Sống Trung Đạo Là Thế Nào ?

03/02/20243:54 SA(Xem: 1441)
Sống Trung Đạo Là Thế Nào ?
SỐNG TRUNG ĐẠO LÀ THẾ NÀO ?
(Truyền Bình)

Nền tảng nhận thức cho lối sống trung đạo

Những người tu tập theo Phật giáo (hành giả Đạo Phật) có lẽ đều biết tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ Tát. Tác phẩm này nêu ra nhiều đề mục để phá chấp kiến 執見và đề xuất một nhận thức, một lối sống thực tế đời thường không bị lệch lạc tức không rơi vào biên kiến 邊見. Biên kiến là lệch một bên, dù lệch về bất cứ bên nào của cặp phạm trù mâu thuẫn như : Có-Không, Tốt-Xấu, Thiện-Ác, Âm-Dương, Sáng-Tối, Sóng-Hạt, v.v…cũng đều là biên kiến. Biên kiếntà kiến 邪見 (cái thấy méo mó lệch lạc). Một lối sống dựa trên tà kiếntà đạo 邪道 (con đường cong vẹo) và không dẫn tới hạnh phúc đích thực mà chỉ dẫn tới đau khổ, bế tắc. Sống Trung đạo tức là không thiên lệch một bên, không lệch qua bên ác đã đành mà cũng không lệch qua bên thiện. Bởi vì như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói : Sắc bất dị Không…, Sắc tức thị Không… Từ đó có thể suy ra rằng Thiện không khác Ác…, Thiện tức là Ác…

Nhiều người rất chưng hửng và phản bác nhận định này. Chẳng lẽ một người phát tâm suốt đời làm từ thiện, cứu giúp người nghèo khổ là hành tà đạo sao ? Quả đúng là như vậy, bản thân tôi đã trực tiếp quan sát, trực tiếp gánh chịu hậu quả của một phát tâm như vậy của chính bà xã mình. Bà xã tôi thương người nghèo, phát tâm suốt đời làm từ thiện, bất cứ lúc nào cũng quan tâm cứu giúp người nghèo khổ. Bà ấy không bao giờ đi du lịch vì cho rằng tiền của thay vì tiêu tốn vào du lịch vui chơi, dùng để giúp đỡ người nghèo khổ phải tốt hơn không. Bà ấy giúp người nghèo như thế nào ?

Bà ấy thấy một ông già bán kem, cả chục năm ngày càng già đi mà vẫn phải ngày ngày đẩy xe kem đi bán. Bà ấy thương xót nên mỗi khi gặp ông lão bán kem, bà ấy mua kem rồi còn cho thêm tiền ông lão.

Bà ấy thấy những đứa trẻ bán vé số, tội nghiệp nên hay mua giúp. Mua vé số không phải vì mong trúng số mà chỉ để giúp trẻ em nghèo khổ.

Có những thanh niên thất nghiệp không có công ăn việc làm, không có tiền mua đồ ăn. Đói quá thì đến chỗ bà ấy đang bán hàng xin tiền mua một ổ bánh mì ăn đỡ đói.      

Bà ấy thấy một chị bán bánh lá dừa, bán ế, tới chiều rồi mà vẫn còn một rỗ 30 cái bánh lá dừa (có lẽ không ngon nên ít người mua). Bà ấy bèn mua giúp hết cả rỗ rồi đem về nhà để trong tủ lạnh chẳng nói chẳng rằng. Tôi hỏi mới biết duyên cớ bánh để mãi trong tủ lạnh không vơi đi cái nào. Bánh để lâu quá cũng sẽ hư và làm chật tủ nên tôi phải giải quyết. Cho cũng chẳng ai lấy vì bánh dở, bỏ thùng rác thì tội. Tôi đành quyết định bỏ bánh trong ngăn đá, mỗi ngày lấy ra 2 cái hấp nóng ăn sáng. Và tôi phải ăn trong suốt 15 ngày liền mới hết 30 cái bánh lá dừa ế. Không phải một lần mà nhiều lần như vậy, và lần cao nhất, nhớ đời nhất là 30 cái bánh lá dừa, còn những lần khác thì mỗi lần cỡ một chục hoặc mười mấy cái bánh lá dừa.  

Tôi thấy bà ấy thương người làm từ thiện cũng tốt nên không phản bác, không ngăn cản. Rồi việc làm từ thiện của bà ấy trở nên cực đoan. Bà ấy làm ăn buôn bán không phải để giúp cho gia đình nữa vì gia đình đã có tôi lo, mà chủ yếu là để kiếm tiền làm từ thiện.   

Kết quả cuối cùng thì như tôi đã nhiều lần đề cập, bà ấy làm ăn buôn bán thất bại, nợ nần rất nhiều, tán gia bại sản. Và tôi đã phải bán nhà 3 lần để trả nợ thay cho bà ấy.      

Tôi lý giải thêm một chút tại sao làm từ thiện cũng vẫn là tà đạo. Bởi vì trong kinh điển, Phật đã dạy rằng : Nhất thiết pháp vô tự tính, nghĩa là tất cả các pháp đều không tự có sẵn đặc trưng đặc điểm. Vậy một hạt electron hay một hạt photon cũng không có sẵn tự tính, vậy thì các hạt cơ bản này cũng không phải là hạt có sẵn những đặc điểm như vi trí, khối lượng, điện tích, số đo spin (độ xoay). Vậy những đặc điểm đó khi nào mới xuất hiện ? Nhà khoa học Niels Bohr trả lời rằng chúng chỉ xuất hiện khi có người quan sát và tiến hành đo đạc. Như thế cũng có nghĩa những đặc điểm đó chỉ là tưởng tượng của con người chứ không phải có thật. Chính vì vậy Phật mới nói Nhất thiết duy tâm tạo. Các hạt cơ bản như quark, electron, photon…Phật pháp nói chỉ là hoa đốm trong hư không chứ không phải có thật.

niels-bohr-statementGiữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Albert Einstein và Niels Bohr, có một cuộc tranh luận khoa học lớn nhất trong thế kỷ 20, họ tranh luận về việc hạt cơ bản (particles) như photon, electron, có sẵn đặc điểm hay không.

Quan điểm của Einstein cho rằng photon luôn luôn có sẵn đặc trưng, vật là xác định. Quan điểm này gọi duy vật khách quan thừa nhận vật chất là có thật. Từ đó cũng xác nhận rằng không gian, thời gian, số lượng đều có thật. Tuyệt đại đa số mọi người trên thế gian này đều tin theo Einstein kể cả một số nhà tu hành Phật giáo như sư Viên Minh chẳng hạn. Vì vậyViên Minh đã giải thích câu Nhất thiết duy tâm tạo của Phật một cách khác đi, cụ thể ông nói rằng “núi non, trăng sao không phải là do tâm tạo” Quan điểm của Bohr thí trái lại, cho rằng photon không có sẵn đặc trưng đặc điểm, chúng chỉ xuất hiện khi có người quan sát đo đạc, vật là bất định, nó xuất hiện tùy theo tâm niệm của người quan sát. Quan điểm này gọi là duy tâm chủ quan. Như vậy Bohr nói rằng thế giới vật chất không phải là khách quan, nó được cấu tạo bởi những thứ không thể cho là thật. Ông đã nói một cách rất rõ ràng.

Ông nói : “Mọi thứ chúng ta gọi là thật được tạo ra bởi những cái không thể xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây sốc cho bạn một cách một cách sâu xa, là bạn đã chưa hiểu được nó”

Lúc hai ông còn sống thì cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, chưa biết ai đúng ai sai. Khi hai ông qua đời, giới khoa học cũng chưa xác định quan điểm nào đúng. (Einstein mất năm 1955, Bohr mất năm 1962). Nhưng đến năm 1982 khi khoa học đã hội tụ những phương tiện khá đầy đủ để giải quyết dứt khoát cuộc tranh luận khoa học này. Nhà khoa học Pháp Alain Aspect đã tiến hành một cuộc thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement) tại Paris, áp dụng bất đẳng thức của John Bell, xác định một lần cho mãi mãi. Kết quả cuộc thí nghiệm này rất quan trọng, nó đã làm sụp đổ quan điểm duy vật khách quan của Einstein, nó chứng tỏ rằng quan điểm của Bohr là đúng đắn. Từ cuộc thí nghiệm của Alain Aspect, người ta có thể rút ra 3 kết luận rất quan trọng, rất cơ bản trong nhận thức về vũ trụ vạn vật.

1/Vật (cụ thể là hạt cơ bản như photon, electron…) không có thật (non realism) từ đó suy ra nguyên tử, phân tử, cố thể vật chất, vũ trụ vạn vật đều là do tâm tưởng tượng ra chứ không có thực thể

2/Không gian và thời gianvô sở trụ (non locality) cũng tức là không có thật. Không gianthời gian cũng chỉ là tâm niệm chứ không có thực thể. Chính vì không gian không có thật nên hiện tượng liên kết lượng tử mới xảy ra được. Bởi vì giữa hai photon thật ra không hề có khoảng cách nào nên tín hiệu cũng không cần truyền đi, không cần di chuyển. Từ thời cổ đại cho tới thời hiện đại cũng không có khoảng cách nào về thời gian cả. Thời gian cũng chỉ là tâm niệm.  

3/Số lượng là không có thật (non quantity). Một photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau giống như là hai photon, thật ra chỉ là một. Thậm chí năm 2012 Maria Chekhova tại đại học Mat-xcơ-va còn tạo được một liên kết với 100.000 hạt photon. Vậy 100.000 hạt photon cũng chỉ là một hạt. Vậy số lượng không có thật. Số lượng 100.000 photon mà con người đếm được chỉ là ảo, không phải thật.

Tóm lại tất cả nhận thức của con người, tất cả những lời nói ra đều là chủ quan tùy tiện chứ không phải hoàn toàn khách quan, kể cả những tri thức, những định luật về khoa học. Có những nhà khoa học đã tạo ra video clip sau đây để minh họa cho việc nhận thức của con người là sự ngộ nhận về thực tại.

Vạn Pháp Duy Thức

Có một trường phái triết học chủ trương sống hiện tiền, nghĩa là họ chỉ sống trong hiện tại mà thôi. Sống hiện tiền thì họ cũng đã sống trong quá khứ, đang sống trong hiện tại và sẽ sống trong tương lai, nghĩa là lúc nào cũng sống trong hiện thực. Có người nêu ví dụ như sau :

“Nếu trong lúc rửa bát mà ta chỉ nghĩ tới tách trà, nghĩ tới sự nghỉ ngơi hay bất cứ một công chuyện nào trong tương lai, và chỉ muốn cho việc rửa bát qua mau, xem việc rửa bát như một cực hình thì ta không “rửa bát để mà rửa bát”, ta không sống trong thời gian rửa bát, ta không chứng thật được phép lạ của sự sống trong thời gian rửa bát.

Không biết rửa bát thì khi cầm tách trà lên, có thể ta cũng không biết uống trà. Cầm tách trà lên ta có thể chỉ nghĩ đến những chuyện khác mà không biết là ta đang nâng tách trà trong tay. Cứ như thế, ta bị thâu hút vào trong tương lai, bị con ma vị lai thâu hút hết hồn vía, đi ngang sự sống mà không sống được giây phút nào của sự sống.”

Nghe rất có lý phải không ? Tuy nhiên các bậc giác ngộ thì không cho là như vậy. Cụ thểkinh Kim Cang đã nói : “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc 過去心不可得,現在心不可得,未來心不可得” Ý của kinh nói rằng thời gian cũng chỉ là vọng tưởng của tâm, cho nên dù chọn bất cứ thời điểm nào cũng đều là bất khả đắc. Không gian, thời gian, số lượng vật chất đều chỉ là vọng niệm của tâm, cho nên tất cả đều là bất khả đắc. Vì tất cả đều là không có thật nên đều là bất khả thủ đắc. Nhưng con người cứ cho là mình được cái này, được cái kia, đó chỉ là vọng niệm mà thôi. Thầy Duy Lực có thuyết giảng như sau :

1401 Việc trần sa kiếp cũng như việc hiện nay  

Tại sao tất cả đều là bất khả đắc và phải hành xử theo trung đạo ?               

Trong ví dụ về việc sống trong hiện thực rửa bát, lúc đó ta không nghĩ tới quá khứ vàng son thời mà việc rửa bát chỉ dành cho người giúp việc trong nhà của ta. Ta cũng không nghĩ tới tương lai khi nào rửa bát xong ta sẽ thoải mái nghỉ ngơi uống trà nghe nhạc v.v…Ta chỉ sống và tận hưởng niềm vui trong việc rửa bát hiện tại mà thôi.

Tuy nhiên cuộc đời không phải chỉ đơn giản như vậy. Trong lúc ta chỉ lo tận hưởng niềm vui của việc rửa bát thì có một anh bạn khác có thể ở một quốc khác, trong lúc rửa bát anh ta nghĩ tới việc chế tạo cái máy rửa bát. Và sau đó một thời gian anh ta thực hiện được việc chế tạo cái máy rửa bát, và anh ta không còn phải rửa bát nữa mà đã có máy làm thay.

Tương tự như vậy, một anh nông dân chỉ lo tận hưởng niềm vui cày sâu cuốc bẫm với con trâu, phơi mình dưới nắng, gieo cấy bằng tay, rồi đến lúc thu hoạch phải còng lưng dưới nắng gặt lúa bằng tay với chiếc lưỡi hái. Mỗi mùa chỉ đủ sức làm vài công ruộng, chủ yếu để gia đình ăn, còn dư chút ít để bán và mua những thứ cần thiết khác cho gia đình. Nói chung là cả nhà sống nghèo nàn lạc hậu không bao giờ có thể khá lên nổi. Sự việc như vậy giống như nhiều người dân Ấn Độ quê hương của Đức Phật hiện nay vẫn còn sống rất nghèo nàn cực khổ. Họ phải liều mạng ngồi trên mui hoặc đeo trên cửa của những chiếc xe lửa cũ kỹ chạy chậm vì không có tiền mua vé.  

tau-hoa-an-doNgười dân Ấn bất chấp nguy hiểm đeo bám trên xe lửa

Còn một anh nông dân ở một quốc gia khác, chỉ chấp nhận cực khổ trong đời mình, anh ta cho con cái học hành để trở thành kỹ sư, chế tạo máy cày, máy trồng lúa, máy gặt đập liên hợp, drone để bón phân, phun thuốc sâu. Đời con anh ta một mình có thể làm 10 hecta ruộng. Nó làm việc trong một phòng có máy điều hòa ở một góc ruộng, tất cả máy móc đều tự động hóa qua mạng 5G không cần người lái. Chẳng những gia đình nó trở nên khá giả mà cả đất nước của nó cũng trở nên phú cường.

Ngày xưa ở TQ có quan niệm phản đối cơ tâm. Cơ tâm là cái trí xảo nghĩ ra những cách lợi dụng tự nhiên, lợi dụng các quy luật, dùng mưu trí để giành thắng lợi thay cho dùng sức của mình.

Chẳng hạn có người lợi dụng dòng suối chảy, lợi dụng sức của nước để múc nước đưa lên cao rồi nước tự chảy về nhà qua máng dẫn không cần phải ra sức gánh nước. Điều đó trái với sự tự tại của các thiền sư như câu thơ của Bàng Uẩn 龐蘊:

神通并妙用 Thần thông tịnh diệu dụng Thần thôngdiệu dụng  

運水及般柴 Vận thủy cập ban sài  Gánh nước và bửa củi

Và có người chê rằng cái trí xảo đó là cơ tâm sẽ làm mất đi sự trong sáng của tâm hồn con người, nên họ không hoan nghênh. Chẳng hạn trong sách Trang tử 莊子, thiên Thiên địa 天地có câu : 

Cơ tâm tồn ư hung trung, tắc thuần bạch bất bị機心存於胸中, 則純白不備  (Để cơ tâm ở trong lòng thì tính trong sáng trong tâm hồn không còn vẹn toàn nữa).

Lưu Cơ 劉基 (1311- 1375 tức Lưu Bá Ôn, thụy hiệu Văn Thành, nhà văn, nhà thơ và là công thần khai quốc của triều đại nhà Minh (ai xem bộ phim Lưu Bá Ôn Kỳ Truyện thì biết rõ nhân vật này):

Tảo tức cơ tâm lao dịch thiểu, Lãn văn thế sự vãng lai sơ. 早息機心勞役少, 懶聞世事往來疏 (Bài từ 詞Hoán khê sa 浣溪沙 ) Sớm dứt cơ tâm ít nhọc nhằn, Lười nghe thế sự thưa qua lại. Ý nói sớm dừng cái cơ tâm giúp cho việc lao động cực nhọc ít đi, thì sẽ có nhiều thời giờ để tới lui xóm giềng bàn chuyện đời thị phi vô bổ. Còn nếu không có cơ tâm thì phải mất nhiều thời giờ lao động vất vả thì sẽ lười việc qua lại xóm giếng bàn luận thế sự.  

Trang tử, Lưu Bá Ôn đều là những nhà trí thức hàng đầu của TQ thời xưa, nhưng họ không hoan nghênh cơ tâm, cũng tức là họ không hoan nghênh cơ khí hóa, sử dụng máy móc công nghiệp hóa thay cho cơ bắp của người lao động. TQ đã phải trả giá rất đắt cho quan niệm này với 100 năm ô nhụcthua kém lạc hậu so với phương tây, ngay cả bị một tiểu quốc lân cậnNhật Bản đè đầu cỡi cổ từ 1895 đến 1945.   

Cơ tâm ngày nay chính là trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) là một hạng mục vô cùng quan trọng của khoa học kỹ thuật ngày nay. Đến nay ai mà không sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ? Nó chính là một sản phẩm kỳ diệu của cơ tâm.    

Ngày xưa các bậc giác ngộ của Ấn Độ, chẳng hạn các tổ sư, cũng chỉ có thể truyền dạy giáo pháp để mọi người biết cách sống. Họ cũng có dạy trung đạo nhưng chẳng mấy ai biết ứng dụng. Kết quả Phật giáo đã bị quét sạch khỏi Ấn Độ vào thế kỷ 12, được đánh dấu bằng việc người Hồi giáo tàn phá Đại học Phật giáo Nalanda vào khoảng năm 1190 CN.

Tại sao một quốc gia sản sinh ra một nhân vật giác ngộ vĩ đại như Đức Phật nhưng rốt cuộc cho đến ngày nay, dân chúng vẫn còn rất nghèo nàn lạc hậu ? Chính vì tuyệt đại đa số người dân đã không biết ứng dụng trung đạo, người theo Phật giáo thì cứ chấp chặt vào giáo môn, họ không biết hễ cái gì lệch một bên đều là tà đạo. Người theo Ấn giáo thì suốt ngày nghĩ tới thần linh mà thiếu đầu óc thực tiễn khoa học. Nhiều Phật tử vẫn cứ nghĩ rằng suốt đời tụng kinh, niệm Phật, siêng năng trì giới, tu hành khổ hạnh, đến khi chết, hỏa táng thu được rất nhiều xá lợi, vậy là thành công đắc đạo rồi. Nhưng theo Thiền thì hỏa táng dù thu được rất nhiều xá lợi vẫn chưa phải là giác ngộ. Hãy nghe thuyết giảng của thầy Duy Lực.

Xá lợi có giá trị gì không ?       

TQ cũng như Ấn Độ đều là những nền văn minh cổ đại của nhân loại, họ có nhiều nhân tài phát minh sáng chế, chẳng hạn TQ có tứ đại phát minh thời cổ (Giấy, in ấn, la bàn và thuốc súng); Ấn Độ phát minh ra số zero, con số có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong toán học và triết học. Nhưng vì những nhà trí thức thông thái thời xưa họ hướng dẫn quần chúng nhân dân đi theo con đường quá chú trọng văn minh tâm linh tinh thần mà coi nhẹ khoa học kỹ thuật khiến cho đời sống vật chất của đông đảo người dân không được cải thiện.

Ngày nay thì ngược lại, xã hội quá coi trọng cuộc sống vật chất, khoa học kỹ thuật thì phát triển nhưng văn minh tinh thần thì lại bị xem nhẹ, con người cũng vẫn bi quan, không phải vì thiếu thốn vật chất mà vì mất cân bằng, mất phương hướng, bệnh tật phát sinh nhiều, tranh chấp chiến tranh vẫn không ngớt. Rốt cuộc đối với nhiều người cũng vẫn là bất hạnh

Tóm lại con người muốn có cuộc sống hài hòa hạnh phúc thì phải thực hành trung đạo, tránh biên kiến. Biên kiến sẽ dẫn đến tà đạo, tà đạo thì không thể hạnh phúc vững bền.

Hậu quả nhãn tiền do không biết hành xử theo trung đạo

Trung đạo cũng không phải là con đường thẳng băng ở ngay chính giữa, có khi nó lệch sang phải, có khi nó lệch sang trái nhưng nó vô sở trụ (non locality= bất định xứ, không có chỗ dừng nhất định).

Trung đạocon đường uyển chuyển tùy duyên phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tế. Chúng ta hãy nhìn vào bàn cờ chính trị quân sự của thế giới hiện nay để hình dung ra cách hành xử trung đạo nên như thế nào.

ukraine-divive-mapHãy lấy quốc gia Ukraine làm ví dụ. Ukraine là một quốc gia ở Đông Âu, diện tích 579.537 km2, dân số 43.790.000 người (năm 2021 trước chiến tranh, không kể Crimea đã sáp nhập vào Nga). 

Với vị trí nằm sát bên nước Nga hùng mạnh, Ukraine có nên gia nhập Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO = North Atlantic Treaty Organization) để bảo đảm an toàn hay không ? Câu trả lời có lẽ là không bởi vì nếu Ukraine gia nhập Nato làm cho nước Nga lo sợ và có phản ứng quyết liệt. Cuối năm 2021 Nga đã tập trung hơn một trăm ngàn quân sát biên giới Ukraine và gởi cảnh báo tới Nato và Ukraine, nhưng họ phớt lờ.

Việc Mỹ và Nato không giải quyết yêu cầu của Nga đã thúc đẩy Nga tiến hành cuộc tấn công Ukraine mà họ gọi là Chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-02-2022. Mỹ, Nato và EU tích cực viện trợ tài chính, vũ khí cho Ukraine, họ cũng ban hành mười mấy ngàn lệnh cấm vận đối với nước Nga, nhưng họ cũng không trực tiếp tham chiến. Đến nay sau gần 22 tháng chiến tranh, số thương vong của cả hai bên có thể đã lên đến một triệu người, chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn nhưng lợi thế đang nghiêng về phía Nga.

Ukraine thì đã tan hoang và cũng không thu được lợi ích gì, ngoài mất Crimea năm 2014, còn có thêm 4 vùng lãnh thổ mới bị sáp nhập vào nước Nga (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia).  

Rốt cuộc an toàn đâu không thấy, chỉ thấy cái ý định quyết tâm gia nhập Nato của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khiến cho nước Ukraine hiện nay đã tan nát vô cùng thê thảm. Bảo vệ sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc mình là điều tốt nên làm, nhưng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan như tổng thống Zelensky đã làm thì nguy hiểm, nó trở thành chủ nghĩa phát-xít và là cái cớ cho Nga tấn công quân sự.          

Như vậy rõ ràng kết quả thảm khốc của Ukraine là do giới cầm quyền đã không biết cách hành xử uyển chuyển theo trung đạo. Cứ cứng nhắc đối đầu với một cường quốc có vũ khí hạt nhân, có lãnh thổ rộng nhất thế giới, có dân số hơn gấp ba lần nước mình, thì phải nhận lãnh một kết quả vô cùng bi đát.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/07/2015(Xem: 13672)
05/10/2010(Xem: 79631)
21/07/2015(Xem: 18718)
01/06/2017(Xem: 29965)
12/06/2019(Xem: 14822)
06/04/2014(Xem: 19587)
29/01/2013(Xem: 42328)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.