Chương 3: Nghệ thuật hòa giải

03/08/20173:27 SA(Xem: 6926)
Chương 3: Nghệ thuật hòa giải
NGHỆ THUẬT SỐNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Phương Đông 2016

Chương 3: Nghệ thuật hòa giải

Giảng tại chùa Phổ Quang, ngày 8/6/2008 Phiên tả: Hiếu Liên.

1-HỌC PHẬT TRÊN TINH THẦN KHÔNG TRANH CÃI

1.1- Sống hòa giải các bất đồng 

Trong số kinh Phật có những bài kinh thuộc thể loại Vô vấn tự thuyết, tức là khi đức Phật tự thuyết giảng chứ không phải trả lời câu hỏi của ai đó. Ngài tự thấy một vấn đề nào đó là cấp thiết, có ích cho chúng sinh nên thường gọi các đệ tử đến để Ngài thuyết giảng

Trọng tâm của bài kinh Vô vấn tự thuyết này là cách sống hòa giải trong các bất đồng. Lịch sử nhân loại đã trải qua rất nhiều khổ đau trong việc giải quyết các mâu thuẫn bất đồng bằng bạo động, bằng chiến tranh, bằng loại trừ một mất một còn, gây ra biết bao nhiêu hậu quả tai hại và reo rắc vào tâm thức con người đầy dẫy những khủng hoảng, sợ hãi

Nội dung Vô vấn tự thuyết đầu tiên mà Đức Phật nêu ra là học Phật trong tinh thần không tranh cãi. Đức Phật dạy các đệ tử: “Các bài giáo pháp mà thầy đã giảng bằng thần  trí của thầy như Tứ Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ Đề PhầnThánh Đạo Tám Ngành, các đệ tử nên thực tập trong tinh thần hòa đồng hoan hỉ không tranh cãi nhau”. (Chúng tôi mạn phép sửa đổi khái niệm xưng hô Thế Tôn ở trong bản kinh Pali thành chữ Thầy cho gần gũi, cũng như khái niệm các vị Tỳ kheo ở trong bài kinh chúng tôi đổi là các đệ tử). Khi Đức Phật nói như thế thì dĩ nhiên cũng có những sự kiện rầy rà. Trong số đệ tử của Ngài lúc bấy giờ, những người mà đức Phật độ trong vòng mấy năm đầu có căn cơ tốt, hạt giống Phật pháp đã có sẵn rồi, chỉ cần một chất xúc tác tốt từ Đức Phật là các vị này có thể trở thành các vị Thánh tăng, các vị Thánh ni, các vị Thánh đệ tử, tu sĩ nam, tu sĩ nữ. 

Sau này, tăng đoàn ngày càng được mở rộng như một hiện tượng rất tự nhiên. Trong kinh thường dùng con số một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo. Nhưng đây chỉ là con số biểu tượng. Thực tế thì số lượng người đi tu ngày càng nhiều, có những giai đoạn lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn tăng ni. Dĩ nhiên, bất đồng trong việc hiểu lời Phật dạy là chuyện tránh khỏi. Giai đoạn mà Đức Phật giảng kinh thuyết pháp, ngôn ngữ chữ viết chưa được hình thành. Có người nhớ nhiều, người nhớ ít, người nhớ chuẩn xác và người nhớ lẫn lộn. Việc hiểu, ứng dụng, truyền bá và xiển dương lời Phật dạy theo tình huống vừa nêu sẽ có phần khác nhau. Do vậy, sự bất đồng tranh cãi có mặt. Đức Phật khuyên ghi nhận các lời Ngài giảng như là dữ liệu tri thức tâm linh, tri thức đạo đức, tri thức văn hóa, tri thức về nhân cách. Rồi nhờ những hạt giống tri thức này, chúng ta mới ứng dụnghành trì. Sự lợi lạc gia tăng gấp bội. Cũng giống như các võ sư mà không thuộc các bài quyền có sẵn thì sau này ra đời không thể ứng biến linh hoạt cho mọi tình huống được. 

Người tu hành Phật pháp cũng thế, không thuộc kinh, không nhớ kinh thì trong những nghịch cảnh, trở duyên, chúng ta không giải quyết được vấn đề hoặc là giải quyết kém phần khôn ngoan, khiến khổ đau vẫn còn đó. Do đó, phải xác định rất rõ là đến với đạo Phật là để chúng ta biến lời Phật dạy trở thành thực phẩm và nó phải được tiêu hoá trong tâm tư, nhận thức và hành động của mình, để biến chúng trở thành dưỡng chất, chứ đừng xem chúng như là bảo vật để thờ trên bàn thờ. Nhiều Phật tử đi chùa khi được tặng kinh sách băng đĩa, nói là bữa nay mình được phước duyên, các Thầy các Sư cô cho lộc, rồi họ đem về để trên bàn thờ Phật. Lời Phật dạy để hành trì chứ không phải lời Phật dạy để tôn thờ. Đức Phật đã nói như thế trong bài kinh Dụ Ngôn về chiếc bè: “Thật là ngớ ngẩn khi chúng ta đội chiếc bè lên trên đầu tôn thờ nó như là vật linh đã cứu chúng ta vượt qua biển khổ. Hãy trả chiếc bè về bên kia bờ sông để những người khác có cơ hội đi được qua bên bờ an vui như ta

Chức năng của chiếc bè là chuyên chở, giúp ta vượt qua khổ đau chứ không phải để chúng ta tôn thờ. Giáo pháp cũng như thế, giáo Pháp để chúng ta thực tập, chứ giáo Pháp không phải để chúng ta tôn thờ. Việc tôn thờ giáo Pháp không khéo sẽ dẫn đến tình trạng cuồng tín như bao nhiêu tín đồ nhất thần giáo, dẫn đến rất nhiều cuộc thánh chiến trong lịch sử chỉ vì niềm tin tôn giáo mù quáng mà ra. 

1.2- Sự bất đồng về văn và nghĩa

Đức Phật dạy tiếp: “Sau khi học Pháp bằng tinh thần như vừa nêu, nếu có tình huống hai vị đồng học quan niệm khác nhau về văn hoặc là nghĩa thì nên tìm tới một vị có tâm nhu thuận dễ lắng nghe, góp ý, để hai bên ghi nhận rằng có một sự khác biệt giữa họ, chớ nên tranh luận nhau”.

Có lẽ, các nhà Phật học theo truyền thống Pali dựa vào ngữ cảnh này cho rằng Abhidhamma, tức vô tỷ phápgiáo pháp siêu việt do chính Đức Phật nói. Thật ra, bảy tập luận tạng Abhidhamma được các vị Thánh tăng thống nhất và biên tập theo cấu trúc triết học, nhằm hệ thống hóa những vấn đề liên hệ đến tâm lý học, đạo đức học, con đường giải thoát tâm linhĐức Phật đã thuyết giảng trong rất nhiều năm để giúp người học Phật dễ dàng nắm bắt. 

Tất cả những lời Đức Phật dạy về pháp và luật, hai khái niệm Dharma và Vinaya đều xem nhưchân lýđạo đức và phải được xem đó là Vô tỷ pháp. Hệ thống đạo đức học của Phật giáogiáo pháp cao thượng vì không chỉ giúp con người trở thành có ích cho cuộc đời, mà còn giúp chúng ta hoàn thiện giá trị tâm linh, tuệ giác lớn nhất, đó là Phật thức. Hệ thống Dharma, tức là những lời Phật dạy ngoài đạo đức, được gọi như là giới luật, có khả năng chỉnh lý những nhận thức sai lầm của con người, giúp con người giải phóng lòng tham, lòng sân, lòng si, tháo gỡ các bế tắc và mang lại an vui. Cho nên, nó được xem là Vô tỷ pháp. Dầu là pháp hay là luật đều được xem là Vô tỷ pháp, chứ không phải chỉ có bảy tập 
luận tạng

Đức Phật nêu ra hai tình huống mà sự bất đồng có thể xuất hiện: Thứ nhất là về văn, thứ hai là nghĩa của những gì Ngài tuyên thuyết.

Văn: Bao gồm thứ nhất là văn phạm. Trong tiếng Pali và Sanskrit, vốn được xem là hai Thánh ngữ được Phật sử dụng, có những từ đa nghĩa. Tùy theo từng ngữ cảnh mà từ đó mang một nghĩa nhất định. Trong kinh Pháp Cú, có bài kệ Đức Phật dạy: “Sống một trăm năm mà không nhận ra được bản chất sinh diệt của các pháp chẳng bằng sống một ngày mà hiểu đựơc điều đó”. Trong tiếng Pali, từ “pháp sinh diệt” còn có nghĩa khác là “con cò”. Sau khi Đức Phật qua đời, người ta hiểu nhầm nghĩa từ này, truyền lại cho các thế hệ tu sĩ về sau một nghĩa khác. Có những vị tì kheo trẻ cứ lặp đi lặp lại câu: “Ai sống một trăm năm mà không hiểu được con cò chẳng bằng sống một ngày mà hiểu được nó” như là một cái máy. 

Ngài Anan, lúc đó đã 120 tuổi, khi nghe các đồ đệ của mình tường thuật lại sự kiện vừa nêu thì thấy rất buồn. Ngài vốn là thị giả của đức Phật, với bộ nhớ siêu việt, Ngài nhớ từng chi tiết tất cả những gì từng được nghe từ đức Phật. Trước khi nhận lời làm thị giả cho Đức Phật, Ngài có ra một số điều kiện: Thứ nhất, Đức Phật phải kể lại hết tất cả những bài pháp trước khi ông làm thị giả; thứ hai, bất kì Đức Phật thuyết giảng cho ai, dù là vua chúa, sau bài giảng Đức Phật phải kể lại cho ông nghe. Nếu Đức Phật bằng lòng với hai điều kiện đó thì ông mới nhận việc làm thị giả. Vì ông biết rất rõ sở trường của ông là bộ nhớ, cho nên tất cả những gì được rót vào trong kho tàng tâm thức A-lại-da của Anan nó sẽ được lưu giữ như vậy suốt cuộc đời. Nghe các thế hệ học trò sau khi Đức Phật qua đời nhầm lẫn Pháp sinh diệt với con cò, ông rất buồn khổ.

Chúng ta cần thay đổi quan niệm sai lầm là học thuộc kinh Phật để có phước. Mục đích học kinh Phật là để thực hành. Do đó, nếu có những bất đồng về văn bao gồm văn phạm, từ vựng, ý tưởng trong đó thì chúng ta cũng không nên tranh luận với nhau

Thứ hai là ý nghĩa. Sự mô tả có thể mang hai nghĩa: Nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa bóng có thể là biểu tượngchúng ta phải hiểu nó như một triết lý. Người bám vào văn có thể không quan trọng nghĩa, người bám vào nghĩa thì có thể quá đi xa rời văn, cả hai tình trạng này đều có thể là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn và bất đồng giữa những người cùng học Phật. Là bậc thầy vĩ đại, đức Phật đã dạy: “Hãy đến người nào có tâm nhu thuận”, tức là người dễ lắng nghe, dễ góp ý, dễ khuyên bảo. Thuyết phục người cố chấp, người bảo thủ, người cho mình là số một rất khó. Ta phải đi từ cái dễ đến cái khó, đừng làm ngược lại. Đức Phật kết luận: “Cái gì khó nắm giữ thì cần phải ghi nhận là khó nắm giữ, cái gì khó giải quyết thì phải ghi nhận rằng khó giải quyết, không thể khác được”. 

Phải xác định cái gì thuộc về pháp, cái gì thuộc về luật cho rạch ròi. Nhiều sự tranh luận bất đồng giữa các trường phái Phật giáo Nam tôngPhật giáo Bắc tông đều liên quan tới chuyện hoặc là văn hoặc là nghĩa, hoặc là pháp hoặc là luật. Phải thừa nhận có sự bất đồng như thế để chúng ta tháo gỡ nó. Tiếp nhận một lời dạy thông qua văn và nghĩa được đến mức nào là tùy theo căn tính, trình độ của từng người. Cùng là một lời dạy của đức Phật nhưng mười người nghe có thể hiểu theo mười cách riêng. Lý do có thể do cách tiếp cận chủ quan của từng người, có thể do lơ đễnh, quên câu trước nhớ câu sau, bỏ câu giữa, làm cho vấn đề trở thành khác hẳn. Đừng quá đặt nặng về những tiểu tiết rồi cho rằng chỉ có mình hiểu là đúng, tông phái của mình truyền bá là hay, còn sự hiểu biết của các người khác, của các giáo phái khác, của các tông môn, pháp môn khác, của các vị khác là không quan trọng.Tất cả những quan niệm như thế tạo ra hàng loạt những mâu thuẫn nội bộ Phật giáo

1.3- Phải ghi nhận khó khăn để tháo gỡ

Đạo Phậttôn giáo nổi tiếng về tự dodân chủ. Vì tinh thần khai phóng tâm thứcĐức Phật cống hiến cho nhân loại được quyền hiểu và tiếp cận từ góc độ khác nhau, không rập khuôn để tạo ra sự sáng tạo và đóng góp. Nhưng do trình độ, nhận thức, quan điểm của mọi người có thể  không giống nhau, tình trạng tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra. Tác phẩm Dị Bộ Tôn Luân Luận là một bằng chứng cho thấy sau khi đức Phật nhập diệt, các bộ phái Phật giáo đã tranh chấp với nhau về văn và nghĩa trong kinh. Những tranh chấp nay hết sức gay gắt, có những tông phái đả phá nặng nề tông phái khác bằng những từ ngữ quá mức. Tác phẩm Dị Bộ Tôn Luân Luận được Hòa thượng Trí Quang dịch và trang web daophatngaynay.com có đăng tải. Quý vị có thể tìm đọc để thấy các mâu thuẫn về văn và nghĩa đã làm cho đạo Phật bị chia cắt thành từng mảnh vụn mà lẽ ra nó phải như là một khối hòa hợp như nước với sữa. 

Mỗi khi có sự bất đồng ta phải thừa nhận khó khăn để rồi nỗ lực tháo gỡ chứ không nên phủ định nó. Học Phật trên tinh thần không tranh cãi là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Người học lớp hai sẽ hiểu trình độ Phật pháp theo người học lớp hai, người có trình độ cử nhân sẽ hiểu Phật pháp theo trình độ cử nhân, giáo sư, tiến sĩ, hậu tiến sĩ sẽ hiểu Phật pháp theo trình độ riêng của mình và những người có kinh nghiệm, có hiểu biết mặc dù không có văn bằng gì cả sẽ có cách tiếp nhận riêng. Từ góc độ nhân chủng học, xã hội học, đạo đức học, tâm lí học, tôn giáo học, khoa học, nhân văn học, đều có những cách hiểu riêng về lời Phật dạy. Đừng biến cái phiến diện của mình thành cái toàn thể để không có rầy rà và tranh chấp lẫn nhau. Mỗi người có thể khai thác trí tuệ của đạo Phật dưới góc độ riêng của mình, chúng ta nên học cách nhìn ra  điểm hữu ích trong từng quan điểm học Phật khác nhau. 

2- KHÔNG ĐÀO SÂU SỰ BẤT ĐỒNG

2.1- Tín ngưỡng hay biểu tượng và triết lý 

Nội dung Vô vấn tự thuyết thứ hai: Không nên đào sâu sự bất đồng. Đức Phật nói với các thầy Tỳ kheomọi người như sau: “Trong tình huống có một sự đồng nhất về văn nhưng sai khác về nghĩa, nên góp ý với hai bên bất đồng để họ nhận ra và không đào sâu sự tranh luận không cần thiết”. 

Tranh chấp rằng người này giảng sai, người kia giảng đúng, người này hành sai, người kia hành đúng, rồi cuối cùng chúng ta không nhìn mặt nhau. Đức Phật dạy trong Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm rằng: Bất kì người nào đang gặp khổ đau, bất hạnh, như rớt xuống vực sâu hay bị thiêu đốt trong lửa nóng, chết chìm dưới đáy biển, chỉ cần niệm danh hiệu của Bồ tát Quan Thế Âm thì đều tai qua nạn khỏi. Người hiểu theo nghĩa đen sẽ hiểu rằng Bồ tát Quan Thế Âm là đấng đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn trong mọi tật ách.

Nhưng nếu hiểu lời kinh này theo nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng thì lý giải lửa ở đây là lửa tham, lửa sân, lửa si, vực sâu là sự vô minh cùng tột, còn nước ở đây là lòng tham ái. Khi một người bị ba con sóng tham, sân, si nhấn chìm thì chỉ cần niệm Bồ tát Quan Thế Âm. Ngài sẽ ban cho ta tuệ giác để vượt qua khổ đau. Như vậy danh hiệu Quan Thế Âm (Avalokitesvara) được thay đổi cách hiểu từ năng lượng lòng từ bi thành quán tự tại, tức là nhận thức sâu sắc về bản chất cuộc đời, về nhân quả, về duyên khởi, về vô thường, về vô ngã, về sự chuyển nghiệp để giải phóng nhất thiết khổ ách

Những người hiểu theo nghĩa đen sẽ lập tức công kích: “Ông này triết lý, suy diễn, nói những chuyện không có trong kinh điển”. Lý giải phiến diện về văn hoặc về nghĩa đều có thể dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn. Ta phải hiểu một điều là mỗi bài kinh, nhất là kinh điển Đại thừa đều có hai lớp ý nghĩa, lớp nghĩa đen là văn, lớp nghĩa bóng là nghĩa, tức là biểu tượng về triết lý. Ai có khuynh hướng tín ngưỡng thì tiếp cận theo nghĩa văn vẫn tốt. Ai có trình độ văn học, trình độ triết học, trình độ đạo đức học có thể tiếp cận bằng góc độ biểu tượng và triết lý thì càng hay. Nếu được cả hai càng tốt, nhưng không nên khăng khăng cho rằng chỉ có mình là đúng, người khác hiểu sai và công kích họ. 

2.2- Hai bên hoan hỷ đừng nên đào sâu bất đồng 

Nếu có sự đồng nhất về nghĩa nhưng sai khác về văn thì nên góp ý với hai bên để họ không tranh luận nhau vì chuyện quá nhỏ nhặt. Có những giáo lý cốt tủy của đức Phật như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo hay Năm Năng Lực, Tứ Tinh Tấn v.v…, những viên kim cương mầu nhiệm có khả năng mang lại được sự giải thoát và gần hơn nữa là giải phóng sự khổ đau cho cả người tại gia và người xuất gia. Bất đồng về văn thì không đáng lo ngại, vì trải qua mấy trăm năm sau khi đức Phật qua đời, việc ghi nhớ những lời dạy của Ngài để ghi chép thành kinh điển không dễ dàng chút nào.

Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, có bốn bộ kinh Nikaya là Trường bộ kinh,Trung bộ kinh, Tương Ưng bộ kinhTăng Chi bộ kinh, 15 tập theo chủ đềTiểu bộ kinh. Nền văn học chữ Hán vốn được dịch trực tiếp từ tiếng Sanskrit có bốn bộ tương đương là Trường A hàm, Trung A hàm, Tăng Nhất A hàmTạp A hàm. Như vậy là Tạp A hàm bao gồm hai phần của bên Nikaya là Tương ưng bộ kinh và Tiểu bộ kinh. Trật tự của các bài kinh này trong hai truyền thống kinh tạng có khác nhau. Ví dụ một bài kinh ở trong bộ Nikaya nằm ở vị trí thứ 1, thứ 2, thứ 3 thì trong kinh điển A hàm có thể nằm ở cuối. Tựa đề của các bài kinh cũng khác nhau, văn từ, câu chữ, ý tứ cũng có phần khác. Vì đức Phật hiểu rõ điều này nên Ngài khuyên chúng ta đừng nên đào sâu vào những chuyện nhỏ nhặt, hoan hỉ chấp nhận những bất đồng mang tính hình thức. Quan trọng là nghĩa lý của kinh điển chứ không phải là văn tự, hành giả nên thấm nhuần điều này.

2.3- Đừng quá đặt nặng để tạo ra sự bất đồng 

Nếu hai bên có sự đồng nhất về nghĩa, đồng nhất về văn thì nên khuyên họ càng không nên tranh chấp nhau. Bản chất của sự tranh chấp trong trường hợp này là cả hai bên đều muốn chứng minh mình giỏi hơn, hiểu sâu hơn. Nhiều Phật tử than phiền với chúng tôi rằng càng nghe nhiều sư thầy thuyết pháp càng bối rối, mất phương hướng, vì một bài kinh mà mỗi thầy giảng một kiểu. Trong khi ấy, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo có sự đồng nhất về giáo lý; vì thế được truyền bá rất nhanh. 

Riêng với đạo Phật, chúng ta được quyền tiếp xúc ở nhiều góc độ. Mỗi Thầy triển khai nội dung kinh theo các hướng khác nhau thì Phật tử cũng không nên lấy đó làm lạ. Không có mâu thuẫn gì ở đây. Giống như khi đọc một tác phẩm văn học, ta được quyền có cách nhìn khác với tác giả, miễn là cách thức tiếp cận của chúng ta có cơ sở logic, có giá trị ứng dụng, có lợi ích. Bản chất của văn học là vậy, khơi gợi để người đọc tự rút ra kết luận co riêng mình. Đừng quá đặt nặng vấn đề đến độ chúng ta tạo ra sự bất đồng lẫn nhau. 

2.4- Không vội vã lên án và khiển trách 

Đức Phật khuyên chúng ta giả sử có sự bất đồng thì không nên phê phán. Ngài dạy rằng: “Nên thực tập giáo pháp của ta trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không tranh luận. Nếu có những người đồng tu vi phạm đời sống đạo đứcgiới luật của ta đã dạy, các đệ tử chớ vội vàng khiển trách người đó mà hãy tìm hiểu tận tường”. Các điều khoản đạo đức và giới luật được đức Phật thiết lập với một tinh thần rất dân chủ, và Ngài là người làm gương chứ không phải là người áp đặt.

Trong những tình huống một người đồng tu khác vấp phải sai lầm, ta không nên vội vàng khiển trách người đó. Có thể có những nguyên nhân xa và gần, những hoàn cảnh bất thuận khiến cho người ấy bị cám dỗ, đi sai con đường chánh pháp. Phải hiểu được nguyên nhân sâu xa thì chúng ta mới có thể dễ dàng cảm thôngnỗ lực giúp cho người đó vượt qua khó khăn chứ không chỉ trích, trừng phạt họ. Và cần điều nghiên, quan sát, thu thập các dữ liệu thật kỹ trước khi đưa ra kết luận nhất định. Nếu chỉ nghĩ đến ảnh hưởng tiêu cực do lỗi lầm bạn đồng tu đối với cộng đồng, trách cứ người đó là chúng ta mất đi lòng từ bi và khó có thể giúp người kia hồi đầu. 

Ngày 30-05-2008, trong chuyến thăm lần thứ 5 của chúng tôi tại trại giam K.20, các nhà báo đã phỏng vấn Thượng tá Phùng Văn Yến, Giám đốc trại giam. Ông tiết lộ một tình tiết rất có ý nghĩa, sau này được đăng tải trên báo Phụ nữ: “Tôi vốn xuất thân từ một tu sĩ Phật giáo, sau đó tôi trở thành chiến sĩ công an. Tôi thấy rất rõ là giáo pháp của nhà Phật có khả năng trị liệu và giúp cho con người hồi đầu. Mặc dầu chưa được cho phép, tôi đã mạnh dạn làm việc này”. 

Chúng tôi tin rằng câu chuyện này thực sự là nguồn cổ vũ lớn và sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người quản lý phạm nhân để thay đổi quan điểm đối với những người đã lỡ phạm lỗi, tạo cho họ cơ hội hoàn lương. Mặc cảm tội lỗi có thể đẩy một phạm nhân vào đường cùng, họ tuyệt vọng, thấy cuộc đời mình hoàn vô nghĩa, vì thế họ lún sâu hơn trong bùn lầy của tội ác

Theo tôi, nên sử dụng từ phạm nhân thay tù nhân. Phạm nghĩa là vi phạm một điều gì đó. Khi ta làm công tác từ thiện và giáo dục trong nhà giam, không nên gọi những người đó là phạm nhân hay tù nhân. Nên gọi họ là anh, chị, em, như người thân của mình. Người quản lý có thể dùng từ phạm nhân vì luật buộc phải làm thế, nhưng chúng ta nên dùng từ khác. Ai cũng biết rằng có nhiều nguyên nhân sâu xa khác nhau, nhiều hoàn cảnh gia đình bế tắc, bi kịch đưa một người đến cạm bẫy của tội lỗi. Những người may mắn không bị rơi vào hoàn cảnh này thì không phạm luật. Nhưng hãy thử đặt một câu hỏi cho mình: “Nếu bản thân ta bị rơi vào tình cảnh này, liệu ta có đủ sức vượt qua không?”. Và ngay lập tức, một niềm cảm thông trỗi dậy trong ta, ta sẽ thương những người phạm nhân hơn là trách móc, ghét bỏ họ. Đây chính là suối nguồn từ biĐức Phật đã dạy chúng ta

Thượng tá Phùng Văn Yến còn chia sẻ với Thông tấn xã và Đài Truyền hình VTV1 rằng sau 5 buổi thuyết giảng và gặp gỡ, phát quà từ thiện, anh chị em phạm nhân đã thay đổi rất nhiều. Những người quản lý trại giam không cần phải dùng các phương pháp trừng phạt như trước đây nữa. Ngoài ra, các anh chị em còn tình nguyện làm công quả. Thượng tá cố tình dùng từ “làm công quả”, nó khác hoàn toàn và nhẹ nhàng hơn là việc phạm nhân phải làm hàng ngày trong trại giam, giống như lấy công để trừ tội. Đức Phật dạy: “Các đệ tử, nên giải quyết các vấn đề bằng cách suy nghĩ rằng sẽ không có hại gì cho ta và không tổn hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất hận, có tâm ý lanh lợi và dễ thuyết phục, ta có thể khiến người ấy vượt qua sự bất thiệnan trú vào điều lành”. 

Năng lực trị liệu nằm ở lòng từ bi và ở cái nhìn sâu như thế. Không có gì là bất lợi cho ta cả. Dầu họ có phạm tội, dầu họ có lỗi đi nữa, nhưng nếu ta thấy mình có đủ năng lực giúp người kia quay trở về quỹ đạo của cái tốt, thoát khỏi quỹ đạo của cái xấu thì vẫn hơn là để người đó sa lầy hơn vào bóng tối. Đừng nên công kích, đừng nên phê bình quá nặng lời mà hãy tìm điểm cảm thông, để giúp người đó vượt qua khó khăn đang vấp phải. Là người có cơ hội chia sẻ các pháp hội tại các trại giam, các trung tâm cải tạo, thỉnh thoảng chúng tôi yêu cầu các anh chị em lớn tuổi có nặng hơn không kể lại kinh nghiệm giang hồ của mình cho các phạm nhân nhí. Làm như thế, các hạt giống tiêu cực sẽ được gieo rắc vào tâm của các em, sau khi mãn hạn tù các em sẽ trở thành kẻ tiêu cực hơn, lưu manh hơn. Ngược lại, nên kể rằng thế giới đó là thế giới rất xấu, chú, bác, anh, chị rất đau khổhối hận

Ngày quốc tế thiếu nhi 01-06-2008, người ta đã phỏng vấn về nhiều nhà nghiên cứu về tội phạm học. Một trong số họ phân tích về nguyên nhân tội phạm trẻ em như là một sự bắt chước, do nhận thức của các em chưa phát triển một cách trọn vẹn. Luật pháp quy định, bất cứ ai đồng lõa và liên lụy đến việc sử dụng ma túy trên 90gr, tức là một lần hút, có thể bị án tù 5 năm. Vì thế rất nhiều người bị ngồi tù vì tội danh này. Ở trại giam K.20 có mấy em mới 13 tuổi đã phải ngồi “gỡ lịch” chỉ vì liên lụy sử dụng ma túy. Tôi nghĩ rằng đối với những phạm nhân như thế chúng ta có thể sử dụng phương pháp giáo dục, cách ly các em trong một thời gian chứ đừng quá khe khắt. Bị vào tù ở tuổi nhỏ, khi các em còn chưa đủ lớn để nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai, nếu ngày ngày tiếp xúc và nghe giới giang hồ tiêm nhiễm vào đầu những kinh nghiệm tiêu cực, những hạt giống thiện trong tâm thức của các em không còn có cơ hội nảy mầm. Việc giữ các em ở trong các trại giam như thế có tác dụng tốt hay xấu, đây còn là cả vấn đề cần suy nghĩ

Rất tiếc là trong nhiều trại giam của Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa có các phương tiện giáo dục đúng nghĩa như ti vi, báo chí để giúp phạm nhân học hỏi, thay đổi tâm tư, nhận thức của mình. Nhiều nơi, quanh năm suốt tháng phạm nhân chỉ lao động tay chân từ sáng đến tối. Hễ có vài phút rảnh rỗi là họ ngồi tán gẫu, nói chuyện trên trời dưới đất, đủ thứ chuyện, phần lớn là chuyện xấu. Những chuyện xấu này làm tạp nhiễm tâm thức của rất nhiều trẻ em vô tư, ngây thơ, giống như một loại virus, nhiễm virus này mới thực sự nguy hiểm.

3- NGHỆ THUẬT VƯỢT QUA SỰ BẤT THIỆN

3.1- Hãy biến nhà tù thành nhà tu 

Đức Phật dạy: Trong tình huống khi ta thấy không có hại gì cho ta, mặc dù có chút tổn hại cho người vi phạm, người kia có thể bị phẫn nộ uất hận, có tâm ý chậm chạp nhưng có một yếu tố tích cực là dễ thuyết phục thì ta phải quan niệm rằng người kia bị tổn hại là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là ta có thể khiến người đó vượt khỏi sự bất thiện. An trú vào điều lành,ta nên nỗ lực giúp người kia thành công

Tôi nghĩ rằng các nhà tội phạm học, các nhà quản lý trại giam càng phải đọc bài kinh này thật kỹ và ứng dụng nó để biến nhà tù thành nhà tu, một tu viện đúng nghĩa, nơi rèn luyện nhân cách, chứ không phải là nơi khổ luyện để trừng phạt tội lỗi của con người. Trừng phạt nhiều quá con người sẽ bị chai lì vì không thấy được tương lai của hạnh phúc. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa bỏ án tử hình vì cái chết sẽ không làm cho người đó thay đổi được tâm tính. Tôi đã nhận xét trên các phương tiện truyền thông là nếu chúng ta mạnh dạn đưa Phật pháp, đưa thiền vào trong các trại giam thì nhà giam sẽ giảm đi các nhân viên cai ngục và sự làm mới của phạm nhân sẽ tốt hơn nhiều lần. Sau khi mãn hạn tù, một phạm nhân được tu tập trong nhà tu đặc biệt này sẽ không quay lại con đường xấu và tái phạm tội nữa.

Các thống kê xã hội học của tạp chí “Nhà tù” tại Hoa Kỳ cho thấy các nhà tù tại 9 bang khác nhau đã áp dụng thiền Vipassana để tù nhân thực tập. Khi tâm thức được dần dần thanh tịnh, hành giả hiểu được gốc rễ của khổ đau, đâu là nhân, đâu là quả. Kết quả thống kê được công bố rằng 98% các phạm nhân này sau khi được trả lại tự do không tái phạm tội. Trong khi đó, các nhà tù không áp dụng thực tập thiền khả năng tái phạm có thể lên tới 50%. Con số 9 bang ở Hoa Kỳ ứng dụng thiền trong nhà tù không phải là sự kiện nhỏ. Ấn Độ là nước đầu tiên kể từ năm 1974 đã áp dụng thiền dưới sự hướng dẫn của cư sĩ Goenka. Tới năm 1985, cả nước Ấn Độ đã áp dụng phương pháp này trong các trại giam với các khóa thiền kéo dài trong vòng 10 ngày hàng tháng. Người nào muốn thực tập nhiều hơn được khuyến khích. 

Tôi cho rằng một chính thể Bà-la-môn giáo mà đã mạnh dạn làm như thế không phải là chuyện ngẫu nhiên. Họ đã thấy được tính chất khoa học và giáo dục trong việc chuyển hóa nhân tâm. Cái quan trọng mà chúng ta phải đặt ra là khả năng hồi đầu và hoàn lương của những người đã lún sâu trong tội lỗi. Không nên đánh mất niềm tin ở khả năng chuyển hóacủa họ, cần cho họ cơ hội tiếp tục sống với cuộc sống đã được làm mới tốt đẹp cho chính bản thân họ và cho xã hội

3.2- Tổn thất chỉ là nhỏ, chuyện lớn là để họ hồi đầu 

Nên nhớ: “Người tội lỗi có thể bị phẫn nộ, uất hận, thậm chí cứng đầu, khó thuyết phục nhưng nếu ta tin rằng mình có thể giúp người ấy vượt qua bất thiện, an trú vào điều thiện, mà tổn hại cho bản thân ta thì nhỏ nhặt, nên nỗ lực giúp người đó hồi đầu” là một nghệ thuật quán tưởng rất sâu sắc. Tổn hạithế giới giang hồ tạo ra cho cộng đồng rất lớn, nhưng đức Phật vẫn dạy chúng ta hãy quan niệm nó là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn thế là năng lực hồi đầu ở những người này để chúng ta giúp họ làm lại cuộc đời. Tổn thất đã là tổn thất rồi, không vì tổn thất mà mình vùi dập những người có tội xuống đáy sâu của vực thẳm, không cho họ cơ hội trở thành người thiện. Đó là trí tuệ thâm sâutừ bi của đạo Phật.

3.3- Cần buông người không biết hướng thiện 

Trong trường hợp ta sẽ là người bị hại và bị hại rất nặng, người làm điều xấu cũng bị tổn hại về nhân quả, người đó bị phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, rất cứng cổ và không có thể giúp cho người này vượt qua trong thời gian ngắn để an trú vào điều thiện thì các đệ tử chớ nên khinh miệt, hãy buông bỏ”. Có những người đã đi quá xa, không còn chút lương tâm nào, hay nói theo cách của nhà Phật là trong họ mọi hạt giống thiện đã bị chết, bị thiêu cháy. Khi đó chúng ta không nên nỗ lực quá sức khiến cho người đó ỷ lại, giả vờ hối cải nhưng sau khi ra tù còn làm nhiều điều xấu hơn. Trong thế giới giang hồ có những người giả vờ hồi đầu hướng thiện để được tha rồi tiếp tục phạm tội. Đối với những người đó đức Phật dạy “chớ có xem thường, hãy buông xả. Lúc này ta phải giao lại cho pháp luật xử lý. Vai trò của nhà giáo dục phải có hạn, vai trò của nhà tội phạm học cũng phải có giới hạn. Đôi khi chỉ áp dụng những khung hình phạt nặng nề mới làm cho người ta thức tỉnh. Có thể thấy, triết lý về xử lý tội phạm của Đức Phật rất sâu sắc. Ở nhiều quốc gia, việc xóa bỏ án tử hình đôi lúc lại khiến cho tình trạng giết người, bạo động tồi tệ hơn. Một kẻ có thể giết hàng trăm người mà chỉ phải chịu án tù chung thân. Vì thế có những kẻ đã dễ dàng nhận tiền để giết người. Như vậy, mặt trái của việc xóa bỏ án tử hình là ta góp phần tạo cơ hội cho cái ác, cái bất thiện ngày càng lan rộng. Do đó, xử lý tội phạm phải rất linh động và tính tới từng hoàn cảnh cụ thể

4- TÌM NGƯỜI NHU HÒA ĐỂ THIẾT LẬP CẢM THÔNG

Đức Phật dạy: Sự tranh cãi làm cho ta xa lìa Niết bàn và sự an vui. Mấu chốt của sự thực tập chuyển hóa tâm thức của cả các hành giả xuất gia cũng như các hành giả tại gia là hướng đến sự an vui này. Nếu chúng ta cứ tối ngày lẩn quẩn trong sự tranh cãi thì an vui không bao giờ có mặt. Đức Phật dạy: “Trong đời sống cộng đồng nếu ai đó có khẩu hành, ý kiến ngoan cố, tâm hiềm hận, lòng u não, thái độ phẫn nộ thì các đệ tử nên tìm người có tâm nhu thuận ở phía đối lập, dễ góp ý, để thiết lập sự cảm thôngtháo gỡ trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không tranh cãi”. 

Các mâu thuẫn của hai phe nếu đựơc châm ngòi bởi ý thức hệ chính trị đảng phái, tôn giáo hay bị giằng xé bởi các quyền lực kinh tế thì thường dẫn đến tình trạng loại trừ. Nhìn lại lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại, chúng ta không khỏi cảm thấy buồn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vừa được thành lập sau cuộc chiến tranh bất bạo động vào năm 1964 đã nhanh chóng bị phân hóa thành hai khối là Phật giáo Ấn QuangPhật giáo Việt Nam Quốc Tự. Lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, súng đã bắn ở tại Việt Nam Quốc Tự, có người đã phải nằm xuống, máu đã chảy chỉ vì bất đồng giữa các tăng sĩ. Đúng và sai là chuyện khó nói, nhưng vấn đề là ở chỗ cách thức giải quyết vấn đề của chúng ta không đúng tinh thần Phật dạy. Ngài đã từng dạy, khi mâu thuẫn được châm ngòi bởi ý thức hệ chính trị, tôn giáo hay đảng phái thì người ta khó ngồi lại với nhau

Sau năm 1975 Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ở miền Bắc chùa chiền không thể phát triển được, mọi người không được quyền xuất gia. Sự suy vi nghiêm trọng ở miền Bắc ảnh hưởng tới tận bây giờ. Mặc dù thời kỳ này đang có những nỗ lực rất lớn để khôi phục lại truyền thống đạo Phật ở miền Bắc, song nếu so với đạo Phật ở miền Nam thì còn thua kém nhiều.

 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981.Sau những năm tháng phát triển, đến bây giờ chúng ta thấy sự thống nhất là một nhu cầu rất lớn, vì đức Phật đã dạy cần có sự hòa hợp như nước và sữa. Tuy vậy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn phải đối đầu với nỗi đau rất lớn là hai giáo hội không đồng hành được với nhau

Nhiều Phật tử ở hải ngoại ủng hộ Giáo hội Thống Nhất cũ trước đây thì công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước, gọi là Giáo hộiquốc doanh”.Năm 1995, tại thủ đô New Deli, tôi tiếp xúc với một số vị thuộc Giáo hội Thống Nhất ở hải ngoại. Một Phật tử hỏi chúng tôi: “Thầy vào Đảng chưa?”. Tôi cười và trả lời: “Đã vào Đảng rồi”. Phật tử đó ngạc nhiên: “Tôi hỏi đùa, Thầy nói thật hả?”. Tôi trả lời: “Chẳng những vào một Đảng mà tới ba Đảng lận”. Phật tử đó ngạc nhiên: “Việt Nam chỉ có một Đảng là Đảng cộng sản, làm sao Thầy vào 3 Đảng?”. Tôi trả lời: Tôi đã nhập vào “Đảng Tăng” từ năm 14 tuổi, học “Đảng pháp” cũng từ những năm tháng đó đến bây giờ được mấy chục năm và bây giờ đang phấn đấu vào “Đảng Phật”. Phải tu chứng quả tới cả trăm kiếp nữa thì mới vào được “Đảng Phật” để trở thành một trong vô số các Đức Phật. Nhưng trong kinh, nhất là kinh Đại thừa, có dạy: “Thậm chí một đồng tử lấy chân viết chữ Phật, sau đó nhổ nước bọt, dẫm đạp lên chữ Phật thì người đó cũng có hạt giống Phật và sẽ được thành Phật trong tương lai”. Triết lý của đức Phật thật sâu sắc. 

Tất cả những người tu sĩ Phật giáo, các cư sĩ Phật giáo, đều đã nhập vào “3 Đảng”: “Đảng Tăng, Đảng Pháp, Đảng Phật” cả, it nhất là về phương diện tiềm năng Phật tínhChúng ta đừng quá bận tâm vào hình thức ngôn ngữ

4.1- Đừng bận tâm về sự khác biệt của văn và nghĩa 

Trong thời gian tôi làm Tổng thư ký Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại Hà Nội, một số quan chức lớn của Chính phủ mỗi lần gọi điện thoại lại nói “Đồng chí Nhật Từ khỏe không?”. Tôi đáp: “Khỏe”. Gọi “đồng chí” thì có sao? Chúng ta có thể chung tay xây dựng một xã hội thanh bìnhan lạc bằng các con đường riêng của mỗi người: Đảng viên làm theo cách của đảng viên, nhà tư bản làm theo cách của nhà tư bản, nhà xã hội học làm theo cách của nhà xã hội học, còn tôilà một nhà tâm linh Phật giáo thì tôi làm theo cách của tôi. Tất cả chúng ta cùng một chí hướng. Tiện đây xin nói thêm rằng khái niệm “đồng chí” thực ra là của nhà Phật. Từ “đồng chí” trong tiếng Pàli, Sanskrit đã có, chúng ta dịch là “đồngphạm hạnh”, “đồng tu”, “đồng học”. Nhiều từ trong đạo Phật được các tôn giáo, các đảng phái vay mượn, rồi chúng ta nghĩ rằng là sản phẩm ngôn luận của họ và không dám dùng. Chẳng hạn chữ “thánh Kinh” thực ra được đạo Phật dùng nhiều nhất, rồi “thánh Đạo”, “thánh Quả”, “thánh Nhân”, kinh Phật giáo gọi là “thánh Kinh”. Vấn đề là ở nội dung bên trong. Đừng quá bận tâm về sự khác biệt của văn và nghĩa để chúng ta có thể sống với nhau trong sự hài hòa. 

Không ít người trong chúng ta từng bị mắc sai lầm trong quá khứ, có người mạnh dạn thừa nhận và xin sự tha thứ. Có người không đủ bản lĩnh. Học theo đức Phật, ta phải thấy được điều quan trọng nhất là họ có khả năng hồi đầu, có khả năng làm mới, có khả năng sống hài hòa với chúng ta. Chúng ta phải ghi nhận chuyện đó để hướng dẫn họ về với Phật pháp. Phải có tâm lượng lớn như thế thì chúng ta mới có thể giúp được nhiều người. Nếu cứ đeo mãi cặp kính đen của quá khứ mà nhìn người đó nhiều năm về sau, khi họ đã thay đổi thì không phải là nhãn quan của đạo Phật

Chúng ta phải tìm người nào đó ở phía đối lập có tâm nhu hòa. Trong bất cứ tổ chức nào dù là khó khăn nhất cũng có một vài người đại lượng, có cái nhìn dung thông, không quá cố chấp, không quá cứng nhắc, có thể hiểu được người thuộc phe đối lập. Đức Phật nhìn thấy điều này rất rõ. Chúng ta hãy biết vượt qua những giới hạn cực đoan trong một đảng phái, trong một tôn giáo, trong một cộng đồng, trong một tổ chức, để tìm một tiếng nói hòa đồng, để tạo ra một sự cảm thông thật sự.

5- ĐỐI ĐẦU VÀ LOẠI TRỪ SINH TÂM SÂN HẬN

Thế giới ngày nay là thế giới của đối thoại chứ không phải là thế giới của đối đầu và loại trừ... Đức Phật kết luận: “Cần xác định rằng sự tranh cãi và loại trừ là đáng quở tráchnếu không từ bỏ được sự tranh cãi và loại trừ thì các vị khó chứng đắc được niết bàn”. Dĩ nhiên bản dịch của chúng tôi sử dụng ngôn ngữ hiện đại, nhưng nội dung bài kinh là như vậy. Ai tôn thờ sự tranh cãi đúng sai là Thượng đế thì người đó vĩnh viễn quay lưng lại với Niết bàn. Ai suốt đời chỉ bận tâm đến chuyện đấu tranh mà không nhìn thấy được yếu tố của sự xây dựng và đoàn kết, người đó sẽ mãi sống trong sự khổ đau, uất hận. Mục đích cao nhất của người tu là đạt được niết bàn. Vậy mà có người không thấy được điều này, hoặc quá mải mê với khổ đau, bế tắc trong quá khứ do người ta cố tình tạo ra cho mình, cho dòng họ mình, cho Thầy tổ mình, cho chùa mình, cho đạo Phật mình. Bế tắc đó như một ổ khóa bị kẹt, không tháo mở được, rồi người đó xử sự theo kiểu “quyết tử”. Rõ ràng đây không phải là cái nhìn của đạo Phật.

Tranh đấu do sân hận không thể mang lại niềm an vui hay hạnh phúc. Đức Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát nguyện lấy thân mình làm ngọn đuốc của lòng từ bi, làm chấn động toàn cầu để phản đối chủ nghĩa phân biệt tôn giáo, muốn loại đạo Phật ra khỏi bản đồ chính trị của Việt Nam. Lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã được thắp sáng và người ta gọi lửa đó là lửa từ bi. Vì sao lửa lại được gọi là lửa từ bi? Chúng ta thường hiểu lửa là thiêu đốt, lửa nóng, lửa sân hận. Nhưng ngọn lửa mà Bồ tát Thích Quảng Đức lấy thân mình thắp lên hoàn toàn khác, vì thế mà trái tim, biểu hiện lòng từ bi của Ngài, vẫn còn nguyên vẹn, không lửa nào đốt cháy được. 

Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát nguyện để hành động của mình trở thành một ngọn đuốc thức tỉnh mê lầm, giúp tổng thống Ngô Đình Diệm hồi đầu. Ngài không hề có bất kỳ lời nguyền rủa, chửi bới đối với vị tổng thống đã tạo ra sự oan nghiệt cho Phật giáo Việt Nam. Trái tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức đã được nung nóng tới gần 4.000 độ mà vẫn còn y nguyên, trái tim đó hiện nay đang được trân trọng giữ gìn trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu không được kết tụ bằng lòng từ thì trái tim Ngài đã trở thành tro bụi. Đây là một bài học cho chúng ta. Sự đấu tranh của Ngài không phải vì lòng sân, không phải vì hận thù riêng tư, mà là từ tình thương, muốn giúp chế độ hiện thời thức tỉnh. Cho nên, ta mới có được cuộc đại thắng như thế. 

Năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh đã đề nghị Chính phủ Việt Nam tôn tạo lại tháp của Bồ tát Quảng Đức cùng tượng của Ngài và được chấp thuận. Công trình được xây ngay ngã tư nơi sự tự thiêu đã diễn ra. Mặc dù cuộc chuyển giao hơi chậm song bây giờ công trình đó đang được xây dựng. Một cuộc thi về ý tưởng thiết kế tượng đài đã được tổ chức, trong đó người đoạt giải là người sử dụng ý tưởng ngọn lửa đang bố cháy xung quanh Bồ tát. Một bài báo trên tạp chí “Văn hóa Phật giáo” đã nặng lời phê bình rằng dùng lửa làm biểu tượng từ bi là sai. Thực ra cần phải biết rõ lịch sử: Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu bằng ngọn lửa bốc lên từ can xăng 20 lít. Ngài đã sắp xếp cho Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, một nhân chứng lịch sử đang còn sống, đốt diêm rồi ném vào xăng cho bốc lửa. Trong một cuốn phim tư liệu về Phật giáo Việt Nam, sau này được tặng lại cho Phật giáo Liên Hiệp Quốc có phần phỏng vấn Hòa thượng Thích Đức Nghiệp và Hòa thượng đã cho chúng ta biết về những dữ liệu đó. Trong hội thảo cách đây mấy năm tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Hòa thượng đã trình bày chi 
tiết hơn nhiều, chúng ta không nên phủ định lịch sử

Vào thời điểm đó không phải chỉ có Hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu. Tổng cộng có tới 7, 8 vị Hòa thượng khác cùng đồng lòng làm việc này và các Ngài phải bốc thăm xem ai được có cơ hội thực hiện sứ mệnh vĩ đại này. Cuối cùng Bồ tát Thích Quảng Đức nhận được nhân duyên đó và đây đích thực là vị Bồ tát, cho nên trái tim của Ngài trở thành bất diệt và trái tim đó là trái tim từ bi, lửa đốt thân thể đó là lửa từ bi, không phải phát xuất từ tâm hận thù, trả đũa chính thể mà khiến cho chính thể đó được thức tỉnh bằng tuệ giác

6- KHÔNG KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI

Đức Phật dạy không nên khen mình chê người. Trong mọi tình huống, khi người đang nỗ lực hòa giải bị chất vấn: “Bản thân ông, bản thân bà đã vượt qua khỏi bất thiện chưa, đã an trú vào điều thiện chưa?” thì người đó phải trả lời: “Tôi đến với đức Thế Tôn và học được đức tính cao thượng từ Người. Những gì tôi dẫn ra đây để thuyết phục, để khuyên là những điều tôi nghe từ Đức Phậtthực tập từ Ngài. Trả lời như vậy là không tự khen mình chê người, là giải thích đúng Phật phápKhông nên phỉ báng người pháp hữu chân chính có lời tùy thuyết như thế”. Đó là lời Phật dạy. Ở đây chúng ta thấy có 3 vấn đề

6.1- Người hòa giải phải có bản lĩnh chấp nhận bằng tinh thần Vô úy

Những người nỗ lực hòa giải để hai bên hòa hợp với nhau thường bị coi là kẻ thù của hai bên. Lòng hận thù khiến người ta thiết lập ra các liên minh, vận động mọi người đứng về phía bên mình và kháng cự những người đứng về phía bên khác. Phật giáo Việt Nam cận đại đã chứng kiến mâu thuẫn giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhấtGiáo hội Phật giáo Việt Nam. Các vị tăng sĩ trong nước khi đi thuyết giảnglàm Phật sự, làm từ thiện ở hải ngoại thường bị những người cực đoan gọi là “cộng sản nằm vùng”. Họ tin rằng các vị tăng sĩ này đang làm công tác tôn giáo vận, cộng sản vận, trí vận v.v... 

Là những người Phật tử, học bài kinh này chúng ta phải có bản lĩnh chấp nhận bằng tinh thần vô úy. Cần nỗ lực hàn gắn, thiết lập hòa bình, giảm tranh chấp, vì Đức Phật dạy rằng nếu đào sâu tranh chấp thì chúng ta xa lìa niết bàn, xa lìa mục đíchlý tưởng tu tập. Cho nên không nên sợ những lời vu khống. Trong các chuyến thuyết giảng của tôi tại Hoa Kỳ, nhiều người không thiện cảm với tôi nói rằng: “Ông Nhật Từ làm công tác tôn giáo vận và làm công tác giải độc”. Chúng tôi trả lời: “Rất cám ơn, nếu tôi được góp phần làm công tác giải độc thì đây là phước báo ba đời để lại và Phật pháp ủng hộ. Độc nào hơn độc tham, độc sân, độc si? Đức Phật đã dạy như thế, giải được độc đó thì phước báo nào bằng”. Làm công tác giải độc không dễ, phải có đủ bản lĩnh đi giữa hai làn tên mũi đạn. Bên nào cũng quy kết mình vào phía đối lập. Đó là chuyện của họ, là nhân quả của họ. Còn ta không nên sợ vì nhân quả của tự thân ta sẽ quyết định. Đừng vì lời khen tiếng chê mà chúng ta nhụt chí hay vui mừng. Khen mình chê người là sai, gây mâu thuẫn hay tranh chấp lại càng sai nữa. Cho nên hãy cứ làm hết sức mình. Khi bị cật vấn chúng ta chỉ cần nói: “Chúng tôi áp dụng những gì đã học hỏi được từ nhà Phật”, chuyện đó không ai phủ định được. 

6.2- Đạo Phật chỉ hòa giải chứ không tranh chấp 

Đạo Phật là đạo hòa giải, đạo Phật là đạo hòa bình, đạo Phậtđạo từ bi, đạo Phật là đạo không hận thù, đạo Phật là đạo không tranh cãi vì Đức Phật đã nói: “Chỉ có thế gian tranh cãi với người, ta không tranh cãi với thế gian.Thế gian vì còn si ám. Đạo Phật là đạo tuệ giác, đạo Phật chỉ nên hóa giải chứ không nên tranh chấp, không nên xem họ là đối thủ, không nên xem họ là kẻ đối đầu. Họ đang vô minh nên cần đến những phương thuốc trị liệu tâm linh của ta. Phải mạnh dạn và phải hiểu đúng Phật pháp như thế. Đối đầu chẳng những không phải là giải pháp mà còn dẫn đến sự bế tắc. 

Hận thùchúng ta cảm nhận được trong một bộ phận cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại còn lớn lắm. Nghe tên là người ta đã không ưa, thấy chữ người ta đã ghét. Cái gút mắc của quá khứ nên nó thuộc về quá khứ. Chúng ta sống trong hiện tại, vì vậy không nên dằn vặt vì quá khứ. Các Hòa thượngtrong quá khứ có thể mâu thuẫn với nhau nhưng đó là chuyện của các Ngài. Chúng ta là những người học trò, không nên khoét sâu mâu thuẫn, làm như thế là sai tinh thần đạo Phật. Phải nối kết với nhauđạo Phật. Vì vậy cho tới khi các giáo hội Phật giáo còn nhìn nhau như là những kẻ thù, quy kết nhau như là những người đối lập, gán danh nhau như là phục vụ cho đảng phái này, đảng phái nọ thì nỗi đau của đất nước Việt Nam vẫn còn đó. Phần lớn những người bất hạnh không ai khác mà chính là quần chúng Phật tử. Họ tới với chúng ta, những người tu, để tìm an lạc chứ không phải để kết bè kết phái. 

6.3- Giải phóng hận thù, thiết lập hòa bình, xây dựng tình thương 

Đức Phật dạy: “Phỉ báng những pháp hữu chân chính, có lời tùy thuyết đúng lời Phật dạy là không nên”. Ai vì hiểu sai lầm mà đang làm điều đó thì nên tâm niệmhọc thuộc lòng câu này của Đức Phật trong kinh Trung Bộ. Ta có quyền không thích người nỗ lực hòa giải vì ta không muốn kết thúc hận thù. Đó là quyền của riêng ta như là một biệt nghiệp xấu. Nhưng ta không nên quy kết và phỉ báng những người dẫn nguyên văn lời Phật là xấu. Nếu dẫn lời Phật để hóa giải, để giải độc là xấu thì khác gì ta đang phủ nhận đạo Phật? Khi đó chúng ta không nên tự xưng mình là một Phật tử, là đệ tử của Ngài. Ta phải thừa nhận rất rõ ta hận thù là vì ta chưa rửa tẩy sạch thói quen, chưa bỏ được hạt giống xấu trong tâm. Dù trong quá khứ ta có thể bị người có ác tâm làm hại, nhưng nên biết rằng ở đâu còn có vô minh, lòng tham, lòng sân còn thì ở đó còn có bất hạnh, bất công. Là Phật tử thì chúng ta phải tuyên dương lời Phật dạy là: Giải phóng hận thù, thiết lập hòa bình, xây dựng tình thương, hiểu, cảm thông, tha thứrộng lượng. Còn nếu ta làm không được thì cũng nên đủ bản lĩnh thừa nhận rằng mình không làm được. Đó là ta có lương thiện tri thức và có lương tâm. Còn ta hận thù, ta buộc người khác cũng phải hận thù thì ta đang gieo một cộng nghiệp rất nguy hại mà không ai lường trước được hậu quả

Trọng tâm của bài kinh này là phân tích nghệ thuật hòa giải nhằm thiết lập sự bình an cho tất cả mọi người trên hành tinh. Nhất xiển đề như Đề-bà-đạt-đa mà đức Phật còn thọ ký là sẽ thành Phật trong tương lai, vì không có cái gọi là định nghiệp, định mệnh. Xấu trong quá khứ không có nghĩa là xấu vĩnh viễnhiện tại và trong tương lai. Chỉ khi tin vào tương lai tươi sáng, ta mới tạo được một hiện thực tốt. Đề-bà-đạt-đa giết thầy, phản bạn, xúi người ta giết cha để cướp ngôi vua. Nếu ta nguyện cầu cho ông ta đọa địa ngục đời đời kiếp kiếp thì dưới đó sẽ toàn là khổ đau. Phải cầu cho những người đó sớm thành Phật, sớm được an vui thì cuộc đời này mới vơi bớt khổ đau. Đối với những kẻ xấu, kẻ ác, kẻ tiêu cực trong cuộc đời ta càng phải cầu nguyện, càng phải hỗ trợ nguồn năng lực tâm linh cho họ, càng giúp đỡ họ, như thế mới là ta đang hướng về đạo Phật. Đây là sự khác biệt của đạo Phật so với cuộc đời và các tôn giáo.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/02/2018(Xem: 13258)
02/06/2017(Xem: 28536)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.