Tác Giả: Thiên Mục Trung Phong Hòa Thượng
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
LỜI DỊCH GIẢ
Phật Thích Ca nói : "Mọi chúng sanh đều có Phật tánh", tất cả Phật tử đều tin được. Lại tin Phật tánh chẳng thể giảm bớt, cũng chẳng thể gián đoạn, vì giảm bớt gián đoạn là sanh diệt luân hồi, nếu Phật tánh còn phải luân hồi, thì kiến tánh thành Phật cũng vô ích.
Phật tánh tức là tự tâm, nếu người tin mình có Phật tánh, tức là tin tự tâm. Phật tánh không thể giảm bớt, thì tất cả thần thông trí huệ năng lực saün đầy đủ bằng chư Phật. Phật tánh không thể gián đoạn, thì mọi chúng sanh hiện đang làm Phật.
Vậy, Phật tánh tức là tự tâm, thì tự tâm của mọi người đã saün đầy đủ tất cả năng lực, bằng như chư Phật, thế thì việc lý giải đều là thêm bớt cho tự tâm. Nên Tổ Trung Phong làm bài TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI này, cố tẩy sạch lý giải để hiển bày chánh ngộ, cho bổn lai diện mục (tự tâm) trọn vẹn hiện khắp không gian và thời gian.
Quyển TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI này trích từ Quảng Lục gồm 30 quyển của ngài Trung Phong, in trong tập số 499 của Tích Sa Đại Tạng Kinh.
Vì có người chỉ đem phần
nghĩa giải trong MINH này in ra phổ biến, mà lược bỏ những
phần khai thị và phủ nhận của ngài Trung Phong, thành điên
đảo Phật pháp, liên lụy Tổ Sư, nên chúng tôi dịch hết
toàn bộ (gồm 4 phần : khai thị, nghĩa giải, tịch nghĩa giải
và kệ kết thúc), để hiển bày ý chính của Tổ, mong độc
giả xem xét cho kỹ!
THIÊN MỤC
TRUNG PHONG HÒA THƯỢNG
QUẢNG
LỤC
TÍN TÂM
MINH TỊCH NGHĨA GIẢI
BÀI
TỰA CỦA NGÀI TRUNG PHONG
Từng nghe Sơ Tổ Đạt Ma nói đạo trực chỉ bất lập văn tự, nhưng vừa truyền qua hai đời đến đời thứ ba là tổ Tăng Xán, thì lại làm ra bài TÍN TÂM MINH gồm 584 chữ. Vậy có phải là biến gia phong của chư tổ trở lại kiến lập văn tự chăng? Hoặc nói chẳng phải, ấy chỉ là muốn hiển bày cái đạo trực chỉ cho hành giả đời sau được đầy đủ chánh tín, phá tà chấp mà thôi.
TÍN là gì? Là tin bản thể
tự tâm rộng lớn như chư Phật, cùng khắp không gian thời
gian, khiến cho được tự tin mà ngộ nhập, chẳng nhờ tu
chứng; nghĩa là hễ bước vào cửa tin, quyết chẳng lui sụt,
nên bài TÍN TÂM MINH nầy với thuyết BẤT LẬP VĂN TỰ của
tổ sư trải qua bao đời chẳng trái nhau. Như thế, sự lập
ngôn của Tam Tổ thực là chí thành để gánh vác pháp thiền
trực tiếp này. Nhưng tiếc rằng những học giả đời nay
thường kẹt nơi nghĩa giải, chẳng thể hoát nhiên tự ngộ
diệu tâm, thấu rõ nguồn gốc, hợp với chánh tín, lại đem
bài TÍN TÂM MINH này làm dẫn chứng đàm luận, giống như
mạt vàng rơi vào mắt, thành ra nghịch lại ý Tổ mà chẳng
tự biết. Do đó, tôi soạn ra bài này, mỗi đoạn 2 câu, dùng
lời và kệ để sáng tỏ bản ý của Tổ, không dám khoe khoang
kiến văn cho là thù thắng. Thực ra chỉ muốn quét sạch nghĩa
giải, hiển bày chánh ngộ, nhắc nhở người đồng tham, khích
lệ chính mình mà thôi. Nếu có người cảm thấy không vừa
ý, thì tội của tôi làm sao tẩy sạch, cho nên đặt tên bài
này là "TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI".
CHÁNH VĂN
l. CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH
DỊCH
Đạo cùng tột chẳng có gì khó, chỉ vì phân biệt mới thành khó.
LỜI KHAI THỊ
Thể dụng của tự tánh cùng khắp hư không, trí tuệ của con người chẳng thể suy lường. Mở cửa nhà lớn nhiệm mầu vô biên, vượt trên vạn trượng chiều sâu mà không đáy. Cơ xảo của chư Tổ như : Tiếng hét Kim Cang Vương của Lâm Tế sấm sét oanh liệt, muốn nhìn bóng cũng còn khó, huống là thấy hình; Uy thế cây gậy của Đức Sơn như gió bão điện chớp, đuổi theo không kịp. Đào tạo ra chư Tổ chẳng cho mình có công lao, gánh biển vác núi chẳng cần ra sức. Ông già Thích Ca thuyết pháp 49 năm, bàn tay chỉ có thể nắm bắt hư không, 1700 Bạch-niêm-tặc (ám chỉ Tổ Sư đã kiến tánh triệt để) có miệng chỉ có thể treo trên vách tường. Rất saün sàng mà khó hiểu biết, muốn ngay trước mặt chỉ bảo họ, thì gai gốc đã nổi đầy trước cửa.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH". Người nghĩa giải rằng : 2 câu nầy là cương yếu, cũng là bản chỉ của bài MINH. Nhưng một chữ TIN bao gồm ngộ chứng, chẳng phải chữ tin của tín hạnh. Cũng như các vị trong hội Pháp Hoa, lãnh hội quyền trí nhập vào thật trí, lập ra Phẩm Tín Giải để tỏ bày nguyện vọng. Chư Tổ thấy đó gọi là Chí-đạo, Chư Phật chứng đó gọi là Bồ-đề, chúng sanh mê đó gọi là Vô-minh, giáo môn hiển bày đó gọi là Biển-giác, đều là tên gọi khác biệt của một tâm, cho đến bao gồm danh tướng, thấu nhập sắc không, muôn ngàn đề mục, đường lối dù khác nhau, đâu có sai trái tốt xấu, cũng không có ngăn cách mê ngộ, tất cả đều do đây mà hiển bày. Như cây bách của Triệu Châu, vòng kim cang của Dương Kỳ, cái chậu đất bể của Mật Am, bánh sắt có nhân của Đông Sơn, giống như dị đoan cùng tà pháp sôi nổi, vậy thì biết lời nói "CHÍ ĐẠO" đã hiện hành rồi. Do đó, thông suốt lý sự, dung thấu cổ kim, cho là "VÔ NAN" đã thành lời thừa. Nhưng thánh phàm nhiễm tịnh, trước mắt toàn chân, nếu sanh ra tình thức phân biệt thì trái hẳn với chí-thể (tự tánh), nên mới nói "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH" vậy. Lời văn sau này dù khác, thảy đều không ngoài ý này.
TỊCH NGHĨA GIẢI (tịch là phủ nhận), RẰNG
Hình như giống nhau, giống mà chẳng đồng. Lại, hai chữ CHÍ ĐẠO, dẫu cho ông dùng hết ý thức để giải thích, đối với tông chỉ của VÔ NAN, cần phải tương ưng mới được. Nếu chẳng phải tự tâm khai ngộ, âm thầm khế hợp bất khả tư nghì, dứt hẳn tri kiến, siêu việt ngữ ngôn danh tướng, muốn trông thấy tông chỉ của VÔ NAN, chẳng những xa cách như trời với đất, ở nơi căn và cảnh tương đối, đủ thứ sai biệt, nếu không thể ngay đó giải thoát, mà muốn đem cái đạo lý vô nan không giản trạch đó tồn chứa trong lòng, thì đâu chỉ nhận giặc làm con mà thôi! Nên ở đây chẳng thể quên lời.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chí đạo không nên chê lựa chọn,
Chớ nói lựa chọn đọa phàm tình.
Cần phải đâm mù mắt mẹ đẻ.
Ban ngày đốt đèn đọc "MINH" này.
2. ĐẢN MẠC TẮNG ÁI,
ĐỒNG NHIÊN MINH BẠCH
DỊCH
Chỉ đừng yêu ghét thì rõ ràng minh bạch.
LỜI KHAI THỊ
Thẳng chẳng phải tùng, co chẳng phải gai, thông chẳng phải hư không, nghẽn chẳng phải vách tường, là đầu búa không lỗ ném ngay mặt. Trái lại, thẳng vẫn là tùng, co vẫn là gai, thông vẫn là hư không, nghẽn vẫn là vách tường, vậy trời xanh nước rộng dính liền như cũ. Đêm qua người Ba Tư bắt được tên chánh tặc Tây Thiên trong Nam Hải, đợi trời sáng đốt đèn xem, thì ra Bác Hai Vương ở làng Đông.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ sư nói "ĐẢN MẠC TẮNG ÁI, ĐỒNG NHIÊN MINH BẠCH", người nghĩa giải cho rằng : Chán sanh tử, ham niết bàn là yêu ghét; bỏ phiền não, lấy bồ đề là yêu ghét, hễ ở nơi pháp thánh phàm chẳng còn mảy may cảm tình yêu ghét, thì tâm này tự nhiên minh bạch rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thôi thôi! Dẫu cho ông tất cả đều chẳng yêu ghét, không màng luôn đến cái TA, nhưng đâu biết cái chẳng yêu ghét đó đã thành yêu ghét rồi! Nếu chẳng phải đích thân thấy chỗ đứng của Tổ Sư (kiến tánh), cứ chú giải như thế, có đúng ý Tổ Sư từ Tây Trúc đến chăng?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Trời che, đất chở khắp mọi nơi,
Mặt trời chiếu soi chẳng thiếu sót.
Lại muốn ngồi trong nghĩa minh bạch,
Chẳng biết hai chân dính nước sình.
3. HÀO LY HỮU SAI, THIÊN
ĐỊA HUYỀN CÁCH
DỊCH
Xê xích mảy may, cách xa trời đất.
LỜI KHAI THỊ
Có căn cứ nhất định, lại không tiêu chuẩn phép tắc, đem hư không lấp hư không, dùng mục đích phá mục đích, mua đá được ngọc, dẫu cho Lục Tổ nói "Chẳng hội"; Đạt Ma nói "Chẳng biết", đều là dời hoa rủ bướm, chỉ hai đường dây dưa này, đã dẫn khởi gai gốc đầy trời. Bỏ gai gốc, Hải thần chẳng quí Dạ-Minh-Châu, nguyên nắm ném thẳng vào mặt họ.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "HÀO LY HỮU SAI, THIÊN ĐỊA HUYỀN CÁCH", người nghĩa giải cho rằng : Pháp môn rộng lớn nầy, dù nói ngộ mê chẳng khác, nếu ngươi còn mảy may tình cảm yêu ghét phân biệt chưa dứt sạch, thì như trời với đất cách nhau quá xa rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Giải nghĩa như thế giống thì giống, phải thì chưa phải. Tại sao? Vì còn thiếu một tiếng "Ổ" (ngộ), dẫu cho ông mỗi mỗi không sai, lý hợp với đạo, vẫn còn không khỏi cách xa như trời với đất.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Nói chi có sai và không sai,
Đều thành dụi mắt thấy hoa đốm.
Muốn lìa mảy may việc càng nhiều,
Trời đất xưa nay vẫn cách xa.
4. DỤC ĐẮC HIỆN TIỀN,
MẠC TỔN THUẬN NGHỊCH
DỊCH
Muốn được tự tánh hiện tiền, chớ còn tập khí thuận nghịch.
LỜI KHAI THỊ
Hai không là đôi, một không là chiếc, buông chẳng lìa, nắm chẳng hợp. Dương Kỳ 10 năm đúc thành vòng kim cương, Đạt Ma 9 năm nhìn vỡ vách tường sắt. Lúc cổ Phật chưa sanh, bóng trăng hiện khắp ngàn sông; khi vũ trụ đã thành, gió mát sung mãn mười phương.
Nói thuận chẳng thuận, nói nghịch đâu nghịch,
Quải-giác-linh-dương ăn gậy sắt, trái cân bóp ra nước vàng ròng (Con linh dương lúc ngủ treo sừng trên cây, dưới đất không có dấu tích, thở không ra tiếng, thợ săn khó tìm, dụ cho tự tánh không hình tướng số lượng. Trái cân bóp ra nước là việc vô lý, tự tánh ăn gậy sắt cũng là việc vô lý; hai không là đôi, một không là chiếc..., đều là việc vô lý, pháp nào có thể lý giải thì chẳng phải tự tánh).
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "DỤC ĐẮC HIỆN TIỀN, MẠC TỔN THUẬN NGHỊCH". Người nghĩa giải cho rằng : Tổ Sư nói đến đây thành có mâu thuẫn, tại sao? Việc này vốn đã hiện tiền, còn muốn đắc cái gì nữa? Kinh nói "Chánh tánh vô bất thông, thuận nghịch giai phương tiện " (tự tánh khắp hư không chẳng có tương đối, nói thuận nói nghịch đều là phương tiện). Ở đây nếu bảo "MẠC TỔN" thì lại thành đoạn diệt rồi, thật ra ý Tổ Sư chẳng phải vậy, chỉ dùng phương tiện khai thị cho hàng sơ học, cũng như người no (đã ngộ) thì không thèm đồ ăn ngon vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Im đi, im đi! Tổ Sư ở dưới gót chân ngươi, dẫu cho đạp một cái tan nát, vẫn còn phải tham 30 năm nữa.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Muốn được hiện tiền đuổi theo vọng,
Chẳng còn thuận nghịch trái vơi chơn.
Sung sướng, đau khổ quên phân biệt,
Cũng là con mắt dính bụi trần.
5. VI THUẬN TƯƠNG TRANH,
THỊ VI TÂM BỆNH
DỊCH
Thuận nghịch tranh nhau, ấy là tâm bệnh.
LỜI KHAI THỊ
Bệnh chẳng phải tâm, tâm chẳng phải bệnh, chớ đem cái cây hàng rào hữu lậu, cho là cán gáo múc nước sông. Tâm chẳng lìa thân, cũng chẳng phải tức là thân, cho là khác nhau thì bệnh càng nặng. Giải thích công án " Nhựt diện Phật" của Mã Tổ thì bệnh nặng càng nặng thêm. Chỗ tình chấp chưa dứt sạch thì dùng cam lồ cũng có thể giết người; khi cơ phong khế hợp thì dùng thuốc độc Tỳ Sương cũng cứu được mạng.
Từ khi phương thuốc đua nhau truyền,
Đầu búa không lỗ sanh nhiều bệnh.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "VI THUẬN TƯƠNG TRANH, THỊ VI TÂM BỆNH", người nghĩa giải cho rằng : sanh tử vô thường là tâm bệnh, kiến văn giác tri là tâm bệnh, tham thiền học đạo là tâm bệnh, thành Phật làm Tổ là tâm bệnh; cần phải quên cả thuận nghịch, bặt cả thánh phàm, muôn niệm đều bỏ, một lối không tịch, chẳng nhờ thuốc thần diệu quí báu, thì cái gọi là "tâm bệnh" đó, tự nhiên không có chỗ đặt để rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Than ôi! Phật pháp suy đồi, Tổ đình hoang vu, người bị mắc tâm bệnh cùng khắp thế gian, đều là kẻ tri giải nhập tâm, chấp thuốc thành bệnh, đó không phải là việc lạ, dẫu cho Kỳ Bà (thần y đời xưa) tái thế cũng không cứu được bọn này.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Thuận nghịch tranh nhau tâm sanh bệnh,
Thuận nghịch đều quên bệnh sanh tâm.
Xưa nay tâm bệnh chết liên tiếp,
Lại khoe phương thuốc hay như Thần.
6. BẤT THỨC HUYỀN CHÆ, ĐỔ LAO NIỆM TỊNH
DỊCH
Chẳng biết huyền chỉ, uổng công niệm tịnh.
LỜI KHAI THỊ
Cả đại địa là bánh xe sắt lửa hồng, cả đại địa là đại viên cảnh trí, con chồn con trâu nay vốn chẳng mê. Di Lặc, Thích Ca xưa cũng đâu chứng. Mây trắng lững lờ chẳng nắm chẳng buông, mặt trăng qua lại đâu động đâu tịnh; gom trần sa trong vòng pháp giới, nhốt pháp giới trong hang Thái hư. Lúc một người phát chơn quy nguyên (kiến tánh) thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất là thế nào?
Con tò vò nuốt mất núi Tu Di,
Con khỉ giật mình xuất đại định.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "BẤT THỨC HUYỀN CHÆ, ĐỔ LAO NIỆM TỊNH". Người nghĩa giải cho rằng : HUYỀN CHÆ tức chí đạo, thể đồng tên khác, nếu chẳng biết được, dẫu cho niệm tịnh trải qua hằng sa kiếp tu chứng đủ loại, cũng là ngoài tâm cầu pháp, chỉ tự thêm lao nhọc, Tổ Sư cũng không chấp nhận.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Huyền Chỉ như kiếm bén Kim Cang, kẻ chẳng biết cố nhiên là tán thân mất mạng, biết được cũng không khỏi chạm nhằm bị thương. Vậy có phương tiện nào tránh khỏi được hai lỗi này?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Huyền chỉ có ai tự biết được?
Thích Ca, Di Lặc còn đang mơ.
Đáng thương cho kẻ chìm không tịch,
Cô đơn ở núi lạnh nhiều năm.
7. VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ, VÔ KHIẾM VÔ DƯ
DỊCH
Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư.
LỜI KHAI THỊ
Vốn chẳng dư thiếu, lại có tính toán. Trang Chu gọi "vạn vật là con ngựa", Long Môn cho "mười phương là con lừa". Giống như chung một đường, lại là chẳng cùng lối. Có nước mới được bóng trăng hiện, vô tâm khó đắc Dạ-Minh-Châu.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ, VÔ KHIẾM VÔ DƯ". Tòng lâm bàn nhau rằng : Tâm này nơi Thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, tròn như hư không, mỗi mỗi đầy đủ.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói như thế, khác chi người đi tham học các nơi, ngồi chưa ấm chiếu, đem những lời nầy chứa đầy bụng, chỉ có thể dùng để đàm luận mà thôi, hễ gặp một việc nào có dính chút lợi ích của mình, thì cái niệm so sánh đắc thất nổi dậy ùn ùn, muốn khiến cho "VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ" đâu có thể được! Đối với việc này cần phải diệu ngộ, ngộ rồi đâu còn cảnh thứ hai để làm đối đãi ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tò vò làm ổ trên mi muỗi,
Muốn cùng đại bàng nối cánh bay.
Nếu cho hư không chẳng thiếu kém,
Mở mắt bị nhốt trong chiêm bao.
8. LƯƠNG DO THỦ XẢ, SỞ DĨ BẤT NHƯ
DỊCH
Bởi do thủ xả, cho nên bất như (như là đúng như tự tánh).
LỜI KHAI THỊ
Tiến Phước nói "Mạc" (đừng), Triệu Châu nói "Vô" (không), Tuyết Phong phóng ra con ba ba Nam Sơn, Vân Môn đánh chết cá Lý Ngư Đông Hải. Hưng Hóa đi dự trai tăng thôn làng, vào trong cổ miếu tránh gió bão; Đơn Hà thiêu Phật gỗ, làm cho viện chủ rụng lông mày... Những việc kể trên, đã nghi chết biết bao đại trượng phu.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "LƯƠNG DO THỦ XẢ, SỞ DĨ BẤT NHƯ". Người nghĩa giải cho rằng : Tâm này đã tròn như thái hư, không thiếu tướng nào, tất cả đều "NHƯ". Nếu ngươi ở trong pháp nhiễm tịnh vừa sanh tâm thủ xả, thì "BẤT NHƯ" rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nếu là bậc tu sĩ tham học chơn chánh, thấy người nói những lời này, liền phun nước miếng vào mặt họ mà chẳng phải tánh nóng, vì tượng rồng chẳng thể làm mưa được.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Hai việc thủ xả đã bất như,
Con trâu ai dám gọi con lừa.
Bản thể kim cang khắp pháp giới,
Cũng là dưới hàm trồng lại râu.9. MẠC TRỤC HỮU DUYÊN, VẬT TRỤ KHÔNG NHẪN
DỊCH
Đừng theo nơi có, chớ trụ nơi không.
LỜI KHAI THỊ
Vạn vật lăng xăng, con người ngu độn, lìa tướng lìa danh, có ai không hiểu. Vì sao Đạt Ma phân da phân tủy, Lâm Tế lập chủ lập tân (khách), làm cho con cháu lăn lộn tìm. (Sơ Tổ Đạt Ma khám xét môn đồ, có kẻ được da, có kẻ được thịt, có kẻ được xương, cuối cùng Huệ Khả được tủy, kế làm Nhị tổ).
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "MẠC TRỤC HỮU DUYÊN, VẬT TRỤ KHÔNG NHẪN", Người nghĩa giải cho rằng : Cả 2 đều hư huyễn, khởi tâm chấp trước thì thủ xả tranh nhau, một niệm chẳng sanh, thường ở trung đạo, tức là đạo nhân giải thoát.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Sai lầm! Đợi ngươi biết là giải thoát, đã lọt vào ngoan không rồi. Nếu là bậc ngộ tâm chân thật thì hữu duyên và không nhẫn há ở bên ngoài giải thoát ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đừng theo nơi có, còn là dễ,
Chớ trụ nơi không, mới thực khó.
Hai đầu khó dễ đều chấm dứt,
Tổ đình y xưa chẳng dính dáng.
10. NHẤT CHỦNG BÌNH HOÀI, DÂN NHIÊN TỰ TẬN
DỊCH
Trọn một bình đẳng, tuyệt nhiên tự sạch.
LỜI KHAI THỊ
Đạo tràng chẳng động, pháp vốn vô sanh. Trăng sáng thấu song cửa, gió mát đầy bình phong, chỗ có Phật chẳng được trụ, dùng sắt gói tim đèn. Chỗ không Phật chạy mau qua, bông đẹp trải gấm lụa. Ngoài ba ngàn dặm tìm bông hái, mười phương hư không đều tiêu mất. Dễ thương lượng, khó định chuẩn, trâu đất đáy biển ăn roi sắt, bên đầu trăm cỏ gió lạnh lùng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "NHẤT CHỦNG BÌNH HOÀI, DÂN NHIÊN TỰ TẬN", Người nghĩa giải cho rằng : Tình chấp thủ xả đã sạch, tri kiến thánh phàm không nơi nương tựa, tự nhiên tất cả chỗ đều bình thường, tất cả chỗ tịch diệt.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ban ngày không ngủ, đừng có nói mớ. Như nay mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, gọi cái gì bình thường hay không bình thường?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tuyệt nhiên sạch hết chẳng ngằn mé,
Bên đầu trăm cỏ mở chánh nhãn.
Sanh tử Niết bàn đều bóp nát,
Chẳng biết bình thường đặt nơi nào.
11. CHÆ ĐỘNG QUY CHÆ, CHÆ CÁNH DI ĐỘNG
DỊCH
Ngăn động trở về tịnh, tịnh ấy càng thêm động.
LỜI KHAI THỊ
Nói quanh lao nhọc danh tướng, nói thẳng chẳng có dài dòng. Nói quanh tạm gác một bên, thế nào là nói thẳng? Trương Tam, ăn gậy sắt, Lý Tứ chịu đớn đau; người sống vào quan tài, người chết đi đưa đám. Quan Âm mất hết thần thông, lại bị con nít chọc ghẹo. Nói thẳng tạm gác một bên, nói quanh lại là thế nào?
Hoa giác ngộ phải trồng nơi tự tánh,
Hạt giống Phật nên gieo trên tâm địa.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "CHÆ ĐỘNG QUY CHÆ, CHÆ CÁNH DI ĐỘNG". Người nghĩa giải cho rằng : Chân tâm trạm nhiên luôn luôn bất động, xưa nay lưu chuyển đều do vọng kiến, vậy động đã là vọng, tịnh cũng là vọng, dùng vọng để ngăn vọng, giống như ôm củi chữa lửa, chỉ thêm cháy mạnh. Lấy lời Pháp Sư Tăng Triệu dẫn chứng rằng : "Muốn tìm chỗ bất động, đâu phải buông động để cầu tịnh, ắt phải cầu tịnh ở nơi động. Vì cầu tịnh ở nơi động, dù động mà thường tịnh; chẳng buông động để cầu tịnh, dù tịnh mà chẳng lìa động". Thế thì, động chẳng tướng động, tịnh chẳng tướng tịnh, như trong Kinh nói "Hai tướng động tịnh rõ ràng không sanh", bởi vì rõ biết động tịnh đều là cảnh vọng, các vọng đã tiêu thì hai tướng đâu còn!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thôi thôi! Động là núi bạc, tịnh là vách sắt. Nếu chưa từng đập nát, mà muốn hai tướng kia không sanh thì còn cách xa quá.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Ngọn lửa đâu cho ruồi muỗi đậu,
Lưỡi kiếm chẳng cho thân trần đụng.
Nhà kín Đạt Ma không cửa nẻo,
Nắm tay lôi kéo chẳng ai vào.
12. DUY TRỆ LƯỠNG BIÊN, NINH TRI NHẤT CHỦNG
DỊCH
Hễ kẹt hai bên, đâu biết vốn một.
LỜI KHAI THỊ
Nhìn phải nhìn trái, Đông nổi Tây lặn, ló ra đầu búa không lỗ, đập lũng đáy thùng sơn đen. Chân nhân Vô Địa Vị, bạt tai Núi Tu Di một cái, khiến cho Bồ Tát Hư Không Tạng đứng giữa ngã tư đường chấp tay nói rằng : "Cúi xin trân trọng". Tại sao có những việc trên như thế?
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "DUY TRỆ LƯỠNG BIÊN, NINH TRI NHẤT CHỦNG", Người nghĩa giải cho rằng : LƯỠNG BIÊN là 2 tướng động tịnh, NHẤT CHỦNG là toàn thể không khác. Đây là lời giải thích 2 câu trên, phải biết động tịnh nhị biên, vọng thì cùng vọng, chân thì cùng chân, đâu có hai thứ.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Im đi, im đi! Đừng đem kiến giải vô dụng đã học được, để chôn vùi chân tâm của Tổ Sư.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Thị nhất chủng hay phi nhất chủng,
Thị phi hết chấp có ai biết.
Chớ đem đá rêu xanh trong tuyết,
Cho là cò trắng đứng dưới sông.
13. NHẤT CHỦNG BẤT THÔNG, LƯỠNG XỨ THẤT CÔNG
DỊCH
Vốn một chẳng thông, thì đặt ra hai chỗ là uổng công.
LỜI KHAI THỊ
Nhận nai là ngựa, gọi lu là chuông, xưa nay đem sai chiều theo sai, chẳng khác đem hư không lấp hư không, ngồi rách năm, ba cái bồ đoàn, vỗ tay cười to; đi gãy bảy, tám cây tích trượng, mặt mày hớn hở, quét sạch bệnh chấp Phật Tổ, diệt mất Thiếu Lâm Tông (Thiền Tông), lò rèn lâu năm lửa vẫn hồng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "NHẤT CHỦNG BẤT THÔNG, LƯỠNG XỨ THẤT CÔNG", một số thiền giả bày đặt rằng : Hai câu này là lời kết trước dẫn sau, nói KẾT TRƯỚC là hiển bày chơn lý vốn một; Nói DẪN SAU là trách cái vọng của có và không vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nếu là nạp tăng chơn thật, dù nói một nói hai, câu nào cũng quy về tự tông (bản thể), lời nào cũng là ứng dụng. Nếu chẳng như thế, thì nói một đã lọt vào hang ổ rồi, huống là hai ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Nói một xưa nay không chỗ để,
Nói hai đâu có chỗ lập công?
Chỉ vì Bà mẹ dặn quá kỹ,
Liên lụy vợ tôi chấp thấy nghe.
14. KHIỂN HỮU MỘT HỮU, TÙNG KHÔNG BỘI KHÔNG
DỊCH
Trừ bỏ Có thì kẹt nơi Có, đuổi theo KHÔNG lại trái với KHÔNG.
LỜI KHAI THỊ
Đầu chánh đuôi chánh, tâm không mắt không, gặp nhau trong đường hẹp, nói bậy cũng trúng. Cây bách của Triệu Châu, cắt đứt một dòng suối thế gian. Cái bánh sắt có nhân của Đông Sơn, bóng nước bầu trời hiện cây tùng. Voi lớn không đi đường con thỏ, sư tử đâu chịu giẫm dấu chồn.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "KHIỂN HỮU MỘT HỮU, TÙNG KHÔNG BỘI KHÔNG". Những người đuổi theo lời nói giải rằng CÓ là vọng có, vì trừ nó mà bị kẹt;
KHÔNG vốn tự không, do muốn đuổi theo nên trái. CÓ là cái có của nhà không; KHÔNG là cái không của nhà có, KHÔNG nhờ có mới hiển, CÓ nhờ không mà bày; vì hiển nên toàn không là có, vì bày nên toàn có là không, dung nhiếp với nhau mà chẳng sai, tương đối lẫn nhau mà chẳng khác. Do đó được biết, trừ nó hay theo nó đều là vọng.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Sư tử cắn người, đâu chịu đuổi theo cục xương, y văn giải nghĩa, còn không bằng con chó đuổi theo cục xương nữa, mà còn muốn nó rống lên chụp người ném cục xương ấy, thì đâu có thể được!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chỉ vì lá bùa dán quá cao,
Giữ cửa vẫn bị quỷ thần vào.
Đâu bằng ở dưới thềm nhà lá,
Suối, mây, trăng, núi làm bạn nhau.
15. ĐA NGÔN ĐA LỰ, CHUYỂN BẤT TƯƠNG ƯNG
DỊCH
Nói nhiều lo nhiều, càng chẳng tương ưng.
LỜI KHAI THỊ
Như nước vào nước, như gương soi gương, tẩy được pháp trần lại kết thành kiến bệnh, làm cho tam thế chư Phật không nhà để về, lịch đại tổ sư chẳng có đạo để chứng. Vì thương xót quan tuần mù mắt phải xem số mạng cho KHÔNG VƯƠNG, đêm khuya lật bàn quẻ ra xem, hư minh lạnh lẽo tự soi nhau. Cho nên nói "ĐA NGÔN ĐA LỰ, CHUYỂN BẤT TƯƠNG ƯNG".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người nghĩa giải cho rằng : Nói nhiều cách đạo càng xa. Lại nói "diệu tâm rỗng nhiên chiếu soi, lấy tịch lặng của bậc Thánh làm tông. Còn dẫn chứng Tổ Đạt Ma dạy "Ngoài tuyệt các duyên, trong tâm không nghĩ tưởng". Ngoài tuyệt các duyên thì quên lời nói, trong không nghĩ tưởng thì hết niệm lo.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ngươi dẫn chứng như thế rồi, vậy có tương ưng với tự tánh hay chưa? Nếu chưa, thì nói chi ngôn ngữ này nọ!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Do lời hiển đạo, đạo quên lời,
Quên đến không lời cũng vọng truyền.
Thị phi thoát ra ngoài lời nói,
Hư không chẳng miệng biết nói Thiền.
16. TUYỆT NGÔN TUYỆT LỰ, VÔ XỨ BẤT THÔNG
DỊCH
Bặt nói bặt lo, chỗ nào cũng thông.
LỜI KHAI THỊ
Đạo Ngô múa hốt (cây hốt của quan triều đình), Thạch Củng giương cung, Tây Hà sư tử, Trường Sa mãnh hổ, chẳng những bấy giờ tiếng tăm lừng lẫy, cho tới ngày nay gia phong vẫn còn lưu truyền, đến dưới cửa Tổ Sư phải khiến dấu chuột diệt mất. Tại sao như thế? Há chẳng thấy nói "Dùng nia đong gạo khác với cái lít, bàn ủi nấu trà không giống cái ấm". Cho nên nói "TUYỆT NGÔN TUYỆT LỰ, VÔ XỨ BẤT THÔNG".
LỜI NGHĨA GIẢI
Hoặc có người y văn giải nghĩa rằng : Bặt nói thì đường ngôn ngữ dứt, bặt lo thì chỗ tâm hành diệt; đường ngôn ngữ dứt thì tịch mà chiếu, chỗ tâm hành diệt thì chiếu mà tịch. Đến đây, Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền có thể xỏ chung một xâu, cũng có cổ nhân bảo họ thôi đi nghỉ đi, khoé miệng lên meo, trên lưỡi mọc cỏ v.v... đều không ngoài lý này.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lãnh hội như thế, giống như để nước đá trên ngọn lửa hồng, thật là không biết mắc cở. Nếu quả như lời nói ấy, thì đâu cần Tổ Sư từ Tây Trúc sang!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Bặt nói bặt lo đồng người gỗ,
"Khi nào thành Phật", Vĩnh Gia chê.
Chưa ngộ trước lời thông huyền chỉ,
Đem một mảy lông ngăn thiết vi.
17. QUY CĂN ĐẮC CHÆ, TÙY CHIẾU THẤT TÔNG
DỊCH
Trở về cội gốc thì được ý chỉ, đuổi theo chiếu soi lại mất bản tông.
LỜI KHAI THỊ
Như thế, như thế, cho Tây làm Đông; chẳng như thế, chẳng như thế, nhận có là không. Chẳng như thế ở nơi như thế, giống như dùng lưới bắt gió, như thế, ở nơi chẳng như thế, như dùng giấy ướt để nhốt cọp. Tại sao? Há chẳng nghe nói "QUY CĂN ĐẮC CHÆ, TÙY CHIẾU THẤT TÔNG" ư!
LỜI NGHĨA GIẢI
Một số người khéo suy lường rằng : "Bặt nói bặt lo" là trở về cội, "nơi nào cũng thông" là đắc tông chỉ. Nếu ngươi lãnh hội theo nghĩa "về cội đắc chỉ" đó, thì lại đuổi theo chiếu soi làm lạc mất tông chỉ rồi. Nhưng CỘI vốn không chỗ về, CHÆ cũng chẳng thể đắc, chẳng rõ nghĩa này, tự sanh vọng chấp, nói là TUỲ CHIẾU, nếu còn dấu tích chữ CHIẾU, thì tâm tông của chư Phật chư Tổ đã lạc mất quá lâu rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Quả có lời nói này ư? Nếu thật như thế, thì cũng như kêu những Phật Tổ từ xưa đên đây ăn gậy sắt của Diêm La Vương. Tại sao? Vì họ QUY CĂN ĐẮC CHÆ vậy!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
TÙY CHIẾU, QUY CĂN đồng một việc
Chẳng cần đặc biệt hiển gia phong.
Tâm trộm chưa chết trước cơ xảo,
"ĐẮC CHÆ" đâu khác sự "THẤT TÔNG".
18. TU DU PHẢN CHIẾU, THẮNG KHƯỚC TIỀN KHÔNG
DỊCH
Phản chiếu chốc lát, hơn cả KHÔNG kia.
LỜI KHAI THỊ
Thấy đến, hành đến, Tông thông thuyết thông, hiển lộ con mắt trời người, mổ ra tấm lòng Phật Tổ. Ngược với vật, đuổi theo vật, giống như khác chẳng phải khác, giết người cứu người, nói đồng chẳng đồng, đều cho đè ngang xuống một lượt, nửa đêm cửa biển mặt trời hồng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "TU DU PHẢN CHIẾU, THẮNG KHƯỚC TIỀN KHÔNG", hạng người gượng nói đạo lý rằng : Đem sáng, tối, sắc, không, dẫn nghĩa quy về tự kỷ gọi là PHẢN CHIẾU. Phải biết không chẳng tự không bởi tâm nên không; có chẳng tự có, bởi tâm nên có, chúng sanh xa trái tự tâm, vọng thấy Không và Có, mà muốn theo nó hay bỏ nó, đều gọi là điên đảo.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lời nói đoán sai. Dưới cửa Thiền Tông, tìm tâm trọn chẳng thể được, ai là người điên đảo?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Vốn chẳng phải chiếu đâu cần chiếu,
Nói chi chốc lát với lâu dài.
Hễ được kiến tánh siêu danh tướng,
Hai việc lâu mau nghĩa đều sai.
19. TIỀN KHÔNG CHUYỂN BIẾN, GIAI DO VỌNG KIẾN
DỊCH
Không kia chuyển biến, đều do vọng kiến.
LỜI KHAI THỊ
Lư hương chùa cổ, lụa trắng một sợi, ngay đó siêu việt sanh tử, đều là rơi vào phương tiện. Xưa nay chẳng tin tâm tự mê, lại nói Phật pháp không linh nghiệm. Dù có linh nghiệm, ngay đó liền thành Phật, thì vào địa ngục mau như tên bắn.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "TIỀN KHÔNG CHUYỂN BIẾN, GIAI DO VỌNG KIẾN", người nghĩa giải cho rằng : Có là vọng, Không cũng là vọng. Không và Có theo duyên thay đổi chẳng nhất định, muốn được lìa vọng, phải bài trừ cả hai.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thôi thôi! Trừ thì mặc tình cho y trừ, nhưng chẳng biết cái vọng sở trừ và cái tâm năng trừ đều chẳng lìa vọng. Nếu chẳng thể luôn cả cái "trừ" đều trừ sạch, muốn thoát khỏi cảnh duyên vọng, khó mong có ngày. Vậy có phương tiện nào để trừ luôn cái "Trừ"?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
KHÔNG đâu có biến, biến phi KHÔNG,
Trong mắt đừng có chứa núi sông.
Ba Tư đáy nước thổi đá lửa,
Mặt trời bay lên cửa biển đông.
20. BẤT DỤNG CẦU CHƠN DUY TU TỨC KIẾN
DỊCH
Chẳng cần cầu chơn, chỉ cần dứt kiến (tri kiến)
LỜI KHAI THỊ
Dựng đứng xương sống như sắt, cầm ngang cây kiếm dài như trời, trong lúc động tịnh nhàn rộn, tất cả nhồi thành một khối. Đã tinh chuyên, lại dũng mãnh, đối với sự thành Phật làm Tổ, chẳng cách một hạt bụi, đụng nhằm Tam Tổ nói nhỏ với Ngài rằng "Khéo léo xem phương tiện, chẳng cần cầu chơn, chỉ cần dứt kiến".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người học giáo lý cho rằng : Kiến chấp có 62 thứ, pháp số nêu ra đủ thứ, chẳng ra ngoài 2 kiến : Đoạn và thường. Cầu chơn rơi vào đoạn kiến, theo vọng rơi vào thường kiến. Kinh Lăng Nghiêm nói "Nói vọng để hiển chơn, Vọng, Chơn là hai vọng, Phi chơn phi chẳng chơn, nói chi kiến sở kiến". Hễ lìa được tất cả kiến thì toàn thể tức chơn, chẳng cần cầu vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Phải thì cố nhiên là phải, nhưng Tổ Sư nói "CHÆ CẦN DỨT KIẾN", vậy kiến làm sao dứt? Nếu như có cái lý của dứt kiến, thì cái lý đó cũng trở thành kiến rồi!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tác ý cầu chơn, chơn liền ẩn,
Tận tình dứt kiến, kiến càng sanh.
Ngay cửa dù chẳng trồng gai gốc,
Nhưng đã không ai có lối đi.
21. NHỊ KIẾN BẤT TRỤ, THẬN VẬT TRUY TẦM
DỊCH
Nhị kiến đối đãi chẳng trụ, chớ nên đuổi theo để tìm.
LỜI KHAI THỊ
Dùng mũi kim gọt sắt, nơi mặt Phật cạo vàng, nói KHÔNG thì mảy may chẳng cách, nói CÓ thì bậc Thánh khó tìm. Ban ngày không thấy đường, nửa đêm lại sáng tỏ. Tuyệt đối đãi, lìa cổ kim, người đời đều biết Hồ Hải rộng, xuất ngoại mới thấy nước bùn sâu.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NHỊ KIẾN BẤT TRỤ, THẬN VẬT TRUY TẦM, người nghĩa giải cho rằng : Đã chẳng trụ vọng, cũng chẳng trụ chơn, luôn cái chẳng trụ cũng không trụ, chính ngay khi ấy đủ thứ đại dụng, tất cả toàn chơn, đâu cần lìa cái này để tìm cái khác!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ỷ! Như những lời nói tương tự này, có ai không chứa một bụng hay nửa bụng, nhưng muốn gần bên cạnh Tổ Sư thì chưa được.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Các pháp bổn lai vô sở trụ,
Nơi vô sở trụ bặt truy tầm.
Đêm qua Tây Đỉnh mặt trời lặn,
Sáng nay y cũ chiếu rừng sâu.
22. TÀI HỮU THỊ PHI, PHÂN NHIÊN THẤT TÂM
DỊCH
Vừa có thị phi, thì lăng xăng lạc mất bản tâm.
LỜI KHAI THỊ
Căn chẳng lợi độn, đạo chẳng cạn sâu, Thiền tông có một câu :
"Phi cổ phi kim", mò không đụng đáy. Tỉnh tọa nơi Đại-viên-cảnh-trí, dù được đụng đáy lại sâu vào rừng rậm tà kiến, Di Lặc, Thích Ca tự biết chẳng có phần, con chồn, con trâu ráng nín sự tức cười.
Đêm cưỡi ngựa sắt chìm đáy biển,
Mò được mũi kim hồi năm xưa.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "TÀI HỮU THỊ PHI, PHÂN NHIÊN THẤT TÂM", người ở tòng lâm thường nói : Khắp mười phương thế giới là sa môn tự kỷ, khắp mười phương thế giới là cổ Phật pháp thân. Cho nên nói : lăng xăng chẳng phải vật khác, tung hoành đâu phải bụi trần, chẳng thị cũng chẳng phi, mỗi mỗi đều từ trong tâm diệu minh chảy ra.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Những lời nói này, tòng lâm gọi là việc thương lượng bình thường, cũng gọi là câu nói chuyển thân (vô trụ), ai cũng dùng 2 câu này để dẫn chứng, xưa nay không biết đã làm ô nhiễm bao nhiêu tâm địa trong sạch, nên bậc đạo nhân chơn thật, quở nó là tạp độc, mắng nó là nước miếng con chồn, có người nào không chịu sự ma mị ấy chăng! Cần phải mửa hết cho mau.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Nói có thị phi, không thị phi,
Nhà lớn cửa mở đợi ai vào.
Gai gốc đầy trời ngang đường cái,
Đi qua ai chẳng bị vướng y.
23. NHỊ DO NHẤT HỮU, NHẤT DIỆC MẠC THỦ
DỊCH
Hai do một mà có, một cũng đừng nên giữ.
LỜI KHAI THỊ
Mặt trời mọc, mặt trăng lặn, trời đất lâu dài, chỉ có Châu Kim Cang (Đức Sơn) không việc làm. Cầm ngang cây gậy đi dọc đường, có ai hỏi ý Tổ Sư từ Tây Trúc sang, nếu chẳng đánh vào sống lưng thì chụp ngay ngực, rồi nói "Ngậm miệng chó lại", làm cho sum la vạn tượng híp mắt cười ha hả. Muốn đến nơi phải đợi ba mươi năm sau.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "NHỊ DO NHẤT HỮU, NHẤT DIỆC MẠC THỦ", người nghĩa giải cho rằng : Vừa theo hai, liền mê một, vừa giữ một, liền sanh hai. Nên biết : Hai là chơn vọng, một là tự tâm, cái "HAI" của chơn vọng đã trừ, cái "MỘT" của tự tâm chẳng trụ, gọi là giải thoát trên đường đạo lớn vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Những lời nói này, ghi nhớ trong lòng cho là tham học, chẳng những chưa đủ tư cách để ăn gậy của Đức Sơn, mà gậy sắt của Diêm La Vương lại không thể thiếu phần cho ông.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Bảo y một pháp cũng đừng giữ,
Chẳng biết "đừng giữ" chưa thật nghèo.
Đâu bằng say rượu nằm trên thảm,
Rải ném vàng ròng cho mọi người.
24. NHẤT TÂM BẤT SANH, VẠN PHÁP VÔ CỬU
DỊCH
Một tâm chẳng sanh khởi, muôn pháp chẳng đúng sai.
LỜI KHAI THỊ
Tô Châu có, Thường Châu có, sáu lần sáu = ba mươi sáu, bảy lần bảy = bốn mươi chín. Am chủ dựng lên nắm tay, Bá Trượng mở ra hai bàn (tay), sản xuất túi cơm (ám chỉ Tổ Sư) một ngàn bảy, hiện ra đầu thần mặt quỷ. Con tôm đâu từng ra khỏi lưới.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "NHẤT TÂM BẤT SANH, VẠN PHÁP VÔ CỬU", người nghĩa giải dẫn chứng kinh luận rằng : "Tâm sanh mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt mỗi mỗi pháp diệt. Các pháp chẳng tự sanh, các pháp chẳng tự diệt, đều do một tâm biến hiện, một tâm không sanh, các pháp thường trụ". Cho nên người xưa có lời nói : "Trâu sắt không sợ sư tử rống, giống như người gỗ thấy chim, hoa", chính là nghĩa này vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Đúng thì đúng rồi! Nhưng Ngài Vĩnh Gia lại nói : "Ai vô niệm, ai vô sanh? Nếu thật vô sanh thì vô bất sanh, kêu người gỗ-máy đến hỏi thử, dụng công cầu Phật lúc nào thành? Vậy lời nghĩa giải trên dường như trái ngược; xin hỏi : Bất sanh là phải, hay vô bất sanh là phải? Thử xác định xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Vạn pháp xưa nay chẳng đúng sai,
Một tâm đâu có sanh, bất sanh.
Lòng từ dặn dò dù tha thiết,
Tiếng sáo chăn trâu khó hợp đàn.
25. VÔ CỬU VÔ PHÁP, BẤT SANH BẤT TÂM
DỊCH
Chẳng đúng sai thì chẳng phải pháp, cũng chẳng sanh cái tâm chấp "chẳng phải tâm".
LỜI KHAI THỊ
Núi Thái Hoa không hiểm, Biển mênh mông không sâu, bài thơ "Nguyệt thực" của Lư Đồng đâu có khó đọc, Khúc "Thái Cổ" của Bá Nha thật có tri âm, chỉ có "Ám Hiệu Tử" của Đông Sơn nắm thì không kẽ hở, buông thì rất khó tìm, làm phiền bao nhiêu người lanh lợi, chen lấn tranh giành đến ngày nay.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "VÔ CỬU VÔ PHÁP, BẤT SANH BẤT TÂM", người nghĩa giải cho rằng : hai câu này là ngược lại hai câu trên. Nói "KHÔNG ĐÚNG SAI" thì muôn pháp tự tiêu, "KHÔNG SANH" thì một tâm tự tịch, Pháp tiêu tâm tịch, bản thể của chí đạo rõ ràng, chẳng đợi đắc mà đắc rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Xưa kia tăng hỏi Triệu Châu : "Học nhân mới vào tòng lâm, xin thầy chỉ dạy" Châu hỏi "ăn cháo rồi chưa?" Tăng nói : "Ăn rồi". Châu nói : "Rửa chén bát đi!" Tăng ấy ngộ liền. Vậy tăng ấy lúc bấy giờ ngộ chẳng đúng sai ư? Ngộ chẳng phải pháp ư ? Ngộ không sanh ư? Ngộ chẳng phải tâm ư? Xin xác định xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chỉ vì lỗi chấp chẳng đúng sai,
Sanh tâm đều bởi chấp "không sanh".
Đêm lạnh vượn khóc trăng đỉnh núi,
Khác đường xưa nay không thể hành.
26. NĂNG TÙY CẢNH DIỆT, CẢNH TRỤC NĂNG TRẦM
DỊCH
Năng theo cảnh diệt, cảnh theo năng mất.
LỜI KHAI THỊ
Đem một lớp khử bỏ một lớp, đường xa mới biết sức ngựa; chẳng đem một lớp khử bỏ một lớp, lâu ngày mới thấy lòng người. Công án 2 lớp; chân đã duỗi thì không rút, ngoài 3000 dặm ai là tri âm?
Từ khi mùa đông người đã về,
Mấy đám mây xuân bọc núi xanh.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NĂNG TÙY CẢNH DIỆT, CẢNH TRỤC NĂNG TRẦM", người nghĩa giải dẫn chứng lời Vĩnh Gia rằng : "Cảnh không trí thì chẳng rõ, trí không cảnh thì chẳng sanh; trí sanh do rõ cảnh mà sanh, cảnh rõ do trí sanh mà rõ". Nên biết NĂNG là một tâm, CẢNH là các pháp, năng tức tên khác của trí, cảnh tức biệt hiệu của pháp, cảnh diệt thì tâm năng rõ cũng diệt, tâm không thì cảnh sở hiện cũng mất. Năng và cảnh giúp nhau tồn tại, nhiếp nhau dung thông, vốn không ngăn cách, người không rõ nghĩa này nên gọi là mê.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Theo lời nói như vậy, gọi là liễu ngộ được chăng? Chẳng những không liễu ngộ, lại như người đói khát ăn muối, càng thêm đói khát mà thôi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đồng biết ánh sáng do đèn hiện,
Cùng nói làn sóng nhờ nước sanh.
Nước cạn, đèn tắt, sóng, ảnh hết,
Mới đáng ngoài cửa ăn roi Tổ.
27. CẢNH DO NĂNG CẢNH, NĂNG DO CẢNH NĂNG
DỊCH
Cảnh do năng thành cảnh, năng do cảnh thành năng.
LỜI KHAI THỊ
Đại Tạng kinh điển là giấy vụn năm xưa, ngàn bảy công án là dây
dưa mục nát, cũng như lá vàng gạt con nít nín khóc, khác chi
đốt ngọn đèn dưới ánh sáng mặt trời! Dẹp qua lớp này rồi lại có
một lớp nữa, có mấy ông tăng được thoát khỏi những sự lừa gạt nầy
?
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "CẢNH DO NĂNG CẢNH, NĂNG DO CẢNH NĂNG". Có người y văn giải nghĩa rằng : Cảnh chẳng tự cảnh, vì năng nên cảnh; năng chẳng tự năng, vì cảnh nên năng, năng nhờ cảnh mà sanh, cảnh nhờ năng mà khởi. Phải biết ngoài tâm chẳng pháp, sanh mà bất sanh; ngoài pháp chẳng tâm, khởi mà phi khởi. Tổ Sư đến đây, đem nhất tâm vạn pháp vò thành viên kẹo, chỉ muốn y vui vẻ nuốt vào.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Hỏi ngược lại họ : "Ông đã từng nuốt được hay chưa? Nếu như chưa, vậy cả thế giới có ai nuốt được chăng? E rằng sau này viên sắt lửa hồng chắc có phần cho ông!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Vì năng sanh sở, sở sanh năng,
Năng sở đều quên, sanh "Bất Sanh".
Ốc Trai hút cạn nước biển cả,
Trên nhánh san hô nửa đêm trăng.
28. DỤC TRI LƯỠNG ĐOẠN, NGUYÊN THỊ NHẤT KHÔNG
DỊCH
Muốn biết "hai đoạn", vốn là "một-không".
LỜI KHAI THỊ
Không mà chẳng không, cây gậy sừng thỏ chống bể núi bạc vách sắt ; chẳng không mà không. Phất trần lông rùa mở ra gió mát trăng thanh. Động Sơn "ba cân mè", dính da dính xương; Vân Môn "cục cứt khô", kẹt vỏ kẹt ruột. Trước mặt nạp tăng thả qua không được, dưới cửa Tổ Sư tái phạm khó tha. Thường khiến trong bụng như kim chích, quăng xuống trong biển rộng sóng to.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "DỤC TRI LƯỠNG ĐOẠN, NGUYÊN THỊ NHẤT KHÔNG". Người nghĩa giải cho rằng : Nói "HAI ĐOẠN� là chỉ tâm pháp của đoạn trên. Nói "MỘT KHÔNG" chẳng phải là cái ngoan không của Thái hư, cũng chẳng phải là cái "không" đoạn diệt của Tiểu-thừa, là cái chơn không vô tướng của linh giác. KHÔNG này là nguồn gốc của chư Phật, là mẹ của vạn linh. Chẳng tiếng chẳng mùi, rõ ràng ở trước các vật. Chẳng hữu chẳng vô, hiển bày bên ngoài lục trần.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Đã là KHÔNG thì chẳng nên có biết, đã có biết thì chẳng nên gọi là không. Nếu chưa từng nắm tay với Tổ Sư, đích thân đến Biển Giác của Chơn Không, thì nói chi ngôn ngữ này nọ!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đào được kho tàng trong chiêm bao,
Lại cưỡi loan phụng lên Bảo Đài.
Suốt đêm vui mừng không kể xiết,
Sáng ngày tỉnh dậy dạ ngẩn ngơ.
29. NHẤT KHÔNG ĐỔNG LƯỠNG, TỀ HÀM VẠN TƯỢNG
DỊCH
Nói một cái KHÔNG đã đồng với hai, một và hai cùng bao hàm vạn tượng.
LỜI KHAI THỊ
Một câu không ích kỷ, muôn người đồng ngưỡng mộ. So bằng vai tổ. Cơ xảo qua bàn tay, Đại Điên đánh thủ tọa; gom tuyết để chôn vàng, Hưng Hóa phạt Duy Na, ra tiếng để ngưng âm thanh. Duy có Thạch-Cảm-Đương, quanh năm suốt tháng, ló đầu ra trước trăm ngàn chúng, xưa nay chẳng ai biết tán thưởng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NHẤT KHÔNG ĐỔNG LƯỠNG, TỀ HÀM VẠN TƯỢNG". Người nghĩa giải cho rằng : Tâm chẳng khác với pháp. Là một KHÔNG đồng hai; pháp chẳng khác với tâm, là cùng hàm vạn tượng. Sở dĩ người xưa nói "Thấy sắc liền thấy tâm, chẳng sắc, tâm chẳng hiện", lại trong kinh nói "Sum la và vạn tượng, do một pháp ấn định", nên Tổ Sư sáng tỏ nơi đây.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Giảng kinh thì cho ngươi giảng, nhưng muốn thấy ý chỉ Tổ Sư, khác gì đi Trịnh Châu ra cửa Tào Châu.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Một chẳng phải chiếc, hai chẳng đôi,
Trăng lạnh đêm khuya, bóng in sông.
Ánh sáng nuốt hết cả vũ trụ,
Còn dời bóng mai lên cửa song.
30. BẤT KIẾN TINH THÔ, NINH HỮU THIÊN ĐẢNG
DỊCH
Chẳng thấy tinh tế thô sơ, đâu có thiên lệch một bên.
LỜI KHAI THỊ
Thiền gọi quan ải, giáo gọi cương yếu, cứu vớt chúng sanh trong tam giới, thi đậu "TÂM KHÔNG" là tiêu biểu, đụng nhằm thằng không ý chí (tự tánh), móc xiềng xích, mở thắt kết, muôn mắt nhìn thẳng, muốn mở mà chẳng mở; trăm người giơ tay, muốn tát mà chẳng tát, đạo giả vô tâm vốn nên như thế, đâu phải khoe tài trước mặt mọi người. Cho nên nói : "BẤT KIẾN TINH THÔ, NINH HỮU THIÊN ĐẢNG".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người nghĩa giải cho rằng : Tâm và pháp đã không, năng và sở đều bặt, thì chúng sanh, chư Phật đồng bản thể, mê ngộ chẳng khác, nên dẫn chứng lời "tức tâm minh" nói : "Đâu quí đâu tiện, đâu nhục đâu vinh, đâu đắc đâu thất, đâu trọng đâu khinh, một đạo hư tịch, vạn vật bình đẳng".
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói chứng cũng giống như được chứng, nhưng vì sự chứng quá giống nhau đi, lại trở thành không giống nhau rồi. Vậy thế nào là chỗ không giống nhau? Thử xác định xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Hét ra tiếng sét khó bịt tai,
Tò vò vác biển vào mi muỗi.
Heo bùn, chó ghẻ cùng mở mắt,
Tam thế Như Lai trọn chẳng hay.
31. ĐẠI ĐẠO THỂ KHOAN, VÔ DỊ VÔ NAN
DỊCH
Bản thể đại đạo rộng khắp hư không, chẳng có khó dễ đối đãi.
LỜI KHAI THỊ
Trộm được y bát vào tay, biết nói "chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động", ngoài y-kim-lan ra còn có vật gì khác? Xô ngã cây nêu trước cửa, hai ông này vô sự sanh sự, dối người dối mình. Bổn lai không kẽ hở, xuyên tạc chẳng dính dáng. Có hiểu được chăng?
Một lần gặp nhau một lần già,
Một lần gió thổi một lần lạnh.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "ĐẠI ĐẠO THỂ KHOAN, VÔ DỊ VÔ NAN", người nghĩa giải cho rằng : Việc này vốn bao trùm nhựt nguyệt hư không, Phật Tổ chẳng biết tên, đại địa chở không nổi, như trời che khắp, như đất nâng khắp, mỗi mỗi viên mãn, người người đầy đủ, đâu còn khó dễ gì để nói! Đây nói KHÓ DỄ là tại người chẳng tại pháp, hễ tin tự tâm là Phật thì dễ, chẳng tin tự tâm là Phật thì khó.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Theo sự thấy nghe của tôi lại khác; Hễ tin tự tâm là Phật thì khó, chẳng tin tự tâm là Phật thì dễ, vậy cái lý cao tột ở chỗ nào? Lời này hãy gác lại, cũng như Bàng Cư Sĩ nói : "Khó, khó, mười giạ hạt mè bày ra trên cây", Bà Bàng nói : "Dễ, dễ, ý Tổ Sư trên đầu trăm cỏ". Linh Chiếu nói : "Chẳng khó cũng chẳng dễ, đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ". Chỗ này nếu phân biệt được 3 cái lưỡi hay dỡ của họ, thì sự khó dễ có thể ngay đó lãnh hội. Nếu không, dẫu cho ngươi hiểu theo lời nói, nói "chẳng dễ chẳng khó", đâu khác gì con lừa mù muốn đuổi kịp theo bầy, vừa bước chân đã không có đường để đi rồi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Bày mè trên cây, mệt thì ngủ,
Nói "đầu trăm cỏ" của ý Tổ.
Ba người đều là không có mắt,
Mò rào mò vách lúc nào thôi.
32. TIỂU KIẾN HỔ NGHI, CHUYỂN CẤP CHUYỂN TRÌ
DỊCH
Sự thấy nhỏ hẹp có chút hồ nghi, muốn gấp lại càng trễ.
LỜI KHAI THỊ
Chuyển tự kỷ vào sơn hà, trâu sắt chìm đầm to; chuyển sơn hà vào tự kỷ, voi già lún bùn sâu. Tự kỷ sơn hà ném bỏ một lượt, lò rèn các nơi không thể thiết lập. Có thiết lập, chẳng khác nắm tay dọa trẻ con.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "TIỂU KIẾN HỔ NGHI, CHUYỂN CẤP CHUYỂN TRÌ", người nghĩa giải cho rằng : Tất cả chúng sanh, từ trước khi kiếp-không (chưa có trời đất) đã cùng tam thế chư Phật đồng thành chánh giác, vốn chẳng thiếu kém, vì tâm này không rõ, tự rơi vào ngu mê mà chẳng biết. Thế nên, chư Phật chư Tổ dùng trăm ngàn phương tiện dẫn dắt khích lệ, khiến họ ngộ nhập. Sở dĩ nói : "Vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trên đời", là việc này vậy. Bởi do người chẳng tin tự tâm là Phật mà muốn tìm cầu ở ngoài tâm, cho nên bị quở là TIỂU KIẾN. Phải biết tâm này vốn sẳn đầy đủ, nói là "mau được thành Bồ Đề" đã thành lời thừa, thật ra đâu có sự mau hay trễ ư!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thế thì, hiện nay gọi cái gì là Phật? Nếu chỉ bày không ra, bệnh ở chỗ nào?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Trời há cho ngồi đáy giếng dòm,
Tận cùng sức thấy cũng thành nghi.
Trở mình nhảy ra ngoài hư không,
Nhướng mày mở mắt đã trễ rồi.
33. CHẤP CHI THẤT ĐỘ, TẤT NHẬP TÀ LỘ
DỊCH
Chấp thật thì lạc mất tông chỉ, ắt phải rơi vào đường tà.
LỜI KHAI THỊ
Núi vô trùng số (bất nhị), nước vô trùng số, Thiện Tài ở trong tiếng khảy móng tay thấy lầu các của Ngài Di Lặc cũng vô trùng số, Chơn nhân Vô-Địa-Vị giữa đường gặp thấy việc bất bình, dùng cây gậy gạch một gạch trên không, mười vạn tám ngàn đường lối nắm gom một lượt, rồi quày đầu lại hét to rằng : "Tình xuyên lịch lịch hán dương thọ, phương thảo thê thê Anh-Võ-Châu".
(Cỏ non biêng biếc đảo Anh-Võ,
Nắng dọi Trường Giang cây Hán Dương).
Vì sao như thế? há chẳng thấy Tổ Sư nói: "CHẤP CHI THẤT ĐỘ, TẤT NHẬP TÀ LỘ".
LỜI NGHĨA GIẢI
Gần đây có một số người ở vào địa vị làm thầy, thấy người nói "Khán thoại đầu của cổ nhân, làm công phu miên mật, chẳng uổng phí thời gian để tham cứu việc mình", liền dẫn chứng hai câu này để bài xích, đối với "CHẤP CHI THẤT ĐỘ", cho là Phật Pháp đâu có việc này, bởi tất cả sẳn sàng, sao chẳng tự nhận lấy? Lại cố làm bộ điệu của người chết làm chi!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói thế cũng đúng, nhưng không xét đến nguồn gốc, chẳng biết ý Tổ Sư là trách cái chấp sau khi ngộ. Há chẳng thấy Phật Nhãn nói : "Có một hạng người cỡi lừa tìm lừa, lại có hạng người biết được là lừa rồi mà cứ cỡi mãi không chịu xuống", chính là nói hạng người này chấp lý đã ngộ mà chưa thể quên. Bên ngoài chấp pháp sở ngộ, bên trong chấp tâm năng ngộ, cổ nhân quở là pháp trần, cũng là gai gốc tri kiến. Cho nên Dược Sơn nói vừa có sở trọng, liền thành hang ổ, đều là chấp lý đã ngộ, khiến cho lý ngộ chẳng quên, cho là thật có việc này. Do thấy pháp chẳng viên thông, thành sở chấp của ngoại đạo. Đang mê mà cầu ngộ thì dễ, đã ngộ muốn quên lý thì khó, nếu không gặp bậc đạo sư chơn chánh thẳng tay gông cùm tay chân, đánh đập thống thiết, thì rốt cuộc không thể đến chỗ tự thôi nghỉ. Đối với thuyết này, ông có vừa lòng chăng?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chấp tâm chưa hết hoa thường rụng,
Thắt kết đã trừ, quả không xa.
Cứ theo đường tà đi khi trước,
Quày đầu mới thấy mình trần truồng.
34. PHÓNG CHI TỰ
NHIÊN, THỂ VÔ KHỨ TRỤ
DỊCH
Buông thì bản thể tự nhiên, vốn chẳng có đi và ở. (Buông : vô trụ).
LỜI KHAI THỊ
Cơ xảo hướng thượng, câu chuyển ngữ cuối cùng, cửa đã mở sẳn. Lòng từ của chư Tổ luôn luôn nhắc nhở hành giả tham thiền ngay đó liền ngộ. Trăng nửa đêm chiếu trên cành hoa mai; ngộ được cứ ngộ, rạng đông say rượu cỡi chim loan. Không cho là Phật pháp cao siêu, cũng không cho là phổ biến việc đời, vậy rốt cuộc như thế nào? Chẳng thấy Tổ Sư nói : "PHÓNG CHI TỰ NHIÊN, THỂ VÔ KHỨ TRỤ" hay sao!
LỜI NGHĨA GIẢI
Người nghĩa giải cho rằng : Tâm chấp đã trừ, tự nhiên tự do tự tại, chẳng chướng chẳng ngại mà động như mây bay, tịnh như cốc thần, đã vô tâm đối với này nọ, thì đâu có phân biệt đi ở? Kinh Viên Giác nói : "Bất cứ lúc nào, chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng tâm, cũng chẳng ngưng nghỉ, trụ nơi cảnh vọng, không cần hiểu biết, nơi không hiểu biết cũng chẳng cho là chơn thật không hiểu biết". Được như thế thì gần với đạo rồi, nghĩa là tình chấp thánh phàm đều sạch, thì bản thể chơn thường hiển lộ, tuyệt hẳn cảnh duyên hư vọng, tức là như như chơn Phật.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Chửi nhau cho ngươi tạt nước cũng được, nếu đối với ý Tổ Sư, dẫu cho ngươi đem tất cả Đại Tạng kinh điển đều mửa ra, cũng chỉ thành nghiệp thức mênh mông mà thôi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Kiến văn giác tri đều bỏ hết,
Vốn chẳng tự nhiên lại tự nhiên.
Ông đi nước Tần, ta nước Lỗ,
Đỉnh đầu ai chẳng đội trời xanh.35. NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO, TIÊU DAO TUYỆT NÃO
DỊCH
Tự tánh là đạo, vốn chẳng phiền não.
LỜI KHAI THỊ
Bùi Tướng Quốc (Bùi Hưu) ôm Phật đến xin đặt tên, Đường Trang Tông đắc được một báu vật ở Trung Quốc, vua chẳng bị địa vị cao cả dời đổi, Thần chẳng bị việc khắp nước nhiễu loạn. Nạp tăng tham thiền giẫm bước khắp mười phương, hình thể chẳng bị vật gì trói buộc, lâu ngày chày tháng ngồi tại chỗ vô sự, vì sao lại chẳng thể đúng như tự tánh? Do cái gì làm chướng ngại?
Năm năm khô héo rừng Bát Nhã,
Năm năm tăng trưởng cỏ vô minh.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO, TIÊU DAO TUYỆT NÃO", người nghĩa giải cho rằng : Người Tâm-Không thi đậu tánh chẳng cần nhậm (mặc kệ) mà tự nhậm, đạo chẳng cần hợp mà tự hợp, tự do như mây ra trên núi, tự tại như trăng đi trên không, trong Đại-Viên-Cảnh (tự tánh) có ai chẳng phải vậy?
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Phật Ấn Nguyên Hòa Thượng nói : "Cái cảnh đã ngộ khó nói cho người chưa ngộ hiểu, như với người mù bẩm sinh, nói cho biết mặt trời sáng tỏ, họ dù nghe mà chẳng thể biết được". Hay người chưa từng buông tay nhào xuống vực thẳm (chưa từng ngộ), mà lại dùng lời "NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO" để dẫn chứng, thì cũng như người đói nói ăn mà không ăn, lại tự nói "đã no", há chẳng phải là dối người ư?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Mặc cho pháp tánh tự hợp đạo,
Bệnh của Tâm Vương càng khó lành.
Lại muốn cầu cho tuyệt phiền não,
Ba trăm roi sắt chưa phải nhiều.
36. HỆ NIỆM QUAI CHƠN, HÔN TRẦM BẤT HẢO
DỊCH
Nổi niệm thì bị niệm buộc, thành trái với chơn không niệm thì hôn trầm chẳng tốt.
LỜI KHAI THỊ
Đại Tạng giáo điển là sợi dây xích chân, thân vàng trượng sáu (Thân Phật) là một cọng cỏ. Một tiếng hét điếc tai ba ngày của Bá Trượng, một giỏ trầu trút ra của Ngưỡng Sơn. Những lời nói này là miểng ngói hay là châu báu? Nếu ông nói "câu PHẢI cũng quét, câu CHẲNG PHẢI cũng quét; chính là ăn táo mà nuốt hột.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "HỆ NIỆM QUAI CHƠN, HÔN TRẦM BẤT HẢO", người nghĩa giải dẫn chứng trong kinh nói "Tâm chẳng bị đạo trói, cũng chẳng gây nghiệp, ấy là người đắc đạo". Hoặc dẫn chứng lời Đức Sơn nói "Mảy may hệ niệm là nghiệp nhân tam đồ", còn nói : "Hành giả tham cứu, vừa có mảy may tình chấp mê ngộ, thánh, phàm, thì bị tri kiến mê ngộ thánh, phàm làm mù", cần phải một vật chẳng dính mắc muôn duyên đều tẩy sạch, mới có thể hợp với chỗ thấy của Cổ nhân.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Đừng phỉ báng cổ nhân nhé! Cổ nhân nói với ông : "HỆ NIỆM QUAI CHƠN", nhưng chính cái "một vật chẳng dính mắc" đã là QUAI CHƠN, tức là bị niệm trói rồi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Hệ niệm trái chơn, chơn chẳng trái,
Hôn trầm chẳng tốt, tốt nơi nào?
Thùng sơn cứng chắc không lủng đáy (Chưa ngộ),
Thai trâu bụng ngựa đợi ông vào.
37. BẤT HẢO LAO THẦN, HÀ DỤNG SƠ THÂN
DỊCH
Tốt xấu không nên nhọc tinh thần, đâu cần phân biệt sơ hay thân.
LỜI KHAI THỊ
Triệu Châu khám phá rồi, thủy ngân không giả, Vân Môn lỡ lời rồi, A ngùy (phẩn người) chẳng chơn. Tham thiền không linh nghiệm, đụng đâu mê đó, sự thấy là cái gai góc trong mắt, việc nghe là cái bệnh của lỗ tai. Ủa! có việc như thế ư? Chỉ cần nói với họ : Ngẩng mặt ngó ngoài trời, xem ai ló đầu ra?
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "BẤT HẢO LAO THẦN, HÀ DỤNG SƠ THÂN, người nghĩa giải cho rằng : Do HỆ NIỆM thì trái với Chơn, đã trái với Chơn thì lao nhọc tinh thần, vì nhọc tinh thần ắt phân biệt sơ thân. Phải biết, HỆ NIỆM là cái nhân của sơ thân, SƠ THÂN là cái quả của hệ niệm. Tổ Sư nói hai chữ "KHÔNG CẦN" cũng như việc tự cắn rốn vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lời nói này như theo hình mèo mà vẽ con mèo, đại khái vẽ ra cũng giống, nhưng chuột chết còn chẳng thể bắt được, huống là chuột sống ư? Nếu chẳng đích thân một dao cắt dứt mạng căn (chơn tham thật ngộ), thì những lời trên chỉ giúp cho việc luận đàm mà thôi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tốt xấu chẳng nên nhọc tinh thần,
Dùng hết tinh thần càng chẳng thân.
Đâu bằng kẻ ngốc nơi thôn dã,
Ăn no nằm dài hợp thiên chơn.
38. DỤC THỦ NHẤT THỪA, VẬT Ố LỤC TRẦN
DỊCH
Muốn chứng lấy Nhất Phật Thừa, chớ nên chán ghét lục trần.
LỜI KHAI THỊ
Mắt là quang minh pháp thân, tai là âm thanh pháp thân, mũi là trang nghiêm hương pháp thân, lưỡi là thanh tịnh vị pháp thân, thân là phổ giác pháp thân, ý là liễu tri pháp thân, đầy đủ sáu nghìn công đức, thành tựu Nhất-thiết-chủng-trí. Nhưng lúc tứ đại phân tán, xương thịt tan rã, lục căn đều biến diệt, vậy pháp thân đặt ở chỗ nào?
Việc buồn chớ kể với người buồn,
Kể với người buồn, buồn chết đi!
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "DỤC THỦ NHẤT THỪA, VẬT Ố LỤC TRẦN", người nghĩa giải cho rằng : NHẤT THỪA là biệt danh của tự tâm, lục trần, lục thức, lục căn là biệt hiệu của tự tâm, đâu có thể chứng nhất thừa mà ghét lục trần! Thế thì giống như yêu tay chân mà bỏ vai lưng vậy. Phải biết, Ngộ tâm này thì lục trần tức là nhất thừa, mê tâm này thì nhất thừa tức là lục trần. Bùi Tướng Quốc nói : "Nghịch nó tức phàm, thuận nó tức thánh". Kinh Lăng Nghiêm nói : "A Nan, ngươi muốn biết cái câu sinh vô minh, là gốc thắt kết khiến ngươi luân hồi trong sanh tử ấy, chính là lục căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác. Ngươi lại muốn biết đạo vô thượng Bồ Đề khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác".
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lý giải cũng giống như rất đúng, nhưng cần phải biết : Nhất thừa là hư vọng, lục trần là phỉ báng, ngoài hai lỗi này, còn tránh khỏi được vọng và báng hay không?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Sắc, thanh, hương, vị và xúc pháp,
Lục trần xưa nay hợp nhất thừa.
Tình chấp lấy bỏ còn chưa dứt,
Lại nơi đất bằng nỗi sóng to.
39. LỤC TRẦN BẤT Ố, HOÀN ĐỔNG CHÁNH GIÁC
DỊCH
Chẳng cho lục trần là tốt hay xấu, thì đồng như chánh giác.
LỜI KHAI THỊ
"Ông Chủ!", Dạ, dạ, dạ!. Có đường chẳng đi, không dây tự trói. Nói "Lục trần là phải thì trái với chơn, nói lục trần là chẳng phải lại thành lỗi lầm lớn". Lầm thì lầm, một cọng cỏ hiện thân vàng ròng, đảo ngược cỡi hạc bay lên trời.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "LỤC TRẦN BẤT Ố, HOÀN ĐỔNG CHÁNH GIÁC", người nghĩa giải cho rằng : Chẳng có lục trần, cũng chẳng có chánh giác, đều chỉ là diệu tâm sáng tỏ. Gọi là lục trần cũng được, gọi là chánh giác cũng được. Ông nếu ở nơi diệu tâm sáng tỏ này có chỗ không rõ, thì gọi là chánh giác cũng không rõ, đâu có việc gì khác? Chỉ cái rõ và không rõ này, khiến Phật Tổ nhọc lưỡi mỏi miệng phân ra những điều hơn kém, đều do chẳng tin tự tâm mà ra.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Xưa có một tú tài, thi cử nhiều lần không đậu, bèn đốt bỏ bút mực, làm l bài thơ "Trở về quê", chê bai công danh như đàm dãi. Nhưng đến kỳ thi năm tới, vẫn đi vào trường thi như cũ. Người nói lời này cũng chẳng khác như vậy.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chẳng ghét lục trần đồng chánh giác,
Đường vào cửa thiền vẫn xa xôi.
Cần phải ra tay bắt hư không,
Phật cùng chúng sanh chôn một hầm.
40. TRÍ GIẢ VÔ VI, NGU NHÂN TỰ PHƯỢC
DỊCH
Người trí tự tại vô tác, kẻ ngu dụng tâm tự trói.
LỜI KHAI THỊ
"Dời chỗ gồ để lấp chỗ trũng, cắt cái dài để nối cái ngắn", Trang Tử nói lời này tự cho là rất đúng, nhưng kiểm điểm lại, chỉ là tự sanh tính toán, so đo phân biệt. Duy có Mộc thượng tọa (tích trượng) chẳng tốt xấu, cũng chẳng đúng sai, toàn thân chỉ là đen thùi lùi, suốt năm dựa bên gốc thiền sàng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "TRÍ GIẢ VÔ VI, NGU NHÂN TỰ PHƯỢC", người nghĩa giải cho rằng : Trí chẳng tự trí, do ngộ mà trí : ngu chẳng tự ngu, do mê mà ngu. Người trí ngộ tự tâm, tâm ngộ vốn vô tác, kẻ ngu mê tự tâm, tâm mê còn tự trói. Phải biết, cái vô tác của người ngộ, dù Quỷ thần trời đất cũng chẳng thể khiến cho họ tác; cái tự trói của kẻ mê, dù muôn hiền ngàn thánh cũng chẳng thể mở trói cho họ. Vậy trí và ngu đều do tâm tạo, đâu phải vật bên ngoài mà làm được!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Chỉ thấy đầu dùi nhọn, chẳng thấy đầu đục vuông. Tại sao? Phải biết vô tác tức tự trói, tự trói tức vô tác. Nếu cho quả thật có hai lối, thì cách Tổ Sư quá xa rồi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Kẻ ngu tự trói cần phải mở,
Người trí vô tác trói chặt thêm.
Chẳng dùng dao kiếm đã cắt dứt,
Vì thương đồng tử mất thiên chơn.
41. PHÁP VÔ DỊ PHÁP, VỌNG TỰ ÁI TRƯỚC
DỊCH
Pháp chẳng là pháp, vọng tự chấp trước cho là pháp.
LỜI KHAI THỊ
Toàn thân là bệnh, toàn thân là thuốc, suy nghĩ chẳng đến, thoáng qua trước mặt. Thuốc tức là bệnh, bệnh tức là thuốc, trong hư không dễ nhào lộn, áo vải Thanh Châu khó mặc. Cũng chẳng bệnh, cũng chẳng thuốc, vạn tượng sum la một cục sắt, con lừa Dương Kỳ ba cái chân.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "PHÁP VÔ DỊ PHÁP, VỌNG TỰ ÁI TRƯỚC", người nghĩa giải cho rằng : Trúc xanh biêng biếc đều là Chơn-như, Hoa vàng ngào ngạt đều là Bát Nhã, tất cả thanh, sắc trong hư không pháp giới, tìm một tướng đồng bất khả đắc, tìm một tướng dị cũng bất khả đắc, lìa 2 lối đồng dị này cũng bất khả đắc. Than ôi! Người chẳng rõ lý này, chấp Phật thì bị Phật ngại, chấp pháp thì bị pháp ngại, vậy chấp Phật pháp còn bị chướng ngại, huống là chấp những thứ khác ư!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Pháp nếu có khác thì chấp trước mới có khác, Pháp đã chẳng khác thì chấp trước cũng chẳng khác, vì sao lại nói VỌNG TỰ CHẤP TRƯỚC ? Chỗ này nhìn Tổ Sư không ra, thì những lời trước đều là hý luận.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Pháp chẳng có khác, thể vốn đồng,
Thể đồng đâu có pháp hoằng dương?
Đạt Ma chín năm chỉ hướng vách,
Chẳng biết lấy gì truyền gia phong.
42. TƯƠNG TÂM DỤNG TÂM, KHỞI PHI ĐẠI THỐ
DỊCH
Đem tâm dụng tâm, há chẳng phải lầm lớn.
LỜI KHAI THỊ
Tâm, tâm, tâm, khó mò nắm. Ông già Thích Ca, 49 năm nói vuông nói tròn, hoặc tiểu hoặc đại, chú giải chẳng được, sau cùng niêm hoa thị chúng, chính là đem tâm dụng tâm, cũng khó tránh khỏi cái "Há chẳng lầm lớn" này. Đến đây việc đã là bất đắc dĩ, tạm đem cái chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm để che lấp lỗi lầm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Người nghĩa giải cho rằng : Ông muốn thành Phật là đem tâm dụng tâm, muốn làm Tổ là đem tâm dụng tâm, cho đến muốn thoát sanh tử, trụ Niết Bàn, chứng Bồ Đề, dứt phiền não v.v... đều chẳng ra ngoài "ĐEM TÂM DỤNG TÂM".
TỊCH NGHĨA GIẢI
Tuy vậy, cũng chỉ nói được một nửa. Phải biết, tâm thể rộng lớn, chẳng thể hạn lượng, ngay đó như đống lửa lớn, đụng vào liền đốt, chạm nhằm liền cháy. Dẫu cho ông chẳng muốn thành Phật làm Tổ v.v... cũng ra khỏi cái "ĐEM TÂM DỤNG TÂM" chẳng được.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tức Phật là tâm, tâm là Phật,
Ngay chỗ thừa nhận đã trái xa.
Ca Diếp mĩm cười trước niêm hoa,
Vô sự khi không bày đặt ra.
43. MÊ SANH TỊCH LOẠN, NGỘ VÔ HẢO Ố
DỊCH
Mê sanh tịch lặng và tán loạn, ngộ chẳng tốt, xấu, yêu, ghét.
LỜI KHAI THỊ
Lúc mê là mê cái ngộ, lúc ngộ là ngộ cái mê, mê ngộ cả hai đều quên, đập vỡ cái vỏ vô minh. Vô minh đã tan, mê ngộ cũng hết, vậy hai lối này còn đặt ở chỗ nào? Gỏ cửa dùng ngói, gạch, mặc cho y suy lường.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "MÊ SANH TỊCH LOẠN, NGỘ VÔ HẢO Ố", người nghĩa giải cho rằng : Bản thể chơn tịch, tất cả chẳng còn. Kinh Lăng Nghiêm nói : "Vô lậu chơn tịnh, tại sao trong đó lại có thể dung nạp vật khác? Người chưa ngộ lý này, trước mắt chẳng thấy tịch thì thấy loạn, chẳng thấy động thì thấy tịnh, chẳng biết động cũng là mê, loạn cũng là mê, tịch cũng là mê, cho đến thấy mình ngay đó thành Phật cũng là mê. Hễ thấu rõ được cái tâm mê này thì ngay đó giải thoát, mỗi mỗi thiên chơn, mỗi mỗi minh diệu. đã chẳng thấy loạn, cũng chẳng biết tịch nhị biên đều lìa, trung đạo chẳng lập, thì đâu còn tình chấp tốt xấu để làm chướng ngại ư!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói lời nầy rất gần rồi, nhưng mê từ đâu đến, ngộ do đâu khởi? Nếu biết được chỗ đến chỗ khởi, chẳng cần trừ mê, cả cái ngộ kia cũng không chỗ đặt để, nếu không, cứ đem cái mê cái ngộ theo tánh phân biệt, rốt cuộc chỉ tăng thêm bệnh kiến chấp mà thôi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Xưa nay thiên hạ ai từng ngộ?
Không ngộ làm sao nói có mê?
Bỗng nhớ Ôn Châu ngài Vĩnh Gia,
Cớ gì một đêm ngủ Tào Khê.44. NHẤT THIẾT NHỊ BIÊN, LƯƠNG DO CHÂM CHƯỚC
DỊCH
Tất cả nhị biên đối đãi đều do đo lường suy toán.
LỜI KHAI THỊ
Mở miệng nói nhằm, cất bước đạp phải, tất cả đều sẳn sàng, chẳng tin hãy hành cước. Đợi y đi tới đường cùng, chẳng chỗ ở đậu, áo rách giày lủng, khi ấy xỏ mũi kéo quày đầu (ngộ), mới tin xưa nay uổng công tìm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "NHẤT THIẾT NHỊ BIÊN, LƯƠNG DO CHÂM CHƯỚC". Có người bày đặt chú giải rằng : Vừa thấy có loạn liền thấy có tịch. Phải biết loạn chẳng tự loạn, vì tịch nên loạn; tịch chẳng tự tịch, vì loạn nên tịch, do đó các pháp lăng xăng, mới có sự đối đãi nhau sanh khởi. Nói 2 chữ "CHÂM CHƯỚC" nghĩa cũng giống như 2 chữ "GIẢN TRẠCH" ở đầu bài MINH, vì tình thức "GIẢN TRẠCH" chưa tiêu, thì đối với nhị biên tịch loạn v.v..., kết thành cái niệm "CHÂM CHƯỚC". Nếu chưa trừ được niệm này thì tất cả chẳng được bất nhị vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thế thì cái niệm "CHÂM CHƯỚC" có phương tiện nào để trừ? Nếu chẳng biết phương tiện gì, thì lời ông nói ở trên cũng là do CHÂM CHƯỚC sanh khởi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Nhị biên vốn chẳng cần châm chước,
Một đạo bình đẳng cũng vọng truyền.
Gặp việc chưa thoát ngoài ngôn ngữ,
Kiến đồng Phật Tổ cũng xót thương.
45. MỘNG HUYỄN KHÔNG HOA, HÀ LAO BẢ TRÓC
DỊCH
Việc mộng huyễn như hoa đốm trên không, đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc!
LỜI KHAI THỊ
Mai rùa đen (vô minh), bụng trống rổng, trái cân sắt (tự tánh), thật cứng chắc. Chỉ có Mộc thượng tọa, chẳng bị người xuyên tạc, sáng cưỡi trâu Thiểm Phủ, chiều cưỡi hạc Dương Châu.
Có khi ban ngày chạy về nhà,
Khi gõ hư không tự vấn đáp.
Khúc hát "Về Quê" tiếng chưa dứt,
Mây bay chân trời lặn ngôi sao.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "MỘNG HUYỄN KHÔNG HOA, HÀ LAO BẢ TRÓC", người nghĩa giải dẫn chứng trong kinh nói : "Tất cả Pháp hữu vi, như mộng huyễn, bọt, bóng, như sương lộ, điện chớp, nên tác quán như thế". Còn dẫn chứng Ngài Vĩnh Gia nói : "Buông tứ đại, chớ nắm bắt, trong tánh tịch diệt cứ ăn uống, các hạnh vô thường tất cả không, tức là Như Lai Đại Viên Giác", bèn mặc tình phan duyên, tùy ý tạo tác cho đến hủy phạm giới cấm, phá hoại luật nghi, đều lấy 2 lời này để dẫn chứng.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nhưng chẳng biết ngay lúc buông lung tình ý, quả thật thấy những cảnh sở duyên như mộng huyễn không hoa hay không? Nếu thấy là không hoa thì chẳng nên đeo đuổi. Nếu trong lòng còn giữ một mảy may phan duyên đeo đuổi thì chẳng thể cho là mộng huyễn không hoa rồi. Phải biết, thành Phật làm Tổ cũng là mộng huyễn không hoa. Ngoài ra đâu còn cái gì chẳng phải mộng huyễn! Lại càng nên biết, ngay cái thuyết "HÀ LAO BẢ TRÓC" đã là rơi vào mộng huyễn rồi. Việc này nếu chẳng đích thân chứng ngộ, mà chỉ muốn tùy theo ngữ ngôn lý giải, thì chẳng phải ngu là gì?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Thích Ca nửa đêm thấy ngôi sao,
Cùng hiện bóng nghiệp trước Gương Đài.
Làm thành một thứ mộng điên đảo,
Chẳng biết ai là đắc tiện nghi.
46. ĐẮC THẤT THỊ PHI, NHẤT THỜI PHÓNG KHƯỚC
DỊCH
Đắc, thất, thị, phi, đồng thời buông bỏ.
LỜI KHAI THỊ
Tuyết Phong ném banh gỗ, Phổ Hóa rung chuông sắt, dù nói là đại cơ đại dụng, rốt cuộc trở thành tạo tác, đâu bằng Vương Thái Phó ở trong quốc độ vô sanh, cũng chẳng thiện, cũng chẳng ác, mặc tình ăn no nằm dài ngủ, tùy ý tự tại an lạc, có người đến hỏi Tổ Sư Thiền, bảo y cứ xem cây phướn vàng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói "ĐẮC THẤT THỊ PHI, NHẤT THỜI PHÓNG KHƯỚC", người nghĩa giải cho rằng : Trong Nhất Pháp giới chẳng đắc cũng chẳng thất, chẳng thị cũng chẳng phi, chỉ vì vọng tình chợt khởi, dị kiến liền sanh, ở nơi chẳng đắc thất bừng khởi đắc thất, ở nơi chẳng thị phi nổi đủ thứ thị phi. Do đó, Tổ Sư bảo y "đồng thời buông bỏ", đã là tự chạm dao bén làm cho đứt tay, đất bằng dậy sóng rồi. Đã biết xưa nay vốn không, thì buông bỏ cái gì? Nếu nói có cái lý "có thể buông bỏ, thì đắc, thất, thị phi đặt để ở chỗ nào?
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ủa! nói "có thể buông bỏ" cũng đáng ăn gậy, nói "không thể buông bỏ" cũng đáng ăn gậy. Tại sao? Vì ông chưa thoát khỏi được đắc thất thị phi vậy.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Hai tay xòe ra chẳng một việc,
Thị phi đắc thất thảy đều quăng.
Muốn đem cái này thoát sanh tử,
Con rắn siết chặt đôi chân ông.
47. NHÃN NHƯỢC BẤT THÙY, CHƯ MỘNG TỰ TRỪ
DỊCH
Mắt nếu chẳng ngủ, chiêm bao tự dứt.
LỜI KHAI THỊ
Quanh năm ngồi kiết già, suốt ngày miệng như câm, hai mắt ngó trên vách, chẳng biết mong muốn gì. Tham cứu tự kỷ, nửa nghi nửa tin, xem lời cổ nhân, tợ có tợ không. Đến lúc năm cùng tháng tận, trở thành leo cây bắt cá.
Đâu bằng quét sạch cả hư không,
Trong lòng ló ra dạ Minh Châu.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "NHÃN NHƯỢC BẤT THÙY, CHƯ MỘNG TỰ TRỪ", người nghĩa giải cho rằng : Hai câu này là dụ trước hợp sau. Như người mở to đôi mắt, rõ ràng tỉnh táo, thì hôn trầm tự trừ; đã chẳng hôn trầm thì đâu có chiêm bao!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nếu làm thí dụ thì được. Nếu chẳng làm thí dụ, thì Tổ Sư cũng đáng ăn gậy. Tại sao? Nay mở mắt đâu từng chẳng phải là chiêm bao!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Kim Cang chánh nhãn chưa từng ngủ,
Chẳng biết mộng lớn bao giờ thức.
Gởi lời thiền khách cửa Tổ Sư,
Chớ cho Hạc hót là Oanh ca.
48. TÂM NHƯỢC BẤT DỊ, VẠN PHÁP NHẤT NHƯ
DỊCH
Nếu tâm chẳng cho là có khác, thì muôn pháp chỉ là một "NHƯ".
LỜI KHAI THỊ
Chỗ hành của đạo nhân như lửa tan băng, trước mặt của nạp tăng như băng dập lửa. Ném bỏ hai thứ băng lửa, mặc cho thánh phàm cùng lối. Đạo sĩ không tay vẽ bùa quỷ, Xà Lê mù mắt đọc kinh Phật. Lại còn một chỗ đáng tin cậy : Tò vò nuốt cả Hồ Động Đình.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "TÂM NHƯỢC BẤT DỊ, VẠN PHÁP NHẤT NHƯ", người nghĩa giải cho rằng : Vạn pháp vốn như, do tâm mới thành khác. Ví như núi chẳng tự cao, tâm cho là cao, nước chẳng tự sâu, tâm cho là sâu. Tâm này cho là khác thì muôn ngàn sự vật đều thành khác. Cổ và lưng vốn cùng một thân mà xem nó như 2 nước Sở và Việt, anh em cùng giống nòi mà coi nhau như trời với đất. Vì sự khác nên tình chí thân còn phải khác, huống là phàm với thánh, người với vật. Muốn dung hợp thành một, chẳng sanh yêu ghét này nọ, đâu có thể được!
Kinh nói : "Chưa đạt cảnh duy tâm, khởi đủ thứ phân biệt", như bọn mù mò voi, như thấy bóng cung trong nước nghi là rắn... Ở nơi chẳng đồng dị bừng khởi đồng dị. Cần phải trị hết bệnh nhặm, chẳng thấy hoa đốm trên không, dung pháp giới về tâm này, như gương soi gương; Chuyển núi sông vào tự kỷ, tợ không hợp không. Đến đây các duyên tịch lặng, tâm niệm im lìm, nhị kiến chẳng sanh, nhất pháp ấn định, mới có thể gọi là phù hợp ý Tổ, khế hội tâm Phật vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lời này tạm gác qua một bên. Nay trước mắt sáng, tối, thông, nghẽn, thành, trụ, hoại, không, cảnh tượng lăng xăng, gọi cái gì là tâm bất dị? Ngay đó chỉ bày không ra. Hoặc có người nói : "Mặc cho các pháp hiển bày trước mắt, ta chỉ dùng cái lý "Bất dị" để chiếu soi, tức là chẳng khác". Ôi, nếu nói như thế, lại càng thêm nhiều khác biệt nữa!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tâm chẳng khác biệt đồng vạn pháp,
Nắm tay chỉ thể dọa trẻ con.
Cứ theo hình vẽ đồ cho giống,
Lừa gạt người đời khi nào thôi.
49. NHẤT NHƯ THỂ HUYỀN, NGỘT NHĨ VONG DUYÊN
DỊCH
Một chữ "NHƯ" thể tánh huyền diệu, cùng tột bình đẳng, bặt nhân duyên đối đãi.
LỜI KHAI THỊ
Thiền, thiền, thiền, lìa lý giải, Thích Ca chưa được một nửa, Đạt Ma còn thiếu tám ngàn. Lâm Tế hét tới mỏi miệng, Đức Sơn đánh tới phồng tay, mỗi mỗi kiểm điểm từ đầu, vẫn cách trời đất xa xôi. Tiến tới như vạch sóng tìm nước, thối lui như đào đất tìm trời, chẳng tiến chẳng lui cầu tương ưng, cần phải tham thêm ba mươi năm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "NHẤT NHƯ THỂ HUYỀN, NGỘT NHĨ VONG DUYÊN", người nghĩa giải cho rằng : Thể tánh của chữ "NHƯ" huyền diệu lại thêm huyền diệu, chẳng vì nhân duyên mà có, chẳng do tự nhiên mà thành. Lìa tứ cú, tuyệt bách phi, Phật nhãn chẳng thể thấy, thánh tâm cũng khó lường. Quăng đại thiên thế giới ra ngoài mười phương, cuốn chặt pháp giới thành một mảy lông. Một không thì tất cả không, chẳng cần mổ xẻ; một có thì tất cả có, đâu cần đào tạo. Trần sa chẳng thể dụ số nhiều, hào ly chẳng thể dụ số ít. Nói "Bặt nhân duyên, tuyệt đối đãi", tức là thể tánh huyền diệu của một chữ NHƯ vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói thì nói gần đúng, ngươi nếu chứa lời nầy trong lòng, muốn tương ứng với thể tánh huyền diệu của chữ NHƯ, chẳng khác gì ôm lửa trong lòng mà cầu cho đừng cháy.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Nói NHƯ ngoài NHƯ đâu còn NHƯ?
Núi khe trùng điệp ẩn nhà xưa.
Mặt trời lên cao ngủ mới thức,
Nhàn thấy mục đồng cưỡi ngược lừa.
5O. VẠN PHÁP TỀ QUÁN, QUI PHỤC TỰ NHIÊN
DỊCH
Muôn pháp cùng quán một lượt, tất cả trở về tự nhiên.
LỜI KHAI THỊ
Phật pháp chẳng ở ngoài tâm, thiền đạo đâu lìa trung đạo nhị biên, ngươi nếu khởi tâm tìm cầu, lại xa thập vạn bát thiên. Có gì tam yếu tam huyền, toàn thân chẳng hình bóng, ngay đó lìa ngữ ngôn.
Đạo nhân đâu cần cầu tương ưng,
Xưa nay chưa từng chẳng hiện tiền.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "VẠN PHÁP TỀ QUÁN, QUI PHỤC TỰ NHIÊN", người nghĩa giải dẫn chứng giáo môn nói : "Tùy duyên nên chơn như là vạn pháp, bất biến nên vạn pháp là chơn như". Còn nói : "Ngoài tâm chẳng có pháp để làm duyên với tâm vốn là tự tâm sanh, lại làm tướng cho tâm". Lời này so với cái lý "VẠN PHÁP TỀ QUÁN" của Tổ Sư, cũng chẳng cách xa vậy. Hoặc nói : "TỀ QUÁN" cũng là cái bóng của "chẳng lựa chọn", nếu còn lựa chọn thì chẳng thể TỀ QUÁN rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Dẫn chứng thì chẳng phải không đúng. Như mặt trời mọc, mặt trăng lặn, ban đêm tối, ban ngày sáng, rõ ràng chẳng thể lẫn lộn. Vậy thì có đạo lý gì để nói TỀ QUÁN? Lìa khỏi lời này, xin cho một tin tức tốt hơn thử xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Vạn Pháp làm sao khiến cho bằng?
Đâu thể trở về lúc tự nhiên.
Xưa nay tri âm rất khó gặp,
Bá Nha, Tử kỳ đi đâu tìm.
51. DẪN KỲ SỞ DĨ, BẤT KHẢ PHƯƠNG TỶ
DỊCH
Bặt hết lý giải, chẳng thể thí dụ.
LỜI KHAI THỊ
"Cái trong điện, cái ngoài tường" của Triệu Châu "Đánh xe đánh bò" của Mã Tổ, "Giơ nắm tay, giơ ngón tay" của Câu Chi, "Ném ba trái banh gỗ" của Tuyết Phong. "Gởi ba tờ giấy trắng" của Huyền Sa. Nói tánh nói tâm nơi Linh Sơn, Nói da nói tủy nơi Thiếu Thất. Tào Động lập ngũ vị quân thần, Qui Ngưỡng lập cửa Thiền Cha Con, "Đầy mắt núi xanh" của Đức Thiều (Quốc Sư), "Nước hồ trước cửa" của Vĩnh Minh... thả đi thì sáng khắp bầu trời, chặn lại thì gió bay muôn dặm, trước lời không ngưng cơ xảo, tiếng nói đâu cho chõ mỏ. Hứ! Tất cả đều là mở mắt đái dầm, đốt nhang dẫn quỷ, tại sao vậy?
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "DẪN KỲ SỞ DĨ, BẤT KHẢ PHƯƠNG TỶ", người nghĩa giải cho rằng : Kinh Bát Nhã dùng 100 dụ để dụ Bát Nhã, có kinh khác cũng dùng 100 dụ để dụ giải thoát; còn có người dùng 100 dụ để dụ tâm Bồ Đề, ghi đủ trong kinh sách, đâu có cái lý "Chẳng thể thí dụ"? Phải biết, Bát Nhã, giải thoát, Bồ Đề thì có thể thí dụ, giả sử bỏ hết tất cả danh tướng, thì nhất tâm đều bặt. Ngay khi ấy, còn lập được thí dụ gì chăng? Hoặc theo người xưa nói : "Cò trắng với tuyết chẳng đồng sắc, ánh trăng hoa lau chẳng giống nhau", lời này há chẳng phải thí dụ ư?
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ông muốn ở nơi tuyết trắng hoa lau tìm đạo lý, chẳng khác gì nhận màu đỏ của vỏ quít cho là lửa!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Diễn tả sừng thỏ dài 3 thước,
So với lông rùa ngắn l phân.
Lại có hạng người tánh hàm hồ,
Tai mắt dường như chẳng thấy nghe.
52. CHE ĐỘNG VÔ ĐỘNG, ĐỘNG CHE VÔ CHE
DỊCH
Ngưng động chẳng phải tịnh, động ngưng cũng chẳng phải ngưng.
LỜI KHAI THỊ
Muôn toa xe đồng ray, muôn sự việc đồng lý. Muôn dụng cụ đồng kim loại, muôn làn sóng đồng chất nước. Vạn tượng sum la, thảy đều là ông. Ông nếu không tin, hãy vào bụng của Thích Ca, Đạt Ma đi hành cước trăm ngàn vòng, mới biết tất cả vẫn y như cũ.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "CHÆ ĐỘNG VÔ ĐỘNG, ĐỘNG CHÆ VÔ CHÆ", người nghĩa giải cho rằng : Lòng từ bi thống thiết của Tổ Sư, đem hai bên động tịnh vò thành một khối, nói trắng cho nghe, đại khái đồng ý chỉ của Pháp sư Tăng Triệu nói "Tức tịnh mà động, tức động mà tịnh", cũng là ý chỉ "VẠN PHÁP TỀ QUÁN". Chẳng những động tịnh như thế, mà tất cả cảnh duyên cũng đều như thế. Tức tịnh là động. Hoa rụng là do gió xuân đưa; tức động là tịnh, băng tan cũng do mặt trời soi.
Người trí quán pháp chẳng sai biệt,
Kẻ mê do đây khởi điên đảo.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Lời này tạm gác một bên! Nếu như chẳng động chẳng tịnh, ngay khi ấy, còn có lý lẽ gì để thảo luận hay không? Nói mau, nói mau!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Động tịnh mống khởi bệnh liền sanh,
Nắm tay kéo nhau vào lửa hồng.
Con voi xưa nay vẫn như cũ,
Bọn mù mò mẫm thảy đều sai.
53. "LƯỠNG KÝ BẤT THÀNH, NHẤT HÀ HỮU NHĨ"
DỊCH
Hai đã chẳng thành, một làm sao có.
LỜI KHAI THỊ
Biển Phật không bờ, sông Thiền không đáy. Nước một thước, sóng một trượng, mãi mãi không thôi. Mã Tổ bảo Bàng Uẩn "một hớp hết nước Tây Giang"; "Tào Nguyên một giọt nước" của Pháp Nhãn, "Câu hết làn sóng" của Thuyền Tử, tất cả thị phi trước kia, chỉ liên lụy cho Hứa Do phải rửa lỗ tai mà thôi. Nước lớn đầy trời, ngập khắp muôn dặm.
Lúc xưa chẳng biết bít nguồn suối,
Đến nay đất bằng nổi làn sóng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "LƯỠNG KÝ BẤT THÀNH, NHẤT HÀ HỮU NHĨ", người nghĩa giải cho rằng : THỊ chẳng phi không thị, PHI chẳng thị không phi, vừa thấy có thị, trước đã có phi, vừa thấy có phi, trước đã có thị. Cho nên THỊ chẳng tự lập, PHI chẳng độc tồn, PHI là cội của THỊ, THỊ là gốc của PHI. Cho đến chơn, vọng, ngộ, mê, v.v... Tất cả đều vậy. Thế thì, cái hai của thị phi đã trừ, cái nhất của trung đạo đâu còn! Tổ Sư đến đây thật là mổ bụng thấy tâm, từ bi quá lố rồi!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nếu hai đã chẳng thành, một cũng không có. Vậy còn có kẻ biết "chẳng thành" "không có" chăng? Nếu nói "KHÔNG", thì ai biết sự chẳng thành, không có? Nếu nói "Có", lại gọi là "KHÔNG CÓ" được chăng? Tổ sư đến chỗ này, chỉ có phần đớ lưỡi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chẳng thả xuân về, xuân tự về,
Vườn cây mỗi mỗi hiện xanh tươi.
Bông tím hoa hồng biết đâu kể,
Bươm bướm từng đôi bay khắp nơi.
54. CỨU CÁNH CÙNG CỰC, BẤT TỔN QUỶ TẮC
DỊCH
Cùng tột cứu cánh, chẳng còn qui tắc.
LỜI KHAI THỊ
Mười tấc là thước, mười thước là trượng. Bên Đông mặt trời mọc, bên Tây mặt trời lặn, hỏi khắp mọi người trong vô số quốc độ, có ai chẳng biết? Tại sao nói đến Tổ Sư Thiền, mỗi mỗi ngơ ngác như vách sắt? Còn có câu "Mạc hậu lao quan" rất khó hiểu, chẳng ai che dấu cùng đưa ra một lượt. Ấy là cái gì? Thật là oan uổng!
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "CỨU CÁNH CÙNG CỰC, BẤT TỔN QUỶ TẮC", người nghĩa giải cho rằng : Hư không, sắc tướng, lớn nhỏ, dài ngắn trong mười phương pháp giới, tất cả đều là tự kỷ. Tùy chân bước, chẳng rời điền địa của Tổ tông; tùy miệng nói, đều là chơn lý của Cổ Phật. Cho đến ôm vợ mắng Thích Ca, say rượu đánh Di Lặc, đều thành nhất hạnh tam muội, còn nói chi khai, giá, trì, phạm v.v...? Nên Vĩnh Gia cũng nói: "Đại ngộ chẳng kẹt nơi tiểu tiết".
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Thôi, thôi! Nói cũng nói được quá rõ ràng, nhưng Diêm La Vương chỉ muốn bắt bọn nói những lời này đến cho ăn gậy sắt. Việc này lợi hại ở chỗ nào? Mọi người về nhà tự kiểm điểm xem.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tùy tay đem ra tùy miệng bàn,
Phóng túng tung hoành kim chỉ nam,
"CHẲNG CÒN QUI TẮC" lại giữ niệm,
Tụ tánh bất nhị thành hai ba.
55. KHẾ TÂM BÌNH ĐẲNG, SỞ TÁC CÂU TỨC
DỊCH
Khế hợp bản tâm thì tất cả bình đẳng, năng tác sở tác đều tự dứt.
LỜI KHAI THỊ
Voi chúa quày đầu nhìn, sư tử chụp ngược lại, Chơn chẳng che ngụy, khúc (co) chẳng dấu trực (thẳng). Chỉ có tôn giả Kiều Trần Như suốt năm tỉnh tọa, tỉnh tỉnh tịch tịch, cũng chẳng màng đến tháng thiếu là 29, tháng đủ là 30, đêm khuya thi đậu tâm không, thấu qua gai gốc khắp trời.
Nhàn dạo ngoài đồng mở mắt xem,
Hàn mai hoa nở tự tịch mịch.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "KHẾ TÂM BÌNH ĐẲNG, SỞ TÁC CÂU TỨC", người nghĩa giải dẫn chứng trong kinh nói : "Pháp ấy bình đẳng, chẳng có cao thấp, ví như thủy ngân rơi xuống đất, giọt lớn viên tròn lớn, giọt nhỏ viên tròn nhỏ, cả đại địa không có pháp nào chẳng tương ưng với tự tâm". Lúc Như Lai thành đạo, quán lại hạnh nghiệp tu hành từ nhiều kiếp đều như mộng huyễn, chẳng có kẻ làm, cũng chẳng có kẻ không làm. Cho nên nói : "Tu tập phạn hạnh như hoa đốm trên không; tọa nơi đạo tràng như bóng trăng dưới nước, hàng phục quân ma trong gương, thành tựu Phật sự trong mộng". Bởi do tâm này chưa thấu rõ, ở nơi bình đẳng thấy bất bình đẳng, vì bất bình đẳng nên tất cả sở tác do đó sanh khởi vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Kinh Viên Giác nói : "Tánh vốn bình đẳng, người bất bình đẳng nói là bình đẳng, đã đáng ăn 30 gậy, còn dẫn chứng bao nhiêu tri giải, lại càng thêm bất bình đẳng.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đã đến quê nhà còn về đâu?
Nằm dài trong am nắng giọi cao.
Trăm ngàn huyền diệu đều quên mất,
Suốt ngày cửa mở chẳng ai vào.
56. HỔ NGHI TỊNH TẬN, CHÁNH TÍN ĐIỀU TRỰC
DỊCH
Hồ nghi dứt sạch, chánh tín vững chắc.
LỜI KHAI THỊ
Trâu cày cấy, chó giữ nhà, mèo bắt chuột, ngựa kéo xe, thấy lửa biết cháy, thấy nước biết ướt, tại sao đối với tự tâm, mỗi mỗi tối như dầu hắc? Nơi nghi lại thêm nghi, nơi chấp chồng thêm chấp. Chẳng cần nghi, cũng đừng chấp, ai biết muôn ngàn sai biệt này, tất cả thánh hiền từ đây nhập.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "HỔ NGHI TỊNH TẬN, CHÁNH TÍN ĐIỀU TRỰC", người nghĩa giải cho rằng : TIN có 2 thứ : Chánh tín và tà tín. Tin tự tâm là Phật, chẳng cầu bên ngoài là chánh tín; chẳng tin tự tâm là Phật, khởi tâm tìm cầu bên ngoài, dù có làm việc lớn, đều gọi là tà tín.
Phải biết, chánh tín cũng có nghi : vì chưa chứng đắc nên phát nghi. Niệm nghi từ cạn vào sâu, lâu ngày không lui sụt, bỗng nhiên niệm nghi bùng nổ, tất cả thấu rõ, gọi là đại ngộ. Nên biết ngộ là quả của tín, tín là nhân của ngộ. Pháp sư Tăng Triệu nói:
"Quả chẳng gồm nhân, vì nhân thành quả". Thế thì, lúc TIN tức là lúc ngộ, lúc ngộ chẳng khác lúc tin. Bài MINH gọi là TÍN TÂM, chính là ý này vậy.
Phải biết, người đại căn khí vừa nghe đề khởi, như gặp vật cũ, thấu rõ nơi tâm. Quần áo có thể quên mặc, tánh mạng có thể xả bỏ, mà muốn bảo người ấy bỏ chánh tín, dù chốc lát cũng chẳng thể được. Nên cổ nhân nói : "Giả sử bánh xe lửa, xoay chuyển đỉnh đầu tôi, cũng chẳng vì khổ này, làm mất tâm Bồ Đề. "Cái niệm chánh tín nếu thật vững chắc như thế, thì đâu có lẽ nào chẳng được thân chứng!
Ngoài ra, nếu do tà tín mà sanh nghi, nghi mãi không thôi thì phải sanh khởi kiến chấp điên đảo, đuổi theo cảnh duyên hư vọng, ắt đọa địa ngục vô gián.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Phải thì phải, nếu như TIN tức là ngộ, thì ngộ phải lộn vào Nguồn Linh (tự tánh), đã lộn vào Nguồn Linh, thì cái chữ TIN này, còn đặt để ở chỗ nào? Nếu nói có chỗ để đặt thì xin chỉ ra xem! Nếu không chỗ đặt, thì lời Tổ Sư cũng thành lời thừa rồi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Gốc tin chẳng chánh khởi hồ nghi,
Niệm nghi tan rã Chánh tín khởi.
Lời nói rõ ràng được tương tự,
Cách xa Tổ Đình như chân trời.
57. NHẤT THIẾT BẤT LƯU, VÔ KHẢ KÝ ỨC
DỊCH
Tất cả chẳng lưu giữ thì không thể ghi nhớ.
LỜI KHAI THỊ
Đại tâm rộng như hư không, đại trí sáng như mặt trời, đại nghi như đống lửa hồng, đại pháp như vách tường sắt. Bị Lâm Tế tận sức hét cũng chẳng thối lui, bị Đức Sơn thẳng tay đánh cũng chẳng chịu ngừng. Cây cột dây dưa dựng sâu chắc, leo quấn nhánh dây không thôi dứt. Ở trong đó có một kẻ ló đầu ra nói : "Đêm qua bị tôi nhổ tận gốc rồi". Vậy, cây cột dây dưa đã nắm trong tay, tính đặt để ở chỗ nào?
Trước lời ngoài câu chẳng biết chỗ,
Càng khiến đất bằng thêm lồi lõm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NHẤT THIẾT BẤT LƯU, VÔ KHẢ KÝ ỨC", người nghĩa giải cho rằng : Chỗ tâm hành diệt là "tất cả chẳng lưu", đường ngôn ngữ dứt là "không thể ghi nhớ"; Ngoài không có pháp để bỏ là tất cả chẳng lưu, trong không có tâm để giữ là không thể ghi nhớ. "Liễu liễu kiến, không một vật, chẳng phải người, chẳng phải Phật, hằng sa thế giới như bọt biển, tất cả thánh hiền như điện chớp" cũng là tất cả chẳng lưu; "Đốt hương tỉnh tọa ở Nam đài, suốt ngày tỉnh lặng muôn niệm quên, chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng, chỉ vì chẳng việc để suy lường" cũng là không thể ghi nhớ.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Vậy, dẫn chứng cũng được tương tự, dẫu cho ông đem hết ngôn giáo của Phật Tổ dẫn chứng đến cái thúng đựng nước không chảy, chỉ là càng ghi nhớ thêm nhiều mà thôi. Muốn tất cả chẳng giữ, há có thể được ư?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tất cả chẳng giữ, càng sanh kiến (giải),
Trọn không ghi nhớ, vẫn còn tri.
Nếu chẳng đích thân về quê nhà,
Bệnh đói, bánh vẽ làm sao trị!
58. HƯ MINH TỰ CHIẾU, BẤT LAO TÂM LỰC
DỊCH
Rổng sáng tự chiếu soi, chẳng lao nhọc tâm lực.
LỜI KHAI THỊ
Đạo cần mỗi ngày một bớt, học cần mỗi ngày một thêm. Bớt đến kiến chấp tiêu mất, thêm đến đầy bụng tức ngực, bỗng nhiên thêm bớt thảy đều quên, tay không về chùa ngồi hướng vách, trong thành Trì Dương Vương-lão-sư, lạnh lẽo khiến người tưởng nhớ mãi. Đừng tưởng nhớ, rổng sáng tự chiếu soi, chẳng phải do tâm lực.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói như thế, người nghĩa giải cho rằng : Trong sạch đã đầy tròn, chẳng dung nạp vật khác gọi là HƯ, hạt châu tự sáng tỏ, ánh trăng tự chiếu soi gọi là MINH. Đã hư mà minh, vật đến liền hiện, là công dụng của tự chiếu, chẳng cho lộn lời nói. Ở đây, nếu thêm một mảy may tâm lực, thì chẳng thể cho là hư minh tự chiếu rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Dẫn dụ rất là đúng lý, vậy ông thấy hư không phải là chẳng tướng mạo chăng? Xưa nay chưa từng nghe hư không tự nói : "Ta chẳng tướng mạo". Nếu hư không có thể nói được thì chẳng thể gọi là hư không, giả sử Tổ Sư đã biết có thí dụ này, thì cái lỗi lỡ lời cũng khó tránh khỏi vậy.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Con dấu vàng ròng tâm ấn tâm,
Cần phải chư Tổ truyền thọ nhau.
Lén lút lượm được cũng vô dụng,
Đâu thể bắt chước nói diệu huyền!
59. PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC
DỊCH
Chỗ lìa suy nghĩ, tình thức khó lường.
LỜI KHAI THỊ
Bột trắng trong tuyết dễ phân ra, thức tức duy tâm; Mực đen trong than khó biện biệt, duy tâm tức thức. Thức chẳng phải tâm, tâm chẳng phải thức. Dưới ánh mặt trời xem trắng đen, trước đài gương sáng hiện xấu đẹp. Lời nói thế này, giống như lời giảng Duy Thức Luận của Pháp sư, trước mặt nạp tăng, làm sao hiển lộ tin tức thiệt?
Chẳng phải tâm, chẳng phải thức, ban đêm chó sủa thôn hoa, mùa xuân oanh hót bờ liễu. Cá kình hút cạn sóng đáy biển, con rồng chạy vào vô-sanh-quốc, khiến Đại Phạm Vương giựt mình thức dậy, thẳng lên đỉnh trời Sắc Cứu Cánh, tát cho hư không một bạt tai, rải xuống long châu trăm ngàn hột, tia sáng lấp lánh rọi áo đẹp.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC", người nghĩa giải cho rằng : Thức là thức của nhà tâm, tâm là tâm của nhà thức, hai thứ này như nước với sữa rất khó phân biệt. Phải biết, thức là nước, tâm là sữa trong nước, nên giáo môn nói : "Vua ngỗng chọn sữa, đâu đồng loài vịt!". Trong nước đều có sữa, chỉ có vua ngỗng mới biết phân biệt, ngoài ra các thứ thủy tộc đều chẳng biết. Việc này dụ cho trong tất cả thức đều có chơn tâm, chỉ có Phật Tổ mới rõ.
Cái giác chiếu soi của linh tri gọi là tâm, những suy tư, ghi, nhớ, thủ, xả, phân biệt v.v... gọi là thức. Thức có 8 thứ : Lục căn mỗi căn một thức, thứ 7 gọi Mạt Na, thứ 8 gọi A Lại Da cũng gọi là Như Lai Tạng, bảy thức trước là nhánh lá, thức thứ 8 là căn bản. Trong Kinh nói : "Lúc đầu thai thì đến trước, lúc chết thì đi sau, ngộ là Như Lai Tạng, mê là A Lại Da". Thức này nơi mê thì gìn giữ tất cả nghiệp thiện ác vô ký, xả thân thọ thân từ vô lượng kiếp; nơi ngộ thì giữ gìn tất cả hạt giống Bồ Đề, giải thoát, trí huệ từ lúc vô thỉ. Thức này từ mê vào ngộ, chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, đổi tên mà chẳng đổi thể. Hiện nay ở trong tứ đại, ngũ uẩn, các pháp thánh phàm, ghi nhớ rõ ràng, tác dụng phân biệt, cho đến kiến văn giác tri, tam giới rộn ràng, vạn pháp thăng trầm, mỗi niệm khởi diệt, đều nương nơi thức này mà sanh. Cho nên nói "Vạn pháp duy thức". Khuê Phong nói : "Pháp sanh vốn không, tất cả duy thức".
Học giả ngày nay, chẳng thể đem mạng căn một dao cắt đứt, đi khắp tòng lâm, chỉ biết đem cái thông minh của mình dùng để dẫn khởi tình thức, ôm những huyền giải ghi nhớ trong lòng, gặp duyên mống khởi, chẳng biết huyền giải này là thuộc về "tình thức y-thông", lại chấp cho là khai ngộ. Hoặc lầm nhận cái cảm giác linh động rõ ràng trước mắt này, biện luận thao thao cho là tự kỷ. Giống như Kinh Lăng Nghiêm nói : "Bỏ trăm ngàn biển lớn, chỉ nhận một bọt cho là nước cả biển". Kinh Viên Giác nói : "Đều là tập khí vọng tưởng phan duyên lục trần, chẳng phải tâm thể chơn thật". Hòa Thượng Trường Sa nói : "Những người học đạo chẳng biết chơn, chỉ vì xưa nay nhận thức-thần", Vĩnh Gia nói :
"Tổn pháp tài, diệt công đức, tất cả đều do tâm ý thức" v.v... Chư Phật chư Tổ đã có chỉ bày rõ ràng, mà trong mạt pháp, bệnh này ngày càng nhiều thêm! Nhưng kẻ mắc bệnh này là do lập chí học đạo chẳng chơn chánh mà ra, nếu là quyết chí muốn rời khỏi biển sanh tử thì không chịu dấu mình trong tình thức. Chỉ do ban sơ một niệm muốn hiểu Thiền, hiểu Đạo, hiểu Phật, hiểu Pháp mới thành bệnh này.
Thức này như núi Thiết vi rộng lớn, bao vây họ từ vô thỉ, cũng như thiên binh vạn mã ngày đêm ở trước cửa lục căn, rình sơ hở của họ. Nếu không đủ chí quyết định liễu sanh tử, thì đi đâu cũng phải vào đó.
Tổ Sư làm bài TÍN TÂM MINH này, là mở rộng cửa Thiền cho kẻ hậu
học thoát bỏ tình thức, chỉ tin tự tâm, cất bước liền vào. Nếu
tình thức của học giả còn một mảy may chưa sạch, đọc bài MINH này
trở thành thuốc độc. Sự lợi hại như thế, nên 2 câu đầu nói "CHÍ
ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH". Chỉ 2 câu này, đem tâm với
thức phân giải rõ ràng. Tại sao? Nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN" tức là chỉ
chơn tâm; "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH" tức là phá tình thức, kẻ tình
thức chưa quên, thấy người nói lời này, bèn nói : "Tôi chỉ chẳng
lựa chọn". Đâu biết chỉ cái "chẳng lựa chọn" này đã là hiểu theo
tình thức rồi, huống là kẻ mỗi mỗi chấp có, gặp cảnh sanh tình ư
!
Nên ý bài MINH này từ đầu đến cuối, nói đi nói lại, chẳng rời bản tâm, chẳng qua vì giúp người học biện rõ tâm với thức mà thôi. Cho nên nói "PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC".
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Theo lời nói "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH", nay lại ở trong pháp một tâm, chỉ ra tình và thức, ấy là lựa chọn hay chẳng lựa chọn? Nhưng tình và thức, với một tâm quả là khác hay là đồng ư? Người chơn thật học đạo, ở đây nếu chẳng thể xác định, mà muốn thấy ý chỉ TÍN TÂM MINH của Tổ Sư, chẳng phải còn xa xôi ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chỗ lìa suy nghĩ rất khó lường,
Môn đồ học Phật đều nên rõ.
Ngay đó chẳng biết thiếu vật gì?
Thông minh lanh lợi lại bị lừa.
60. CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI, VÔ THA VÔ TỰ
DỊCH
Chơn như Pháp Giới, chẳng người chẳng mình.
LỜI KHAI THỊ
Sư Khoáng không lỗ tai, chí thần (tự tánh) không bản thể, Nguồn Linh không có đáy. Đạt Ma truyền tủy đâu thể được! Xưa kia ở chung chẳng biết tên, hôm nay gặp nhau chẳng phải ngươi. Bóng trăng đẹp mà xuống nước chẳng chìm, gió lạnh lẽo mà sáu cửa tự mở. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, dây dưa mục leo quấn trước kiếp-không; "Gió chẳng động, phướn chẳng động", Huệ Năng đắc chí nơi phòng giả gạo.
Linh Chiếu rõ ràng ta chẳng biết,
Mây trăng khe núi tự quen nhau.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI, VÔ THA VÔ TỰ", người nghĩa giải cho rằng : CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI là tổng danh của một tâm. Ngoài tâm chẳng pháp thì đâu có cái tên gọi TỰ THA? Không những tự tha chẳng lập, cho đến núi sông, đất đai, hữu tình vô tình, đều chẳng thể đắc lại thành có. Dù nói chẳng thể đắc mà có, cũng chẳng ngại an lập vật tượng tự tha. Tại sao? Chơn như pháp giới dụ như vàng, vật tượng tự tha dụ như bông tai, cà rá, dây chuyền...Phải biết vàng là thật thể, các đồ trang sức là quyền danh (tên gọi tạm). THẬT chiều theo QUYỀN thì vật tượng tự tha chẳng ngại an lập, dung quyền về thật thì chỉ thấy chí thể của Nhất Chơn Pháp Giới. Vậy, giả danh của các thứ trang sức chẳng cần trừ mà tự mất rồi. Kẻ mê muội chẳng thông đạt ý chỉ viên dung của Tổ Sư, cho là đoạn diệt, đọa nơi rỗng không, lập cái thuyết "VÔ THA VÔ TỰ", ở đây cần phải biện bạch cho rõ.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Biện thì cứ biện, nhưng trong Chơn Như Pháp Giới còn dung nạp được lời biện bạch này chăng?
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Trong chẳng tự kỷ, ngoài chẳng tha (người khác),
Cả gan nuốt trọn trái bí kia.
Thẳng tay tặng người, người chẳng nhận,
Rải cát quăng bùn vẫn y xưa.
61. YẾU CẤP TƯƠNG ƯNG, DUY NGÔN BẤT NHỊ
DỊCH
Gấp muốn tương ưng, chỉ nói bất nhị.
LỜI KHAI THỊ
Biển dụ cho tánh, đất dụ cho tâm, chứa đầy mà chẳng tràn, hứng nặng mà chẳng sụp, dung nạp hư không chẳng ngằn mé, xuyên thấu cổ kim chẳng biên cương. Trước nói "bất lạc", sau nói "bất muội", hồ ly tinh đâu phải hai con. Hôm qua nói "định", hôm nay nói "chẳng định", cục cứt khô nuốt trọn vào bụng. Biện tài của Duy Ma Cật khiến hàng Bồ Tát bịt miệng; lưỡi bén như kiếm của Văn Thù đã làm thầy cho bảy Phật. Tông ta vốn chẳng dây dưa này, chí lý đâu có ghi bia đá.
Tiếng sóng ngàn sông chìm biển rộng,
Muôn núi hùng vĩ kém đỉnh cao.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "YẾU CẤP TƯƠNG ƯNG, DUY NGÔN BẤT NHỊ", người nghĩa giải cho rằng : Tổ Sư phí sức phân biệt, trước nói "Chỉ chê lựa chọn", kế nói "một cũng đừng giữ", "muôn Pháp cùng quán", "muôn Pháp nhất như" v.v... đều là lý của 2 chữ "Chỉ nói". Nhưng chư Phật chúng sanh, bản thể bất nhị, nói "Thành Phật" đã là lời thừa, vậy nói : "MUỐN GẤP TƯƠNG ƯNG" dường như thành 2 đoạn rồi. Nếu quả thật có cái lý tương ưng và chẳng tương ưng, thì rõ ràng là nhị, đối với việc này chưa thể không nghi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Chỉ e cái nghi này chẳng chơn thật, chẳng vững chắc. Nếu Chơn thật vững chắc, thì cái nghi này sẽ có ngày tự bùng nổ. Nghi này nếu vỡ, thì NHỊ với BẤT NHỊ của tương ưng hay chẳng tương ưng đã thấu rõ trước cơ xảo, lãnh hội ngoài ngôn ngữ, mới biết ơn lớn của Tổ Sư khó đền đáp.
Xưa Ngài Duy Ma Cật bảo chúng Bồ Tát nói Pháp môn Bất Nhị, mỗi mỗi nói xong, lại bị chúng Bồ Tát hỏi ngược lại thì im lặng chẳng đáp. Lúc ấy Văn Thù liền tán thán rằng "Chơn nhập Pháp môn Bất Nhị". Vậy lời tán thán của Văn Thù sanh khởi từ chỗ nào? Nếu cho im lặng là pháp môn Bất Nhị, thì người bệnh câm và người gỗ máy cũng đều được nhập pháp môn Bất Nhị rồi! Nếu im lặng có thể gọi là pháp môn Bất Nhị, thì ngữ ngôn cũng có thể gọi là pháp môn Bất Nhị cho đến ca hát cười giỡn đều gọi là Bất Nhị ư? Tại sao chỉ khen một mình Duy Ma Cật vậy? Ở đây cần phải thấu rõ ý chỉ mũi kim đụng nhau đúng khớp của 2 vị đại sĩ Văn Thù và Duy Ma Cật, thì lời nói TƯƠNG ƯNG hay CHẲNG TƯƠNG ƯNG trong một tiếng cười đã tẩy sạch rồi.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Cửa Thiền Tổ Sư tuyệt chi ly,
Đá lửa điện chớp vẫn chậm trì.
Muốn gấp tương ưng nói BẤT NHỊ,
Bà lão nhai cơm, mớm tiểu nhi.
62. BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG
DỊCH
Bất Nhị chẳng phải đồng, Nhị mới có bao gồm.
LỜI KHAI THỊ
Tổ tổ tâm không, Phật Phật đạo đồng. Tâm không thì các ngôi sao cùng hướng về Bắc Đẩu, đạo đồng thì muôn dòng nước đều chảy vào Biển Đông. Hưng Hóa hôm qua dự trai tăng trong làng, đạo ta nhất quán; Đức Sơn đêm nay không trả lời, Công án hai lớp. Bắt Hổ dữ, phân rắn rồng, chẳng phí chút sức của Hải Thần; Nổ sấm sét, phủ mây mù, tiêu hao Long Vương bao nhiêu gió. Mũi kim gọt sắt đè chìm đại địa, vắt nước chỉ mành ngập khắp hư không. chẳng cán nắm, tuyệt cũi lồng, sông Thiền vốn chẳng có đò đưa, vách sắt đâu có cửa nẻo thông.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ sư nói : "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG", hạng người hiểu theo văn tự cho rằng : Kinh Pháp Hoa nói : "Chỉ một sự thật này, ngoài ra đều chẳng chơn". Còn nói : "Tất cả chư Phật chỉ một Phật thừa, chẳng hai chẳng ba". Nói MỘT là diệu tâm sáng tròn, thể lìa tu chứng, dọc gồm tam thế, ngang thấu mười phương, sắc, không, sáng, tối lấy đó làm nguồn, thánh phàm mê ngộ lấy đó làm gốc. Cho đến cùng khắp pháp giới, nếu thấy có mảy may chẳng do đó sanh khởi, đều là sở chấp của ngoại đạo, cho nên nói "Sum la và vạn tượng do một pháp ấn định". Lời "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG" chẳng thể ở ngoài nghĩa này.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Nói như thế, tất cả ngôn giáo đã ghi đầy đủ, đâu cần Tổ Sư từ Tây Trúc sang! Phải biết, ngôn giáo như bức tranh hoa của Triệu Xương, cao thấp xa gần, búp nở đậm nhạt, xem rất đẹp mắt, nhưng chẳng phải hoa thật vậy. Nếu chưa thể nơi gót chân một dao cắt đứt cuộn chỉ rối, thì đối với tông chỉ "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG", đâu thể chỉ miệng nói tai nghe mà đắc được ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Vàng ròng đúc thành trứng gà trống,
Đập nát y xưa vẫn còn nguyên.
Chẳng biết có gì bao trong đó,
Suốt đêm tia sáng rọi càn khôn.
63. THẬP PHƯƠNG TRÍ GIẢ, GIAI NHẬP THỬ TÔNG
DỊCH
Người trí mười phương, đều vào tông này.
LỜI KHAI THỊ
Chí thần vô công dụng, chí thể chẳng hỗn dung, như chuông nơi chánh điện, lỗ tai chẳng nghe động tịnh. Như mùa xuân đến vườn, nhánh hoa tự trắng tự hồng. Ngũ vị quân thần của Động Sơn, đàn tấu trước khi chưa phổ nốt nhạc; bốn thứ chiếu dụng của Lâm Tế, là gia phong đánh roi sắt, vạn linh khó lường. Châu ngọc xoay chuyển trước đường cơ xảo, gió bay sấm sét, mở mắt trên đỉnh đầu. Suy nghĩ chẳng đến, nhanh cũng khó gặp.
Sắp xếp cổ Phật lìa hang ổ.
Đánh cho rắn chết hóa thành rồng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ sư nói : "THẬP PHƯƠNG TRÍ GIẢ, GIAI NHẬP THỬ TÔNG", người nghĩa giải dẫn chứng Kinh Hoa Nghiêm nói : "Cảnh giới của Như Lai, vô lượng bằng hư không, tất cả chúng sanh vào, kỳ thật chẳng chỗ vào". Kinh Viên Giác nói : "Những người năng nhập. Nếu có năng nhập thì chẳng phải giác nhập". Phải biết, tông này tất cả chúng sanh vốn đã thâm nhập, đâu có lý nào lại nhập nữa! Chúng sanh đã như vậy, thì người trí không nên lại có sở nhập. Vĩnh Minh nói : "Tâm chơn như vốn chẳng thể lìa", nhưng kẻ mê dụ là xuất, kẻ ngộ dụ là nhập, làm cho mê ngộ tương đối, thật đâu có sự xuất nhập ư!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Hãy gác lời này lại! Ông có từng ngộ chưa? Đợi ông chân thật có chỗ ngộ, mới thấy lời của Tổ Sư không dối.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đồng nói tông này khó được diệu,
Người trí mười phương cứ bàn nhau.
Nếu chưa buông tay rơi vực thẳm,
Chỗ nhập đâu khác địa ngục môn.
64. TÔNG PHI XÚC DIÊN, NHẤT NIỆM VẠN NIÊN
DỊCH
Tông chỉ chẳng có ngắn dài, muôn năm một niệm, niệm muôn năm.
LỜI KHAI THỊ
Càn là trời, Khôn là đất, thiền chẳng khác giáo; dương là kỳ, âm là ngẫu, giáo đâu lìa thiền. Chỉ vì so đo với nhau, khiến con rắn uốn quanh cùng mình, người chuyên Nhất tâm tam quán, người hay trực chỉ đơn truyền. Nín như núi vách, nói như trời xa, bị kẻ không mặt mũi gặp thấy bất bình, chặn ngang hét một tiếng, khiến cho Đạt Ma cùng Thiên Thai Hiền Thủ câm miệng nín thở, thỏng tay vào thành.
Mỗi người tự quét tuyết trước cửa,
Chớ đem vô minh thấm thức điền.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "TÔNG PHI XÚC DIÊN, NHẤT NIỆM VẠN NIÊN", người nghĩa giải cho rằng : Tổ Sư lấy nhất tâm làm tông, trong pháp giới nhất tâm, cho kiếp là ngày mà chẳng rút ngắn, cho ngày là kiếp mà chẳng dài thêm. Nên xem l niệm là muôn năm, chuyển muôn năm thành l niệm, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng ít chẳng nhiều, đâu phải do thần thông mà ra. Chỉ vì pháp vốn như thế.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Xưa kia có người trí nhà Nho, cho bài "Thọ yểu bằng nhau" là vọng tác, cho "tử sanh như một" là hư dối. Nếu họ biết có cái thuyết "Một niệm muôn năm", lại càng thêm kinh ngạc. Ấy cũng chẳng lạ gì, bởi chơn tục chẳng cùng lối mà thôi. Người xưa nói : "Nói Chơn thì nghịch với tục, thuận tục thì trái với Chơn", há chẳng đúng ư! Làm sao khiến họ xé rách lưới tục, cắt đứt căn trần, trở lại xem cái cơ xảo viên thường tự tại, ngắn dài giúp nhau của Tổ Sư, thì cái lỗi lỡ lời mới mong có thể tránh khỏi. Dù vậy, muốn chẳng kẹt nơi ngắn dài, thử nói l câu xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Sát na muôn kiếp chẳng ngắn dài,
Đo lường hư không nói tròn vuông.
Cứ ngay khi ấy chấp là thật,
Đứng xa ngoài cửa giành đúng sai.
65. VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN
DỊCH
Chẳng phải có chỗ, chẳng phải không chỗ, mười phương hư không, chính là trước mắt.
LỜI KHAI THỊ
Cảnh Thanh sáu cửa, Lâm Tế tam huyền. Thiên Long giơ ngón tay, Am Chủ dựng nắm tay. Chỗ có Phật chẳng được trụ. Xoá hết Tây Thiên và Đông Độ; chỗ không Phật mau chạy qua, đánh bên Nam, động bên Bắc, chứng chỉ lãnh xong, sáu cửa vắng lặng.
Mở cửa thả ra hạt Dương Châu,
Chẳng cần đem theo mười vạn tiền.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói: "VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN". Hoặc có người dùng ý thức suy lường rằng : Tâm chẳng hình tướng, đạo tuyệt bờ bến. Ngay nơi hình tướng mà chẳng ngại mỗi mỗi phân thân; dựa nơi bờ bến mà đâu ngại trần trần hiển lộ! Trần trần hiển lộ, chẳng lìa chỗ ở thường trạm nhiên; Mỗi mỗi phân thân, tìm mãi biết ông chẳng thể thấy. Ở đây, cái ý chỉ "VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN" đã rõ ràng rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Người nói lời này, đối với việc bị mắng là "dòm bóng để trộm ánh sáng", thiếu một phần cho y cũng không được. Nếu chẳng thể đích thân hạ thủ phá vở hàng rào thiết vi, mà muốn thấy ý chỉ VÔ TẠI BẤT TẠI của Tổ Sư, khác gì đi Trịnh Châu ra cửa Tào Châu!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
"Ngay chỗ chẳng lìa" là vật gì?
Lấp bít bốn phương khắp thái hư.
Ném ngay trước mặt chẳng che giấu,
Khiến kẻ nhìn thấy bị mắt mù.
66. CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, VONG TUYỆT CẢNH GIỚI
DỊCH
Cực nhỏ đồng lớn, quên hẳn cảnh giới.
LỜI KHAI THỊ
Đầu Tử nói "Hoại", Đại Tùy nói : "chẳng hoại". Đoạ hai quan ải này, đụng đâuđều chướng ngại. Không chướng ngại, chỉ cần đem hai câu ghép thành một chỗ xem, bèn thấy hạt bụi chẳng nhỏ, hư không chẳng lớn.
Công án saün sàng tuyệt che giấu.
Đáy thùng vì sao chẳng chóng lũng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, VONG TUYỆT CẢNH GIỚI", người nghĩa giải cho rằng : Trước nói "VÔ TẠI BẤT TẠI" tức là đề mục của "CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU", nên Kinh Lăng Nghiêm nói : "Trên đầu sợi lông hiện cõi Phật, ngồi trong hạt bụi chuyển pháp luân". Nếu chẳng thấu đạt ý chỉ "VÔ TẠI BẤT TẠI", thì đụng đâu cũng bị kẹt nơi cảnh giới. Đã bị kẹt nơi cảnh giới thì đâu có lý nào quên hẳn được! Đã chẳng thể quên hẳn cảnh giới thì lớn có tướng lớn, nhỏ có tướng nhỏ, đâu thể dung nhiếp thành một!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Chỉ như người quên hẳn cảnh giới, còn thấy lớn nhỏ hay không? Nếu nói thấy thì chưa thể quên hẳn; nếu nói không thấy thì đâu khác chi người gỗ đất? Thử nói xem!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Tu Di chứa bụi người đều nhận.
Bụi chứa Tu di Phật cũng nghi.
Dẫu cho kiến giải siêu tình lượng,
Khắc thuyền mò kiếm đã chậm trì.
67. CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU, BẤT KIẾN BIÊN BIỂU
DỊCH
Cực lớn đồng nhỏ, chẳng thấy bờ mé.
LỜI KHAI THỊ
Đắc được chẳng phải đắc, thấu rõ đâu có rõ. Tâm địa hoa nở nơi tuyết xuân, Tánh-Thiên nắng rọi băng-hồ (dụ cho Vũ Trụ) sáng, Kim Phụng bay liệng trên nhánh chưa mọc, voi ngọc nhiễu quanh bên cây không bóng. Bá Trượng giúp ông lão giải thoát thân chồn, nghèo nuôi một thân đã là nhiều; Văn Thù chẳng thể xuất định cho cô gái, giàu chê ngàn người ăn vẫn còn ít. Chỉ biết cách núi thấy khói, ai hỏi ra cửa là cỏ. Tất cả saün sàng, không cần tìm kiếm, dẫu trong giày ống chơi kềm búa, cũng là trước cửa đi quanh quẩn.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU, BẤT KIẾN BIÊN BIỂU". Hạng người nghĩa giải cho rằng : Xưa kia Duy Ma Cật dùng thần lực giải thoát bất tư nghì, đem 32 ngàn tòa sư tử để trong phòng trượng thất, mà phòng nhỏ chẳng thấy chật, tòa lớn chẳng rút nhỏ. Rồi dùng tay phải hái lấy thế giới Diệu Hỷ để vào phòng, nói với đại chúng rằng : "Thế giới kia chẳng lay động, thế giới này chẳng biến đổi". Đem lớn vào nhỏ, đem nhỏ vào lớn, dung nạp lẫn nhau, phi bỉ phi thử.
Theo kinh nói, thần lực giải thoát bất tư nghì này suốt kiếp chẳng hết, nhưng thần lực này đều từ diệu tâm sáng tỏ chảy ra. Hoặc có người nói : "Nay tôi cũng từng ngộ diệu tâm sáng tỏ này, tại sao chẳng có thần lực? Hoặc đáp rằng : "Phải biết, thần lực này vốn tự đầy đủ, chẳng cần tu chứng, sở dĩ chưa thể hiện tiền vì kẻ sơ tâm nhập đạo, nơi sức định huệ giải thoát chưa đầy đủ. Dù chưa đầy đủ, nhưng bổn giác trong tâm cũng chưa từng mất, khi cơ duyên đến, sẽ tự hiện mà thôi". Dù nói cơ duyên đến, song cũng không được giữ một niệm tâm đợi chờ. Nếu còn có tâm đợi chờ, liền rơi vào dị kiến. Ví như trẻ sơ sinh, chưa rời tấm tã mà muốn gánh nặng đi xa, có thể được ư? Dù chẳng thể gánh nặng đi xa, nhưng đối với việc gánh nặng đi xa chưa thể hiện tiền, đâu có nghi ngờ kinh sợ gì! Kẻ chơn tham thật ngộ nghe nói thần lực này, tự nhiên chẳng nghi ngờ kinh sợ. Nếu còn một mảy may nghi ngờ kinh sợ tồn chứa trong tâm, thì tâm này chưa từng khai ngộ.
Gần đây, bậc tăng sĩ hành cước, chẳng cầu chánh ngộ, chỉ quý biện tài, lại bậc ở địa vị làm thầy, phần nhiều thuận theo trào lưu, đối với hành giả tham thiền, không dùng cơ xảo nghiêm khắc đánh đập, ai nấy cùng nhau đuổi theo vọng tình, khiến cho Bát Nhã ở tòng lâm bị quét sạch chẳng còn gì! Thật đáng tiếc thay!
Người có chí nên khắc khổ tu hành, lấy đại ngộ làm kỳ hạn, mới báo đáp được ơn sâu của Phật. Đức Phật đã từng nói hết những tệ đoan ngày nay rằng : "Chúng sanh đời mạt pháp, hy vọng thành đạo, chớ cho cầu ngộ. Vì người học rộng nghe nhiều, chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến". Lời Phật dù đã cách đây hơn 2000 năm, vẫn như hiện trên bàn tay, đủ thấy lời của bậc Thánh chẳng dối chúng ta vậy!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Im đi, Im đi! Ông tưởng ngộ rồi là xong ư? Dẫu cho ông chứng đắc thần lực giải thoát bất tư nghì, trong l sát na đem mạng căn của ông già Duy Ma Cật bóp nát. Nếu chưa thể quên được sở chứng của mình, còn ngồi ở chỗ thần dị cho là thù thắng, thì phải đến đây ăn gậy của lão tăng!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Lớn, nhỏ, mê, ngộ bặt dấu tích,
Trăm ngàn thần lực thảy đều quên.
Hành giả gặp ta giữa đường hẹp,
Cây gậy đánh gãy chưa thể tha.
68. HỮU TỨC THỊ VÔ, VÔ TỨC THỊ HỮU
DỊCH
Có tức là không, không tức là có.
LỜI KHAI THỊ
Nửa đêm giờ Tý, gà gáy giờ Sửu, Thạch Nữ (làm bằng đá) may áo chẳng dấu nối, người gỗ ham uống rượu Bồ Đề. Lúc xế chiều giờ Thân, mặt trời lặn giờ Dậu, voi chúa đi sâu vào núi tuyết, sư tử rống nơi đống lửa hồng. Ngày đêm 12 thời chẳng cần đếm hết, 30 năm sau có người phân rõ. Vô vô vô chẳng vô, hữu hữu hữu đâu hữu gọi là trúc bề thì phạm, chẳng gọi là trúc bề thì trái. Phun hoa hương đầy áo, ông đã có cây gậy, ta cho ông cây gậy, nắm bóng trăng trên bàn tay, tông ta chẳng lập giai cấp, đâu cần cưỡng phân xấu đẹp! Một trần khởi tam muội, nhiều trần nhập chánh thọ, gà vàng đá nhau dưới cây san hô, chó ngọc ngủ trong nụ hoa Chiêm-bặc.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ sư nói : "HỮU TỨC THỊ VÔ, VÔ TỨC THỊ HỮU", người nghĩa giải cho rằng : Hữu chẳng tự hữu, Hữu là hữu của nhà Vô : Vô chẳng tự Vô, Vô là vô của nhà Hữu. Hữu chẳng đơn chiếc, vô chẳng độc lập. Người nói HỮU vì trước đã thấy VÔ, sau đó mới nói HỮU. Nếu trong lòng trước chẳng thấy VÔ thì đâu thể ở ngoài đối đãi khi không nói HỮU! Nên biết, vô chẳng vô, vô tức là hữu; hữu chẳng hữu, hữu tức là vô. Lý HỮU VÔ vốn cùng một nguồn, nơi một nguồn, nói HỮU thì dư cái hữu, nói VÔ thì thừa cái vô. Hữu Vô dung nhau đường nói cũng bặt, ấy là ý chỉ "trở về nguồn" vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Dù vậy, nếu chẳng phấn khởi đại chí, bặt sự tương đối của hữu vô nơi chánh ngộ, cứ khởi tâm phân biệt thì đâu có ngày được ý quên lời ư!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Trong VÔ nói HỮU, hữu vẫn vô,
Vật này khó vẽ vào họa đồ.
Tức cười Triệu Châu quên trói buộc,
Nói càn : bên nhà treo hồ lô.
69. NHƯỢC BẤT NHƯ THỬ, TẤT BẤT TU THỦ
DỊCH
Nếu chẳng như thế, ắt chẳng cần giữ.
LỜI KHAI THỊ
Lâm Hòa Tịnh thích trồng mai, Đào Uyên Minh chỉ trồng liễu. Cùng là một hạng cao nhã đạm bạc, nhưng cả hai đều lọt vào hang ổ. Đâu bằng kẻ không ý-chí, cắm một cọng cỏ trên miếng đất chẳng âm dương, khiến hoa nở trước khi có ánh nắng mặt trời, trái chín mùi sau khi sương tuyết. Các ngươi suốt ngày đêm lẩn quẩn đoán mò trong đó, có thấy chăng? Thấy thì rất kî dùng mắt nhặm, chưa thấy thì chẳng nên chạy lăng xăng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ sư nói :"NHƯỢC BẤT NHƯ THỬ, TẤT BẤT TU THỦ", người nghĩa giải cho rằng : Đây là lời dặn dò của Tổ Sư, nói phải có một niệm Chơn thật tương ưng với diệu tâm sáng tỏ và khế hợp với bản giác nguồn linh. Nếu chẳng như thế, dù cho biện tài thao thao, đều là sở chấp của ngoại đạo. Hoặc nói : "Nếu chẳng như thế" là quyết định muốn người khế ngộ chơn tâm. "Ắt chẳng cần giữ" là có ý muốn chỉ kẻ chẳng cầu chánh ngộ mà kẹt nơi ngôn thuyết cho là đắc chí. Nói ý này cũng thông.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Vậy, như hai thuyết này nếu chẳng thể quên thân xả mạng, thề quyết đại ngộ, khi báo thân bỗng mất thì việc ta đâu còn! Chẳng biết người học ở trong bóng mộng huyễn, dựa vào đâu mà chẳng tự cảnh sách!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Hết chấp HỮU, VÔ, quên sắc, không,
Kẻ trộm tự thú hiến tang vật.
Rẻ bằng vàng ròng, quý như sình,
Xót thương không chỗ để vùi chôn.
70. NHẤT TỨC NHẤT THIẾT, NHẤT THIẾT TỨC NHẤT
DỊCH
Một là tất cả, tất cả là một.
LỜI KHAI THỊ
HAI NĂM là mười, HAI NĂM cũng là bảy, pháp vốn chẳng định, lãnh hội do người. Gọi chúng sanh là chư Phật, bản thể đâu sai; gọi chư Phật là chúng sanh, lý cũng chẳng mất. Bỗng có người ra nói :
"Chúng sanh tự chúng sanh, chư Phật tự chư Phật, đâu thể thánh phàm lẫn lộn"! Khiến cho ông già Thích Ca khi không bị oan, chỉ cần nói với ông ta : "Vô thỉ vọng lưu chuyển, đều do sự chấp này".
Định tánh phàm phu bị Phật quở,
Thiên thủ Quan Âm xô chẳng ra.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "NHẤT TỨC NHẤT THIẾT, NHẤT THIẾT TỨC NHẤT", hoặc có người dẫn chứng Kinh nói : "Một là một của tất cả, tất cả là tất cả của một, nơi một chẳng ít, nơi tất cả chẳng nhiều, đây là tâm và pháp cùng khắp, một với nhiều dung nhau, chẳng do thần thông làm ra, ấy là pháp vốn như thế". Thuyết này ghi đủ trong kinh sách, chẳng cần dẫn chứng, nói nhiều thêm phiền, nơi đạo vô ích.
Phải biết, Tổ sư trước tác MINH này, đến chỗ "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG", e kẻ hậu học chẳng thông đạt lý viên dung, trước dùng "dài ngắn tương tức (hổ tương), "kế dùng" lớn nhỏ tương tức", kế nữa dùng "hữu vô tương tức", nay lại dùng "một nhiều tương tức, đem vô biên thế giới dung thành pháp môn bất nhị, khai thác vũ trụ của vạn vật, mở rộng quê hương của chúng sanh, giúp cho hậu học chẳng cất bước mà đến, chẳng cách mảy trần mà nhập, chẳng ra sức mà thành, chẳng nổi niệm mà chứng nguyện đại từ đã thỏa mãn, công giáo hóa cũng cùng khắp rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Dù vậy, kẻ mang bức tranh ngựa đi tìm ngựa ngày càng thêm nhiều, phải làm sao xoay mặt họ lại, luôn cả Tổ Sư cùng đuổi ra một lượt, mới biết tri ơn báo ơn. Nếu không, ví như đuôi rùa dính sình mà quét dấu, càng quét càng thêm. Giải nghĩa lời Tổ Sư cũng giống như thế.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Đại địa vò lại bằng hạt gạo,
Công khai đánh trống mọi người xem.
Mạt vàng trong mắt nếu chưa trừ,
Muốn biết trắng đen cũng khó khăn.71. ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT
DỊCH
Nếu được như thế, lo gì chẳng xong.
LỜI KHAI THỊ
Đại tâm chẳng y trụ, đại hóa chẳng dấu tích, đại cơ xảo chẳng cần làm, đại nhiệm vụ chẳng ra sức, chỗ muôn pháp toàn hiển bày, ánh sáng và hình bóng đều diệt;lúc một mảy lông chẳng hiện ra, lại chất đầy như núi.Mối trắng ăn lũng tâm Phật sắt, ruồi xanh đạp gãy lưng trâu vàng. Triệu Châu thấy ông buông chẳng xuống, Yển Khê lại từ chỗ này vào. Tùy tay đem đến, tùy miệng nhổ ra, trí đâu thể biết, thức đâu nhận được.
Bao người ngó nhằm bị mù mắt,
Bất tài thừa kế uổng hứa khả.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ Sư nói : "ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT", người nghĩa giải cho rằng : Kinh Pháp Hoa nói : "Nay ta vì ông bảo nhậm việc này, trọn chẳng hư dối", tức là ý "ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT" của Tổ sư, là lời vì người học mà bảo nhậm. Sự chí thành sách tấn thấy rõ ở đây.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Dù vậy, y quả được như thế hay chưa? Dẫu cho vừa nghe liền gật đầu ba cái đã trễ tám khắc, suy nghĩ chốc lát thì bị bỏ mất quá lâu rồi!
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Như thế, như thế, cứ như thế,
Việc xong lúc nào tìm hỏi ai?
Gỡ được nhiều lớp da mặt sắt,
Đường về quê hương vẫn xa xôi.
72. TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM
DỊCH
Tin tự tâm là bất nhị, bất nhị phải tin tự tâm.
LỜI KHAI THỊ
"Tâm là căn, pháp là trần, hai thứ như dấu bụi trên gương", Vĩnh Gia đại sư nói quá lố, muốn đục mở con mắt trời người, còn như cách biển. Sao chẳng nói : "Tâm phi căn pháp phi trần, cùng chuyển Như Lai chánh pháp luân"? Bỗng có người nói : "Lời Vĩnh Gia như cách biển, lời ông nói như biển cách", đâu bằng Tam Tổ nói "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM". Hai câu này như trái cân sắt, muốn đục chẳng lũng. chỉ nói với y : "Im đi, im đi! Kêu đến máu chảy cũng vô dụng, không bằng ngậm miệng qua xuân tàn".
LỜI NGHĨA GIẢI
Hoặc có người nghĩa giải ý Tổ Sư rằng; chúng sanh mê tâm này đã lâu, nơi một pháp vọng sanh phân biệt, mỗi mỗi phân biệt đều là nhị. Nay thấy mình là tự ắt thấy người là tha, ấy gọi là cái nhị của tự tha. Từ đây sanh khởi vô số phân biệt, nhị lại thêm nhị, dùng toán số thí dụ cũng chẳng thể biết được số lượng, cho nên lòng từ bi của Tổ Sư thái quá, đề ra hai câu "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM" làm chánh ấn (con dấu chánh pháp), ngay đầu thiền giả dùng ấn ấn định, như nắm bâu áo thì cả áo đều xuôi theo. Sấm sét đánh thức người mê mộng, nắng trời rọi khắp đường tối tăm, khiến người mù thấy, người điếc nghe, người nghèo thành giàu, người ngu thành trí. Chẳng lìa căn nhà chiêm bao, cao đăng quốc độ chơn giác, dùng thân huyễn thẳng chứng bản thể kim cang, đáng xưng là thuốc thần trị bệnh sanh tử, là bậc đạo sư hướng dẫn từ phàm vào thánh.
Rất hay, rất hay.
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Khen ngợi tạm ngưng đi! Chính ngay lúc ngộ đạo, cái thuyết "bất nhị" này, còn có chỗ dung nạp hay không? Nếu không có chỗ dung nạp, thì Tổ Sư đến đây cũng đáng ăn gậy.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Thánh phàm mê ngộ đều bất nhị,
Thấu rõ vốn từ tín tâm ra.
Tâm chẳng sanh diệt ai mê ngộ?
Khi không nhảy vào hầm lửa hồng.
73. NGÔN NGỮ ĐẠO ĐOẠN, PHI KHỨ LAI KIM
DỊCH
Đường ngôn ngữ chấm dứt, chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai.
LỜI KHAI THỊ
Nói tâm tâm, phi tâm phi tâm. Tâm là phi tâm, phi tâm là tâm, giở đầu lên kéo chẳng dứt, buông tay xuống lại khó tìm. Những dây dưa này khởi từ Tây Trúc đã hơn 2000 năm, trong đó Tổ Tây Thiên 28 vị, truyền Đông Độ 6 đời, cho đến kẻ ngu độn 1700, bày đặt muôn thứ, trừ mãi chẳng hết, kéo nhánh dẫn dây, thẳng đến ngày nay, biến ra lò rèn trui phàm luyện thánh, hóa thành tòng lâm, ngâm gió vịnh trăng. Bỗng có nhị kiến đua nhau khởi, giúp cho dị-chứng (tu chứng khác biệt) bài xích nhau. Phát thuốc đã nhiều mà bệnh càng thêm nặng, huống là lộn vào độc của tà ma ngoại đạo, thành bệnh bó tay vô phương trị. Ngày nay trị ngựa chết xem như trị ngựa sống.
Im lặng giây lâu nói : "Thuốc cơ xảo gật đầu 3 cái để tỏ ngộ, ngoài ngôn ngữ câu được cá lý ngư".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người nghĩa giải cho rằng : Đã là đường ngôn ngữ chấm dứt, thì bài MINH này chẳng phải lời thừa hay sao! Xem lời "Chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai", mới biết mặt mũi của Tổ Sư còn đây!
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Đừng nên xuyên tạc bậy bạ, làm trò cười cho kẻ bàng quan; họ đâu biết lý vốn viên dung, đạo chẳng thể lìa, đường ngôn ngữ chấm dứt mà lại nói dài dòng đủ thứ, lời giải bừng bừng như lửa. Chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, thanh tịnh pháp thân thường tịch diệt, độc dược đề hồ khuấy thành l chén, vàng ròng miểng ngói vò thành l viên. Chỗ dùng không khác lại có tiêu chuẩn, kẻ một chân đạp tới đáy, chẳng có dấu tích; kéo 3 lần chẳng quày đầu, vọng tự tính toán. Thật là Thánh sư của một đời, là mô phạm cho trăm kiếp, rút tủy phượng hoàng ra làm món ăn lạ cho cửa Thiền; lấy gân sư tử, dứt tuyệt tiếng vang nơi nhà chí linh. Dù vậy, nhưng Tổ sư có chịu nhận cơm trà này hay không? Hãy thu dẹp dây dưa, mặc cho luận bàn.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Chim vẽ chén sành hót nhạc xưa,
Lừa mù đêm khuya đổi giọng ca.
Đường ngôn ngữ dứt, đạo chẳng dứt,
Mặc kệ người đời loạn suy tư.
ĐOẠN TỒNG KẾT
Phi văn phi tự, vô Phật vô tâm. Đem không lấp không, dùng độc trị độc. Công án của Tổ Tăng Xán thường tồn, tiếng tăm của Tông Đạt Ma chẳng suy. Mặc cho người đọc TÍN TÂM MINH, rất kî ghi nhớ lời của Tổ. Thùng sơn đen vô ý đập lũng đáy, ngọc kỳ lân ngay đó kéo quay về. Dùng hết gia tài cổ Phật, làm mù chánh nhãn đương cơ. xin hỏi linh nghiệm ở câu nào?
TÍN TÂM
MINH TỊCH NGHĨA GIẢI HẾT.
TIỂU SỬ
TÁC GIẢ
HÀNG CHÂU
THIÊN MỤC TRUNG PHONG
Minh Bổn Thiền Sư (1263-1323) họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả nữa, là đã biết ngồi kiết già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật. Phàm chơi đùa đều làm theo Phật Sự - Chín tuổi, mẹ mất - Mười lăm tuổi, có ý muốn xuất gia. Nhàn xem Truyền Đăng Lục, đến chỗ Am-ma-la nữ hỏi ngài Văn Thù: "Đã biết rõ sanh là lý bất sanh, tại sao lại bị sanh tử lưu chuyển?". Do đó liền phát nghi.
Sau ngài đi tham vấn hoà thượng Cao Phong Diệu.
Tính ngài Cao Phong Diệu rất nghiêm khắc. Bình thường, khi nói chuyện, ngài không biểu lộ tình cảm ra sắc mặt. Vậy mà, khi vừa gặp ngài Minh Bổn, thì ngài Cao Phong lộ vẻ rất vui mừng, hứa khả cho xuống tóc liền.
Nhân khi tụng kinh Kim Cang, đến chỗ "gánh vác Như Lai", trong tâm ngài hoát nhiên mở mang, đến khi thấy nước suối chảy, bèn bừng tỏ ngộ. Ngài bèn chạy đến Hòa Thượng Diệu Cao Phong cầu ấn chứng, bị hoà thượng đánh đập đuổi ra.
Một hôm, nhân có lệnh vua tuyển đồng nam đồng nữ vào cung, ngài Minh Bổn đến hỏi hòa thượng Diệu :
Nếu bỗng nhiên có người muốn hòa thượng lấy mấy người đồng nam đồng nữ thì làm sao?
Hòa thượng Diệu đáp :
Ta cứ đưa cây trúc bề cho họ. Sư ngay lời nói, ngộ triệt để.
Hòa Thượng Diệu Cao Phong liền tự đề chân dung, phó chúc kệ cho sư :
Ngã tướng bất tư nghì
Phật tổ mạc năng thất
Độc hứa bất tiếu nhi
Đắc kiến bán biên tỉ
Dịch :
Ngã tướng bất tư nghì
Phật tổ chẳng thể biết
Chỉ hứa thằng du côn
Được thấy nửa bên mũi
Có người hỏi Hòa thượng Diệu :
Trong các đệ tử của ngài, ai hơn, ai kém?
Hòa thượng đáp :
Thủ tọa Nghĩa cố nhiên là cây trúc già, nhưng vẫn còn bảy tám đốt cong. Chỉ duy na Bổn mới thật là cây tre xuất sắc trong rừng tre. Sau này thành đạt không thể hạn lượng.
Sư không ở nơi nào nhất định. Khi thì dưới thuyền, lúc trong am cỏ. Mọi người gọi Sư là "Huyễn Trụ". Tăng tục giành nhau chiêm lễ, tôn xưng ngài là Cổ Phật miền Giang Nam.
Vua Nhân Tông nhà Nguyên thỉnh sư về triều. Sư từ tạ không đến. Vua ban cho Sư áo cà sa kim lan và phong hiệu là Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền Sư.
Sư thường quở người học chỉ quí ngôn thuyết, chẳng cầu thực ngộ.
Ngài nói :
Nay người tham thiền không được linh nghiệm là vì :
1. Không có chí khí chân thực như người xưa.
2. Không lấy sanh tử vô thường cho là việc lớn.
3. Tập khí từ nhiều kiếp đã không buông xuống được, lại không giữ được quyết tâm bền vững, không lui sụt.
Bệnh tại sao?
Đó chỉ vì không nhận biết được căn bản của sinh tử.
Phàm gặp người học, ngài hỏi :
Ngươi gọi cái gì là sanh tử?
Thì họ hoặc mịt mù không trả lời, hoặc trả lời sanh không biết chỗ đến, chết không biết chỗ đi là sanh tử.
Sư nói :
Dẫu cho biết, cũng vẫn là sanh tử!
Hoặc có người nói :
Một niệm khởi là sanh, một niệm diệt là tử.
Sư nói :
Lìa một niệm khởi diệt cũng là sanh tử vậy. Phàm có lời nói đều là nhánh lá thôi, chẳng phải căn bản. Cái căn bản là tánh chân thật viên tròn sáng tỏ vốn chẳng có tướng sinh diệt khứ lai. Chỉ vì bất giác bỗng khởi vọng tâm, lạc mất bổn nguyên, uổng chịu luân hồi, cho nên nói "mê thì sanh tử bắt đầu, ngộ thì luân hồi ngưng nghỉ". Nên biết sơn hà đại địa, sáng tối, sắc không, ngũ uẩn, tứ đại, cho đến các pháp động tịnh, đều là nguồn gốc của sanh tử. Nếu chưa từng hướng vào pháp chân thực, hoát nhiên siêu ngộ, lại còn ở ngoài ngộ tạo dựng cuộc sống ngồi trong hang ổ, đối với biển sanh tử hoặc còn mảy may chưa tẩy sạch, thì khó tránh được sự mê hoặc của cảnh duyên thù thắng. Từ mê, sanh khởi dị khiến, dù nói đã rõ rồi, chứ thực ra thì chưa. Cần phải thống thiết vì đại sự sinh tử, cho đó là việc trọng đại nhất của mình. Tâm trộm cắp chết sạch mới có thể hy vọng. Nếu còn mảy may kiến chấp thiện ác, lấy bỏ, yêu ghét, dứt nối, thì sanh ra nhánh lá rồi, cần phải cẩn thận.
Ngày 15 tháng 8 năm Quý Hợi, tức năm 1323 dương lịch, ngài thuyết kệ từ giã chúng rằng :
Ngã hữu nhất cú
Phân phó đại chúng
Cánh vấn như hà
Vô bản khả cứ
Dịch
Ta có một câu
Phó chúc đại chúng
Lại hỏi thế nào
Vốn chẳng căn cứ.
Rồi ngài buông bút ngồi mà tịch. Đệ tử xây tháp thờ ngài nơi hướng Tây núi Thiên Mục.
Năm thứ hai niên hiệu Nguyên Thông (1334) vua Thuận Đế nhà Nguyên Truyền cho ba chục quyễn Quảng Lục vào Đại Tạng Kinh và phong ngài hiệu là Phổ Ứng Quốc Sư.
Ghi Chú
Tâm trộm cắp : Ý ngài muốn nói người tham thiền ngoài nghi tình, hễ có nổi lên bất cứ một niệm nào, dù là Bồ đề Niết bàn, cũng đều chướng ngại cho sự kiến tánh, đều gọi là tâm trộm cắp.
信心銘 Tín Tâm Minh
至道無難唯嫌揀擇 1 Chí đạo vô nan duy hiềm giản trạch
但莫憎愛洞然明白 2 Đản mạc tăng ái động nhiên minh bạch
毫厘有差天地懸隔 3 Hào ly hữu sai thiên địa huyền cách
欲得現前莫存順逆 4 Dục đắc hiện tiền mạc tồn thuận nghịch.
違順相爭是為心病 5 Vi thuận tương tranh thị vi tâm bệnh
不識玄旨徒勞念靜 6 Bất thức huyền chỉ đồ lao niệm tĩnh
圓同太虛無欠無餘 7 Viên đồng thái hư vô khiếm vô dư
良由取捨所以不如 8 Lương do thủ xả sở dĩ bất như.
莫逐有緣勿住空忍 9 Mạc trục hữu duyên vật trụ không nhẫn
一種平懷泯然自盡 10 Nhất chủng bình hoài dẫn nhiên tự tận
止動歸止止更彌動 11 Chỉ động quy chỉ chỉ cánh di động
唯滯兩邊寧知一種 12 Duy trệ lưỡng biên ninh tri nhất chủng.
一種不通兩處失功 13Nhất chủng bất thông lưỡng xứ thất công
遣有沒有從空背空 14 Khiển hữu một hữu tùng không bối không
多言多慮轉不相應 15 Đa ngôn đa lự chuyểnbất tương ưng
絕言絕慮無處不通 16Tuyệt ngôn tuyệt lự vô xứ bất thông.
歸根得旨隨照失宗 17 Quy căn đắc chỉ tùy chiếu thất tông
須臾返照勝卻前空 18 Tu du phản chiếu thắng khước tiền không
前空轉變皆由妄見 19 Tiền không chuyển biến giai do vọng kiến
不用求真唯須息見 20 Bất dụng cầu chơn duy tu tức kiến.
二 見 不 住 愼 莫 追 尋 21 Nhị kiếnbất tụ thậnmạc truy tầm
才 有 是 非 紛 然 失 心 22 Tài hữu thị phi phânnhiênthấttâm
二 由 一 有 一 亦 莫 守 23Nhị donhất hữu nhất diệc mạcthủ
一 心 不 生 萬 法 無 咎 24 Nhất tâmbất sanhvạnpháp vôcữu.
無 咎 無 法 不 生 不 心 25 Vô cữu vô phápbất sanh bấttâm
能 隨 境 滅 境 逐 能 沈 26 Năng tùy cảnh diệt cảnh trục năng trầm
境 由 能 境 能 由 境 能 27 Cảnh do năng cảnh năng do cảnh năng
欲 知 兩 段 元 是 一 空 28 Dục tri lưỡng đoạn nguyên thị nhất không.
一 空 同 兩 齊 含 萬 象 29 Nhất không đồng lưỡng tề hàm vạn tượng
不 見 精 麤 寧 有 扁 黨 30 Bất kiến tinh thô ninh hữu thiên đảng
大 道 體 寬 無 易 無 難 31 Đại đạo thể khoan vô dị vô nan
小 見 狐 疑 轉 急 轉 遲 32 Tiểu kiến hồ nghi chuyển cấp chuyển trì.
執之失度必入邪路 33 Chấp chi thất độ tất nhập tà lộ
放之自然體無去住 34 Phóng chi tự nhiên thể vô khứ trụ
任性合道逍遙絕惱 35 Nhậm tánh hợp đạo tiêu dao tuyệt não
繫念乖真昏沈不好 36 Hệ niệm quai chơn hôn trầm bất hảo.
不好勞神何用疏親 37 Bất hảo lao thần hà dụng sơ thân
欲取一乘勿惡六塵 38Dục thủ nhất thừa vật ố lục trần
六塵不惡還同正覺 39 Lục trần bất ác hoàn đồng chánh giác
智者無為愚人自縛 40 Trí giả vô vi ngu nhân tự phược.
法無異法妄自愛著 41 Pháp vô dị pháp vọng tự ái trước
將心用心豈非大錯 42 Tương tâm dụng tâm khởi phi đại thác
迷生寂亂悟無好惡 43 Mê sanh tịch loạn ngộ vô hảo ác
一切二邊良由斟酌 44 Nhất thiết nhị biên lương do châm chước
夢幻虛華何勞把捉 45 Mộng huyễn hư hoa hà lao bả tróc
得失是非一時放卻 46Đắc thất thị phi nhất thời phóng khước
眼若不睡諸夢自除 47 Nhãn nhược bất thụy chư mộng tự trừ
心若不異萬法一如 48Tâm nhược bất dị vạn phápnhất như.
一如體玄兀爾忘緣 49 Nhất như thể huyền ngột nhĩ vong duyên
萬法齊觀歸復自然 50Vạn pháp tề quán qui phục tự nhiên
泯其所以不可方比 51 Dẫn kỳ sở dĩ bất khả phương tỷ
止動無動動止無止 52 Chỉ động vô động động chỉ vô chỉ.
兩 既 不 成 一 何 有 爾 53 Lưỡng ký bất thành nhất hà hữu nhĩ
究 竟 窮 極 不 存 軌 則 54 Cứu cánh cùng cực bất tồn quỹ tắc
契 心 平 等 所 作 俱 息 55 Khế tâm bình đẳng sở tác câu tức
狐 疑 盡 淨 正 信 調 直 56 Hồ nghi tận tịnh chánh tín điều trực.
一切不留無可記憶 57 Nhất thiết bất lưu vô khả ký ức
虛明自照不勞心力 58 Hư minh tự chiếubất lao tâm lực
非思量處識情難測 59 Phi tư lượng xứ thức tình nan trắc
真如法界無他無自 60Chân như pháp giới vô tha vô tự.
要急相應唯言不二 61Yếu cấp tương ưng duy ngôn bất nhị
不二皆同無不包容 62 Bất nhị giai đồng vô bất bao dung
十方智者皆入此宗 63 Thập phương trí giả giai nhập thử tông
宗非促延一念萬年 64Tông phi xúc diên nhất niệm vạn niên.
無在不在十方目前 65 Vô tại bất tại thập phương mụctiền
極小同大忘絕境界 66Cực tiểu đồng đại vong tuyệt cảnh giới
極大同小不見邊表 67 Cực đại đồng tiểu bất kiến biên biểu
有即是無無即是有 68 Hữu tức thị vô vô tức thị hữu.
若不如此必不須守 69Nhược bất như thử tất bất tu thủ
一即一切一切即一 70 Nhất tức nhất thiết nhất thiết tức nhất
但能如是何慮不畢 71Đản năng như thị hà lự bất tất
信心不二不二信心 72 Tín tâm bất nhị bất nhị tín tâm
言語道斷非去來今 73 Ngôn ngữ đạo đoạn phi khứ lai kim
Tin Vào Tâm
1.Đạo lớn không khó với ai không phân biệt.
2. Không còn yêu ghét, thì mọi sự đều sáng tỏ, minh bạch,
3. Chỉ một thoáng phê phán cũng khiến đất trời xa nhau vô tận
4. Muốn đạt chân lý hãy tránh phân biệt phải trái.
5. Bận rộn với đúng sai là bệnh của tâm.
6. Chưa hiểu bản chất của sự vật thì tâm còn bất an.
7.ĐườngĐạo hoàn hảo như không gian, không thiếu cũng không thừa.
8. Chính vì cứ khẳng định hoặc phủ nhận nên chẳng bao giờ nhận được thực chất của sự vật.
9. Chẳng nên vướng mắc vào ngoại vật hoặc đắm mình vào cảnh không bên trong.
10. Sống ung dung tự tại, hài hòa với mọi sự vật thì chẳng còn mê lầm.
11. Càng muốn ngưng hoạt động để được an tịnh thì càng vọng động.
12. Còn đi từ thái cực này sang thái cực khác thì càng xa tâm Phật.
13. Còn ôm giữ tâm phàm thì có năng động hay an tịnh, khẳng định hay phủ nhận thì cũng chẳng tìm ra tâm Phật.
14. Phủ nhận thực chất của sự vật là không nắmđược thực tại.Công nhận sự vật không thật cũng không nắmđược thực tại.
15. Càng nghĩ càng bàn đến, thì càng xa chân lý.
16. Thôi nghĩ bàn thì sẽ hiểuđược tất cả
17. Trở về nguồn cội là tìm được thực chất của mình.Chạy theo hình tướng bên ngoài hay muốn giác ngộ là càng xa lìa nguồn cội.
18. Tỉnh thức dù chỉ trong chốc lát cũng là vượt khỏi hình tướng và hư không.
19. Ta coi những biến chuyển trong hư không là thực chỉ vì còn mê lầm.
20. Chẳng nên đi tìm chân lý, chỉ cần từ bỏ mọi quan niệm.
21. Không nên lúc nào cũng phân biệt tốt, xấu; hơn thế nữa, nên thận trọng dẹp bỏ thói quen này.
22. Còn quyến luyếnđiều nàyđiều nọ, còn phê phánđúng sai, thì tâm sẽ rối loạn.
23. Dù tốt hay xấu cũng từ một gốc mà ra, nhưng bám víu vào gốc này thì cũng chẳng nên.
24. Nếu trênđườngđạo tâm không xao động, thì chẳng có gì làm bận lòng.Một khi sự vật không còn làm bận lòng, chúng không còn như xưa.
25. Không còn quyến luyến tư tưởng yêu ghét, cái tâm cũ không còn nữa.
26. Một khi “ta” và sự vật bên ngoài không còn chia chẻ thì tâm cũng chẳng còn.Cũng như vậy, khi chủ thể suy tưởng không còn thì các sự vật đối tượng cũng chẳng còn.
27. Vì có chủ thể nên mới có sự vật đối tượng.Vì có sự vật nên mới có tâm chủ thể.
28. Hãy hiểu rằng chủ thể và đối tượng chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất: tánh không.
29. Trong tánh không này, hai mặt thật sự chỉ là một và trong mỗi mặt là toàn thể các hiện tượng.
30. Nếu không phân biệt thô và tinh tế, thì cũng sẽ không có thành kiến hoặc quan niệm.
31. Sống theo đạo lớn không dễ cũng chẳng khó.
32. Những ai có lối nhìn hạn hẹp thường sợ hãi và thiếu cương quyết.Càng vội vã, càng tiến chậm.
33. Tâm còn hẹp hòi và còn ham muốn giác ngộ là hoàn toàn sai lầm.
34. Cứ để mọi chuyện xẩy ra tự nhiên, thì chẳng cóđi hayở.
35. Cứ theo bản tính tự nhiên thì sẽ bước tự do không vướng ngại.
36. Khi tâm vướng bận, chân lý bị che khuất vì mọi vật đều mờ ảo tối tăm.
37. Phê phán chỉ làm mệt mỏi và đemđến khó khăn.Phân biệt, chia chẻ thì lợi ích gì?
38. Muốn bước trên đườngđạo, nên tránh ghét bỏ cả thế giới của giác quan và của tư tưởng.
39. Thật vậy, hoàn toàn chấp nhận là thật sự giác ngộ.
40. Kẻ hiền không mong cầu điều gì trong khi người ngu xuẩn cứ tự trói buộc mình.
41. Chỉ có một chân lý, một đường đạo, một giới luật, không có nhiều. Kẻ mê muội vì cần bám víu nên thích phân biệt.
42.Đi tìm trí tuệ bằng cái tâm phân biệt là sai lầm lớn nhất.
43. Tĩnh và độngđều là ảo tưởng. Một khiđ ã giác ngộ thì không cònyêu hay ghét.
44. Vì thiếu sáng suốt nên mới phân biệt tốt xấu.
45. Tốt xấu, phải trái giống như ảoảnh, huyễn mộng.Có khờ mới muốn nắm bắt lấy chúng.
46. Phải từ bỏ những tư tưởng hơn thiệt,đúng sai tức thời
47. Không bao giờ ngủ thì làm sao có mộng.
48. Cái tâm không phân biệt thì vạn vật hiện hữu như thế, nghĩa là chúng có cùng một thực chất.
49. Hiểu được bí mật của thực chấtđộc nhất này thì thoát khỏi mọi vướng mắc.
50. Nhìn được mọi vật như nhau thì đạt được tinh túy của đại ngã.
51. Không thể nào so sánh hay diễn tả trạng thái tự tại, không liên hệ này.
52. Khi không có hoạtđộng thì có tĩnh và khi có tĩnh thì làm gì có ngưng hoạt động?
53. Khi những đối nghịch không còn, thì trạng thái đồng nhất cũng không còn.
54. Khi đã đến trạng thái cuối cùng này thì không thể áp dụngđịnh luật nào được nữa.
55. Vì cái tâmđồng nhất với đạo không cần cố gắng nữa.
56. Nghi ngờ và ngập ngừng tiêu tan.Sự thật sáng tỏ trong tâm.
57. Trong thoáng chốc, xiềng xích được tháo gỡ.Không còn gì níu kéo, cũng không còn gì để bám víu vào.
58. Tất cả trống không, rõ ràng, tự sáng tỏ, không cần vận dụng đến trí.
59. Tư tưởng, cảm xúc, tri kiến trở thành vô nghĩa.
60. Trong cõi như thị này, chẳng còn ngã cũng chẳng còn cái gì không phải là ngã.
61.Để sống hòa hợp với thực tại này, mỗi khi ngờ vực thì chỉ cần nói “Không Hai”.
62. Trong “không hai”, không có gì phân cách, không có gì bị loại ra ngoài.
63. Bất luận khi nào hay ở đâu, giác ngộ là bước vào chân lý này.
64. Chân lý vượt khỏi thời gian và không gian dù thu hẹp hay nới rộng. Trong chân lý này, một tư tưởng dài muôn năm.
65. Hư vô ởđây hư vô ở kia. Thật ra, vũ trụ vô tận lúc nào cũng ở trước mắt.
66. Vũ trụ hoặc vô cùng bát ngát hoặc vô cùng li ti.
67. Cũng như nhau thôi vì định nghĩa và biên giớiđã tan rã.
68.Đối với hiện hữu và không hiện hữu cũng vậy.
69.Đừng phí thì giờ bàn cãi hay tìm hiểu cái không thể hiểu.
70. Mỗi sự vật là sự thể hiện của cái độc nhất.Đồng thời, cái độc nhất thể hiện dưới hình thức mọi sự vật.
71. Sống được như vậy thì chẳng còn phải lo âu đến những gì không hoàn mỹ.
72. Tin vào Tâm là sống không chia chẻ, là hòa mình với nguồn gốc của mọi sự vật..
73. Ngôn ngữ! Đạo vượt khỏi ngôn ngữ, vì trên đường Đạo không có hôm qua, không có ngày mai, không có hôm nay.
rgetB