Thư Viện Hoa Sen

09 Tám Trai Giới Theo Kinh Tạng Pàli

23/11/201012:00 SA(Xem: 24978)
09 Tám Trai Giới Theo Kinh Tạng Pàli

THỨC BIẾN
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2003

TÁM TRAI GIỚI
(
Theo kinh tạng Pali)

Chú thích: Trích Tăng Chi Bộ kinh của HT. Thích Minh Châu dịch, các tiểu mục do người sưu tập đặt.

* Nguyên nhân đức Phật nói giới Bát quan trai

"Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ, chỗ Đông viên, lâu đài của mẹ nàng Migara. Rồi Visakha, mẹ của Migara, trong ngày Uposatha (Bố-tát trai giới) đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bà Visakha: Này bà Visakha, từ đâu Bà đi đến đây sáng sớm như thế này?

- Bạch Thế Tôn, hôm nay con đi thọ trai giới.

* Phân biệt các giới Bát quan trai

- Này Visakha, có ba loại trai giới. Thế nào là ba? Trai giới người chăn bò, trai giới Ni-kiền-tử và trai giới bậc Thánh.

1. Định nghĩa Bát quan trai giới của người chăn bò.

- Như thế nào là trai giới người chăn bò?

Ví như, này Visakha, người chăn bò, vào buổi chiều lùa các con bò về cho chủ. Nó suy nghĩ: Hôm nay, đàn bò đã ăn cỏ tại chỗ này và chỗ kia, đã uống nước tại chỗ này và chỗ kia. Ngày mai, đàn bò sẽ ăn cỏ tại chỗ này và chỗ kia, sẽ uống nước tại chỗ này và chỗ kia.

Cũng vậy, này Visakha, ở đây có người giữ trai giới suy nghĩ: Hôm nay, ta đã ăn loại đồ ăn cứng này, loại đồ ăn cứng kia, ta sẽ ăn loại đồ ăn mềm này, loại đồ ăn mềm kia. Như vậy, nó sống cả ngày với tâm đồng hành với tham dục. Như vậy, này Visakha, là trai giới người chăn bò.

2. Định nghĩa Bát quan trai giới của Ni-kiền-tử

Và này Visakha, thế nàolà trai giới các Ni-kiền-tử (Nigantha)?

Ở đây, này Visakha, có hạng Sa-môn tên là Nigantha (Ni-kiền-tử), họ khích lệ đệ tử như sau: Ông hãy quăng bỏ trượng đối với các sinh loại sống ở phương Đông, ngoài một trăm do tuần. Hãy quăng bỏ trượng đối với các sinh loại sống ở phương Tây, ngoài một trăm do tuần... sống ở phương Bắc... sống ở phương Nam, ngoài một trăm do tuần. Như vậy họ khích lệ vì lòng thương, vì lòng từ mẫn đối với một số sinh loại mà thôi; họ không khích lệ vì lòng thương, vì lòng từ mẫn, đối với một số sinh loại khác. Trong ngày Bố-tát, họ khích lệ đệ tử như sau: Này các người, hãy quăng bỏ tất cả các áo quần và nói như sau: Ta không có bất cứ vật gì ở đâu, bất cứ chỗ nào. Bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào, không có cái gì là của ta. Nhưng cha và mẹ của nó biết nó là con của mình. Và nó biết họ là cha mẹ của nó. Vợ và con biết nó là chồng, là cha của mình, và nó biết họ là vợ, con của nó. Các người nô tỳ làm công biết nó là chủ của họ. Và nó biết họ là nô tỳ, là nhân viên của nó. Như vậy, trong thời gian đáng phải khích lệ đúng với sự thật, trong thời gian ấy, lại được khích lệ bằng điều nói láo. Đây Ta tuyên bố là một sự nói láo. Sau khi đêm ấy đã qua, nó thọ hưởng tất cả tài sản chưa đem cho. Đây Ta tuyên bố là lấy của không cho. Như vậy này Visakha, là lễ Uposatha của các Ni-kiền-tử. Được sống thực hành như vậy, này Visakha, Upasatha của các Nigatha không quả lớn, không lợi ích lớn, không chói sáng lớn, không ánh sáng lớn.

3. Định nghĩa Bát quan trai giới của bật Thánh

Và này Visakha, thế nào là trai giới các bậc Thánh? Chính là làm thanh tịnh các loại tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là làm thanh tịnh tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi? [*]

[*] Upakkamena: Với phương pháp thích nghi theo cá nhân. Theo Tập Sớ, đức Phật ví như cái đầu; Pháp là thân; Tăng là quần áo; Giới là tấm gương, và chư Thiênvàng ròng.

3a) Thánh đệ tử niệm Phật

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Phật: đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, trí đức, hạnh đức đầy đủ, bậc Thiện Thệ, hiểu biết thế gian, bậc Vô thượng, bậc Đánh xe Điều ngự những ai đáng được điều ngự, bậc Thầy của chư Thiênloài Người, Phật, Thế Tôn. Do vị ấy niệm Như lai, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visakha, đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?

Do duyên bột nhồi, do duyên đất sét, do duyên nước và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visakha, là đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Cũng vây, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Như lai: Đây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn. Do vị ấy niệm Như lại, tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visakha, đây là Thánh đệ tử thực hành trai điều tịnh giới (Brahma), vị ấy cũng sống với tịnh giới; do duyên tịnh giới [*], tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sinh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tâm. Như vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.

[*] Ở đây, Brahma dịch là Tịnh giới, có nghĩa la xa rời các nhơn ác thường tu tập thanh tịnh ba nghiệp về thân, khẩu, ý.

Này Visakha, tâm uế nghiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Và này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?

3b. Thánh đệ tử niệm Pháp

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Do vị ấy niệm Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như này Visakha, thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi? Do duyên sottim (một thứ đá bọt dùng để chà lưng) [*], do duyên bột tắm, do duyên nước và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visakha, là thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.

[*] Xem M.ii, 46. Theo Tập Sớ, đá Kuruvindaka được nghiền ra thành bột. Làm thành viên tròn với sáp, được đụt lỗ và so vào dây. Hai tay cầm hai đầu dây rồi kéo qua kéo qua kéo lại cọ sát trên lưng.

Và như thế nào, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?

Ở đây, này Visakha, thánh đệ tử niệm Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng... được người trí tự mình giác hiểu. Do người ấy niệm Phật tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visakha, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành Pháp trai giới, vị ấy sống với Pháp trai giới, vị ấy sống với Pháp. Chính nhờ Pháp, tâm vị ấy tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch.

Này Visakha, tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi, này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?

3c. Thánh đệ tử niệm Tăng

Ở đây này Visakha, Thánh đệ tử niệm Tăng; Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chân chánh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Do vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visakha, một tấm vải bị uế nhiễm được gột sạch nhơ phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là một tấm vải bị uế nhiễm được gột sạch nhờ thích nghi?

Do duyên Usam (đất mặn) [*], do duyên Kharam (nước tro), do duyên phân bò, do duyên nước, do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visakha, một tấm vải bị uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visakha, tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.

[*] Usan Karan ca. Tập sớ Usumam (sức nóng). Xem S. iii 131.

Và này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Tăng: Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn... là phước điền vô thượng ở đời. Nhờ vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh tín, hân hoan sanhkhởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visakha, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành chúng Tăng trai giới, sống với chúng Tăng. Chính nhờ chúng Tăng, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi. Và này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạhc nhờ phương pháp thích nghi?

3d.Thánh đệ tử niệm giới

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm giới; không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị ô nhiễm, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định. Vị ấy nhờ niệm giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanhkhởi, các phiền não của tâm được đoạn tân. Ví như, này Visakha, một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phuơng pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?

Do duyên dầu, do duyên tro, do duyên bàn chải lông [*] và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visakha, là tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi.

[*] Lông ngựa hay lông khỉ

Và này Visakha, thế nào là một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm giới... đưa đến thiền định. Vị ấy nhờ niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận, này Visakha, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành Giới Uposatha, sống chung với Giới. Nhờ Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận, như vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi. Và này Visakha, thế nào là một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?

3e. Thánh đệ tử niệm Thiên

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Thiên [*]. Có bốn Thiên vương thiên: có chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba; có chư Thiên Yama (Da-mạ); có chư Thiên Tusita (Đâu-suất); có chư Thiên Hóa-lạc; có chư Thiên Tha-hóa-tự-tại; có chư Thiên Phạm-chúng; có chư Thiên cao hơn nữa.

Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Đầy đủ với Giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Đầy đủ với nghe Pháp như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy, cũng có đầy đủ nơi ta.

Đầy đủ với Thí như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Đầy đủ với Tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Khi vị ấy niệm Tín, Giới, nghe Pháp, Thí và Tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.Ví như này Visakha, là vàng bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi.

[*] Ở đây Devata gồm cả hai deva và devata. Ở đây chỉ cho các chư Thiên cao hơn, trừ Bhummadava (Địa thần) thấp nhất. Các chư Thiên được đề cập đến. Xem S. v 420 và D. ii (Mahasamyattasutta).

Và này Visakha, thế nào là vàng bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh, nhờ phương pháp thích nghi?

Do duyên lò, do duyên đất, muối, do duyên phấn đỏ, do duyên ống bể, do duyên cái kìm và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visakha, là vàng bị uế nhiễm được làm thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visakha, là tâm bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi.

Và này Visakha, thế nào là tâm uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phươngpháp thích nghi?

Ở đây, này Visakha, Thánh đệ tử niệm Thiên, có chư Thiên, bốn Thiên vương, có chư Thiên cõi trời Ba-muơi-ba... có chư Thiên cao hơn nữa, đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy mạng chung ở chỗ này được sanh ở chỗ ấy. Ta cũng có lòng tin như vậy. đầy đủ với Giới... với nghe Pháp... với Thí... với trí tuệ như vậy, chư Thiên ấy mạng chung ở chỗ này, đuợc sanh tại chỗ ấy: Ta cũng có trí tuệ như vậy. Khi vị ấy niệm Tín, Giới, nghe Pháp, Thí và Tuệ của tự mình và của chư Thiên ấy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Đây gọi là Thánh đệ tử thực hành Thiên trai giới, sống chung với chư Thiên. Nhờ chư Thiên, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visakha, là tâm uế nhiễm được làm cho thanh tịnh, nhờ phương pháp thíchnghi.

* Sống theo tám giới của bậc Thánh.

1. Thánh đệ tử ấy, này Visakha, suy tư như sau: cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh và các loài hữu tình, Cũng vậy, đêm nay và ngày nay ta sống từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tát cả chúng sinh và loài hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và sẽ thực hành Trai giới.

2. Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

3. Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy tà hạnh, tịnh tu phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

4.Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

5. Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay ta sống từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

6. Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời, về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

7.Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán tránh xa không xem múa hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay ta sống tránh xa không xem múa hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.

8. Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ.Cũng vậy, đêm nay và ngày nay ta từ bỏ giường cao và giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn, nằm trên giường thấp, giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Bề chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và sẽ thực hành trai giới

Như vậy, này Visakha, là Thánh trai giới. Thực hành Thánh trai giới, này Visakha, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn, có ánh sáng lớn.

* Kết quả lớn lao do tu tám trai giới đưa lại:

Quả lớn như thế nào? Lợi ích lớn như thế nào? Chói sáng lớn như thế nào? Ánh sáng lớn như thế nào?

Ví như, này Visakha, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên 16 quốc độ, tràn đầy bảy báu như Anga, Kasi, Kosala, Vajji, Malla, Geti, Vanga, Kuru, Pancala, Maccha, Surasena, Assaka, Avanti, Gandhara, Kamboha [*], nhưng chủ quyền ấy khôngbằng 1/16 của một trai giới (Uposatha) thực hành đầy đủ cả tám mặt.Vì cớ sao? Nhỏ nhoi thay, này Visakha, là vương quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc của chư Thiên

[*] Các quốc độ này diễn tả trong tập "Buddhist India" của Rhys David, tr, 23.., trong tập "The Buddha" của E.J Thomas. Các dân tộc Anga ở phía Đông Magadha, Magadha nay gọi là Bihar; các Kasi ở xung quanh Benares; các Kosala ở Nepal, kinh đô là Savatthi; các Vajji gồm có 8 dòng họ, như Licchavi là viidcha ở không xa vesali; các mMallà ở Kusinàrà và Pàrà; các Ceti (Codi) có lẽ Nepal; các Vansà (Hay Vaccha) có lẽ ỡ Bengal; các Kurù ở gần Dilhi: các Pancàlà ỏ phía Đông Kurù; các Macchà (Matsỳa)ở phía nam Kurù: các Surasenna ở Tây Nam Macchà; các Assaka ở trên sông Godhàvari; Avanti với kinh đô là ujjenti các Asaka ở trên sông Godhàvari; Avanti với kinh đô Ujjeni; Gandhàrà (nay là Kandahar (và Kambojà, phía Tây Bắc.

Đời sống của con người so với Tứ thiên vương:

Năm mươi năm của một đời người, này Visakha, bằng một đêm một ngày của chư Thiên, của Tứ thiên vương. Ba mươi đêm như vậy làm thành một tháng: mười hai tháng như vậy làm thành một tháng mười hai tháng như vậy làm thành một năm. Năm mươi năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên Tứ thiên vương. Chính dựa trên trường hợp này, được nói lên rằng: Nhỏ nhoi thay là vương quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc của chư Thiên.

Đời sống con người so với chư Thiên cõi Trời Ba-mưoi-ba:

Một trăm năm của một đời người, này Visakha, bằng một đêm một ngày của chư Thiêncõi trời Ba-mươi-ba. Ba mươi đêm như vậy làm thành một tháng. Mười hai tháng như vậy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiêncõi trời Ba-mươi-ba. Sự kiện này có xảy ra, này Visakha, ở đây, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành trai giới (uposatha) đầy đủ cả tám mặt, sau khi thân hoại mang chung, được sanh cộng trú với chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba. Chính dựa trên trường hợp này, được nói lên rằng; Nhỏ nhoi thay là vương quyền của loài Người, so sánh với hanh phúc của chư Thiên.

Đời sống con người so sánh với cõi trời Dạ-ma:

Hai trăm năm của một đời người, này Visakha, bằng một đêm một ngày của chư Thiêncõi trời Dạ-ma. Ba mươi đêm như vậy làm thành một tháng... làm thành một năm. Hai ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành một thọ mạng chư Thiêncõi trời Dạ-ma. Sự kiện này có xảy ra, này Visakha, ở đây... được sanh cộng trú với chư Thiêncõi trời Dạ-ma. Chính dựa trên trường hợp này... với hạnh phúc chư Thiên.

Đời sống con người so với chư Thiên Đâu-suất:

Bốn trăm năm của một đời người, này Visakha, bằng một đêm một ngày của chư Thiêncõi trời Tusita (Đâu-suất). Ba mươi đêm như vậy làm thành một tháng... làm thành một năm.

Bốn ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiêncõi trời Tusia. Sự kiện này có xảy ra... với hạnh phúc chư Thiên.

Đời sống con người so với chư Thiên Hóa lạc:

Tám trăm năm của một đời người, ngày Visakha, bằng một đêm một ngày của hư Thiên ở cõi trời Hóa Lạc... Tám ngàn năm chư Thiên như vây làm thành thọ mạng của chư Thiêncõi trời Hóa Lạc. Sự kiện này có xảy ra... với hạnh phúc chư Thiên.

Đời sống con người so với chư Thiên Tha Hóa Tự Tại:

Mười sáu trăm năm của một đời người, này Visakha, bằng một đêm một ngày của chư Thiêncõi trời Tha Hóa Tự Tại. Ba mươi đêm như vậy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Sự kiện này có xảy ra, này Visakha, ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành Uposatha đầy đủ cả tám măt, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiêncõi trời Tha Hóa Tự Tại. Chính dựa trên trường hợp này được nói lên rằng: Nhỏ nhoi thaylà vương quyến của loài Người, so sánh với hạnh phúc của chư Thiên.

* Kết luận: Đức Phật khuyên chúng sinh;

Chớ giết hại sinh loại,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ uống thức rượu say.
Từ bỏ phí phạm hạnh,
Từ bỏ không dâm dục,
Không ăn vào ban đêm,
Tránh không ăn phí thời
Không mang các vòng hoa,
Không dùng các hương liệu,
Hãy nằm trên tấm thảm,
Được trải dài trên đất.

Chính hạnh trai giới này
Được gọilà tám phần,
Do đức Phật nói lên,
Đưa đến đoạn tận khổ.
Mặt trăngmặt trời,
Được thấy là lành tốt,
Chỗ nào chúng đi tới,
Chúng chói sáng hào quang,
Chúng làm mây sáng chói,
Giữa hư không chúng đi,
Trên trời chúng chói sáng,
Sáng rực mọi phương hướng

Trong khoảng không gian ấy,
Tài sản được tìm thấy,
Trân châu và ngọc báu,
Lưu ly, đá cầu may,
Vàng cục (1) trong lòng đất
Hay loại Kancana (2)
Cùng loại vàng sáng chói,
Được gọi Hataka (3)
Tuy vậy chúng trị giá
Chỉ một phần mười sáu,
Với hạnh giữ trai giới,
Đầy đủ cả tám mặc,
Kể cả ánh sáng trăng,
Với cả vòm trời cao.

Vậy người nữ, người nam
Hãy giữ theo tịnh giới,
Hạnh Bố-tát trai giới
Đầy đủ cả tám mặt,
Làm các thiện công đức,
Đem lại nhiều an lạc.
Được sanh lên cõi trời,
Không bị ngưòi cười chê!

(1) Singi: như sừng bò
(2) Kancana: tìm được trong núi
(3) Hataka: vàng do kiến tha

Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 80794)
02/10/2012(Xem: 51155)
09/10/2016(Xem: 11695)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: