- Mục Lục
- 1. Sự Giáng Trần Phúc Lợi
- 2. Cuộc Viếng Thăm Của Vị Đạo Sư Hiền Đức
- 3. Hoàng Tử Nhân Đức
- 4. Cuộc Thi Chọn Phò Mã
- 5. Những Cung Điện Đầy Thú Vui
- 6. Điệu Hát Quyến Rũ
- 7. Cảnh Tượng Bất Ngờ
- 8. Chuyến Du Ngoạn Lần Thứ Hai
- 9. Cảnh Tượng Sửng Sốt Cuối Cùng
- 10. Những Lạc Thú Chóng Tàn Phai
- 11. Buổi Thiền Quán An Lạc
- 12.vua Tịnh Phạn Lo Lắng
- 13. Xuất Gia
- 14. Cuộc Tầm Đạo Bắt Đầu
- 15. Sáu Năm Tu Khổ Hạnh
- 16. Tín Nữ Cúng Dường
- 17. Cuộc Chiến Đầu Vĩ Đại
- 18. Giác Ngộ
- 19. Thuyết Pháp Cho Ai
- 20. Bài Pháp Đầu Tiên
- 21. Nỗi Khổ Đau Của Bà Mẹ
- 22. Con Người Thô Lỗ
- 23. Những Lời Tán Dương
- 24. Lòng Thương Yêu Loài Vật
- 25. Năng Lực Của Lòng Từ Bi
- 26. Trở Về
- 27. Nhà Vua Và Ông Thần Cây
- 28. Lòng Thương Bình Đẳng Đối Với Tất Cả
- 29. Những Ngày Cuối Cùng
- 30. Giáo Pháp Vẫn Còn Tồn Tại
- 31. Chú Thích Của Dịch Giả
CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT
THE STORY OF BUDDHA
Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW - Người Dịch: H. T. THÍCH TRÍ CHƠN
Vua cha được biết thái tử không mấy gì vui và ngạc nhiên về kế hoạch của mình có thể đã thực hiện sai lầm. Đức vua suy nghĩ: “Thái tử cần đi xem nhiều cảnh nữa. Ta sẽ sắp đặt chuyến đi du ngoạn khác cho thái tử, nhưng lần này nên đưa người đến xem cảnh trí nào xinh đẹp hơn trong thành phố”.
Rồi Xa Nặc lại chuẩn bị ngựa Kiền Trắc, và cả hai cỡi xe ngựa ra ngoài thành Ca Tỳ La Vệ. Các đường phố được trang hoàng như trước, và dân chúng vui mừng nhìn thấy lại vị hoàng tử của họ. Nhưng vào dịp này, chỉ riêng thái tử Tất Đạt Đa và Xa Nặc trông thấy một người bệnh tật hiện ra trong giữa đám đông dân chúng vui cười.
Thái tử kêu lên: “Xa Nặc, hãy nhìn kia. Người đó là ai vậy mà họ đang lên cơn ho dữ dội, với toàn thân rung chuyển và kêu rên thảm thiết như thế?”
“Tâu điện hạ, đó là một người đang đau bệnh”.
Thái tử lại hỏi: “Tại sao ông ta bị ốm đau?”
“Tâu điện hạ, người ta mắc bệnh tật vì nhiều lý do. Có thể họ dùng phải thức ăn không tốt, hoặc bị nhiễm thời tiết quá lạnh. Lúc ấy thân thể họ mất quân bình và có thể bị cảm sốt”.
“Phải chăng ngay cả những người sung sướng trong đám đông dân chúng đó cũng có thể bị đau ốm?”
Người đánh xe ngựa trả lời: “Dạ, thưa vâng. Người ta hôm nay lành mạnh, ngày mai có thể ốm đau. Không ai thoát khỏi bệnh tật”.
Lần thứ hai, thái tử vô cùng sửng sốt. Người nói: “Ta không thể hiểu nổi, làm sao một con người không phải lo lắng gì hết và sung sướng như thế lại có thể ngã bệnh bất cứ lúc nào. Thôi, ngươi hãy đánh xe quay trở về. Ngày nay ta xem như vậy là quá đủ rồi”.
Khi trở về cung điện, thái tử cảm thấy không mấy gì vui vẻ hơn lần trứơc. Không người nào có thể làm cho thái tử vui cười và thái tử không muốn nói chuyện với ai. Vua cha, sau khi thấu rõ sự bất hạnh của con mình, ông vô cùng lo lắng và phân vân: “Ta đã cố gắng bằng mọi cách để làm cho con ta hạnh phúc, nhưng cuối cùng tâm hồn thái tử vẫn chứa chan phiền muộn. Chắc ta nên tham vấn các quần thần thử xem có cách gì giúp cho thái tử trở nên lạc quan yêu đời hơn không”.
Họ khuyên lần sau, thái tử muốn dạo chơi ra ngoài thành, đừng cho thái tử đi một mình. Tốt hơn, cùng đi với thái tử nên có các nhạc công, vũ nữ và những quan lại trong triều đình. Họ cần tổ chức đến thăm một hoa viên được trang hoàng đặc biệt để tại đây thái tử có thể giải trí và bị quyến rũ bởi đủ loại các thú vui.
Do đó, khi thái tử Tất Đạt Đa một lần nữa muốn ra ngoài thành du ngoạn mọi sự sắp xếp đã được thực hiện hầu giúp cho chuyến đi của người càng gặp nhiều điều vui càng tốt. Thành phố được trang hoàng đẹp đẽ hơn trước. Những cảnh trí buồn thảm được che giấu và một hoa viên đặc biệt được sửa soạn với tất cả màu sắc tươi vui rực rỡ.