2. Kazantzakis Ngữ lục.

18/07/20224:45 SA(Xem: 1996)
2. Kazantzakis Ngữ lục.

PHỤ ĐỀ

NIKOS KAZANTZAKIS
NGỮ LỤC
___________________________________
HUYỀN LINH TÂM PHÁP
 Hành trình Chứng Đạo
của Thiền sư  Nikos Kazantzakis
Anh dịch: Kimon Friar | Việt dịch: Tuệ Hạnh

 

Lâm Tế Lục, Vĩnh Gia Huyền Giác Chứng Đạo Ca, Tuệ Năng Pháp Bảo Đàn Kinh, v.v., là ghi chép (lục) những lời nói (ngữ) của các ngài SAU khi ĐÃ ngộ đạochứng đạo. Nikos Kazantzakis Ngữ Lục thì là những tư duy ĐANG trên đường tu đạo không nằm trong phạm trù này, mà chỉ là những lời nói về bản tánh của Chúa, của con người, của tánh thể Chúa bị che lấp bên trong con người, y nhưĐức Phật đã chỉ điểm rằng mỗi một sanh thể đều tiềm tàng một Phật tánh, một khả năng giác ngộ trong chính mình.

Cũng không gượng ép gọi đây là Ngữ lục, mà đây chính thậtNgữ lục, của Thiền sư Kazantzakis, mô tả cho ta tâm trạng của những lúc vất vả, tinh tấn, oằn oại, chán chường, hứng khởi, thất vọng, bỏ cuộc, dằn vật, dục tính đòi hỏi, v.v.., mà ông ĐANG phấn đấu để vượt qua, để chứng ngộ, để giải thoát.

Ở đây chỉ trích dẫn những ý tưởng của Nikos trong các tác phẩm khác. Thỉnh thoảng, do ngẫu hứng, đó đây chúng tôi ghi thêm những tương quan với đạo Phật. Còn thì mỗi độc giả tự thưởng thức chúng, trong tinh thần đạo Phật, thay ‘Chúa’ bằng ‘Phật tánh’, để chứng minh thêm một lần, là Nikos đến gần với tông chỉ của Phật, của Thiền, hơn là chỉ là một người đi tìm Chúa, và bị trục xuất khỏi Giáo hội Chánh thống, bị rút phép thông công.

Bia minh của Nikos Kazantzakis tại Heraklion ghi rằng:

Δεν ελπίζω τίποτε. Δεν φοβʊμαι τίποτε. Είμαι λεύτερος

Tôi không mong cầu gì. Tôi không lo sợ gì. Tôi đã giải thoát.[1]

I hope for nothing. I fear nothing. I am free.

Tuệ Hạnh cẩn trích

15-5-2013--2017

 

“Chủ đề chánh và hầu như chỉ là chủ đề duy nhất trong tất cả các tác phẩm của tôi là cuộc phấn đấu giữa con người với “Chúa”: một cuộc chiến không khuất phục, không hề nhượng bộ đầu hàng, không thể bị tiêu diệt, giữa con sâu nhọng trần truồng được mệnh danh là “con người” chống cự lại cái sức mạnh kinh hoàng và tối đen của những thế lực thần thánh cuộn trào bên trong và vây quanh con người hắn.”

(Trích : Kazantzakis, Helen. Nikos Kazantzakis: a Biography Based on his Letters; translated by Amy Mims. New York, Simon & Schusteer, 1968 & 1983, tr. 507).

“[Spiritual Exercises, hay God’s Struggler theo Kimon Friar] là kinh nghiệm của một trận chiến, một cuộc tranh tài quyết liệt chết sống, mà Abraham,[2] Pascal[3] và Rilke,[4] cũng như bao nhiêu nhà huyền ẩn Đông Tây xưa nay, trong những giây phút nhập thể làm Một cao độ nhất, đã kinh nghiệm qua.” (Lời nói đầu của Tổng Giám mục Stylianos of Australia, trong God’s Struggler, tr. xi).

“Trọn cả tâm hồn tôi là một tiếng Thét, và tất cả những tác phẩm của tôi là lời bình giải cho tiếng Thét đó.” (Nikos Kazantzakis. Introduction, Report to Greco).

***

 

Trích dẫn: Zorba the Greek:

Cuộc sống là phiền não. Chỉ có cái chết là không. Khi nào còn sống là còn phải cởi mở thắt lưng ra[5] và [đi tìm] phiền não.

 Khi mỗi một việc gì sai hỏng, thì đó là niềm vui để đo lường tánh linh ngươi xem nó có đủ nghị lựccan đảm hay không. Một kẻ thù vô cùng hùng mạnh và vô hình – một số người gọi y là Chúa, số khác gọi là Ma quỷ – dường như đang lao tới đè lên chúng ta để tiêu diệt chúng ta; nhưng chúng ta không bị tiêu diệt.

Hạnh phúc thật giản dị và thanh đạm làm sao: một ly rượu, một hạt dẻ ran, một lò than nhỏ đổ nát, tiếng sóng vỗ ... Tất cả những gì ta cần chỉ là một cái tâm thanh đạm và giản dị để cảm giác rằng ở đây và bây giờ[6]hạnh phúc.

Tự vượt thoát khỏi một tham dục để rồi bị một tham dục khác cao quí hơn chế ngự. Nhưng mà, có phải chăng, đó cũng vẫn là một hình thức của nô lệ? Hi sinh bản thân mình cho một lý tưởng, một cuộc đua, cho Chúa? Hay đó có nghĩa là mẫu mực càng cao thì dây thừng trói buộc càng dài? 

Tôi phải lấp đầy tánh linh tôi bằng da thịt. Tôi phải lấp đầy da thịt tôi bằng tánh linh. Thật ra, cuối cùng là tôi cần phải điều hòa bên trong tôi hai đối cực nội tại đó.

Ông chủ này, tôi nghĩ rằng thăng bằng tốt nhất cho ông là biến những gì ông ăn vào thành Chúa. Nhưng ông vẫn chưa làm được, và đó là điều dày vò ông.

Khi nào thì tôi rốt cuộc sẽ lui ẩn vào trong cô đơn một mình, không bạn bè, không vui sướng và không đau khổ, với chỉ một điều chắc chắn thánh thiện là tất cả đều chỉ là một giấc mộng? Khi nào, trong bộ quần áo tả tơi – không còn tham dục nào – thì tôi sẽ bằng lòng lui vào trong núi? Khi nào, nhận ra rằng tấm thân này chỉ toàn là bịnh hoạn và tội lỗi, già nua và chết tiệt, thì tôi sẽ – tự do, không sợ hãi, và an lạc – lui ẩn vào rừng núi? Khi nào? Khi nào, trời ơi Khi Nào đây?

Này nhé, một ngày nọ tôi đi vào một làng nhỏ. Một ông già chín mươi tuổi đang lăng xăng trồng một cây hạnh. ‘Trời đất ơi, ông nội!’ tôi la lên: ‘Tuổi này rồi mà còn trồng cây hạnh?’ Và ông ta, lưng cong khòm, quay lại nhìn tôi và nói: ‘Cháu à, ta vẫn tiếp tục y như là ta không bao giờ chết.’ Tôi trả lời: ‘Cháu thì vẫn tiếp tục y như là cháu sẽ chết không biết giây phút nào đây.’

Tất cả những ai đang thật sự sống trong những huyền ẩn của cuộc sống thì không có thời giờ để viết, còn những ai có thời giờ thì không thật sự sống trong những huyền ẩn đó!  Tất cả những gì cần thiết để cảm nhận rằng ở đây và bây giờ là hạnh phúc thật ra chỉ là một con tim thanh thản, giản dị.

Chúa thay đổi hình tướng của Ngài từng mỗi giây phút một. Phước thay cho người nào có thể nhận diện Ngài trong tất cả những cải trang trá hình của Ngài. 

Anh không thể nào muôn đời gỏ cửa nhà của một người điếc.

Anh có cây cọ, anh có những lọ sơn, anh vẽ thiên đường, rồi anh bước vào trong đó.                                                                                                                    

Mỗi một người đều có điều dại dột, nhưng điều dại dột to lớn hơn tất cả là... không có một dại dột nào.[7]

Điểm cao tuyệt đỉnhcon ngườithể đạt tới không phải là Trí tuệ, hay Đạo đức, hay Thánh thiện, hay Chiến thắng, mà là một điều gì to tát hơn, vĩ đại hơn, mà tuyệt vọng hơn: Kính ngưỡng Thánh thiện![8]

Ông thầy chân thật là người tự hiến thân mình làm cây cầu để mời các học trò bước qua ngang; rồi, sau khi đã giúp chúng bước qua cầu, sẵn sàng vui vẻ sụp đổ ngay, khuyến khích chúng sáng tạo những cây cầu của riêng chúng.[9] 

Lạ lùng thay bộ máy con người! Anh lấp đầy hắn với bánh mì,[10] rượu, cá và củ cải, và rồi hắn cho vọt ra những lời than, tiếng cười và giấc mơ.

Ông có đầy đủ mọi điều, nhưng lại thiếu điều duy nhất: điên cuồng.

Mỗi một người đều cần có một chút cuồng điên, không vậy thì y không bao giờ dám cắt đứt sợi dây thừng [ràng buộc] để được tự do.

Mong Chúa tha thứ cho tôi, nhưng mà những chữ nghĩa của bản đánh vần làm tôi kinh sợ vô cùng. Chúng là những tên ma quỷ không biết hổ thẹn, nhỏ mọn - và nguy hiểm! Anh mở nắp bình mực,[11] thả chúng ra;[12] thế là chúng tuôn ra chạy rong – và anh làm thế nào mà gom bắt chúng lại được đây?

Lại một lần nữa, trong tôi nảy sanh cơn báo động kinh hoàng rằng chỉ có một cuộc đời mà thôi cho tất cả mọi người, rằng chỉ có một cuộc đời cho tất cả chúng sanh mà thôi, rằng không có cuộc đời nào khác, rằng ai có thể hưởng thọ thì hãy hưởng thọ ngay ở đây. Trong cõi vĩnh hằng, ta sẽ không có dịp may nào khác đâu.

 

Trích dẫn: The Last Temptation of Christ

Tôi viết quyển này không phải là để tạo một mẫu người siêu việt đối với một người tầm thường đang vất vả phấn đấu; tôi chỉ muốn nói với y là y không cần phải sợ đau khổ, cám dỗ hay cái chết – bởi vì cả ba điều này đều có thể chinh phục được, thật ra, cả ba chúng đều đã bị chinh phục. Đức Ki-tô đã gánh chịu thống khổ, và từ đó, thống khổ được thánh hóa. [Quỷ] Cám dỗ tranh đấu cho đến giây phút cuối cùng để lừa dẫn Ngài đi lạc lối, nhưng Cám dỗ đã bị thảm bại. Ki-tô chịu chết trên Thánh giá, và ngay trong lúc ấy, lập tức cái chết [của Ngài] đã được  chế ngự vĩnh viễn.

Quyển này không phải là tiểu sử; đây là lời thú tội của mỗi một người lúc nào cũng phấn đấu. Xuất bản quyển này là tôi đã hoàn thành nhiệm tác của mình, nhiệm tác của một người đã phấn đấu quá nhiều, đã nếm đủ cay đắng trong cuộc đời, và đã ôm ấp quá nhiều hi vọng. Tôi tin chắc rằng mỗi một ai là người có tự do mà đọc sách này, tự nhiên ngập tràn lòng yêu thương, sẽ hơn bao giờ hết, thương yêu Ki-tô nhiều hơn bao giờ hết.

“Ngươi phải,[13] này Judas, người anh em. Chúa sẽ cho ngươi nghị lực, nếu mà ngươi thiếu nó, bởi vì là rất cần thiếtcần thiết để ta phải bị giết và để ngươi phải phản bội ta. Cả hai chúng ta phải cứu thế gian này. Ngươi hãy giúp ta.” Judas gục đầu. Một lúc sau, ông hỏi: “Nếu mà ngài phải phản bội ông chủ của ngài, thì ngài có làm không?” Giê-su ngẫm nghĩ một lúc rất lâu. Sau cùng, ngài nói, “Không, ta thú nhận rằng ta không thể làm được. Đó là lý do tại sao Chúa tội nghiệp ta và giao cho ta nhiệm vụ dễ dàng hơn:[14] bị đóng đanh trên Thập tự giá.”

Khi mọi người bị chìm và chỉ mình tôi vượt thoát, là Chúa đang bảo vệ cho tôi. Khi tất cả mọi người được cứu thoát và chỉ mình tôi bị chìm, thì là Chúa khi ấy cũng đang bảo vệ cho tôi.

Thật vậy, tất cả mọi điều trong thế gian này đều tùy thuộc vào thời gian. Thời gian làm chín muồi tất cả. Nếu anh có thời giờ, anh sẽ thành công trong công việc nhồi nặn đống bùn nội tại thuộc con người và biến nó thành tinh thần. Nếu anh không có thời giờ, anh bị diệt vong.

Nỗi thống khổ căn bản của tôi, và nguồn gốc của mọi sung sướngđau khổ từ thời trẻ tuổi cho đến nay, là cuộc chiến tàn nhẫn không ngừng giữa tánh linh và xác thịt.

 Tôi nói một điều, anh viết xuống một điều, và những ai đọc anh lại hiểu một điều khác nữa! Tôi nói: thập tự giá, chết, thiên đường, Chúa ... và anh hiểu gì? Mỗi một người gán ghép nỗi thống khổ, thích thútham dục của riêng y vào trong mỗi một của những chữ linh thiêng này, và rồi lời nói của tôi biến mất, tánh linh của tôi bị đánh mất. Tôi không còn chịu đựng nỗi nữa!

Cuộc sống trên đời này có nghĩa là: mọc cánh. 

Thế nào là chân lý? Thế nào là sai lạc? Điều gì mà cho con người có đôi cánh, điều gì sản sanh những kiệt tác và những tâm hồn vĩ đại và thăng hoa con người lên khỏi mặt đất – đó là sự thật. Điều gì mà cắt xén đôi cánh của con người – đó là phi lý.

Càng có nhiều ác quỷ bên trong chúng ta chừng nào, ta càng có nhiều cơ hội hơn để tạo nên thiên thần chừng nấy.[15]

Những điều vĩ đại chỉ xuất hiện khi Chúa và con người hợp nhất.

Tất cả mọi vật đều là một sự hợp nhất và sự hợp nhất thể làm một này là niềm say sưa huyền diệu thâm sâu nơi mà Thần Chết đánh mất lưỡi hái [tử thần của ông ta] và không còn hiện hữu.

Chưa hề bao giờ trong cuộc đời mà tôi lại sợ cái chết nhiều hơn là sợ sự Phục sinh [của Chúa].

Đây là cơn Cám Dỗ Cuối Cùng đã xẹt đến trong khoảnh khắc chớp nhoáng để phá rối đấng Cứu Thế trong giây phút cuối cùng của ngài. Nhưng mà ngay lập tức đấng Ki-tô lắc đầu nguầy nguậy, mở mắt ra và nhìn. Không, ngài không phải là tên phản bội, lạy Chúa tôi! Ngài không phải là tên đào ngũ. Ngài đã hoàn tất nhiệm tác mà Chúa đã giao phó cho ngài. Ngài không lập gia đình, không sống một cuộc đời hạnh phúc. Ngài đã đạt đến tuyệt đỉnh của hi sinh: ngài đã bị đóng đinh trên Thập tự giá. Mãn nguyện, ngài nhắm mắt lại. Và rồi một tiếng thét chiến thắng vang trời nổi lên: Sứ mạng xong rồi! Nói cách khác: Ta đã thành công, Ta đã hoàn tất nhiệm tác của mình, Ta đã bị đóng đanh. Ta không bị rơi vào cơn cám dỗ…

Từ mỗi một niềm vui hay một nỗi khổ một hi vọng luôn luôn nhảy vọt ra để trốn thoát nỗi khổ này và giản rộng niềm vui.

Chúa rung rẩy thu mình vào mỗi một khúc mắt trong mọi tế bào của sớ thịt.

Giống như mỗi một sanh thể khác, tôi cũng là trung tâm của cơn xoáy lốc vũ trụ.

[Hai] Cánh cửa Thiên đườngĐịa ngục được dựng kề bên nhau và giống in nhau.

Bên ngoài, ngọn gió của Gia-vê[16] vẫn đập mạnh vào cửa, tìm cách bật tung nó để ùa vào. Không có tiếng động nào khác. Không có một con chó sói nào trên mặt đất; chẳng có con quạ nào trên hư không. Mỗi một sanh thể đều ôm đầu run sợ, đợi chờ cơn phẩn nộ của Chúa qua mau.

Nếu ngươi thương mến ta, phải nhẫn nại. Hãy nhìn các cây kìa. Chúng có gấp rút ép chín trái cây của chúng không?

Nỗi cô đơn tàn nhẫn được tạo bằng cát và Chúa. Dĩ nhiên chỉ có hai hạng người là có thể sống còn trong sa mạc cô đơn đó: bọn điên cuồng và những nhà tiên tri. Cái tâm bừng dậy ở đây không phải là từ sợ hãi mà là từ kính ngưỡng; thỉnh thoảng nó lại đổ sụp xuống, đánh mất thăng bằng; thỉnh thoảng nó phóng vọt lên cao, bước vào thiên đường, trực diện gặp Chúa, sờ nắm vạt áo cháy rực của Ngài mà không bị phỏng tay, nghe được những gì Ngài nói, và đón nhận những lời đó, quay vụt chúng vào nhận thức của con người. Chỉ khi nào ở trong sa mạc là chúng ta mới có thể thấy được những linh hồn cuồng nhiệt và không tùng phục đang vươn lên nổi loạn chống đối ngay chính cả Chúa và không sợ hãi đứng trước mặt Ngài, tâm linh của họ oai hùng ngang tàng đồng nhất thể với vạt áo của đấng Chí Tôn. Chúa nhìn thấy họ và hãnh diện, bởi vì Ngài không cần thổi hơi thế lực của Ngài vào họ nữa; nơi họ, Chúa đã không [cần] cúi thấp xuống để trở thành con người.

Ba loại tánh linh, ba loại cầu nguyện:

1) Tôi là cây cung trong tay ngài, Chúa ơi. Hãy vươn cung lên, để tôi đừng rĩ sét.

2) Xin đừng vươn cung mạnh quá, Chúa ơi, kẻo tôi bị gãy mất.

3) Cứ kéo cung mạnh lên, Chúa ơi, có ai thèm để ý nếu tôi bị gãy đâu.

Nếu chúng ta phải đi theo bước chân Ngài thì chúng ta phải có một nhận thức thâm sâu về nỗi thống khổ luôn dằn vặt nội tâm của Ngài, chúng ta phải làm sống dậy lòng phiền não của Ngài: Ngài đã chiến thắng những kềm kẹp luôn nảy nở trên mặt đất này, Ngài đã hi sinh tất cả mọi niềm vui lớn nhỏ của con người, và Ngài đã thăng hoa từ hi sinh này đến hi sinh khác, từ lạm dụng này đến lạm dụng khác, để tiến lên đến tuyệt đỉnh của sự Tử đạo.

Tôi cảm nhận rằng, những thứ ngăn chắn con người – thể xác, trí óc và linh hồn – đều có thể bị đập vỡ và rằng nhân tánh vẫn còn có thể, sau cơn đi hoang đầy máu me sợ hãi, trở về lại với cái một nguyên sơ đầy thánh thiện. Trong hoàn cảnh đó, không còn có điều gọi là “tôi”, “anh” hay “hắn”; tất cả mọi hiện hữu đều là một hợp nhất thể và hợp nhất thể này là một niềm say sưa thâm sâu bí ẩn, mà ở nơi đó, tử thần đánh mất lưỡi hái của ông ta và không còn hiện hữu.[17]

Đến gần, rất gần với Chúa, họ nói: “Vị Chúa này không phải là ông cha của Kinh Sợ, ngài là con của Kinh Sợ” và rồi họ đánh mất nổi Kinh Sợ của họ. Trên bốn cửa lớn dẫn vào thành, họ viết chữ lớn màu vàng, KHÔNG CÓ CHÚA Ở ĐÂY. Ý nghĩa Không có Chúa là thế nào? Nghĩa là không còn có sự kềm chế bản năng của chúng ta nữa, không còn có thưởng thiện phạt ác, không có đức hạnh, nhục nhả, hay công bằng nữa.

Hai con đường dốc ngược và chênh vênh ngất ngưỡng giống nhau có lẽ cùng đồng đưa đến chung một đỉnh núi. Hành động như là tử thần không hề hiện hữu, hoặc hành động mà nghĩ đến cái chết từng giây phút một, cả hai có lẽ chỉ là một thứ mà thôi.

Trong những tôn giáo đã đánh mất chất nẩy lửa sáng tạo, rốt cuộc những thiên chủ trở thành chỉ còn là những món trang sức hay phù điêu thơ mộng để trang trí cho nỗi cô đơn của con người.

 

 

Trích dẫn: Report to Greco:

Tôi nói với cây hạnh: ‘Này người chị em, hãy nói với tôi về Chúa’. Thế rồi cây hạnh nở hoa. 

Vói bắt những gì anh không nắm bắt được.

Con người có khả năng, và có nhiệm tác, đạt đến điểm xa nhất của con đường mà y lựa chọn. Và chỉ nhờ có hi vọng mà ta mới có thể đạt được điều xa tầm hi vọng đó.

Tự do là hi vọng lớn đầu tiên của tôi. Hi vọng thứ hai, vốn vẫn còn ẩn nấp bên trong tôi cho đến ngày nay, dày vò dằn vặt tôi, là mong muốn được điều thánh thiện. Anh hùng cùng với thánh nhân: đó là gương mẫu tối cao nhất của con người.

Con đường duy nhất để tự cứu là cứu giúp người khác.[18] Hãy cố gắng để cứu giúp người khác – chỉ vậy thôi cũng đủ rồi.[19] 

Sự thật là tất cả chúng ta đều là một, là tất cả chúng ta đồng cùng tạo nên Chúa; Chúa không phải là thủy tổ của con người, mà Ngài là hậu duệ của con người

Niềm vui của tôi, mặc dầu cũng có thể có nghĩa là sự hủy diệt của chính tôi, là tranh vật với Chúa. Ngài dùng đất sét để tạo nên thế gian; tôi dùng ngôn từ chữ nghĩa. Ngài nhào nặn con người như ta thấy, bò trườn trên mặt đất; còn tôi, với không gian và tưởng tượng, tạo nên chất thể để những mộng ước dựa trên, để tạo dựng những con người khác với nhiều tánh linh hơn, những con người có thể chống cự với sự tàn phá của thời gian. Trong khi con người của Chúa phải chết, thì của tôi sống mãi!

Tôi càng viết thì tôi càng có cảm giác sâu kín rằng, không phải tôi tranh vật cho thẩm mỹ,[20] mà là cho giải thoát. Tôi là con người đang tranh đấu và gánh chịu đau khổ; một người đi tìm sự giải thoát. Tôi muốn được giải thoát khỏi bóng tối tiềm ẩn trong người mình và biến nó thành ánh sáng.

Chúa ngồi trên đỉnh cao của đói, khát và đau khổ; Ác quỷ ngồi trên đỉnh cao của cuộc sống nhàn hạ. Hãy tự chọn!

Khi tôi muốn nói về Chúa ... thì tôi nhìn chằm chặp vào sâu trong lồng ngực mình và cẩn thận lắng nghe đứa bé [21] trong tôi nói gì.

Thật tình, không gì giống đôi mắt của Chúa bằng đôi mắt của một đứa bé; đôi mắt này nhìn thế gian lần đầu tiên, và tạo tác nó. Trước đó, thế gianhỗn độn. Tất cả mọi sinh thể – thú vật, cây cối, con người, đá sỏi; tất cả: hình thể, màu sắc, âm thanh, hương vị, sấm sét – tuôn chảy vô tư trước mắt đứa bé (không, không phải trước mắt, mà là bên trong đôi mắt của bé) và nó không thể tập trung chúng lại, không thể thiết lập trật tự. Thế giới của đứa bé không phải làm bằng đất sét, để tồn tại, mà là bằng những đám mây. Một ngọn gió mát thổi xuyên qua hai bên thái dương của bé, và rồi thế giới cô đọng lại, loãng ra, biến mất. Chắc chắn rằng Hỗn hộn đã đi ngang trước đôi mắt của Chúa y như thế trước khi Sáng thế.

Tôi mang ơn đứa trẻ vẫn còn đang sống trong tôi. Tôi trở thành đứa trẻ lần nữa để tôi có thể luôn luôn nhìn thế gian lần đầu tiên, với đôi mắt trinh nguyên.

Mỗi một lời nói là một cái vỏ sò bóng loáng chứa đựng một thế lực lớn có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Để khám phá ý nghĩa của nó, anh phải để cho nó vở tung bên trong con người của anh và chỉ có cách thế này mới có thể giải phóng cho cái tánh linh mà nó nhốt ngục.

Hãy tìm bên dưới những thay đổi liên tục của thực tại hàng ngày để thấy những hiện tượng bất biến, miên viễn.[22]

Các bậc thánh nhân thì quá phục tùng, họ luôn cuối đầu trước Chúa và nói vâng dạ. Còn hắn thì ngưỡng mộ người luôn kháng cự, tranh đấu và không sợ hãi, dám nói ‘không’ ngay cả với Chúa.

Chúa đang được xây dựng, tôi cũng đã xin cống hiến một viên sỏi đỏ nhỏ, một giọt máu, để giúp Ngài kiên cố thêm phòng khi Ngài hoại diệt – để Ngài có thể giúp tôi kiên cố thêm, phòng khi tôi hoại diệt.

Ki-tô không phải là bến cảng mà ta thả neo, mà là bến cảng để ta bắt đầu cuộc hành trình, long đong ngoài biển khơi, đối diện với một đại dương đầy giông bão thịnh nộ, và rồi phấn đấu trọn cuộc đời để thả neo với Chúa. Ki-tô không phải là kết thúc. Ngài là khởi điểm. Ngài không phải là “Hoan nghênh!” Ngài là “bon voyage!”.[23] Ngài không ngồi dựa nghỉ ngơi một cách yên tĩnh trên đám mây nhẹ mỏng, mà là bị dồn dập bởi sóng biển như chúng ta. Đôi mắt Ngài chăm chú nhìn ngôi sao Bắc Đẩu trên cao. Đôi tay Ngài nắm vững lái tàu.[24] Đó là lý do tại sao tôi thích Ngài: đó là tại sao tôi đi theo Ngài ... Đi theo dấu vết đầy máu của Ki-tô, chúng ta phải phấn đấu để chuyển thể bản chất con người bên trong chúng ta thành tinh thần, để mà chúng ta có thể hợp nhất với Chúa.

Bản tánh nhị nguyên (dyadike hypostasis) của Ki-tô bao giờ cũng là một huyền ẩn sâu kín, bí hiểm đối với tôi, và nhất là lòng khát khao, rất con người (human), rất siêu con người (superhuman), của Ki-tô con người (Christ the man) muốn thông đạt đến Chúa, hay, đúng thật hơn, muốn trở về lại với Chúa và trở thành đồng nhất với Ngài.

Mỗi một con người đều thánh thiện và thật là con người (theanthropos) ... cả vừa linh hồn lẫn xác thịt. Đó là lý do tại sao sự huyền ẩn của Ki-tô không chỉ giản dị là một sự huyền ẩn cho riêng một tín điều đặc biệt nào đó; mà là phổ quát. Cuộc đấu tranh giữa Chúa và con người bùng nổ trong mỗi một người chúng ta, cùng đồng với sự mong mõi được hợp nhất giữa con người và Chúa.

Đấu tranh giữa xác thịt và linh hồn, nổi loạnđối kháng, hòa hợp và phục tùng, và cuối cùngmục đích tối thượng của cuộc đấu tranh – hợp nhất với Chúa (chính là điều mà thần học Chánh thống gọi là theosis): đấy là cuộc thăng hoa mà Ki-tô đã đi qua, cuộc thăng hoa mà Ngài cũng mời chúng ta phải tự đi, đi theo dấu vết đẫm đầy máu của Ngài.[25]

Thế gian này là tu viện của chúng ta. Tu sĩ chân thật là người sống với mọi người và làm việc với Chúa ở đây, tiếp xúc với đất đai. Chúa không ngồi trên ngai bên trên những đám mây. Ngài vật lộn ở đây trên mặt đất, cùng chung với chúng ta.

Bên trong tôi, vấn đề siêu hình nhất mang một thân xác sinh lý ấm áp nặc mùi biển, đất và mồ hôi của Ngài. Ngôi Lời, nếu muốn xúc chạm đến tôi, cần phải trở nên da thịt ấm áp. Chỉ như vậy tôi mới hiểu [được lời Chúa] – khi mà tôi hưởi, thấy và xúc chạm [được Ngài].

Chúa là đỉnh cao ngất ngưỡng của tánh linh con người, đỉnh cao mà chúng ta không ngừng vói bắt và không ngừng nhảy đến ôm chân và leo cao lên nữa. “Con người có đấu chiến với Chúa không? ”, một vài người mới quen ngày nọ châm biếm hỏi tôi. Tôi trả lời họ: “Với ai khác mà các anh tưởng là y đấu chiến? Thật ra, với ai khác? Đấy là lý do tại sao trọn đời chúng ta là một cuộc đi lên, này anh bạn ơi ... Chúng ta đi lên bởi vì ngay chính hành động đi lên thăng hoa đó, đối với chúng ta, là hạnh phúc, cứu rỗi và thiên đường.”

Tôi thắng hay bại? Điều duy nhất mà tôi biết, là: tôi thương tích đầy mình, nhưng vẫn còn đứng vững trên đôi chân.

Tình yêu,[26] sự Chết và Chúa đều là một và không khác. Năm tháng trôi qua, tôi càng lúc càng cảm nhận điều Tam-hợp khủng khiếp này, nó nằm chờ chực phục kích trong cái Hố thẳm của Hỗn độn – trong Hố thẳm của con tim chúng ta.

 Điều đầu tiên thật tình khơi dậy trong tánh linh của tôi không phải là sợ hãi hay đau đớn, cũng chẳng phải là sung sướng hay đùa bỡn: mà đó là sự mong cầu được tự do. Tôi phải đạt được tự do – nhưng mà [tự do] khỏi điều gì, hay khỏi ai? Từ từ, theo thời gian, tôi leo lên sự thăng hoa gập gềnh không bao dung của tự do. Để đạt được tự do, bước đầu tiên là thoát khỏi tánh hung hãn tranh thắng;[27] và rồi, về sau, sự phấn đấu mới lại bắt đầu: đạt được tự do khỏi bản tánh nội tại: khỏi ngu si, điêu ngoađố kỵ, khỏi sợ hãi và lười biếng, khỏi những ý tưởng lăng xăng sai lạc; và cuối cùng khỏi những hình tượng thần thánh, tất cả, ngay cả những hình tượng được yêu kính và sùng bái nhất.[28]  

Bởi vì chúng ta không thể thay đổi thực tại, vậy thì chúng ta hãy thay đổi đôi mắt để nhìn thực tại,[29] một trong những nhà huyền ẩn Byzantine mà tôi mến mộ đã nói vậy. Tôi đã làm thế khi còn là một đứa trẻ; tôi đang làm thế hiện bây giờ cũng như trong những lúc sáng tác cao độ nhất trong cuộc đời của tôi.

Hai nỗi dày vò siêu hình: ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Một câu trả lời thường là của Ki-tô: Ngài mang đến một chai dầu xức lành nhiều vết thương.

Tôi thâu lượm dụng cụ của mình: thấy, ngửi, sờ, nếm, nghe, trí năng.[30]  

Chúng ta nghểnh cổ nhìn xuống Hố thẳm... và không sợ hãi.

Ồ, tôn giáo quả thật tinh ranh quá, – tôi hùng hỗ thét lên –, đã trồng cây thưởng thiện và phạt ác vào cuộc sống trong tương lai để an ủi bọn yếu hèn, và bọn nô lệ và bọn tang thương, để giúp họ cúi đầu tuân phục một cách nhẫn nại trước những ông chủ [bạo tàn] và để chịu đựng cuộc sống trên đời này mà không rên rĩ (cuộc sống duy nhấtchúng ta biết chắc là có thật)! 

Dần dần tôi bắt đầu hiểu ra rằng bất kể vấn đề dầu lớn dầu nhỏ gì đang dằn vật chúng ta cũng đều không đáng kể; điều đáng kể duy nhấtchúng ta bị dằn vật, là chúng ta đang tìm cơ sở để bị dằn vật. Nói cách khác, là chúng ta đang vận động đầu óc của  mình để trì giữ điều chắc chắn không thể biến chúng ta thành những tên ngu xuẩn, rằng chúng ta tranh đấu để mở tung mỗi một cánh cửa đang đóng mà chúng ta tìm thấy trước mặt chúng ta.  

Trên cao nơi bọn nghèo khó đang ngồi, họ rung lẩy bẩy vì sợ hãi: họ thấy tánh linh trãi dài trên mặt đất, một con thú dữ bị những thế lực đối lập của ánh sáng và bóng tối và tâm của họ rúng động, không biết nên chọn vị thiên chủ[31] quan trọng nào, bởi vì con đường của bình an nghiêng về bên mặt, con đường đi lên đầy gập ghềnh vươn cao bên trái, và cả hai con đường dường như đều cùng dẫn đến Chúa, trong khi ở ngã tư đường [nơi chúng gặp nhau] thì cái tâm của con người đứng đó, lắc lư.

Trọn cuộc đời tôi trì kéo cái tâm của mình đến độ sắp nổ tung ra, cho đến khi nó bắt đầu rạn nứt, để tạo nên một tư tưởng lớn có thể đưa đến một ý nghĩa mới cho cuộc sống, một ý nghĩa mới cho sự chết, và một ý nghĩa mới cho nhân loại.

 

Trích dẫn: Saint Francis

 Khi cây hạnh nở đầy hoa giữa mùa đông, tất cả mọi cây khác chung quanh bắt đầu giễu cợt: ‘thật là đồ kiêu căng’, chúng rít lên, ‘thật là đồ láo xược! Xem nè, bộ nó tưởng nó sẽ mang lại mùa xuân như vậy hay sao!’[32] Những bông hoa trên cây hạnh ửng hồng vì ngượng ngùng. ‘Tha lỗi cho tôi, các chị em,’ cây hạnh nói. ‘Tôi thề là tôi không hề muốn nở hoa, nhưng mà vì là thình lình tôi cảm giác có một làn gió xuân ấm áp thổi qua trong tim tôi.’

Con chim hoàng yến lại hót ca lần nữa. Mặt trời phất qua nó, thế rồi cổ họng và lồng ngực nhỏ bé của nó tràn đầy ca nhạc. Francis nhìn nó chằm chặp một hồi lâu, ngẫng ngơ, miệng há mở, đôi mắt tràn lệ. ‘Chim hoàng yến này giống như tánh linh của con người’, sau cùng ông thì thào, ‘nó nhìn thấy những chấn song của cái lồng rào quanh nó, nhưng thay vì tuyệt vọng, nó hót ca. Nó hót ca, và hãy chờ xem, này sư huynh Leo: một ngày nào đó, lời hót ca của nó sẽ sập gãy những chấn song đó.’

… ngay cả một việc làm xoàng xỉnh hằng ngày cũng là một phần của số phận con người.

 Nhan sắc thật là tàn nhẫn. Anh không nhìn nó, mà nó nhìn anh và không tha thứ.

Bên trên tất cả Thiên ânBan ơn mà Ki-tô trao tặng cho tông đồ yêu dấu của Ngài, đó là khắc phục cái Ngã.

Bởi vì chỉ khi nào cho ra ta mới nhận lại được.

 Tôi là tất cả những gì không thánh thiện. Nếu Chúa có thể dùng tôi để thể hiện Ý chí của Ngài, thì Ngài có thể thành công với bất kỳ ai.

Chỉ khi nào chúng ta tha thứ [cho người khác], khi ấy ta mới được tha thứ.

ích lợi gì phải đi đây đi đó để giảng đạo: vì sự đi đây đó tự nó chính là sự giảng đạo.

 Không gọi người nào là kẻ thù của ta cả, tất cả đều là ân nhân của ta, và chẳng ai làm hại ta cả. Ngươi không có kẻ thù nào khác ngoài chính ngươi.


Trích dẫn: Odysseus

… [một ông vua] gỏ cửa thiên đường.

- Ai đó?

- Ta đây.

- Đi chỗ khác chơi.

Qua hơn một thời gian dài đăng đẳng dưới trần gian làm nhà ẩn sĩ, ông trở lên thiên đường lại, và cũng bị từ chối, cổng không mở. Trãi qua hơn mười ngàn năm nữa, ông lại đến trước cổng thiên đường, gỏ.

- Ai đó?

- Thưa Cha, chính là Cha vừa gỏ cửa của Cha.

Cửa mở, và cả hai hợp nhất làm Một (Odysseus, q. 21, hàng 1292-93)

Và ngay chính điều đó, cái Một hợp nhất đó cũng vẫn chỉ là khoảng không khí trống rỗng (Odysseus, q. 21, h. 1299)

Ai cầm kiếm là đang bị cám dỗ, ai còn trẻ thì phải nhập cuộc chơi, chỉ người nào không sợ sự chết trên đời này thì không sợ Chúa. (Odysseus, q. 8, h. 560)

Tôi đã chiến đấu với con người và với thần thánh. Tôi cân nhắc họ rất kỹ và khám phá ra rằng biển cả vững chắc hơn đất liền, không khí vững chắc hơn biển cả và tánh linh vốn dĩ không sờ nắm được lại càng vững chắc hơn hư không! (Odysseus, q. 11, h. 846)

Rồi con trùng thẳng đứng ngay trên ngạch cửa lộp độp đầy máu của Chúa, đánh trống lên, tiếp tục đánh nữa, và ngững cổ lên, nói: “Ông đã hợp xứng mọi thứ rất hay trên thế gian này, rượu, đàn bà, nhạc ca, nhưng mà tại sao, ông Kẻ Sát Nhân, tại sao ông phải tàn sát con cái của chúng tôi? Tại sao?” Chúa sùi bọt mép vì giận dữ và đưa cao thanh kiếm để đâm thủng cổ con trùng, nhưng mà thanh kiếm bằng đồng củ kỷ của ngài, này các bạn nhỏ, bị kẹt dính tại xương cổ nó. Thế rồi từ ngang lưng con trùng rút ra một thanh kiếm với cán đen sì, nhảy vọt lên và chém chết ông Chúa già yếu lụ khụ trên thiên đường! Và bây giờ, này các bạn nhỏ anh hùng của tôi ơi – tôi không biết từ bao giờ và bằng cách nào – mà thanh kiếm giết Chúa của con trùng đó lại rơi lọt vào tay tôi. Tôi thề là từ nơi mủi kiếm sắt này máu vẫn còn rĩ chảy! (Odysseus, q. 3, hàng 424)

Tội nghiệp cho ai chỉ biết tìm cứu rỗi trong điều thiện mà thôi. Vững vàng trên hai vai chắt nịch của Chúa, [thần] Thiện và [thần] Ác cùng đập hai đôi cánh hùng vĩ một lượt và bốc Ngài lên cao. (Odysseus, q. 8, h. 770)

Tôi biết là Chúa không có tai, không có mắt, và không có cả con tim; [Chúa] là một con Sâu Rộm không có đầu óc bò trườn trên mắt đất và hi vọng một cách lo sợ và âm thầm rằng chúng ta sẽ ban cho nó một tánh linh, bởi vì khi đó nó sẽ mọc tai, mắt, để cân xứng với sự trưởng thành của nó, nhưng mà Chúa là nắm đất sét trong mười ngón tay của tôi, và [chính tôi] nhào nặn Ngài. (Odysseus to Kentaur, q. 8, h. 829)

Hãy nói thẳng thừng và rõ ràng! Tôi chỉ nghe lời cầu nguyện kiên cường đó, nó giống như nắm tay to lớn đập vỡ đầu tôi vào đống đá. (Odysseus, q. 8, h. 530)

Ánh sáng không có nghĩa gì nếu không có bóng đêm. Vì sao? Bởi vì chỉ khi nào mà đau khổ bốc cháy linh hồn và buộc nó phải thay đổi định hướng, thì nó mới tìm một lối thoát và tiến tới để trốn thoát khổ đau. Nếu những chuyện hiện hữu chỉ là sung sướng, công bình và lẽ phải, thì linh hồn sẽ trở nên đứng yên và sẽ khô cạn trong cái hạnh phúc tiện nghibất động. Đau khổ càng nhiều, thì cuồng nhiệt và kích động càng to; theo đó, giải thoát càng mau.[33] (Odysseus, h. 128-19)

Chúng ta không bỏ cuộc! Chúng ta gìn giữ linh hồn trinh sạch của con người! Chúa là một tánh linh với hai cánh trắng tinh, là một linh hồn dương buồm một cách nhẹ nhàng, vô thể, thâm sâu vào trong tư tưởng của chúng ta, không ôm ấp. Chính chúng ta là những người trì giữ cho thế gian này nở hoa với những linh hồn trinh trắng. (Odysseus, q. VI, h. 197)

Phước thay cho những đôi mắt đã nhìn được nhiều nước mắt hơn người nào khác![34] Phước thay cho cái tâm tự mãn đang nhắm đến niềm hi vọng to lớn nhất! Cầu mong cho ngươi được ban phước, ngươi đang chèo chống cơn nước lũ của cuộc đời ngươi và bây giờ, với đôi môi khô cằn, ngươi chèo xuống đến Địa ngục để tìm những giòng nước[35] bất tử đang ẩn nấp đâu đó để uống ngùn ngụt cho đả khát! Này con ơi, chính tử thần là người đang giữ và rót những giọt nước bất tử đó.[36] (Voice of the Nile; Odysseus, q. 8, h. 1290)

Này Lãnh chúa của điạ đàng, tôi sẽ thú thật nghiệp dĩ bí mật của tôi: Tôi luôn tranh đấu để tinh lọc ngọn lửa rừng thành ánh sáng, và phẩy tay trước ánh sáng nào mà tôi tìm thấy để nó bùng cháy lên thành lửa. (Odysseus to Hades, q. 11, h. 145)

Ai mà leo lên đỉnh núi của Thiên Chủ[37] cần phải có đôi tay sạch sẻ và một con tim ngây thơ; bằng không thì đỉnh Cao Phong (高峰頂) sẽ giết chết y. Ngày nay, cửa ngõ đã bị bỏ hoang. Những bàn tay dơ bẩn và những con tim tội lỗi đi ngang qua đó không hề lo sợ, vì đỉnh Cao Phong không còn giết ai được nữa. (The Desert. Sinai, ch. 21, hàng 277)

Này giáo sĩ, vòm che và gốc rễ của tôi, cha tôi, con tôi! Tôi trở thành một với ngài! (Hristós, h. 111).

Này đồng chí, ta đã du hành khắp nơi trên biển cả và trong tâm linh [của ta], đôi mắt ta đã nhìn thấy qua bịnh hoạn, thiên thần, ma quỷ, và con người, ấy thế mà không có nơi miền đất liền nào mà ta lại nhìn thấy có một con nữ ngư giả tá và ham giết hại như là con thú đui mù, đầu đầy gió, [mang tên] gọi là Hi vọng, này! (Odysseus, q. 10, h. 892).

Thế là nữ thần Ban Đêm với tất cả móng vuốt của nàng bay lướt qua thế giới bên trên, ngọt ngào xỏ xâu đầu óc của thiên hạ, mớm đút cho họ mọi hi vọng ngu xuẩn, bởi vì [chỉ có] ban đêm mới có thể mang đến cho họ tất cả những điều xảo quyệt mà ban ngày đã chối từ, như là món quà được gói trong những tấm lá xanh của giấc mơ hoang tưởng.[38] (Odysseus q. 7, h. 356).

***

Linh tinh

 

Tôi nói với cây hạnh: “Hãy nói với tôi về Chúa” và cây hạnh liền nở hoa. (The Fratricides [Huynh đệ tương tàn]).

Chúa xoay mặt đi hướng khác, thế rồi quả đất rơi vào bóng đêm. Một thiên thực[39] của Chúa ... một thiên thực của Chúa.” (The Fratricides).

Chúng ta không là những người giản dị chỉ tin nơi hạnh phúc; cũng không phải người yếu hèn gục ngã khốn khổ dưới đất; lại chẳng là kẻ hoài nghi theo dõi nỗ lực đẫm máu của nhân loại luôn đi tới từ đỉnh cao ngất ngưỡng của một trí thông minh khô cằn, chế giễu. Tin tưởng nơi cuộc chiến, mặc dầu chúng ta không mang ảo tưởng nào về [kết quả của] nó, chúng ta vẫn phải vũ trang để chống lại bất kỳ thất bại nào [đương nhiên sẽ đến]. (Toda Raba)

Trí thông minh càng biểu lộxâm phạm đến những bí ẩn của Thiên nhiên, thì nguy hiểm càng tăng thêm, và con tim co rút lại. (Toda Raba)

Chúa ơi, các ông giáo hoàng nói gì lạ thế? Thiên đường là đây, này bằng hữu. Chúa ơi, đừng cho tôi thiên đường nào khác! (Freedom and Death)

Chúng ta, những người đang chết, đã hành động hay hơn bọn chúng, những kẻ sẽ sống còn. Bởi vì Crete[40] không cần những ông chủ hộ mà chỉ cần những người điên cuồng như chúng ta. Chính những người điên cuồng mới khiến Crete bất tử. (Freedom and Death).

Mỗi một nhà lữ hành đều tạo nên một quốc độ [cho y] nơi mà y đang đi qua.[41] (Reporter in Red China)

Gương mặt chân thật của cuộc sống là cái sọ.

Một vì tinh tú chết, nhưng ánh sáng không hề chết; cũng thế, đó là tiếng thét gọi [đòi] tự do

Ý nghĩa chân thật của giác ngộ là nhìn chằm chặp vào bóng đêm mù mịt với đôi mắt sáng rỡ.

Tôi là nhà nhất nguyên, cảm nhậm sâu đậm rằng vật chấttinh thần là một. (Journeying, 78-9)

Ý chí của ta là Hố thẳm, nếu các ngươi có thể trực diện với nó.

Trong những ngày đi qua ở nơi hoang vu thánh thiện này, tim tôi lần lần yên tĩnh. Dường như nó ngập tràn những câu trả lời. Tôi không còn đặt câu hỏi nữa; tôi đã vững tin. Tất cả mọi điều – ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu, lý do ta hiện hữu trên mặt đất này – giáng cho tôi một đòn chắc nịch và giản dị trong niềm cô đơn đầy dẫy hình ảnh của Chúa. Dần dần máu tôi bắt đầu đập theo nhịp điệu thần thánh. Kinh sớm (Matins), Thần vụ (Divine Liturgy), Kinh chiều (vespers), Thánh vịnh (psalmodies), mặt trời rựng sáng ban mai và lặng chìm chiều hôm, tinh tú lơ lửng trên không như những ngọn chúc đăng rực ngời trên nóc tu viện: tất cả đến rồi đi, đến rồi đi trong sự phục tùng của luật tự nhiên muôn đời, và lôi cuốn dòng máu của con người đi theo cùng nhịp điệu đó. Tôi nhìn thế gian này như một thân cây, một ngọn bạch dương hùng vĩ, còn tôi là một chiếc lá xanh bám víu vào cành bằng cọng lá ẻo lã của tôi. Khi ngọn gió của Chúa thổi qua, tôi lay động và nhảy múa, cùng với toàn thân cây.  (The Wonders of Solitude)

Tiếng nói của Chúa: Các ngươi biết được gì, hỡi những con trùng hiện hữu từ đất, do đất nuôi, và rồi sẽ trở thành đất lần nữa? Ý chí của ta là hố thẳm. Nếu các ngươi có thể trực diện với nó, các ngươi sẽ rung sợ hãi hùng. (Sodam and Gomorrah; tr. by Kimon Friar. St Paul, North Central Pub. Co., 1982. p. 8)

 

*** Trích dẫn những nhà phê bình:

Bản thể của Chúa là phấn đấu, đích nhắm của con người là phấn đấu. Do đó mà, sự thành công cao đỉnh nhất của con người không phải là hắn có thể có được tự do, mà là hắn có thể nhập cuộc vào cuộc chiến cho tự do. (Richards, Lewis. “Christianity in the Novels of Nikos Kazantzakisin Western Humanities Review 9/1 (Winter 1967): 55.

Xưa nay các nhà giáo của Tòa Thánh mặt dày mày dạn dạy rằng: Chúa tạo nên mặt trờimặt trăng như là những thứ trang hoàng cho trái đất, và treo những cõi trời đầy tinh tú trên đầu chúng ta như là ngọn chúc đài[42] để cho ta ánh sáng! Đó là vết thương thứ nhất. Vết thương thứ hai là, con người không phải là đáng yêu, sinh thể đặc ân của ngài. (Richards, Lewis. bđd: 115)

Ta nhận ra rằng, không có điều gọi là 'tôi', 'anh' và 'hắn'; tất cả đều là một hợp thể, Một. (Richards, Lewis. bđd: 105)

Con người phải đấu tranh với Chúa để được thánh hóa, và như thế là cứu Chúa bằng cách nhìn nhận sự hiện hữu của Ngài trên con đường diệt tận Ngài. (Racheotes, Nicholoas S. “Theogony and Theocide: Nikos Kazantzakis and the Mortal Struggle for Salvationin East European Quarterly 17/3 (September 1991): 377

Đời sống và tánh linh con người thật là thảm hại... Rất ít hi vọng và tham muốn của chúng ta được thành tựu. Chúng ta tranh đấu để vói bắt những gì nắm giữ được từ những yếu tố bùn lầy và máu me vây quanh, để chuyển biến chúng thành tinh thần – một tinh thần cùn khổ, nô lệ, một tia lóe trong đêm tối vô tận... Cuộc đời chúng ta không nhàn hạ. Nó là một trò hề không chịu đựng nổi, nếu chúng ta chỉ nhìn đến chi tiết. Cuộc đời chúng ta là một bi kịch không chịu đựng được, nếu chúng ta có thể vươn lên trên và nhận thức được tổng thể. (O Kazantzákis milei yia Theó, do Kyriakos Mitsotakis tập thành. Athens, Minoas, 1972: tr. 128-29)

Sự hợp nhất giữa con người và Chúa thật huyền bí mà cũng thật hiện thực; niềm hứng khởi, thật con người mà cũng thật siêu việt tất cả mọi điều có thuộc tính con người, về một sự hòa giải và tan hợp làm Một giữa Chúa và người. Mặc dù với bao cố gắng đầy tuyệt vọng, vấn đề này, với tôi, vẫn còn chưa xong. Sự huyền bí về cuộc hợp nhất giữa người và Chúa, giữa xác thịt và tánh linh, giữa cái chết và bất tử, thật vô cùng tận. (Nikos Kazantzakis & Pierre Sipriot. Entretiens. Paris, Ed. du Rocher, 1990, 22-23)



[1] “Người đã giải thoát hết thảy, đã dứt hết thảy buộc ràng, là người đi đường đã đến đích, chẳng còn chi lo sợ khổ.” Kinh Pháp Cú: VII. Phẩm A La Hán, kệ 90

 

[2] Abraham (אַבְרָהָם, Avrohom,  Aḇrāhām;  ابراهيم, Ibrāhīm), theo Do Thái- , Ki tô- và Hồi- giáo, là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập. Tên ban đầu của ông là Abram, nghĩa là "cha cao quý", về sau được Chúa đổi thành Abraham, nghĩa là "cha của nhiều dân tộc". Niềm tinsách thánh của Do Thái- , Ki tô- và Hồi- giáo, thường được gọi chung là "các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham". Cuộc đời của Abraham được ký thuật trong chương 11-15 của sách Sáng thế ký trong Cựu Ước.

[3] Blaise Pascal (1623-1662), cậu bé thần đồng người Pháp, là toán học gia, vật lý học gia, nhà phát minh, tác gia, và là tư tưởng gia Gia-tô. Ông là người thiết lập nền tảng cho lý thuyết hiện đại về xác suất trong toán học.

[4] Rainer Maria Rilke (1875-1926) được tôn xưng là thi bá của loại thơ trữ tình Đức. 

[5] Người Tây phương thắt dây nịch. Đây là hình ảnh một người cởi bỏ dây nịch ra để sẵn sàng bắt tay làm một việc gì hệ trọng.

[6]đản tri kim nhật nguyệt, thùy thức tạc xuân thu

[7] đại ngu đại ngộ

[8] Tạm dịch từ Sacred Awe, có nghĩa ‘ngước cao nhìn đối tượng một cách vừa bàng hoàng kinh dị vừa ngưỡng mộ kính phục’.

[9] Phật: các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi,  ta duy là người chỉ đường.

[10] người Tây phương ăn bánh mì như ta ăn cơm

[11] ngày xưa ta dùng cây viết có ngòi cắm lên cán, chấm mực để viết.

[12] hình ảnh một người chấm mực để viết xuống tư tưởng của mình trên giấy trắng, bằng những vần chữ abc sắp xếp thành câu thành hàng.

[13] Jesus bí mật căn dặn Judas phải điềm chỉ ngài. Các nhà nghiên cứu thần học Tây phương hiện nay đều đồng ý rằng Judas được Jesus tín nhiệm nhất, giao cho việc chỉ điểm để ngài bị bắt và đóng đinh trên thập tự giá cùng với 2 người loạn binh. Còn Judas thì đời đời bị nguyền rủa là kẻ Phản Bội Chúa.

[14] dễ dàng hơn là như Judas phải bị nguyền rủa đời đời. Trong quyển The Passover Plot (Element Books, 1965), Hugh Schonfield đã chứng minh Judas mới chính là tông đồ được Giê-su thương yêu tin cẩn nhất, giao cho nhiệm vụ ‘phản bội Chúa’ để Giê-su thành công trong mưu lược trở thành ‘vị cứu tinh của tộc Do thái’ (Messiah, Mê-sa), hay ‘Chúa cứu thế’ (Christ, Ki-tô), còn Judas thì bị nguyền rủa đời đời.

[15] đại nghi đại ngộ // phiền não thị bồ đề.

[16] Jehovah = một tên gọi khác của Chúa.

[17] Thiền: Bản lai diện mục

[18] Lý tưởng Bồ tát trong Đạo Phật.

[19] Phật: lý tưởng Bồ tát

[20] thẩm mỹ của văn thể, trau chuốt câu văn cho đẹp hay, bay bướm.

[21] Đạo: xích tử; Thiền = Phật tánh

[22] Duy thức: tất cả mọi hiện tượng đều không thật

[23] chúc hành trình may mắn!

[24] hình ảnh thuyền  trưởng lái tàu trên đại dương, nhìn sao Bắc Đẩu để định hướng

[25] Phật: các người hãy tự đi. Ta duy là người chỉ đường.

[26] Phật: tham dục.

[27] Turk: người Turk, chỉ hạng dũng sĩ ham thích đấu tranh chém giết; cũng có nghĩa bản tánh hung hãn chung của con người, biểu hiện ra bên ngoải. Theo dòng suy tư này, inner Turk được dịch là bản tánh nội tại bẩm sinh của mỗi người mà Thiền giả cần tiêu diệt để đạt giải thoát.

[28] Trong kinh Kàlama, Phật dạy đệ tử không nên tin bất kỳ điều gì, ngay cả những lời dạy của Phật, trước khi phải tự thân kinh nghiệm qua những điều đó,

[29] Duy thức: thay đổi ý thức, nhận thức, để nhìn ra điều chân thật của hiện tượng ảo hoá.

[30] Anh dịch: sight, smell, touch, taste, hearing, intellect; Bát nhã: nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, [thân], ý.

[31] gods, những thiên thần hay những vị chúa nhỏ, chủ quản một nhiệm vụ nào đó do Chúa giao phó

[32] Tục ngữ Đông phương: Một con chim én không mang lại mùa xuân.

[33] Phật: Phiền não thị Bồ đề

[34] Câu này Kazantzakis trích dẫn từ một ẩn dụ Ai cập

[35] Đạo giáo Trung hoa tin rằng ở Địa ngục có Chín ngọn suối, nên Địa ngục còn có tên gọi khác là Cữu tuyền.

[36] Một hình ảnh trái ngược: con người phải chết, xuống Địa ngục, mới đạt được sự bất tử. Có phải chăng đây là ý nghĩa trong đạo PhậtThiền học nói về đích điểm của đoạn dứt luân hồi sanh tử?

[37] The Lord's mountain: Thiên Sơn天 山, Thiên Phong 天 峰

[38] Khổng giáo dạy người quân tử luôn tuân giữ mình cẩn trọng, nhất là khi ở một mình, ban đêm, thận kỳ độc.

[39] Từ gọi chung cho hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Ở đây là hình ảnh Chúa nuốt trọn địa cầu, khiến tối om.

[40] Crete: đảo lớn nhất của quần đảo Hi-lạp, trong biển Địa Trung Hải, nơi nền văn minh Minoa thịnh hành kh. 1600 năm ttl.

[41] thiện hành vô triệt tích: người đi khéo không để lại dấu chân

[42] chandelier: ngọn đèn treo có rất nhiều bóng, chúc đài, thường treo trong phòng khách những nhà phú quí

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79611)
02/10/2012(Xem: 49628)
09/10/2016(Xem: 10229)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.