NÓI VỀ CHUYỆN "NIÊM HOA VI TIẾU"
Pháp Như - Lý Lược Tam
Linh Sơn Pháp hội Phật niêm hoa
Hội chúng vị tri Phật tác ma
Ca Diếp tức tâm Tâm hoát ngộ
Bản vô biệt sự “tiếu” liên hoa
Niêm hoa, vi tiếu truyền tâm ấn
Chánh pháp Như Lai hữu nhãn tàng
Bất dụng tư lường “vi tiếu” ý
Phàm tình, Thánh giải lưỡng sai yên.
Tảo Chửu Phàm Phu
Vào
thời kỳ Nam Bắc triều (giữa thế kỷ V – VI), Phật giáo Trung Quốc bắt đầu có những trứ tác tự thuật về những “Pháp thống” Phật giáo như quyển:
“Phó Pháp tạng nhân duyên truyện”, đến thời Tùy Đường (589-907) các tông phái Phật giáo hưng khởi, lợi dụng cái quan niệm “Pháp thống” đương
thời mà biên soạn riêng “Pháp hệ” để dương danh sự truyền thừa Chánh pháp Phật của tông phái mình – Dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền, kỳ thật đó cũng là nét đặc thù của “phán giáo” và “lập tông” của
Thiền tông vậy.
Vây quanh việc truyền tâm ấn Phật, Thiền tông đã ghi chép rất nhiều câu chuyện Thiền thật sinh động (ngữ lục), thậm chí còn biên tạo Phật kinh để chứng thuyết Thiền, như chuyện “Niêm hoa vi tiếu”, chuyện “28 vị Tổ Tây thiên”...
Truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” không biết có từ lúc nào, chỉ thấy ghi chép thành văn vào đời Tống (960-1127) trong “Tông môn tạp lục” mục “Nhơn thiên nhãn” quyển 5, có đoạn ghi chép như sau:
Vương Kinh Công (Vương An Thạch) hỏi Thiền sư Tuyền Phật Huệ:
- Thiền gia nói Thế Tôn niêm hoa có từ kinh điển nào vậy?
Tuyền nói:
- Tạng kinh không thấy có.
Công nói:
-
Nơi Hàm Uyển, tôi thấy có ba quyển "Đại Phạn Thiên Vương Vấn Phật Quyết
Nghi kinh”, bèn đọc, trong kinh văn ghi thật rõ: Phạn Vương đến Linh Sơn hiến Phật cành hoa “Ba la” màu vàng kim, buông mình làm sàng tọa, thỉnh Phật vì chúng thuyết pháp. Thế Tôn đăng tòa đưa cành hoa lên thị chúng, nhơn thiên hội chúng lúc đó có cả trăm vạn thảy đều ngơ ngẩn lặng
thinh, chỉ có Kim sắc Đầu Đà Ca Diếp nở mặt cười mỉm, Thế Tôn liền nói:
Ta đã có Chánh pháp Nhãn tàng, Niết bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.
Kinh này ghi chép nhiều về chuyện các đế vương thỉnh vấn Đức Phât, nên coi như “bí tạng”, thế gian khó nghe thấy được.
Theo như trên, chuyện “Niêm hoa vi tiếu” không những có thật, mà còn được ghi chép trong kinh Phật, sở dĩ kinh này thế gian khó nghe thấy được, bởi nằm bí tạng trong Hàn uyển (nơi chứa thư tịch cung đình). Như chúng ta đều biết, Thiền tông cường điệu “bất lập văn tự”, là để chứng minh tông môn mình vẫn là đích truyền tâm pháp từ chư Phật chư Tổ, đương nhiên họ cũng phải viện dẫn kinh sách điển tịch để mà nói; nhưng ở đây chúng tôi muốn nêu lên vấn đề, theo như câu chuyện trên, chính mắt Vương An Thạch (1021-1087) đọc được trong kinh “Đại Phạn Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi kinh”, nhưng căn cứ theo các nghiên cứu của các học giả từ trước đến nay đều cho rằng đó là hoàn toàn do người sau biên tạo, đương nhiên tuy kinh do người sau biên tạo, nhưng xét ra cái ý chỉ “Như Lai niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu” chúng ta nhận thấy nó gần với lời của Trang Tử (Đạo gia) từng nói: “Mạc nghịch vu tâm, tương thị nhi tiếu” (không trái trong tâm, nhìn nhau mà cười), đều để nói lên cái mà trong cảnh giới giao lưu gọi là hỗ tương truyền đạt ý mình mà người kia hiểu được qua tâm tâm tương ấn, do đó thiền tông rất hân nhiên chấn phát tông môn y cứ theo truyền thuyết thần kỳ này. Điều đó đã vén mở ra cho chúng ta thấy được cái tánh đặc thù của sự truyền thừa Thiền pháp của nó
– không trọng kinh giáo, chuyên trọng vào tự tâm chứng ngộ tức thì (đương hạ tức thị) của Thiền đốn ngộ, và từ đó nó cũng hé lộ rõ cái dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa Thiền Phật giáo Trung Hoa.
Đọc “Một người nhấc hoa đưa lên, người kia nở mặt mỉm cười”, cũng như đọc một đại sự chư Tổ lập ra tông phái Thiền của đạo Phật – Phật Phật, Tổ Tổ, tục Phật tuệ mạng. Đó cũng chỉ là một chút gì đó người viết dựa theo kinh sách dịch giải ra hiến bạn đọc luống qua “sát na” trong cuộc sống xô bồ của xã hội hôm nay vậy.
PHÁP NHƯ - Lý Lược Tam (Theo “Như Lai Thiền”)http://www.giacngo.vn/phathoc/thientong/2008/05/29/565613/