Thư Viện Hoa Sen

2. Gia Đình

19/09/20162:32 SA(Xem: 11381)
2. Gia Đình

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

IV

HẠNH  PHÚC THẤY  RÕ  NGAY TRONG ĐỜI  SỐNG HIỆN TẠI

 

2 . GIA ĐÌNH

        (1) Cha mẹ và con cái

 

        (a) Kinh Trọng Cha Mẹ

 

         - Này các Tỷ kheo, những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với Phạm thiên. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc đạo sư thời xưa cổ. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với chư thiên thời cổ xưa. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc thánh.

 

- Này các Tỷ kheo, ‘Phạm thiên’  là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc đạo sư  xưa cổ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘ Chư thiên thời xưa cổ ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc thánh’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. Vì sao ? Vì cha mẹ là những người giúp đỡ con cái rất tuyệt vời; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn, và dạy cho con biết về cuộc đời .

(Tăng Chi BK I- Ch.VII-Phẩm Công Đức- (III)-Bằng vơi Phạm thiên – tr 684-685)

           (b)  Đền Đáp Công Ơn Cha Mẹ

       

        -  Này các Tỷ kheo, ta tuyên bố rằng có hai vị mà con người không thể nào đền đáp được công ơn. Hai vị ấy là ai ? Đó là cha và mẹ .

         Thậm chi nếu một người trên một vai cõng mẹ, và vai kia cõng cha, làm như vậy nếu sống được một trăm năm, cho đến khi tuổi tròn một trăm; và nếu người ấy chăm sóc cha mẹ bằng cách bôi dầu, xoa bóp, tắm rữa, đấm bóp tay chân, và ngay cả phải dọn phân của cha mẹ  -   như vậy  người ấy vẫn chưa làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Ngay cả nếu người ấy thiết lập, bố trí cha mẹ như những vị vua chúa tối cao trên quả đất này với  bảy báu vật thật  sang trọng, người ấy vẫn chưa làm đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Vì sao ? Vì cha mẹ là những người giúp đỡ con thật tuyệt vời; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn, và dạy cho con biết về cuộc đời.

        - Nhưng, này các Tỷ kheo, người mà cha mẹ không có lòng tin, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹlòng tin; người có cha mẹ thiếu đạo đức, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ sống có đạo đức ;  người có cha mẹ keo kiệt, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí  cho cha mẹ biết bố thí; người có cha me còn mê muội, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹtrí tuệ - này các Tỷ kheo, một người như vậy là đã làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ: người ấy đã đền đáp công ơn cha mẹ, và đã đền đáp nhiều hơn những gì mà cha mẹ đã làm cho người ấy .

 

                       (Tăng Chi BK I- VI. Ph Thăng Bằng-2. Tr 119- 120 )

 

 

    (2)Vợ Chồng

          (a)  Bốn Kiểu Hôn Nhân

         Một thời, Thế Tôn đang du hành trên con đường giữa Madhurā và Veranjā, nhiều gia  chủ và vợ của họ cùng đi trên con đường đó. Rồi Thế Tôn rời khỏi con đường và ngồi xuống trên một chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới một gốc cây. Các gia chủ và vợ của họ thấy Thế Tôn ngồi đấy liền đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, họ ngồi xuống một bên, và Thế Tôn nói với họ:

        -  Này các gia chủ, có bốn kiểu hôn nhân. Thế nào là bốn ? Một kẻ đê tiện sống chung với  một kẻ đê tiện, một kẻ đê tiện sống chung với một thiên nữ, một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện, một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

         Và thế nào là một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh, lấy của không cho, dấn thân vào tà dâm, nói láo, say sưa uống các loại rượu men, rượu mạnh, là nền móng của ác hạnh; ông ta vô đạo đức, tánh tình xấu ác, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế keo kiệt chi phối; ông ta xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Như vậy chính là kiếu người đê tiện sống chung với người đê tiện.

        Và thế nào là một đê tiện sống chung với một thiên nữ ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh, lấy của không cho, dấn thân vào tà dâm, nói láo, say sưa uống các loại rượu men, rượu mạnh, là nền móng của ác hạnh; ông ta vô đạo đức, tánh tình xấu ác, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế keo kiệt chi phối, ông ta xúc phạm chưởi mắng các sa môn và Bà-la-môn . Nhưng vợ ông ta là người từ bỏ sát sanh, không dấn thân vào tà dâm, không nói láo, không uống các loại rượu men, rượu mạnh; bà ấy là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối; bà ấy không xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiếu người đê tiện sống chung với thiên nữ.

        Và thế nào là một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh...  không xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Nhưng vợ của ông ta là kẻ sát sanh… xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện.

        Và thế nào là một thiên nam sống chung với một thiên nữ ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh... từ bỏ uống các loại rượu men, rượu mạnh; ông ta là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối; ông ấy không xúc phạm chưởi mắng các sa môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Đấy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

         Này các gia chủ, đấy là bốn kiểu  hôn nhân

 

        ( Tăng Chi BK I- Ch IV Phẩm Nguồn Sanh Phước.- III-(53), tr 661-663 )

 

(b) Làm Thế Nào Để Tái Hợp Trong Đời Sau

       Một thời Thế Tôn đang cư trú giữa dân chúng Bhagga, gần vùng Sumsumāragira, trong Vườn Nai thuộc khu rừng Bhesakalā. Vào buổi sang, Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến nhà của gia chủ Nakulapitā (3). Sau khi đến nơi, Ngài ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ Nakulapitā và người vợ Nakulapitā đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, họ ngồi xuống một bên. Ngồi xuống xong, gia chủ Nakulapitā bạch Thế Tôn :

        -  Bạch Thế Tôn, kể từ khi người vợ trẻ Nakulapitā được đem về đây cho con khi con còn rất trẻ, con chưa hề làm điều gì xúc phạm đến nàng, ngay cả trong ý nghĩ, chứ đừng nói  đến hành động. Chúng con chỉ mong ước được mãi mãi thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau ”.

 

        Rồi vợ của Nakulapitā bạch Thế Tôn như sau :

 

   - Bạch Thế Tôn, kể từ khi con được đưa về nhà người chồng trẻ tuổi của con là Nakulapitā, trong khi bản thân con còn rất trẻ, con chưa hề làm điều gì xúc phạm đến chàng, ngay cả trong ý nghĩ, chứ đừng nói  đến hành động. Chúng con chỉ mong ước được mãi mãi thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau .

 

   Rồi Thế Tôn đáp như sau :

 

- Này các gia chủ, nếu cả hai vợ chồng đều mong ước được thấy nhau suốt  đời này cũng như trong đời sau, thì cả hai phải có cùng một đức tin, cùng giữ giới hạnh, cùng bố thí, cùng trí tuệ; lúc ấy cả hai sẽ được thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau .

 

        Cả hai cùng thủy chung và biết bố thí,

Sống chế ngự, theo chánh mạng,

Họ đến với nhau như vợ chồng

Hết lòng yêu thương nhau.

 

Nhiều ân phước đến với họ,

Họ sống chung hạnh phúc,

Khi cả hai đồng đức hạnh,

 Kẻ thù bị thất vọng.

 

Sống theo Chánh pháp trong thế gian này,

Cả hai  cùng giữ gìn giới hạnh,

Sau khi chết sẽ hoan hỷthiên giới ,

Vui hưởng hạnh phúc tràn ngập.

 

 

                 ( Tăng Chi BK I, Ch IV: Nguồn Sanh Phước-V. (55) Xứng Đôi- Tr.668-670)

 

(a)    Bảy hạng vợ

 

   Một thời, Thế Tôn đang cư trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi), trong Rừng Kỳ Đà ((Jeta’s Grove), thuộc tu viện Cấp- Cô- Độc (Anāthapindika). Vào buổi sáng, Thế tôn đắp y, cầm y bát, đi đến nhà ông Cấp-Cô-Độc, tại nơi đó Ngài ngồi xuống một chỗ ngồi được soạn sẵn.Vào lúc ấy, nhiều người trong nhà đang nói lớn tiếng và tạo những tiếng ồn ào khó chịu. Gia chủ Anāthapindika  đến gần Thế Tôn, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. (4) Thế Tôn nói với ông ta:

 

    - Này gia chủ, vì sao những người trong nhà ông lại nói lớn tiếng và tạo những tiếng ồn ào khó chịu như thế ?  Người ta sẽ nghĩ rằng họ là những người đánh cá đang tranh giành cá .

  

   -  Bạch Thế Tôn, đó là nàng dâu của con tên là Sujātā. Nàng giàu có và được đưa đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời cha chồng, mẹ chồng và cũng không vâng lời chồng. Thậm chí nàng cũng không tôn vinh, kính trọngcung kính Thế Tôn.

   Rồi Thế Tôn gọi nàng dâu Sujātā :

   -  Hãy đến đây, Sujātā.

   - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

    Nàng đáp, và đi đến Thế Tôn, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với nàng:

 

   - Này Sujātā , có bảy hạng vợ. Thế nào là bảy ? Hạng vợ như người sát nhân, như người ăn trộm, như kẻ độc tài, như người mẹ, như người chị, như  người bạn, và hạng như người nữ tỳ. Đó là bảy hạng vợ. Giờ đây con thuộc hạng nào ?

 

-  Con không hiểu ý nghĩa lời dạy tóm tắt của Thế Tôn trong từng chi tiết. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn có thể giảng pháp cho con bằng cách mà con có thể hiểu được ý nghĩa lời dạy trong từng chi tiết.

   -  Vậy thì, này Sujātā, nàng hãy lắng nghe, ta sẽ giảng.

   -  Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

    Nàng Sujātā trả lời. Và Thế Tôn giảng như sau :

 

        “ Với tâm sân hận, lạnh lùng và vô cảm,

        Ham muốn kẻ khác, khinh rẻ chồng mình;

        Tìm cách giết hại người đã mua mình –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ sát nhân.

 

“ Khi chồng kiếm được nhiều tiền của

Do làm thủ công, buôn bán hay làm nông,

Người vợ tìm cách dấu một ít riêng cho mình –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ ăn trộm.

 

“ Người ham ăn, biếng nhác, thích nhàn rỗi,

 Đanh đá, hung bạo, nói năng thô lỗ,

Người đàn bà ức hiếp cà người nuôi mình –

Hạng vợ này gọi là vợ độc tài.

 

“ Người luôn luôn hiền từ và giúp đỡ,

Săn sóc chồng như mẹ đối với con,

Cẩn thận bảo vệ tài sản chồng  –

Hạng vợ này gọi là vợ như  mẹ.

 

“ Người cung kính tôn trọng chồng,

Như em gái đối với anh,

Khiêm tốn làm theo ý chồng –

Hạng vợ này gọi là vợ như em gái.

 

“ Người vui mừng khi trông thấy chồng,

Như người bạn hân hoan gặp bạn mình,

Người được giáo dục tốt, có đạo đức và tận tụy –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ như bạn

 

“ Người không tức giận, sợ bị trừng phạt,

Chịu đựng chồng không hề oán hận,

Khiêm tốn  tuân  theo ý chồng,

Hạng vợ này gọi là vợ nữ tỳ (5).

 

“ Những hạng vợ ở đây gọi là vợ sát nhân,

Vợ ăn trộm, và vợ độc tài,

Những hạng vợ này khi qua đời,

Sẽ bị tái sanh vào địa ngục.

 

“ Nhưng với các hạng vợ như mẹ, như em , như bạn,

Và hạng vợ được gọi là  nữ tỳ,

Đức hạnh vững vàng, biết phòng hộ lâu dài,

Khi qua đời sẽ đươc tái sinh lên thiên giới .”

 

        -  Này Sujātā, đấy là bảy hạng vợ. Giờ đây con thuộc hạng vợ nào ?

-  Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, xin Ngài hãy xem con thuộc  hạng vợ  nữ tỳ.

          ( Tăng Ch BK III, Ch VI:Phẩm Không Tuyên Bố- IX(59) Các Người Vợ- tr 404-409 )






 
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 80794)
02/10/2012(Xem: 51155)
09/10/2016(Xem: 11695)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: