Tôn Giả Thi Bà La

11/04/201312:00 SA(Xem: 15439)
Tôn Giả Thi Bà La

TÔN GIẢ

THI BÀ LA

 

1). ĐỨA BÉ KỲ LẠ:

 Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ trong thành Xá Vệ có một Trưởng Giả tên Nguyệt Quang, lập gia đình đã lâu chưa có con, nên thường cầu khẩn trời đất thánh thần, mong có con nối dõi. Một thời gian sau, người vợ có thai, sau hơn chín tháng sinh được con trai đẹp đẽ như màu hoa đào. Nhưng khi đang sanh, hai tay đứa bé ôm hạt châu Ma ni quý giá mà ra, vừa sinh ra hai tay ôm hạt châu liền nói kệ:

Nhà này nếu có tiền,

Báu vật và thức ăn,

Nay tôi muốn bố thí,

Cho người nghèo thiếu thốn.

Nếu nhà không tiền của,

Không vật chẳng thức ăn,

Nay có châu vô giá,

Dùng để bố thí người.

 Người mẹ nghe nói ngạc nhiên lạ lùng, còn mọi người chung quanh thấy sự lạ chưa từng có đều sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Làm sao sanh ra Ma Quỷ! Vừa sinh ra đã biết nói! Người mẹ bình tĩnh liền nói kệ hỏi:

Là Trời hay Càn Thát?

Ma Quỷ hay La Sát?

Là ai tên họ gì?

Nay ta muốn được biết.

 Đứa bé liền đáp:

Không Trời chẳng Càn Thát,

Không Quỷ cũng chẳng La,

Là con của cha mẹ,

Là người chớ nghi ngờ.

 Phu nhân nghe những lời ấy thì vui mừng, cho rằng: con mình là Thần đồng, liền kêu gọi những người vừa bỏ chạy trở lại, rồi phu nhân cho mời Trưởng giả đến, và đem việc ấy nói với Trưởng giả.

 

LỜI BÀN:

 Chuyện một đứa bé vừa sinh ra đã ôm sẵn trong tay viên ngọc châu Ma Ni mà ra, lại còn phát nói lên như người lớn! thật là kỳ lạ chưa từng có trên thế giạn; thảo nào những người xung quanh thấy thế tưởng Ma Quỷ nên chạy tán loạn là phải, không trách họ được. Về vấn đề này, chúng ta chỉ thấy trường hợp khi đức Phật khi sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni, có một số sách nói rằng khi vừa sinh ra, Ngài liền bưóc đi bảy bước trên hoa sen vừa mọc, tay chi trời tay chỉ đất và nói “Trên trời dưới đất, chỉ Ta là qúy” (Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn).

 Chắc rằng nhiều người không đồng ý, do đó nhiều sách không đề cập tới vì thấy trái với thông thường, nhưng qua Kinh nói đã nhiều lần đức Phật hiện thần thông, ánh sáng phát ra từ thân thể, hoa sen tự nhiên mọc lên, và Ngài bước lên ngồi trên đài sen trước mặt tứ chúng. Như thế, chúng ta có tin được không, vì những sự biến hóa ấy đều trái với khoa học, trái với sự thông thường ở đời. Vả lại những gì viết ra trong Kinh đều do 500 vị Thánh Tăng cùng duyệt xét hư thực trước khi kết tập, thì không thể sai được.

Không như Kinh sách của các Tôn giáo khác do một hay hai người tự suy nghĩ viết ra nên có thể nhầm lẫn.

 Chúng ta cần nên biết khi Bồ Tát từ cung Trời Đâu Suất giáng sinh vào thai mẹ, Ngài biết vào thai mẹ; khi ở trong bụng mẹ, Ngài biết đang ở trong bụng me; khi ra khỏi bụng mẹ, Ngài biết ra khỏi bụng mẹ. Lại khi Ngài sinh ra, Vua Trời Đế Thích cõi Đạo Lợi là cõi dục giới thấp nhất và các vị Trời cùng Thiên Thần hiện diện ngay, hóa hiện hoa sen cùng nâng dìu cung phụng Bồ Tát. Nên vừa sinh ra đã đi bảy bước trên hoa sen vừa mọc, tay chỉ lên, tay chỉ xuống, vừa đi vừa nói “Trên trời dưới đất, chỉ Ta là quý” việc này không phải không thể xảy ra.

 Chúng ta hiểu câu nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” như thế nào?, nếu chúng ta hiểu câu ấy là “Từ các loài Trời ở trên cho đến loài Người ở dưới chỉ có mình ta là tôn quý nhất”, đây là lời giải thích của người bình thường thôi, không đúng ý Bồ Tát. Bồ tát muốn nói rằng “Trên trời dưới đất, cái Tánh, Phật Tính của mỗi người là quý nhất”, chứ chẳng phải cái thân xác phàm đâu; mỗi người đều có cái “Tánh” quý giá ấy, nó là hòn ngọc độc nhất vô nhị của mỗi chúng sinh.

 Như thế thì đứa bé Thi Bà La kia đã trải qua những tiền kiếp như thế nào, mới có được khi sinh ra đời ấy đã cầm viên ngọc châu Ma Ni, lại nói ngay được nên cũng có thể hiểu được, nhưng phải công nhận rằng việc như thế thật là kỳ đặc hiếm có trên thế gian. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp của câu chuyện xem sự việc như thế nào.

 

2). BẬC TRÍ VÀ KẺ NGU:

 Sau khi nghe người vợ nói sự việc, Trưởng giả liền nghĩ: “Đây là duyên gì?” Nay ta hãy đem duyên này hỏi Ni Kiền Tử (ngoại đạo tu khổ hạnh), rồi ông cho bồng đứa nhỏ đi hỏi Ni Kiền Tử, Ông trình bày tất cả sự việc xảy ra, Ni Kiền Tử nghe xong bảo:

- Đứa bé này bạc phước, vô phúc, vô ích, nên đem giết đi, nếu để nó sống nhà cửa của Ông sẽ bị hao tài tốn của vì nó, và cuối cùng cả nhà sẽ bị chết hết.

 Trưởng giả nghe mấy lời ấy suy nghĩ: “Ta từ trước đến giờ không có con nên cầu khẩn trời đất thánh thần biết bao năm nay mới có đứa con này, ta chẳng thể giết nó được. Ta sẽ đi hỏi Sa Môn, Bà La Môn xem sự thể thế nào?”

 Khi ấy, Sa Môn Cù Đàm thành Phật chưa được lâu, mọi người gọi Ngài là Đại Sa Môn; Trưởng giả Nguyệt Quang liền nghĩ: “Ta có thể đem việc này hỏi Đại Sa Môn” Rồi ông cho bế đứa nhỏ đến chỗ đức Phật. Đang đi giữa đường, ông lại nghĩ: “Nay có Trưởng lão Phạm Chí (người tu theo ngoại đạo) lớn tuổi thông minh trí tuệ, được mọi người cung kính nể trọng, ta nên đến chỗ Phạm Chí hỏi hơn là Sa Môn Cù Đàm còn trẻ, học đạo chưa được bao lâu, há có thể biết việc này sao? E rằng không giải quyết được mối nghi của ta, nay ta nên đến hỏi Phạm Chí”, nghĩ rồi ông bèn quay trở lại; lúc ấy có một Thiên thần trước kia khi còn sống ở thế gian là bạn với Trưởng giả, biết tâm niệm của Trưởng giả, nên bèn ở trên không nói vọng xuống:

- Này Nguyệt Quang, Trưởng giả nên biết Như Lai ra đời rất khó gặp, Sa Môn Cù Đàm chính là Như Lai như nước cam lộ đúng thời mới có; sao Ông lại quay về, hãy tiến lên sẽ được lợi ích lớn, Ông nên biết có bốn việc nhỏ nhưng chớ coi thường.

 Rồi Thiên thần nói kệ:

Quốc Vương tuy còn nhỏ,

Bị hại do khinh Vua,

Lửa nhỏ tuy chưa mạnh,

Thiêu rụi cả núi rừng.

Rồng thần tuy hiện nhỏ,

Giáng mưa tùy lúc làm,

Người học tuổi tuy nhỏ,

Độ người thật vô lường.

 Trưởng giả nghe xong, tâm ý mừng rỡ, liền quay lại tiến bước đến chỗ Phật. Trưởng giả cúi lạy rồi đem nhân duyên thưa đầy đủ với Phật. Đức Phật nghe xong bảo Trưởng giả:

- Đứa bé này phúc rất lớn. Đứa bé sau này lớn lên sẽ đem 500 đồ chúng đến chỗ Ta xuất gia học đạo, đắc quả A La Hán. Trong hàng Thanh Văn của Ta, đứa bé này là người phước đức bậc nhất không ai bì kịp.

 Trưởng giả nghe đức Phật nói xong, vô cùng mừng rỡ, rồi thưa:

- Đúng như Ngài nói, chẳng phải như Ni Kiền Tử.

 Rồi Trưởng giả lại bạch:

- Cúi xin Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo thương xót đứa bé này, nhận lời thỉnh cúng dàng bữa ăn ngày mai của con.

 Đức Phật im lặng nhận lời, Trưởng giả biết đức Phật đã nhận lời, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy cúi lễ rồi lui về nhà, cho người sửa soạn thức ăn thức uống. Tới nửa buổi hôm sau, ông trở lại thỉnh mời đức Phật cùng chư Tăng tới nhà thụ trai; sau khi thọ trai xong, Trưởng giả vái lễ trước Phật rồi thưa:

- Con đem hết ruộng vườn nhà cửa tài sản cho hết đứa con, cúi xin Thế Tôn đặt tên cho nó.

 Đức Phật bảo:

- Lúc đứa bé mới sinh ra, mọi người đều bỏ chạy, nói nó là Quỷ Thi Bà La. Nay Ta đặt tên nó là Thi Bà La.

 Đức Phật thuyết pháp cho vợ chồng Trưởng giảquyến thuộc, nghe xong đều xin được quy y Phật Pháp Tăng và thụ ngũ giới; xong, đức Phậtđại chúng Tỳ Kheo ra về.

 

LỜI BÀN:

 Đoạn Kinh trên cho thấy người tu theo ngoại đạo khổ hạnh không thể đạt đạo, không có trí huệ, nên khi gặp người khác hỏi những vấn đề khó khăn thì mù tịt nên chỉ trả lời theo lối nói mò, nói hiêu đoán vượn. Ni Kiền Tử nghe nói đứa bé khi sinh ra có hạt bảo châu, lại biết nói và đòi bố thí, thì ngờ rằng đó là ma quỷ độn vào thai mà sanh ra. Nên đã tiên đoán đứa nhỏ sau này sẽ phá hoại hết tiền của tài sản, hại chết hết cả gia đình, và cuối cùng Ni Kiền Tử khuyên nên giết đứa nhỏ để trừ mọi hậu hoạn cho gia đinh, đây là lời nói của người si mê không biết sự thật nên đã nói bậy vậy.

 Nếu Trưởng giả Nguyệt Quang cũng là người ngu si không biết suy nghĩ, nghe theo lời Ni Kiền Tử gây nghiệp ác có phải là đã hại đứa nhỏ rồi không!?

 May thay! đứa bé có phúc lớn, nên đã khiến Trưởng giả không muốn hại đứa con, và khởi nghĩ đến việc đi hỏi đức Phật.

 Một chi tiết nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, đó là lúc đang trên đường đi đến chỗ Phật, Trưởng giả chợt nghĩ tới tuổi trẻ học đạo chưa được bao lâu của Sa Môn Cù Đàm, nên nghĩ rằng như thế chắc không biết để giải quyết được vấn đề, nên Trưởng giả không tiếp tục đi nữa mà quay lại.

 Lúc ấy vị Thiên Thần kia biết được ý nghĩ của Trưởng giả, bèn khuyến cáo và bằng bài kệ rằng không nên coi thường Vua còn nhỏ, đốm lửa nhỏ, Rồng hiện nhỏ, người đạo tuổi nhỏ, vì khinh Vua nhỏ mà bị chết, khinh đốm lửa nhỏ mà cả núi rừng tiêu thành tro, khinh rồng hiện nhỏ nên bị nước tràn ngập, khinh người đạo tuổi nhỏ nên không thấy sự độ vô lường; khi nghe những lời ấy, Trưởng giả đã như tỉnh ngộ, liền quay lại tiến đến chỗ Phật.

 Khi gặp, đức Phật dùng trí huệ nói chứ không phải là đoán mò nói càn như ngoại đạo, Ngài nói những lời đẹp lòng hợp ý Trưởng giả, khiến ông vô cùng phấn khởi liền thỉnh đức Phật và chúng Tỳ Kheo tới nhà thọ trai và đặt tên cho con mình. Mặc dù cái tên tuy qủy mị, nhưng với lòng tin Phật nên cái tên quỷ mị ấy rất đẹp và có ý nghĩachúng ta sẽ thấy đức Phật đề cập đến ở cuối bài kinh này. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp.

 

3). PHÚC ĐỨC ĐỆ NHẤT:

 Bấy giờ, Trưởng giả Nguyệt Quang tìm rất nhiều (500) thiếu niên (đồng tử) nghèo cùng lứa tuổi hay ít tuổi hơn để hầu hạ Thi Bà La từ khi còn nhỏ cho tới trưởng thành. Tới năm 20 tuổi, Thi Bà La thưa với cha mẹ:

- Cúi mong cha mẹ cho con được theo đức Thế Tôn học đạo.

 Thi Bà La liền được song thân chấp thuận, vì ông bà Trưởng giả đã biết việc đức Phật đã thụ ký từ 20 năm về trước rồi, Thi Bà La đem hết các thanh niên đến chỗ đức Phật và thưa:

- Cúi xin đức Thế Tôn chấp nhận cho con được nhập đạo.

 Đức Phật liền thu nhận Thi Bà La cho làm Sa Môn, được vài ngày Tỳ Kheo Thi Bà La liền thành A La Hán, đủ cả lục thông tám giải thoát. Khi ấy 500 thanh niên đồng loạt đến trước đức Phật xin được làm Sa Môn, tất cả đều được chấp nhận, và chẳng bao lâu, tất cả đều thành A La Hán.

 Khi ấy Tôn Giả Thi Bà La cùng 500 Tỳ Kheo trở về làng cũ tại nước Xá Vệ, mọi người đều kính ngưỡng cúng dàng đầy đủ. Ở được ít ngày, Tôn Giả nghĩ: “Nay ở làng mình thật ồn náo phiền toái, ta nên đi du hóa trong nhân gian” Sau khi khất thực tại thành Xá Vệ xong, Tôn giả rời khỏi tịnh xá Kỳ Hoàn cùng với 500 Tỳ Kheo du hóa trong nhân gian. Đi tới đâu cũng được cúng dường đầy đủ từ thức ăn đến áo mặc, thuốc men v.v... vì có các vị Trời báo trước cho thôn xóm rằng: “Nay có Tôn giả Thi Ba La đã đắc A La Hánphúc đức hạng nhất cùng với 500 Tỳ Kheo đều là bậc Thánh du hóa trong nhân gian sắp đến, chư vị nên cúng dàng, nếu bây giờ không làm, sau hối tiếc vô ích”. Vì vậy, Tôn giả đi tới đâu, nhân dân đều biết trước và sửa soạn thức ăn sẵn sàng nên mọi thứ đầy đủ.

 Khi ấy Tôn giả lại nghĩ rằng: “Chán sự cúng dường nhiều quá, ta nên tìm chỗ nào ở cho mọi người không biết chỗ ta”, rồi Tôn Giả vào sâu trong rừng núi. Chư Thiên lại báo cho từng người trong thôn xóm biết chỗ: “Tôn giả Thi Bà La đang ở núi này rừng kia, hãy đến cúng dàng, nếu không làm, sau này hối tiếc vô ích”. Nhân dân nghe Trời bảo như thế, liền gánh đội thức ăn uống đến tận nơi cúng dường và nói:

- Xin Ngài dừng lại vì chúng con.

 Tôn giả du hóa dần dần đến vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành La Duyệt nước Ma Kiệt, cũng được nhân dân cúng dàng đầy đủ các thứ. Lúc ấy Tôn Giả nghĩ: “Ta phải nhập hạ ở phía Tây núi Quảng Phổ để mọi người không thể đến”, rồi Tôn giả dẫn các Tỳ Kheo đi. 

 Khi ấy Vua Trời Đế Thích biết được tâm ý Tôn Giả như thế, liền hóa hiện cảnh Chùa, vườn cây hoa lá quả tốt tươi đầy đủ tại chỗ ấy, chung quanh lại có hồ sen thơm trong mát. Thích Đề Hoàn Nhân (Vua Trời) lại hóa hiện đầy đủ tòa ngồi, giường dây (giường để trong võng treo hai đầu), và dùng cam lộ của Trời để dâng món ăn thức uống.

 Hết ba tháng nhập hạ, Tôn giả Thi Bà La lại dẫn 500 Tỳ Kheo đến thành Xá Vệ để được gần gũi đức Phật. Khi ấy trời oi bức nóng nực, mọi người đều thấy khó chịu vì nóng lại không có gió. Tôn giả nghĩ thầm: “Hôm nay nếu có mây mưa thì hay biết mấy”, vừa nghĩ xong, trên không liền có đám mây lớn từ xa tới, rồi mưa bụi làm mọi người mát dịu hẳn lại.

 Bấy giờ Tại thành Xá Vệ, Tôn giả Thi Bà La có người chú là Trưởng giả rất giàu có, nhưng keo kiết không bao giờ chịu bố thí giúp ai, những người thân tộc bảo: “Sao không dùng của cải tạo dựng tương lai đời sau? Trưởng giả nghe hiểu ra liền đem trăm nghìn vàng bạc tiền của bố thí cho các Phạm Chí, dị học (người học, tu hành của ngoại đạo), Tôn giả nghe nói Chú mình làm như thế.

 Tôn giả Thi Bà La đến chỗ đức Phật cúi đầu lễ lạy, xong đi nhiễu ba vòng quanh Phật, rồi đi vào thành khất thực dần dần đến nhà Chú đứng lặng thinh. Trưởng giả thấy cháu bảo:

- Mấy bữa rồi sao không đến, tôi đã đem vô số vàng bạc tiền của cúng dàng hết rồi, nay có thể cho tấm vải.

 Tôn giả đáp:

- Nay tôi chẳng dùng vải làm gì, đến đây để khất thực.

 Trưởng giả đáp:

- Tôi đã bố thí hết rồi, hôm nay không thể bố thí nữa.

 Tôn giả muốn độ cho Chú mình nên bay lên hư không, làm phép thần biến, thân ra lửa, ra nước, đi đứng ngồi nằm trên không tùy ý. Trưởng giả thấy sự biến hóa ấy liền nói:

- Thôi trở xuống đây ngồi, nay tôi sẽ thí cho thức ăn.

 Tôn giả liền xuống ngồi, Trưởng giả liền đem thức ăn dở tệ ra. Tôn giả vốn con nhà hào tộc tùy ý ăn uống, vì Trưởng giả nên nhận ăn thức ăn ấy, ăn xong trở về. Đêm ấy có vị Trời ở trên không bảo Trưởng giả bằng kệ, sáng sớm đến nhắc lại bài kệ ấy:

Thiện pháp thí rất lớn,

Là cho Thi Bà La,

Vô dục đã giải thoát,

Ái đoạn đã vô nghi.

 Trưởng giả nghe vị Trời nói liền nghĩ: “Hôm trước ta đem vô số vàng bạc cúng dường Phạm chí, dị học chẳng có cảm ứng, hôm qua ta lấy thức ăn dở tệ thí cho Thi Bà Lacảm ứng đến thế, sáng ra, ta sẽ đem trăm nghìn vàng bạc tiền của dâng cho Thi Bà La mới được.

 Sáng ra, Trưởng giả liền kiểm điểm vàng bạc cho đủ số, liền đem đến tìm gặp Thi Bà La. Sau khi chào hỏi, ông liền nói:

- Mong Thi Bà La nhận cho trăm nghìn vàng bạc này.

 Tôn gia đáp:

- Mong cho Trưởng giả được phúc vô cùng, trường thọ tự nhiên. Nhưng Thế Tôn không cho Tỳ Kheo nhận trăm nghìn vàng bạc.

 Trưởng giả liền đến chỗ đức Phật, cúi đầu lạy rồi thưa:

- Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho Tôn giả Thi Bà La được nhận trăm nghìn vàng bạc để con được hưởng phước báu về sau.

 Đức Phật liền bảo một Tỳ Kheo đi mời Tôn giả Thi Bà La đến gặp Phật. Khi Tôn giả đến cúi lễ xong, đức Phật bảo:

- Nay Thầy có thể nhận trăm nghìn vàng bạc của Trưởng giả khiến Trưởng giả được phúc báu, đây là nghiệp duyên đời trước nên được hưởng báo này.

 Tôn giả Thi Bà La đáp:

- Xin vâng, thưa Thế Tôn.

 Rồi Tôn giả bảo Trưởng giả:

- Ông hãy đem vàng bạc bố thí để trong phòng tôi.

 Trưởng giảTôn giả đều cúi lễ đức Phật rồi cùng đến phòng của Tôn giả, sau khi Trưởng giả bố thí xong, Tôn giả Thi Bà La bảo các Tỳ Kheo:

- Vị nào có thiếu chi hãy đến phòng tôi mà lấy, hãy bảo nhau đến mà lấy, không nên cầu chỗ khác.

 

LỜI BÀN:

 Trong đoạn Kinh trên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về sự tu hành của Thi Bà La chỉ có vài ngày đã đắc A La Hán, thật là dễ dàng quá, nếu không phải là do duyên đã có từ lâu đời rồi thì khó mà hiểu nổi; khi đắc quả Thánh rồi, lại có đủ lục thông bát giải thoát.

Lục thông là sáu thần thông, chính ra nên nói là bảy thân thông, gồm Thần túc thông biến hóa, Thiên nhãn thông nhìn thấu suốt, Thiên nhĩ thông nghe thấu suốt, Tha tâm thông biết tâm niệm của người khác, Túc mệnh thông biết rõ các tiền kiếp sinh tử luân hồi của mình, Sinh tử thông biết rõ sinh tử luân hồi của chúng sanh, và Lậu tận thông biết rõ sạch hết ô uế biết rõ ra khỏi sinh tử luân hồi.

Bát giải thoáttám giải thoát gồm:

1- Dứt hết chấp ngã, không còn chấp ta.

2- Dứt sạch sự dính mắc hình sắc đẹp xấu.

3- Thanh tịnh, cũng không chấp thanh tịnh.

4- Đạt hư khôngvô biên.

5- Đạt thức là vô biên.

6- Đạt tâm không có vật gì.

7- Đạt phi tưởng phi phi tưởng.

8- Đạt diệt thụ tưởng định (Diệt tận định).

 Đoạn Kinh trên cho thấy: Tôn Giả Thi Bà La đi đến đâu cũng được nhân dân cúng dường quá đầy đủ đến nỗi Tôn giả cảm thấy mệt vì có quá nhiều sự cúng dàng; sở dĩ như vậy vì các vị Trời đi cổ động tuyên truyền trước, mà lời nói của Chư thiên lại được nhân dân tín trọng gấp trăm lần tuyền truyền của người. Rồi chính Chư thiên cũng làm việc cúng dường khi Tôn giả đến vùng xa xôi ngăn sông cách núi, chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn kinh kế tiếp để biết việc này, tại sao Tôn giả được các vị Trời kính nể như thế?

 

4. TIỀN KIẾP THI BÀ LA:

 Bấy giờ nhiều Tỳ Kheo thắc mắc về phước báu khác thường của Tôn giả Thi Bà La, nên đến chỗ đức Phật lễ lạy rồi hỏi:

- Tôn giả Thi Bà La xưa tạo phúc gì mà sinh trong nhà Trưởng giả giàu sang, khi mới sinh hai tay ôm hòn châu ngọc Ma Ni mà ra, vừa ra khỏi bụng mẹ liền biết nói. Lại đem 500 đồ chúng đến chỗ Thế Tôn xin xuất gia học đạo, học đạo chưa được vài ngày đã đắc A La Hán có đủ lục thông bát giải thoát; lại nữa, Tôn giả đi đâu cũng được cúng dường vô số kể, không ai bì kịp như thế là nguyên do gì?

 Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

- Thời quá khứ thật lâu xa, cách nay 91 kiếp về trước (khoảng 6.5 tỉ năm), có Phật hiệu Tỳ Bà Thi ra đời (khi loài người sống 8 vạn tuổi), du hóa ở nước Bàn Đầu cùng đại chúng Tỳ Kheo . Lúc ấyPhạm Chí Da Nhã Đạt giàu có bậc nhất, Da Nhã Đạt đến chỗ Phật Tỳ Bà Thi được Phật thuyết pháp cho nghe được tâm hoan hỉ. Nghe xong ông thưa:

“- Cúi mong Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh đến nhà con trước buổi trưa ngày mai dùng cơm cúng dàng của con”

 Lúc ấy đức Phật Tỳ Bà Thi im lặng nhận lời, Phạm Chí biết Phật nhận lời, liền đứng lên vái lễ, đi quanh Phật ba vòng rồi ra về trang trí sắp xếp sửa soạn thức ăn uống. Vào khoảng nửa đêm, Phạm Chí Nghĩ: “Các thứ đã sửa soạn xong, chỉ thiếu tô lạc nữa thôi, sáng sớm mai ta phải đến cửa thành xem có ai bán tô lạc thì phải mua bằng bất cứ giá nào”.

 Sáng sớm, Phạm Chí đến cửa thành gặp người chăn trâu tên Thi Bà La muốn đem tô lạc đến chỗ tế tự, Phạm Chí thấy người ấy có tô lạc, liền hỏi:

“- Anh bán tô lạc này, tôi sẽ mua hết với giá cao”.

 Người chăn trâu nói:

“- Tô lạc này, tôi muốn để cúng tế”.

 Phạm Chí Da Nhã Đạt bảo:

“- Nay anh cúng Trời để cầu việc gì?, nếu bán cho ta, ta sẽ trả giá xứng đáng”

 Người chăn trâu Thi Bà La hỏi:

“- Ông muốn mua tô lạc để làm gì?”

 Phạm Chí đáp:

“- Hôm nay tôi thỉnh đức Như Lai Tỳ Bà Thichư Tăng đến nhà thụ trai cúng dàng, các thức ăn uống đều đầy đủ, chỉ thiếu có món tô lạc này nữa thôi”.

 Thi Bà La hỏi:

“- Như Lai Tỳ Bà Thi là người như thế nào?”

 Phạm Chí đáp:

“- Như Lai, không ai sánh được, trên trời và tất cả nhân gian không ai bì kịp, Ngài giảng nói rất vi diệu, Ngài có các đệ tử cũng rất giỏi v.v...”

 Phạm Chí tán thán công đức Như Lai, người chăn trâu Thi Bà La nghe xong, tâm ý vui mừng, liền nói với Phạm Chí:

“- Nay tôi muốn đích thân đem tô lạc này đến cúng dường Như Lai, chứ không cúng tế Thiên Thần nữa”.

 Phạm Chí Da Nhã Đạt dẫn người chăn trâu Thi Bà La về nhà, rồi tự đến chỗ Phật thỉnh mời, lúc ấy đức Phật cùng Chư Tăng đến nhà Phạm Chí

 Khi Thi Bà La thấy đức Phật dung mạo tuyệt vời, chưa bao giờ thấy người nào có dung mạo như thế, thấy rồi lòng vui mừng vô kể, liền đến truớc đức Phật vái lễ và nói:

“- Xin Ngài nhận cho tô lạc này, công đức tràn đầy của Như Lai nếu đúng sự thật, xin khiến bình tô lạc này đầy đủ cho tất cả chúng Tăng dùng”

 Rồi Thi Bà La bạch:

“- Xin Ngài nhận tô lạc này”

 Đức Phật đưa bát nhận tô lạc, cũng lại cho hết lượt chúng Tăng, tô lạc vẫn còn dư, Thi Bà La thưa:

“- Bạch Ngài, tô lạc còn dư”

 Đức Phật bảo:

“- Ông đem tô lạc này dâng cho Ta và chúng Tăng một lần nữa”.

 Thi Bà La dâng lên đức Phật và hết thảy chúng Tăng một lần nữa, xong đến thưa:

“- Bẩm Ngài, tô lạc vẫn còn thừa”

 Ngài bảo:

“- Ông đem chia cho tất cả mọi người trong nhà này thưởng thức”

 Thi Bà La liền đi chia hết vòng hết lượt già trẻ trai gái trong nhà, nhưng vẫn còn dư, nên trở lại thưa với Phật:

“- Thưa Ngài tô lạc vẫn còn thừa”

“- Ông đem ra ngoài cho bất cứ ai qua lại đều chia cho hết”

 Một lúc lâu, Thi Bà La trở vào thưa:

“- Thưa Ngài, chẳng thể hết được, tô lạc vẫn còn dư”

 Bấy giờ đức Phật Tỳ Bà Thi bảo:

“- Ta chẳng thấy ai trong Trời Người, Thiên Ma, Quỷ Thần có thể tiêu tô lạc còn dư này, trừ Như Lai, vậy Ông hãy đem đổ xuống chỗ đất sạch hay chỗ nước trong”.

 Thi Bà La vâng lời Phật liền đem tô lạc còn thừa ấy đổ xuống chỗ nước trong, ngay khi đó có lửa bùng lên, thấy sự biến hóa kỳ lạ như thế, Thi Bà La khen ngợi việc chưa từng có, rồi trở về chỗ đức Phật cúi lạy, chắp tay đứng lập thệ nguyện:

“- Nay con đem tô lạc cúng dàng Như Laibốn chúng. Nếu được phước đức thì do phúc đức này xin chớ đọa vào chỗ bát nạn, chớ sinh trong nhà nghèo khổ, khi sinh ra thân hình đầy đủ, mặt mũi khôi ngô, cũng chẳng ở nhà, khiến đời tương lai, con cũng được gặp bậc Tôn Thánh như thế này.

 

LỜI BÀN:

 Tô lạc là món gì? Tô lạc làm từ sữa, nó là thức ăn ngon bổ của người Ấn Độ thuở xưa, cũng giống như giữa cheese và butter bây giờ.

 Trước hết, chúng ta thấy lời phát nguyện của Thi Bà La sau khi cúng dường tô lạc dâng Phật, có nói tới: “không sinh vào chỗ bát nạn”, chúng ta cần biết chỗ bát nạn là gi? Bát nạn là tám trường hợp không thuận lợi xảy ra cho việc đạt giác ngộ, đó là: 1- Địa ngục, 2- Súc sinh, 3- Ngạ Quỷ, 4- Trường thọ thiên (sống rất lâu), 5- Biên địa (biên giới nơi hẻo lánh), 6- Căn khuyết (như mù câm), 7- Tà kiến (thấy sai lệch), 8- Thời không có Phật hoặc không có Phật pháp (không có giáo pháp của Phật).

 Phần Kinh trên, chúng ta thấy chính Phạm Chí Da Nhã Đạt là người đã khởi sự gây duyên cho người chăn trâu Thi Bà La được đến gặp Phật. Vì Phạm Chí cúng dàng Phật, cần mua tô lạc nên đã gặp người chăn trâu, và vì vậy đưa đến việc người chăn trâu được gặp Phật. Đây cũng là nhân duyên 2 người, chắc rồi sẽ còn gặp nhau nữa, chúng ta thử để ý xem.

 Cái tên”Thi bà La” đã xuất hiện từ 91 kiếp về trước, nên đức Phật Thích Ca đã đặt cho con Trưởng giả Nguyệt Quang với cái tên hàm chứa hai ý nghĩa: một là tên đã có từ 91 kiếp về trước, hai là khi sinh ra các người xung quanh sợ hãi bỏ chạy vì đứa bé vừa sanh ra đã ôm cầm hòn ngọc lại biết nói nên họ tưởng là Ma Quỷ nhập thai.

 Điểm nổi bật nữa cho chúng ta thấy chư Phật làm những việc mà chúng ta không thể nghĩ bàn tới được, vì những việc làm ấy trái với Khoa học ngày nay. Chỉ có một bình tô lạc, mà cả nghìn người dùng vẫn còn dư thừa; lại nữa, tô lạc còn dư ấy đem đổ xuống nước, tự nhiên bốc thành lửa, ví như chúng ta đổ chất acid xuống nước gây phản ứng giữa acid và nước vậy, nhưng acid ở đâu mà đức Phật bỏ vào bình, mà mọi người dùng không sao hết? Khoa hoc không thể lý giải được việc làm này của chư Phật.

 Việc làm này cũng đã xảy ra đối với Phật Thích Ca khi Tôn giả Tân Đầu Lư muốn độ cho người giàu có keo kiết là bà Nan Đà, nên Tôn giả đã dùng thần thông để sau mời được bà mang rổ bánh đến chỗ đức Phật Thích Ca để xin ngài làm lợi lạc cho Bà. Đức Phật cũng đã dùng thần thông làm cho rổ bánh ăn hoài không hết, và cuối cùng mang số bánh còn dư đổ xuống nước, lửa bốc lên. Sự việc này đã làm cho Bà Nan Đà trở thành tin Tam Bảo. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn kinh kế tiếp đức Phật nói về Thi Bà La.

 

5). NHIỀU KIẾP NỐI TIẾP:

 Trải qua 60 kiếp, đến kiếp 31 về trước (Cách nay khoảng 2.7 tỉ năm), lại có Phật Thi Khí ra đời (Khi loài người sống 7 vạn tuổi), Ngài du hóa tại Da Mã cùng đông đảo chúng Tăng.

 Một hôm, Phật Thi Khí vào thành khất thực, xong đến một vườn cây ngồi ăn, lúc ấy có một thương gia tên Thiện Tài từ xa đi tới, khi thấy đức Phật Thi Khí dụng mạo đẹp đẽ hiếm có trên đời, ông liền vui vẻ tiến đến cúi chào rồi dùng vàng bạc châu báu rải trên thân cúng dàng và phát nguyện:

“- Đem công đức này, mong được sinh vào nhà nơi có nhiều tiền của, không bị thiếu thốn, dù ở trong thai mẹ cũng có của”.

 Cũng cách nay 31 kiếp, có Phật Tỳ Xá Bà ra đời (Khi loài người sống 6 vạn tuổi), bấy giờ có Trưởng giả Thiện Giác giàu có nhưng ít kẻ hầu hạ. Trưởng giả ấy cũng thỉnh mời Phật và chúng Tăng đến nhà thọ nhận cúng dường, đích thân Trưởng giả trông coi mọi công việc cúng dàng, khi xong, Trưởng giả đứng trước Phật phát nguyện:

“- Con nay mong sinh ra ở đâu cũng thường có nhiều người phụ giúp và cũng được gặp Tam Bảo Phật Pháp Tăng, như hôm nay”

 Rồi tới kiếp hiện tại, khi có Phật Câu lưu Tôn ra đời (Khi ấy con người sống 6 vạn tuổi), bấy giờ có Trưởng giả Đa Tài cũng thỉnh đức Phật Câu Lưu Tônchúng Tăng đến thụ sự cúng dàng trong 7 ngày. Không những cúng thức ăn uống, ông còn cúng đủ thứ cần thiết như áo mặc, thuốc men, vật dụng cần thiết v.v... Rồi ông phát nguyện:

 “- Công đức cúng dường này nếu có phước thì nguyện đời sau không sinh vào nhà nghèo, khiến con tu hành, được mọi người kính trọng từ Quốc Vương đến Nhân dân, cho đến Trời, Rồng, Quỷ Thần trông thấy con đều tiếp rước đãi ngộ”

 Các Tỳ Kheo nên biết, Phạm Chí Da Nhã Đạt há là người nào sao, nay chính là Trưởng giả Nguyệt Quang, người chăn trâu Thi Bà La đem tô lạc cúng Phật chính là Thi Bà La bây giờ, thương gia Thiện Tài chính là Thi Bà La, Trưởng giả Thiện Giác, Trưởng giả Đa Tài đều là tiền thân của Thi Bà La.

 Các Tỳ Kheo nên biết, Thi Ba La đã phát thệ nguyện rằng: “Khiến tôi sinh ra hằng đoan chính vô song, thường sinh ra trong nhà phú quý, khiến đời tương lai gặp Như Lai; nếu Ngài vì tôi thuyết pháp, tôi sẽ xuất gia làm Sa Môn, và được giải thoát”. Do công đức này, đời này, Thi Bà La được sanh trong nhà phú quý, nay gặp được Ta liền đắc A La Hán.

 Thi Bà La đời trước lại lấy bảo châu rải trên Như Lai, do công đức này ở trong thai mẹ đã ôm hột châu quý giá mà ra, vừa ra liền biết nói. Do lời phát nguyện mong có nhiều người giúp đỡ, nên được cha mẹ tìm kiếm cho 500 người đến hầu hạ làm bạn, và nay đem 500 đồ chúng ấy đến chỗ Ta xuất gia học đạo đắc A La Hán.

 Lại trong 7 ngày cúng dàng Phật Câu Lưu Tôn cầu được bốn món cúng dường, hôm nay chẳng thiếu áo quần, thức ăn uống, thuốc men, giường nằm. Được chư Thiên truyền bảo thôn xóm, khiến bốn chúng biết Thi Bà La. Lại được Thích Đề Hoàn Nhân (Vua Trời Đế Thích) tự cúng dàng cấp các món cần thiết.

 Do những công đức nhiều đời nhiều kiếp như thế, các Tỳ Kheo khác không ai bì kịp, nên trong hàng đệ tử của Ta, người phúc đức hạng nhất là Tỳ Kheo Thi Bà La.

 

LỜI BÀN:

 Tiếp theo phần trên, chúng ta thấy phần này đức Phật cho biết Phạm Chí Da Nhã Đạt ở 91 kiếp về trước tạo nhân duyên cho người chăn trâu Tỳ Bà La gặp Phật Tỳ Bà Thi. Tới thời Phật Thích Ca tại thế Phạm Chí Da Nhã Đạt lại chính là tiền thân của Trưởng giả Nguyệt Quang, là thân phụ của Thi Bà La, nhân duyên theo nhau như hình với bóng.

 Phần sau chót của bài Kinh cho chúng ta thấy Tôn giả Thi Bà La đã cúng dàng chư Phật trong nhiều kiếp. Kết quả của việc cúng dường chư Phật và phát nguyện đưa tới phúc báo vô cùng lớn lao. Ví như khi cúng một phần khi hưởng phước báo gấp trăm nghìn lần hơn lên.

 Có một điểm cần nêu lên, đó là: phúc đức bố thí rất quan trọng, có bố thí là có phước. Nhưng chúng ta cần biết có loại bố thí được ít phước, có loại bố thí được nhiều phước, bố thí cho loại người nào mình được ít phúc, bố thí cho loại người nào mình được nhiều phúc; ví như cùng là hạt giống giống nhau, cùng điều kiện giống nhau, nếu đem gieo vào đất xấu sẽ gặt được it, nếu đem gieo vào đất tốt sẽ gặt được nhiều gấp mấy lần vậy.

 

Toàn Không


b
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79483)
02/10/2012(Xem: 49453)
09/10/2016(Xem: 10056)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.