Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả

18/09/20152:30 CH(Xem: 15396)
Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả

blank

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả

van dap phat phap 2Lời thưa: Vừa rồi, sau khi Thư Viện Hoa Sen đăng liên tục những pháp thoại trong mùa an cư, nhất là pháp thoại 10 và 12, tôi nhận được một số câu hỏi thắc mắc của chư vị độc giả qua những comment hoặc qua email. Nhận thấy đây là những câu hỏi hay, tốt, không phải là đánh đố, không phải là thoả mãn kiến thức suông mà chú trọng đến sự tu học nghiêm túc nên tôi đã dành riêng bài viết này để trả lời chung cho chư vị ấy. Nhân đây tôi xin gởi lời cảm ơn đến BBT Thư Viện Hoa Sen cũng như chư độc giả đã quan tâm những pháp thoạitính cách sơ cơ trong những buổi thiền tập giữa thầy và trò chúng tôi. Trong những câu trả lời có một vài nơi bị trùng lặp do yêu cầu của nội dung câu hỏi và tôi thì muốn cho vấn đề được sáng tỏ hơn, chẳng đặng đừng. Xin cảm ơn tất cả. Trân trọng.

 

1- Bạn Phương hỏi: Nguyên văn: “Khi đối tượng công việc sáng tác dễ mải mê nhất tâm hơn việc đếm hơi thở thì vẫn chưa vào được thiền. Vì khi thiền đối tượng nào cũng như đối tượng nào. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?”

Trả lời: Đúng vậy, bạn đã thấy đúng! Tuy nhiên, điều này cần phải giải thích rõ ràng hơn tí nữa.

Vào thiền, nhưng là vào thiền định hay thiền tuệ?

Nếu vào thiền định thì phải có 5 thiền chi phát sanh để đối trị với 5 triền cái.

Nếu vào thiền tuệ thì tâm luôn trạm nhiên, trong sáng; có nghĩa là luôn có chánh niệm, tỉnh giác. Có chánh niệm, tỉnh giác thì đối tượng ấy dù thiện, dù ác, dù tốt, dù xấu đều được nhìn ngắm rõ ràng, chân thực đúng như mà nó là, không suy diễn, không lý luận, không qua tình cảm hay nhận thức chủ quan.

Trở lại với pháp thoại số 10. Đây là pháp thoại nói đến chú tâm

trong thiền tập. Có chú tâm mới an trú tâm trên đối tượng được. Vậy rõ ràng có đối tượng chú tâm được có đối tượng khó chú tâm như tôi đã phân tích 10 điều. Ở chỗ này, theo với câu hỏi, nếu hiểu cho thật đúng, ta cần kiến thức về Ạbhdhamma (Vi diệu pháp). Trong bài về những đối tượng thiền, thì đi qua mắt tai mũi lưỡi thân có 4 đối tượng là rất nhỏ, nhỏ, lớn và rất lớn. Đi qua ý có 2 đối tượng là rõ ràng và không rõ ràng. Qua mắt tai mũi lưỡi thân - thuật ngữ gọi là ngũ môn lộ trình tâm - thì đối tượng rất lớn, ta mới khởi tư tác được, tham sân được. Ví dụ một cô gái đẹp qua mắt, đây là đối tượng rất lớn, tâm nó chụp bắt ngay, yêu thích (tham) ngay. Ví dụ một tiếng chưởi qua tai, đây là đối tượng rất lớn, tâm ta nổi sân ngay. Cả hai trường hợp nó đều diễn tiến 17 tâm sát-na. Còn qua ý - gọi là ý môn lộ trình tâm – nó tiếp thu đối tượng từ ngũ môn trao qua - thì đối tượng phải rõ ràng, không rõ ràng, ý không nắm bắt được hoặc nó tự động bỏ qua; nói chuyên môn một chút, là 2 sát-na đồng sở duyên không khởi, không sao lưu vào dòng bhavaṅga.

Đến đây, chắc bạn đã hiểu, tại sao có đối tượng chú tâm dễ dàng, có đối tượng khó chú tâm. Có chú tâm mới nói đến an trú tâm; có an trú tâm rồi mới nói đến vào thiền định hay vào thiền tuệ.

2- Bạn Lưu Tâm Lực hỏi 2 câu:

2.1- Xin thầy cho vài ví dụ về câu nói “tỉnh thức cái đang là...” là gọi chung cho hữu vi pháp đối với 5 giác quan của mình phải không thưa thầy. Xin thầy cho một giác quan hay hai ba ví dụ để cho rõ ràng dễ hiểu.

2.2- Chỉ cho rằng mình đúng còn khác mình là sai thì e rằng ngã còn sâu nặng. Không một ai là người học Phật có cách nghĩ như thầy về đức Phật cả. Thầy cũng đã từng nói ở bất cứ đâu cũng tu được tại sao lại phải lên núi để có thuận duyên tu hành... thế thì tại sao thầy không tin có một chúng sanh lòng đại bi mẫn tạo lập một “địa danh” để các chúng sanh tu hành chứ... mong thầy chỉ dạy.

Trả lời:

2.1- Bạn diễn đạt vậy cũng được, cũng đúng, nhưng thật ra, nguyên văn của tôi trong pháp thoại rõ ràng hơn: “Hơi thở đi liền với sự sống. Tỉnh thức với hơi thở đồng nghĩa là tỉnh thức toàn bộ tâm sinh vật lý. Tỉnh thức với vận hành duyên khởi trong những khoảnh khắc đang là”. Khi ta tỉnh thức với hơi thở có nghĩa là hơi thở vào ra, xuống lên đều được ghi nhận rõ ràng, trong sáng, chân thực đúng như mà nó là. Nó là chính là hơi thở thực chứ không phải do “tưởng hơi thở” hoặc “theo dõi hơi thở như quán tính”. Chỗ này cũng cần kiến thức kinh điển mới tường tận vấn đề hơn.

Trong 40 đề mục thiền có 10 đề mục tuỳ niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm tịch tịnh, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở. Trong 8 niệm đầu chỉ dẫn đến nhất niệm, tức cận hành định, chứ không vào được nhất tâm, an chỉ định được. Riêng niệm thân (thứ 8) có thế đắc tứ thiền. Và niệm hơi thở (thứ 9) có thể đắc tứ thiền và cả Tứ thánh đạo quả.

Trở lại vấn đề hơi thở. Nếu niệm hơi thở mà thấy tướng hơi thở càng lúc càng nhẹ, mỏng và tụ lại dần dần, thành nhất điểm sáng thì đây là niệm hơi thở có khuynh hướng tỉnh chỉ, vào định. Nếu niệm hơi thở rõ ràng, trong sáng, nhẹ nhàng vào ra, xuống lên; và lúc nào cũng rõ ràng, trong sáng, nhẹ nhàng như vậy thì niệm hơi thở có khuynh hướng thiền tuệ, minh sát. Trong trường hợp này, vẫn lắng nghe hơi thở (thuộc niệm thân) trong sáng, rõ ràng, đồng thời lắng nghe luôn tất cả những tác động nào đó đi qua thọ, tâm và pháp (Tứ niệm xứ).

Như vậy, tỉnh thức với hơi thở (thiền tuệ) là tỉnh thức luôn toàn bộ tâm sinh vật lý, cả ngũ uẩn, cả 12 duyên khởi trong thế giới đang là!

Ví dụ 1: Khi đang an trú hơi thở, tôi nghe một tiếng động chát chúa, thần kinh tai (tịnh sắc căn của tai) nghe lùng bùng. Cái duyên khởi đang là của nó sẽ là tâm khó chịu, bực bội rồi nổi sân. Người hành minh sát, tỉnh giác lắng nghe toàn bộ duyên khởi đang là ấy cho đến khi nó lắng dứt. Nếu chưa dứt thì niệm “sân à, sân à” cho đến khi nó lắng dịu. Sân lắng dịu, chấm dứt có nghĩa có ái - tham sân - nhưng thủ hữu không tiếp diễn; vòng tròn 12 nhân duyên bị đứt khoen.

Ví dụ 2: Khi đang an trú hơi thở, tôi nghe một mùi hương quyến rủ, thần kinh mũi (tịnh sắc căn của mũi) cảm giác dễ chịu như lan truyền cả toàn bộ tâm sinh vật lý. Cái duyên khởi đang là ấy làm cho tâm thích thú, mê đắm. Người hành minh sát, tỉnh giác lắng nghe toàn bộ duyên khởi ấy và thấy rõ mình đang tham ái, tham luyến. Cũng tương tợ như trên, niệm “tham à, tham à” cho đến khi nó lắng dịu, chấm dứt. Vòng tròn 12 nhân duyên bị đứt khoen.

Cả 2 trường hợp trên rơi vào niệm tâm, có 16 đối tượng niệm tâm. Ở đây sân biết rõ sân, tham biết rõ tham. Do biết rõ (tuệ giác, tánh giác) tham sân sẽ bị vô hiệu hoá.

2.2- “Chỉ cho rằng mình đúng còn khác mình là sai thì e rằng ngã còn sâu nặng”. Câu này bạn nói đúng. Đúng khi đấy là quan điểm của mình, quan niệm của mình, ý kiến của mình, chủ tri của mình... bao giờ cũng có bản ngãchủ quan đi kèm.

Pháp thoại của tôi cũng đưa ra đúng, sai nhưng không phải quan điểm, quan niệm, ý kiến, chủ tri của tôi. Tất cả đều được y cứ trên sự thực, trên chân lý, trên pháp mà so sánh, đối chiếu 

Ví dụ 1: Khi tôi nói Tánh Khôngbản chất của tâm và pháp, dù quán hay không quán thì Tánh Không muôn đời vẫn là Tánh Không; có thể nói thêm: Tâm, pháp vì vô thường, vô ngã nên Không. Vậy, Tánh Không là phải thấy bằng tuệ giác, tuệ giác thấy rõ sự vận hành duyên khởi ấy.  Tôi còn nói thêm, Tánh Không mà ngồi quán thì Tánh Không ấy đã biến thành Tánh Hữu! Tất cả đấy là y cứ trên sự thật đang là chứ không phải quan niệm, quan điểm của tôi.

Ví dụ 2: Khi tôi nói, niệm Phật dù là niệm Phật tối thượng đi nữa cũng chỉ đưa đến cận hành định. Cận hành định nghĩa là chưa có an chỉ định. Chưa có an chỉ định, lại chưa có tuệ thì làm sao về được với đức Phật nào (Vì đức Phật nào cũng có giác, Toàn Giác, Chánh Đẳng Giác). Tôi nói vậy là y cứ trên sự thật, trên pháp. Xem thập tuỳ niệm, thì 8 niệm đầu chỉ đưa đến nhất niệm (chưa đạt nhất tâm), cận hành định thôi. Cái đó đâu phảo là quan điểm, quan niệm của tôi!

Ở phần sau của câu hỏi 2, tôi xin mạn phép không trả lời, lý do thuộc cá nhân. Còn tu đâu, tu chùa, tu chợ, tu nhà, tu non xanh... được và không, lợi và hại, tuỳ duyên hay không tuỳ duyên... e phải có một bài viết dài.

3- Bạn Thu Vân hỏi: “Thầy viết: Đức Phật cũng ngồi quán sổ tức đấy. Và ngài cũng từng nói: An trú hơi thở là sự an trú của bậc Thánh”. Như vậy phải chăng thầy muốn nói là không nên quá chú trọng vào bài kệ sau đây: Quán thân như thân, quán thọ như thọ, quán tâm như tâm, quán pháp như pháp.

Trả lời: Khi an trú tâm vào hơi thở được rồi, hành giả có thể tuỳ nghi theo 5 thiền chi đi vào định hoặc tuỳ nghi minh sát Tứ Niệm xứ để giải thoát tham sân, phiền não (Niệm hơi thở thuộc về niệm thân). Xin xem lại câu trả lời 2.1 ở trên.

4- Bạn Chu M Điệp hỏi 3 câu, có thể tóm tắt:

4.1- Làm sao để cho trong cái thấy chỉ là cái thấy? Làm sao con chỉ thấy mà không dùng khái niệm và lý luận được?

4.2- Thầy nói: Đắc thiền Sắc giới thì rơi vào tròng của hữu ái; đắc thiền Vô sắc giới thì rơi vào tròng của phi hữu ái. Hữu ái là tham, phi hữu ái là sân. Xin thầy giải thích thêm, như vậy con không nên hành thiền nữa hay sao? Con đang tập thiền sổ tức và tuỳ tức như thầy và ngài Kim Triệu dạy.

4.3- Niệm Phật tới nhất tâm thì đạt cận hành định. Sau đó nếu tiếp tục niệm nữa thì cũng không đi xa hơn được phải không ạ? Mà phải dùng cận hành định đó để chuẩn bị cho tâm đạt những tầng tâm thức cao hơn, con không tu tịnh độ nhưng không biết con hiểu có đúng không?

Trả lời:

4.1- Nhân tiện, thầy trích đoạn kinh văn ấy ra đây để nhiều người cùng hiểu và thấy: Này Bāhiya, ông cần phải học tập như sau: Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ, tưởng sẽ chỉ là cái thọ, tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Như vậy, này Bāhiya! Nếu trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.

Muốn có được cái thấy, cái nghe trong sáng ấy thì mình chỉ thấy, nghe như thực, khách quan mọi đối tượng đang xẩy ra, đang diễn tiến, đang vận hành.

- Khi một âm thanh khởi lên, tôi chỉ nghe âm thanh ấy. Thậm chí, âm thanhtiếng chưởi, tôi lắng nghe âm thanh tiếng chưởi ấy khi nó đang sanh, đang trụ và đang diệt. Lúc ấy sẽ không có tham sân, phiền não. Đây chính là tu tập minh sát tuệ.

- Khi thấy một đoá hoa, tôi ngắm nhìn đoá hoa như vậy thôi. Thậm chí có khái niệm xen vàohoa hồng màu đỏ và nó rất đẹp. Cũng không sao, vì khái niệm ấy còn trong sáng, chưa xen lẫn tham, sân.

Và dẫu có tham sân thì hãy xem lại câu trả lời của tôi cho bạn Lưu Tâm Lực ở ví dụ 1, ví dụ 2. Cả 2 ví dụ trên, một bên tham, một bên sân đều lắng dịu hoặc chấm dứt. Có nghĩa là vòng duyên khởi bị cắt đứt ngay nơi ái (tham, sân) và thủ hữu, sanh, lão tử, sầu bi ưu não không khởi sanh nên gọi là chấm dứt toàn bộ khổ đau. Hành giả minh sát luôn lắng nghe mọi duyên khởi ấy, không lúc nào để bản ngã xen vào trong ấy nên trong đó không có cái ta, không có ông Bāhiya, không có đời này, đời sau, đời chặng giữa vì không có cái ta nào chịu đựng nhân quả nghiệp báo ba đời.

Tại đây, cần có một chút kiến thức của Abhidhamma sẽ rõ ràng hơn. Khi mắt tai mũi lưỡi thân giao tiếp, xúc đối sắc thanh hương vị xúc thì ngũ môn lộ trình tâm khởi lên để tiếp nhận đối tượng qua 3 giai đoạn: Tiếp thọ, suy đạc, xác định. Khi ngũ môn lộ trình tâm đã xác định đối tượng rồi là sắc, là thanh, là hương... nó liền bàn giao đối tượng cho ý môn lộ trình tâm xử lý. Thật ra, giai đoạn suy đạc, xác nhận đối tượng là gì là đã có sự tham dự của ý môn lộ trình tâm rồi. Và khi ấy, các đối tượng không còn là sắc, thanh, hương, vị, xúc nữa mà nó đã là pháp, ý – pháp.

Ý tiếp thu cũng có 4 lộ trình. Lộ trình 1, là tiếp nhận đối tượng còn trong sáng từ ngũ môn trao qua. Lộ trình 2, có phận sự gom lại, đúc kết, tổng kết các chi tiết của đối tượng, chưa chế biến. Lộ trình 3, bắt đầu đi vào thế giới khái niệm (vật khái niệm) biết ý nghĩa, hình dáng. Lộ trình 4, thêm gọi tên, định danh (danh khái niệm).

2 lộ trình đầu còn nguyên vẹn chân đế, paramattha. Hai lộ trình sau hoàn toàn thuộc về khái niệm.

Tuy nhiên, đến khái niệm rồi cũng chưa là vấn đề vì 7 sát-na tác hành tâm chưa khởi tham, sân, thương ghét. Và nếu có khởi tham sân, thương ghét thì ta sẽ trở lại với 2 ví dụ 1, 2 ở trên.

4.2- Cõi Sắc giới được gọi là sắc ái (rūpa-taṇhā) hay hữu ái (bhava-taṇhā). Sắc áitham luyến cõi sắc giới (tham). Hữu ái là mong muốn tồn tại, thường còn (tham). Cõi Vô sắc giới gọi là vô sắc ái (arūpa-taṇhā) hay là phi hữu ái (abhava-taṇhā). Vô sắc ái là tham luyến cõi vô sắc. Phi hữu ái là tham luyến muốn chấm dứt cõi sắc, cõi hữu do chán cõi sắc, cõi hữu (do sân). Vậy rõ ràng không do tham sân là gì.

Tuy nhiên, đâu phải vì vậychúng ta không tu thiền? Mà ở đây cũng phải xác định là tu tỉnh chỉ, thiền định hay thiền tuệ, minh sát?

Thật ra, chỉ có thiền tuệ, minh sát mới diệt tận khổ đau. Có 3 trường hợp cho căn cơ tu tập minh sát tuệ:

- Có người không cần thiền định, họ tu tập thẳng vào minh sát, quán Tứ Niệm Xứ.

- Có người niệm hơi thở đến cận hành định (không vào an chỉ định) là quay sang minh sát, tu tập Tứ Niệm Xứ.

- Có người tu thiền định đạt tứ thiền mới quay qua tu tập Tứ Niệm Xứ.

Trường hợp của bạn đang tu tập sổ tức và tuỳ tức để an trú hơi thở. Khi hơi thở đã an trú, dù có cận hành hay chưa cận hành vẫn có thể quay sang minh sát, tu tập Tứ Niệm Xứ được mà. Lưu ý là niệm hơi thở thuộc về niệm thân đấy.

4.3- Vấn đề niệm Phật – không phải chỉ niệm Phật, mà là 8 tuỳ niệm, xem câu trả lời 2.1 - đều chỉ đưa đến nhất niệm chứ không phải nhất tâm. Nhất niệm (vì chỉ còn một niệm) là cận hành định, còn nhất tâm (ekaggatā) mới là an chỉ định. Như đã giải thích ở trên, từ cận hành định ta quay sang tu tập minh sát, Tứ Niệm Xứ.

Vấn đề niệm Phật thì cần một ghi chú: Niệm Phật là niệm hồng danh của Phật hay ân đức của Phật chứ không phải là niệm ông Phật nào. Ở đây, người ta thường niệm Arahaṃ hay Buddho. Ví dụ như ngài Hộ Tông thì niệm Arahaṃ đến cận hành định ngài mới quay sang minh sát tuệ. Ví dụ như ngài Ajahn Mun là thầy của ngài Ajahn Chah - thiền sư đương đại - ngài niệm Buddho đến cận hành định sau đó mới sang minh sát, cuối cùng đắc Tứ thánh quả, là vị A-la-hán cuối cùng trong giáo pháp của đức Sakyā Gotama lịch sử.

Lưu ý với bạn rằng: Niệm Phật của giáo pháp chơn truyền không phải là niệm vị Phật này, bồ-tát kia của các giáo phái phát triển, càng không phải là pháp môn tịnh độ như niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sanh. Niệm Arahaṃ hay Buddho là niệm hồng danh Phật, thuộc danh niệm, niệm liên tục để chỉ còn một niệm, cận hành, sau đó quay sang tu tập minh sát. Còn niệm Phật Di Đà là một vị Phật biểu tượng, tượng trưng cho tánh giác, tánh minh. Biểu tượng không phải là cái thực. Còn nữa, khi niệm Phật Di Đà, tâm mình bỏ quên hiện tại đang là mà chạy theo tưởng tượng, rời thực tại đang là để tưởng tượng đến một thế giới cực lạc với hạnh phúc cực kỳ. Như vậy là vọng tưởng, mê tưởng, gốc của ái tham, ái dục. Lạị nữa, còn nữa, cảnh giới đương lai của mỗi người như thế nào, ở đâu là do nghiệp báo quyết định, chẳng có ông Phật nào có khả năng quyết định và tiếp độ được, nó sái với định luật nhân quả nghiệp báo!

5-  Bạn Nhan Dinh Phu Ai, hỏi 2 câu qua email:

5.1- Khi con xuất thiền thì đôi khi có hiện tượng như có một lực cản không cho xuất, chi thích ngồi lại trong định, có phải con chưa có kỹ thuật xuất định?

5.2- Với khả năng hiện tại con nên tiếp tục như thế nào?

Trả lời:

5.1- Câu hỏi này chưa được rõ ràng, là bạn tu tập đề mục thiền định nào vì có đến 40 đề mục thiền định. Thứ nữa, bạn vào định được bao lâu, và bạn cảm nhận bạn đang an trú trạng thái nào ở trong định?

Tuy nhiên dù định nào thì nó cũng phải đi qua 5 thiền chi là tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm. Phải đến chỗ nhất tâm mới được gọi là định. Vậy trường hợp bạn ra sao?

Việc thích ngồi mãi trong định cũng có lý do. Vì hỷ và lạc của định là một loại hạnh phúc tinh thần tự có, nó thấm đẫm, no đầy an lạc nên ta không muốn rời. Phải xả đi, nó là dính mắc, là đắm chìm đó.

Muốn xả dễ dàng, đúng là phải có lời phát nguyện (nguyện lực: adhiṭṭhāna): “Tôi nguyện nhập định chừng 2 (hoặc 3) tiếng đồng hồ rồi xả”. Lời phát nguyện phải thành khẩn, có đức tin trọn vẹn, không lay chuyển, không hoài nghi – thì 2, 3 tiếng sau, tự động nó xả. Đơn giản vậy thôi. Còn muốn tu tập lên định cao hơn thì cần có “kỹ thuật” khác nữa, nó không nằm trong phạm vi câu hỏi này.

5.2- Thật ra, không cần đi vào định sâu. Xem lại câu trả lời 4.2 thì rõ. Chỉ cần cận hành định là có thể quay qua tu tập minh sát tuệ, tức là Tứ Niệm Xứ để giải quyết tham sân, phiền não. Đạo Phật là đạo thấy khổ và diệt khổ chứ không phải đắc cái này cái kia của bản ngã!

Hy vọng rằng với những giải đáp thô thiển ở trên, chư vị độc giả sẽ không còn hoài nghi, thắc mắc nữa thì tôi vô cùng hạnh phúc.

MỤC LỤC


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.