- Mục Lục
- Lời Đầu Sách
- Dẫn Nhập: Chết Không Phải Là Hết
- Chương 01 Đời Người Quý Báu
- Chương 02 Hấp Hối Thời Khắc Quan Trọng Của Cuộc Đời
- Chương 03: Chân Tánh Thoáng Thấy Ánh Quang Minh
- Chương 04: Trung Ấm Thân Bardo
- Chương 05: Các Câu Chuyện Về Trung Ấm Thân
- Chương 06: Tái Sinh
- Chương 07 Đức Phật Vô Lượng Quang Và Cõi Cực Lạc
- Chương 08: Phương Cách Giúp Đỡ Người Hấp Hối Và Người Chết
- Chương 09: Nghi Thức Cho Người Hấp Hối Và Người Chết
- Chương 10 Những Suy Nghĩ Sau Cùng
- Phụ Lục A
- Phụ Lục B
- Lời Cuối Sách
Nguyên tác Anh ngữ: Peaceful Death, Joyful Rebirth
của đại sư học giả Tulku Thondup
Việt dịch: HT. Thích Như Điển & TT. Thích Nguyên Tạng
Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu ấn hành 2011
Lời cuối sách
Ngày nay sách viết và nói về Phật Giáo Tây Tạng không thiếu bất cứ một loại tiêu đề nào. Có những sách bằng tiếng Anh nổi tiếng do chính đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết nhan đề là: My land and my people (Nước tôi và dân tôi), hay Freedom in Exil (Tự do trong lưu đày). Hoặc do các vị Đại sư nổi tiếng khác của Phật Giáo Tây Tạng viết về Tánh Không, Trung đạo v.v... cũng có nhiều sách được dịch giả như Nguyên Phong chuyển ngữ rất hay như quyển ‘Hoa sen trên tuyết’ chẳng hạn. Đồng thời ở Úc cũng có nữ Phật tử bút hiệu Hồng Như đã dịch quyển ‘Tinh túy Bát Nhã Tâm Kinh’ và trực dịch nhiều lần giảng pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma thật là tuyệt vời, khiến cho ai đó có nhân duyên đọc được những sách này hay nghe được những bài giảng được chuyển dịch qua Việt ngữ cũng điều ca ngợi tán thán. Đây là công đức hoằng pháp lợi ích không nhỏ cho quần sanh của người xuất gia và tại gia trong đời này vậy.
Tôi là người rất ham đọc sách. Nghĩa là bất cứ lúc nào có thì giờ là phải có quyển sách hay tờ báo trên tay để xem. Nếu không, cảm thấy nó vô vị và tẻ nhạt. Vì tôi quan niệm rằng: đọc sách để học hỏi và tìm hiểu những cái hay cái đẹp của tác giả hoặc dịch giả muốn gởi đến độc giả. Dầu cho tác giả hay dịch giả ấy có viết hoặc dịch dở như thế nào đi chăng nữa, cũng là cái hay nhất của chính họ, mong đem ra cống hiến cho độc giả. Do vậy chúng ta nên cần đọc sách là vậy.
Đã nhiều lần nghe đức Đạt Lai Lạt Ma giảng tại chùa Viên Giác, ở Hamburg, một tuần lễ ở Schneverdingen, 5 ngày ở Franfurt và cũng đã từng nghe cũng như đọc qua nhiều sách vở của Phật Giáo Tây Tạng, nhưng tôi chỉ được biết và học qua giáo lý Trung đạo của Ngài Long Thọ, đại sư Tống Khách Ba, Ngài Liên Hoa Sanh, Ngài Shantideva, Ngài Ajita v.v... và hầu như chưa bao giờ nghe qua về việc vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà theo quan niệm của Phật Giáo Tây Tạng.
Năm nay 2010 – 2011 nhân lần nhập thất tịnh tu tại Úc lần thứ 8, tôi có ý định dịch chung với Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Phó viện chủ Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne và là người chủ xướng trang nhà Quảng Đức; Thầy cũng là người đã dịch qua nhiều tác phẩm của Phật Giáo Tây Tạng bằng Anh Văn; cho nên tôi đề nghị dịch chung với Thầy ấy là vậy.
Đầu tiên Thầy ấy định dịch một tác phẩm mới về xá lợi, nhưng sau đó Thầy gởi cho tôi quyển: Peaceful Death, Joyful Rebirth (Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ) của đại sư học giả Tulku Thondup hiện đang dạy tại Đại Học Havard – Hoa Kỳ. Ngài thuộc phái Phật Giáo Nyingma của Tây Tạng. Thầy Nguyên Tạng giao cho tôi dịch từ chương 6 đến chương thứ 10 nghĩa là từ trang 168 đến trang 228. Sau khi dịch xong 5 chương ấy tôi thấy phần phục lục A và B cũng không kém phần quan trọng cho các hành giả muốn làm quen với những lễ nghi tang ma của Phật Giáo Tây Tạng, nên tôi đã dịch tất cả 2 phần này cho đến trang 280 của sách tiếng Anh là chấm dứt.
Khi cầm quyển sách tôi bắt đầu đọc những chú thích trước từ ngày 7 tháng 6 năm 2010 và đọc qua một lần có ghi chú vào ngày 28 tháng 6 năm 2010 nhân lần sinh nhật thứ 62 của tôi và cũng chính ngày này tôi đã đặt bút xuống giấy trắng để dịch ngay cho đến ngày 5 tháng 8 năm 2010 thì xong, với 112 trang sách chữ nhỏ. Phần đầu gồm mục lục, lời tựa, lời giới thiệu và từ chương một đến hết chương sáu gồm 167 trang. Phần này do TT Thích Nguyên Tạng dịch sang tiếng Việt.
Đọc và dịch tôi cảm thấy say mê. Vì lẽ tôi tu theo pháp môn Tịnh Độ mà nay mới tìm được quyển sách trong tình cờ của Phật Giáo Tây Tạng viết về Tịnh Độ, nên chẳng quản ngày đêm trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm nay tại xứ Đức, trời nóng oi ả ở nhiệt độ 35 đến 40, mà sau mỗi đêm lễ phật 250 đến 300 lạy kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ 2, phẩm Sư Tử Hống, với mỗi chữ một lạy, tôi vẫn thức khuya và dậy sớm hơn thường lệ để hoàn thành dịch phẩm này. Đây có lẽ là dịch phẩm ưng ý nhất của tôi và vì lý do gì thì bạn đọc sẽ tìm được bàng bạc trong ‘lời cuối sách này’.
Đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc qua sự giới thiệu của đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni trong kinh Đại phẩm và Tiểu phẩm A Di Đà cũng như kinh Vô Lượng Thọ với nguyên thủy bằng tiếng Sanskrit, đức Phật A Di Đà khi còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo phát ra 46 lời nguyện. Nhưng khi Phật Giáo Đại Thừa Tịnh độ được truyền qua Trung Hoa vào thế kỷ thứ 3, Đại Hàn, Nhật Bản thế kỷ thứ 6; Việt Nam thế kỷ thứ 4 đã trở thành 48 lời nguyện, thay vì 46 như ở Ấn Độ. Đến thế kỷ thứ 9 khi Phật Giáo Tịnh độ được truyền sang Tây Tạng đã trở thành 51 lời nguyện. Như vậy cõi Tịnh độ thì nhiều; nhưng cõi Cực Lạc chỉ có một và giáo chủ chỉ có đức Phật A Di Đà với sự phụ tá của đức Quán Thế Âm Bồ Tát và đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Thế mà các Ngài đã hiện thân qua nhiều cái nhìn khác qua các lời nguyện của các nước theo Phật Giáo ở vào thời điểm khác nhau. Cho nên việc vãng sanh về thế giới của Ngài cũng khác nhau, chứ không hẳn nhiên giống nhau hoàn toàn. Ví dụ:
- Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam dựa theo tín, nguyện, hạnh để tin tưởng, phát nguyện và hành trì pháp môn niệm Phật để được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Trong đó dùng lời nguyện thứ 18 làm căn bản.
- Nhật Bản với Tịnh độ Chơn Tông do Ngài Thân Loan Thánh Nhơn đề xướng vào thế kỷ thứ 13, muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà phải hội đủ 5 việc. Đó là: chí tâm, tín nhạo, dục sanh, nhiếp thủ và bất xả. Ba tâm đầu là tâm của chúng sanh hưóng về đức Phật và chư vị Bồ Tát. Hai tâm sau do chư vị Bồ Tát làm chủ. Một lòng chí tâm niệm danh hiệu của Ngài và tin tưởng một cách xâu xa tuyệt đối cũng như có ý cầu mong sanh về được cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà thì các Ngài sẽ tiếp nhận chúng sanh ấy và giữ gìn nơi cõi Cực Lạc, không bỏ chúng sanh ấy ra, để bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi nữa.
- Tây Tạng với Phật Giáo Mật Tông, khi tin theo pháp môn Tịnh độ, các vị Tổ Sư chia ra bốn điều kiện. Đó là: niệm danh hiệu Phật, tu tạo công đức, phát Bồ Đề tâm và hồi hướng những công đức ấy về cõi Cực Lạc cho người mất hay chính mình. Như vậy việc trì danh hiệu Phật là điều căn bản. Kế tiếp là phải tạo ra công đức bố thí, cúng dường cho người còn sống cũng như người đã quá vãng là điều cần thiết. Kế đó phát tâm Bồ đề dũng mãnh, cầu sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà và cuối cùng là nếu những phước đức ấy có được phải hồi hướng hết tất cả đến cảnh giới ấy cho chính mình, cho người quá vãng và cho tất cả chúng sanh thì mới mong giải thoát được sanh tử luân hồi.
Riêng Phật Giáo Tịnh độ Tây Tạng còn có thêm phần phowa, nghĩa là thực hiện việc chuyển di tâm thức của người mất vào tâm của đức Phật A Di Đà. Đồng thời Thiền tọa để hướng dẫn cho người quá cố cũng như chính mình lúc còn hiện hữu trên cõi đời này. Đây là điều mới lạ so với Phật tử Việt Nam, Trung Hoa cũng như Nhật Bản. Vì lâu nay các nước Phật giáo này tin rằng sự vãng sanh ấy là do Phật lực, từ lực của đức Phật A Di Đà mà một chúng sanh có thể sanh về thế giới của Ngài sau khi lâm chung và chí thành cầu nguyện danh hiệu Ngài, chứ không phải do năng lực của một vị Thầy hay những người hộ niệm mà có thể làm được.
Mặt khác phần quán tưởng để đóng cửa những sự nhầm lẫn khi tái sanh, thì Phật Giáo Tây Tạng táo bạo hơn, bằng hình ảnh giao hợp, để hợp nhất hòa tan vào chân ngã không còn phân biệt, là phương tiện khó nghĩ bàn của chư Thánh Bồ Tát. Cũng như các bậc đạo sư, để chúng sanh sợ, đừng nhận nơi đó đầu thai, thì đây cũng là cái nhìn táo bạo so với các nước Phật Giáo khác. Mặc dầu trong kinh Đại Bảo Tích phẩm Nhập Thai Tạng pháp giới đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giải bày tỉ mỉ, nhưng không như Phật giáo Tây Tạng đã trình bày qua Ngài Liên Hoa Sanh, mà phải xác nhận một điều rằng ở trung ấm thân, Phật Giáo Tây Tạng đã chỉ rõ ràng từng chi tiết một cho người đang ở trong trạng thái lâm sàng phải làm như thế nào qua sự chấp nhận của màu sắc để được tái sanh ở cõi cao hoặc thấp hơn là điều đáng nên lưu ý.
Khi chúng ta nghiên cứu một học phái khác, không phải chúng ta phải chạy theo hoàn toàn tông phái đó, vì lẽ dù cho là tông phái của Phật Giáo nước nào đi nữa thì cũng niệm câu Thần chú:
Nam Mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt
Om Amitabha Hum bằng tiếng Sanskrit
Namo Amida Butsu bằng tiếng Nhật
Namo Amitafo bằng tiếng Hoa
Tất cả ý nghĩa chỉ là một : con xin quy ngưỡng về đức Phật A Di Đà. Nghĩa là vị Phật có ánh hào quang vô lượng hoặc Amitayns là vị có đời sống thọ mạng lâu dài. Tất cả dù khác ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa vẫn là một.
Hoặc câu: Om Mani Padme Hum cũng vậy. Tiếng Việt dịch là: Án Ma Ni Bát Di Hồng và ý nghĩa cũng tương tự như trong nội dung của sách này đã giải thích rằng: “Tam mật của đức Phật với lòng từ bi quý báu và trí tuệ ấy. Xin cho con sự gia hộ của quý Ngài”.
Việt Nam Phật Giáo chúng ta nên học theo Phật Giáo Nhật Bản để có cái nhìn thực tiển hơn, chứ không nhứt thiết phải rập khuôn theo Trung Hoa hoàn toàn. Ví dụ như Trà đạo, Thơ đạo, Kiếm đạo, Nhu đạo, Thiền v.v... đều phát xuất từ Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng khi du nhập vào Nhật thì Chado, Shodo, Kendo, Judo, Zen là của người Nhật, chứ không còn là của Phật Giáo Trung Hoa nữa và ngày nay thế giới cũng chỉ biết Zen (Thiền) là của Nhật, chứ không phải của Trung Quốc.
Chúng ta cần phải thẩm định lại giá trị này để tạo thành một Phật Giáo Việt Nam đa diện mà không phải rập khuôn theo lối cũ của nơi mà Phật Giáo được truyền từ.
Tôi không sử dụng tự điển Anh Việt hay Việt Anh để dịch tác phẩm này, mà xử dụng tự điển Anh Nhật cũng như Nhật Anh do nhà xuất bản Obunsha của Nhật ấn hành để làm phong phú hóa cho dịch phẩm này. Cầm trên tay quyển tự điển Anh Nhật có ghi ngày 18 tháng 6 năm 1973 đã mua tại Nhật, tôi hơi xúc động. Vì lẽ đã gần 40 năm rồi mới xử dụng lại quyển tự điển này. Còn quyển tự điển Nhật Anh tôi đã mua tại Nhật vào năm Chiêu Hòa thứ 49 nhằm ngày 24 tháng 3 năm 1974 và lần mở vào bên trong, thấy quyển này tôi đã dịch sang tiếng Việt đến trang 103 ở vào giữa vần C và bỏ dở từ ngày 22 tháng 11 năm 1978 đến nay vẫn chưa có cơ duyên để soạn lại. Đây là một công trình đang còn dang dở vậy. Tiếng Nhật tuy không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng tôi rất yêu mến tiếng Nhật. Vì trong đó có nhiều chữ Hán, rất quen thuộc với mình.
Khi dịch tôi cố gắng dịch cho đúng ý của tác giả. Tuy nhiên tiếng Pháp nói rằng: ‘Dịch tức là phản dịch’’. Nghĩa là nếu dịch sai ý tác giả; tức là mình đi ngược lại tác giả rồi. Chỉ có điều tôi muốn trình bày ở đây là không nên dịch sát quá, nghĩa nó sẽ tối, khiến người đọc khó nhận ra ý nghĩa của câu văn. Tùy theo trong từng trường hợp mà tôi dịch chữ “Dedicate” là sự hiến dâng, phụng nạp, cống hiến hay hồi hướng. Ngay như chữ: ‘the King’’ người ta cũng có thể dịch là: ông vua, nhà vua, hay đức vua, tùy theo trong mỗi trường hợp một mà khác nhau. Dĩ nhiên là người dịch có quyền chọn lựa danh từ nào thích hợp để dịch và điều quan trọng hơn là độc giả khi đọc hiểu được ý là vấn đề, chứ không nhất thiết phải bị gò bó vào chữ nghĩa. Khi phê bình sẽ có nhiều người chê dở, khen hay. Nhưng việc khen, chê lâu nay vốn đã có sẵn trên đời này rồi. Vì cõi Ta Bà này chẳng có cái gì là tuyệt đối cả. Trong cái dở luôn luôn có cái hay và trong cái hay luôn luôn có cái dở là vậy.
Chữ Hán tôi học kinh luật từ lúc mới vào chùa tu năm 1964 và năm đó khi bắt đầu học Trung Học Đệ Nhất cấp ở Trường Diên Hồng và trường Bồ Đề Hội An, Quảng Nam tôi đã chọn sinh ngữ Pháp làm sinh ngữ một. Khi sang đệ nhị cấp tại trường Trần Quý Cáp ở Hội An, Trường Cộng Hòa và Văn Học tại Sài Gòn tôi đã chọn tiếng Anh làm sinh ngữ hai. Khi đến Nhật vào năm 1972 tôi chọn tiếng Nhật gần như tiếng mẹ đẻ để học tại trường Nhật ngữ và Đại Học giáo dục Teikyo sau đó. Ở đây tôi chọn tiếng Anh làm sinh ngữ chính. Đầu năm 1977 khi thi vào Cao Học Phật Giáo tại Đại Học Risso (Lập Chánh) ở Tokyo tôi lấy sinh ngữ Hoa (Hán cổ) làm sinh ngữ chánh và tiếng Pháp làm sinh ngữ phụ. Khi đến Đức 1977 học tiếng Đức tại Đại Học Kiel và phân khoa giáo dục tại Đại Học Hannove lấy tiếng Đức làm sinh ngữ mẹ đẻ và chỉ cần thi lại những môn mà ở Tokyo chưa thi. Do vậy không cần phải thi môn tiếng Anh hay tiếng Pháp tại đây nữa.
Quý vị đọc đoạn trên đây để biết thêm rằng: tại sao tôi lại có cơ duyên với nhiều ngôn ngữ như vậy. Điều quan trọng là tôi rất thích ngoại ngữ cho nên cứ miệt mài với sách vở và các ngôn ngữ này. Cho nên trong các dịch phẩm của tôi từ tiếng này sang qua tiếng khác như các loại ngôn ngữ: Nhật, Hán, Việt, Anh, Đức mà có những điểm sai trái, lỗi lầm là do tôi và khả năng của tôi chưa đạt được ở điểm cao như độc giả mong muốn. Điều này là lỗi của tôi, tôi xin nhận tất cả và xin quý vị cao minh chỉ bày cho.
Ngay như dịch phẩm thứ 57 này trước khi mang sang Úc, tôi cũng đã nhờ quý Thầy đệ tử của mình, đã tốt nghiệp trường Đức, trường Mỹ qua ngôn ngữ học dò lại từng chữ và từng câu để sửa lại cho đúng ý và đúng lời của tác giả. Tuy vậy chắc chắn vẫn còn khiếm khuyết. Sau đó tôi sẽ mang bản dịch này đến Úc và nhờ Thầy P.H và Sư cô G.A, đệ tử của bào huynh tôi, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đánh máy và xem lại, đối chiếu với bản chính một lần nữa, trước khi trình bày thành sách. Đồng thời đầu năm 2011, sau khi tham dự khóa tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ thứ 10 do GHPGVNTN Úc Đại Lợi Tân Tây Lan tổ chức tại Adelaide, tôi sẽ về Tu viện Quảng Đức tại Melbourne để cùng với Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng duyệt lại lần cuối từ chương một đến cuối sách để sau đó gởi cho Thầy Hạnh Bổn ở Đài Loan dàn trang và sau đó in ấn tại Đài Loan để cuối năm 2011 quý vị sẽ có quyển sách này trên tay.
Việc làm nào cũng cần có sự cố gắng và xả kỷ thì việc ấy mới có thể thành công một cách dễ dàng. Do vậy khi làm bất cứ cái gì, đừng đặt cái ta vào đó thì mình sẽ thênh thang hơn trong cõi Ta Bà này. Có thế mới gọi là một chút gì đền ơn cho Đàn Na Tín Thí và ơn Thầy Tổ, Cha Mẹ trong nhiều đời.
Vì tôi lo cho tác phẩm này nên đã dịch hoàn thành sớm hơn dự định và để khỏi phải mang tự điển đủ loại bay qua biển lớn, cả một dặm đường dài từ Đức đến Úc hơn 17.000 cây số, cho nên quyển sách dịch xong, tôi đã nhẹ nhỏm hơn nhiều. Tôi sẽ để thời giờ vào cuối năm nay 2010 ở Tu Viện Đa Bảo tại Úc săn sóc dịch phẩm này và sẽ phóng tác một quyển tiểu thuyết dựa vào lịch sử đầu đời vua Gia Long với nhân vật là Hoàng Cô và Liên Hoa Hòa Thượng để viết và sẽ gởi đến độc giả xa gần cũng vào cuối năm 2011 này.
Cho đến trang này là trang bản thảo thứ 172 và bản này tôi sẽ cho vào nhà lưu trử cá nhân tại Tu Viện Viên Đức nằm ở miền Nam nước Đức để làm kỷ niệm. Biết đâu đó 100 hay 200 năm sau nữa sẽ có người đi tìm dấu vết đàn chim Việt đã một thời sinh sống và làm việc đạo tại xứ này, thì đây là một bằng chứng của những tháng năm ấy.
Tôi xin niệm ân tất cả mọi người đã cho tôi một cơ hội để trang trải tấm lòng của mình trên những trang giấy trắng mực đen như thế này và nếu được có một công đức nhỏ nhoi nào đó, xin hồi hướng đến tất cả chúng sanh và cầu nguyện cho tất cả, đều sớm thành đạo.
Mỗi lần ấn tống cả 5.000 cuốn. Nếu không có sự ủng hộ của quý Đạo Hữu và quý Phật tử tại Châu Úc, Châu Mỹ và Châu Âu thì dịch phẩm này sẽ không có cơ duyên đến tay của quý vị độc giả xa gần. Xin chấp hai tay để niệm ân tất cả.
Viết xong lời cuối sách “Chết an lạc, Tái sanh hoan hỷ” tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover – Đức Quốc vào ngày 6 tháng 8 năm 2010 - Phật lịch 2554 nhân mùa An Cực Lạc Kiết Hạ của năm Canh Dần.
Dịch giả Thích Như Điển
(Tu Viện Quảng Đức)