Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -04

23/05/20235:52 SA(Xem: 1154)
Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -04
HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Nhà xuất bản Phương Đông


Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

DÂN QUỐC 14 (1925) ẤT SỬU – 86 TUỔI

Mùa Xuân, sau Đàn giới, giảng Kinh xong, tôi mở trường thất tại Thiền Đường.

Phạm vi đất chùa trên núi rất rộng nhưng cây cối quá sầm uất, tôi cho phát quang một ít, gọi người trong thôn đến, chỉ định khu vực trồng trọt rồi bảo họ cùng làm cùng thu hoạch, mỗi bên hưởng một nửa, dân làng rất mừng.

Năm này, tỉnh Điền đổi sang chế độ Ủy viên, ông Đường lui về ở ẩn trong núi.

Đại sự năm này:

Tháng 3, Tôn Trung Sơn mất tại Bắc Kinh.

DÂN QUỐC 15 (1926) BÍNH DẦN – 87 TUỔI

Những năm gần đây, tỉnh Điền xảy ra rất nhiều việc, binh sĩ trú đóng tại nhà dân, an ninh không ổn. Đến mùa lúa chín, dân không dám gặt vì sợ binh sĩ. Tôi đến Quân bộ thương lượng, họ cho phép thu hoạch với điều kiện: Nếu tu sĩ hướng dẫn nông dân gặt lúa thì binh lính không cản trở.

Đồng cam cộng khổ

Nhân đó, mấy ngàn dân làng đồng đến chùa ở. Lúc đầu, cùng ăn cơm khô, kế ăn cháo, cháo hết thì cùng ăn cám uống nước. Dân làng thấy chư Tăng đồng cam cộng khổ với họ như thế, cảm động rơi nước mắt. Đến khi việc quân tạm yên, nông dân mới được trở về. Từ đó về sau, họ hết lòng bảo hộ chùa, tận tụy chí thành.

Tôi từ lúc Trụ trì chùa Vân Thê, năm nào cũng truyền giới, giảng Kinh, tọa hương. Năm nay, lúc mở Đàn giới, cây mai khô trước điện bỗng trổ mấy mươi đóa sen trắng. Còn trong vườn, tất cả rau cải đều trổ hoa sen xanh. Chính giữa mỗi đóa hoa; hiện rõ hình Phật đứng Việc quá hy hữu nên cư sĩ Trương Chuyết Tiên có soạn bài ký, ghi lại điềm lành về cây mai và rau cải nơi chùa Vân Thê, cho khắc vào đá.

ĐIỀM LÀNH CỦA RAU VÀ MAI Ở VÂN THÊ

Cuối xuân Bính Dần, chùa Vân Thê có mở Đại giới đàn, Tăng sĩ, cư sĩ mười phương đều tụ hội về.

Bậc Đại đức đang lên đài, thay Phật tuyên dương Bồ-tát giới thì cây mai già héo khô trước điện bỗng trổ hoa sen trắng, chừng vài mươi đóa. Hoa to bằng cái chén, mùi hương vi diệu tinh khiết, tua hoa giương lên giống như bảo cái. Ai nhìn cũng kinh ngạc trầm trồ vì quá lạ lùng.

Còn trong vườn, rau cải đều trổ hoa sen xanh, giữa đài hoa có hình vị Phật đứng. Vườn rau trước, sau… trên mỗi hoa sen đều có một Như Lai, tưởng chừng như thấy được Phật Lô Xá Na ngồi trên đài sen, trên nghìn hoa quanh đây đều hiện nghìn đức Thích Ca. Tất cả đại chúngcảm giác như mình được đến thế giới Liên Hoa hải tạng, cúng dường thờ phụng… Ôi, điềm lành đặc biệt này quả là hi hữu!

Tôi nghe nói bậc cao tăng thuyết pháp, trời mưa hoa báu, những điềm lành này cũng hiếm có giống như hoa Ưu Đàm, mấy nghìn năm mới hiện một lần.

Hòa thượng Hư Vân hoằng pháp tại tỉnh Điền, trùng hưng các ngôi chùa cổ, dạy chúng sinh lánh ác gần lành, đoạn trừ phiền não, gieo giống Bồ đề. Dạy chúng sinh trì Kinh Diệu Liên, hành hạnh Phổ Hiền, chứng quả Niết Bàn… Do tâm Bồ-đề Ngài quá rộng lớn, hằng thuận chúng sinh, cảm động đến mười phương chư Phật, Bồ-tát, chứng minh hạnh nguyện viên thành, làm cảm động các cõi trời Thích, Phạm, mới khiến điềm lành ứng hiện. Tôi được tận mắt chứng kiến nên làm bài ký này.

Lập đông, năm Bính Dần (1926), cư sĩ Hoằng Tây kính ghi.

DÂN QUỐC 16 (1927) ĐINH MÃO – 88 TUỔI

Năm này vẫn truyền giới tại chùa, giảng Kinh, tọa thiền, cùng tiến hành xây tiếp các ngôi điện vũ, phòng xá dang dở và cho xây lầu chuông U Minh.

DÂN QUỐC 17 (1928) MẬU THÌN – 89 TUỔI

Do phải quyên tiền đúc Thánh tượng, tôi cùng cư sĩ Vương Cửu Linh (Khoan Thiền cư sĩ) đi sang Hương Cảng. Lúc ấy Trần Chơn Như (Minh Xu) là Tổng đốc đất Quảng, phái người đến Quảng Châu tiếp rước. Tôi ngụ ở viện Di Dương, đồng đi tham quan chùa Năng Nhân, núi Bạch Vân. Ông Trần mời tôi về Trụ trì chùa Nam Hoa Tào Khê nhưng tôi từ chối.

Đến Hạ Môn, tôi sang Phuớc Châu rồi trở về Cổ Sơn giảng Kinh. Xong, đi thăm chùa A Dục Vương, lễ xá-lợi, triều bái Phổ Đà. Hòa thượng Văn Chất rước tôi đến đất Hổ, ở chùa Long Quang, Hương Sơn Am.

Đến mùa đông, Hòa thượng Đạt Công viên tịch tại Cổ Sơn, chùa phái người đến đất Hổ, bàn luận công việc. Thấy năm sắp hết, tôi  lại đất Hổ qua năm.

DÂN QUỐC 18 (1929) KỶ TỴ – 90 TUỔI

Tháng giêng, tôi từ đất Hổ về Cổ Sơn, Đô trưởng Hải quân kiêm Chủ tịch đất Mân là Dương Ấu Kinh (Thọ Trang) cựu Chủ tịch Phương Thinh Đào cùng các quan cùng đến thỉnh tôi làm Trụ trì Cổ Sơn. Đây là nơi đầu tiên tôi tới xin cạo tóc xuất gia, nhớ đến ơn xưa, tôi không thể chối từ, đành phải nhận.

DÂN QUỐC 19 (1930) CANH NGỌ – 91 TUỔI

Sau một năm ở Cổ Sơn chỉnh lý mọi việc, xem như tạm xong. Trong Giới kỳ mùa xuân, tôi thỉnh Hòa thượng Văn Chất làm Yết-ma, tôi giảng Kinh Phạm Võng cho chúng.

phương trượng cũ có hai cây Phượng vĩ Thiết thọ nhiều năm rồi nhìn giống như cây bị chết khô, chư vị cổ đức kể rằng: “Một cây do chính tay Mân vương trồng, một cây do Tổ sư Thánh Tiễn trồng, có từ thời Đường, kể đã có ngàn năm. Đây là loại cây rất chậm lớn, sống rất lâu. Mỗi năm chỉ ra một hai lá. Đến nay, mỗi cây đều cao khoảng một trượng, chưa từng trổ hoa. Nghe kể rằng phải cả nghìn năm chúng mới khai hoa. Khi ngài Hư Vân đến. Trụ trì Cổ Sơn, ngay trong Giới kỳ này, hai cây bỗng nhiên ra lá trổ đầy hoa, làm chấn động cả núi. Mọi người đều cho đây là điềm lành, xa gần đều kéo đến xem, càng thêm mộ đạo. Hòa thượng Văn Chất cũng làm một bài văn ngắn ghi lại việc đó như sau:

THIẾT THỌ TRỔ HOA

“Mùa xuân năm Canh Ngọ, gặp Sư huynh Hư Vân chủ trì Thạch Cổ, truyền trao giới pháp, tôi rất là tùy hỷ nên vượt biển đến đất Mân. Người về tham dự rất đông. Đến nơi thấy Thiêt thọ nở hoa, phồn thịnh không gì sánh được. Hoa trắng, to bằng cái chậu, tua cánh dài như đuôi chim phượng, tương tự điềm lành Ưu Đàm. Hỏi thăm các bậc bô lão đều nói rằng cây trồng từ đời Đường, một do chính tay Mân vương trồng, một do Quốc sư Thánh Tiễn đích thân trồng, đến nay đã hơn nghìn năm. Hiện loại diệu hoa này, thật là hy hữu. Quá cảm kích, tôi mời Vân huynh chụp ảnh lưu lại kỷ niệm về điềm lành ứng hiện tại chùa Dũng Tuyền này.

Văn Chất kính ghi”.

Từ biệt tỉnh Điền

Mùa thu, tháng 9, tôi trở về tỉnh Điền, cùng đi với Hòa thượng Văn Chất, giao chùa Vân Thê cho Hòa thượng Định An, thỉnh Hòa thượng Văn Chất truyền giới tại Vân Thê, các quan cùng dân làng cứ nài nỉ mời tôi  lại, tôi chỉ biết cảm tạ thịnh tình của họ, rồi cùng Hòa thượng Văn Chất từ biệt. Ngày tôi lên đường về đất Mân, dân làng lập bàn hương án, cung kính tiễn đưa suôt quãng đường dài ngót mấy chục dặm, làm tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

DÂN QUỐC 20 (1931) TÂN MÙI – 92 TUỔI

Tôi vẫn ở tại Cổ Sơn lo liệu các việc như truyền giới, giảng Kinh, xây Học Viện Giới Luật, lập các Am: Bình Sở, Tây Lâm, Vân Ngọc…

Đại sự năm này:

Ngày 18 tháng 9, quân Nhật đột chiếm Phần Dương, đoạt ba tỉnh miền Đông.

DÂN QUỐC 21 (1932) NHÂM THÂN 93 TUỔI

Mùa xuân năm nay, tôi mở Đàn giới ở Cổ Sơn.

ÔNG GIÀ XIN THỌ BỒ-TÁT GIỚI

Có một ông già râu tóc trắng như tuyết, diện mạo thanh kỳ, đi thẳng vào phương trượng, quỳ trước mặt tôi, xin thọ giới. Tôi hỏi danh tánh, ông thưa họ Dương, người Nam Đài, tỉnh Mân. Có giới tử Diệu Tông, cũng ở Nam Đài nhưng chưa từng gặp ông lão. Đến khi truyền Bồ Tát giới, cấp điệp đàn xong thì không thấy ông nữa.

Lúc Diệu Tông về, đi ngang qua miếu thờ Long Vương ở Nam Đài, bỗng nhận ra bức tượng đang ngồi chễm chệ chính là ông già thọ giới chung với mình, điệp đàn còn nằm trong tay ông. Chuyện này được đồn vang làm chấn động cả vùng Nam Đài. Thiên hạ bàn tán rầm rĩ vì Long vương cầu giới.

Cũng trong Giới đàn này, có cư sĩ Trương Ngọc Đào 66 tuổi, quê ở Quảng Đông, đã đậu Hiếu Liêm, đến chùa xin thọ giới. Tôi mời ông đảm nhiệm việc chỉnh lý Kinh tạng tại Cổ Sơn.

DÂN QUỐC 22 (1933) QUÍ DẬU 94 TUỔI

Mùa xuân, Nhật chiếm hải cảng Lãnh Sơn, khiến lòng người dao động bất an, 19 đạo quân đất Mân nổi dậy, các tự viện toàn tỉnh đều đình chỉ việc cho khách Tăng tạm trú. Chỉ có Cổ Sơn là còn nhận, vì vậy Tăng chúng bốn phương đổ về đây lên đến ngàn rưỡi-ngàn sáu người, khiến lương thực không đủ cung cấp, chùa ráng duy trì được bữa cơm, bữa cháo.

Con ngỗng  Cổ Sơn

Tháng sáu, khánh thành vườn phóng sinh, cư sĩ Trịnh cầm Tiêu đưa đến một bầy ngỗng, trong đó có một con ngỗng trống rất là đặc biệt, nặng khoảng 9kg 6, hễ nghe tiếng mõ thì nó dang cánh rướn cổ kêu to, lúc vào Điện Phật thì đứng yên chiêm ngưỡng. Được một tháng, nó đứng trước Phật mà mất, vẫn không ngã. Trịnh cư sĩ lấy làm lạ, bèn xin thiêu nó như chư tăng. Để bảy ngày mới thiêu, vẫn không có mùi hôi. Nhân đó, mới làm ngôi mộ gia súc cho nó.

Phần Phụ ghi:

CHÙA DŨNG TUYỀN

Chùa Dũng TuyềnCổ Sơn, Phước Châu là một ngôi chùa xưa nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, điện vũ nghìn trùng, là thắng cảnh đệ nhất ở đất Mân.

Thế nhưng, Tăng chúng lại sống rất lộn xộn, vô phép tắc, hỗn tạp như thế tục. Thời gian gần đây, những kẻ ẩn dương nương Phật đã lợi dụng phong cảnh ưu mỹ này làm kế sinh nhai. Khách hành hương đến nhiều, càng đễ khiến chốn này thành nơi trục lợi của những kẻ mua bán Như Lai. Thọ giới xong họ chỉ là Tỳ kheo danh tự, hễ ai quyên tởi, kiếm được nhiều tiền, vàng… thì được tôn làm Thủ tọa, chiếm vị trí đứng đầu, thọ hưởng mọi tôn vinh. Tiếp đến là Tri khách, chức này cũng kiếm được nhiều tiền bạc, lợi nhuận… Đến nỗi, nếu Thủ tọa có hơn trăm người, thì chức Tri khách cũng ngót nghét tám, chín chục mạng. Trừ nơi này ra, các Tùng lâm khác đều không có như vậy. Chứng kiến cảnh này, ngài Hư Vân càng thêm xót xa, nhưng không biết làm sao. Gặp lúc Chủ tịch chính phủ là Lâm Sâm, Tổng tư lệnh Hải quân Dương Thọ Trang, chủ tịch tỉnh Mân là Phương Thinh Đào v.v… về quê, có ý muốn chỉnh đốn Cổ Sơn và họ nghĩ: “Ngoại trừ ngài Hư Vân ra, chẳng ai có thể đảm đương nổi việc này. Thế là họ gởi thư, đánh điện tới mời thỉnh mấy phen, ngài Hư Vân mới nhận.

TRỞ LẠI CỔ SƠN

Đến năm Dân Quốc thứ 18 (1929) – Kỷ Tỵ, ngài Hư Vân trở lại cổ Sơn, lo xây dựng tu bổ chùa viện, còn hai việc phải thực hiện nữa là:

1. Chỉnh Tu Kinh Tạng

Cổ Sơn kinh bổn rất nhiều, toàn là những sách quý hiếm mà trong và ngoài nước không có. Như Tô Đông Pha đã vì chùa Kim Sơn viết Kinh Lăng Già, chữ của ông mỗi mỗi đều ưu mỹ, không nét bút nào mà không tinh xảo. Đây là kiệt tác cả một đời ông – Bản Bắc Tông được cất tại chùa Kim Sơn – còn Cổ Sơn giữ được bản Sơ tháp, nhờ tuyển thợ lành nghề khắc, nên nhìn giống y như bản Kim Sơn. Ngoài ra, các bản Kinh in từ đời Minh rất là phong phú, song trong phòng chứa Kinh, các giá đựng sách bị hư hoại nhiều. Bấy giờ, cư sĩ Trương Thọ Ba  Quảng Đông theo Sư xuất gia. Sư bèn giao ông chỉnh lý và lo liệu mọi việc về Kinh tạng. Phải ba năm việc biên tập, chỉnh sửa những chỗ sai, ghi lại danh mục, bổ sung Kinh Tạng…  Cổ Sơn mới hoàn tất. Hàng trăm hàng ngàn bộ Kinh tinh diệu nhờ vậy mà được bảo tồn. Việc in ấn Tinh Đăng Tập, Cổ Sơn Tông Phổ, Lịch Đại Tố Tượng v.v… cũng được tiến hành.

2. Chấn Chỉnh Sơn Môn

Việc đám sám ở Cổ Sơn còn lắm nhiêu khê phiền phức, do tập khí đã huân sâu. Sau khi ngài Hư Vân trụ trì, lập tức cho bài cũ đổi mới, chấn chỉnh lại hết. Ngài bãi chức hơn trăm ông Thủ tòa, chỉ cho dùng tám vị Tri khách. Lúc trước, Thiền Đường ngồi ngày chỉ ba cây hương, giờ Sư tăng lên mười hai cây, tất cả phải vào nề nếp mẫu mực, chùa Kim Sơn bắt buộc phải tuân thủ. Nhờ vậy các vị Tăng lão tham đều vân tập về, ngài Hư Vân mời các bậc long tượng đảm đương các trách vụ quan trọng và còn sáng lập Phật Học để cho giới trẻ đến học đạo.

Ngày trước, mỗi lần trong chùa có đám sám, khán đài được lập tại chánh điện cho người xem, nhạc thế tục cùng Phạn âm xen lẫn, Tăng sĩ và Cư sĩ cùng cợt đùa. Ngài Hư Vân thấy việc ]ập khán đài nơi điện Phật rất trái quy chế, gây ầm náo, ồn ào không đúng phép xưa, nên ra lịnh cấm tất. Nếu trai chủ có ưa nhạc thế tục thì ra ngoài mà nghe, còn thiết lễ thì không cho làm ầm ỹ, náo nhiệt, phải loại bỏ hết. Tăng chúng đa số không vui, chỉ có mình Hòa thượnghoan hỷ nói:

– Từ nay trở về sau, nơi đây mới có thể gọi là đất Phât thanh tịnh!

Hòa thượng về Cổ Sơn trụ trì mới vài năm, môn phong được phục hưng cứu vãn, Tăng già thành lập. Trong nước ngoài nước đều nghe danh và ca ngợi rằng vị Hòa thượng 90 tuổi này quả có nghị lực phi thường, Ngài đã làm cho ba ngôi danh lamKim Sơn, Cổ Sơn, Cao Mân trụ vững như kiềng ba chân.

Phụ ghi:

SƯ QUÁN BỔN

Sư tên Trương Thọ Ba, hiệu Ngọc Đào, người huyện Hương Sơn, Quảng Đông, con nhà giàu có. Năm Quang Tự 17 (1891), đỗ khoa thi Hương, đậu Cử Nhân hạng Bảy lúc mới 24 tuổi.

Tuổi thiếu niên thi đậu sớm, nổi tiếng học rộng tài cao. Có đầu óc duy tân. Từng sang Nhật, làm Hiệu trưởng Trường Hoành Tân Đại Đồng nhiều năm. Đến tuổi tráng niên, hiểu lý xuất thế, để tâm nghiên cứu kinh điển, đem hết gia sản giàu có, biến thành rừng công đức.

Năm Dân Quốc thứ 9 (1920), cho con trai độc nhất của mình xuất gia với Hòa thượng Vi Quân, nhưng chưa được bao lâu thì cậu con mất. Ông vì còn mẹ già, chưa thể lìa xa. Năm Dân Quốc 19 (1930), Canh Ngọ, bà cụ mất, ông xuất gia. Đến Cổ Sơn, xin Hòa thượng Hư Vân thọ giới, pháp danh Minh Nhất, hiệu Quán Bổn, năm 66 tuổi. Ông thưa với ngài Hư Vân:

Đệ tử việc mình chẳng sáng, chưa buông bỏ được, xin Thầy khai thị cho.

Hòa thượng Hư Vân bảo:

Bình thường tôi dạy người buông bỏ, thế nhưng đối với ông thì tôi khuyên chẳng nên buông bỏ, mà nên quải theo tất! Bởi ông đã xả bỏ đến tận cùng rồi. Ông vốn là người phú quí, cả đứa con trai độc nhất cũng dâng cho đạo và nó đã qua đời. Hiện tại ông đã xuất gia, đã buông xả hết trơn rồi, còn có cái gì không buông được thì nên quải theo để gánh vác việc lớn Như Lai!

rơi lệ vâng lời. Hòa thượng bèn giao Sư chỉnh sửa, biên tập “Cổ Sơn Tông Đồ” và tất cả bản Kinh. Về “Truyện ký của Chư Tổ Sư Cổ Sơn” gần đây, trong các bản Tạng cũ đa số không có, nhưng trong bộ Tân Tục Tạng Đại Chánh của Nhật Bản thì có. Do vậy Sư phải đến Thượng Hải gặp Sầm Học Lữ, hỏi thăm bản Tân Tục Tạng Đại Chánh. Ông Sầm hỏi lại Diệp Cung Xước thì Diệp nói:

– Bộ Tục Tạng của Nhật có cả nghìn quyển, chứa hơn mười rương, họ mới gởi qua cho tôi hai tháng nay, chưa khui ra. Nếu ngài Hư Vân thích thì tôi xin hiến tặng.

Sư đem về, lo biên tập thêm phần “Truyện Ký Của Chư Vị Tổ Sư Cổ Sơn”. Khi ngài Hư Vân đi Nam Hoa, Sư làm Thủ tọa, phụ giúp rất đắc lực.

Năm Dân Quốc 34 (1945), kháng chiến thắng lợi, Hòa thượng bảo Sư trở về Quảng Đông, Trụ trì chùa Lục Dung.

Trước khi qua đời, Sư bệnh không dậy nổi, ngày mồng sáu tháng chạp thì mất, thọ 78 tuổi, tăng lạp 16. Số đệ tử nam nữ quy y Sư có hơn cả vạn. Người đi đưa quan rất đông, trà tỷ được xá lợi nhiều vô số.

sáng tác, biên thuật rất nhiều, có các tập Hương Quang gồm 20 quyển.

(Phần ghi thêm của Sầm Học Lữ):

HÒA THƯỢNG HƯ VÂNCỔ SƠN

Trải qua nhiều triều đại đến nay, Cổ Sơn luôn có các bậc Đại đức cao tăng. Uy danh nổi khắp, thịnh nhất vào thời Đường, đến thời Minh vẫn còn những bậc long tượng đặc biệt, hi hữu. Vì vậy mà nơi này được xếp vào hàng danh sơn nổi tiếng vì có nhiều cao tăng.

Đến năm 1929, Cổ Sơn hoàn toàn thay đổi, đất của chùa bỗng biến thành gia sản truyền thừa cho con cháu hưởng, dẫn đến đọa lạc suy vi thảm hại. Cũng may, được hai vị chấp chính tỉnh Mân là Dương Thọ Trang, Phương Thinh Đào, (đệ tử quy y Hòa thượng Hư Vân), thấy tình cảnh này, lòng rất bất bình nên đã liên lạc với các nhân sĩ và bốn chúng trong Phật giáo, họ vận động, thỉnh được ngài Hư Vân đến chủ trì và lo việc chỉnh đốn, phục hưng Cổ Sơn.

Cổ Sơn cách thành Phúc Châu chừng 30 dặm (khoảng 15 cây số) từ chân núi lên đến đỉnh cao độ 5000m. Có chùa Dũng Tuyền để nghỉ chân. Lôi đi lêncon đường có những bậc thang đá phẳng rộng. .Khi ngài Hư Vân đến Cổ Sơn, từ chân núi đến trên đỉnh, thiện nam tín nữ cung kính dâng hương hoa, quỳ dài bái lạy, nhiệt liệt nghênh đón. Đủ thấy sức cảm hóa của Ngài rất mạnh, rất sâu. Có ba việc đáng lưu ý là:

Một – Khi Sư đến Cổ Sơn, bước đầu tiên là chấn chỉnh sửa đổi lại hết. Chẳng cho phép bất kỳ ai trong chùa thu nạp đồ chúng hay phật tử riêng. Kế đến Ngài dẹp hết mấy cái bếp cá nhân, thống nhất thành bữa ăn chung bình đẳng. Sau đó là bắt tay vào giải quyết các tình trạng rắc rối nhiêu khê, cắt giảm một dọc dài lê thê các chức Thủ tọa danh tự, chỉ chừa lại một, hai vị. Tất nhiên con số bảy- tám mươi Tri khách cũng bị chiết giảm bớt, chỉ cho phép dùng từ năm đến tám Tri khách thôi. Còn các chức khác như Thư ký v.v… thì căn cứ vào tài đức mà dùng. Xem như những ai mang chức rỗng hưởng nhàn, (hữu danh vô thực) đều bị bãi miễn hết. Sự cải cách, chấn chỉnh này đã châm ngòi thù hận nơi những người thân tăng tâm tục, họ tức giận vì bị mất quyền lợi, nên đã liên kết, hợp nhau làm loạn, tìm đủ cách phá hoại trong chùa để phản đối ngài Hư Vân. Số người đầy ác tâm, bất tuân kỷ luật này âm thầm bàn mưu tính kế trừ khử Sư.

Vào một đêm khuya lạnh lẽo, họ hè nhau chất củi phóng hỏa, thiêu rụi hết phòng ốc. Ngài Hư Vân chẳng hề thưa với quan phủ việc này, nhưng cuối cùng chính quyền tỉnh Mân cũng hay được, liền phái binh lính lên núi trấn giữ bảo vệ Sư. Chính quyền cho bắt hết can phạm đem về thẩm vấn, nhưng ngài Hư Vân không muốn chính phủ xử tội họ, nên đã xin tha và phóng thích họ. Việc này càng hiển lộ đức hạnh phi phàm của Ngài.

Hai là – Chỉnh lý đạo phong. Thiền Cổ Sơn vốn có uy, nổi danh khắp nước. Thế nhưng trước khi ngài Hư Vân đến, nơi đây đã trở thành chốn hữu danh vô thực. Trong chùa trừ một-hai vị tăng có nhiệm vụ giám sát, quản lý môn hộ ra, bọ chẳng thèm làm gì khác nữa. Chẳng lên điện, chẳng toạ hương… chứng kiến cảnh này ngài Hư Vân làm sao không khỏi đau lòng?

Ngài lập tức bắt tay vào chấn chỉnh Thiền Đường, khuếch sung nhân số. Tất cả đều phải dốc sức nỗ lực. Số Tăng chúng trong chùa đông dần. Chế độ tham thiền tĩnh tọa mỗi ngày mười hai cây hương được khôi phục. Mùa đông còn có thêm đả thất. Người khắp mọi miền trong nước đều tìm đến tham vấn, học thiền, thân cận với Ngài, chúng Tăng đông phi thường, Thiền phong cực thịnh, đứng đầu toàn quốc. Chùa Trung Nguyên có Niệm Phật Đường do ngài Hư Vân khởi xướng, chúng ở đấy có khoảng ba-bốn mươi vị, lấy niệm Phật làm thời khóa. Ngài thỉnh Pháp sư Từ Đan chủ trì và giám hộ chư Tăng trẻ. Vì sợ các thiếu niên bỏ học, Ngài lập Viện Học Giới Đường, sau này đổi tên thành Phật Học Viện Cổ Sơn.

Các Pháp sư Tông Kính, Đại Tỉnh, Ấn Thuận, Tâm Đạo v.v… đều đến dạy. Lúc Pháp sư Từ chủ trì và thuyết giảng, đã cho đổi tên thành Pháp Giới Học Viện. Cổ Sơnhệ thống Phật pháp xuyên suốt bao gồm đủ các môn Thiền, Tịnh Giáo, Luật, há không phải là rất hoàn bị và chu toàn? Song ngài Hư Vần chẳng cho thế là đủ, Ngài còn xây thêm Diên Thọ Đường để nuôi những người già yếu tu dưỡng và cử người trông nom chăm sóc họ. Ấn định thời khoá mỗi ngày là ba cây hương. Ngài còn cho xây Bệnh Viện Như Ý Liêu, mời các bác sĩ chuyên môn đến chẩn trị, bố thí thuốc men, chăm sóc người bệnh…

Những việc làm như thế này, phải nói là rất hiếm có trong các ngôi danh sơn toàn quốc. Tăng chúng thường trụ  đây có hơn ba trăm vị, cùng hành trì, cùng lên điện đường công phu sớm tối. Vào mùa hạ khí trời nóng như thiêu cũng không gián đoạn, Hoà thượng không hề vắng mặt. Chùa tự lo thức ăn. Mỗi năm vào đầu Xuân, toàn chùa hành Sám pháp, cùng lễ Vạn Phật nửa tháng. Hết Xuân thì mở đàn truyền giới lần 1, đến mùa Hạ thì giảng kinh, Giảng Sư đến giảng các pháp môn, toàn là những bậc cao đức có tiếng tăm.

Ba là – Xây dựng phòng ốc. Phòng ốc Cổ Sơn vốn rất tề chỉnh, Hoà thượng quyết tâm phục hưng, nên đối với chùa Dũng Tuyền cũng cho làm mới lại hết. Ngài kiến thiết, tân trang… tạo thành những ngôi điện vũ tôn nghiêm mỹ lệ. Khi bị người phóng hỏa thiêu rụi phòng ốc, điện đường… thì Ngài vẫn cho xây dựng lại như trước. Niệm Phật Đường, Diên Thọ Đường, Phật Học Viện, đều là những công trình đổi mới hoành tráng. Bệnh Viện Như Ý Liêu được xây theo kiểu hiện đại với hai tầng lầu. Có thể thấy ngài Hư Vân rất quan tâm lo cho người bệnh thống khổ. Ngoài raNhà Khách trước đây chẳng được ai để ý, nguyên là một ngôi nhà nhỏ hẹp, u ám tối tăm. nằm trong một xó xĩnh, chẳng ai muốn bước vào. Song ngài Hư Vân vốn là bậc thầy có kinh nghiệm lào luyện về chuyện hành cước rồi nên rất hiểu tình huống này, vì vậy mà Ngài đã cho xây cất lại, Nhà Khách – ngoài cái tên Thượng Khách Đường thu hút, còn là một ngôi kiến trúc nổi danh kỳ bảo – cũng thanh tịnh trang nghiêm hệt như Thiền Đường, có khác chăng là chỉ hơi nhỏ hơn một chút thôi. Còn Long Các – do người trông coi không cẩn thận để bị lửa thiêu cháy, chẳng bao lâu cũng được Ngài xây mới lại, không những đã kiên cố mà còn rất mỹ quan.

Chú thích của Sầm Học Lữ:

Những điều lược kể này hoàn toànsự thật, khi Biền giả đến cổ Sơn, nhằm vào thời ngài Hư Vân về trụ trì cổ Sơn. Còn chuyện Ngài trú ngụ trước đó thì Biền giả do thấy nghe hữu hạn, nên không thê kể hèt được, chỉ ghi lại phần mình hiêt rõ mà thôi.

Biên giả ở Cổ Sơn, thân cận Ngài cũng được hai năm, thấy Ngài đối với tứ chúng đệ tử đến học đạo, chẳng hề phân biệt nam, nữ, già, trẻ, giàu, nghèo gì. Bao giờ Ngài củng dùng thái độ từ bi bình đẳng tiếp dón, hướng dẫn, thiết tha khai sáng cho họ. Gặp người ưa Thiền thì Ngài dạy Thiền, ai thích niệm Phật thì khuyên nên cầu sinh Tịnh Độ. Người ưa Giáo thì dạy làm Pháp sư, Ngài luôn tuỳ cơ thuyết pháp, chẳng bao giờ khen mình, chê người. Phàm có người đến bái lễ, không ai mà Ngài không hoàn lễ, tiếp kiến. Trừ lúc tùy chúng vào Điện đường ra, Ngài chuyên tâm tu Thiền, lúc nào cũng uy nghi, nghiêm trang, y phục giản dị, nội thấtNgờÁ ngoài một bàn, một ghế, một giuờng ra thì chẳng có gì khác.

DÂN QUỐC 23 (1934) GIÁP TUÂT – 95 TUỔI

Trong Giới đàn mùa xuân, tôi mời Pháp sư ứng Từ giảng Kinh Phạm Võng.

Mùa xuânPhật Học Viện Cổ Sơn xây mới và chỉnh đốn xong. Tôi mời Lão pháp sư Từ Đan làm Chủ trì viện.

Thời đã đến rồi, ông nên về đĩ!

Một đêm tháng hai nọ, tôi đang ngồi tĩnh tọa, giống như mộng mà chẳng phải mộng, tôi thấy Lục Tổ Đại Sư đến bảo: “Thời đã đến rồi, ông nền về đi!”

Hôm sau, tôi nói với đồ đệ Quán Bổn:

– Chắc duyên trụ thế của Thầy không còn lâu nữa. Đêm qua, Thầy mơ thấy Lục Tổ triệu mình về!

Đến giữa tháng tư, trong một đêm mà ba lần tôi mộng thấy Lục Tổ đến thúc giục mình về. Thức dậy tôi rất ngạc nhiên. Chẳng bao lâu, thì tôi nhận được điện từ Quảng Đông gởi đến mời thỉnh. Tôi vì đạo tràng Lục Tổ đang rất cần, cũng muốn tiếp nối Ngài Hám Sơn bắt tay vào việc trùng tu đạo tràng Lục Tổ, nên đi sang Lãnh Nam.

Trước đó, Tướng quân Lý Hán Hồn đóng binh ở phía bắc Quảng Đông, thấy chùa Nam Hoa bị tàn phá, đã cho tu bổ sơ lại, từ tháng 9 Dân Quốc 22 đến tháng 8 năm sau thì sửa xong.

Mùa Đông, chư vị đàn việt hộ pháp tha thiết thỉnh tôi truyền giới. Chùa điện đã ngả nghiêng, phòng thất hư hoại, chỉ có gian nhà tre lợp tranh là còn ở được. Khách khứa các nơi đến cả trăm người. Đông đảo quan, dân cùng thân quyển đất Quảng và Thiều Quang, đều tùy hỷ đến, xin quy y.

Ngày 17 tháng 11 âm lịch, tôi làm lễ kết giớichánh điện. Vào đêm thuyết giới Bồ Tát, có con cọp đến quy y, đại chúng đều kinh hoảng. Tôi thuyết giới cho nó xong, nó hiền lành ra đi.

Giải thích thêm về chuyện Cọp quy y

Mùa Đông, năm Dân Quốc thứ 23 (1934), Sư khai đạo tràng, tứ chúng vân tập, các vị quan lớn quí tộc đều dẫn quân binh theo. Đêm ấy, lúc vào đàn thì người cháu gọi Giang Khổng Ân bằng chứ, đang đứng trên Tàng Kinh Các (Lầu chứa kinh), bỗng thấy ngoài cổng Tào Khê có hai luồng điện xanh lè, bèn đến gần xem, mới hay là con cọp, ông kêu ầm lên, binh lính giương súng định bắn. Sư vội đến nơi, cọp liền nằm mọp dưới thềm.

Sư thuyết Tam Qui cho nó nghe, dặn hãy vào ẩn trong núi sâu, đừng làm hại người. Cọp khấu đầu ba lần rồi bước đi, song vẫn ngoái lại nhìn Sư với vẻ rất lưu luyến. Từ đó, mỗi năm nó về thăm Sư môt, hai lần, núi bặt dấu các loài dã thú. Mỗi khi nghe có tiếng hổ gầm, Sư đều bước ra, dịu dàng bảo ban nó.

Đây là câu chuyện lạ lùng về con cọp quy y. Nghe kể, sau khi Sư truyền Tam qui cho cọp rồi, Ngài có làm bài kệ:

Hổ thức quy y Phật
Chánh tính vô Iưỡng dạng
Nhân tâm dữ súc tâm
Đồng nhất quang minh tạng.

Cọp biết quy y Phật,
Tính chánh nào khác dạng
Tâm thú và tâm người
Đông một quang minh tạng.

NĂM DÂN QUỐC 24 (1935) ẤT HƠI 96 TUỔI

Mùa xuân, Lý Hán Hồn được điều về miền Đông nhậm chức, việc trùng hưng thiếu người phụ giúp, càng thêm khó khăn.

Sau giới kỳ, nhận lời mời của “Đông Hoa Tam Viện” ở Hương Cảng, tôi đến đó lập Đạo Tràng Thủy Lục. Đàn tràng lập ở Giác Uyển Đông Liên. Phật sự hoàn tất, tôi quay về từ chức ở Cổ Sơn, mời Hòa thượng Thịnh Huệ làm Trụ trì, rồi đến Nam Hoa.

Công việc tại Nam Hoa

Trước tiên là tu sửa Tổ điện, xây Quan Âm Đường cùng các liêu phòng và công trình khác, phía bắc Đình Phục Hổ sau chùa (thuộc phía nam suối Trạc Tích), có ba cây bách già được trồng từ đời Tống. Cây khô ngót mấy trăm năm, tháng 11 âm lịch này, bỗng nẩy chồi mới. Thủ tọa Quán Bổn có làm bài ký về nó, cư sĩ Sầm Hoc Lữ khắc vào đá, đem đặt vào rừng bia.

Bài ký:

CÂY KHÔ NAM HOA

Thích Quán Bổn ghi:

Phía sau Tổ đình Nam Hoa, ven bờ suối Cửu Long, có ba cây tùng già cao chọc trời. Một cây đoạn trên đã chết khô, hai cây kia cành lá trơ trụi, chẳng biết đã trải qua bao năm tháng rồi.

Khi Hòa thượng Hư Vân từ cổ Sơn về đây trụ trì Tổ đình, trong kỳ truyền giới mùa đông năm Ất Hợi. khách bốn phương tấp nập kéo đến, có hơn mấy trăm người. Kể từ thuở Ngài Hám Sơn (Đức Thanh) đời Minh đến trùng hưng cho tới sau này, Tổ đình nơi này bị bỏ phế lạnh lẽo đã mấy trăm năm, nay bỗng bừng bừng sinh khí, dường như sự vật cũng được cảm hoá biến đổi theo. Giữa tiết đông lạnh buÓt vậy mà cành khô bỗng nẩy lộc đâm chồi, ra lá mượt mà, tất cả ba cây đều dần dần xum xuê tươi tốt.

Nghe kể xưa kia, lúc Ngài Huyền Trang đi thỉnh Kinh ở Tây Vực, thì cây tùng cổ thụ ở chùa Linh Nham, tất cả cành nhánh đều xoay về Tây. Đến lúc Ngài gần trở về, thì cành nhánh xúm nhau quay hết về Đông. Các môn đệ của Ngài thấy vậy đều mừng rỡ reo lên: “Sư phụ sắp về rồi”. Họ bèn lên đường đi đón. Quả nhiên Ngài trở về thật. Người ta gọi nó là Ma Đảnh Tùng. Bây giờ, điềm lành đang ứng hiện đây cũng rất hy hữu nên tôi làm bài ký này.

Chuyện phụ ghi:

THÁNH HIỆU QUAN ÂM

Mùa hạ năm nay vùng Quảng Đông, Thiệu Châu bị trận lụt cực lớn. Nửa đêm nước dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, nhà cửa xóm làng đều bị cuốn phăng. Thôn Mã Bá có một hộ họ Vân, nhân khẩu gồm mười lăm người, trong lúc cả nhà đang chìm trong cơn hồng thuỷ ngất trời, thì bỗng nghe một em bé mới bốn tuổi cất tiếng niệm Thánh hiệu Quan Thế Âm Bồ-tát, mọi người nghe, vội bắt chước niệm lớn theo, dốc hết tâm tư chí thành cầu Bồ tát Quan Âm cứu mạng. Lạ thay, ngôi nhà của họ bỗng nổi lên mặt nước giống như chiếc thuyền, nhà đang trôi băng băng giữa giòng nước xiết cuồn cuộn thì bỗng gặp một cây đại thọ ngáng lối, mọi người vội bám vào, khi họ đã leo hết lên cây thì ngôi nhà liền chìm ngay xuống. Tới hồi nước rút, cả nhà đồng đến chùa Nam Hoa dâng hương bái tạ và kể cho tôi nghe câu chuyện kỳ lạ này.

Phụ lục:

CHUYỆN CON CHỒN TRẮNG

Thích Quán Bổn ghi:

Năm Dân Quốc 25, Bính Tý. Sau khi Nam Hoa đã mở Đại giới đàn, truyền ba đàn xong. Lúc sắp giải giới, thì Lâm Quốc Canh (Đoàn trưởng Sư đoàn 16 đang đóng quân tại Tào Khê) đến thăm, tay xách cái lồng, trong nhốt một con vật, toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen, lông mướt rượt, mõm nhô, đuôi dài, đích thị là một con chồn. Đoàn trưởng nói:

– Con vật này có lý lịch ly kỳ lắm, mới đầu nó bị thợ săn ở núi Bạch Vân, Quảng Châu bắt được. Người ta kể rằng: “Khi phá bức tường thành Quảng Châu để mở con đường cái thì thấy nó từ trong thành phóng ra và bị bắt”…

Bạn tôi mua nó với giá 40 đồng, tính đem về nấu ăn cho bổ và khoái khẩu… nhưng nhìn thấy mắt nó linh động, long lanh, có vẻ hiểu được ý người nên ông ta không nỡ làm thịt, bèn nhốt lại và đem bán cho Vườn Sở Thú Quảng Châu. Rồi sau đó, khi khổng khi không ông ta bị bắt, bị tống vào tù mà không rõ nguyên do tội trạng, án cứ lưu như thế mãi mà không ai giải quyết.

Tình cờ, vợ ông ta tham dự một buổi cầu cơ, chưa mở miệng hỏi gì thì đã thấy quẻ chạy, đề cập đúng chóc điều bà đang thắc mắc trong lòng và giải thích rằng ông nhà hiện đang bị nhốt, là do chiêu cảm quả báo của việc bán con chồn cho sở thú giam giữ, còn chỉ cho bà rằng hiện có bậc cao tăng đang chủ trì hoằng hóa tại chùa Nam Hoa, hãy đem con chồn đến đó phóng sinh thì người chồng ắt sẽ được thoát nạn…

Bà vợ giật mình cả kinh, vội đem tiền chuộc con chồn. Do Lâm Đoàn trưởng là bạn thân của chồng bà, sẵn dịp ông đang đóng quân ở Tào Khê nên bà nhờ ông mang con chồn đến chùa phóng sinh giùm”.

Ngài Hư Vân nghe kể chuyện, liền thu nhận con chồn. Ngài thuyết Tam qui Ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm phía sau chùa.

Hằng ngày, nó đều vào chùa để Tăng chúng cho ăn. Từ khi thọ giới xong, nó không chịu ăn thịt nữa, chỉ ăn chay và rất thích ăn trái cây. Những người thợ xây chùa muốn trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn khi biết mình ăn nhầm liền nhổ ra. Nó dùng móng chân trước cào vào thức ăn, kiểm soát mấy lượt, nhìn tới nhìn lui, mắt lườm mấy ông thợ, tỏ vẻ giận dữ bất bình, vì họ đã dối gạt nó. Sau đó nó bỏ đi thẳng suốt mấy ngày mà không trở về.

Một hôm, do bị người trong làng đuổi bắt, nó leo lên một ngọn cây cao chót vót ngót mấy chục trượng, ôm cành kêu khóc. Chú Sa-di thấy vậy vào bạch với Phương trượng. Ngài Hư Vân liền đi ra đến dưới gốc cây đứng nhìn lên. Vừa thấy Ngài, con chồn liền tuột xuống, đeo ngay vào tay áo Ngài, vẻ rất mừng rỡ. Hòa thượng đem nó về. Sợ nó bị người rình bắt, Ngài đóng cho nó cái chuồng. Sau đó khi thả ra, nó chỉ đi quanh quẩn trong chùa, không vào rừng nữa.

Một hôm, ông Tưởng đi cùng mười lính hầu đến thăm chùa nhưng không báo trước. Họ vừa đến cổng Tào Khê thì thấy con chồn, thị vệ định bắn nhưng ông Tưởng ngăn lại. Chồn lúc lắc đầu, ve vẫy đuôi, dắt ông Tưởng đi vào. Đến Đại điện, nó chạy như bay vào Phương trượng, cắn áo Hòa thượng kéo xuống lầu gặp ông Tưởng. Nghe kể chuyện nó, ai cũng cười.

Mỗi khi Hòa thượng ngồi thiền, chồn thường nằm dưới thiền sàng. Thấy Hòa thượng nhắm mắt ngồi lâu quá thì nó bắt đầu táy máy, kéo râu Ngài đùa nghịch. Hòa thượng mở mắt nhìn nó. bảo:

– Con có linh tánh, chớ vào rừng, đừng ra ngoài sơn môn tới gần nhà người mà bị bọn trẻ quấy phá!

Một hôm, chẳng biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, nằm nhẹp, không đứng dậy nổi. Thấy Hòa thượng đến thăm, nó ráng chìa vết thương ra cho Ngài xem. Hòa thượng biết không cứu được, thương nó đau đớn, bèn khai thị: “Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa! Con đừng bám víu vào, hãy buông xảsám hối tất cả nghiệp duyên quá khứ. Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây, quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát”.

Chồn hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng, rồi tắt hơi. Thi thể nó để hai ngày vẫn không biến đổi. Hòa thượng nhớ đến câu chuyện “Tổ Bách Trượng độ chồn hoang”, nên cho tổ chức tang lễ nó như một vị Tăng, chôn nó  phía Nam núi.

VIỆC CẦU ĐẢO LINH ỨNG TẠI LINH TUYÊN

Thích Duy Nhân ghi:

Vùng đất thuộc lãnh địa Tào Khê Tứ Thiên Vương, đều thuộc về chùa Nam Hoa. Trải qua các triều đại, các vua, quan hộ pháp… đều cấm không cho chôn cất phần mộ gần chùa. Các thầy địa lý cũng công nhận rằng vùng đất này linh khí đã có chủ, nếu chôn hài cốt, không những gây bất lợi cho con cháu mà còn làm hư đất danh lam thắng cảnh, gây tổn hại cho hai bên. Vì vậy vùng long mạch phía sau chùa, xưa nay không hề có thầy địa nào bảo người đến đây an táng.

Năm trước, trong thôn Toán Khê, có nhà nọ lén đem hài cốt thân nhân đến mai táng tại núi Tượng Sơn phía sau chùa, khiến dòng suối Trạc Tích đột nhiên hóa khô cạn. Việc này được quan huyện Khúc Giang là Diệp Chấn Đông đến tra xét, dù đã bắt bên chôn lén dời mộ hốt cốt đi rồi, nhưng suối vẫn cạn khô như cũ. Ngài Hư Vân thấy việc này ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn nước cần dùng của chùa, nên ra đến bên suối, âm thầm cầu nguyện, suối liền chảy lại.

DÂN QUỐC 25 (1936) BÍNH TÝ – 97 TUỔI

Mùa Xuân, mở Giới đàn và tu sửa các ngôi điện vũ, công việc dần dần hoàn thành. Chủ tịch nước là ông Lâm Tử Siêu, Viện trưởng Viện Hành Chính là Tưởng Trung Chính v.v… đều đến Nam Hoa hỗ trợ việc trùng tu Đại điện, ông Tưởng ở lại phụ giúp công trình đào sông mới. Thế nhưng, người chưa nhọc nhằn đổ công, thì thần hộ pháp đã ra sức hoàn thành giúp cho.

MƯA LỚN ĐẮP ĐÊ

Dòng sông Tào Khê xưa nằm cách mặt tiền chùa 140 trượng, bờ đất lâu năm không được bồi đắp, bị xói mòn trầm trọng khiến dòng nước đổi sang hướng Bắc, thế chảy như đâm thẳng vào chùa, nhìn rất phản cung cách.

Mùa hạ năm Bính Tý (Dân Quốc thứ 25), ngài Hư Vân dự tính sẽ sửa lại, để chuyển hướng sông cho thích hợp, nghĩa là sẽ đắp đất, bồi bờ, sửa cho hướng sông thành chảy ngang trước chùa và bờ sông phải nằm cách chùa 840 trượng. Như thế bắt buộc phải lấp dòng cũ, đào đường chảy mới cho sông, công trình này cần khoảng ba ngàn nhân công, phí tổn tính ra rất lớn.

Ngài Hư Vân đang lên kế hoạch để tiến hành, thì ngay trong đêm 20 tháng 7, trời bỗng đổ mưa to, suốt đêm nghe như có tiếng hàng vạn con ngựa chạy. Sáng ra, thế nuớc chảy tràn đã xẻ đất, tạo thành một dòng chảy mới, khiến con sông nằm ngang theo hình chữ nhất giống y như ý ngài Hư Vân dự tính. Còn chỗ dòng cũ thì đá sỏi đã bồi lấp cao đến mấy thước, thành một bờ thẳng hình chữ nhất nằm trước chùa. Đây là việc hết sức kỳ lạ vậy.

DÂN QUỐC 26 (1937) ĐINH SỬU – 98 TUỔI

Giới đàn mùa Xuân hoàn tất, tôi nhận lời mời của cư sĩ Lâm, đến Tuệ Viên giảng Kinh. Bấy giờ Phật sống Tây tạng là Vinh-tăng-kham-bố cùng La-các-cánh-tang v.v… hơn mười người đến qui y. Chư tăng Phật Sơn cùng các vị Phật tử  đấy mời tôi đến khai quang Bảo tháp chùa Nhân Thọ.

Sau khi trở về Nam Hoa, tôi sửa sang các ngôi kiến trúc và xây cất các công trình.

Đại sự năm này:

-Ngày 7 tháng 7, quân Nhật đánh úp Lư Câu Kiều, quân ta rút khỏi Bắc Bình.

-Tháng 12, Nam Kinh bị vây hãm. Chính phủ Quốc Dân dời đô sang Trùng Khánh.

DÂN QUỐC 27 (1938) MẬU DẦN – 99 TUỔI

Sau Giới đàn mùa xuân, tôi đến Tuệ Viên giảng Kinh. Giảng xong, tôi đi Hương Cảng lập Pháp Hội Đại Bi tại Đông Liên Giác Uyển, cuối thu thì về lại Nam Hoa.

CHUYỆN LẠ Ở QUẢNG CHÂU

Mùa hạ này tôi đến Quảng Châu, cư sĩ Trần Bồi Căn có một tòa nhà mới ở đây. Do ông ra nước ngoài nhậm chức nên đem hết gia quyến theo, chỉ chừa lại một nguời trông nhà và thỉnh tôi ngụ tạm nơi Phật Đường trên lầu. Ngày nọ, có mấy mươi chiếc phi cơ Nhật bay liệng ném bom, khiến mấy chục tỏa lầu chung quanh đều bị cháy thành tro bụi, người chết vô số. Chỗ tôi ở cửa kính cũng bị chấn động vỡ nát, nhưng toàn bộ ngôi nhà thì không sao, tôi và người quản gia đều bình an vô sự.

Sau tai nạn này, báo chí xôn xao đăng ầm chuyện hai anh họ Lý và Hứa – vốn là đôi bạn đồng nghiệp đồng chí thân thiết.

Rồi anh Lý chết, bỏ lại vợ trẻ con thơ. Hứa mai táng bạn chu đáo và ra sức đùm bọc chu cấp vợ con anh Lý như người thân của mình.

Được mười năm, bỗng một ngày nọ Hứa gặp anh Lý giữa đường, Lý vui vẻ mời Hứa vào quán uống nước. Hứa kinh ngạc nghĩ thầm: “Anh bạn này của mình đã chết rồi, không hiểu vì sao hôm nay lại đến đây?” Lý hiểu ý, bảo:

– Anh đừng sợ, anh là người phúc đức lại có ân đùm bọc vợ con tôi bấy lâu. Vùng anh  sắp bị hỏa tai, tôi giữ nhiệm vụ ghi tên những người bị nạn vào sổ, thấy số người chết rất nhiều, nhưng cả nhà anh lại không có tên trong danh sách tử nạn. Vì vậy, tôi đặc biệt đến báo tin để anh lo thu xếp, kịp dời gia đình đi nơi khác, tai nạn sẽ xuất phát từ hướng Đông!

Nói xong, Lý trân trọng từ biệt. Hứa thấy bạn mình đi nhanh như gió, chớp mắt không còn thấy đâu nữa.

Trong lòng dù bán tín bán nghi, nhưng Lý vẫn dời gia đình đi lánh nạn. Mấy ngày sau tai họa xảy ra, khu vực Lý  (gần bên chỗ tôi) quả nhiên bị lửa thiêu rụi.

Chứng kiến sự việc này, mới hiểu chuyện sống chết không phài la ngẫu nhiên, báo ứng rất nhanh, như âm vang theo tiếng, thật chính xácđáng tin vậy.

DÂN QUỐC 28 (1939) KỶ MÃO – 100 TUỔI

Trong Giới đàn mùa xuân, đa số các tĩnh đều bị binh biến, người đến chùa xin thọ giới càng đông. Tôi đề nghị:

– Trong cuộc chiến chóng Nhật: dân, binh bị thương, tử vong rất nhiều. Đã là Phật tử, mỗi người nên phát tâm, lập đàn lạy sám hối ngày hai thời, cầu cho kẻ còn người mất tiêu dứt nạn tai. Mọi người trong tỉnh cũng nên tiết giảm, nhịn bớt bữa ăn chiều để dồn lương thực, phụ giúp cho quốc gia.

Mọi người đều tán thán, làm theo.

Đại sự năm này:

– Ngày mồng 1 tháng 9, Đại chiến Âu Châu bộc phát. Đời gọi là Thế giới chiến thứ hai.

DÂN QUỐC 29 CANH THÌN (1940) 101 TUỔI

Sau Giới kỳ mùa xuân, Quảng Châu bị vây hãm, hai cơ quan chính quyền và dân quân đều dời về Khúc Giang. Tăng sĩ các nơi cũng đổ dồn về đây ngày một đông, tôi bèn trùng tu chùa Đại Giám ở Khúc Giang cho làm Hạ viện Nam Hoa để tiện qua lại và lo sửa chùa Nguyệt Hoa để tiếp đón chúng Tăng.

DÂN QUỐC 30 (1941) TÂN TỴ – 102 TUỔI

Lo Giới đàn mùa xuân xong, tôi đốc thúc hoàn thành công trình xây dựng các ngôi tự viện. Công việc mười phần đã xong được tám, chín. Tôi gom những phẩm vật đàn việtđệ tử biếu riêng cho mình từ suốt hai năm qua (trị giá khoảng hơn hai trăm ngàn đồng), giao cho chính phủ tỉnh Quảng Đông dùng vào việc chẩn tế, chẳng hề giữ riêng chút gì, bởi Khúc Giang đang thiếu lương thực, người dân bị đói rất đông.

Mùa thu năm này Khúc giang thành lập Hội Phật Giáo Quảng Đông, cử tôi làm Trưởng trị sự, cư sĩ Trương Dư Khiêm làm Phó.

Đại sự năm này:

– Tháng 12, chiến tranh Thái Bình Dương bộc phát.

– Quân Nhật tấn công, vây hãm Hương Cảng, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân và Ngưỡng Quang v.v…

DÂN QUỐC 31 NHÂM NGỌ (1942) 103 TUỔI

Trong Giới đàn mùa xuân năm này, có câu chuyện lạ về vị Tăng xin thọ giới. Giám viện Quán Bổn đã ghi lại câu chuyện đó.

THƯỜNG NHỤC CẦU GIỚI

Thích Minh Nhất ghi:

Con đường dẫn vào cổng chính chùa Nam Hoa (Tào Khê), bên cạnh Ao Phóng Sinh mới đào, có một cây Chương cổ thụ (Long não), cao chọc trời, đường kính rộng cả trượng, chẳng biết đã trải qua bao năm tháng rồi, dân chúng thường mang rượu thịt đến đây tế lễ.

Mỗi năm vào tháng hai và tháng tám, tức ngày Lễ vía Tổ Sư, dân chúng chiếm hết bốn bên, bày hàng rượu thịt. Dân làng đến dự lễ chỉ thấy cảnh cắt tiết tế thần, chẳng hề biết nơi đây là đạo tràng khai sơn của Nam Tông.

Ngay từ đời Minh, năm Canh Tý, niên hiệu Vạn Lịch (1573-1616), khi ngài Hám Sơn đến trụ tại Tào Khê, đã chứng kiến cảnh mấy ông Tăng phi pháp chiêu tập dân du côn bốn phương tụ hội, bài bạc, giết chóc, ăn nhậu, trai gái… nhưng không cách chi sửa đổi, cải thiện họ được.

Đến năm Dân Quốc thứ 23, Giáp Tuất (1934), Tướng quân Lý Hán Hồn mời Hòa thượng Hư VânCổ Sơn đến trùng hưng chùa Nam Hoa. Khi Sư đến, tận mắt chứng kiến cảnh bê bối, đồi trụy, hôi tanh nơi đây, Ngài thề là sẽ quét sạch. Sau đó Ngài chiếu theo Thanh quy, cấm không cho đem rượu thịt vào sơn môn, nghiêm dạy, khuyên răn, cắt người kiểm tra và xin quan địa phương ban lệnh cấm. Dưới gốc cây Chương, Sư cho lập một đền thờ Thổ địa trấn tại đó. Phải mất mấy năm, tình hình bê bối này mới dứt, xua tan được ác phong.

Năm Nhầm Ngọ (1942), trong kỳ truyền giới mùa xuân, bỗng có một hành giả đến xin thọ Tỳ kheo. Hỏi tên, ông xưng họ Trương, hỏi quê quán thì đáp là người Khúc Giang, hỏi tuổi thì bảo là 34, Hỏi Thầy thế độ thì thưa không có. Hỏi ba y, bình bát… các thứ… có đủ chưa? Ông đều đáp là không. Thấy ông ta có tâm chí thành thiết tha cầu giới, Sư chấp thuận và ban pháp danh cho ông ta là Thường Nhục.

Trước khi thọ giới, ông làm việc phục dịch rất siêng năng. Hằng ngày sốt sắng quét dọn khắp đường đi, hành lang… trong chùa, không chút biếng lười. Tính ông ưa im lặng, chẳng nói, cười với ai. Khi vào Đàn thọ giới, việc việc đều răm rắp làm theo luật. Đến lúc ba đàn truyền viên mãn, thọ giới Bồ Tát xong, thì không thấy ông đâu nữa. Cà-sa, y bát, giới điệp gì… thảy đều bỏ lại Giới đường. Tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy ông, lâu ngày mọi người quên bẵng đi.

Mùa xuân năm sau, Quí Mùi (1943), khi sắp mở Giới đàn, Thường Nhục bỗng đến báo mộng, xin Sư cho lãnh Giới điệp năm rồi. Sư trách, hỏi:

– Ông trụ ở đâu?

Ông ta thưa: – Con không có chỗ ở.

Sư hỏi: – Vậy hiện giờ đang ngụ tại đâu?

Ông đáp: – Con ở ké Thổ địa.

Khi Sư thức giấc vẫn còn nhớ rất rõ, biết là Thần cây Chương già đã đến cầu giới, bèn tới đền thờ Thổ địa dưới gốc cây Chương, thiết lập miếu thờ, đốt Giới điệp gởi cho Thường Nhục rồi trở về.

Từ hạ đến thu, Sư sửa Vô Tận Am cho chư Ni ở. Chùa Đại Giám mới hoàn thành, công trình Nam Hoa chưa xong mà Cổ Sơn lại có việc phải lo, việc đời việc đạo xảy đến tới tấp, còn thêm cảnh phi cơ Nhật bay lượn quanh Nam Hoa quấy nhiều.

Chuyện phụ ghi:

NHẬT DỘI BOM

Thành Huệ Châu bị vây, tòa Tỉnh trưởng phải dời về Khúc Giang. Các vị chức sắc chính phủ thường đến Nam Hoa. Địch dò xét theo dõi và cho rằng các các vị này mượn chùa làm chỗ hội họp.

Vào một ngày tháng bảy, do thấy có nhiều nhân vật đến chùa nên tám chiếc phi cơ của Nhật cứ lượn quanh thám thính, không bỏ đi. Sư thấy vậy, bèn lịnh cho chư Tăng trở về Tăng Đường, sắp xếp cho quan khách vào nhà Tổ hết, một mình Sư lên chánh điện thắp hương ngồi tĩnh tọa.

Chẳng bao lâu, phi cơ địch bay tới hạ thật thấp, rồi nhắm ngay chùa thả xuống một quả bom lớn. Thế nhưng bom lại rơi vào khu rừng ven sông (nằm phía ngoài chùa) nên không ai bị thương tích gì. Còn phi cơ địch thì cứ quần tới lượn lui, rốt cuộc có hai chiếc tông vào nhau, khiến người chết và phi cơ vỡ nát, rơi xuống vùng Mã Bá, cách chùa 40 dặm về hướng Tây.

Từ đó, nếu có việc phải bay từ Nam ra Bắc thì phi cơ Nhật cũng bay đường vòng chứ không còn dám bay ngang chùa hay léo hánh lượn gần chùa.

Tháng 11, mùa đông, ông Lâm (Chủ tịch chính phủ) cùng các Bộ trưởng chính phủ Trung ương, phái cư sĩ Khuất Anh Quang, Trương Tử Liêm đến chùa, thỉnh tôi đến Trùng Khánh, lập đàn cầu tiêu tai.

Ngày mồng 6 tháng 11 tôi lên đường đến Hoành Nhạc dâng hương. Tại Hành Dinh Quê Lâm, ông Lý Tế Thâm chủ nhiệm việc thiết trai, phái cư sĩ Hứa Quốc Trụ đến đón. Tới Quế Lâm, tôi ở núi Nguyệt Nha, tứ chúng xin qui y. Đến Quí Châu, tôi ngụ nhờ chùa Kiềm Minh, Hòa thượng Quảng Diệu mời tôi thượng đường khai thị. Đến Trùng Khánh, được phủ viện, cùng các chùa đến đón rước, có cả Lâm chủ tịch, Trưởng ban tổ chức Pháp hội là Đới Công. Sau khi bàn bạc, cùng quyết định sẽ lập Đàn tại hai chùa Từ VânHoa Nghiêm.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79607)
02/10/2012(Xem: 49626)
09/10/2016(Xem: 10219)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.