PHƯƠNG PHÁP CHẶT ĐỨT KHỔ ĐAU
Tác giả: Thích Thái Hòa. Ta giao tiếp với bạn bè điều tối kỵ nhất là nói về lợi và đừng bao giờ dùng thủ thuật về lợi để mưu cầu. Vì sao? Vì không có cái lợi nào mà không có cái hại kèm theo. Lợi bao nhiêu là hại bấy nhiêu. Chơi với bạn, mà ta có lợi, thì nhất định bạn phải có hại. Không thiệt hại ở mặt nầy, thì nhất định cũng phải có sự thiệt hại ở mặt khác.
Chơi với bạn mà ta để cho bạn bị thiệt hại, thì ta không còn là người nhân nghĩa. Sống mất nhân nghĩa là ta mất nhân tính. Nhân tính đã bị đánh mất, thì tình người không thể nào có được. Một khi tình người đã không có, thì làm gì mà có tình bạn? Nhân tính đánh mất, tình người không có, tình bạn chia lìa là do ta đến với nhau với tâm “dùng lợi mà cầu lợi đó vậy”. Có những cái ta làm, có lợi cho ta trước mặt, nhưng nó sẽ gây hại cho ta sau lưng; có những cái ta vừa làm có lợi cho ta trước mặt, thì cũng chính cái lợi đó đã gây thiệt hại cho ta ngay đó. Có những cái ta làm có lợi cho ta bên phải, thì nó gây thiệt hại cho ta bên trái; có những cái ta làm có lợi cho ta bên trái, thì nó gây thiệt hại cho ta bên phải; có những cái ta làm có lợi cho ta sau lưng, thì nó gây thiệt hại cho ta trước mặt; có những cái ta làm có lợi cho ta nơi nầy, thì nó gây thiệt hại cho ta ở nơi kia; những cái ta làm có lợi cho ta đời nầy, thì nó gây thiệt hại cho ta đời sau. Nói tóm lại, không có cái lợi nào mà không có cái hại. Ta biết như vậy, ta thấy như vậy để làm gì? Để tránh nó, như voi tránh bẫy sập. Nếu ta thấy lợi mà không tránh, thì trước sau gì ta cũng rơi vào bẫy sập của thất vọng, hận thù và khổ đau. Ta đến với bạn ta, hay giao tiếp với mọi người không bằng cái tâm cầu lợi mà bằng cái tâm cầu toàn và cầu đức, thì tình thân hữu của ta với bạn và tình ta với mọi người sẽ được bảo đảm lâu dài, mà đức hạnh của ta càng ngày càng trở nên trong sáng và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ta đến với bạn ta và mọi nguời với tâm cầu toàn và cầu đức, không bằng đến với tâm “xả lợi”. Vì sao? Vì dù là cầu toàn hay cầu đức, thì vẫn còn có tâm mong cầu. Còn cầu thì còn ích kỷ. Cầu được thì vui, cầu không được thì khổ. Nhưng, ta đến với bạn ta hay đến với mọi người bằng tâm xả lợi, thì không còn bất cứ cái hại nào nữa để làm cho ta khổ và không còn bất cứ cái cầu nào làm cho ta thất vọng! Sống ở đời, ta lấy lợi mà cầu lợi, lợi ấy làm cho ta thêm ưu và khổ. Ta lấy lợi mà cầu lợi, nhân cách của ta ngày càng bị xói mòn, sự hiểu biết của ta ngày càng bị thương tổn, gia đình của ta ngày càng bất an. Cái nguy trong đời sống của ta không phải từ trời cao giáng xuống, không phải từ dưới đất vọt lên, cũng không phải từ tự nhiên mà có, mà từ nơi tâm cầu lợi ấy của ta sinh ra. Bởi vậy, những bậc hiền triết trên đời, không lấy lợi làm vinh hoa mà “lấy xả lợi làm vinh hoa”. Người lấy lợi làm vinh hoa, thì tự thân của người ấy bị lòng tham sai sử và trói buộc, nên không ai phản họ mà họ tự phản, không ai ruồng bỏ họ mà họ tự ruồng bỏ mọi người, không ai làm cho họ sợ hãi mà tự họ sợ hãi mọi người, không ai làm cho họ thấp kém mà tự họ đứng thấp giữa mọi người và không ai làm cho họ mất tự do mà tự họ làm cho họ mất hết tự do. Trái lại, đối với người lấy “xả lợi làm vinh hoa”, thì tự thân của người ấy không bị lòng tham sai sử và trói buộc, nên nhân cách của họ càng ngày càng lớn, sự bình an của họ không những che chở được họ, mà còn che chở được nhiều người chung quanh và không những che chở được quốc gia của họ, mà còn che chở được nhiều quốc gia trên thế giới. Họ không những che chở cho con cháu của họ một đời mà nhiều đời; họ không những có khả năng che chở cho đồng loại của họ, mà ngay cho cả dị loại và muôn loài. Vì vậy, đối với người xả lợi, họ không cần tìm kiếm tự do mà tự do vẫn có; họ không để tâm tìm cầu an lạc mà an lạc tự viên thành; họ không tranh đua với ai mà mọi người đều nhường bước; họ không xưng bất cứ danh nghĩa nào mà mọi việc làm của họ đều được công truyền một cách tự nhiên. Do đó, người nào càng xả lợi, thì tâm đức của họ càng sáng, trí đức của họ càng minh bạch, hình của họ càng ngay, bóng của họ càng thẳng, mỗi lời nói của họ đều như gấm thêu, mọi phong thái đi, đứng, nằm, ngồi của họ đều nhẹ nhàng và sáng trong như băng tuyết. “Xả lợi”, ngôn từ ấy thật bình dị mà hàm chứa đạo lý vừa thực tế, vừa thâm diệu vô cùng. “Xả lợi” là pháp hành tuy giản dị, nhưng có khả năng chặt đứt hết mọi gốc rễ khổ đau cho tất cả những ai hết lòng thực tập đối với nó. Trích tác phẩm: Mở Lớn Con Đường. |