Đại Mộng (Mahāsupinasutta)

21/11/20203:52 CH(Xem: 5838)
Đại Mộng (Mahāsupinasutta)

ĐẠI MỘNG
(Mahāsupinasutta)

giấc mộngCó bốn điều kiện tạo ra giấc chiêm bao: (1) Do cơ thể bị xáo trộn, (2) Sự thấy lại một ấn tượng nào đó ban ngày, (3) Do sự tác động của hàng khuất mặt, (4) Điềm báo.

1. Do cơ thể bị xáo trộn.

Do bệnh hoạn, do nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá tác động lên cơ thể hoặc là nằm gối tay bị chèn ép máu chảy không đều cũng chiêm bao. Nói chung là sự xáo trộn trong cơ thể.

2. Sự thấy lại một ấn tượng nào đó ban ngày.

Tàu có câu: “Nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mộng”, ban ngày nghĩ nhiều về chuyện gì đó thì ban đêm sẽ thấy lại.

3. Do tác động của hàng khuất mặt

Ví dụ mình ở một nơi nào đó có những người khuất họ muốn cho mình thấy, họ có thể chi phối cho mình chiêm bao. Ở bên Mỹ tôi có nghe kể một gia đình đó mua cái nhà mà cứ 3 đêm liền nằm mơ thấy người hiện về, nói ra sau nhà, ở chỗ đó chỗ đó, lấy giùm xâu chìa khóa, rồi mở chỗ nào đó trong nhà đem hủ xương cốt rải giùm ngoài biển hay gửi chùa gì đó. Tức là chủ cũ ngôi nhà đó cất hũ cốt trong nhà, nên khiến cho người ta thấy như vậy.

4. Điềm báo.

Theo giải thích trong kinh, giống như khi con vịt lội trên nước thì cái ức của nó sẽ tạo ra những gợn sóng, hoặc con thuyền sắp đi đến chỗ nào đó thì nó tạo ra gợn sóng ở trước mũi thuyền, con cá, con rắn cũng vậy, khi lội, nó tạo ra những gợn sóng; có những nghiệp thiện ác sắp trổ quả, nó tạo ra những gợn sóng trong tâm lý của mình.

Và không phải ai cũng thấy những giấc mơ này. Chỉ những người phàm chứ vị La-Hán không nằm chiêm bao vì các ngài không còn điên đảo mộng tưởng (vipallasa) nữa. Từ A-na-hàm trở xuống mới nằm chiêm bao. Chư thiên trên cõi trời cũng không nằm chiêm bao bởi vì cơ thể của họ như khói như sương, không đủ điều kiện sinh lý, sinh học để hình thành một giấc mơ.

Trong Chú giải có kể trường hợp hoàng hậu Māyā khi sắp có mang thái tử thì bà thấy con voi trắng 6 ngà húc vào bên hông của bà rồi biến mất. Sau đó bà sanh ra bậc đại sĩ Tất Đạt. Giấc mơ thứ hai rất nổi tiếng trong Phật giáo Nguyên Thủy đó là điềm mộng của vua Pasenadi. Vua mộng thấy người ta dùng một cái chén bằng vàng để hứng lấy nước tiểu của một con chó hoang, hoặc thấy người ta đem khúc gỗ trầm quí giá đem đổi lấy thứ rẻ tiền tầm bậy tầm bạ nào đó. Hoặc vua thấy nguyên đám bò trưởng thành rượt đuổi bò con để bú con bò con. Hoặc vua thấy một ông đó ngồi bện dây thừng, dưới chân có con chó cái, bện được bao nhiêu thì con chó nuốt hết bấy nhiêu. (Xem Chiêm Mộng Trong Kinh Điển Pāḷi của Toại Khanh, trong phần Phụ Lục). Lần đó vua thấy liên tục 16 giấc mộng lạ lắm, vua vào hầu Phật và thưa: “Con chiêm bao thấy rõ ràng như ban ngày nên con nghĩ chắc chắn là có chuyện gì đây. Con nghĩ Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí nên con vào hỏi Thế Tôn.”

Đức Phật nói rằng đây là điềm báo cho những sự cố về chính trị, xã hội, nhân văn sẽ xảy cho nhân loại sau khi Ngài mất rồi và kéo dài một thời gian nhiều ngàn năm. Ví dụ Ngài giải thích:

- Chuyện người đàn ông bện dây thừng và bện bao nhiêu con chó cái nuốt hết bấy nhiêu là điềm báo sau này đàn ông đam mê nữ sắc ruồng rẫy vợ con ở nhà. Đi làm có bao nhiêu tiền lén nuôi phòng nhì bà nhỏ hết. Và lúc đó sẽ hình thành loại đàn bà ăn rồi chỉ biết phấn son trang điểm trau chuốt để vòi tiền của đàn ông đại gia. Loại người này thời Đức Phật không có nhiều, nhưng Ngài nói sau này loại này sẽ nhiều vô cùng.

-Chuyện bầy bò trưởng thành rượt con bò con để tranh nhau bú thì Ngài nói sau này sẽ có một lúc ông bà cha mẹ bị con cái ruồng rẫy coi không ra gì. Ông bà cha mẹ, người lớn trong nhà phải nịnh bợ, phải biết điều, phải lòn cúi lễ phép thì con cháu mới đoái hoài, thương tưởng mà nuôi cho, nếu không thì bị chúng tống ra đường. Thời Phật không có nhưng sau này sẽ có chuyện đó.

-Chuyện vua thấy cái hồ nước đục ở chính giữa trong phía ven bờ, thì Ngài nói sau này sẽ có lúc có những quốc giabiến cố chính trị. Người dân xứ đó phải biệt cố hương tha phương xứ người và vun đắp cho những vùng đất họ tạm dung. Còn mảnh đất quê hương thì để điêu tàn luôn. Có nhiều giấc mơ mang tính thời sự chính trị rất nhạy cảm mà nhiều người nghe cứ tưởng đây là tác phẩm của đời sau. Nếu quí vị đọc thẳng vô kinh sẽ thấy hai ngàn năm trăm năm trước đã có những tuyên bố đó.

-Chuyện vua mộng thấy người ta dùng một cái chén bằng vàng để hứng lấy nước tiểu của một con chó rừng, Ngài nói đây là điềm báo trước về sau này người ta đem lời của Phật lời của thánh hiền đi đổi lấy danh lợi rẻ tiền. Họ nhân danh những hình ảnh thiêng liêng, những lý tưởng cao đẹp như Chúa, Phật, tôn giáo, tâm linh, từ thiện… để đổi lấy danh lợi hoặc lượm bạc cắc thiên hạ rải cho.

Ngoài điềm mộng của vua Pasenadi kể trên, còn có nhiều giấc mơ nổi tiếng trong kinh Phật như bà Mahā Māyā nằm mộng thấy bạch tượng trước khi có mang hoàng tử Tất-Đạt, vua Bimbisāra (Tần-Bà-Sa-La) mộng thấy quyến thuộc xưa về kêu khổ và sau đó tổ chức trai đàn cầu siêu, hoàng hậu Dhammā của vua Bindusāra đã nằm mơ thấy mình ăn đất và sau đó có mang vua A-Dục (thế kỷ thứ ba Phật lịch).

Trong Tăng-Chi-Bộ (phần Năm Pháp) có ghi rằng trong đêm trước ngày thành đạo dưới gốc Bồ-đề, hoàng tử Tất Đạt đã nằm mộng thấy năm chuyện kỳ lạ và sau này khi kể lại, đức Phật đã giải thích rằng đó là điềm báo trước cho những gì xảy ra với Ngài sau đó. Năm điềm đại mộng đó là:

(a) Ngài mộng thấy mình bỗng hóa khổng lồ và nằm gối đầu lên núi Himalaya, thòng tay xuống đại dương. Đây là điềm báo sau này Ngài sẽ trở thành bậc Đại giác. Cái thấy của Ngài bao trùm vũ trụ, địa bàn hoằng pháp của Ngài không có giới hạn biên giới.

(b) Ngài mộng thấy từ rốn mình mọc ra một cọng cỏ tranh vươn thẳng trời cao. Cái rốn vốn là nằm nơi trung tâm thân người. Đây là điềm báo cho việc sau này Ngài thành Phật bằng con đường Trung đạo, không lệch lạc trong cực đoan khổ hạnh hay lợi dưỡng; không chấp hữu không chấp vô.

(c) Ngài mộng thấy nhiều con giun (sâu hay dòi) màu trắng bò từ dưới chân lên tới đầu gối. Cứ bò lên tới đầu gối là biến mất. Trong bản tiếng Việt ngài Minh Châu dịch là “bò từ chân lên tới đầu gối và che đậy chúng”, thật ra là tới đó thì chúng biến mất rồi lại xuất hiện tiếp tục, cứ từ chân bò lên rồi biến mất. Đây là điềm báo về sự xuất hiện lực lượng cư sĩ áo trắng hùng hậu. Nghĩa là bên cạnh những người đệ tử xuất gia, đệ tử cư sĩgia đình lủ khủ thì có một hội chúng cư sĩ áo trắng tại gia nhưng nghiêm cẩn, họ không phải là xuất gia cũng không phải là cư sĩ hỗn độn, mà họ giữ bát giớiđời sống gần giống như xuất gia. Những vị giáo chủ khác không có hội chúng đặc biệt này.

(d) Ngài mộng thấy có bốn con chim với bốn màu lông khác nhau từ bốn phương bay về đậu dưới chân mình rồi đều có chung một màu lông trắng. Đây là điềm báo cho việc nhân thiên tứ phương đủ mọi tầng lớp cao thấp, sau này về nghe Phật pháp đều trở thành anh em một nhà, thánh chúng trong một đoàn thể đệ tử của Thế Tôn.

(e) Ngài mộng thấy mình đi kinh hành trên một ngọn núi toàn phân người, nhưng hai chân tuyệt không bị vấy bẩn mảy may. Đây là điềm báo sau khi thành Phật Ngài sẽ nhận được sự kính lễ cúng dường của thiên hạ muôn phương nhưng lòng Ngài thì vô nhiễm. Trong kinh kể có nhiều người quí Ngài đến mức có thể chết vì Ngài nói gì hiến tặng tài sản ngoại thân. Y áo thực phẩm trú xứ của Ngài được thiên hạ chăm sóc một cách đặc biệt mặc dù Ngài luôn luôn đơn giản như có thể. Phước báo của Ngài vô lượng, dù Ngài có nhận thức ăn từ vua chúa công hầu khanh tướng hay của người cần lao thì mỗi bữa ăn của Thế Tôn đều được chăm sóc cúng dường của chư thiên. Chư thiên đặt thực phẩm của họ vào trong đó. Dầu có được bao nhiêu lễ bái cúng dường của ba giới bốn loài, chư thiên hay loài người thì tâm Thế Tôn trước sau vô nhiễm như một.

Năm điềm đại mộng Ngài thấy trước khi thành Phật này đã ứng vào cuộc đời hoằng dương của Ngài trong suốt 45 năm trụ thế. Đây là một trong vài trường hợp cũng hiếm hoi nói về chuyện giải mộng trong kinh điển Nguyên Thủy chứ còn trong Chú giải thì nhiều lắm. Chẳng hạn như mẹ của vua A Dục trước khi mang thai vua A Dục, bà nằm mơ thấy mình nuốt mặt trăng. Khi sanh con ra, bà mời một ông thầy chiêm bốc tới coi. Ông nghe bà kể giấc mộng như vậy là ông hết hồn. Ông dáo dác nhìn tới nhìn lui và nói rằng bà sẽ trở thành thái hậu, con bà sẽ làm vua, nhưng bây giờ trong cung này tai mắt của thiên hạ dày đặc như quân Nguyên, cơ sở do thám của các hoàng tử như ‘tai bèo mắt khóm’ nên bà ráng bảo trọng sống bình dị đơn giản như có thể để giữ cái mạng cho hoàng tử, hoàng tử về sau sẽ là đại đế thống nhất toàn cõi Ấn Độ.

Ý nghĩa bài kinh này không chỉ là ở giấc mơ. Trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật dạy một người làm ác dầu đi đứng nằm ngồi ở đâu thì quả xấu cũng như tảng đá lơ lửng trên đầu chờ cơ hội là rơi xuống, người làm việc lành có sanh ra ở đâu thì quả lành cũng giống như cái lộng trắng, chờ chực để hỗ trợ cho họ; còn trong bài kinh này, giống như một con thuyền đi đâu thì luôn có gợn sóng tỏa ra chạy trước ở trước mũi thuyền, con vịt lội trên nước cũng có những gợn sóng chạy trước. Cũng vậy, đôi khi nghiệp thiện nghiệp ác nơi những người có linh căn có tánh giác mạnh cũng cho họ cảm nhận được những điềm báo. Chúng ta là người Phật tử học cho biết vậy thôi, đừng có tà mị mê tín, tin quá cũng không nên. Bởi có 4 lý do để mình nằm chiêm bao (như đã nói trên) chứ không phải mơ cái gì cũng run cầm cập thì không nên. Điều quan trọng là không cần quan tâm chiêm bao thấy cái gì, mà quan trọng là sống làm sao để ngủ khỏi chiêm bao, hoặc nếu cũng thấy toàn là mộng lành, hoặc chí ít cũng là ‘mộng bình thường’ (như Huy Cận) chứ còn thấy ác mộng thì cũng oải. Có câu thần chú liên hệ đến giấc chiêm bao nên ghi nhớ: Ai sống cứ bằng daydream nhiều thì dễ bị nightmare. (Cứ mãi mơ hồng thì sẽ gặp toàn hắc mộng). Việc thiện không chịu làm mà cứ ngồi dệt mộng sẽ được cái này cái kia thì dễ bị ác mộng lắm. Sống kỳ vọng thì dễ bị thất vọng.” Tôi nhớ hoài câu chuyện vào một ngày đầu xuân, có một quí bà dắt đứa con chừng ba bốn tuổi đến gõ cửa ông thầy bói. Sau khi nhờ bói cho mình, cho chồng, bà hỏi ông thầy xem đứa bé lớn lên có làm bác sĩ được hay không. Ông thầy bói phán một câu mà tôi muốn bà con nào mê thầy bói phải xăm lên người: “Bói tương lai không hay bằng tạo ra tương lai.” Phải kêu thằng bé học hành cho ok, thì mai này chuyện nó làm bác sĩ mới có hi vọng. Thay vì mong có giấc mơ đẹp thì chuyện hay nhất là phải sống lành. Sống lành thì tự nhiên sẽ thấy giấc mơ lành, chứ còn sống không ra gì thì sẽ thấy toàn ác mộng thôi. Còn chuyện bói toán thì quí vị thấy trên đời này có ai khờ đến như vậy không, tự nhiên đang vui lại đi coi bói cho ông thầy bói bấm bấm ngón tay hai ba cái rồi về lo. Nếu cái đầu mình tỉnh một chút thì mình sẽ thấy ra vấn đề. Ông thầy bói nào cũng cảnh báo “năm nay coi chừng kẻ xấu hãm hại”. Đâu cần phải là ‘năm nay’. Năm nào cũng vậy, người hại mình toàn là người xấu không mà. Hay câu “coi chừng khẩu thiệt thị phi, không nên tranh cãi, có giao dịch buôn bán với ai nhớ cẩn thận kẻ tiểu nhân” Câu này đúng trăm năm, năm nào cũng đúng mà không cần liên quan gì Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mới đúng. Rồi câu “nhớ ăn ở hiền lành sẽ được thánh thần hộ trì”. Tôi thấy câu này cũng đúng luôn. Năm nào tháng nào ngày nào giờ nào cũng phải ăn hiền ở lành, chứ không thì giang hồ đến xử, pháp luật sờ gáy làm sao. Mình cứ sống ăn hiền ở lành thì không có công an hay đại ca nào tới kiếm mình. Vậy mà bao nhiêu người các bà các cô cứ tới Tết là xách một cọc tiền đi kiếm thầy để rước cái lo. “Già đầu còn dại có cháu ngoại còn ngu” là vậy đó. Tự nhiên đang vui lại đi kiếm thầy bói để ổng phán một câu cho teo chơi như vậy thì có khôn không?
Theo New Dharma Readers


Bài đọc thêm:
Ba Giấc Mộng Của Nàng Yasodharā (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodāna (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)




.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
27/08/2010(Xem: 26579)
27/08/2010(Xem: 76134)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.