Tâm Thái
Thiền Phật giáo thường được chia làm ba môn phái chính là Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa và Thiền Tông, tức Thiền của các Tổ. Bài này trình bày về những điểm chính trong Thiền Tiểu Thừa. Thiền Tiểu Thừa cũng còn được gọi là Thiền Nguyên thủy, Thiền Nam tông, Thiền Nhị thừa, tức pháp Thiền áp dụng của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, cũng có khi gọi là Thiền Như Lai vì căn cứ trực tiếp vào các lời dạy của Phật trong các kinh điển Tiểu thừa. Trong bài này gọi là Thiền Nguyên thủy để tránh mọi sự hiểu lầm. Trước hết cũng nên nói về danh từ Tiểu thừa, vì có một số người có thành kiến cho rằng tu Tiểu thừa là thấp, đó là những người không hiểu đạo mới nói vậy, thực ra pháp môn nào của đạo Phật cũng do đức Phật chỉ dậy, nếu tu hành đứng đắn, tinh tiến thì đều có kết quả tốt, không nên chấp vào danh từ để có những thành kiến sai lầm, tranh luận vô ích. Điều cần thiết là nên học hỏi đạo pháp cho rõ để tránh những tà sư, lợi dụng đạo Phật để đưa những người dễ tin vào con đường sai lầm chỉ có mục đích là phục vụ cá nhân. Đạo Phật có nhiều pháp môn để thích ứng với căn cơ từng người, mỗi pháp môn có mục đích và phương pháp khác biệt, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để giúp sự lựa chọn, để biết rõ nơi mình muốn đến và con đường thích hợp để đi đến đó. Trước khi đi sâu vào chi tiết từng môn Thiền Phật giáo chúng ta nên biết đến những điểm chung về phương pháp tu tập của các môn Thiền là: Chỉ (samatha) và Quán (vipassana). Phương pháp Chỉ dùng để giữ cho thân an tịnh, giữ cho tâm không giong ruổi tán loạn, không buông lung, cũng ví như xích con khỉ cho nó khỏi chạy nhẩy hỗn độn. Phương pháp này có hình thức giống như tập trung tư tưởng của ngoại đạo, nhưng mục đích khác hẳn. Nhiều người vẫn hiểu lầm và cho rằng khi mình để tâm chuyên chú làm một việc và không nghĩ ngợi lăng xăng tức là tu Thiền rồi, thực ra như vậy đó mới là một là một bước đầu của Thiền tức là tu Chỉ. Một họa sĩ để hết tâm trí vào bức vẽ, một kế toán viên chăm chú vào những con số, một người ngồi ngắm mây, gió ngâm vài câu thơ ... những người đó chưa phải là tu Thiền. Cũng có những người tập trung tư tưởng để tạo ra những năng lực khác thường, huyền bí mà có khi được coi như thần thông, những người đó chưa phải là tu Thiền. Pháp "Chỉ" chỉ mới là một phần của Thiền Phật giáo. Phần quan trọng chính là pháp Quán. Phương pháp Quán là dùng ý suy nghĩ, quán xét về sự vật, về những vấn đề. Sự khác biệt giữa Phật giáo và ngoại đạo, và ngay cả giữa các pháp môn của Phật giáo chính là ở những phương pháp Quán khác nhau.
Thiền Nguyên thủy
Thiền Nguyên thủy căn cứ theo những lời Phật dậy trong các kinh điển nên có rất nhiều phương pháp tu khác nhau. Theo cuốn Phật học phổ thông, khóa thứ V thì có những phương pháp như: Ngũ đình tâm quán, Thập nhứt thế xứ quán, Bát bối xả, Bát thắng xứ quán, Lục diệu pháp môn, Tứ vô lượng tâm, Thập tướng, Thông minh thiền, Siêu việt tam muội v..v.. Tuy vậy có thể nói hiện nay có hai pháp được áp dụng nhiều nhất là Thiền Anapanasati (niệm hơi thở), và thiền Vipassana (quán).
Thiền
Anapanasati
Pháp
Thiền này đặt trọng tâm vào việc hằng chú niệm hơi thở,
đã được Phật giảng dậy trong nhiều kinh nhưng riêng kinh
Anapanasati chỉ dẫn đầy đủ nhất nên thường được học
tập kỹ. Tài liệu sau đây về pháp Thiền này căn cứ theo
cuốn "Hành Thiền" của hòa thượng Thích Minh Châu. Hòa thượng
đã trình bầy pháp môn này rất đầy đủ, chỉ rõ cách tu
đúng thuần túy theo lời Phật dậy. Hòa thượng dịch tên
Thiền này là "Thiền niệm hơi thở vô hơi thở ra". Trong khi
dịch bộ Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ kinh) hòa thượng thấy
pháp môn Anapanasati được diễn tả trong kinh "Một Pháp" (Tương
Ưng, trang 239). Nhận thấy pháp môn này tương đối dễ áp
dụng và có nhiều ích lợi nên hòa thượng viết cuốn sách
đó để chỉ dẫn. Kinh chỉ rõ trong khi chú niệm theo dõi
hơi thở thì khởi quán như sau:
1.
Thở vô dài, tôi biết rõ tôi thở vô dài.
Thở
ra dài, tôi biết rõ tôi thở ra dài.
2.
Thở vô ngắn, tôi biết rõ tôi thở vô ngắn.
Thở
ra ngắn, tôi biết rõ tôi thở ra ngắn.
3.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô.
Cảm
giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.
4.
An định thân hành, tôi sẽ thở vô.
An
định thân hành, tôi sẽ thở ra.
5.
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm
giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
6.
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm
giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.
7.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô.
Cảm
giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
8.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô.
An
tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
9.
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô.
Cảm
giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
10.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô.
Với
tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.
11.
Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô.
Với
tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra.
12.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô.
Với
tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
13.
Quán vô thường, tôi sẽ thở vô.
Quán
vô thường, tôi sẽ thở ra.
14.
Quán ly tham, tôi sẽ thở vô.
Quán
ly tham, tôi sẽ thở ra.
15.
Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô.
Quán
đoạn diệt, tôi sẽ thở ra.
16.
Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô.
Quán
từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
Phương
pháp thực hành :
Hòa
thượng cũng chỉ rất rõ ràng phương pháp thực hành Thiền
Anapanasati.
Điều
kiện cần thiết trước hết là phải giữ giới, sống một
cuộc đời trong sạch và lành mạnh. Khi sửa soạn hành Thiền
cần chọn chỗ thanh vắng, yên tĩnh, xếp đặt nệm ngồi
cho thoải mái. Trước khi bắt đầu Thiền, cần quán tưởng
việc đoạn trừ năm chướng ngại (ngũ triền cái) (nivaranani),
theo trong kinh :
"Vị
ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục
tham, gội rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy
sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫu thương xót tất
cả chúng hữu tình, gội rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn
trầm thụy miên, với tâm hướng về ánh sáng, chánh niệm
tỉnh giác, gội rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ
trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc,
tâm trầm lặng, gội rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ
bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát ly khỏi nghi ngờ, không phân
vân lưỡng lự, gội rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện
pháp" (Trung Bộ I) (trích : Hành thiền).
Đối
với người tu Thiền thì năm chướng ngại nói trên: tham dục,
sân hận, hôn trầm, hối tiếc và nghi ngờ, là gánh nặng,
sự trói buộc, cho nên giải được những chướng ngại đó
mới làm vơi nhẹ gánh nặng để đi trên đường Thiền và
tâm được định tĩnh. Đạo Phật thường ví chúng ta như
người đang đi mà cứ cõng đá trên lưng, cho nên không thể
tiến xa được, muốn đi tới nơi tới chốn thì phải lo bỏ
những khối đá trên lưng đi, vì vậy có dẹp trừ được
năm chướng ngại đó thì cũng là đã bỏ được một số
lượng đá quan trọng rồi.
Sau
phần quán tưởng đó thì bắt đầu hành Thiền. Ngồi nghiêm
chỉnh và chú ý tới hơi thở là tu theo pháp Chỉ. Cũng nên
chú ý là chỉ theo dõi hơi thở để thấy rõ hơi thở ra vào,
chứ không phải chú ý để điều khiển hơi thở như khi tập
thể dục.
Sau
đó suy nghĩ về những đề tài khác nhau là theo pháp Quán.
Việc quán về 16 đề tài ghi trên, được coi như quán về
bốn phần chính là: quán về thân, về thọ, về tâm và về
pháp.
-
Quán về thân gồm việc theo dõi hơi thở thấy rõ hơi thở
khi ra, khi vào, khi dài, khi ngắn, thấy rõ cảm giác của toàn
thân trong khi ngồi, trong khi thở.
-
Quán về thọ để thấy rõ khi Thiền có những cảm giác vui,
thích, an tịnh.
-
Quán về tâm để thấy rõ những biến chuyển về tâm như
hân hoan, định tĩnh, thoát khỏi mọi phiền não.
-
Quán về pháp để hiểu những lý lẽ về sự vô thường
của thân cũng như tâm, về hậu quả của lòng tham nên thấy
cần phải trừ diệt và từ bỏ cái tâm mê mờ không thấy
rõ con đường chân thật.
Khi
mới thực hành thì có thể gặp khó khăn để quán cùng lúc
tất cả 16 điều trên, vì vậy nên chọn đề tài nào mà
thấy mình thiếu sót nhiều thì chuyên về một đề tài đó
trong một thời gian rồi sau đó tiếp tục quán về các đề
tài khác. Ích lợi của pháp tu này là trong khi chú tâm vào
hơi thở và gạn lọc các tâm tư không thích hợp tức là
tu về định, trong khi đó suy tư và quán tưởng về các đề
tài là tu về huệ. Theo hòa thượng Thích Minh Châu thì phương
pháp này rất hữu ích, vì tương đối dễ tập, ít cần sự
chỉ dẫn mà kết quả nhiều.
Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)
Muốn hiểu rõ hơn về công hiệu của pháp Thiền nói trên thì cần hiểu rõ Satipatthana Sutta, thường được gọi là kinh Niệm Xứ hoặc Tứ Niệm Xứ. Kinh này được coi là căn bản của Thiền Nguyên thủy, dù là Anapanasati hoặc Vipassana. Kinh khá dài nên không thể trình bầy nơi đây. Sati có nghĩa là tâm niệm, chú niệm (mindfulness), còn patthana là căn bản, như vậy kinh này chỉ dẫn về căn bản của sự chú niệm. Chú niệm về bốn đề tài nên cũng được gọi là Tứ Niệm Xứ. Cũng nên chú ý là có năm kinh nói về đề tài Tứ Niệm Xứ : Maha Satipatthana Sutta, Satipatthana Sutta, Satipatthana Samyutta, Augutta Nikaya và Sutta Vibhanga (theo Trevor Ling trong cuốn The Buddha's Philosophy of Man). Vì vậy khi đọc các bài trích dẫn có khi chúng ta thấy cách trình bày hơi khác nhau. Câu mở đầu mà đức Phật nói trong kinh là: "Có một con đường duy nhất để thanh lọc bản thân, diệt trừ phiền não, diệt trừ ưu khổ, đạt tới trí huệ và chứng ngộ Niết Bàn: đó là con đường Tứ Niệm Xứ". Bốn pháp quán niệm được chỉ dẫn ở trong kinh này là:
- Quán niệm thân trong thân bằng cách quán niệm: hơi thở, vị thế của thân như đang đi, đứng, nằm, ngồi, hoạt động của thân như nhìn, co tay, duỗi chân, mặc áo, ăn, uống, nhai ..., suy nghĩ về tính cách ô trược của thân như nước mắt, nước mũi, đờm, mồ hôi, nước tiểu, phân, mủ ..., suy nghĩ về những thành phần vật chất cấu tạo thân này như đất, nước, gió và lửa, suy tưởng đến chín loại tử thi tan rã.
- Quán niệm thọ cảm trong thọ cảm: Người tu thấy rõ những thọ: lạc (vui thích), khổ, vô ký (không vui, không khổ) đang diễn tiến trong mình, từ lúc khởi sinh đến lúc hoại diệt.
- Quán niệm tâm trong tâm: Người tu thấy rõ từng hoạt động của tâm mình, như đang : tham, giận, si, hôn trầm, loạn động, cao thượng, không cao thượng, định, giải thoát... Người tu thấy rõ tiến trình của mỗi hoạt động của tâm, từ lúc khởi sinh đến lúc hoại diệt.
-Quán
niệm pháp trong pháp, gồm quán các pháp (đối tượng của
tâm) như :
1.
Quán về năm chướng ngại tinh thần (ngũ triền cái hoặc
ngũ cái): tham dục, sân hận, hôn trầm, lo âu (trạo cử) và
hoài nghi.
2. Quán ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Người tu thấy rõ sự khởi sinh và hoại diệt của từng uẩn.
3. Quán sáu căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân và ý) cùng đối tượng của sáu căn là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Người tu thấy rõ khi căn tiếp xúc với trần đã tạo ra những ràng buộc, cũng thấy rõ sự ràng buộc đã phát sinh và sau đó diệt như thế nào.
4. Quán về bẩy yếu tố ngộ đạo (thất giác chi) như: chánh niệm, trạch pháp (phân biệt đúng, sai), tinh tấn, hỷ, an, định và xả.
5. Quán về tứ diệu đế (bốn chân lý thâm diệu) là khổ, tập (nguyên nhân tạo khổ), diệt (sự chấm dứt khổ) và đạo (con đường đưa đến chấm dứt sự khổ).
Kinh nói rõ là người nào tu theo pháp Tứ Niệm Xứ sẽ đạt đạo quả A La Hán (Chánh trí) ngay trong kiếp này, hoặc ít ra cũng đạt được đạo quả A Na Hàm (Bất lai). Cũng nên chú ý là pháp Anapanassati cũng là một phần trong kinh này, thuộc về phần quán thân. Theo pháp tu này thì việc chú niệm (mindfulness) rất quan trọng, có đạt được chú niệm thì việc quán mới có thể đi đến kết quả tốt đẹp.
Chú niệm là giữ cho tâm không buông lung, chăm chú hướng sự thấy biết của mình vào thân và tâm của mình để đạt được sự hiểu biết chân chính và minh mẫn. Điều cần là lúc nào cũng phải chú ý thấy rõ mọi hoạt động của thân, của tâm, thấy rõ thân đang làm gì: nhìn, nói, ăn, nhai, ngồi, đi, đứng ... thấy rõ mỗi trạng thái của tâm: vui, buồn, giận dữ, chán nản, buông lung, tĩnh lặng, thanh thản, hôn trầm ... Chú ý để thấy, như đang nghiên cứu một hiện tượng khoa học mà không có ý niệm phân biệt, phán xét phải trái. Thí dụ như khi đang nóng giận, thường thì chúng ta không bao giờ thấy mình đang nóng giận, vì lúc đó tâm trí đang bị cơn giận xâm chiếm, đầu nóng bừng, mặt đỏ, trợn mắt, nghiến răng ... Nhưng nếu biết chú niệm thì thấy rõ có "sự nóng giận" mà không thấy cái nóng giận đó là mình, sẽ bình tĩnh nhận xét cơn giận nổi lên, tồn tại và tan biến như thế nào, mà không có phân tách tại sao lại giận, giận như vậy là phải hay trái. Một câu thường được nhắc nhiều lần trong kinh này là : (thí dụ phần quán cảm thọ) "Với sự thấy biết. chú niệm thấy 'Có một cảm thọ' một cách vừa đủ để biết và ghi nhớ thôi. Và như vậy người tu trở thành tự chủ, không còn bị ràng buộc vào cái gì trên thế gian này nữa ". Điểm chánh yếu là người tu chỉ dùng sự thấy biết một cách đơn thuần, thấy rõ mọi sự một cách rõ ràng nhưng không có phán xét, suy luận. Người tu biết vì do một duyên cớ bên ngoài nên một cảm thọ đã hình thành, cảm thọ đó tồn tại trong một thời gian và sẽ tự biến mất, nó không có một thực thể mà chỉ do hoàn cảnh tạo ra, và người tu không còn muốn chạy theo nó, hoặc bị nó chi phối nữa. Cứ như vậy chúng ta phải thường xuyên chú niệm không ngừng những gì đang diễn tiến tại thân và tại tâm ta. Chính sự "thấy biết một cách đơn thuần" (bare awareness) là trọng tâm của pháp tu này, nó giúp cho ta hiểu và thấy rõ cái tính chất của thân và tâm mình thực sự là gì, hoạt động thế nào, để thấy được lý vô thường của chúng và không còn bị chúng ràng buộc, chi phối nữa, và cũng thấy không có một cái "ngã" mà thường được gọi là cái "ta".
Thiền Vipassana
Vipassana có nghĩa là quán, nên Thiền Vipassana (Insight Meditation) còn được gọi là Thiền Quán hoặc Thiền Minh Sát hoặc phiên âm là Tỳ bà xá na. Pháp Thiền này không được ghi rõ trong riêng kinh nào mà đặt nền tảng trọn vẹn trên kinh Tứ Niệm Xứ. Như trên đã trình bầy, kinh này rất cao sâu, bao gồm những đề tài rộng lớn, tổng quát nên việc thực hành có phần khó khăn, cho nên sau này có những pháp thực dụng dễ thực hành được đề ra như Thiền Vipassana.
Không
có tài liệu ghi rõ Thiền này khởi đầu từ bao giờ, chỉ
biết là Thiền Vipassana xuất hiện từ đầu thế kỷ này
tại Miến Điện, và hiện nay phát triển rất mạnh tại các
nước tu theo Tiểu thừa như Miến Điện, Thái Lan, Sri Lanka
... Ngay tại Mỹ đã có rất nhiều trung tâm dạy tu theo pháp
này. Về phương pháp hành Thiền Vipassana có nhiều sách của
các vị tăng Miến Điện, Thái Lan viết để chỉ dẫn phương
pháp tu. Theo phương pháp của vị tăng Miến Điện nổi tiếng
là Mahasi Sayadaw, lúc mới khởi tu nên quán về thân, và quán
về hơi thở ở bụng, chú niệm vào bụng khi hơi thở vào,
thấy bụng phồng lên, hành giả niệm "Phồng", khi hơi thở
ra, bụng xẹp xuống thì niệm "Xẹp". Đó là để chú ý tới
cảm giác nơi thân do cử động của bụng, chứ không phải
là chú ý tới hình dáng của bụng. Phương pháp đó giúp cho
người mới tu dễ tập trung sự chú ý. Trong khi đang theo dõi
hơi thở mà bỗng dưng cô ý nghĩ nào hiện tới thì niệm
"Suy nghĩ", cho tới khi nào ý nghĩ đó tan mất thì trở lại
niệm " Phồng", "Xẹp". Nếu khát nước niệm "Khát", muốn
đứng dậy đi uống nước, niệm "Muốn", khi bước đi niệm
"Bước", bước chân trái niệm "Trái", chân mặt niệm "Mặt".
Nếu ngồi hoặc nằm lâu mà thấy mỏi, đau, ngứa chỗ nào
đó thì hướng về chỗ đó và niệm "Mỏi", Đau" hoặc "Ngứa".
Phương
pháp mới nghe lần đầu thì có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu đã
hiểu về kinh Niệm Xứ thì thấy đó là một phương pháp
áp dụng rất đúng việc chú niệm để quán về thân, thọ,
tâm và pháp. Trong khi Anapanasati chỉ cột tâm bằng cách theo
dõi hơi thở thì Vipassana theo dõi chẳng những hơi thở mà
tất cả hoạt động của toàn thân, của mọi cảm thọ, cùng
những hoạt động của tâm và những đối tượng của tâm,
như vậy tức thấy rõ toàn diện con người về hai phương
diện thân và tâm. Vipassana được áp dụng không phải chỉ
khi ngồi Thiền mà bất cứ lúc nào như đi, đứng, nằm, ngồi,
ngay khi đang hoạt động bình thường như ăn, uống, nghe, nói
...
Nhưng như trên đã trình bày, phương pháp của Thiền Vipassana không được chỉ rõ trong kinh, nên tuy mục đích chánh là áp dụng kinh Tứ Niệm Xứ nhưng về phương pháp áp dụng có những điểm khác nhau, không có một pháp Thiền Vipassana thống nhất. Từ kinh Tứ Niệm Xứ các vị tăng Miến Điện đã sáng suốt tìm ra phương pháp thực hành theo đúng những lời dậy trong kinh. Sau đó các vị tăng khác cũng nương theo đó mà tu hành và hiện nay pháp Thiền này đã được rất nhiều nơi áp dụng. Cuộc đời và những bài giảng của các vị tăng Miến Điện và Thái Lan nổi tiếng như Mahasi Sayadaw, Sunlun Sayadaw, Taungpulu Sayadaw, U Ba Khin, Ajahn Chah, Ajahn Buddhadasa ... được ghi rõ trong cuốn "Living Buddhist Masters" của Jack Kornfield. Thiền này vượt hơn Thiền Anapanasatti vì lẽ dễ hiểu là pháp niệm hơi thở chi là một phần nhỏ trong kinh Tứ Niệm Xứ.
Nếu chúng ta muốn tu theo Thiền Vipassana thì trước hết nên tìm hiểu kỹ kinh Tứ Niệm Xứ thì khi tu sẽ tiến mau hơn và sau nữa là để tránh xa những người tự cho mình là có tài siêu việt và ưa sửa đổi đường lối mà đức Phật đã dạy trong kinh. (Ngoài ra cũng xin trình bày là phải dùng các danh từ bằng tiếng Sanskrit hoặc Pali trên đây vì nhiều tác giả tùy theo ý riêng đã dịch ra tiếng Việt bằng những danh từ khác nhau nên khó biết dùng danh từ nào cho đúng. Hiện nay nhiều sách Anh ngữ về Thiền cũng thường dùng tiếng Phạn nên xin ghi thêm để giúp quý độc giả khi muốn đọc những sách đó.)
Tài liệu trích dẫn :
- Hành Thiền của hòa thượng Thích Minh Châu.- Pháp hành Thiền Minh Sát, đại đức Mahasi Sayadaw, do ô. Huỳnh Thanh Long dịch.
- Kinh Niệm Xứ, đại đức Narada Maha Thera, do ô. Phạm Kim Khánh dịch.
- Phật học Phổ thông, Khóa thứ V, do Phật học viện quốc tế xuất bản.
- Buddhist Meditation, Thera Piyadassi.
- Seeking the Heart of Wisdom, The Path of Insight Meditation, Joseph Goldstein & Jack Kornfield.
- Living Budđhist Masters, Jack Kornfield.
- The Buddha's Philosophy of Man, Trevor Ling.