CẦU TRE LẮT LẺO Để ngắn gọn, tôi đã thay đổi tựa đề bài viết. Bản thân người viết bài này chưa hề có một mảnh bằng đại học nào hết. Một ngày ngẫm chuyện chung quanh, tôi muốn viết ra chút tâm tư cho nhẹ lòng và điểm tựa cho bài viết cũng chỉ là một vài tổ chức học Phật cũng không thuộc đại học. Đó là lớp Hán cổ ở chùa Già Lam (Gò Vấp) mấy năm đầu thập niên 90 do quý thầy Nguyên Hồng, Thái Siêu khởi xướng và bên cạnh đó là mấy lớp hướng dẫn dịch kinh Hán Văn ở Đại Tòng Lâm do thầy Trí Không, sau này còn thêm một chương trình tương tự do Hòa thượng Minh Cảnh tổ chức (Gọi là nhóm phiên dịch Huệ Quang thì phải). Hiện Hòa thượng còn đang thông báo chiêu sinh khóa mới tại Việt Nam. Cả ba chương trình này đã đào tạo hàng trăm Tăng ni, cư sĩ thực học, và họ cũng đã chung sức nhau thực hiện hàng chục công trình phiên dịch đồ sộ mà đến cả giáo hội Phật giáo trung ương của nhà nước, gồm cả Viện Nghiên Cứu Phật Học và cả ba trường Cao Cấp Phật Học ở ba miền cũng không làm nổi. Cả ba lớp học tự túc vừa kể trên đều không thuộc một trường đại học nào hết; nhưng hiệu quả, theo tôi thì bao nhiêu khóa Cao Cấp Phật Học sau 1975 không sao bì được. Trong bài viết này, tôi muốn thử đưa ra vỏn vẹn hai tiêu đề: Tăng ni cư sĩ phải học gì, và học để làm gì? I. Phải Học Gì?Trước hết, dù Tăng ni, cư sĩ thuộc hệ phái nào và đang tu học trong hay ngoài nước nói chung, mất bốn năm ở các trường Phật Học làm gì – nếu người tốt nghiệp không có được ba thứ này: 1. Một hiểu biết căn bản về hai truyền thống Phật học Nam tông và Bắc phái qua tối thiểu vài ba bộ kinh luận tiêu biểu của hai bên (chẳng hạn Kim Cang, Duy Thức, Hoa Nghiêm, Trí Độ, Thanh Tịnh Đạo, Vô Ngại Giải Đạo, Thắng Pháp Tập Yếu Luận). Điều kỳ lạ là Phật giáo Việt Nam đã tỏ ra thờ ơ rồi chậm bước trong việc phiên dịch hai bộ luận Câu-xá của ngài Thế Thân (Vasubandhu) và Phát Trí của ngài Ca-chiên-diên-tử (Katyayaniputra) – vốn đáng được xem là những chiếc cầu nối tuyệt đối quan trọng để Nam tông và Bắc truyền gần lại với nhau hơn. Hay là vì một lý do khó nói nào đó mà đến tận giờ những người có thẩm quyền vẫn để mặc hai truyền thống này tại Việt Nam tiếp tục sâm thương vời vợi. Ta có thể không phải là học giả hay luận sư gì hết, nhưng nếu đã học xong mấy năm đại học Phật giáo (hoặc tương đương) thì một cách căn bản phải nói được điểm tinh yếu của các truyền thống Phật giáo lớn. Không có được khả năng này, trộm nghĩ danh xưng tốt nghiệp đại học Phật giáo là bất xứng. 2. Khả năng ngoại ngữ tối thiểu để tham cứu kinh điển Phật giáo gồm ít nhất hai trong năm thứ tiếng: Pāḷi, Sanskrit, Hán, Nhật, Tây Tạng. Trong trường hợp Tăng ni, cư sĩ đang theo học ở các xứ Phật giáo Theravāda thì còn phải thêm tiếng bản xứ, chìa khóa tối cần để mở cửa kho tàng kinh Phật ở đó. Riêng khả năng đọc hiểu Anh ngữ thì coi như bắt buộc, vì đại học Phật giáo trên mặt hành chánh cũng được xem tương đương đại học bên ngoài. Tôi coi trọng kiến thức ngoại ngữ ở một người chỉ vì mấy lý do ai cũng biết. Kho tàng kiến thức của nhân loại đã, đang và sẽ được lưu trữ bằng các thứ tiếng khác nhau. Trông đợi các bản dịch rồi thỏa mãn với chúng đều là chuyện không nên. Đọc truyện Kiều phải qua bản tiếng Việt mới đúng mức, và một người ngoại quốc ngồi chờ có bản dịch truyện Kiều bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì biết đến kiếp nào; đã vậy, đọc bản dịch theo tôi là uống cà-phê nước nhì, cái mùi vị nguyên chất không còn nữa. Thứ đến, đọc hiểu thêm một ngôn ngữ là ta làm quen được một nền văn hóa, biết thêm một cách nhận thức. Thế giới bao la gì cũng có, mà ta chỉ biết quẩn quanh với cái mình có (thường cạn và hẹp hơn là sâu với rộng) thì hoang phí quá. Thử nghĩ nếu không có kinh Phật từ Ấn Độ thì loài người hôm nay làm sao có thể tưởng tượng ra được một kho tàng minh triết bất khả tư nghị đến vậy, và đặc biệt là kho tàng ấy đã được một phần nhân loại biết đến trên mặt đất này từ hơn hai ngàn năm trước. Và đối với người học Phật mà nói, ai cũng biết rằng Phật giáo mỗi xứ đều có những điểm độc đáo riêng tư bên cạnh cái chung nhất là Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi. Không đọc hiểu được các thứ tiếng Miến, Tích, Thái, Khmer thì coi như ta đã bỏ qua mấy khu rừng kinh văn quan trọng. Chuyện đó còn đau hơn sự thiệt thòi của một người mù điếc bẩm sinh trước nền điện ảnh thế giới. Nếu chương trình trong bốn năm đầu ở đại học Phật giáo tập trung một chút, bớt hẳn các môn không thật sự cần thiết cho Phật học, thì việc người tốt nghiệp đọc hiểu được vài ba cổ ngữ vừa kể trên đây là chuyện bình thường. Tôi nói những môn không thật sự cần thiết là ám chỉ những môn kiểu kinh tế, xã hội, chính trị gì đó mà Tăng ni sinh có thể trau dồi sau này khi thấy cần. Điều tối cần của một người học Phật trong mấy năm đầu tu học ở học viện, theo tôi, là ba kiến thức vừa kể trên (Phật học, ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ). Thà ít mà đủ sâu để xài được, còn hơn một mớ hổ lốn gì cũng có mà chỉ là đồ đồng nát (ve chai). Tôi biết nhiều người đọc đến đây sẽ mắng tôi không tiếc lời, chẳng hạn đồ dốt mà bày đặt dạy đời, nhưng tôi van các cha làm ơn ngó lại chương trình các khóa Cao cấp Phật học gì ấy từ năm 1981 đến nay, nếu tăng sinh không tự trau dồi thêm, không có vốn liếng sẵn, thì hàng chục môn trong mỗi khóa đó đã đem lại được gì cho họ khi môn nào cũng được học kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Nói vậy hoàn toàn không có nghĩa là tôi xem nhẹ kiến thức bách khoa ở một người. Biết thêm một chuyện, chỉ có tốt chứ không xấu. Dốt một chuyện chỉ có xấu chứ không tốt. Ai từng cầm bút hay micro thì biết, kiến thức càng rộng thì khả năng xoay xở càng thoải mái, càng hiệu quả hơn. Kiến thức hẹp quá, dễ mắc thành kiến và trên hết là không đủ đồ xài. Tôi không có ý kêu gọi ai trở thành một người kiểu vậy. Những trình bày nãy giờ của tôi chỉ có một ý nghĩa duy nhất – là trong mấy năm đầu học tập, Tăng ni cư sĩ nên theo cách sâu trước rộng sau sẽ tốt hơn là ngược lại. Nói vậy vì tôi ngại mấy điều, là nếu chọn cách học rộng trước sâu sau, chỉ cần có chút danh lợi hay bận rộn gì đó thì người ta sẽ không còn hứng thú để đào sâu những cái mình chỉ mới biết đại khái. Thứ nữa, Tăng ni có chiều sâu sẽ an toàn hơn, và cuối cùng điều kiện tâm lý của một người từ sâu đi qua rộng luôn dễ dàng hơn là từ chỗ rộng tìm đến chỗ sâu. Tâm lý con người kỳ lạ vậy. Trong giao tiếp, tôi nhận thấy những người có chiều sâu thường dễ nhận ra chỗ thiếu của mình hơn là người bắt đầu từ chiều rộng, có khuynh hướng tự cho mình cái gì cũng biết! 3. Khả năng ngôn ngữ đủ để trao truyền kiến thức mình có cho người khác một cách thoải mái. Ngôn ngữ ở đây trước hết là tiếng mẹ đẻ, thêm được ngoại ngữ càng tốt, và bao gồm cả hai kỹ năng nói và viết. Khả năng đọc hiểu và giao tiếp căn bản đã nói ở phần 2. Anh giỏi chuyên môn, có một hay nhiều sở trường, nhưng không thể chia sẻ cho người khác (đồng bào hay người xứ khác) bằng cách thức nào đó thì rõ ràng sở học của anh đã mất đi một nửa ý nghĩa. Ngôn ngữ anh dùng phải đủ giúp người ta hiểu điều anh muốn nói, mà nếu được, cũng nên đủ trơn mềm trong sáng để trình bày những vấn đề khô cứng, khó nói. Trộm nghĩ, một chương trình đào tạo tốt không chỉ tạo ra khả năng hiểu biết mà còn là khả năng chia sẻ. Anh không thể chỉ là một học giả uyên bác chỉ biết tra tra lật lật cho riêng mình, anh còn phải là một suối nguồn lợi tha. Tôi nghĩ người Việt không tệ, nhưng có lẽ do thời cuộc hoặc bối cảnh văn hóa xã hội sao đó, nhu cầu học đạo của Phật tử mình khá đơn giản. Có thể dốc tiền cất chùa, nhưng không hứng thú trong việc thúc đẩy học thuật của Phật giáo. Có đủ bạo dạn để nói xúc phạm người khác, nhưng không đủ gan để tham vấn cặn kẽ khi học đạo với Tăng ni. Lý do chỉ đơn giản là ngại hỏi kỹ quá lỡ các vị không biết thì kỳ, hoặc sợ bị la mắng là vớ vẩn nhiều chuyện. Hình như không nên thế. Cứ can đảm nhưng lịch sự, lễ phép hỏi lại chỗ tồn nghi. Chẳng hạn, xin hỏi con có thể đọc thêm vấn đề này ở đâu. Đại khái thế. Điều tối kỵ trong Phật pháp nói riêng và học thuật trên đời nói chung, là nhắm mắt tin thầy. Sau vài thế hệ cuồng tín kiểu đó, cái tinh hoa nguyên thủy chỉ còn là tấm ảnh không hồn. Đừng sợ bị chê dốt mà không dám hỏi, đừng để mình bị lòng quý kính thái quá chặn mất cơ hội tìm hiểu. Khi cư sĩ có thái độ học hỏi nghiêm túc kiểu đó, Tăng ni tự dưng cũng phải nghĩ đến việc quay về trau dồi ngon lành hơn. Thảm nhất là trò học qua loa, thầy dạy sơ sài, kẻ cầu học thiết tha cẩn trọng không biết tìm thầy bạn ở đâu. Cái đó mới là mạt pháp. II. Học Để Làm Gì? Có không dưới 1001 câu trả lời trong trường hợp này. Ở đây người viết chỉ xin hai gạch đầu dòng thôi: 1. Học cho mình. Ta không thể là một người sống giữa đời mà không biết tí gì về thế giới quanh mình. Tăng ni cư sĩ cũng không thể tu Phật theo cách má tin thì con tin, ai rủ thì theo. Vậy mục đích đầu tiên là ta học cho mình. Cho mình ở đây không đơn giản là để mình có được một số vốn kiến thức kiểu “biết thì tốt”, mà trên hết, ta dùng cái học trường lớp để xác định con đường mình phải đi, cách mình phải hiểu Phật pháp, một cách xác định của riêng mình, không phải vay mượn từ ai khác. Thậm chí mang danh tiến sĩ mà không có nổi một nhận thức độc lập thì hình như vẫn còn có chỗ bất cập, bất xứng. Phải có chủ kiến trên nền tảng chánh kiến. Nói kiểu trong nước là kế thừa mà có phê phán. Ta không thể nói thầy tôi dạy vậy thì tôi tin vậy. Bởi nếu ta có hơn hai ông thầy, mỗi vị nói một cách thì ta phải tính sao đây chứ. Vậy rõ ràng, việc học đầu tiên là đem cái biết của người về gặm nhấm với riêng mình; để sau cùng, chọn lấy cái mình thấy là đúng, là thích hợp. Đừng bao giờ vì sợ chống trái với ông thầy rồi không dám động não một cách độc lập. Theo tôi hiểu, và theo kinh Kalamasutta, Phật không dạy ta thờ thầy kiểu đó. Hôm nay sang Miến Điện giữa lúc đất nước này đang từng ngày thay đổi với một tốc độ đáng nể, tôi vẫn có chút khó chịu khi thấy kiểu Niệm Xứ Phồng Xẹp của ngài Mahāsi vẫn được tôn thờ một cách cẩn cẩn như một truyền thống lớn nhất. Cạnh đó, lý tưởng và công trạng của ngài Vicittasara đối với nền học thuật của Phật giáo Miến Điện đúng là không thể phủ nhận, nhưng kiểu học cổ hủ là cái gì cũng phải đọc thuộc lòng (oral) như trẻ con tiểu học, cứ tiếp tục được giữ lại ở đây một phần lớn cũng là do thái độ kế thừa tinh thần của ngài ở những người hậu học trung thành. Họ làm như đã quên rằng, nếu nay vẫn còn sống thì Ngài đã trên trăm tuổi rồi, và trong cách nghĩ của Ngài có nhiều thứ đã được thừa tiếp từ mấy trăm năm nay ở một xứ sở xa khuất như Miến Điện. Một cái giá phải trả của Phật giáo Thái Lan sau này chính là thái độ theo Tổ quên Phật của Phật tử xứ này. Ai tìm hiểu ít nhiều về trung tâm Dhammakāya ở Thái chắc chắn sẽ hết hồn. Cơ sở to rộng như một phi trường, lượng người ủng hộ không dưới số triệu, khả năng tài chánh gần như vô hạn, muốn là có, và uy tín đối với chính phủ giống hệt như người nhà với nhau. Nhưng pháp môn chủ yếu của Dhammakāya là gì? Lửng lơ giữa các truyền thống và Chỉ hay Quán có trời mà biết. Vậy mà người theo cứ đông như kiến cỏ, quân Nguyên gì đó chỉ là chuyện nhỏ. Các truyền thống một thời lẫy lừng như của ngài Achahn Chah, Achahn Neab, Achahn Asabha, thậm chí thần tượng của tuổi trẻ trí thức Thái Lan là ngài Buddhadasa cũng không sao có nổi một ảnh hưởng ghê gớm cỡ đó. Và người học đạo trước hết phải nhắm đến mục đích không để mình trở thành một nô lệ hay chuột bạch cho bất cứ ai. 2. Học để giúp người Một người chịu đọc kinh Phật một cách đàng hoàng, dù có là Phật tử hay không, cũng phải thừa nhận rằng, Phật giáo là một suối nguồn minh triết của toàn nhân loại. Không biết đến lời Phật rõ ràng là thiệt thòi lớn của mỗi người trên hành tinh này. Ai từng đọc qua các kinh Koran của Hồi giáo, Tân-Cựu Ước của Cơ-đốc giáo, Talmud của Do Thái giáo, Phệ-đà của Ấn giáo, Đạo Tạng của Lão giáo,... rồi làm một so sánh, chắc chắn cũng đều phải thấy như vậy. Và ai đã rao giảng trao truyền dòng chảy minh triết đó cho người chưa biết đến Phật giáo? Ai cũng biết đó chính là những người tu học theo Phật giáo và có khả năng chuyển tải truyền đạt. Anh hiểu đúng, làm đúng, nhưng không biết làm sao để giúp tôi được như anh, thì cũng thiệt là đáng tức và thực là đáng tiếc lắm vậy. Nhưng anh làm sao để trao truyền Phật pháp cho tôi? Nói kiểu gì thì cũng chỉ nằm gọn trong ba cách: Bằng chữ viết (dịch, soạn, sáng tác), bằng ngôn ngữ thuyết giảng và bằng chính cách anh sống cho tôi nhìn mà học theo. Có thể anh không có đủ cả ba khả năng này, nhưng một người tu Phật muốn sống lợi tha thì tối thiểu cũng phải có một trong ba. Và tôi tin chắc rằng nếu không sở hữu ít nhất ba thứ kiến thức mà tôi vừa nói đến ở phần Phải Học Gì thì anh rất khó lòng mà giúp được ai. 2.1. Bằng chữ viết. Có nhiều động cơ để một người cầm bút. Anh có thể nói với tôi rằng anh chỉ cầm bút cho riêng anh, không nhắm đến ai, nhưng nếu anh là một người thực học và thực tài thì anh phải chịu trách nhiệm với bất cứ thứ gì anh viết, dịch, soạn. Đó lại cũng là một kiểu lợi tha. Thứ đến, có lúc ta cầm bút vì một công trình mà ta tâm đắc hơn là vì nghĩ đến nhu cầu của thiên hạ, dù đó là công trình được công bố rộng rãi. Trường hợp cuối cùng, người cầm bút lấy lợi ích của thiên hạ làm trọng để vùi đầu vào công trình. Sao cũng được, miễn là người cầm bút thì phải luôn có ý thức trách nhiệm và biết tôn trọng công trình của mình bằng cách thực hiện một cách cẩn trọng, yêu nghề. Được vậy, coi như anh đã giúp đời nhiều lắm rồi vậy! Xin nhớ giùm, lời nói có thể sẽ bay mất, nhưng chữ nghĩa thì mãi hoài nằm lại đó. Đâu ai còn dịp nghe lại giọng nói của các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký,... nhưng các công trình của họ đến tận giờ vẫn còn đầy ra đó, từ các thư viện quốc gia đến sưu tập cá nhân. Làm gì thì làm, một công trình nào đi nữa cũng phải có đủ lý do để tồn tại lâu bền trong đời. Cóp nhặt bừa bãi, nông cạn, bất cẩn đều là những lý do khiến một công trình sớm bị đóng bụi. Chỉ với tâm huyết vẫn chưa đủ, còn phải chất lượng bên trong nó nữa. Thiếu hai điều kiện này, cầm bút chỉ hoài phí thời gian, trong khi ta đâu có nhiều thời gian để chơi sang như vậy. Và thiên hạ cũng đâu dư hơi để đọc một tác phẩm, dịch phẩm kiểu đó. Xưa giờ, có ai thúc ép một bà mẹ phải sinh non trước ngày, cũng như đâu có ai cưỡng cầu một người cầm bút phải hối hả trình làng một công trình chưa được chín muồi. Đẻ non thường khó nuôi, èo uột thiếu sức rồi trách sao đi sớm. Một công trình chữ nghĩa cũng vậy. 2.2. Bằng ngôn từ thuyết giảng Tôi không phải một Pháp sư hay Giảng sư gì ráo, làm được ông sư là mừng rồi. Ở đây chỉ là chút lạm bàn, nhớ gì viết đó, theo kinh nghiệm của một anh bán ve chai bàn về cổ vật. Dù ta may mắn có được một khả năng văn tài hay lợi khẩu ghê gớm đến mấy, trộm nghĩ cái quan trọng vẫn là trách nhiệm đối với thiên hạ. Viết cho hay, đọc đã đời rồi người ta vẫn không bỏ túi được cái gì. Nói cũng thế. Bay bướm hoa hòe cả giờ để rồi chính mình không thể rút gọn được một nội dung xài được. Cả hai trường hợp đều đáng trách, đáng tiếc. Cái nguy hiểm nhất của một người là khả năng lôi cuốn thiên hạ cộng với tinh thần vô trách nhiệm. Ai cũng thích có kẻ ái mộ, nhưng không gì bậy bằng việc lấy đó làm động lực chính để nói năng, viết lách. Anh có biết nhiều người có thể vì nghe anh mà tan nhà nát cửa, tiêu tùng một đời không? Đôi khi một dòng chữ hay một câu nói có thể giúp người ta đổi đời, thì ngược lại lắm lúc chúng cũng thừa sức khiến người ta hết đời, tàn đời. Xin nhớ lại giùm đã có biết bao vị đạo sư, giáo chủ, thầy bà gì đó người Việt ở hải ngoại đã một thời khuynh đảo tâm hồn của hàng ngàn người nhẹ dạ bằng mấy pháp môn tự chế. Tội nghiệp người ta buông hết Phật pháp chánh thống để dồn hết tâm tư thời gian theo mình, đến lúc ngã ngửa ra mới hay thời gian qua đi cắm trại ở Phi Châu còn tốt hơn trăm lần. Nếu sử dụng văn tài và khả năng lợi khẩu để tìm fan ủng hộ mà không chịu nghĩ đến lợi ích của người ta thì kể ra cũng quá tàn nhẫn vậy. Và trong chuyện này hình như chính người nghe hay độc giả cũng tự có một phần trách nhiệm. Ai bảo anh dễ bảo quá, ham vui quá, mới xui tôi muốn nói viết gì cũng được. Nếu anh biết phân biệt rõ cái mình thích và điều mình cần thì tôi đâu dám tung tẩy kiểu đó. Nói kiểu trong nước, có cầu mới có cung chứ. Trong bài này tôi muốn nhấn mạnh nguồn Cung, nhưng dĩ nhiên không thể bỏ qua phía Cầu. Đi nghe thuyết Pháp mà cứ chăm bẵm những thơ ca, chuyện cười, truyện ma để ghi nhớ (dù nhiều khi người thuyết giảng chỉ nhắc phớt qua khi cần thiết), thì trách gì lần sau người ta cứ tiếp tục bổn cũ soạn lại. Lâu dần rồi thành lệ, pháp sư nào thuyết giảng chuẩn mực coi như hết đất sống và cư sĩ cũng không còn cơ hội được nghe những gì đúng là Pháp Nhũ Phật Thân. Cái loạn đi ra từ đấy! Nói chân tình cho nhau nghe, việc thiên hạ chạy theo vẻ ngoài của chữ nghĩa ngôn từ buổi đầu thấy hay là thế, nhưng về lâu dài lành ít dữ nhiều. Nếu hôm nay họ theo ta vì những hoa lá cành vô bổ nào đó, thì mai kia họ cũng có thể chạy theo những ông thầy sặc sỡ hơn ta bây giờ nữa. Trong khi đó, nếu người nói Pháp chỉ nhằm vào hai tiêu điểm là nói đúng lời Phật và lợi ích thiết thực của người nghe thì cứ cho là đối thủ của ta mai này cũng phải là bậc thạc đức thạc học, không có chỗ cho kiểu thầy bà bá vơ chen vào. Phật pháp nhờ vậy mà mạnh, chúng sinh được nhờ. 2.3. Bằng cách sống của mình Phải thừa nhận rằng tôi hơi nhột khi viết đến chỗ này mà cứ nhớ đến kiểu sống của mình, nhưng hết đường lựa chọn rồi, phải xuống tay mà viết thôi. Phật giáo có ít nhất hai cách dạy người: Ngôn giáo (bằng lời) và Thân giáo (làm gương cho người ta bắt chước). Cả hai cách viết và nói đều nằm trong phần ngôn giáo. Cách dạy đạo thứ hai là lấy chính kiểu sống của mình làm bài mẫu cho người ta học theo. Sở dĩ có cách dạy này là bởi vì nhiều khi người ta không thích nghe hay đọc điều mình nói hay viết, mà lại muốn ngó vào từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt của sư phụ. Trăm buổi giảng về giới luật, chánh niệm, tàm úy, từ tâm... lắm lúc xem ra không hiệu quả bằng một tuần lễ trò quan sát thầy. Sống động hơn, thuyết phục hơn, và đỡ tốn kém trí nhớ. Đặc biệt là niềm tin rằng thầy nói được và đã làm được. Nếu mình làm giống hệt thầy thì cũng sẽ an lạc ngon lành như thầy. Đó chính là thân giáo vậy! Có một thời gian khá dài, tôi cứ nghĩ rằng hình thức trang nghiêm trước đám đông hình như là giả dối nếu khi về ở một mình mà lại không thu thúc được như vậy. Nhưng rồi vài vị huynh đệ đã vô tình giúp tôi bỏ đi cách nghĩ đó. Một vị, trong lúc tình cờ kể cho tôi nghe một chuyện vui trên đường, đã nói rằng dù thực ra mình không phải người nghiêm trì cẩn cẩn nhưng trước người lạ ít nhiều cũng nên giữ lại chút đại thể, cho mình và cho đoàn thể mà mình có mặt. Vị nầy dùng một ví dụ nghe không đẹp lắm, nhưng theo tôi thì hay tuyệt và xác đáng. Sư nghĩ xem, ai không biết mình có áo quần cần giặt và phơi, nhưng đem phơi bừa bãi ngoài cửa sổ chung cư kiểu như nhiều người Á Châu thì kỳ cục quá. Mình có bê bối cỡ nào đi nữa, đôi khi cũng phải kín đáo một tí, không cần thiết phải vạch áo cho người xem sẹo bên trong. Mình trang nghiêm không chỉ cho bản thân, mà còn cho đạo, cho thầy bạn, hệ phái nữa. Hay! Câu chuyện thứ hai, xảy ra ở Việt Nam mấy chục năm rồi, mà tôi cứ nhớ hoài như một bài học bằng vàng. Một vị sư bạn của tôi, lớn tuổi hơn nhiều, đã kể cho tôi nghe một chuyện xảy ra với sư trong một lần đi xe bus ở Sài Gòn, kiểu xe Karosa của Tiệp Khắc có cửa đóng mở bằng hơi và được điều khiển từ chỗ ngồi của tài xế. Hôm đó, xe chật như nêm, sư bạn tôi lên được xe thì mới hay chỗ đứng cũng không còn nói gì chỗ ngồi. Sư đành chịu trận ngay cửa xe. Lát sau, cô nhân viên soát vé thấy có chỗ trống để dồn khách vào sâu bên trong, bèn hò hét: Ông thầy phải chừa chỗ cho người ta mở cửa xe chứ. Vị sư bạn tôi lúc đó nhỏ nhẹ: Tôi bị kẹt ngón tay trong cửa xe cô ơi. Cô nhân viên hết hồn nhìn lại: Trời ơi, sao thầy không chịu la lên? Ông sư bạn tôi ráng cười: Sắp đến trạm kế rồi, xe sẽ mở cửa. Cảm ơn cô! Kể xong câu chuyện, sư cười với tôi: “Đó cũng là hoằng pháp. Nhiều người khách lúc đó nhìn tôi rồi tôi nghe ai đó xầm xì. Người ta là ông thầy mà!”. Tôi rất muốn gọi hai câu chuyện vừa kể là những bài học về Thân giáo. Mà muốn làm được chuyện này, Tăng ni bắt buộc phải có một nội hàm thật vững, thật sâu và cũng xin nhớ giùm một chuyện: Muốn biết đường hành trì hay lợi tha thì phải học trước. Nhưng học cái gì, ta cần có mô hình giáo dục thế nào? Xin trở lại đầu bài. TOẠI KHANH cẩn bút |