Thư Viện Hoa Sen

04 Năm Giới

30/10/201012:00 SA(Xem: 18280)
04 Năm Giới

TRẦN THÁI TÔNG
KHÓA HƯ LỤC
Giảng Giải

THÍCH THANH TỪ
DL 1996 - PL 2540

NĂM GIỚI

Dịch

VĂN GIỚI SÁT

Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.

Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục. Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức.” Kinh Đạo dạy: “Ái vật hiếu sanh.” Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.

Kệ rằng:

Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh Hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh.

VĂN GIỚI TRỘM

Người làm nhân nghĩaquân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót tướng quân Sơn Dương, tập làm Lương thượng quân tử. Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh Ty khảo tra.

Không những đống vàng khối ngọc, dầu rằng cọng cỏ mảy lông. Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở, cho vay lấy lời Diêm vương còn phạt. Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang. Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm.

Kệ rằng:

Đục vách đào tường ý chẳng thôi,
Trăm mưu ngàn kế khổ mong cầu.
Đời này ví được của người đấy,
Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu.

VĂN GIỚI SẮC

Lưng ong tóc mượt hay khiến tâm tánh say mê; sắc én mày ngài làm cho hồn phiêu phách lạc. Đưa mắt liếc chẳng phải dao mài mà ai không đứt ruột. Lưỡi uốn tựa sáo diều, mọi người đều phải lắng nghe. Người mê thì nghĩa thân sơ đều dứt; kẻ tham thì đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì khuê môn tán loạn. Bất luận phàm phu, học giả đều say áo đẹp thích điểm trang. Kỷ cương quốc gia bị rơi chốn Tô đài; giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.

Thảy do phóng mắt đuổi theo bên ngoài, nên không xoay đầu nhìn lại bên trong. Cởi hết lụa là che thân chỉ bày làn da bọc thịt. Độc giác gần nữ am mà hoàn tục; Chân quân xa Thán phụ nên thăng thiên. Người chẳng theo sắc được năm thần thông; kẻ mê sắc thì mất các giới hạnh.

Kệ rằng:

Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào,
Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.
Thảy đều một đãy da hôi thúi,
Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao.

VĂN GIỚI VỌNG NGỮ

Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.

Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.

Kệ rằng:

Kề vai cười nói khua lưỡi môi,
Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi.
Riêng ý cầu tài, mong người thích,
Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.

VĂN GIỚI RƯỢU

Người ưa uống rượu thì đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm. Hơi nóng xông nát dạ dày, vị cay xuyên thủng gan ruột. Rối loạn tinh thần, tâm tánh hôn mê. Chẳng nghĩ đến cha mẹ, tội ngũ nghịch chuyên làm. Hoặc ồn náo nơi tiệm quán, hoặc say mèm ngoài đường sá. Khinh trời mắng đất, hủy Phật chê tăng. Miệng lảm nhảm hát ca, thân trần trụi nhảy múa. Đã không tiếp Phật cúng dường, mà lại theo bọn mũ đen bất chánh. Tan thân mất mạng từ đó mà sanh, mất nước hại nhà từ đây mà có.

Bỏ rượu thì ngàn điềm lành đồng tới, uống rượu thì trăm họa kéo về. Đại Võ không uống rượu nên muôn họ đều theo. Thái Khang mê rượu nên năm con đều oán. Đâu chỉ hàng phong lưu phải răn, mà bậc đạt giả cũng cần phải tránh. Bao nhiêu người rạng rỡ trên đời, lại bị tối tăm trong rượu.

Kệ rằng:

Men bã một vò ủ nấu thành,
Bao nhiêu người trí mất thông minh.
Chẳng riêng tăng sĩ không gìn giới,
Mất nước, tan nhà từ đó sanh.


Giảng

NĂM GIỚI

Trong bài Năm giới ngài Trần Thái Tông nhắc nhở người cư sĩ tại gia, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn với người xuất gia. Ảnh hưởnghai mặt:

1) Năm giớicăn bản của người xuất gia, nếu thọ Sa-di, Năm giới là đầu trong Mười giới Sa-di, nếu thọ Tỳ-kheo, bốn giới đầu trong Năm giớiTứ Ba-la-di của Tỳ-kheo.

2) Người xuất gia lấy Năm giới làm căn bản để hướng dẫn Phật tử tu hành, nếu chúng ta không hiểu rành thì sự hướng dẫn không đầy đủ. Thế nên Năm giới là nền tảng của Phật tử tại gia, cũng là trợ duyên lớn cho người xuất gia. Vậy Tăng NiPhật tử học Năm giới đều có lợi ích.

VĂN GIỚI SÁT

Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp, kết oán, nên thọ tên khác, hiệu khác.

Mở đầu ngài Trần Thái Tông chỉ rõ tai hại của sự sát sanh. Trong bốn loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanhhóa sanh tuy hình tướng khác nhau song tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết không có khác. Chỉ do tạo nghiệp thiện ác sai biệt nên thọ tên khác, hiệu khác, tỷ dụ như tên người, tên súc sanh..., nghiệp có sai biệt chớ Thể tánh không khác.

Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau.

Như hiện giờ cùng làm người, nhưng kẻ tạo nghiệp thiện, người tạo nghiệp ác. Sau kiếp này, khi sanh trở lại, chúng ta hoặc làm người hoặc làm súc sanh, hay các loài khác... Chúng ta có phước làm người được đầy đủ sáu căn và đủ tất cả nhu cầu, các loài khác thiếu phước hơn phải sanh làm loài vật bị đọa đày khổ sở.

Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông.

Trong đời này hoặc là bạn bè anh em, qua đời khác thay đổi hình thức cũ, có người biến thành loài rùa loài trạnh có mai, hoặc biến thành loài cá loài trăn có vảy, hay loài chim có cánh có lông... Tuy đời này cùng là người, song kiếp tới biến thành khác loại. Lúc ấy còn nhớ nhau không? Thế nên:

Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con.

Khi xưa là vợ chồng, đổi qua kiếp khác mang hình thức khác nên quên nhau, cha con cũng không biết được nhau. Vì thế xảy ra những chuyện:

Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân.

Vì thay đổi đầu mặt, đâu còn nhớ nhau nữa, nên khi xưa là người thân của mình, bây giờ sanh làm gà vịt, mình mổ bụng chặt chân không chút xót thương.

Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ.

Nghe câu này thật là đau đớn! Con vật nào cũng tham sống sợ chết. Như khi gà vịt bị cắt cổ thì giãy giụa, hay bò lợn bị bắt đem làm thịt thì kêu la, chúng ta đâu có màng tới, chúng tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ vì không biết nói cho người thấu hiểu. Chúng ta không biết nỗi đau đớn của chúng nên sẵn sàng giết không chút xót thương. Mình giết nó, nó oán hận mình. Vì vậy:

Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.

Bây giờ chúng ta giết con vật, nó không giết được mình thì kiếp sau nó sẽ trả thù lại. Ngày nay mình ăn nó thì ngày sau nó ăn lại mình. Cứ ăn nuốt lẫn nhau mãi không có ngày thôi dứt nên oan trái đời kiếp nối tiếp luôn. Như người đập đầu bò, nó oán hận, khi được trở lại làm người, nó chỉ muốn giết lại người đã đập nó. Tại sao người lại muốn giết người? Vì hận đời trước đã gieo, kiếp này gặp lại chỉ muốn giết nhau. Vậy một khi gây oán hận cho ai thì sau này mình phải đền trả khó mà trốn tránh được. Như mình giết loài vật để được ăn ngon thích miệng, kiếp sau nó cũng giết lại mình để được ăn ngon thích miệng.

Người quay đầu liền đến quê nhà, câu này có tánh cách thiền. Nếu biết quay đầu trở lại liền đến quê nhà, tức là không để tâm đuổi theo dục lạc hay sáu trần thế gian, thì chúng ta thấy được cái chân thật của mình, đó là quê nhà muôn thuở. Quê nhà sẵn có của mình chỉ cần một phen quay đầu nhìn lại thì thấy, chớ không phải là xa. Còn kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục, nếu người nào hay phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, đó là nhân chìm trong địa ngục. Trong câu hết sức gọn này chúng ta thấy rõ ràng hai mặt: một bên là người tỉnh biết quay đầu trở lại quan sát chính mình để dẹp bỏ những vọng tưởng điên đảo, đó là người trở về quê nhà, một bên là kẻ mê buông tâm chạy theo ngoại cảnh, sáu trần, đó là nhân để chìm trong địa ngục.

Ngài Trần Thái Tông dẫn chứng:

Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức.” Kinh Đạo dạy: “Ái vật hiếu sanh.” Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.

Đoạn này nói đến ba phần. Nhà Nho dạy: Làm người phải thi ân bố đức, tức là đối với người và các loài vật chúng ta phải đem ân đức ban rải khắp tất cả. Kinh Đạo tức Lão giáo dạy: Ái vật hiếu sanh. Đối với loài vật mình phải biết thương và biết quí sanh mạng của nó, đừng giết hại nó. Như vậy nhà Nho với Lão giáo nói đơn giản mà hay. Còn Phật giáo dạy thế nào? Phật chỉ cấm sát là giữ giới, lời dạy tuy không văn chương nhưng rất cụ thể. Không nói thương quí, không nói ban ân bố đức, Phật chỉ bảo đừng giết. Lời nói thẳng, đơn giảnthực tế, có tính cách bắt buộc. Thế nên khi vào đạo, giới đầu tiên là cấm sát sanh tức không được giết hại chúng sanh, đó là hiếu sanh, là thi ân bố đức rồi. Vì thế:

Ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.

Phạm giới là có tội, phạm giới tức là sát hại chúng sanh.

Lời nói thực tế, không phải lời nói rỗng nói suông. Thế nên trong nhà Phật chúng ta thấy dường như có sự khắt khe bắt buộc giữ giới. Sự thật vì muốn tâm chúng ta lương thiện, đầy đủ phước đức nên đức Phật cấm sát sanh, chúng ta sợ không dám làm những tội ác, đó là chúng ta ái vật, hiếu sanh rồi.

Để kết thúc, ngài Trần Thái Tông làm bài kệ:

Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh Hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sinh.

Những loài có cánh, có lông, có mai, có vảy, tất cả đều là hàm linh. Hàm linh là những chúng sanh có chứa sẵn tánh linh nơi mình, dù cho khác loại song đều sẵn một tánh linh. Tất cả đều tham sống sợ chết như nhau, kể cả loài người cũng vậy.

Những bậc Thánh Hiền ngày xưa lòng không nỡ làm cho chúng sanh chết khi thấy chúng tham sống như mình. Chúng ta biết tham sống không muốn chết, các loài vật cũng vậy, nếu ép chúng chết, đó là tàn nhẫn, là ác tâm.

Đây là bài răn về giới sát. Nếu chúng ta không có tâm giết hại chúng sanh, đó là tâm thi ân bố đức, thương vật hiếu sanh. Như thế chúng ta đã ngừa tránh được tội lỗi, không gây oan trái để phải đền trả và chịu khổ ở đời sau. Vì vậy đức Phật dạy muốn đời này đời sau đều an vui thì chúng ta đừng sát hại chúng sanh.

VĂN GIỚI TRỘM

Giới trộm nói đủ là giới trộm cướp.

Người làm nhân nghĩaquân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót Sơn Dương tướng quân, tập làm Lương thượng quân tử, nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty khảo tra.

Người biết nhân nghĩa, làm việc nhân nghĩa là người quân tử. Kẻ trộm cướp làm những việc hại người lợi mình gọi là kẻ tiểu nhân. Vì thế theo tinh thần nhà Nho, người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, nếu thấy ai nghèo khổ cô đơn thì sẵn sàng giúp đỡ. Đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật của người, thấy ai có lắm của nhiều tiền thì dấy khởi tâm tham muốn giựt lấy cho được. Qua hành động chúng ta biết rõ tâm ai là quân tử, tâm ai là tiểu nhân. Như vậy mình cũng biết mìnhquân tử hay tiểu nhân, không phải nhờ ai phán đoán.

Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình.

Kẻ tiểu nhân lấy của người làm của mình rồi mặc ai trách cứ chê bai mắng nhiếc, miễn lấy được của thì thôi, nên nói “chỉ biết lợi ích cho mình”.

Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu.

Theo nhà Nho giàu sang là tại trời, theo nhà Phật giàu sang là do nghiệp lành mà được. Kẻ tiểu nhân không biết nên buông thả ý mình, thấy cái gì là mong cầu cái ấy, không biết hạn chế, ngăn ngừa lòng tham rồi làm những việc tà quấy như:

Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót tướng quân Sơn Dương, tập làm Lương thượng quân tử.

Sơn Dương tướng quân là chỉ một số tướng cướp thời xưaTrung Quốc, ẩn trên đất Sơn Dương. Còn Lương thượng quân tử tức là người quân tử ở trên xà nhà (lương là cây kèo, là xà nhà). Gọi như vậy là do câu chuyện như sau: Đời Hậu Hán có ông Trần Thực là người khá giả học thức. Một buổi tối gia đình đang tụ họp, ông nhìn lên xà nhà thấy chú ăn trộm nằm núp sẵn trên đó chờ tối để xuống. Ông mới gọi tất cả con cháu đến rồi bảo: Con người bản tánh thiện, nghĩa là con người bất thiện vị tất vốn ác, vì tập nên thành thói xấu, thành kẻ Lương thượng quân tử. Người ăn trộm trên xà nhà nghe ông chủ nhà nói biết là chỉ mình nên tuột xuống, rồi khúm núm kính sợ. Ông Trần Thực khuyên: Anh nên bỏ nghề này để làm người lương thiện. Người ăn trộm xấu hổ, từ đó về sau bỏ nghề trộm. Và những người ăn trộm trong làng nghe câu chuyện Lương thượng quân tử cũng xấu hổ bỏ nghề luôn. Nhờ lời khuyên dạy của ông Trần Thực mà trong làng không còn ai làm nghề trộm đạo. Còn chúng ta nếu thấy ăn trộm thì nói làm sao? Chắc sẽ bảo đó là kẻ tiểu nhân núp trên xà nhà, chớ đâu bao giờ nói là người quân tử! Nhưng nhờ gọi người ăn trộmquân tử nên ông ấy xấu hổ đổi thái độquan niệm để trở thành người tốt.

Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty khảo tra.

Kẻ trộm cướp là người nghịch với lòng trời, trái với ý đất, dối pháp luật, khinh những hình phạt. Khi sống thì bị pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty tra khảo. Chữ Minh, theo chữ Hán nghĩa là tối, Minh ty tức là âm phủ.

Không những đống vàng khối ngọc, dầu rằng cọng cỏ mảy lông.

Không phải lấy trộm một đống vàng, một khối ngọc mới mang tội ăn trộm, mà dù một cọng cỏ, một mảy lông, người không cho cũng không được lấy. Chúng ta thường có bệnh nói trộm cướp là phải cái gì to lớn như đống vàng khối ngọc chẳng hạn, còn trái cà trái ớt nhỏ xíu, đi ngang thấy hái bỏ vào túi không cần hỏi ai, tưởng là không có tội; nhưng dù vật nhỏ bao nhiêu cũng do công khó nhọc của người trồng, mình không xin người chưa cho thì không được quyền lấy. Đây mới dẫn tích xưa:

Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở.

Đây là dẫn câu chuyện một ông Sa-di đi qua hồ sen, thấy hoa nở có mùi thơm đứng lại nhìn và ngửi mùi sen thơm. Chợt có Địa thần xuất hiện và quở: “Tại sao ông ngửi trộm hương hoa sen của tôi?” Ông Sa-di nói: “Tôi chỉ ngửi mùi hương, đâu có hại gì đến hoa của ông.” Địa thần bảo: “Ngửi như vậy là đã phạm tội trộm rồi.” Ngay lúc đó có đôi ba người ào xuống hồ sen kẻ hái gương người nhổ ngó. Ông Sa-di hỏi lại ông thần: “Tôi chỉ ngửi một chút hương sen mà ông đã quở, còn những người kia bẻ gương móc ngó, sao ông không rầy?” Địa thần nói: “Ví như có người mặc chiếc áo trắng chỉ cần dính một điểm mực nhỏ đã thấy dơ rồi. Còn người mặc áo đen nếu dính một bệt mực to cũng không thấy là dơ.” Ông thần nói tiếp: “Cũng như vậy, vì ông là người tu thanh tịnh, nên ngửi lén một chút hương sen, ông đã nhơ rồi, còn các người kia là kẻ phàm tục dù họ có làm những điều tội lỗi cũng như bệt mực phết lên chiếc áo đen không ai thấy, nên tôi không rầy.” Qua câu chuyện này chúng ta thấy người tu là phải dè dặt tối đa, đừng nghĩ rằng người ta ăn trộm còn không sao, mình hái có trái cà trái ớt đâu có gì quan trọng. Song thái độ người tu phải khác hơn, dù một chuyện nhỏ cũng phải tránh, vì mình là người trong sạch, một vết nhơ tuy nhỏ cũng làm nhơ mình rồi. Còn người đã nhơ sẵn thì một vết nữa cũng không thấm vào đâu.

Cho vay lấy lời Diêm vương còn phạt.

Đến việc cho vay lấy lời cũng vậy, Diêm vương cũng rầy phạt, chớ không phải dễ. Như người tu ở chùa thỉnh thoảng ngân quĩ được rộng, cũng muốn cho vay lấy lãi, mà không ngờ việc làm đó cũng bị quở rầy!

Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang. Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm.

Lưới trời tuy nhìn không thấy, nhưng lồng lộng mênh mông, nếu làm lành thì không dính mắc lưới trời, còn làm ác nhất định mắc họa bị đọa đày, không sao tránh khỏi. Phép nước mênh mông rộng lớn, nếu làm việc công ích lợi cho mọi người thì không phạm tội. Nếu vì tư tài tư lợi được mình hại người thì phạm tội, chớ không tránh được.

Kệ rằng:

Đục vách đào tường ý chẳng thôi,
Trăm mưu ngàn kế khổ mong cầu.
Đời này ví được của người đấy,
Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu.

Đục vách, đào tường là làm nghề trộm cướp, làm mãi không muốn thôi. Bày ra trăm mưu ngàn kế để mong cầu được tài lợi của người. Ví như đời này được hưởng, đâu có biết muôn kiếp phải làm trâu ngựa để đền trả. Đừng nghĩ lấy của người hưởng hết là xong, hiện giờ tưởng như sung sướng, nhưng đời sau phải chịu khổ đau không biết bao nhiêu lần. Vì vậy phải ngừa tránh chớ lấy của người, đó là giữ giới trộm cướp.

VĂN GIỚI SẮC

Giới sắc tức là giới tà dâm đối với người tại gia, còn với người xuất gia gọi là giới dâm dục.

Lưng ong tóc mượt hay khiến tâm tánh say mê; sắc én mày ngài làm cho hồn phiêu phách lạc. Đưa mắt liếc chẳng phải dao mài mà ai không đứt ruột. Lưỡi uốn tựa sáo diều, mọi người đều phải lắng nghe. Người mê thì nghĩa thân sơ đều dứt; kẻ tham thì đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì khuê môn tán loạn. Bất luận phàm phu, học giả đều say áo đẹp thích điểm trang. Kỷ cương quốc gia bị rơi chốn Tô đài; giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.

Đoạn này nói tai họa của sắc đẹp.

Lưng ong tóc mượt hay khiến tâm tánh say mê. Sắc én mày ngài làm cho hồn phiêu phách lạc.

Đây diễn tả hình dáng của người đẹp. Đôi mày ngài, gương mặt đẹp khiến cho người nhìn phải hồn xiêu phách tán.

Đưa mắt liếc chẳng phải dao mài mà ai không đứt ruột. Lưỡi uốn tựa sáo diều, mọi người đều phải lắng nghe.

Liếc mắt không phải dao mà người bị đứt ruột. Khéo nói khéo lựa lời êm dịu nên ai nghe cũng phải lắng tai.

Người mê thì nghĩa thân sơ đều dứt, kẻ tham thì đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì khuê môn tán loạn.

Người mê sắc thì nghĩa thân như cha mẹ, sơ như bà con láng giềng đều tan mất. Kẻ tham mê sắc dục thì đạo đức tiêu tan. Trên thì gia phonggiáo dục bị mất, trong gia đình riêng thì khuê môn tán loạn, chồng vợ bất hòa.

Bất luận phàm phu, học giả đều say áo đẹp, thích điểm trang. Kỷ cương quốc gia bị rơi chốn Tô đài, giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.

Dù kẻ phàm phu tầm thường hay người học giả cao siêu đều say mê những chiếc áo đẹp, thích dáng điểm trang của người khác phái. Do đó kỷ cương quốc gia bị rơi nơi chốn Tô đài. Tô đài là cái đài xây cất trên núi Cô Tô bên Trung Hoa. Ngày xưa, vua Ngô Phù Sai vì say mê sắc đẹp Tây Thi, ngày đêm vui chơi trên Tô đài, quên hết việc nước, nên về sau bị Việt vương Câu Tiễn kéo quân sang đánh, nước Ngô tan nát, vua Ngô phải chết. Còn người tu mà đắm mê nhan sắc thì giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.

Thảy do phóng mắt đuổi theo bên ngoài, nên không xoay đầu nhìn lại bên trong.

Mỗi giới đều có nhắc lại câu này. Đoạn trước nói nếu xoay đầu liền đến quê hương, ở đây nói do phóng mắt đuổi theo bên ngoài... Con người say mê sắc đẹp vì phóng tầm mắt đuổi theo những hình dáng bên ngoài, nên không xoay đầu nhìn lại bên trong, tức là không biết xoay trở lại quê hương mình.

Cởi hết lụa là che thân chỉ bày làn da bọc thịt. Độc giác gần nữ am mà hoàn tục; Chân quân xa Thán phụ nên thăng thiên. Người chẳng theo sắc được năm thần thông; kẻ mê sắc thì mất các giới hạnh.

Con người chỉ có dáng bên ngoài, lụa là che thân, rồi trang điểm cho đẹp đẽ. Nếu cởi tất cả những che đậy bên ngoài, thì ai cũng là da bọc xương thịt, có gì đâu mê say! Thế mà ngày xưa có một vị tiên Độc Giác vì gần nữ am, tức là nhà của người nữ, mà bị hoàn tục. Ngày xưa có vị tiên Độc Giác đi khất thực, một người nữ dâng cơm, ngài nhận. Nhận quen rồi lần lần có sự xúc chạm. Khi trước mỗi lần nhận cơm xong Ngài dùng thần thông đi. Sau vì sự xúc chạm Ngài mất thần thông trở thành người thế tục. Đây là câu chuyện trong Luật, chúng ta thường nghe nhắc đến vị tiên Độc Giác được vua cúng dường.

Chân quân xa Thán phụ nên thăng thiên.

Chân quân chỉ các đạo sĩ tu tiên, Thán phụ là người đàn bà bằng than. Ngày xưa có một đạo sĩ tu tiên tên Trương Đạo Lăng luyện được nhiều pháp thuật, thuốc linh đơnphù chú, danh tiếng đồn khắp, số người theo học rất đông. Ông muốn thử học trò xem ai quyết chí tu, nên lấy than gọt làm một người nữ và hóa thành một cô gái rất đẹp, rồi cho cô tới trêu ghẹo các đệ tử. Nếu người nào nắm tay cô gái thì tay bị nhuộm đen. Khi trình tay lên thầy xem, vị đệ tử nào tay bị dính đen thầy nói không xong rồi cho về nhà, người nào tay trắng sạch thầy cho học.

Ở đây nói Chân quân là một người học đạo tiên với Ngô Mãnh, nhân không dính mắc phái nữ nên sau này được sanh cõi trời. Như vậy người chẳng theo sắc được năm thần thông, còn kẻ mê sắc thì mất các giới hạnh.

Kệ rằng:

Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào,
Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.
Thảy đều một đãy da hôi thúi,
Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao.

Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào, đây tả dáng người nữ đẹp.

Thấy rồi mắt dán, ý nao nao, thấy người đẹp thì mắt nhìn mãi không rời, trong lòng xao xuyến nao nao.

Thảy đều một đãy da hôi thúi, nhưng xét kỹ chỉ có dáng bên ngoài, thật sự nam hay nữ, ai cũng chỉ là một đãy da hôi thúi.

Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao. Thế mà có người bị chết không cần dùng phương tiện, bị cắt đứt ruột không cần dùng dao. Đây là lời nhắc nhở những ai có bệnh đắm mê sắc đẹp thì sẽ gặp hiểm nguy như vậy.

VĂN GIỚI VỌNG NGỮ

Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.

Đoạn này giải thích về lỗi của vọng ngữ.

Tâm là gốc thiện ác, tâm là những ý niệm, nguồn của thiện và ác.

Miệng là cửa họa phúc, họa từ miệng mà ra, nên phải dè dặt lời nói.

Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai, chỉ khởi nghĩ một niệm là có sự hưởng ứng đúng như điều mình nghĩ, nghĩ xấu có hưởng ứng xấu, nghĩ tốt có hưởng ứng tốt rõ ràng.

Nói một lời thì bóng theo chẳng lệch, một lời nói ra quả báo sẽ theo không sai chạy. Lời nói lành có quả lành, lời nói ác có quả ác theo ngay. Thế nên:

Quân tử trọng lời như biện, tức là người quân tử trọng lời nói như đinh đóng vậy. Biện là cái thành của chiếc giường, gồm những miếng gỗ nhờ đóng đinh nên cứng lại, ý nói người quân tử trọng lời nói như đóng đinh vào gỗ vậy.

Cổ nhân ngừa nói như bình, người xưa ngừa miệng mình như bình. Cái bình nếu để đứng thì không đổ nước, để nghiêng thì đổ. Vì thế chúng ta luôn luôn ngừa lời nói, không phát ra những lời vô nghĩa hay những lời hại người.

Nói ra thì ngay thẳng công bằng, mở lời thì không cong queo tà vạy. Người quân tử đạo đức nói lời ngay thẳng đúng đắn, không tà vạy. Còn người thế gian thấy một đàng nói một ngả, hoặc nói bóp méo sự thật, đó gọi là nói cong queo tà vạy. Lời nói thẳng là không nói quanh co, có thế nào nói thế ấy.

Không nói đây hay kia dở, chẳng bàn mình phải người sai. Chẳng những người cư sĩ tại gia mà cả người xuất gia cũng phải học thuộc câu này. Khi năm ba huynh đệ họp lại thường bàn chuyện người này hay người kia dở gọi là bàn chuyện thị phi. Chúng ta không nên nói chuyện hay dở của người, cũng chẳng bàn mình phải người sai, người nói lời thô lỗ vô phép, còn mình đối xử rất đẹp rất hay. Ít khi nào chúng ta nhận dở về mình và khen người hay khéo, lúc nào cũng cái ta trên hết. Cái ta hiện rõ ràng trong lời, cho nên ít nói là hơn hết.

Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Đừng múa lưỡi phô trương mình giỏi mình khôn, cần phải giữ miệng không nói lời sai quấy rỗng suông.

Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Tuy nghiệp thân là nặng, song miệng cãi rầy trước rồi thân đánh đập sau làm khổ cho nhau. Ở thế gian nếu mỗi người biết giữ gìn miệng, thì trong nhà ít có cãi rầy đi đến đánh nhau. Vậy ai khéo giữ miệng thì sẽ tránh được tai họa này.

Chẳng những kẻ nói vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy. Nếu mình nói dối nói sai, khiến người nghe tưởng thật, họ làm bậy theo, đó là lỗi tại mình.

Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.

Ai thường nói dối, hiện đời bị người khinh rẻ, sau khi chết nghiệp báo lôi vào địa ngục. Nơi đó kềm sắt kéo lưỡi cắt đi, thật là chua cay đau đớn. Lại bị đổ nước đồng sôi vào miệng, cháy cả ruột gan. Như thế quả báo nói dối hiện đời đã xấu, đời sau lại càng khổ đau, nên phải ráng ngừa tránh.

Kệ rằng:

Kề vai cười nói khua lưỡi môi,
Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi.
Riêng ý cầu tài, mong người thích,
Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.

Kề vai cười nói khua lưỡi môi. Muốn dụ dỗ người nghe lời dối trá của mình thì phải kề vai nói cười thân thiết.

Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi, cứ như vậy mà làm người nói dối mãi.

Riêng ý cầu tài mong người thích, mong được tài lợi về mình thì phải nói dối làm người ta ưa thích mới gạt được người.

Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi. Đến lúc chết, bị nghiệp lôi kéo vào địa ngục chịu những hình phạt khổ sở đau đớn vô cùng. Quả báo trong địa ngục là do vọng ngữ vậy.

VĂN GIỚI RƯỢU

Người ưa uống rượu thì đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm. Hơi nóng xông nát dạ dày, vị cay xuyên thủng gan ruột. Rối loạn tinh thần, tâm tánh hôn mê. Chẳng nghĩ đến cha mẹ, tội ngũ nghịch chuyên làm. Hoặc ồn náo nơi tiệm quán, hoặc say mèm ngoài đường sá. Khinh trời mắng đất, hủy Phật chê Tăng. Miệng lảm nhảm ca hát, thân trần trụi nhảy múa. Đã không tiếp Phật cúng dường, mà lại theo bọn mũ đen bất chánh. Tan thân mất mạng từ đó mà sanh, mất nước hại nhà từ đây mà có.

Người ưa uống rượu thì đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm. Đây là điều cụ thể vô cùng. Uống rượu nhiều thì quên hết những điều hay lẽ phải, nên đức hạnh suy kém, lời nói không xét nghĩ nên dễ sanh lỗi lầm.

Hơi nóng xông nát dạ dày, vị cay xuyên thủng gan ruột. Uống rượu vào nóng quá làm cho dạ dày bị loét hư, vị cay của rượu làm gan ruột bị bệnh.

Rối loạn tinh thần, tâm tánh hôn mê. Đây là tai họa của rượu: Đức hạnh suy kém, thân thể bệnh hoạn, tinh thần tối tăm, tất cả đều do uống rượu.

Chẳng nghĩ đến cha mẹ, tội ngũ nghịch chuyên làm. Khi say sưa rồi thì không nghĩ đến cha mẹ, vì vậy dễ sanh tội ngũ nghịch giết hại mẹ cha...

Hoặc ồn náo nơi tiệm quán, hoặc say mèm ngoài đường sá. Uống rượu quá nhiều, nơi quán tiệm thì nói năng ồn náo cãi vã qua lại. Hoặc say mèm đi không nổi nằm vật ngã bên lề đường. Lúc say sưa thì:

Khinh trời, mắng đất, hủy Phật, chê Tăng, không coi ai ra gì, cũng chẳng kể trời đất. Miệng lảm nhảm hát ca giống người mất trí.

Thân trần trụi nhảy múa ngoài đường, lũ con nít vây quanh reo cười chế nhạo. Chỉ vì rượu mà từ con người tỉnh biến thành người điên. Thế mà người ta lại thích làm kẻ điên, không chịu làm người tỉnh!

Về phần đạo đức Đã không tiếp Phật cúng dường mà lại theo bọn mũ đen bất chánh. Chẳng biết đến Phật cúng dường, lại theo bọn bất chánh làm nghề trộm cướp.

Tan thân mất mạng từ đó mà sanh, mất nước hại nhà từ đây mà có. Tan thân mất mạng hoặc hư nhà mất nước cũng vì rượu.

Bỏ rượu thì ngàn điềm lành đồng tới, uống rượu thì trăm họa kéo về. Đại Võ không uống rượu nên muôn họ đều theo. Thái Khang mê rượu nên năm con đều oán. Đâu chỉ hàng phong lưu phải răn, mà bậc đạt giả cũng cần phải tránh. Bao nhiêu người rạng rỡ trên đời, lại bị tối tăm trong rượu.

Nếu không uống rượu thì ngàn điều lành đồng tới, còn uống rượu thì trăm tai họa kéo về.

Đại Võ không uống rượu nên muôn họ đều theo. Thái Khang mê rượu nên năm con đều oán. Theo sử Trung Hoa, vua Đại Võ do không uống rượu nên muôn họ đều theo, còn ông Thái Khang vì mê rượu, nên năm người con đều oán trách bỏ ông.

Đâu chỉ hàng phong lưu phải răn, mà bậc đạt giả cũng cần phải tránh. Không những hàng nho nhã ngoài đời phải ngừa rượu, mà cả bậc đạt giả tức người tu hànhđạo đức cao cũng phải tránh uống rượu.

Bao nhiêu người rạng rỡ trên đời, lại bị tối tăm trong rượu. Người có danh tiếng giàu sang, rốt cuộc bị rượu làm cho tăm tối. Rượu là một tai họa rất lớn lao vậy.

Kệ rằng:

Men bã một vò ủ nấu thành,
Bao nhiêu người trí mất thông minh.
Chẳng riêng tăng sĩ không gìn giới,
Mất nước tan nhà từ đó sinh.

Rượu là gì? Chẳng qua là men trộn với nếp hoặc gạo, đổ vào vò ủ, rồi nấu thành rượu. Thế mà bao nhiêu người trí mất thông minh vì nó. Không phải riêng người tu sĩ uống rượu là phạm giới, mà tất cả người thế gian từ vua chúa đến quan dân nếu mê say rượu, vua chúa thì mất nước, quan dân thì tan nhà, tất cả đều do bệnh rượu. Trong năm giới, giới uống rượu dường như nhẹ, mà thật là họa không thể lường. Vậy mỗi người phải cố gắng tránh rượu, tránh được là mình đã tiến một bước rất lớn, không gây lỗi lầm tai họa cho mình và người.

Tạo bài viết
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.