Luận Giải Về Nghiệp

09/09/20212:03 CH(Xem: 12871)
Luận Giải Về Nghiệp

Theravāda
LUẬN GIẢI VỀ NGHIỆP
Tác giả: Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa
Người dịch: Pháp Triều
PL: 2561   DL: 2018
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

 

LỜI NÓI ĐẦU

Luận Giải Về Nghiệp
Trong Giáo Lý Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda), Đức Phật dạy rằng, với sự trợ giúp của vô minhtham ái, nghiệp là nhân tố dẫn đưa chúng ta xoay vòng trong tam giới từ vô thủy, vô chung: Vô minh duyên hành, hành duyên thức… thủ duyên (nghiệp) hữu, (nghiệp) hữu duyên sanh (Avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ… upādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti). Trong Giáo Lý Tứ Thánh Đế (Ariyasacca), Ngài lại dạy rằng, nghiệp là nhân tố giúp chúng ta thoát khỏi tam giới. Nghiệp trong trường hợp này chính là Đạo Đế (Dukkhanirodhagāmini paṭipadā ariyasacca). Như vậy, nghiệp là một yếu tố vô cùng quan trọng; bằng cách nhìn vào nghiệp của một chúng sanh, chúng ta có thể ít nhiều biết được loại tương lai gì đang đợi chờ họ. Hơn nữa, quan điểm về nghiệp (kamma) của Phật giáo hoàn toàn khác với quan điểm về nghiệp của các tôn giáo khác: Đức Phật thuyết giảng về nghiệp mà không hề đụng đến khái niệm về một bản ngã trường tồn bất biến. Do đó, sở hữu tri kiến đúng đắn về nghiệp vô cùng hữu ích cho bản thân, đặc biệt là đối với hàng học Phật, tức là những ai đang hướng đến sự thoát ly luân hồi.

Tác phẩm “Luận Giải Về Nghiệp” này bao gồm hai phần: 1. Phần Một: Tử Và Tục Sinh, là bản dịch của tác phẩm “Kamma at Death and Rebirth”, và 2. Phần Hai: Đời Sống Bình Nhật, là bản dịch của tác phẩm “Kamma in This Life – How it Arises and Gives Its Result”.

Những nguyên tác này bao gồm những bài Pháp về Nghiệp (Kamma) do Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa thuyết giảng với những trích dẫn từ Kinh Điển Pāḷi và những ví dụ minh họa từ đời sống thực tiễn. Vốn là một trong số ít những bậc tinh thông Giáo Pháp của Đức Phật vào hạng bậc nhất ngày nay, Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa đã truyền gửi sự hiểu biết của mình vào các bài giảng với những phân tích và luận giải sâu sắc nhưng không kém phần thực tiễn và gần gũi, giúp cho thính giảđộc giả có được chánh kiến về sự vận hành của nghiệp để rồi có thể làm chủ nghiệp và dùng nghiệp vượt ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Phước thiện này đã không thể được thành tựu viên mãn nếu không nhờ vào sự động viên, hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tâm của các vị thầy và của rất nhiều đạo hữu. Chúng tôi xin đặc biệt tri ân Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa đã cho phép chúng tôi sử dụng các nguyên tác và đã tận tâm giải đáp những thắc mắc của chúng tôi trong quá trình biên dịch. Ashin Ācāra, Ashin Javanadhamma và Ashin Candāsīri là những vị thầy và những người bạn tuyệt vời đã giúp chúng tôi tra cứu những chi tiết và những chú thích cần thiết cho việc biên dịch. Đạo hữu Thiện Tuệ đóng vai trò chính yếu trong việc đọc kỹ bản thảo và góp ý chỉnh sửa lời văn. Đạo hữu cũng là người trình bày bản thảo và là người đại diện chúng tôi liên hệ với nhà xuất bản và nhà in. Các đạo hữu Tâm Lan, Tuệ Phương, Tâm Hiền và Vũ Thị Châu Giang đã dành rất nhiều thời gian và công sức kêu gọi hùn phước và giúp lưu hành ấn phẩm đến tay độc giả. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga đã dành thời gian quý báu xem qua bản thảo. Chúng tôi vô cùng tri ân sự quan tâm và hỗ trợ quý báu của tất cả các đạo hữu. Chúng tôi cũng nhân dịp này gửi lời cám ơn chân thành đến Tu nữ Phước Thủy và các Phật tử tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức đã giúp chúng tôi dâng sách đến các tự viện cũng như phân phát sách đến các Phật tử tại Việt Nam. Chúng tôi cũng xin ghi nhậntán dương công đức của tất cả các đạo hữu trong nước và hải ngoại đã đóng góp tịnh tài hùn phước in ấn và vận chuyển tác phẩm đến tay độc giả. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo hộ trì cho các đạo hữu thân tâm thường an lạc và vững bước trên đường tu học.

Dầu cẩn thận đến mức nào, chúng tôi vẫn khó có thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình biên dịch. Kính mong các bậc tôn túc trưởng thượngđộc giả lượng tình bỏ qua và chỉ bảo, chúng tôi sẽ tiếp nhận bằng sự tri ân.

Chúng tôi xin chia đều phần phước phát sanh từ việc thiện này đến thầy tổ, gia quyến và tất cả chúng sanh trong tam giới, đặc biệt là cố song thân của chúng tôi. Mong cầu phước thiện này hãy hộ trì cho tất cả luôn được an vui, có trí tuệtu hành tinh tấn chóng đến ngày giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Pháp Thí Thắng Mọi Thí (Sabbadānaṃ Dhammadānaṃ Jināti). Chúng tôi nguyện cầu do phước thiện này, quả vị Phật Chánh Đẳng Giác sẽ trở thành hiện thực cho chúng tôi trong ngày vị lai (Iminā puññakammena sammāsambuddho homi anāgate).

ITBMU, ngày 14 tháng 03 năm 2018 Pháp Triều

 

MỤC LỤC

Lời Nói Đầu  

Mục Lục  

Tiểu Sử Của Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa

PHẦN I: TỬ VÀ TỤC SINH   

CHƯƠNG MỘT   Kết Thúc Của Đời Sống

CHƯƠNG HAI Hiện Tượng Quay Lô Tô Tại Lúc Tử

CHƯƠNG BA Đối Tượng Cuối Cùng Của Đời Sống

CHƯƠNG BỐN Nghiệp (Kamma) Gieo Hạt Tại Lúc Tử

CHƯƠNG NĂM Không Có Danh Sách Chờ Đợi Đối Với Việc Tái Sanh  

CHƯƠNG SÁU Tâm Tục Sinh (Paṭisandhi): Mối Nối Trong Vòng Luân Hồi (Saṃsāra)  

CHƯƠNG BẢY U Ba Và Maung Hla: Cùng Là Một Người Hay Là Hai Người Khác Nhau?  

CHƯƠNG TÁM Ai Đi Tục Sinh?   

CHƯƠNG CHÍN Làm Sao Chấm Dứt Nghiệp (Kamma)?

CHƯƠNG MƯỜI Du Hành Với Nghiệp (Kamma) Là Tấm Vé  

PHẦN II: ĐỜI SỐNG BÌNH NHẬT  

Giới Thiệu  

Nghiệp (Kamma) Trong Phật Giáo: Không Giống Với Những Quan Điểm Khác Về Nghiệp  

CHƯƠNG MỘT Nghiệp (Kamma) Là Nhân Của Hành Động

Nghiệp (Kamma) Sanh Lên Trong Tâm Như Thế Nào  

Nghiệp (Kamma) Được Tích Trữ Ở Đâu  

Động Lực Là Nghiệp (Kamma)  

Tâm Sở Tư (Cetanā) Nào? Nghiệp (Kamma) Nào?

Tâm Quyết Định Đời Sống Của Chúng Ta  

CHƯƠNG HAI Nghiệp (Kamma) Là Hành Động Do Bởi Sự Thúc Đẩy

Nói Dối Được Thành Tựu Như Thế Nào  

Trong Việc Gây Ra Án Mạng: Ai Là Người Có Tội?

CHƯƠNG BA Nghiệp (Kamma) Cho Quả

Sự Lặp Lại Sẽ Cho Quả  

Bạn Hay Thù   

Nhìn Bằng/Với Sự Phản Chiếu Của Nghiệp (Kamma)  

Sáu Giọt Mật Cộng Với Một Giọt Dung Dịch Sắt .

CHƯƠNG BỐN Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Nghiệp (Kamma)  

Không Có Sự Đối Đãi Công Bằng  

Bản Chất Tạo Nên Sự Khác Biệt  

Thành Công Và Thất Bại  

Chúng Ta Có Thể Tránh Được Quả Của Nghiệp (Kamma) Xấu Không?  

Tài Liệu Tham Khảo  

Phương Danh Thí Chủ Hùn Phước Ấn Tống  

Địa Chỉ Phân Phối  

 

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Tiểu Sử Của Sayadaw  Dr. Nandamālābhivaṃsa

 

Sayadaw Dr. NandamālābhivaṃsaSayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa sinh ra vào năm 1940 tại Sint-ku của Miến Điện. Ngài đã bắt đầu sự nghiệp học Phật của mình tại một tu viện ở Mandalay. Ngài xuất gia sa-di vào năm mười tuổi dưới sự hướng dẫn của Sankin Sayadaw tại Vipassanā Monastery (Tự Viện Minh Sát) rất có uy tín ở Sagaing Hills.

Vào năm mười sáu tuổi, ngài đã thi đậu bằng Dhammācariya (Pháp Sư), và ở tuổi 21, ngài đã vượt qua kỳ thi Abhivaṃsa cực kỳ khó khăn. Ngài đã tiếp tục theo học tại Sri Lanka và Ấn Độ, đạt được những bằng cấp cao hơn. Luận văn tiến sĩ của ngài là về giáo thuyết Giai-na Đạo trong văn học Phật giáo.

Sayadaw Dr. Nandamāla là một trong những vị sáng lập ra học viện lừng danh Mahāsubodhayon tại Sagaing Hills. Vào năm 2003, ngài thành lập Dhammavijjālaya (Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo), sát cánh cùng với Mahāsudodhayon trong việc hỗ trợ những sinh viên ngoại quốc nghiên cứuthực hành những lời Đức Phật giảng dạy. Ngài cũng đã thành lập Institute of Dhamma Education (IDE), một trung tâm giảng dạy Phật giáo tại Pyin Oo Lwin. Từ lúc khánh thành vào năm 2013 cho đến nay, ngài đã mở các khóa học cho cả các sinh viên trong nước và ngoài nước. Một trung tâm nghiên cứu Phật học khác, Dhammavinaya Center, cũng đã được thành lập vào năm 2015. Các khóa học cũng đã được tổ chức tại đây cho các tu sĩ và sinh viên từ năm 2016.

Song song với những hoạt động trên, Sayadaw Dr. Nandamāla cũng đang nắm giữ nhiều trọng nhiệm: trong số đó là chức vụ Hiệu trưởng của Sītagu International Buddhist Academy (Học Viện Phật Học Quốc Tế Sītagu) tại Sagaing Hills. Hơn nữa, sau khi International Theravāda Buddhist Missionary University (Trường Đại Học Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thủy Quốc Tế) được thành lập vào năm 1995, ngài đã là giáo sư thỉnh giảng của trường. Và ngài cũng đã là Hiệu trưởng của trường từ năm 2005 đến nay.

Sayadaw Dr. Nandamāla nỗ lực hoạt động với mục đích nâng đỡtruyền bá giáo lý của Đức Phật cả trong nước Miến Điện cũng như trên thế giới. Từ năm 2003, ngài đã bắt đầu giảng dạy Thắng Pháp (Abhidhamma) tại châu Âu, Mã-lai và Singapore. Với vô số các bài giảng Pháp qua nhiều năm tại Miến Điện, ngài được quần chúng biết đến và yêu quý do cách giảng gần gũi, sống độngthực tế thông qua việc sử dụng các ví dụ thực tiễn hằng ngày. Ngài cũng là tác giả của nhiều tác phẩm bằng tiếng Miến Điện, tiếng Pāḷi và tiếng Anh.

Với kiến thức Phật học thâm sâukinh nghiệm trong việc giảng dạy, ngài đã được chính phủ Miến Điện ban tặng chức hiệu Aggamahāganthavācakapaṇḍita vào năm 1995 và chức hiệu Aggamahāpaṇḍita vào năm 2005.

pdf_download_2
Luận Giải Về Nghiệp


 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79606)
02/10/2012(Xem: 49621)
09/10/2016(Xem: 10214)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.