraine, trái nghịch nhau một phần về cuộc chiến Trung Đông, xung khắc nhau về cách kềm chế Trung Quốc, và về cam kết ở Biển Đông.