KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 3)
Pháp Sư Tịnh Không
PHẨM II: “ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN”
Trọng trách của hành giả tu tại gia
Phẩm thứ hai tiếp nối phẩm thứ nhất. Vì sao Hạ lão cư sĩ không đem hai phẩm
này hợp lại thành một?
Lần hội tập đầu tiên, hai phẩm này
đích thực hợp chung trong một phẩm. Có thể tham khảo phán khoa của lão pháp sư
Từ Chu để chứng thực. Hạ lão ban đầu hội tập, pháp sư Từ Chu đã làm phán khoa
cho ông. Không những thế, pháp sư Từ Chu còn đem bổn hội tập này giảng lần đầu
ở Tế Nam, lúc đó quyển kinh tổng cộng phân thành ba mươi bảy phẩm, không phải
bốn mươi tám phẩm như hiện tại. Có lẽ Hạ lão dựa theo Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
mà phân chia. Sau đó không ngừng tu đính, sửa đổi. Sửa đổi đến mười lần mới
thành bản gốc, đem toàn kinh này phân thành bốn mươi tám phẩm. Chắc chắn căn cứ
vào Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà. Chính vì thế mà phẩm thứ nhất được
phân làm hai phẩm.
Thế nhưng, vì sao không đem Bồ Tát
tại gia phân vào phẩm thứ nhất trong khi họ đều là biểu pháp, tại sao Hạ lão
lại phân đoạn ngay chỗ này? Nhất định ông có dụng ý sâu sắc. Đoạn người tại gia
được phân thành đoạn riêng biệt là để nhắc nhở chúng ta rằng pháp môn bộ kinh
này chủ yếu độ hành giả tại gia, không nên cho rằng chỉ có người xuất gia mới
có thể tu hành ngay đời thành Phật, còn người tại gia nghiệp chướng sâu nặng
nên không có phần. Hạ lão phân đoạn ở đây chính là bảo chúng ta không nên hoài
nghi. Người tại gia có thể ngay trong một đời bình đẳng thành Phật. Giáo nghĩa
quyển kinh, cùng với bổn nguyện của Phật A Di Đà xác thực rất tương ứng nhau.
Đó là huệ nhãn đặc thù của Hạ lão cư sĩ. Cho nên kinh này đích thực lấy người
tại gia làm chủ.
Sơ lược biểu pháp của mười sáu vị Bồ
tát tại gia
Bồ tát tại gia có hơn mười sáu vị, thảy đều là Bồ tát Đẳng Giác hiện thân tại
gia, địa vị của họ cùng Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí không hề khác nhau.
Trong nhà Phật, phần nhiều Phật thị
hiện hình tướng của người xuất gia, Bồ tát phần lớn thị hiện hình tướng tại
gia. Ở Trung Quốc, tứ đại danh sơn, bốn đại Bồ tát là trụ cột trong pháp Đại
thừa. Trong bốn vị Bồ tát chỉ có Bồ tát Địa Tạng là thị hiện tướng xuất gia. Lý
do vào thời nhà Đường, vương tử của Cao Ly xuất gia, đến núi Cửu Hoa, Trung
Quốc. Sau này chúng ta mới biết được ngài là hóa thân của Bồ tát Địa Tạng, cho
nên tạo tượng Bồ tát Địa Tạng thành hình tướng xuất gia. Còn Bồ tát Quan Âm Nam
Hải, Bồ tát Văn Thù ở Ngũ Đài, Nga Mi Tứ Xuyên Bồ tát Phổ Hiền đều là hình
tướng tại gia. Ngay đến Bồ tát Di Lặc, nếu đến Bắc Kinh đi tham quan cung Ung
Hòa, chúng ta sẽ thấy Bồ tát Di Lặc cũng là hình tướng tại gia.
Thế nhưng tập quán ở Trung Quốc đắp
tượng Bồ tát Di Lặc lại đắp Hòa thượng Bố Đại hình tướng xuất gia. Hòa thượng
Bố Đại xuất hiện ở triều Tống, thời đại Cao Tông Nam Tống, cùng thời đại với
Nhạc Phi. Trước khi ngài Bố Đại viên tịch, có nói với mọi người rằng ngài là
hóa thân của Bồ tát Di Lặc đến đây. Nói xong ngài liền viên tịch. Trong nhà
Phật, chư Phật, Bồ tát hóa thân tái lai, tuyệt nhiên không bao giờ bộc lộ thân
phận. Khi thân phận vừa bị lộ thì nhất định sẽ đi ngay. Còn nếu thân phận bị lộ
mà vẫn chưa đi thì đó là giả, không phải thật. Hiện nay chúng ta nghe nói ở rất
nhiều nơi có vị pháp sư nào đó là Phật gì đó tái lai, vị cư sĩ nào đó là Bồ tát
gì đó tái lai, nói rồi lại không chịu đi, như vậy việc này không đáng tin, lộ
thân phận mà không đi là giả, tuyệt đối không phải thật.
Số lượng Bồ tát đến tham dự vượt qua một vạn hai ngàn người, cõi này phương khác, Bồ tát các tinh cầu khác cũng đến tham dự pháp hội, vô lượng vô biên Bồ tát trong cõi nước chư Phật đều đến tham gia, chúng Bồ tát rất đông, tuy nhiên kinh chỉ nêu ra mười sáu vị. Mười sáu vị này là biểu pháp, đại biểu viên mãn. Trong Phật pháp, chúng ta có hiển có mật. Biểu pháp trong hiển giáo, kinh Di Đà, số bảy đại biểu viên mãn, không phải chữ số. Bảy chỉ đông, nam, tây, bắc, thượng, hạ, trung, tất cả biểu thị viên mãn. Kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại biểu viên mãn, cũng không phải chữ số. Trong Mật tông thường dùng mười sáu là đại biểu viên mãn, cũng không phải là chữ số. Nơi nơi hiển thị đại biểu viên mãn của Phật pháp.
Cho nên danh hiệu của mười sáu vị
này cũng là biểu pháp. Chúng ta phải lưu ý không nên bỏ lỡ. Mười sáu vị là Bồ
tát Đẳng giác tại gia.
Ý nghĩa trong cách tôn xưng
Chánh Sĩ là tên riêng của Bồ tát. Bồ tát thông thường được gọi là Đại sĩ. Chúng
ta thường gọi Quan Âm Đại Sĩ, Phổ Hiền Đại Sĩ. Đại Sĩ cũng như Chánh Sĩ, Chánh
là Chánh giác, Chánh Đẳng Chánh Giác. Tương tự Khai sĩ chính là Đại Triệt Đại
Ngộ Minh Tâm Kiến Tánh, chúng ta cũng có thể gọi họ là Khai sĩ. Như vậy, Khai
Sĩ, Chánh Sĩ, Đại Sĩ đều là tôn xưng của Bồ tát. Lưu ý không được gọi là Đại
Sư. Chữ Sư của lão sư gọi Đại Sư, Đại Sư là tôn xưng đối với Phật. Bồ Tát Đẳng
giác chỉ có thể gọi là Đại sĩ, không được gọi là Đại sư.
Hiện tại có rất nhiều người xuất gia tự xưng Đại sư. Xưng hô như vậy không tốt, người xưa gọi là qua mặt. Chúng ta chưa thành Phật thì không thể tự xưng Đại sư.
Phật là Đạo Sư của trời người, chúng
ta tự xưng Đại sư thì thật quá đáng. Bồ tát Quan Âm còn không dám xưng Đại sư.
Văn Thù, Phổ Hiền nhìn thấy Đại sư còn phải đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu phía hữu
ba vòng. Chúng ta có phước báu lớn như vậy chưa? Đây là thường thức phổ thông
cần phải hiểu.
Tôn xưng người là bày tỏ tôn kính
đối với họ, thế nhưng nếu vượt quá thì lại biến thành không tôn kính. Ví dụ
chúng ta tôn xưng người, nhìn thấy người thì gọi tiên sinh một cách tôn kính,
nhưng nếu gọi tổng thống tiên sinh thì lại trở nên quá trớn. Người đó không
phải là tổng thống mà chúng ta lại gọi tổng thống tiên sinh, vậy có phải quá
tâng bốc một cách phản cảm không? Việc này nhất định phải hiểu. Người xuất gia
cũng vậy, gọi họ là Đại sư cũng chẳng khác việc chúng ta gọi một người bình
thường là tổng thống tiên sinh, danh phận không phù hợp. Nhiều người ngay đến
một chút Phật học thường thức này cũng không biết, cho rằng gọi Đại sư là tôn
kính mà không biết được ý nghĩa chân thật, việc này không nên.
Chúng ta gọi Ấn Quang Đại sư để tỏ
lòng tôn kính sau khi ngài đã viên tịch. Khi ngài còn ở đời, ngài được gọi là
pháp sư Ấn Quang, “Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao”. Sau khi ngài viên tịch mới đổi
thành “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”. Những năm đầu, khi mới đưa ra, Ấn tổ không hề
tự xưng là Đại sư, trước mặt ngài, không ai dám gọi ngài là Đại sư, nếu gọi Đại
sư, ngài liền mắng ngay.
Nhà Phật có một số cách xưng hô quen thuộc. Nhiều đời trước, các tông phái xưng “tổ sư”, đó là tổ sư của một tông phái nào đó. Người phiên dịch kinh điển gọi là Tam Tạng pháp sư, không hề xưng Đại sư. Tam Tạng Pháp sư thông đạt kinh giáo, “Kinh Sư pháp sư”; thông đạt Luật Tạng xưng “Luật sư”. Những cách xưng hô này khá quen thuộc, không hề nghe nói có Đại sư. Không ai dám dùng cách xưng hô này. Thầy giáo của hoàng đế, gọi là quốc sư. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đại sư Thanh Lương là thầy của hoàng đế cũng gọi là quốc sư, không dám xưng Đại sư.
Thế nhưng, chỉ có tổ sư của Tịnh Độ
tông mới có thể xưng Đại sư, vì ngài trải qua nhiều đời công nhận. Tịnh Độ tông
dạy người một đời bình đẳng thành Phật, tất cả chư Phật đều dùng pháp môn này.
Chúng ta ngày nay cũng dùng phương pháp này khuyên người niệm Phật, bình đẳng
thành Phật, không hề khác biệt với Phật, cho nên chỉ có tổ sư của Tịnh Độ tông
mới có thể xưng Đại sư.
Sứ mạng hộ pháp và hoằng pháp
Mười sáu vị chánh sĩ là Bồ tát Đẳng Giác tại gia. Các ngài ở cùng thời đại với
Thích Ca Mâu Ni Phật. Hiền Hộ là chủ thế giới Ta Bà, mười lăm vị Bồ tát Đẳng
Giác tại gia còn lại đều là khách thị hiện từ thế giới phương khác đến. Phật
nói pháp môn này chấn động tận hư không khắp pháp giới tất cả cõi nước chư
Phật.
Các kinh khác không có sức mạnh như
vậy. Chỉ riêng bộ kinh này mới chấn động tận hư không khắp pháp giới. Cho nên
Bồ tát mười phương thế giới tự nhiên liền đến tụ họp, ủng hộ trang nghiêm đạo
tràng.
Bồ tát đến dự đạo tràng nhiều vô
lượng vô biên. Bồ tát Hiền Hộ là chủ phương Đông, nhưng kỳ thực chủ phương Đông
không chỉ một mình ngài, vì Bồ tát thế giới Ta Bà rất nhiều. Tuy nhiên, kinh
chỉ nêu danh hiệu của ngài để biểu pháp.
Sứ mạng hàng đầu của người tại gia là hộ pháp, người xuất gia là hoằng pháp.
Hoằng pháp đương nhiên cũng phải hộ pháp, hoằng và hộ trách nhiệm song song không thể thiếu. Người xuất gia lấy hoằng pháp làm chính, hộ pháp chỉ là phụ trợ.
Còn người tại gia lấy hộ pháp là
chính, hoằng pháp chỉ là phụ trợ. Hoằng và hộ đều phải gánh vác. Trong gánh vác
có phân ra chủ khách, bốn chúng đồng tu phải hợp tác mật thiết thì Phật pháp
mới có thể trụ thế gian, lợi ích chúng sanh.
Ngày nay trong Phật pháp không đoàn
kết, nhân lực tài lực thảy đều bị phân tán, tổn thất vô cùng to lớn đối với tất
cả chúng sanh. Người chân thật có tâm, muốn đem Phật pháp phổ biến khắp nơi,
phổ độ chúng sanh hữu tình thì có thể dùng phương pháp đoàn kết. Tập trung nhân
lực, tài lực mới thành công, bởi vì hiện nay người người phân tán, sức mạnh
chia nhỏ, làm bất cứ việc gì cũng bị hạn chế, nhân lực, tài lực không đủ, vô cùng
đáng tiếc, “lực bất tòng tâm”. Cho nên chỗ này Phật đặt Bồ tát Hiền Thủ ngay vị
trí thứ nhất để nhắc nhở chúng ta.
“Hiền” nói về đức, có trí tuệ, có đức năng. “Hộ” là hộ pháp, hộ trì chánh pháp.
Công đức của hộ pháp và hoằng pháp là như nhau. Thậm chí có thể nói, công việc của hộ pháp vượt hơn hoằng pháp. Thử nghĩ tỉ mỉ xem, nhân tài hoằng pháp không phải không có, tại gia, xuất gia đều rất nhiều, bốn chúng đệ tử nếu muốn phát tâm hoằng dương Phật pháp đều làm được. Cái khó chỉ ở chỗ chúng ta có hộ pháp đắc lực hay không. Chỉ cần có một hộ pháp đắc lực thì liền có thể làm thành tựu một số việc. Nếu có nhiều hộ pháp thì sự nghiệp hoằng pháp quyết không phải ở chư Phật, chư đại Bồ Tát thị hiện làm ra. Cho nên công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn.
Bản thân tôi đã đích thân trải nghiệm. Khi còn trẻ, tôi ở trong hội của lão Lý
Bỉnh học kinh giáo, học giảng kinh. Sau khi học xong, nếu không gặp được Hàn
Quán Trưởng, người đã vãng sanh năm trước, không có sự hộ trì từ bà thì dù tôi
có năng lực cũng không thể làm gì. Nếu không có người hộ pháp này, có lẽ cuối
cùng tôi chỉ có hai con đường để đi, một là theo con đường kinh sám, còn không
chịu cam tâm làm kinh sám thì hoàn tục. Chỉ hai con đường, không còn đường nào
khác. Bà phát đại tâm, tìm đủ mọi cách, không có đạo tràng thì thuê nhà mượn
chỗ để mỗi tuần tôi giảng kinh, ba mươi năm không hề gián đoạn. Mỗi tuần tôi
giảng ít nhất năm ngày, khi nhiều thì bảy ngày, ba mươi năm liên tục trên giảng
đài. Thực tế còn rất nhiều người giảng hay hơn tôi nhưng không có người hộ trì.
Hay nói cách khác, họ không có cơ hội luyện tập trên giảng đài, tài cán của họ
rồi cũng bị mai một, không thể tiến triển, đó là việc vô cùng đáng tiếc.
Chúng ta hoằng pháp ra đến phạm vi
quốc tế đều là duyên phận. Khi giảng kinh ở Đài Bắc, có mấy vị cư sĩ ở Hongkong
trước đó đã từng nghe tôi giảng “Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm” tám ngày tại chùa
Thiện Đạo, nghe xong rất hoan hỉ, đến khi tình cờ gặp ở Đài Loan, họ yêu cầu
tôi đến Hongkong. Tôi đã kết được pháp duyên với Hongkong qua bà Lôi. Mỗi năm bà
Lôi đều mời. Suốt gần mười năm từ 1977 đến năm 1987, mỗi năm tôi đều đến
Hongkong một hai lần, thời gian dài nhất ở Hongkong là bốn tháng, ngắn nhất
cũng không ít hơn một tháng. Sau khi bà Lôi vãng sanh thì không có người mời
nữa, duyên này bị đứt đoạn. Do đó không có người hộ pháp, chúng ta muốn hoằng
pháp cũng không có cơ hội, như thế mới biết công đức hộ pháp bao lớn. Không có
hộ pháp, người ở phương đó không có cơ duyên nghe pháp. Có hộ pháp mời vị pháp
sư đến giảng kinh, người ở địa phương được lợi lạc, cho nên công đức của hộ
pháp vượt hơn công đức của pháp sư giảng kinh hoằng pháp gấp nhiều lần.
Năm 1987, tôi giảng kinh ở Hongkong,
có ba cư sĩ ở Singapore sau khi nghe giảng rất hoan hỉ, nhất định muốn kéo tôi
đến Singapore. Trước đó tôi chưa lần nào đặt chân đến đất nước này. Nhờ ba vị
hộ pháp nên lần đầu tiên tôi đến Singapore ở mười ngày. Tôi giảng ba lần ở chùa
Song Lâm, một lần ở cư sĩ Lâm, và hai lần ở đoàn Thanh niên hoằng pháp. Đoàn
hoằng pháp lúc đó là đạo tràng cũ, khung cảnh rất đẹp. Nhờ giảng nhiều lần, tôi
kết duyên với các đồng tu bên đây, quen biết với cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Mỗi năm,
cư sĩ Lý đều tìm tôi. Năm thứ hai, ông làm đoàn trưởng đoàn hoằng pháp. Khi
đoàn quán vừa xây xong, ông lại đến mời. Tôi liền giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ.
Về sau ông đến cư sĩ Lâm làm tư lý, tôi cũng đến cư sĩ Lâm. Mỗi năm tôi đều
giảng theo lời mời của ông. Thử hỏi, nếu không có ông thì ai sẽ mời tôi
giảng?
Bất cứ nơi giảng kinh nào trên thế
giới, Phật pháp có thể mở mang được hay không đều nhờ sự đắc lực bởi một hai hộ
pháp. Họ chân thật tạo công đức, cũng như họ xây trường học làm hiệu trưởng, mở
tiệm làm ông chủ, chúng ta là người làm công do họ mời đến. Cho nên hộ pháp là
chủ nhân, chủ giáo hóa một phương, công đức vô lượng vô biên. Vào thời xưa,
công việc hộ pháp do các vị trụ trì của các tự viện. Trụ trì là giáo chủ một
phương, tự viện chính là trường học. Trụ trì cũng giống như hiệu trưởng, có thể
không giảng kinh, không nói pháp, mà thỉnh mời pháp sư đến giảng kinh. Trụ trì
là hoằng hộ, trách nhiệm đó vượt hơn trách nhiệm của hoằng pháp. Họ chú trọng
nhất là làm hộ pháp, không có sự hộ trì của họ thì Phật pháp không thể thường
trụ ở thế gian.
Hôm nay chúng ta từ danh hiệu Bồ tát Hiền Hộ mà hiểu được công đức hộ pháp không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải học hộ pháp, toàn tâm toàn lực, đặc biệt đối với các pháp sư trẻ tuổi, nếu chúng ta không hộ trì đắc lực thì làm sao họ có thể trưởng thành, làm sao có thể trở thành pháp sư hoằng dương Phật pháp kiệt sức một đời.
Pháp sư giảng kinh quan trọng nhất
là rèn luyện trên bục giảng, do đó phải giúp họ lên bục giảng mỗi ngày. Đó
chính là phương pháp đốc thúc họ. Là pháp sư trẻ, nếu mọi người thích nghe
kinh, nghe giảng kinh thì các vị pháp sư trẻ đành phải giảng mỗi ngày, mỗi ngày
không ngủ nghỉ, chắc chắn sẽ thành công. Nếu không có người hộ pháp mời họ
giảng kinh, thì dù họ học tốt, sau ba tháng cũng sẽ quên sạch, sau sáu tháng sẽ
không thể lên bục giảng. Hộ pháp rất quan trọng, hộ pháp thành tựu pháp sư, có
thể khiến chánh pháp thường trụ lâu dài.
Điều cần lưu ý khi hành hộ pháp
Các vị pháp sư xuất gia, tương lai có cơ hội làm trụ trì thì phải tường tận.
Trụ trì phải làm công việc của Hiền Hộ, phải biết lễ thỉnh pháp sư. Mời pháp sư
như thế nào? Pháp sư phải tương ưng với bổn tông tu học của đại chúng đồng tu
mới có thể đạt được lợi ích chân thật. Nếu sự tu học của vị pháp sư này khác
với pháp môn của chúng ta, kinh luận nương theo cũng khác nhau, vậy thì không
nên mời. Người xưa thường nói “Thà làm động nước ngàn sông, không dám động tâm
người tu niệm”, nơi đây đã chọn pháp môn niệm Phật, chuyên tu chuyên hoằng đã
có thành tựu nhất định, nếu tôi đến đây giảng Thiền, giảng Mật, thì làm loạn
tâm thanh tịnh của các hành giả, nhiễu loạn công phu, phá hoại tu hành, không
những không có công đức mà còn có lỗi. Thế nhưng đối với pháp sư, chúng ta phải
cung kính cúng dường như nhau.
Khi còn trẻ, mười năm cùng lão cư sĩ
Lý Bỉnh Nam, tôi thường quan sát lão cư sĩ ở Đài Trung hoằng hộ Tịnh tông. Pháp
sư nơi khác đến Đài Trung, lão Lý Bỉnh lễ mạo cung kính, chu đáo đến ga xe nghinh
tiếp hoan nghênh, ông đích thân rước về đạo tràng, hướng đến pháp sư lễ lạy
cúng dường, cũng có lúc mở tiệc tiếp đãi, mời pháp sư dùng cơm. Thế nhưng từ
đầu đến cuối không hề mời pháp sư giảng khai thị. Tôi quan sát rất lâu, cảm
thấy kỳ lạ, nên hỏi: “Thưa thầy, vì sao không thấy thầy mời họ giảng khai thị?
Giảng kinh thì đương nhiên không thể bởi vì không có thời gian dài, nhưng nên
giảng khai thị cho mọi người?”. Ông mỉm cười nói “Con không hiểu đạo lý này, vị
pháp sư này tham thiền, vị pháp sư kia là nghiên cứu, lý tưởng của họ không
giống chúng ta. Chúng ta ở nơi đây không dễ gì dẫn dắt mọi người tin vào pháp
môn Tịnh độ, trung thực niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Khi họ giảng tốt về tham
Thiền hay Mật, tức thân thành Phật diệu, những người nơi đây lập tức bị dao
động”.
Ngạn ngữ nói rất hay “Hòa thượng bên
ngoài tụng kinh giỏi”, mỗi ngày ở cùng nhau không có gì mới lạ, từ nơi khác đến
sẽ hiếm lạ. Kiên trì bền bỉ mỗi ngày dạy dỗ, thời gian tổng cộng đến khoảng
mười năm, nhưng người bên ngoài đến chỉ mấy tiếng đồng hồ vẫn có thể kéo hành
giả đi mất. Đó là do nguyên nhân gì? Chính do chúng ta không có định, không có
huệ, không có năng lực phân biệt, khi vừa nghe nói cái đó hay, tâm liền bị dao
động, kết quả chính chúng ta bị thiệt thòi. Cho nên lão sư Lý phải hộ pháp, gìn
giữ đại chúng của đạo tràng này, chánh tri chánh kiến, gìn giữ tâm thanh tịnh
cho đại chúng, nhất định không thể mời người khác đến giảng khai thị.
Người có thể đến giảng khai thị là
những vị pháp sư tu Tịnh độ, thành thật niệm Phật. Pháp sư như vậy, khi đến Đài
Trung, ông nhất định phải thỉnh mời giảng khai thị. Còn nếu không phải cùng học
một pháp môn với chúng ta, không cùng nhau y theo Tịnh độ ba kinh, nhất định
không mời. Đây không phải là tâm phân biệt, nhưng chỗ này chúng ta phải học, đó
là một chuyên gia chân thật có trí tuệ hộ trì chánh pháp của đại chúng. Ngài
Hiền Hộ chân thật làm được, đạo lý này chúng ta không thể không hiểu. Cho nên
trụ trì một đạo tràng, đó là con mắt của đại chúng trong đạo tràng. Chúng ta
dẫn đầu, những người phía sau đi theo. Người dẫn đường mà đi sai thì những
người này thảy đều đi sai hết, do đó người dẫn đường phải chịu trách nhiệm. Con
đường đi nhất định phải thuần chánh, quyết không thể sai lầm, ngoài ra còn phải
phòng hộ người nơi khác đến làm rối. Hiện nay có không ít đạo tràng chân thật
có tín tâm, nguyện lực, nhưng cái “tín nguyện” này có kiên cố hay không thì
chưa thấy được. Nếu gặp vài người nói một tràng lời ngon ngọt, không ít người
trong đại chúng tâm sẽ liền dao động, liền đi theo họ.
Tôi vừa nói việc này với cư sĩ Lý
Mộc Nguyên. Lý Mộc Nguyên nêu ra một thí dụ, ông nói “Những người đó đến để câu
hết cá của chúng ta đem đi”. Thí dụ này rất có ý nghĩa, đạo tràng của chúng ta
giống như ao cá. Đồng tu chúng ta đều như cá nhỏ, những người đó đến câu cá,
người hộ pháp phải ngăn cấm. Cho nên phải nhận biết rõ ràng, các đồng tu cũng
phải bảo vệ quan điểm. Tịnh tông chúng ta không những cùng nhau tu học, đồng
tâm đồng đức cùng tu pháp môn này, chúng ta còn hy vọng tương lai đồng sanh
Tịnh độ, cùng nhau ở Hải Hội Liên Trì. Tín tâm nguyện tâm nhất định không được
dao động, nhân lực tài lực, tất cả sức mạnh đều phải tập trung đến cư sĩ Lâm,
một đạo tràng xưa có hơn sáu mươi năm lịch sử.
Không phải tôi tán thán cư sĩ Lý Mộc
Nguyên mà mọi người đều công nhận ông là Bồ tát tái lai, không phải người thông
thường. Ông không bao giờ có chút tâm riêng tư, danh vọng lợi dưỡng, năm dục
sáu trần thảy đều buông bỏ, khởi tâm động niệm hành vi việc làm đều vì Phật
pháp, vì chúng sanh. Một người lãnh đạo như vậy, một thiện tri thức như vậy,
tôi đi qua rất nhiều khu vực quốc gia khác, xem thấy rất nhiều đạo tràng nhưng
chưa hề thấy qua. Vì vậy khi ông đến tìm, tôi không thể không thuận. Cũng như
đầu tư mua bán, nếu gặp ông chủ tốt, có đạo nghĩa, không đến thì có lỗi với ông.
Nếu ông có lòng riêng tư, có mục đích, có mưu đồ, tôi nhất định không gặp.
Thuần túy vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì an định xã hội, vì mong cầu hòa bình
thế giới, tâm nguyện thuần tịnh vĩ đại như vậy, nếu chúng ta không dốc hết chút
sức mọn đến giúp đỡ thì cũng có lỗi với đạo tràng và có lỗi với đại chúng xã
hội.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là người lãnh đạo, đặc biệt ba năm gần đây thành lập lớp bồi dưỡng pháp sư trẻ, ông đã đến tìm tôi chia sẻ tâm nguyện này. Do đó tôi tạm thời phải buông công việc hoằng pháp của các đạo tràng khác, tất cả đều dừng lại, toàn tâm toàn lực giúp các pháp sư trẻ tuổi. Đó là nghĩa vụ mà tôi đang dốc sức.
Thế nhưng cần phải có hiệu trưởng, chúng ta đến chỉ làm công, làm giáo viên. Tuổi tác tôi nay đã lớn, Phật pháp nhất định phải có người sau kế tiếp thì mới có tiền đồ, chúng sanh mới có phước báu. Đã đến lúc tôi phải giao ban, công việc hoằng pháp lợi sanh phải giao cho pháp sư trẻ. Khi họ có thể tiếp ban thì tôi liền thoái hưu.
Thoái hưu đến nơi nào? Đương nhiên
thế giới Cực Lạc. Việc nơi đây đã làm xong, “Việc làm đã xong, thù lao không
nhận”. Những năm cuối đời, chúng ta chỉ còn một việc là dạy học, viết sách,
giúp đỡ hậu học, đó là trách nhiệm sau cùng cũng là lớn nhất, hai chữ Hiền Hộ
mới có thể làm được viên mãn, chân thật thực tiễn.
Danh hiệu Bồ tát Hiền Hộ hàm nghĩa
rất sâu rất rộng, chúng ta phải học tập Bồ tát Hiền Hộ từ danh hiệu của ngài,
đem Hiền Hộ áp dụng trên vai chính mình, như vậy chính mình là Hiền Hộ chánh
sĩ.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên