3. Hãy Luôn Quán Niệm Về Cái Chết Trong Cuộc Sống Giữa Đời Thường

27/01/20183:47 CH(Xem: 6230)
3. Hãy Luôn Quán Niệm Về Cái Chết Trong Cuộc Sống Giữa Đời Thường
Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện
HÀNH TRÌNH VỀ NẺO GIÁC 
Thích Đạt Ma Khế Định 
Nhà xuất bản Tôn Giáo

Hãy Luôn Quán Niệm Về Cái Chết
Trong Cuộc Sống Giữa Đời Thường

 

Giảng tại Chùa Phật Đạo, CHLB Đức

 I. DẪN NHẬP

Trong Thiền sư Trung Hoa tập 1, có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh hay không?”. Thiền sư Triệu Châu trả lời: “”. Vị Tăng hỏi: “Tại sao con chó có Phật tánh mà lại chui vào đãy da như thế?”. Thiền sư Triệu Châu nói: “Vì biết mà cố phạm”.

Cũng vậy, chúng ta là người tu đều biết sân hận là khổ, biết phiền não là khổ, biết nói lời nặng đến người khác là làm người ta đau khổ, mà chính ngay trong giờ phút đó ta cũng không vui sướng gì, nhưng tại sao biết là dở mà vẫn làm? Trong Chỉ Nguyệt Lục có ghi, một hôm bà Yêm Ma La Nữ đến hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Chúng sanh biết sân là khổ, biết phiền não là khổ, biết con đường luân hồi sinh tử là khổ, mà sao vẫn đi vào?” Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: “Biết, nhưng cái biết đó còn rất yếu”.

Tức là khi dòng tư tưởng khởi lên, mình không dừng được mà bị nó kéo lôi đi. Sở dĩ không dừng được là bởi vì hằng ngày chúng ta không có sự quán chiếu, quán niệm một cách liên tục về cái chết. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay tật đố, ghanh ghét, không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc là bởi vì lúc nào mình cũng tưởng cuộc đời này còn dài, mình còn sống dai lắm. Nhưng nếu lúc nào cũng quán niệm là trong cuộc đời này chúng ta chỉ ở tạm thôi, mai kia sẽ phải ra đi thì sẽ buông bỏ rất nhanh. Ví dụ như có hai người giận nhau, luôn ôm ấp trong lòng những phiền não, oán hận nhưng nếu bữa nào nghe được tin người kia bị bệnh sắp chết hoặc mai mình không còn sống trên đời nữa thì có còn giận nhau nữa không, hay là buông? Do đó, ngày hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị một đề tài: “Hãy luôn quán niệm về cái chết trong cuộc sống giữa đời thường”.

II. HÃY LUÔN QUÁN NIỆM VỀ CÁI CHẾT TRONG CUỘC SỐNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Trong Kinh Trung Bộ có ghi: Một thời Đức Phật ở tại xứ Koliya, một hôm Ngài nhập đại định, biết cô gái con người thợ dệt có nhân duyên với mình trong thời quá khứ. Trong pháp hội tại đây ba năm về trước, cô gái này đã được nghe Đức Phật dạy quán niệm về cái chết, về nhà cô thường xuyên quán niệm về những lời dạy đó. Bây giờ, khi Đức Phật quay trở lại, Ngài biết chắc chắn rằng tối nay cô gái sẽ chết, và tuy rằng cô quán niệm sâu sắc về cái chết nhưng vẫn chưa chứng quả nên sẽ tiếp tục rơi vào con đường sanh tử. Do vậy, Đức Phật mở lòng từ bi thương xót đến đó để độ cho cô gái.

Khi hội chúng đang đông đủ, cô gái bước vào cửa, thành tâm bước đến đảnh lễ Phật.

Đức Phật hỏi cô:

– Con từ đâu đến?

– Bạch Thế Tôn, con không biết.

– Rồi con sẽ đi về đâu?

– Bạch Thế Tôn, con không biết.

– Con không biết sao?

– Dạ con biết.

– Con biết thật không?

– Dạ con không biết.

Đại chúng ngồi nghe bốn câu vấn đáp giữa Đức Phật và cô gái, ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì, cho rằng cô gái trả lời ngớ ngẩn. Đức Phật  thương xót muốn khai thị cho đại chúng nên hỏi tiếp:

– Này con, khi Như Lai hỏi con: “Con từ đâu đến?”, tại sao con nói “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, ngài hẳn đã biết con từ nhà đến đây. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con từ cảnh giới nào tái sanh đến đây, điều đó con không biết.

Bồ Tátnguyện lựctái sanh vào cõi Ta bà này dìu dắt chúng sanh, còn chúng ta thì vì nghiệp lực mà đến. Do vậy quý vị có biết mình từ cảnh giới nào mà đến không?

– Này con, khi Như Lai hỏi: “Rồi con sẽ đi về đâu?”, tại sao con nói “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, Ngài hẳn đã biết con đi đến xưởng dệt vì con đang cầm giỏ suốt chỉ trên tay. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con sẽ tái sanh về đâu, điều đó con không biết.

– Này con, khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?”, tại sao con đáp “Con biết”?

– Bạch Thế Tôn, vì con biết chắc chắn rằng con sẽ chết.

– Khi Như Lai hỏi “Con biết thật không?”, tại sao con đáp “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, vì con không biết rõ chừng nào con sẽ chết và sẽ tái sanh về đâu.

Đức Phật khen ngợi cô gái sáng trí, nhờ thường quán niệm về cái chết nên đã hiểu ý Phật, rồi Ngài nói bài kệ:

Thế gian này mù quáng

Chẳng mấy người thấy rõ

Như chim thoát khỏi lưới

Rất ít đi thiên giới.

Tức là ai là người thấy rõ được từng tâm niệm của mình sanh diệt liên tục, và ai sẽ thấy rõ được mình sẽ chết rồi tái sanh về đâu?

Sau khi nghe xong bài kệ của đức Phật, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn, tức là đã kiến đạo. Chiều hôm đó, tại xưởng dệt, cô bị tai nạn qua đời. Cha cô vô cùng đau khổ, đến thưa với Phật. Đức Phật giảng Tứ-diệu-đế để khuyên giải ông và cho ông biết con gái ông đã tái sinh về cung trời Đâu-suất. Nghe vậy người cha xin xuất gia tu tập, sau bốn tháng ông quán chiếu sâu sắc về lý vô thường và cái chết, ông chứng quả vị A la hán.

Như vậy có nghĩa là nhờ quán chiếu sâu sắc về vô thường và cái chết, có những người đã được giải thoát ngay trong cuộc đời này.

Khi chúng ta bước lên giường ngủ, chúng ta không thể bảo đảm ngày mai mình còn sống hay không. Cho nên Ngày Zopha Rinpoche trước khi đi ngủ, thường sắp xếp tất cả đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng để cho người sau sử dụng. Bởi vì Ngài thường quán chiếu rất sâu về cái chết đến, cho rằng khi mình lên giường nằm ngủ rồi, biết đâu cơn vô thường xảy đến thì không còn sống và sử dụng những thứ này được nữa. Do quán chiếu sâu sắc về cái chết như vậy nên khi cái chết đến, các Ngài không sợ hãi.

Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật thọ ký rằng sau khi Như Lai nhập Niết bàn, ở xứ Trung Ấn, có một vị thánh đệ tử ra đời tên là Ưu Ba Cúc Đa, nghĩa là Vô tướng hảo Phật, độ người chứng quả rất nhiều.

Tại nước Kế Tân, có một người thanh niên giàu có sống với một người vợ rất trẻ đẹp, nhưng người thanh niên này nhận thấy cuộc đời có nhiều nỗi thống khổ nên quyết chí xuất gia. Được một thời gian anh thấy cuộc sống xuất gia cũng có những khó khăn riêng, không phải lúc nào cũng an ổn giống như mình tưởng tượng nên xin hoàn tục, trở về đời sống cư sĩ tại gia. Tổ Ưu Ba Cúc Đathần thông, biết được nên đã bảo ông ở lại với Ngài một đêm trước khi hoàn tục. Tối hôm đó, Tổ dùng thần lực làm cho vị Tỳ kheo này nằm mộng thấy mình về nhà, vợ đã chết được ba ngày, thây sình thối lên. Vị này sợ quá giật mình tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mộng. Sáng hôm sau, vị Tỳ kheo này đảnh lễ Tổ, xin về nhà một ngày rồi mới quay trở lại để hoàn tục. Ông đi bộ ba ngày mới về đến nhà, hay tin vợ mình đã chết được ba ngày, thây sình thối. Chứng kiến cảnh trước kia bà vợ rất đẹp giờ chỉ còn lại một thây sình thối, vị Tỳ kheo này quán chiếu sâu sắc về cái chết và ngay trong giờ phút thực tại đó chứng quả vị A la hán. Sau đó vị Tỳ kheo này trở về đảnh lễ Tổ Ưu Ba Cúc Đa xin sám hối.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, một người thấy cuộc sống xuất gia khổ đau, không có an ổn, hạnh phúc, nhưng sau khi quán niệm sâu sắc về cái chết thì tức khắc lìa bỏ hết tất cả. Khi chúng ta còn thèm, còn muốn là chúng ta chưa quán niệm thật sâu sắc về cái chết, nếu quán niệm liên tục thì tự nhiên buông bỏ rất nhẹ.

Những lượn sóng nghịch duyên khổ đau đó, nếu quý vị chiếu kiến vào mới thấy tuy nghịch duyên khốn khổ thật, nhưng bản chấtvô thường, không tự tánh. Cái gì thấy được bản chất vô thường, không tự tánh đó? Hiểu được và sống được với nó tự dưng mình vượt thoát ra được nghịch duyên đó.

Ngài Lạt ma Zopha Rinphoche nói rằng: “Phương thuốc chính yếu để chữa trị các pháp thế gianthiền định về sự vô thường và cái chết. Nếu ta không nhớ tưởng về cái chết, ta không nhớ tới pháp.” Đang nghe pháp như vậy, nhưng khi ra đến ngoài cửa là quý vị không còn nhớ pháp, mà không nhớ pháp thì không hành pháp, dần dần sẽ bị thối Bồ đề tâm. Cổ đức có nói: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật”. Có những người thời gian đầu mới biết pháp, tu tập rất tinh tấn, nhưng một thời gian sau bị lờn thuốc, cũng là do không quán niệm sâu sắc về cái chết. Một khi đã quán niệm sâu sắc rồi thì lúc ngồi thiền, vọng tưởng không còn xô đẩy đến nhiều nữa. Chính bản thân chúng tôi cũng có kinh nghiệm điều này khi nhập thất, rằng khi lên bồ đoàn, quán niệm chưa chắc mình sẽ còn đứng dậy để sống trong cuộc đời này nữa thì tự dưng niệm lăng xăng bặt đi. Rất hay!

“Và cho dù ta nhớ tưởng tới pháp, nhưng nếu ta không nhớ tưởng về sự vô thường về cái chết thì ta cũng không thực hành pháp được”.

Có nhiều quý vị nhớ tới pháp, lý luận rất hay, nhưng do không nhớ đến cái chết nên không chịu tu. Mình tưởng mình sống đời, sống mãi mãi mà không biết cái chết đến bất chợt, không báo trước. Hiểu được điều đó rồi chúng ta mới thực hành được pháp.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật hỏi các chúng đệ tử:

– Mạng người sống trong bao lâu?

Vị thứ nhất trả lờiMạng người sống trong một ngày.

Phật nói: Ông chưa thấy đạo.

Vị thứ hai nói: Mạng người sống trong bữa ăn.

– Ông cũng chưa thấy đạo.

Vị thứ ba trả lờiMạng người sống trong hơi thở.

Phật xác chứng: Ông đã thấy đạo.

Hơi thở mình hít vào, không thở ra là chết. Chính ngay trong khoảng khắc đó, Phật tử quán sâu sắc là quý vị đã thấy đạo, là giải thoát.

Bên Thiền Nguyên thủy dạy rất kỹ về vấn đề này. Chẳng hạn ly nước này rất thơm ngọt, quý vị có cảm nhận được không? Đương nhiên là cảm nhận được, mình đâu phải là gỗ đá. Nhưng cảm nhận đây là vị ngọt và thấy được sự nguy hiểm của vị ngọt thì tức khắc xuất ly, mà xuất lygiải thoát. Ví dụ biết đây là thuốc độc, mình có uống hay không? Mình không uống nữa là giải thoát rồi. Rất đơn giản. Nhiều khi chúng ta cho rằng Thiền Nguyên thủy có thứ lớp, nhưng thực ra pháp không có thứ lớp, thứ lớp hay không là do mình. Các phương pháp Đức Phật dạy đều chỉ thẳng vào tâm yếu của mình. .

Nhiều người nói tu theo phương pháp sổ tức là hạng sơ cơ, nhưng hoàn toàn không phải. Khi quý vị hít sâu vào, thấy được từng niệm, từng niệm, đó là tuệ. Mà cái gì thấy được là tuệ, cái gì dừng được những niệm này là định. Định tuệ đồng đẳng. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, Mật tông cũng vậy. Muốn đi vào chỗ Đại Phật Như Lai hay Đại Thủ Ấn thì thân khẩu ý phải tương ưng. Cho nên các phương pháp Phật đưa ra đều chính xác hết, chỉ sợ mình có chịu thực tập hay không.

Trong Thiền thoại có kể lại rằng, vào đời nhà Tống, có một vị Hòa thượng tu hành đắc đạo có một người bạn tên là Trương Tổ Lưu. Một hôm Hòa thượng khuyên bạn đã lớn tuổi rồi, cái chết vô thường không biết đến lúc nào, cố gắng tu hành, bố thí và làm các thiện pháp. Ông bạn cho rằng mình hãy còn khỏe, còn sống được lâu nên hẹn sẽ tu tập sau khi hoàn thành ba điều ước nguyện. Điều thứ nhất là con trai lớn chưa lấy vợ, đứa con gái kế lại chưa gả chồng, điều cuối cùng là nhà chưa xây cất xong. Quả tình đúng một tháng sau, ông Trương chết. Hòa thượng đến đưa đám, không tụng kinh gì mà chỉ đọc một bài kệ:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu

Khuyên ông tu học, hẹn ba điều

Ba điều chưa vẹn, vô thường đến

Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau.

Một khi vô thường đến thì Diêm Vương không nể một ai cả, có chăng là trường hợp của ông tri sự trong câu chuyện sau. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có kể rằng, trong hội của Thiền sư Tuệ An, có ông thầy tri sự tuổi cũng khá lớn, đạo hạnh cao minh, giữ gìn giới luật, nhưng hiềm nỗi việc Phật sự bề bộn nên không có thời gian tu nhiều. Một hôm ông đang ngồi thiền, lính của Diêm vương hiện lên nói rằng: “Bạch Hòa thượng, thời hạn của Hòa thượng hết rồi, xin Ngài đi theo tôi”. Hòa thượng nói rằng: “Ông về tâu với Diêm Vương, việc Phật sự của tôi bề bộn quá, tôi phải lo cho đại chúng nhiều, nên xin gia hạn cho tôi bảy ngày”. Diêm Vương nể tình ông Thầy tri sự nên đồng ý lùi lại bảy ngày. Trong suốt bảy ngày này, ông thầy tri sự tu miên mật, không xen hở một niệm. Hết bảy ngày, quỷ sứ đến tìm ông nhưng không thấy. Ngài ngồi ngay đấy, mà nó tìm không thấy. Thấy chỗ nào? Ngồi đây là thấy cái bóng thôi, chỗ chánh nhân Phật tánh làm sao mà thấy? Ngay chỗ vô niệm ai thấy được? Quỷ sứ tìm suốt bảy ngày không thấy bèn bỏ đi. Ngài ngồi xong cũng tịch luôn. Như vậy là dù cho Diêm Vương có nể, cũng chỉ cho hạn bảy ngày. Nếu có người nào biết mình chỉ sống được một tháng nữa, bảo đảm người đó tu rất tinh tấn để giải thoát.

Một trường hợp có thật, tại nước Bỉ có một cô gái tuy cả đời không làm điều ác, nhưng không hề biết đến việc tu tập mà chỉ cảm thấy đó là chuyện mơ hồ. Bỗng một hôm khám bệnh, cô phát hiện mình bị ung thư ở giai đoạn cuối không thể cứu chữa, bác sĩ khẳng định cô sẽ chết trong một, hai tháng tới. Gia đình mời hai vị thầy đến hướng dẫn, khuyến khích và trợ duyên cho cô ngồi thiền. Biết chắc chắn là mình chỉ còn sống được một tháng thôi, nên cô buông bỏ hết tất cả, chỉ tập trung ngồi thiền, không nhớ nghĩ gì khác, thậm chí có ngày ngồi suốt cả buổi không ăn uống gì. Cho đến ngày cuối cùng trước khi cô ra đi, cô nắm tay người chị gái, cười rồi nhẹ nhàng ra đi, không hề cảm thấy đau đớn gì.

Một trường hợp khác, tại Canada có một người Phật tử trước đây cũng tu thiền. Một hôm anh cũng phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối và được bác sĩ trả về nhà. Biết mình chắc chắn sẽ chết, anh quyết định bỏ hết tất cả, vào phòng riêng đóng cửa ngồi thiền cho đến chết. Trước đây anh chỉ ngồi một tiếng thì bây giờ anh ngồi liên tục cả ngày cho đến hai, ba ngày. Ngồi suốt như thế đến một hôm khi đang ngồi, anh thấy bụng mình sôi lên, khi xả chân ra đi cầu thấy phân đen như hắc ín. Sau khi đi khám lại thì hết bệnh luôn.

Hai trường hợp trên là tùy theo phước duyên của mỗi người. Nhưng qua đó chúng ta thấy khi quán niệm sâu sắc về cái chết rồi, mình tu hành sẽ rất tinh tấn. Còn giờ chúng ta ngồi nhức nhức chân là xả ra, nói thôi mai tu tiếp, hoặc mình niệm Phật được một lúc, thôi xả ra đi chơi, mai tu tiếp. Nhưng ngày mai chúng ta có tu tiếp không? Cũng chưa chắc, đúng không?

Quán chiếu được sự vô thường đó, Sơ tổ Trúc Lâm có làm bài kệ:

Thân như hơi thở ra vào mũi

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa

Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng

Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Quý vị có thấy cuộc đời mình giống những đám mây không? Có lúc chúng ta làm được những thiện pháp trong đời quá khứ thì đám mây tụ lại thành hình ảnh giàu sang, sung sướng. Qua giai đoạn đó rồi, trong thời quá khứ ta cũng đã từng làm ác pháp, đám mây lại tan ra, tụ lại thành hình ảnh khác. Chúng ta thấy cuộc đời rất ảo ảnh, vô thường. Nhưng đạo Phật chỉ ra điều đó không phải để quý vị bi quan, mà là để quý vị phấn phát đi sâu vào thiền định, thấy rõ được tính vô thường của các pháp và mình phải sống cuộc đời như thế nào cho có giá trị.

Tinh thần của nhà Phật là “từ khước”, có nghĩa là từ khước mọi tham ái, chấp thủ, tật đố, ích kỷ… nhưng không từ khước cuộc sống. Biết cuộc đờivô thường, nhưng phải nương sự vô thường này để đi đến chỗ chân thường. Đạo Phật không hề bi quan, yếm thế, mà đạo Phật là “tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với chánh pháp.”

“Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng”: Chim quyên cất tiếng kêu là động hay tịnh? Động. Vầng trăng sáng là tịnh hay động? Tịnh. Muốn thấy được mùa xuân miên viễn trong tự tánh của chính mình thì quý vị phải vượt thoát chỗ động tịnh, thương ghét, chủ khách.

Như vậy, sau khi quán chiếu sâu sắc sự vô thường và cái chết, tự nhiên quý vị sẽ có một nguyện lực mạnh mẽ hơn ngày xưa nhiều. Sẵn sàng xả thân để làm lợi ích cho tất cả, nhưng với một điều kiệnkhông chấp thủ. Đó chính là hạnh nguyện của Bồ Tát.

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi, có một bà già đến hỏi Thiền sư Triệu Châu:

– Bạch Hòa thượng, con thấy thân người nữ khổ quá, bị chướng ngại khó tu, xin Hòa thượng chỉ cho con cách tu làm sao để kiếp sau con thành thân nam.

Hòa thượng nói:

– Không cần phải đợi đến kiếp sau, đến trước Chánh điện tôi sẽ chuyển cho bà.

Khi bà già đã đứng trước Chánh điện, Thiền sư Triệu Châu đánh ba tiếng chuông, nói:

– Nếu bà muốn chuyển thành thân nam, bà phải nghe lời tôi, phát nguyện lực như thế này: “Con phát nguyện cho tất cả mọi người đều sanh lên cõi trời, còn con thì trầm luân dưới hỏa ngục”.

Bà già sợ hãi, cho rằng lời phát nguyện này không liên quan gì đến việc bà muốn chuyển sang thân nam để dễ tu hành. Hòa thượng lúc này mới khai thị:

– Đó mới chính là chuyển thân nam.

Câu chuyện này tưởng như rất đơn giản, nhưng quý vị thử ngẫm nghĩ lại, đại trượng phu là gì? Nói người nam là trật. Đại trượng phu là người có một tâm hồn bao dung, có cái thấy xa, có nguyện lực lớn, muốn cho tất cả mọi người đều được sung sướng, an ổn còn mình sẵn sàng chịu những nỗi đau khổ của con người trong cuộc đời. Đó chính là đại trượng phu, là Phật, là Bồ tát rồi. Mà đã là Phật, là Bồ Tát thì đâu còn phân biệt nam nữ nữa. Trong thiền viện có những vị thầy tri khố trong nhà bếp, ăn uống cho bản thân rất đơn giản, nhưng lại mong muốn cho tất cả chư Tăng, chư Ni, quý vị ăn cho đầy đủ, sung túc. Tu là từ nơi tâm. Thấy được như thế rồi, các Ngài sẵn sàng phát nguyện lực lớn là chịu thống khổ cho chúng sanh là tức khắc giải thoát.

III. NĂM PHƯƠNG PHÁP QUÁN NIỆM VỀ CÁI CHẾT

Đại sư Liên Hoa Sanh đưa ra năm phương pháp quán niệm về cái chết để đưa hành giả đến con đường giác ngộgiải thoát.

1. Quán niệm càng lúc càng tới gần cái chết.

Khi ta bước đi, mỗi bước đi là gần kề cái chết”. Chẳng hạn như bước một bước mà biết bước thứ hai mình sẽ chết, nếu quán niệm sâu sắc như thế thì còn có vọng tưởng không? Bảo đảm là hết luôn.

“Khi ta về đến nhà, phần lớn cuộc đời đã kết thúc.”

Chúng tôi kinh nghiệm là khi đi máy bay hay xe đò…hãy liên tục quán chiếu là không có gì bảo đảm mình sẽ còn sống cho đến khi về đến nhà. Liên tục quán chiếu như vậy thì sẽ không khởi niệm về pháp thế gian nữa mà luôn luôn an trú trong pháp xuất thế gian. Khi an trú như vậy thì những niệm sợ hãi không còn nữa nên mình rất an ổn và không sợ chết.

“Khi ta đang uống một tách trà, khi ta đang ăn cơm, khi ta nói chuyện, khi ta đang thiền tập, mỗi việc ta đều quán niệm thì tự dưng việc buông xả rất nhẹ”.

Ngài Đạt Lai Đạt Ma nói: “Hãy cẩn thận, hãy thành tâm, một ngày nữa đã trôi qua”.

Trong Thiền quan sách tấn có kể một câu chuyện về Thiền sư Y Am tu hành rất tinh tấn. Khi trời chiều ngả bóng, Ngài khóc, than rằng: “Ngày nay vẫn chưa được gì, ngày mai chưa biết công phu tu tập ra sao”.

Còn Thiền sư Nham Khâm nói: “Thời giờ không đợi người, một chớp mắt đã qua đời khác, lúc thân thể còn tráng kiện, sao không dốc chí học hỏi cho thấu nguồn tột đáy, chúng tadiễm phúc gì mà ngày nay gặp được chánh pháp?”

Quý vị nghiệm lại mình có diễm phúc không? Nhiều khi chúng ta thấy việc nghe pháp sao đơn giản quá, nhưng theo lời của Đức Phật, chúng tadiễm phúc, có duyên may lớn mới được nghe lời thánh pháp của Đức Phật. Mà khi nghe như vậy thì những lời dạy của Đức Phật đã rớt trong tàng thức của mình, không bao giờ mất đi.

Có nhiều người lớn tuổi đến thiền viện than thở là biết đến Phật pháp quá trễ nên đã sống một cuộc đời có nhiều lầm lỗi. Nhưng có gì là muộn?

Kinh Pháp cú nói:

Ai sống một trăm năm.

Ác giới, không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới tu thiền định.

Chỉ sống một ngày có giữ giới, tu tập thiền định mà tốt hơn cả trăm năm không giữ giới, không chịu tu thiền định. Vậy hiện nay quý vị có túc duyên sống được bao nhiêu ngày trì giới, tu thiền định? Quá nhiều.

Ngài Lam Lim nói: “Một đời người, một trăm năm, có thể được chia làm hai phần, một nửa tiêu phí vào giấc ngủ, đây là chưa tính việc ngủ ngày, và phần lớn năm mươi năm thức giấc kia trôi đi trong việc tranh cãi, bệnh tật và nhiều hoạt động vô ích khác. Nếuchúng ta gộp lại tất cả thời gian sử dụng trong việc tu tập thì rất là ít. Và sau đó chúng ta phải chết, mặc dù bạn có một thân người toàn hảo”.

Trong Kinh Pháp cú thí dụ có ghi, bốn anh em Phạm chí chứng ngũ thông, biết còn bảy ngày nữa là chết, nên đến chào tạm biệt đức vua. Người thứ nhất nói: “Tôi lặn xuống biển, ở giữa chừng thì vua Diêm Vương sẽ không làm gì được”. Người thứ hai nói: “Tôi chui vào kẹt núi Tudi”. Người thứ ba nói: “Tôi bay trốn trong hư không”. Người thứ tư nói: “Tôi lẩn vào trong chợ”. Quả tình bảy ngày sau, quỷ vô thường đến. Người coi chợ thấy có một người Phạm chí chết ngoài chợ, đến tâu với vua. Vua đến bạch Phật, Phật khai thị rằng: “Người đời có bốn việc không thể trốn khỏi. Một là ở trong thân trung ấm không thể sanh, sanh đều phải già, già đều phải bệnh, bệnh đều phải chết”. Tức là bốn việc đó, không ai trốn được hết. Nếu chúng ta làm việc cực thiện, khi chết sẽ được tái sanh lên cõi trời; nếu chúng ta làm việc cực ác, sẽ bị đọa xuống hỏa ngục; còn những người nào lưng chừng thì thọ vào thân trung ấm, đúng 49 ngày sau là phải tái sanh, nên mới nói “ở trong thân trung ấm không thể sanh…”

Thế Tôn nói kệ:

Không trên trời giữa biển

Không lánh vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn khỏi tay thần chết

Mãi lo nghĩ trước mắt

Cùng những việc sẽ tới

Người làm lòng chẳng yên

Lo già chết theo liền

Biết thế nên tự tĩnh

Như thế sanh đã hết

Tỳ kheo thắng binh ma

Được thoát vòng sanh tử.

Nghĩa là Đức Phật nói biết chắc chắn mình sẽ chết, nên mình dừng lại và tỉnh, tức là “sanh đã hết”, thắng được binh ma phiền não thì được “thoát vòng sanh tử”.

2. Quán niệm giờ chết thì bất định

Tức là chúng ta có thể đón cái chết bất cứ lúc nào, ví như bị rắn độc cắn, bị tai nạn xe cộ, sóng thần, động đất… Trong Kinh Xuất Diệu có kể một câu chuyện: Tôn giả A Nan đi khất thực cùng Đức Phật vào thành Xá Vệ thấy một đám đông bao quanh một vị nghệ sĩ tài ba, ai ai cũng tán thán. Nhưng sau khi khất thực xong đi về, Tôn giả thấy chàng trai này đã chết, rất đỗi ngạc nhiên, Ngài đến bạch Phật: “Điều hôm nay con trông thấy thật quá lạ lùng, chưa bao giờ thấy”. Đức Phật mới nói rằng: “Mạng sống con người qua nhanh như gió, khó kiềm giữ lại được. Thế thì lời ông vừa nói, có gì đâu mà lạ”. Rồi Thế Tôn nói kệ:

Sáng vừa mới thấy

Tối đã mất rồi

Hôm qua mới đó

Giờ đã không còn

Ta đang tuổi trẻ

Không cậy vào đâu

Tuổi trẻ cũng chết

Trai gái vô số.

Trong Kinh Pháp cú, Đức Phậtbài kệ:

Nhìn đời như ảo ảnh

Nhìn đời như bọt nước

Ai nhìn đời như thế

Thần chết chẳng làm gì.

Tức là muốn thoát khỏi sanh tử, bớt đi niệm lăng xăng và những chấp thủ giữa cuộc đời thì chúng ta phải nhìn cuộc đời này như ảo ảnh, như bọt nước.

Thiền sư Khuê Phong nói rằng có ba hạng tu đạo. Hạng thứ nhất là gặp cảnh mà không dính mắc, đó là bậc thánh. Hạng thứ hai, gặp cảnh mà dính mắc, đó là những người không biết tu đạo. Hạng thứ ba, gặp cảnh thì dính mắc, nhưng ngay đó biết buông xả, đó là những người như mình, là người biết tu đạo. Như vậy thì chúng ta cũng có phần trong đó chứ không phải bi quan. Nhiều khi mình cũng sân hận, nhưng cố gắng đừng có giận lâu mà phải biết cách buông xả, còn người xuất gia thì “tăng hận bất cách túc, sanh tử nhất mộng trường”, tức là không giận quá một đêm, thấy được sanh tử chỉ như cơn ảo mộng, thì ngay đó các niệm lắng xuống, không còn giận nữa.

3. Quán niệm ai rồi cũng phải chết

Trong Cổ học tinh hoa kể lại rằng, vua Hán Vũ Đế rất giỏi coi nhân tướng học. Một hôm ông nói trước quần thần là người nào nhân trung dài thì sống rất thọ. Vừa nói xong thì ông quan Đông Phương Sóc cười to. Vua đang nói mà cười to trước mặt vua như vậy là phạm tội khi quân, phải bị chém đầu. Trước khi bị lôi ra ngoài xử trảm, vua hỏi ông: “Khi trẫm nói, tại sao khanh lại cười?”. Ông trả lời“Thần nghe nói ông Bành

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/03/2016(Xem: 8866)
15/02/2021(Xem: 5534)
21/10/2022(Xem: 2570)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.