- Hướng về Tam bảo

02/09/20189:47 SA(Xem: 7325)
- Hướng về Tam bảo

NHỤY NGUYÊN
SƯƠNG KHÓI PHẬN NGƯỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation


Phần I
CÁI ĐUÔI VÔ MINH

 

HƯỚNG VỀ TAM BẢO

 

Đầu năm lộc non nhú trên những cành cây tưởng đã khô mục, như là biểu tượng cho sức nhẫn nhục tuyệt vời lấp lánh dưới bầu trời Phật pháp. Chan hòa sự sống với vạn vật để lắng tâm nghe sơn hà đại địa cỏ cây hoa lá cất tiếng chào mừng giữa không gian tràn đầy ánh sáng. Chánh điện sáng trưng, mai bung hoa rực rỡ, bên ngoài cây cối đâm chồi biêng biếc.

Không gian chùa nền nã thanh thoát. Phật tọa trên bục cao với ánh nhìn từ mẫn. Phật tử và người dân cố xứ đến chùa tạ ơn Tam bảo gieo duyên lành. Sự khởi đầu cho một vòng quay của trái đất, là sự khởi đầu cho một vòng đời. Không phương hại một con vật nhỏ nhất, không làm gãy một nhành cây. Cùng chan hòa sự sống vạn vật. Cùng lắng tâm nghe sơn hà cỏ cây hoa lá cất tiếng chào mừng giữa không gian tràn đầy ánh sáng.

Tôi vẫn thường dẫn các cháu lên chùa vào những ngày Tết thay vì đến các điểm vui chơi rầm rộ. Chúng ta thường bỏ qua giai đoạn quan trọng trong đời người là “Thai giáo”. Thật diệu kỳ khi thai nhi ngày đêm được nghe hồng danh đức Phật, được nghe kinh Địa Tạng tẩy bớt nghiệp chướng từ đời quá khứ. Một đứa trẻ vừa lớn lên được mẹ cha thường dẫn lên chùa sẽ là vốn quý vô ngần. Đứa trẻ không được giáo dục tinh thần của đạo Nho và hơn nữa là Phật pháp sẽ khó hoàn thiện mình trong tương lai. Câu “A Di Đà Phật” gieo vào tâm là mầm giống quan trọng nhất đời người. Hạt giống ấy sẽ có một ngày tách vỏ hướng về ánh hào quang của Phật như một mầm xuân mụ mẫn giữa đất trời.

Chùa chính là mái hiên vĩnh cửu che chắn mỗi phận đời trong thăm thẳm. Đầu năm được gặp Phật lễ Phật, được gặp quý Thầy nghe giảng pháp thì không phước nào lớn hơn. Nhiều gia đình ở ngay bên chùa song Phật pháp vẫn là một điều rất xa lạ. Duyên của họ trong tiền kiếp quá mỏng, cũng do nghiệp che mờ. Con thỏ nếu phải đeo kính râm thì củ cải nào cũng là cà rốt. Tin hay không tin có thế giới Cực lạc đang chào đón bất cứ ai thiết nguyện sanh về, chính là thể hiện người ấy đời trước gieo thiện căn sâu cạn.

Lễ Phật ở chùa hay lễ Phật tại gia là nét văn hóa tâm linh viên mãn. Lạy Phật để xả bớt cái ngã chất ngất. Lạy Phật và chỉ xoay vòng câu “A Di Đà Phật” từng chuỗi, thật khó cách tu nào thắng diệu hơn. Lên chùa không phải cầu xin. Phật sẽ không cho chúng ta thứ gì ngoài phương tiện cứu cánh. Cầu xin Phật mà không rốt ráo làm theo lời Phật cũng chẳng khác tín đồ ngoại đạo. Khi một ai dơ tay lên cầu xin thì Ngài sẽ cười và cầm bàn tay của người đó quay về phía họ: “Phật là con sao còn cầu”. Trong mỗi người đều có Phật tánh. Trong chúng ta cũng có ma tánh, quỷ tánh. Dùng câu Phật hiệu kết lại thành phiến để phủ lên, lâu ngày giặc phiền não sẽ héo, tâm hiện trí tuệ chói ngời.

Lạy Phật - Niệm Phật, bởi từ lâu ta cứ tưởng mình thông minh tài giỏi; từ lâu tưởng mình hơn người, nắm trọn tri thức nhân loại, mà thực ra toàn vọng. Lạy Phật để thấy mình sao quá u mê. Nay từ trong lầm lạc được Phật chỉ ra con đường sáng, thật muôn lần đội ơn sâu dày. Ở Vạn Phật Thánh Thành, ai muốn trở thành đệ tử của Hòa thượng Tuyên Hóa, trước hết phải lễ Phật đủ một vạn. Tâm còn sân hận, vẫn ganh ghét hơn thua, vẫn gồng mình lên trước những trái khoáy, chạy theo ta bà thị phi, dẫu tu đến đầu bạc răng long Phật cũng không thể ban cho ta Vô Lượng Thọ tự tại phiêu du trong dòng thời gian bất tuyệt. Và mỗi mùa xuân đến, khác gì ta bước gần hơn cái hố sâu thăm thẳm mong chi được cứu rỗi.

Mùa xuân, hoa cỏ đua nhau khoe sắc. Con người cũng khoác lên mình những bộ cánh tinh tươm, góp phần tô điểm cuộc đời tươi đẹp. Các lão hòa thượng khuyên nhủ: Chúng ta có thể dùng thành quả chân chính dâng lên chư Phật. Nhưng quý giá nhất vẫn là cúng dường Tam bảo công phu tu tập của mình. Những khám phá của khoa học đã khiến nhân loại kinh ngạc. Càng kinh ngạc hơn khi phần lớn trong số đó vô tình chứng minh lời Phật. Con người sẽ thực sự lớn khi nâng tầm nhận thức về vũ trụnhân sinh, trong đó liễu thoát sanh tửtrọng yếu. Con người thật nhỏ bé, và sẽ biến mất nếu không nương mình dưới ánh hào quang vô lượng.

Quên năm cũ với bao phiền muộn. Chúng ta dẫu đứng cao nhất trong loài người thì một ngày không xa quả địa cầu này cũng tàn hoại. Những bước chân đầu tiên của năm hướng về Tam bảo, là rút ngắn con đường hướng về nước Phật. Tiếng chuông chùa vẫy gọi, Tâm Kinh đang vẫy gọi những ai mở kho tàng tâm dung chứa tất thảy những gì vũ trụ. Hướng về Tam bảo chính là nhận diện đúng giá trị kiếp người giữa hư không tận pháp giới.

Có một vị sư từng đưa ý tưởng mở khóa tu “ngày ba mươi tết”, để xem Phật tử có thật tu trong bận rộn. Đó cũng là thông điệp “ba mươi tết của cuộc đời”, chúng ta sẽ phải bỏ lại mọi thứ dẫu quý giá vô ngần lật qua một trang đời khác. Lý tột cùng trong Tịnh tôngchúng sanh có đủ nguyện lựcniệm lực cầu sanh về Cực Lạc? Có trăm ngàn lý do khiến ta lấy khổ làm vui; có Phật tử còn bảo: mong Phật thư thư để con ở lại Ta bà làm Phật sự, hàng năm tổ chức lễ tết cho Phật; dẫu sao đây cũng là lý do dễ thương. Tâm còn bám chấp bể khổ, biết yêu thương mọi người, khuyến người hướng về nẻo thiện âu là duyên lành.

Tôi từng may mắn dự pháp ở một ngôi chùa làng ấm cúng, đêm đêm cùng đạo tràng niệm Phật thanh lọc ưu phiền. Có lẽ không nhất thiết phải nêu tên chùa; cái tên chỉ để gọi chứ không phải danh vị cao sang. Đạo tràng nơi đây thật đặc biệt. Mấy chục năm ròng tháng ba mươi ngày tối nào cũng niệm Phật với đủ giai tầng xã hội. Riêng điều này đã rất hiếm so với hàng trăm ngôi chùa khác ở chốn Thiền kinh.

Ước mong gieo thiện duyên với người dân mỗi lần ngang qua chùa và nhất là đón quý Phật tử gần xa, cả đạo tràng lên kế hoạch dựng lễ đài từ trước tết hàng chục ngày. Ai đều vất vả kiếm sống; người làm ra nhiều tiền nghỉ ngày nào tiếc ngày đó song đều phát tâm năng nổ phụng sự. Từ gã thợ mộc, tay thợ điện, anh thợ vi tính, người cắm hoa cho đến lao công, tất thảy đều hướng thượng với tấm lòng thành kính. Chợt nhớ câu chuyện trong Kinh: Thời đức Phậttinh xá Kỳ hoàn, vua A Xà Thế theo lời khuyên của quần thần đã đem rất nhiều đèn cúng dường, nhưng không bằng công đức của một bà lão ăn xin cúng năm tiền dầu. Là sự cúng dường với tâm thuần thành gần như cả gia sản của bà lão; còn vua A Xà Thế cúng vô vàn đèn song tính ra chỉ một phần nhỏ xíu trong gia sản, và quan trọng là tâm chưa thuần thiện. Việc cúng dường phải từ sự rung động trước ân sâu của chư Phật, việc bố thí phải từ tâm thương yêu kẻ nghèo và chúng sanh trong các đường khổ mới viên mãn phước đức. Đã người tu ai chẳng hành thiện, song hành thiện chưa hẳn là người tu. Rất nhiều người đến chùa cúng dường bằng đồng tiền không sạch lại với mục đích cầu lợi trong lúc không chịu nghe và hành theo lời dạy về thập thiện, ngũ giới, xem Phật như thần thánh quan tham...

Ngôi chùa làng qua thời gian ngắn mới thấm thía nguyện lực từ bi của Phật. Kể cả tà ma ngoại đạo cũng là đối tượng cứu độ của Ngài. Ý của Hòa thượng Tuyên Hóa: phần lớn tâm Phật chính là từ tâm ma quỷ mà tu thành. Anh em Phật tử trong chùa vẫn đùa nhau, rằng chỉ ở đây mới tiếp đãi những cá nhân quá đặc biệt. Một người được xác định “vướng âm” khiến gia đình đau đầu nhức óc. Lần ấy tạt vào chùa uống trà, thế là dính luôn, không đêm nào vắng, lặng lẽ đến, xong thời công phu lại lặng lẽ về. Ít nhất có 4 trường hợp bệnh viện xác định “K”, họ kiên trì đến chùa niệm Phật cùng đạo tràng, một thời gian bệnh thuyên giảm và có người lành được hai mươi năm tính cho đến nay. Lại có trường hợp “ma men” quậy từ nhà ra chợ, công an cũng bó tay. Lần mần sao một hôm “đi lạc” vào chùa. Thời gian đầu chẳng ai dám ngồi gần, mà có phải ngồi gần cũng không thể nhiếp tâm niệm Phật bởi gã quá hôi… Giờ con người ấy khác nhiều. Sân chùa sạch sẽ một phần nhờ anh quét dọn, lúc chùa đụng sự luôn xắn tay năng nổ.

Mỗi đêm cứ đúng 7 giờ, tiếng chuông và mõ vang lên, sau bài sám hối là câu Phật hiệu nối nhau nhấp nhô dội sóng. Thời nay ngành vật lý đo được sóng âm dao động trong vũ trụ; thí nghiệm cho thấy câu Nam mô A Di Đà Phật mỗi lần được niệm (niệm thầm hay ra tiếng đều phải lắng tâm nghe rõ), sóng âm loang xa vô tận khiến không gian trở nên nhuần nhị, thanh lọc thântâm. Nếu ai chuyên chú niệm Phật ít năm sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác, tương ưng với tánh đức bởi chúng sanh vốn dĩ có Phật tánh.

Ngày đầu tiên bắt tay vào trang trí chùa thật ý nghĩa. Sáng đó một đạo tràng viên chiêu đãi cà phê. Bên hiên chùa, mọi người thưởng thức hương vị thơm ngát của loại cà phê rang xay thứ thiệt không pha trộn; sau đó nhấp ly trà đậm. Việc đầu là làm sạch chánh điện. Bụi bám ở các tấm kính đặt tượng, mạng nhện; các đồ thờ, lọ hoa được phía nữ nhẹ nhàng đưa xuống lau rửa. Những tượng Phật, Bồ Tát sẽ được phái nam lau riêng bằng những chiếc khăn mới, tay làm miệng niệm Phật giữ tâm thanh tịnh. Thứ đến là bệ đặt tượng Phật trước sân. Mấy năm trước có một người dỡ nhà thay kèo cột, anh em Phật tử ngỏ lời xin và họ vui vẻ cúng dường; đạo tràng nhờ thợ mộc làm bệ đánh dấu kỹ từng bộ phận. Trong hoàn cảnh khó khăn, một thanh niên đề xuất ý tưởng mua rá nhựa úp hai cái lại một, thêm hai viền rua rồi luồn đèn quả ớt vào trong, giảm chi phí đáng kể so với đèn lồng mà vẫn sinh động.

Cây mùa xuân là điểm nhấn. Một cây kiểng đẹp được cắt tỉa nghệ thuật, sau đó gắn lên những phong bì chúc tết có hình Phật Di Lặc cười, bên trong là tờ bạc mới kèm theo câu kinh/kệ hay lời khai thị ngắn ngọn nhẹ nhàng. “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng/ Lạy Phật một lạy tội diệt hằng sa”. Đức Phật từng dạy, tội lỗi của chúng sinh tích từ vô thỉ, nếu có hình tướng sẽ đầy cả hư không. Lạy Phật, niệm Phật, phóng sanh, bỏ ác tích thiện là phương pháp tối ưu tiêu bớt nghiệp chướng, sớm nhẹ gót phiêu du. Đầu năm hướng về Tam bảo, quang cảnh ở chùa dẫu quá khiêm tốn so với Cực Lạc, song cũng khiến lòng người thanh thoát…

Kết thúc công việc trang hoàng, cũng là buổi tất niên. Những chiếc chiếu sạch sẽ trải ra. Trà, bánh và hoa quả. Ông trưởng Ban Hộ tự lễ tạ ân đức chư Phật rồi chung vui cùng đạo hữu, ôn lại những ngày đầu gian khổ đến nhận chùa từ ban quản lý của làng. Hồi đó cỏ dày đặc tốt ngang người. Rồi bao rắc rối chưa giải quyết, kinh tế chùa eo hẹp. Nhưng rồi trời ngày một sáng. Những đêm cuối năm nhiều Phật tử đến ngủ lại chùa, ngồi với nhau bên chén trà khuya. Giao thừa anh em còn được các o chiêu đãi bữa chay thịnh soạn. Bếp chùa ở hậu liêu đủ mươi người cùng phục vụ những hôm đại lễ vài trăm suất. Nhìn cảnh Phật tử từ trẻ đến già quây quần bên bếp lửa củi làm lụng chuyện trò ngỡ mình được trở lại quê nhà trong một buổi gặp đặc biệt của đại gia đình.

Từ chiều ba mươi, bàn thờ Phật ở mỗi nhà đã sạch sẽ, nhiều hoa tươi, trái cây; người nghèo chỉ cần thành kính dâng lên ly nước trong. Người rỗi tới chùa dự khóa thường lệ, người bận việc thì đến vào tầm mười một giờ hơn. Ai nấy áo tràng trang nghiêm, chắp tay hướng về chánh điện, lễ bắt đầu bằng hồi trống chuông Bát nhã. Chuông vang, trống dồn hòa theo tiếng mõ trầm ấm, nhắm mắt bỗng thấy lâng lâng huyền nhiệm. Vào phút giao thời, cả đạo tràng nguyện đem công đức hồi hướng về khắp tất cả chúng sanhđệ tử an lạc, âm siêu dương thái. Mọi người cùng lễ Phật và an tọa niệm hồng danh Đức Từ Phụ. Tiếng niệm kết thành sóng âm loang xa xô dạt chướng khí, dọn đường cho một ngày mới tinh khôi.

*

Tết năm ngoái tôi về thăm ba mẹ. Quê đã vắng nhiều những mái nhà tranh. Về vội đi vội, không biết rằng quê đang dần hình thành một mái ấm viên mãn. Hôm nay có người bạn gọi điện, bảo tớ đang ở quê, về chơi cho vui, ta viếng chùa. Một ngôi chùa. Niềm vui dâng ngập. Cái tin khiến con tim tắc nghẹn, muốn ứa nước mắt. Nơi quê xa có ba mẹ, họ hàng, bà con lối xóm... những người ngày đêm tôi chỉ mong một điều duy nhất là ai cũng sẽ đến với Phật, sớm nhận ra Bể Khổ.

Quê nhà đang có một vườn hoa Phật pháp. Hoa nở rộ quanh năm không héo tàn như chính trong khu vườn ở Cực Lạc thế giới. Những bông hoa từ bi trí tuệ khiến tâm trở nên bình lặng trước dòng đời cuộn chảy. Bỗng nhớ quê. Nhớ cái vùng chiêm trũng nghèo khó nay được khoác tấm áo mới. Quê đã bớt bao gia đình lầm lũi “ăn nước đái muối” vẫn không đủ tiền chu cấp cho con đến trường. Anh đầu tôi ngày xưa cũng nghỉ học đi buôn cùng ba mẹ chèo chống qua cơn bĩ cực. Nhiều bạn tôi nay thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Có đứa sắm cả ô tô chạy quanh đường làng chật hẹp, cha mẹ nở mày nở mặt. Nào hay cuộc đời không gặp Phật pháp thảy đều phù vân. Thời xưa mắc bệnh đậu mùa là hết chữa. Người ta trầm trồ nhờ nền Y học phương Tây phát triển hóa giải nhiều căn bệnh nan y, mà không tự hỏi thời nay loài người đã khống chế được nhiều bệnh quái gở khác? Bao người từng đứng bên bờ vực chết, Y học loại khỏi danh sách chữa trị, họ chuyên tâm một lòng tin Phật niệm Phật chẳng những trở về từ cõi chết mà còn sống lâu sống khỏe. Tịnh tông khuyên người niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thực hành suốt ngày đêm. Nếu lúc nào cũng nhớ niệm Phật thành tâm, người ấy dần tiêu tai miễn nạn. Phật luôn nhắc phải tin ở mình. Phải tin, chính mình là Phật chưa thành và sẽ thành. “Tâm tác tâm thị A Di Đà Phật” (Tâm này làm Phật, tâm này là Phật). Tin Phật trong mình là sự thật. Nhẹ nhàng với mọi thứ, không tham đắm dính mắc, bớt nóng giận chấp trước phiền não, tập yêu thương mọi người và loài vật, Phật tánh sẽ cơ duyên hé lộ.

Tin trong ta có Phật tánh, là tin Phật trên cao. Chưa tin trong ta có Phật mà hướng lên cao lạy lục cầu xin ấy là mù quáng, là ảo tưởng hướng ngoại tìm cầu. Đạo Phật phải mang danh tôn giáo cũng chính bởi những người còn thiếu duyên như vậy. Cần phá bức tường kiếp trước kiếp sau. Khư khư giữ mỗi kiếp này, chúng ta nhìn đời dường như bất công. Nhân quả ba đời (không hẳn từ ông đến cháu, mà có khi ta gieo phước đời này mãi đến ba kiếp, có khi hằng chục hàng trăm kiếp sau mới nhận được ơn báo). Phật đưa ra những định giới đo lường một người tốt thật sự như Ngũ giới, Thập thiện. Ta lại thường nuông chiều bản năng nhảy khỏi khuôn vàng đó. Bậc cao tăng Chinkung; người được nhiều đại học danh tiếng như Griffith, Queensland tặng 4 bằng Tiến sĩ Danh dự, lúc giảng kinh Địa Tạng có nêu tiêu chuẩn được thân người kiếp sau trước hết phải dựa vào phước thứ nhất trong Tam Phước trong Quán Kinh: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập thiện nghiệpKhông cố làm thì phước lớn đến mấy có ở đời này chỉ hưởng trong tam đồkiếp sau. Trong một buổi giảng kinh Vô Lượng Thọ, Hòa thượng còn nhắc lại: Tu theo Thập thiện ít nhất đạt 80%, kiếp sau mới có được thân người. So với tiêu chuẩn Phật ví trong kinh, cánh cửa này hãy còn rộng. Thập ác đối nghịch với Thập thiện, gồm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm (thân nghiệp), vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ (khẩu nghiệp), tham, sân, si (ý nghiệp). Trừ một giới không uống rượu, còn lại Thập thiện đã bao hàm Ngũ giới. Trong Tịnh tu tiệp yếu, cư sĩ Hạ Liên Cư (được xem là Bồ tát tái lai) soạn trên tinh thần kinh Vô Lượng Thọ, có đoạn dành cho người tu tụng đọc hàng ngày: “Vạn đức hồng danh năng diệt chúng tội. Quả năng nhất hướng chuyên niệm, tự nhiên cấu chướng tiêu trừ, bất đản đạo tâm thuần thục, thả khả phước huệ tăng trưởng, lâm mạng chung thời thánh chúng hiện tiền, từ bi gia hựu, linh tâm bất loạn, tiếp dẫn vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới”.

Trong Tam giớiTam thiện đạoTam ác đạo. Chúng sanh trong Tam thiện đạo có ba dạng: thiên nhân, người và loài phi thiên nhân. Trong đời ai phước báu lớn lắm mới lên được cõi trời. Đứng ngoài khuôn khổ Thập thiện, dẫu phước lớn, chết rồi dễ đầu thai trong ác đạo chịu khổ luân phiên dễ hơn trở bàn tay. Kinh Pháp Cú viết Phật pháp bao giờ cũng khó nghe. Nên Lão Tử mới thấy "kẻ hạ sĩ nghe nói đến Đạo thì cả cười". Đạo, đứa lên tám cũng nhớ cũng hiểu mà đến ông già tám mươi chưa chắc làm nổi. Phật luôn dạy hãy biết đứng về phía thiện giúp đời, một lòng cống hiến. Nhiều cuộc đời chỉ là một canh bạc đỏ đen bất tận. Đến lúc nợ nần chồng chất, ái biệt ly khổ, tuyệt đường máu mủ tìm đến cái chết hòng tránh nghiệp quả, không hay hành động ấy tội lãnh tương đương giết một sinh mạng. Qua bên kia mới sáng mắt, nhưng đã muộn! Người biết niệm Phật lạy Phật nghiệp đã không nặng đến vậy, ít ra nghiệp sẽ được chia thành từng gói nhỏ. Nhân duyên nghiệp báo quay vòng.

Bồ tát “đầu thai” xuống trần gian hóa độ, thì họ cũng với nghị lực phi thường nhẫn đến những điều người đời không thể nhẫn, khổ đến những điều khó ai vượt qua. Đó là “niềm cảm hứng” cho đời sau soi mình tinh tấn hành Pháp, gỡ khỏi xác thân thô uế danh văn lợi dưỡng. Cái tồn tại vĩnh viễn hết đời này qua đời khác ta không trân trọng lại chăm sóc cái tạm bợ. Thập ác làm tâm ô nhiễm; tâm bệnh thì thân bệnh. Phật lúc rời nhân gian có để lại Kinh điển - chính là dược liệu. Tôi đọc kinh không hiểu liền nghe giảng, nghe rồi tập buông bỏ; ai từ bi hơn thì tự giác giác tha, xả kỷ vị nhân. Lời vị đại sư Tây Tạng Tsongkhapa: "Tinh thần lợi thathái độ thông minh nhất chúng ta có thể có được để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của chính mình". Bớt chạy theo Ta bà, tâm dần bình lặng, còn lo gì thân bệnh? Ra ngoài Thập thiện tức ta không chịu uống thuốc đắng giã tật, ai uống thay ta cũng đâu lành bệnh. Phật muốn ta học, rồi hành, tự khám phá linh tâm, tất cả đức tướng trí tuệ sẵn có trong ấy. Ngài Huệ Năng lúc chứng ngộ đã reo lên: "Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ"; khế hợp với kinh điển: “Phật do tâm sanh, tâm tùy Phật hiện, tâm ngoại vô cảnh, toàn Phật thị tâm”. Hướng ngoại tìm cầu chẳng khác khom lưng sửa bóng mình. "Con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới, vì đó không phải là vấn đề của hắn, mà chỉ lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát”. (Henry Miller, Phạm Công Thiện dịch). Lục tổ Thiền tông nhắc nhở: “Bậc chân tu không thấy lỗi người”. Hành Thập thiện đến tâm sáng trưng mới có thể sửa người. Sửa mình, người tự khắc sẽ tốt. Sửa tâm đến cả những con sóng ngầm ý nghiệp cũng biết gục đầu sám hối.

Đạo Phật dùng hoa sen làm biểu pháp: sống trong bùn nhơ vẫn thanh sạch và nở những đóa tinh khôi. Hoa sen là “quốc hoa” ở Tây phương Cực lạc. Kinh thuộc Tịnh độ tông đặc biệt miêu tả khung cảnh trang nghiêm tịnh khiết cõi này. Phật A Di Đà đưa ra đại nguyện, ai tinh ròng niệm danh hiệu của Ngài tương lai sẽ được sanh về nước đó. Hễ ai phát tâm niệm Phật, trong ao sen báuCực lạc quốc sẽ nở một bông hoa. Nhất hướng chuyên niệm nương vào lực của Thập thiện nghiệp, hoa sen càng lớn và rực rỡ; lúc lâm chung, chí hướng “mười niệm” sau rốt liền được hóa sanh từ hoa sen, vĩnh viễn thoát khổ hưởng lạc, thoát luân hồi sáu cõi trừ phi người ấy phát nguyện trở lại Ta bà rộng độ quần sanh.

Kinh Pháp Hoa chép câu chuyện về người tiều phu gieo nhân lành chỉ với một câu “Nam mô Phật”, mãi hơn năm trăm kiếp sau hạt giống này mới nẩy mầm và ông đã vượt thoát sanh tử. Câu hồng danh A Di Đà Phật được niệm bởi tín tâm và với sự thấu hiểu sâu sắc chánh pháp, nó mãi là chủng tử dẫu người ấy trôi qua vô số kiếp. Cũng vậy, sen một khi vắng bặt hương và sắc màu sự sống, cội rễ tưởng tan trong bùn đất một ngày đẹp trời bỗng lại vươn lên những mầm xanh tươi bất diệt tại hồng trần.

Ta cõng nghiệp từ muôn kiếp, muốn tiêu trừ không gì hơn niệm Phật lạy Phật. Một người hy sinh lợi ích của mình cho kẻ khác, có đáng cúi lạy?; còn Phật cứu khổ muôn loài trong Tam giới lẽ nào không xứng lễ lạy suốt đời. Cúi mình lễ Phật, cái ngã, cái tham sân và si mạn ắt nhẹ bớt. Thanh sạch lạy Phật niệm Phật; đêm nằm dứt hẳn mọi sự, quyết nắm câu “A Di Đà Phật” trôi vào giấc ngủ kỳ thôi. Từ đêm qua ngày từ ngày sang đêm ta quên tịnh niệm, lúc gặp ma chướng sẽ không còn nhớ Phật là ai. Tu để có được một cái chết thảnh thơi an lạc, cao hơn là được chúng thánhPhật hiện thân tiếp dẫn chính là bảo vệ thành công mỹ mãn Luận án Cuộc đời. Chỉ từ một đến mười niệm lúc lâm chung, song có được phước báu vô lượng đó đòi hỏi phải trì niệm hồng danhhành thiện giới suốt đời không buông lung. Hành đến mức tự niệm, không khởi ý mà trong tâm cứ vang vang “A Di Đà Phật”, là thời khắc của cực lạc bắt đầu. Chợt nhớ Thái tử Tất Đạt Đa từ trong nhung lụa vương quyền nhận ra cái hữu hạn đời người liền buông trọn thế sự tu hành quyết ra khỏi Tam giới, chứng Vô thượng Bồ đề. Đi qua những ao sen cuối hạ, nhìn những đóa sen rụi tàn mới thấm “nỗi đau” của chư Phật Bồ tát nguyệnchúng sanhtrở lại bể khổ trầm luân

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79486)
02/10/2012(Xem: 49466)
09/10/2016(Xem: 10062)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.