Thực hành cho và nhận

14/02/20163:57 SA(Xem: 10800)
Thực hành cho và nhận

THỰC HÀNH CHO VÀ NHẬN
Trích trong tác phẩm Minh Triết về Hạnh Phúc
của Đức Dalai Lama thứ XIV
Chân Như chuyển Việt ngữ.


dalailama-0123457Lòng từ ái là một trong những điều kỳ diệu và quý giá nhất. Khi nói về lòng từ ái, cần chú ý rằng bản tính sơ khai của của con người, theo tôi,  là lòng từ và sự dịu dàng hòa ái. Ví dụ, một nhà khoa học có nói với tôi rằng vài tuần đầu tiên sau khi sinh là giai đoạn quan trọng nhất vì trong suốt thời kỳ này não bộ của trẻ phát triển lớn hơn. Sự âu yếm của người mẹ hay của ai đó giống như người mẹ hết sức hệ trọng trong thời gian này. Điều đó cho thấy mặc dù trẻ chưa thể nhận diện được ai với ai nhưng trẻ luôn cần đến tình yêu thương của ai đó. Sự phát triển khỏe mạnh của não bộ sẽ bị tổn thương nặng nề nếu không có sự yêu thương âu yếm.

Khi nhập viện, bất kể chất lượng của đội ngũ bác sĩ như thế nào, song nếu vị bác sĩ thể hiện tình cảm chân thành, quan tâm sâu sắc đến bệnh nhân và mỉm cười thì chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng nếu vị bác sĩ chẳng mảy may thể hiện quan tâm nào thì dù người đó có là một chuyên gia lỗi lạc, chúng ta cũng cảm thấy lo lắng bất an. Bản tính con người là như vậy.

Trong giáo dục, kinh nghiệm cá nhân tôi nhận thấy rằng, những bài giảng chúng ta học với những vị thầy không chỉ lỗi lạc mà còn thể hiện lòng yêu thương đối với trò sẽ đi sâu vào tâm khảm chúng ta. Trong khi những bài học với các vị thầy khác không được như vậy. Dù bị ép phải học hay học vì sợ thầy, tri thức cũng không sâu sắc được.  Cho nên tùy thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của người thầy.

Ở giai đoạn thơ ấu và cao niên, chúng ta phụ thuộc sâu nặng vào lòng yêu thương của người khác. Ở những giai đoạn giữa hai giai đoạn này, chúng ta thường thấy mình có thể làm được mọi thứ mà không cần nhờ vả lệ thuộc ai và rằng tình yêu thương của người khác không mấy quan trọng gì đối với chúng ta. Song tôi nghĩ rằng ở giai đoạn này, duy trì được lòng thương yêu vẫn luôn quan trọng.

Khi con người sống tại các đô thị lớn cảm thấy cô đơn, điều này không có nghĩa là họ thiếu thốn bạn bè mà chính là họ thiếu lòng từ ái giữa người và người. Kết quả là sức khỏe tinh thần của họ ngày một nghèo nàn. Ngược lại,  những người trưởng thành trong bầu không khí đầy yêu thương lại thường có sự phát triển thể lực, tinh thầnhành vi tích cực hơn, từ hòa hơn.

Trẻ con trưởng thành thiếu vắng bầu không khí tích cực sẽ có những thái độ tiêu cực. Điều này cho thấy rõ bản chất của con người. Ngoài ra, như tôi đã chia sẻ, thân người mong muốn yên ổn bình an. Những thứ làm chúng ta bị xáo trộn gây ra tác hại xấu cho sức khỏe. Toàn bộ cấu trúc thể lực của chúng ta thích ứng trong bầu không khí yêu thương của con người. Vì thế, tiềm ẩn trong chúng ta lòng từ ái luôn sẵn có. Vấn đềchúng ta có tri biết và tận dụng điều này hay không thôi.

Mục tiêu duy nhất trong biện giải của tôi là cho quý vị thấy rằng về bản chất, chúng ta ai cũng có tâm từ ái, rằng tâm từ ái rất cần thiết và quý vị có thể phát triển được tâm này. Tỏ tường được nghĩa chính xác của tâm từ ái rất quan trọng. Định nghĩa theo quan điểm Phật giáo thì lòng từ ái chân thật được xây dựng trên nền tảng của sự chấp nhận hay thừa nhận tường tận rằng: mọi người, cũng như chúng ta, đều mong muốn hạnh phúc và có quyền vượt thoát khổ đau. Trên nền tảng đó người ta phát triển mối quan tâm đối với lợi ích của người khác bất kể thái độ người đó đối với mình như thế nào. Đó chính là tâm từ ái.

Thật ra, tình yêu và lòng từ ái mà quý vị dành cho bạn bè phần lớn chỉ là sự bám luyến. Cảm giác này không dựa trên nhận thức rằng mọi chúng sinh đều có quyền được hạnh phúc và vượt thoát khổ đau. Thay vào đó, nó dựa trên ý niệm cho rằng cái này là “của tôi”, “bạn của tôi” hoặc thứ gì đó thuận tốt cho “tôi”. Đấy là sự bám luyến. Vì vậy, khi người đó thay lòng đổi dạ với quý vị, cảm xúc gần gũi của quý vị biến mất tức thì. Trong khi với tâm từ ái, quý vị phát triển sự quan tâm bất kể người ấy đối xử với quý vị như thế nào, đơn giản vì người đó là một anh em đồng loại và có toàn quyền vượt thoát khổ đau. Mối quan tâm của quý vị vẫn luôn hiện hữu dù người đó dửng dưng với quý vị hay thậm chí trở thành kẻ thù của quý vị.

Thật ra, tâm từ ái chân thật và sự bám luyến tương phản nhau. Theo thực hành Phật giáo, để trau dồi tâm từ ái chân chính, trước hết quý vị phải thực hành thiền định về tâm bình đẳng và quán tâm xả, gỡ bỏ mình ra khỏi những người gần gũi thân thiết. Sau đó, quý vị phải xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực đối với người mình thù hận. Mọi chúng hữu tình đều được nhìn nhận trên cơ sở bình đẳng. Trên nền tảng như vậy, quý vị có thể từng bước phát triển tâm từ bi chân thật đến tất cả mọi người. Phải nói cho rõ là lòng từ bi chân chính không giống sự thương hại hay cảm giác thấy người khác thấp kém hơn mình. Với lòng từ bi chân chính, quý vị thấy người khác quan trọng hơn mình.

Để phát tâm từ bi chân chính, trước hết một cá nhân phải trải qua sự đào luyện về tâm xả bình đẳng. Điều này rất hệ trọng bởi vì không có ý thức về tâm xả bình đẳng hướng tới mọi chúng sinh, tình cảm của ta đối với người sẽ có hướng thiên vị lệch lạc. Do vậy, tôi sẽ chia xẻ với quý vị một ví dụ ngắn gọn về pháp rèn luyện thiền định trong Phật giáo để phát triển tâm xả. Trước hết, quý vị hãy nghĩ về một nhóm người, chẳng hạn như bạn bè người thân, những người mà quý vị có sự bám luyến. Kế đến, quý vị nghĩ về một số người mà mình thấy hoàn toàn dửng dưng. Sau cùng, hãy nghĩ về những người chúng ta không ưa. Một khi quý vị đã mường tượng những nhóm người khác nhau đó, hãy cố gắng để tâm mình đi vào trạng thái thông thường và quan sát xem tâm thường phản ứng với những nhóm người này ra sao. Quý vị sẽ thấy phản ứng thông thường sẽ là bám luyến với người thân và bằng hữu, không ưa những người mà mình cho là kẻ thùhoàn toàn dửng dưng với những người xa lạ. Rồi quý vị hãy cố gắng tự vấn mình. Hãy so sánh tác động của hai thái độ đối nghịch dành cho bạn bè và cho kẻ thù, và xem xét tại sao quý vị lại có những trạng thái tâm dao động đối với hai nhóm người khác nhau như vậy. Quý vị hãy xem những phản ứng như thế có tác động gì lên tâm mình và cố gắng thấy được sự vô ích khi có hành xử cực đoan như vậy.

Tôi đã vừa luận bàn điểm lợi và hại của việc ôm giữ thù hận và nổi sân với kẻ thù, và tôi cũng đã nói một chút về ảnh hưởng của việc bám luyến quá mức vào bạn bè bằng hữu v.v… Quý vị nên suy tư về điều này và cố gắng giảm thiểu những cảm xúc cường liệt đối với cả hai nhóm đối cực này. Quan trọng hơn hết, quý vị nên suy tư về sự bình đẳng cơ bản giữa mình và những người khác.

Vì quý vị có mong cầu theo bản năng tự nhiên là được hưởng trọn phúc lạc và vượt thoát khổ đau, các chúng sinh khác cũng vậy thôi. Vì quý vị có quyền hoàn mãn những nguyện vọng bẩm sinh thì những người khác cũng vậy. Vì vậy, quý vị phân biệt đối xử dựa trên cơ sở xác đáng nào?

Nếu quan sát toàn bộ nhân loại, con người là những động vật mang tính xã hội. Ngoài ra, cấu trúc của các nền kinh tế, giáo dục hiện đại v.v… đã cho thấy quả địa cầu này ngày càng trở nên nhỏ bé hơn và con người tương thuộc chặt chẽ với nhau. Trong bối cảnh như thế, tôi cho rằng chúng ta chỉ có một chọn lựa duy nhấtcùng chung sống, cùng làm việc ôn hòa với nhau và luôn tâm niệm về quyền lợi của toàn bộ nhân loại. Đó là quan điểm, là cách duy nhất chúng ta cần phải có vì sự tồn vong.

Về bản chất, đặc biệtcon người, quyền lợi của tôi không độc lập với quyền lợi của những người khác. Hạnh phúc của tôi tương thuộc vào hạnh phúc của người khác. Vì vậy, khi nhìn thấy người khác hạnh phúc, tự nhiên tôi cảm thấy hoan hỉ hơn là khi nhìn thấy người khác vật vã trong cảnh khổ. Ví dụ, khi thấy trên ti vi hình ảnh những người dân Somali, cả người lớn tuổi và trẻ em đang chết đói, bỗng dưng ta thấy buồn đau, bất kể nỗi đau đó có dẫn đến một hành động giúp đỡ tích cực nào đó không.

Trong đời sống hàng ngày, quý vị được thụ hưởng nhiều tiện nghi vật chất, bao gồm cả nhà gắn máy lạnh. Tất cả những điều kiện vật chất này có được không phải do chúng ta mà còn có sự liên đới trực tiếp và gián tiếp của nhiều người khác nữa. Mọi thứ hội tụ. Không thể nào quay lại đời sống vài thế kỷ trước khi người ta phải nhờ vào những phương tiện thô sơ, chứ không phải máy móc như thế này. Một sự thật rõ ràng là: những điều kiện vật chất chúng ta đang hưởng thụ ngày nay là thành quả lao động của nhiều người.

Vì tất cả chúng ta đều có quyền bình đẳng để hưởng hạnh phúc và vì rằng chúng ta ai cũng kết nối với những người khác, nên dù một cá nhân có quan trọng đến đâu đi chăng nữa thì theo logic, quyền lợi của năm tỉ người trên quả đất này vẫn quan trọng hơn của một người. Khi suy tư theo góc nhìn này, rút cục quý vị sẽ trau dồi được ý thức trách nhiệm toàn cầu. Những vấn đề môi trường như tầng ozone đang biến mất dần, cũng cho thấy cả thế giới cần chung tay hợp lực giải quyết. Dường như với sự phát triển như vậy, cả thế giới trở nên bé nhỏ hơn nhưng ý thức của con người vẫn trì trệ phía sau.

Một tri kiến rộng mở hay vị tha hơn rất phù hợp với thế giới ngày nay. Nếu nhìn một sự việc từ nhiều góc độ, chẳng hạn như bản chất phức tạp và mối tương liên của hiện hữu đương đại, chúng ta sẽ từng bước thấy rõ sự chuyển biến trong tri kiến cá nhân, để khi nói “người khác” hay khi nghĩ về “người khác”, chúng ta không còn loại bỏ họ ra như một phạm trù không liên quan gì đến mình. Chúng ta sẽ không còn thấy dửng dưng nữa.

Nếu quý vị chỉ nghĩ cho mình, nếu quên đi quyền và lợi ích của người khác hay tệ hại hơn, nếu chúng ta lợi dụng họ thì rốt cuộc sẽ thua trắng. Chúng ta sẽ không còn bạn bè, những người thể hiện sự quan tâm vì lợi ích của chúng ta. Ngoài ra, nếu có tai họa xảy ra cho quý vị thì thay vì thể hiện sự quan tâm lo lắng, có thể họ lại thấy hả dạ. Ngược lại, nếu quý vị luôn sống từ bi và đầy vị tha, luôn tâm niệm về lợi ích của người khác thì dù quý vị quen biết ít hay nhiều người, dù đi đâu thì quý vị cũng có thể kết bạn. Và khi đối diện với thảm họa, sẽ có nhiều người chạy tới giúp đỡ quý vị.

Một tình bạn chân thật phát triển trên cơ sở tình người, không phải trên tiền bạc hay quyền lực. Lẽ dĩ nhiên, nhờ vào quyền lực và sự giàu có, nhiều kẻ sẽ chạy đến với quý vị kèm theo những nụ cười và quà cáp. Nhưng sâu lắng bên trong, những người này đâu phải bạn tốt, họ kết thân với quyền lực và sự giàu sang của quý vị mà thôi. Lúc nào quý vị còn giàu sang thì những người này còn ở bên. Nhưng khi tài sản, phú quý giảm sụt, họ sẽ chẳng còn ở đó nữa đâu. Với kiểu bạn bè này, chẳng ai giúp đỡ quý vị bằng nỗ lực chân thành khi cần cả. Thực tế là vậy.

Tình bằng hữu chân chính dựa trên căn bản của tình cảm con người, dù quý vị ngồi ở địa vị nào. Vì thế, càng thể hiện sự quan tâm lo lắng đến quyền và lợi ích của người khác thì quý vị càng trở thành một người bạn tử tế. Quý vị càng cởi mở và chân thành thì rốt cuộc nhiều lợi ích sẽ đến với quý vị hơn. Nếu như bỏ quên hoặc chẳng bao giờ màng đến những người khác thì cuối cùng quý vị sẽ mất hết mọi lợi ích.

Có rất nhiều tác dụng phụ tích cực khi trau dồi tâm bi mẫn. Một trong những tác dụng đó là lòng bi mẫn càng mạnh mẽ thì quý vị càng bền bỉ hơn khi đối diện những nghịch cảnh cũng như khả năng chuyển hóa những nghịch cảnh đó thành những nhân tố tích cực hơn.

Một cách thực hành rất hiệu quả về phát huy tâm bi mẫn được tìm thấy trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, một giáo lý kinh điển của Phật giáo. Trong sự thực hành này, quý vị quán tưởng chính mình, hiện thân của vị kỷ ái ngã, rồi quý vị quán tưởng một nhóm người đại diện cho số đông những chúng sinh hữu tình. Sau đó quý vị dựa trên quan điểm của người thứ ba, như một người quan sát trung lập, không thiên vị, tiến hành đánh giá so sánh về giá trị, quyền lợi và tầm quan trọng của hai nhóm người này. Quý vị sẽ tự thấy có khuynh hướng thiên về nhóm đông hằng hà sa số chúng sinh.

Tôi cũng cho rằng thái độ vị tha dành cho chúng sinh càng mạnh mẽ bao nhiêu thì chúng ta càng trở nên can trường dũng mãnh bấy nhiêu. Sự can trường càng mạnh mẽ bao nhiêu thì ta càng ít cảm thấy nhụt chí và tuyệt vọng bấy nhiêu. Vì thế, lòng từ ái cũng chính là một nguồn sức mạnh nội tại.

Với sức mạnh nội tại ngày một tăng trưởng, quý vị có khả năng phát triển một ý chí quyết tâm vững chãi và với ý chí này, quý vị có cơ hội thành công lớn hơn cho dù đối diện với bất kỳ khó khăn chướng ngại nào. Bằng không, nếu còn cảm thấy chần chừ e ngại, sợ hãi và tự ti, quý vị sẽ mang thái độ bi quan yếm thế. Tôi xem điều này là mầm mống thật sự của thất bại. Chính vì vậy, ngay cả trong ý nghĩa thông thường, lòng từ ái vô cùng trọng yếu đối với một tương lai thành công.

Một khi đã suy ngẫm về những khiếm khuyết của cách tư duylối sống vị kỷ ái ngã, và một khi đã suy ngẫm về những kết cục có hậu khi luôn tâm niệm quyền lợi và hanh phúc của người khác, phục vụ vì lợi ích của người khác và toàn tâm toàn ý với điều này, trong thiền quán Phật giáo có một pháp hành được gọi là “thực hành cho và nhận”. Sử dụng sự quán tưởng, chúng ta sẽ xem mình gánh nhận toàn bộ mọi đau khổ bất hạnh, những kinh nghiệm không mong muốn của người khác.

Quý vị hình dung mình đang gánh chịu những đau đớn của chúng sinh và cho đi hay chia sẻ với họ những phẩm hạnh tốt đẹp như thiện căn công đức, nguồn năng lượng tích cực, sự giàu có, phước báu v.v… của bản thân.  Một hình thức rèn luyện như thế, về mặt tâm lý sẽ mang đến cho quý vị sự chuyển hóa trong tâm thức hiệu nghiệm đến mức những cảm giác yêu thươngtừ bi sẽ được trau dồi mạnh mẽ bên trong quý vị.

Một điều mà mọi người nên ghi nhớ là sự chuyển hóa tinh thần không dễ dàng và cần có thời gian. Tôi nghĩ rằng với một số người phương Tây, nơi khoa học kỹ thuật phát triển, có thể cho rằng mọi thứ đều tự động. Quý vị không nên kỳ vọng chuyển hóa tâm linh diễn ra một sớm một chiều. Đó là điều không thể. Hãy luôn ghi nhớ điều này và nỗ lực rèn luyện liên tục. Rồi sau 1 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, cuối cùng quý vị sẽ nhận thấy sự chuyển hóa. Chính bản thân tôi đôi khi cũng rất gian nan khi thực hành việc này. Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng những pháp hành này vô cùng lợi lạc. Câu trích dẫn ưa thích của tôi từ một tác phẩm của ngài Tịch Thiên là: “Khi nào không gian còn, chúng sinh còn. Nguyện tôi còn ở lại, xua tan khổ nạn của thế gian.”

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/03/2016(Xem: 8864)
15/02/2021(Xem: 5531)
21/10/2022(Xem: 2568)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.